Chương III Nghị định 112/2017/NĐ-CP: Hồ sơ , quy trình , thời hạn giải quyết chế độ, chính sách
Số hiệu: | 112/2017/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 06/10/2017 | Ngày hiệu lực: | 20/11/2017 |
Ngày công báo: | 18/10/2017 | Số công báo: | Từ số 781 đến số 782 |
Lĩnh vực: | Văn hóa - Xã hội | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Chế độ trợ cấp với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam
Đây là nội dung quan trọng tại Nghị định 112/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 20/11/2017) về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong (TNXP) cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975.
Theo đó, TNXP cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 26/3/1965 đến ngày 30/4/1975 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau được trợ cấp như sau:
- TNXP đủ điều kiện tại Điều 3 Nghị định 112/2017/NĐ-CP được trợ cấp một lần 2.500.000 đồng khi kháng chiến từ 2 năm trở xuống; từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm cộng thêm 800.000 đồng;
- TNXP có giấy tờ nhưng không thể hiện rõ thời gian kháng chiến thì được trợ cấp một lần 2.500.000 đồng;
- TNXP từ trần trước ngày Nghị định này có hiệu lực, thân nhân được trợ cấp một lần 3.600.000 đồng;
- TNXP mất khả năng lao động, không nơi nương tựa được xét trợ cấp 540.000 đồng/tháng;
- TNXP đã được trợ cấp một lần hoặc đang được trợ cấp hàng tháng mà từ trần hoặc từ trần sau ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa được trợ cấp một lần hoặc hàng tháng thì người lo mai táng được trợ cấp mai táng theo pháp luật BHXH.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp một lần:
a) Bản khai của đối tượng theo Mẫu số 1A hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần) theo Mẫu số 1B tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây chứng minh là thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam: Lý lịch cán bộ, công chức, viên chức hoặc lý lịch đảng viên khai trước năm 1995 trong đó có thể hiện thời gian tham gia thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp như: Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị quản lý thanh niên xung phong; Giấy chuyển thương, chuyển viện, phiếu sức khỏe; Giấy khen trong thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong; Giấy chứng nhận tham gia thanh niên xung phong; Giấy điều động công tác, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ;
c) Trường hợp đối tượng không còn một trong các giấy tờ quy định tại điểm b khoản này thì phải có bản xác nhận của ít nhất 02 người làm chứng là những người trực tiếp huy động, tổ chức, quản lý thanh niên xung phong hoặc đồng đội của thanh niên xung phong trong đơn vị từ cấp đại đội trở xuống đã được công nhận là thanh niên xung phong theo Mẫu số 2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Trường hợp đối tượng không còn một trong các giấy tờ quy định tại điểm b khoản này và không có 02 người làm chứng xác nhận theo quy định tại điểm c khoản này thì đối tượng phải có đơn đề nghị theo Mẫu số 3A gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thanh niên xung phong cơ sở hoạt động xác nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thanh niên xung phong cơ sở hoạt động có trách nhiệm xác nhận theo Mẫu số 3B tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đối với đối tượng tham gia thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam hiện đăng ký thường trú ở địa phương khác.
2. Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng:
a) Bản khai của đối tượng theo Mẫu số 4 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Một trong các giấy tờ chứng minh là thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này;
c) Giấy khám sức khỏe theo quy định hiện hành.
1. Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo trên Đài truyền thanh xã, các trưởng thôn (tổ dân phố, ấp, phum, sóc) và niêm yết tại trụ sở xã về việc thu nhận hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam. Thời hạn thu nhận hồ sơ theo từng đợt trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo.
2. Đối tượng đề nghị hưởng chính sách hoặc thân nhân của đối tượng (trường hợp đối tượng đã từ trần) nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Nghị định này cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, phân loại hồ sơ, tổ chức hội nghị để xác định những đối tượng đủ điều kiện và lập biên bản xác nhận hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp theo Mẫu số 5A tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Thành phần hội nghị gồm đại diện: Ủy ban nhân dân, Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu thanh niên xung phong hoặc Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng thôn (tổ dân phố, ấp, phum, sóc) có đối tượng đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam.
4. Niêm yết kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam theo Mẫu số 5B tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên Đài truyền thanh xã. Thời hạn thông báo và niêm yết trong 10 ngày kể từ ngày có kết quả xét duyệt hồ sơ của từng đợt. Trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo về kết quả xét duyệt hồ sơ thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác minh và giải quyết theo nội dung đơn khiếu nại, tố cáo.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn niêm yết kết quả xét duyệt hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ kèm theo hồ sơ của đối tượng, biên bản hội nghị liên tịch và bản niêm yết kết quả xét duyệt hồ sơ).
6. Đối với đối tượng có thời gian tham gia thanh niên xung phong cơ sở ở địa phương không có hồ sơ gốc, hồ sơ liên quan, hiện đăng ký thường trú ở địa phương khác nếu có yêu cầu xác nhận hồ sơ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng tham gia thanh niên xung phong cơ sở tổ chức xét duyệt theo quy trình nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, nếu đủ điều kiện thì xác nhận và làm văn bản theo Mẫu số 6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng đăng ký thường trú để giải quyết theo thẩm quyền.
7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có) hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, xét duyệt và tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Nội vụ, kèm theo hồ sơ của đối tượng).
8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có) hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp (theo Mẫu số 7A, 8A, 9A kèm theo biểu tổng hợp danh sách đối tượng đề nghị hưởng chế độ trợ cấp theo Mẫu số 7B, 8B, 9B tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
Sau khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 05 ngày làm việc Sở Nội vụ chuyển quyết định kèm theo hồ sơ xét hưởng của đối tượng đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện chế độ trợ cấp và quản lý, lưu trữ hồ sơ theo quy định;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về giải quyết chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành việc tổng hợp danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp một lần theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo văn bản đề nghị bổ sung dự toán chi chế độ trợ cấp một lần gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng được hưởng theo quy định hiện hành.
1. Hồ sơ của đại diện thân nhân hoặc người lo mai táng, gồm:
a) Bản trích sao quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng của thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam đã từ trần. Trường hợp chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này thì nộp bản niêm yết kết quả xét duyệt của Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 5B quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
b) Giấy chứng tử.
2. Trình tự thực hiện trợ cấp mai táng:
a) Đại diện thân nhân hoặc người lo mai táng cho thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, làm văn bản đề nghị theo Mẫu số 11A tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện;
c) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, thẩm định, làm văn bản đề nghị theo Mẫu số 11B, kèm theo danh sách đề nghị trợ cấp mai táng theo Mẫu số 11C tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh;
d) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hưởng trợ cấp mai táng đối với thân nhân hoặc người lo mai táng cho thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam;
đ) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định hưởng trợ cấp mai táng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm chi trả cho thân nhân hoặc người lo mai táng cho thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ trần.
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập và xác nhận danh sách thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam thuộc đối tượng được hưởng chính sách vay vốn sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 7 Nghị định này theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thủ tục cho vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với đối tượng là thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam đảm bảo đơn giản, thuận tiện và dễ thực hiện.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực