Nghị định số 168/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương
Số hiệu: | 168/2018/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 28/12/2018 | Ngày hiệu lực: | 14/02/2019 |
Ngày công báo: | 10/01/2019 | Số công báo: | Từ số 35 đến số 36 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định chi tiết Điều 16 Luật Quốc phòng năm 2018 về nội dung công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương; Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương, cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương; trách nhiệm, mối quan hệ của Bộ, ngành trung ương, địa phương và kinh phí bảo đảm công tác quốc phòng.
Nghị định này áp dụng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của Đảng ở trung ương, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là Bộ, ngành trung ương), địa phương.
Nội dung cơ bản công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương; địa phương bao gồm:
1. Ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về quốc phòng theo thẩm quyền;
2. Lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động quốc phòng theo quy định của pháp luật;
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về quốc phòng theo quy định của pháp luật;
4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 Luật Quốc phòng, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
5. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý liên quan đến quốc phòng theo quy định của pháp luật;
6. Báo cáo, giao ban, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác quốc phòng.
1. Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương (trừ Bộ Công an) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, gồm Chỉ huy trưởng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu Bộ, ngành trung ương; Chính trị viên là Bí thư hoặc Phó bí thư ban cán sự Đảng, Đảng đoàn hoặc cấp ủy Đảng cùng cấp; Phó chỉ huy trưởng là lãnh đạo cấp vụ hoặc tương đương trở lên, Chính trị viên phó là lãnh đạo cấp vụ có chuyên môn phù hợp.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự liên quan đến lĩnh vực quản lý, Bộ, ngành trung ương được bố trí không quá 03 Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự.
2. Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương tham mưu cho Bộ, ngành trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật Quốc phòng, Nghị định này, quy định khác của pháp luật có liên quan, cấp có thẩm quyền giao và có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Chủ trì tham mưu ban hành,văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng;
b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành quản lý thực hiện công tác dân quân tự vệ; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ;
d) Tham mưu xây dựng kế hoạch và huy động lực lượng dự bị động viên; động viên nguồn lực của Bộ, ngành trung ương bảo đảm cho quốc phòng; động viên bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; động viên công nghiệp; chuyển tổ chức, hoạt động của Bộ, ngành trung ương từ thời bình sang thời chiến;
đ) Tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, công nghiệp quốc phòng, an ninh;
e) Tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện việc kết hợp kinh tế - xã hội, an ninh, đối ngoại với quốc phòng; thực hiện phòng thủ dân sự;
g) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao.
3. Quy chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương do người đứng đầu Bộ, ngành trung ương ban hành.
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức trách nhiệm vụ của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương.
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể Ban chỉ huy quân sự; bổ nhiệm, miễn nhiệm Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương.
2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể Ban chỉ huy quân sự; bổ nhiệm, miễn nhiệm Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương quy định như sau:
a) Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị thành lập, giải thể Ban chỉ huy quân sự của Bộ, ngạnh trung ương; danh sách đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương;
b) Trình tự, thời hạn thực hiện
Bộ, ngành trung ương có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản này gửi Bộ Quốc phòng (qua Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương của Bộ Quốc phòng) để thẩm định.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ chưa phù hợp thì Bộ Tổng Tham mưu có văn bản hướng dẫn Bộ, ngành trung ương hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tổng Tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, bổ nhiệm, miễn nhiệm.
3. Khi có thay đổi liên quan đến tổ chức, nhân sự Ban chỉ huy quân sự thì Bộ, ngành trung ương có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
1. Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương được sử dụng con dấu riêng.
2. Con dấu của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương được sử dụng vào các văn bản về quốc phòng và các văn bản liên quan đến công tác quốc phòng theo thẩm quyền.
3. Mẫu con dấu, thủ tục khắc dấu, thẩm quyền giải quyết thủ tục, đăng ký, quản lý con dấu của Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban chỉ huy quân sự cấp xã (sau đây gọi chung là cơ quan quân sự địa phương) là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở địa phương cùng cấp.
2. Cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng cấp và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng ở địa phương theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật về Dân quân tự vệ.
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Quốc phòng, nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, quy định khác của pháp luật có liên quan và có trách nhiệm sau:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương, địa phương về công tác quốc phòng.
2. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh quân khu giúp Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng trên địa bàn quân khu.
Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội giúp Bộ Quốc phòng và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý nhà nước về quốc phòng trên địa bàn.
3. Chủ trì hoặc phối hợp với Bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo; thực hiện công tác thi đua khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm công tác quốc phòng theo thẩm quyền.
4. Phối hợp với Bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Thực hiện nhiệm vụ theo quy định khác của pháp luật có liên quan và cấp có thẩm quyền giao.
Trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về quốc phòng và có trách nhiệm sau:
1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương, địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.
2. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của Luật Quốc phòng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao.
1. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 36 Luật Quốc phòng và có trách nhiệm sau:
a) Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng và thực hiện các kế hoạch về quốc phòng của cơ quan, tổ chức mình; phối hợp thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng theo quy định của pháp luật; thực hiện lệnh, quyết định, biện pháp trong giới nghiêm, thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, động viên cục bộ, tổng động viên, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu; sẵn sàng vũ trang bảo vệ Tổ quốc;
d) Thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân; chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao;
e) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng của cơ quan, tổ chức mình, trao đổi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để bố trí sĩ quan quân đội biệt phái làm công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật;
g) Chỉ đạo xây dựng, hoạt động Ban chỉ huy quân sự, cơ quan làm công tác quốc phòng; chỉ đạo sĩ quan quân đội biệt phái (nếu có) làm công tác quốc phòng ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định của pháp luật;
h) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thuộc quyền tham gia, phối hợp với cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ;
i) Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của cơ quan, tổ chức mình để phục vụ quốc phòng;
k) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc quyền có trụ sở chính tại địa phương thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
l) Phối hợp với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn sở, ban, ngành thuộc ngành, lĩnh vực quản lý thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
m) Thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật;
n) Thực hiện nhiệm vụ khác về quốc phòng theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cấp có thẩm quyền giao.
2. Trách nhiệm cơ quan của Đảng ở trung ương, cơ quan trung ương của các đoàn thể, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan của Đảng ở trung ương, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm sau:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý;
b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng và cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện việc kết hợp kinh tế - xã hội, an ninh, đối ngoại với quốc phòng của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách;
c) Phối hợp với Bộ Quốc phòng tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về quốc phòng theo nhiệm vụ được giao;
d) Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; phòng thủ quân khu; khu vực phòng thủ; lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền;
đ) Thực hiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm l, điểm n khoản 1 Điều này;
e) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm công tác quốc phòng trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 39 Luật Quốc phòng và có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, kiện toàn và hoạt động của Ban chỉ huy quân sự cơ quan mình theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.
4. Trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thuộc Chính phủ; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn, tổng công ty có trách nhiệm sau:
a) Ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng ở cơ quan, đơn vị mình;
b) Thực hiện việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, đối ngoại với quốc phòng theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về quốc phòng của cấp có thẩm quyền giao;
d) Thực hiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm n khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này;
đ) Cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn, tổng công ty bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao;
e) Tham gia xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ để phục vụ quốc phòng theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao;
g) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm công tác quốc phòng ở cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật.
1. Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và Điều 37 Luật Quốc phòng.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và Điều 38 Luật Quốc phòng;
b) Tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật;
c) Xây dựng tiềm lực, thực lực quốc phòng, hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân, cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ;
d) Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế - xã hội; kết hợp quốc phòng với an ninh và đối ngoại theo quy định của pháp luật;
đ) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao;
e) Xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
g) Chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống liên quan đến quốc phòng; chuẩn bị mọi mặt, thực hiện lệnh, quyết định, biện pháp trong giới nghiêm, thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, động viên cục bộ, tổng động viên, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và phục vụ chiến đấu lâu dài của địa phương; sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc theo quy định của pháp luật;
h) Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoạt động cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh - cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương;
i) Chỉ đạo xây dựng, kiện toàn và hoạt động Ban chỉ huy quân sự của cơ quan, tổ chức, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn; căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, đề nghị Bộ Quốc phòng bố trí sĩ quan quân đội biệt phái làm công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật;
k) Thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân; chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;
l) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ quốc phòng cấp có thẩm quyền giao; phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng;
m) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương phục vụ quốc phòng;
n) Thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo; thực hiện công tác thi đua khen thưởng; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật;
o) Thực hiện nhiệm vụ khác về quốc phòng theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh quân khu và cấp có thẩm quyền giao.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Thực hiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm k, điểm n, điểm o khoản 2 Điều này;
b) Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoạt động Ban chỉ huy quân sự cấp huyện - cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương;
c) Chỉ đạo xây dựng, kiện toàn và hoạt động Ban chỉ huy quân sự của cơ quan, tổ chức, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn theo thẩm quyền;
d) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án và nhiệm vụ quốc phòng được giao;
đ) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tham gia xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở cấp huyện phục vụ quốc phòng;
e) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng theo quy định của phán luật và cấp có thẩm quyền giao.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Thực hiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm k, điểm n, điểm o khoản 2 Điều này;
b) Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoạt động Ban chỉ huy quân sự cấp xã - cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương;
c) Tham gia thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án và nhiệm vụ quốc phòng được giao;
d) Tham gia xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền về huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở cấp xã phục vụ quốc phòng;
đ) Thực hiện động viên quốc phòng theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền giao;
e) Thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo nhiệm vụ được giao.
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của địa phương có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quốc phòng theo quy định tại Điều 39 Luật Quốc phòng.
1. Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương, địa phương về công tác quốc phòng.
2. Bộ, ngành trung ương chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về công tác quốc phòng liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý.
Bộ, ngành trung ương phối hợp với địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành trên địa bàn và cơ quan, đơn vị của địa phương thuộc ngành, lĩnh vực quản lý thực hiện công tác quốc phòng.
3. Bộ, ngành trung ương phối hợp với Bộ Tư lệnh quân khu chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương trên địa bàn thực hiện công tác quốc phòng; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành trên địa bàn thực hiện công tác quốc phòng.
4. Bộ Tư lệnh quân khu chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với địa phương thực hiện công tác quốc phòng trên địa bàn.
5. Quan hệ giữa các Bộ, ngành trung ương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); giữa các địa phương cùng cấp là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng thực hiện công tác quốc phòng.
1. Quan hệ giữa cơ quan quân sự địa phương với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp là mối quan hệ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành về công tác quốc phòng.
2. Quan hệ giữa cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự cấp huyện với Ủy ban nhân dân cấp xã là mối quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng.
3. Quan hệ giữa cơ quan quân sự địa phương với cơ quan, tổ chức cùng cấp thuộc địa phương quản lý là mối quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng.
4. Quan hệ giữa cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện với cơ quan, tổ chức thuộc bộ, ngành quản lý trên địa bàn là mối quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng.
5. Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự cấp xã với cơ quan, tổ chức trên địa bàn là mối quan hệ phối hợp thực hiện công tác quốc phòng có liên quan.
6. Quan hệ giữa cơ quan quân sự địa phương với cơ quan, tổ chức, địa phương giáp ranh là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng thực hiện công tác quốc phòng có liên quan.
1. Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương với Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, cấp ủy Đảng, người đứng đầu bộ, ngành trung ương là mối quan hệ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành về công tác quốc phòng.
2. Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương với Bộ Quốc phòng là mối quan hệ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng.
3. Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương với Bộ Tư lệnh quân khu là mối quan hệ phối hợp, thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư lệnh quân khu về công tác quốc phòng theo thẩm quyền.
4. Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương với cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng là mối quan hệ chịu sự hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng có liên quan.
5. Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện là mối quan hệ phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức của địa phương thuộc ngành, lĩnh vực quản lý thực hiện công tác quốc phòng có liên quan.
6. Quan hệ giữa Ban chỉ huy quân sự Bộ; ngành trung ương với Ban chỉ huy quân sự, cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành trung ương và Ban chỉ huy quân sự, cơ quan, tổ chức của địa phương thuộc ngành, lĩnh vực quản lý là mối quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quốc phòng có liên quan.
1. Bộ, ngành trung ương, địa phương báo cáo công tác quốc phòng bằng văn bản, định kỳ như sau:
a) Hằng tháng, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15;
b) Một năm 2 lần, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 20 tháng 6, 20 tháng 11;
c) Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh quân khu trước ngày 25 tháng 11; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Bộ Quốc phòng trước ngày 25 tháng 11;
d) Hằng năm, Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ, ngành trung ương báo cáo Bộ Quốc phòng trước ngày 30 tháng 11;
đ) Hằng năm, Bộ Quốc phòng tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 25 tháng 12.
2. Khi có yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất về quốc phòng và tình hình liên quan, cơ quan, tổ chức phải kịp thời báo cáo.
3. Nội dung, mẫu báo cáo (có phụ lục kèm theo).
1. Định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thanh tra công tác quốc phòng theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra công tác quốc phòng như sau:
a) Bộ Quốc phòng kiểm tra Bộ, ngành trung ương, địa phương;
b) Bộ, ngành trung ương chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Quốc phòng kiểm tra cơ quan, tổ chức thuộc quyền và cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý ở địa phương;
c) Bộ Tư lệnh quân khu kiểm tra các địa phương, cơ quan, tổ chức trên địa bàn;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra cơ quan, tổ chức trên địa bàn.
1. Giao ban công tác quốc phòng do người đứng đầu Bộ, ngành trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
2. Sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng quy định như sau:
a) Hằng năm, Bộ, ngành trung ương, địa phương tổ chức hội nghị tổng kết vào cuối quý IV hoặc lồng ghép với hội nghị tổng kết năm, do người đứng đầu Bộ, ngành trung ương, địa phương quyết định;
b) Hằng năm, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng trên phạm vi toàn quốc vào cuối quý IV;
c) Tổ chức sơ kết, tổng kết từng nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm công tác quốc phòng ở các Bộ, ngành trung ương (trừ tổ chức kinh tế), địa phương, được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Kinh phí do tổ chức kinh tế bảo đảm chi cho nhiệm vụ quốc phòng quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định này được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.
3. Các nguồn thu hợp pháp khác.
1. Nhiệm vụ chi cho công tác quốc phòng của Bộ, ngành trung ương, địa phương (trừ tổ chức kinh tế) thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quốc phòng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nhiệm vụ chi cho công tác quốc phòng của tổ chức kinh tế bao gồm:
a) Thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh;
b) Tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của tự vệ theo quy định của pháp luật về Dân quân tự vệ;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự;
d) Thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự;
đ) Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khác theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan.
1. Mức phụ cấp chức vụ của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định cụ thể như sau:
a) Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương: 0,25.
b) Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương: 0,24.
c) Thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp chức vụ của tháng đó.
2. Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương được cấp 01 số báo Quân đội nhân dân hằng ngày; Tạp chí quân sự, quốc phòng theo kỳ phát hành; kinh phí do Bộ Quốc phòng bảo đảm.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 02 năm 2019.
2. Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Bãi bỏ Điều 10, Điều 11, Điều 13; khoản 7, khoản 8 Điều 16 quy định về phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ đối với Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương; khoản 2, khoản 3 Điều 24 quy định về chế độ báo, tạp chí cho Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành, trung ương tại Nghị định số 03/2016/NĐ-CP; ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Luật Dân quân tự vệ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG Ở BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ)
………………….(1) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …(2)/BC-…..(3) |
……(4), ngày tháng năm….. |
BÁO CÁO
Kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ……………….của (1)…………..
…………………………..…….., phương hướng, nhiệm vụ……………………
Căn cứ ………………(5) ...(1)...báo cáo kết quả ……………………………………như sau:
Phần 1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng .......................................................
I. Đặc điểm tình hình .............................................................................................. (6)
II. Kết quả đạt được
A. Ưu điểm ............................................................................................................. (7)
B. Hạn chế, khuyết điểm ......................................................................................... (8)
C. Nguyên nhân ...................................................................................................... (9)
Đánh giá chung .................................................................................................... (10)
Phần 2. Phương hướng nhiệm vụ quốc phòng ..........................................................
I. Dự báo tình hình ............................................................................................... (11)
II. Phương hướng nhiệm vụ ................................................................................. (12)
Phần 3. Kiến nghị, đề xuất .................................................................................... (13)
|
…………………….(16) |
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức báo cáo.
(2) Số báo cáo.
(3) Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức báo cáo.
(4) Địa danh hành chính và ngày, tháng, năm cơ quan, tổ chức ban hành báo cáo.
(5) Căn cứ Nghị định số ..../2018/NĐ-CP ngày / /2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Quốc phòng về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
(6) Nêu khái quát đặc điểm tình hình liên quan trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của cơ quan, tổ chức mình.
(7) Nêu kết quả đạt được theo các nội dung quy định tại Điều 4 Nghị định này (Có số liệu chứng minh, phụ lục kèm theo).
(8) Nêu hạn chế, khuyết điểm thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng.
(9) Nêu nguyên nhân ưu điểm, khuyết điểm.
(10) Đánh giá khái quát thực hiện công tác quốc phòng.
(11) Dự báo khái quát tình hình của cơ quan, tổ chức liên quan đến thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thời gian tới;
(12) Nêu phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp thực hiện.
(13) Những kiến nghị, đề xuất (nếu có).
(14) Nơi nhận báo cáo.
(15) Nơi lưu báo cáo và chữ ký hiệu người soạn thảo, số bản báo cáo.
(16) Chức vụ của người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ký, ban hành báo cáo.
(17) Họ và tên người ký.