Chương VII Nghị định 46/2021/NĐ-CP: Chế độ kế toán, kế hoạch tài chính, chế độ báo cáo và kiểm toán
Số hiệu: | 46/2021/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 31/03/2021 | Ngày hiệu lực: | 01/06/2021 |
Ngày công báo: | 13/04/2021 | Số công báo: | Từ số 529 đến số 530 |
Lĩnh vực: | Tiền tệ - Ngân hàng, Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Phương pháp hạch toán:
a) Ngân hàng Phát triển thực hiện hạch toán thu nhập, chi phí theo phương pháp kế toán thực thu - thực chi (riêng đối với các khoản thu cấp bù lãi suất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định này và thu phí quản lý do ngân sách nhà nước cấp, Ngân hàng Phát triển hạch toán dự thu; đối với quỹ lương còn lại chưa chi hết trong năm, Ngân hàng Phát triển hạch toán dự chi). Ngân hàng Phát triển chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và tính chính xác, trung thực của các khoản thu, chi; thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán;
b) Trong thời hạn tối đa 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển phải thực hiện hạch toán theo phương pháp kế toán dồn tích.
2. Ngân hàng Phát triển thực hiện chế độ kế toán do Bộ Tài chính hướng dẫn. Công tác thống kê của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Năm tài chính của Ngân hàng Phát triển bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
Báo cáo về kế hoạch tài chính hằng năm của Ngân hàng Phát triển gồm các nội dung sau:
1. Kế hoạch nguồn vốn - sử dụng vốn bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Tổng nguồn vốn trong năm, trong đó chi tiết một số nguồn vốn như: vốn điều lệ; vốn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; vốn huy động trong và ngoài nước (chi tiết huy động vốn qua phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh); nhận nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để cho vay lại theo thỏa thuận vay vốn nước ngoài ký với nhà tài trợ hoặc hợp đồng cho vay lại vốn nước ngoài ký với Bộ Tài chính (nếu có) và nguồn vốn khác (nếu có);
b) Tổng nhu cầu sử dụng nguồn vốn trong năm, trong đó chi tiết một số nội dung: thanh toán các khoản huy động đến hạn (chi tiết khoản trả nợ trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh); đảm bảo chỉ tiêu vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao; nhiệm vụ cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các khoản sử dụng vốn khác (nếu có);
c) Các thuyết minh kế hoạch kèm theo (nếu có), trong đó thuyết minh chi tiết về tỷ lệ nợ xấu dự kiến của năm kế hoạch.
2. Kế hoạch cấp bù lãi suất và phí quản lý.
3. Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, nâng cấp, hiện đại hóa tài sản gồm các chỉ tiêu: Dự kiến nhu cầu đầu tư các dự án xây dựng cơ bản chuyển tiếp và phát sinh mới trong năm; dự kiến mua sắm tài sản mới, nâng cấp, hiện đại hóa các tài sản hiện có; dự kiến bố trí nguồn từ quỹ đầu tư phát triển, vốn đầu tư do ngân sách nhà nước cấp (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Kế hoạch thu nhập, chi phí, kết quả tài chính: Dự kiến tổng thu nhập trong năm (chi tiết một số nội dung: thu lãi cho vay; thu lãi tiền gửi; thu phí; thu cấp bù lãi suất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 và phí quản lý được hưởng trong năm kế hoạch theo quy định của Nghị định này); dự kiến tổng chi phí phát sinh trong năm kế hoạch (chi tiết một số nội dung chi: các khoản chi hoạt động nghiệp vụ; các khoản trích dự phòng; các khoản chi hoạt động bộ máy); dự kiến kết quả tài chính năm kế hoạch.
5. Kế hoạch lao động, tiền lương: Tổng số lao động dự kiến trong năm kế hoạch; mức tiền lương bình quân của người lao động trong năm kế hoạch; quỹ tiền lương kế hoạch theo quy định.
6. Kế hoạch cấp hỗ trợ sau đầu tư đối với các Hợp đồng phát sinh trước thời điểm Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và kế hoạch cấp bổ sung quỹ dự phòng bảo lãnh theo quy định của pháp luật.
7. Lập báo cáo kế hoạch tài chính:
a) Việc lập và gửi báo cáo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm của Ngân hàng Phát triển được thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về giao hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm kế hoạch, căn cứ kết quả hoạt động của năm trước, Ngân hàng Phát triển rà soát, hoàn chỉnh báo cáo về kế hoạch tài chính gửi Bộ Tài chính để phục vụ công tác giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển;
c) Bộ Tài chính thực hiện rà soát lại báo cáo về kế hoạch tài chính do Ngân hàng Phát triển lập để có ý kiến chính thức bằng văn bản và giao chỉ tiêu đánh giá, xếp loại đối với Ngân hàng Phát triển chậm nhất 30 ngày làm việc sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm kế hoạch. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Hội đồng quản trị phê duyệt kế hoạch tài chính năm của Ngân hàng Phát triển.
8. Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, Ngân hàng Phát triển tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch quy định tại Điều này.
1. Ngân hàng Phát triển thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ, công bố kết quả hoạt động tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về số liệu đã công bố.
2. Báo cáo tài chính hằng năm của Ngân hàng Phát triển được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập.
3. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Ngân hàng Phát triển theo kế hoạch của Kiểm toán nhà nước.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, Ngân hàng Phát triển phải gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và công khai các báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật.
1. Báo cáo về kế hoạch tài chính theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
2. Báo cáo tài chính/Báo cáo quyết toán tài chính gồm:
a) Báo cáo tình hình tài chính (Bảng cân đối kế toán);
b) Báo cáo kết quả hoạt động;
c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
d) Thuyết minh báo cáo tài chính.
3. Các báo cáo hoạt động nghiệp vụ gồm:
a) Bảng cân đối tài khoản cấp II (bao gồm cả tài khoản ngoại bảng);
b) Báo cáo phân loại nợ của Ngân hàng Phát triển;
c) Báo cáo trích lập dự phòng rủi ro tín dụng;
d) Báo cáo cấp bù lãi suất và phí quản lý.
4. Báo cáo tình hình hoạt động gồm:
a) Việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản đối với toàn bộ hoạt động tại Ngân hàng Phát triển quy định tại Điều 8 Nghị định này;
b) Thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý Ngân hàng Phát triển, Ban Kiểm soát theo quy định hiện hành của pháp luật đối với Ngân hàng Phát triển;
c) Kết quả tài chính và trích lập các quỹ sau chênh lệch thu chi của Ngân hàng Phát triển;
d) Đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của Ngân hàng Phát triển theo các tiêu chí quy định tại Nghị định này.
5. Quy định về lập và gửi báo cáo:
a) Đối với báo cáo tài chính: Báo cáo tài chính hợp nhất lập theo năm và báo cáo tài chính riêng lẻ lập theo quý/năm; Báo cáo quyết toán tài chính hằng năm được Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển phê duyệt trước khi gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
b) Đối với báo cáo hoạt động nghiệp vụ: Các báo cáo hoạt động nghiệp vụ được gửi cho Bộ Tài chính theo định kỳ hàng quý, năm và đột xuất khác theo yêu cầu của Bộ Tài chính;
c) Đối với báo cáo tình hình hoạt động: Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm lập và gửi báo cáo tình hình hoạt động cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định kỳ 06 tháng một lần; Hội đồng quản trị lập báo cáo tình hình hoạt động kèm theo Báo cáo thẩm định của Ban Kiểm soát gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Căn cứ báo cáo tài chính, báo cáo tình hình hoạt động do Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển lập và các thông tin, tài liệu khác có liên quan, định kỳ 06 tháng một lần Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ sau khi lấy ý kiến tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực