Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14
Số hiệu: | 34/2018/QH14 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 19/11/2018 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2019 |
Ngày công báo: | 22/12/2018 | Số công báo: | Từ số 1135 đến số 1136 |
Lĩnh vực: | Giáo dục | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Trường ĐH đáp ứng đủ điều kiện được tự chủ mở ngành đào tạo
Đây là nội dung mới tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã được Quốc Hội thông qua ngày 19/11/2018.
Theo đó, các trường đại học đáp ứng đủ điều kiện sẽ được tự chủ mở ngành đào tạo (hiện hành chỉ có Đại học quốc gia, trường đại học đạt chuẩn quốc gia mới được tự chủ mở ngành đào tạo).
Đơn cử như điều kiện để được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học bao gồm:
- Ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực bảo đảm hội nhập quốc tế;
- Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu;
- Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu;
- Có chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 36 Luật giáo dục đại học 2012.
- Đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật giáo dục đại học 2012 (như đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động…).
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 34/2018/QH14 |
Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2018 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Luật này áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học, tổ chức và cá nhân có liên quan đến giáo dục đại học.
2. Viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật này.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.
2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.
3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
4. Đơn vị thành viên là trường đại học, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cho phép thành lập theo quy định của pháp luật; được tự chủ trong tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.
5. Đơn vị trực thuộc là đơn vị có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
6. Đơn vị thuộc là đơn vị không có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với quy định của pháp luật.
7. Trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
8. Ngành là tập hợp kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, do Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê, phân loại.
9. Chuyên ngành là một phần kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu có tính độc lập trong một ngành, do cơ sở giáo dục đại học quyết định.
10. Lĩnh vực là tập hợp các nhóm ngành có điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, do Thủ tướng Chính phủ thống kê, phân loại.
11. Quyền tự chủ là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.
12. Trách nhiệm giải trình là việc cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm báo cáo, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở giáo dục đại học.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học
1. Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
2. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.
3. Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.
4. Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Cơ sở giáo dục đại học
1. Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật
Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
2. Loại hình cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
a) Cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu;
b) Cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.
Cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi nhận trong quyết định cho phép thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục đại học; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phân lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học.
Chỉ chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
3. Các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật.
4. Căn cứ vào năng lực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở giáo dục đại học xác định mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động như sau:
a) Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu;
b) Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc công nhận cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu trên cơ sở kết quả đào tạo, nghiên cứu; chuyển trường đại học thành đại học; liên kết các trường đại học thành đại học; việc chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; nguyên tắc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học; tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học được thành lập theo hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học
1. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan.
2. Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế.
3. Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai, giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học
1. Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực; xây dựng hài hòa hệ thống giáo dục đại học công lập và tư thục; phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; tạo cơ chế hình thành đại học, các trung tâm đại học lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch và các nội dung sau đây:
a) Xác định mục tiêu, phương hướng phát triển của hệ thống giáo dục đại học;
b) Ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quy hoạch;
c) Sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học
1. Phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
2. Phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác.
Ưu tiên, ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và chính sách khác để phát triển giáo dục đại học.
3. Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; ứng dụng công nghệ trong giáo dục đại học.
4. Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.
5. Có chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình.
6. Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
7. Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong cơ sở giáo dục đại học.
8. Ưu tiên đối với người được hưởng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người học ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.
9. Khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Cơ cấu tổ chức của trường đại học
1. Cơ cấu tổ chức của trường đại học bao gồm:
a) Hội đồng trường đại học, hội đồng học viện (sau đây gọi chung là hội đồng trường);
b) Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện (sau đây gọi chung là hiệu trưởng trường đại học); phó hiệu trưởng trường đại học, phó giám đốc học viện (sau đây gọi chung là phó hiệu trưởng trường đại học);
c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có);
d) Khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác;
đ) Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học.
2. Cơ cấu tổ chức cụ thể của trường đại học, mối quan hệ và mức độ tự chủ của đơn vị thuộc, trực thuộc trường đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Cơ cấu tổ chức của đại học
1. Cơ cấu tổ chức của đại học bao gồm:
a) Hội đồng đại học;
b) Giám đốc đại học; phó giám đốc đại học;
c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có);
d) Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác;
đ) Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học.
2. Cơ cấu tổ chức cụ thể của đại học, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.”.
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
“Điều 16. Hội đồng trường của trường đại học công lập
1. Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.
2. Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
a) Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác;
b) Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;
d) Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;
đ) Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;
e) Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học;
g) Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;
h) Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường;
i) Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường đại học;
k) Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
3. Số lượng, cơ cấu và trách nhiệm của thành viên hội đồng trường của trường đại học công lập được quy định như sau:
a) Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người, bao gồm các thành viên trong và ngoài trường đại học;
b) Thành viên trong trường đại học bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học.
Thành viên đương nhiên bao gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường đại học, chủ tịch công đoàn và đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học.
Thành viên bầu bao gồm đại diện giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu là 25% tổng số thành viên của hội đồng trường; đại diện viên chức và người lao động;
c) Thành viên ngoài trường đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động;
d) Thành viên hội đồng trường thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; tham gia đầy đủ các phiên họp của hội đồng trường, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
4. Tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng trường và trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường của trường đại học công lập được quy định như sau:
a) Chủ tịch hội đồng trường là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín, có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng trường theo quy định của pháp luật;
b) Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học;
c) Chủ tịch hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường đại học để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;
d) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
5. Danh sách, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc của hội đồng trường đại học công lập được quy định như sau:
a) Danh sách chủ tịch và thành viên hội đồng trường được công khai trên trang thông tin điện tử của trường đại học sau khi được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận;
b) Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm. Hội đồng trường họp định kỳ ít nhất 03 tháng một lần và họp đột xuất theo đề nghị của chủ tịch hội đồng trường, của hiệu trưởng trường đại học hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên của hội đồng trường. Cuộc họp hội đồng trường là hợp lệ khi có trên 50% tổng số thành viên dự họp, trong đó có thành viên ngoài trường đại học;
c) Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định tỷ lệ biểu quyết cao hơn; quyết định của hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết.
6. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về hội đồng trường bao gồm nội dung sau đây:
a) Tiêu chuẩn, số nhiệm kỳ, việc ủy quyền của chủ tịch hội đồng trường;
b) Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục bầu, miễn nhiệm phó chủ tịch (nếu có) và thư ký hội đồng trường;
c) Số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên; hình thức quyết định của hội đồng trường đối với từng loại hoạt động;
d) Thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự; căn cứ và thủ tục đề xuất bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; số lượng cán bộ quản lý cấp phó; thời gian tối đa giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chức danh quản lý khác của trường đại học;
đ) Ngân sách hoạt động, cơ quan thường trực, cơ quan kiểm soát và bộ máy giúp việc của hội đồng trường; thủ tục, thành phần của hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học;
e) Phân định trách nhiệm và quyền hạn khác giữa hội đồng trường và hiệu trưởng trường đại học;
g) Nội dung khác theo yêu cầu tổ chức và hoạt động của hội đồng trường.
7. Hội đồng trường của trường đại học công lập thành viên trong đại học thực hiện quy định tại Điều này và quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.
8. Chính phủ quy định chi tiết về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.”.
11. Bổ sung Điều 16a vào sau Điều 16 như sau:
“Điều 16a. Nhà đầu tư
1. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
2. Nhà đầu tư có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
a) Thông qua chiến lược, kế hoạch phát triển cơ sở giáo dục đại học, kế hoạch phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác theo đề xuất của hội đồng trường, hội đồng đại học;
b) Quyết định tổng vốn góp của nhà đầu tư, dự án đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, việc huy động vốn đầu tư (nếu có); phương án sử dụng phần chênh lệch thu chi hằng năm hoặc phương án xử lý lỗ của cơ sở giáo dục đại học; thông qua báo cáo tài chính hằng năm của cơ sở giáo dục đại học;
c) Bầu hoặc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên bầu của hội đồng trường, hội đồng đại học; thông qua tiêu chuẩn, phương án nhân sự hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học đề xuất;
d) Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động của hội đồng trường, hội đồng đại học;
đ) Quyết định ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chế tài chính của cơ sở giáo dục đại học; thông qua nội dung liên quan đến tài chính, tài sản trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, về chính sách tiền lương, thưởng và quyền lợi khác của chức danh quản lý trong cơ sở giáo dục đại học;
e) Góp vốn đầy đủ, đúng hạn và giám sát việc góp vốn vào cơ sở giáo dục đại học theo đề án thành lập cơ sở giáo dục đại học;
g) Thành lập ban kiểm soát để kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, điều hành của hội đồng trường, hội đồng đại học, hiệu trưởng trường đại học, phó hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học, phó giám đốc đại học và các đơn vị trong cơ sở Giáo dục đại học; thủ tục thành lập, thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của ban kiểm soát được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;
h) Xem xét, xử lý vi phạm của hội đồng trường, hội đồng đại học gây thiệt hại cho cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
i) Quyết định tổ chức lại, giải thể cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật;
k) Công khai danh sách tổ chức và cá nhân góp vốn đầu tư vào cơ sở giáo dục đại học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học;
l) Trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của Luật đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
m) Nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận được vinh danh về công lao góp vốn đầu tư thành lập, xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục đại học.
3. Nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn một trong các phương thức sau đây:
a) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp để tổ chức kinh tế thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục theo quy định của Luật này;
b) Trực tiếp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục theo quy định của Luật này. Trong trường hợp này, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải quy định cụ thể về hội nghị nhà đầu tư và các phương thức hoạt động của nhà đầu tư; việc lựa chọn áp dụng quy định của pháp luật liên quan về công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc quỹ xã hội để giải quyết những vấn đề trong cơ sở giáo dục đại học mà Luật này chưa quy định; trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư, ban kiểm soát phù hợp với quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc quỹ xã hội được lựa chọn.”.
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:
“Điều 17. Hội đồng trường của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận
1. Hội đồng trường của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan.
2. Hội đồng trường của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thực hiện trách nhiệm và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này, trừ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16a của Luật này; được trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm hiệu trưởng trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
3. Số lượng thành viên hội đồng trường của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận phải là số lẻ và có thành phần như sau:
a) Hội đồng trường của trường đại học tư thục bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường đại học do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;
b) Hội đồng trường của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Thành viên trong trường đại học bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học. Thành viên đương nhiên bao gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường đại học, chủ tịch công đoàn, đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học. Thành viên bầu bao gồm đại diện giảng viên và người lao động của trường đại học.
Thành viên ngoài trường đại học do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động.
4. Tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng trường, trách nhiệm của chủ tịch hội đồng trường; danh sách, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc của hội đồng trường của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định như sau:
a) Chủ tịch hội đồng trường là cán bộ cơ hữu hoặc cán bộ kiêm nhiệm của trường đại học theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học, do hội đồng trường bầu và được hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu trường đại học công nhận;
b) Trong các cuộc họp của hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học có quyền tham dự, thảo luận và chỉ được biểu quyết khi là thành viên hội đồng trường;
c) Trường hợp chủ tịch hội đồng trường là người đại diện theo pháp luật của trường đại học hoặc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 của Luật này thì phải đáp ứng tiêu chuẩn như đối với hiệu trưởng trường đại học; phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình;
d) Quy định khác tại khoản 4 và khoản 5 Điều 16 của Luật này.
5. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bao gồm các nội dung quy định tại khoản 6 Điều 16 của Luật này; quy định tỷ lệ đại diện nhà đầu tư trong tổng số thành viên hội đồng trường đại học.
6. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường.”.
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều 18. Hội đồng đại học
1. Hội đồng đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
a) Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của đại học, việc kết nạp thành viên mới, tổ chức lại đại học theo quy định của pháp luật;
b) Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của đại học, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này, phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Quyết định về phương hướng đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;
d) Quyết định về cơ cấu tổ chức, đơn vị thành viên của đại học; tiêu chuẩn chủ tịch, phó chủ tịch (nếu có), thành viên hội đồng đại học; tiêu chuẩn giám đốc, phó giám đốc đại học; quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm giám đốc đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó giám đốc đại học trên cơ sở đề xuất của giám đốc đại học, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật này; việc quyết định các chức danh quản lý đơn vị thuộc, trực thuộc đại học do quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học hằng năm; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất;
đ) Quyết định chính sách đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nguồn lực dùng chung trong đại học; chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển đại học; quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của đại học theo quy định của quy chế tổ chức và hoạt động của đại học; quy định chính sách tiền lương, thưởng và quyền lợi khác của chức danh quản lý đơn vị thuộc, trực thuộc đại học theo kết quả, hiệu quả công việc; quy định chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính, thông qua báo cáo tài chính hằng năm, thông qua quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của đại học;
e) Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng đại học thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của đại học và trách nhiệm giải trình của giám đốc đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng đại học;
g) Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo, chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng đại học; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong đại học;
h) Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của đại học; nhiệm vụ, quyền hạn khác đối với đơn vị thuộc, trực thuộc quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.
2. Hội đồng đại học tư thục thực hiện trách nhiệm và quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16a của Luật này; được trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm giám đốc đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.
3. Số lượng thành viên hội đồng đại học phải là số lẻ, có thành phần và trách nhiệm như sau:
a) Thành viên hội đồng đại học công lập bao gồm thành viên trong và ngoài đại học.
Thành viên trong đại học bao gồm bí thư cấp ủy, giám đốc đại học, chủ tịch công đoàn đại học, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của đại học; chủ tịch hội đồng trường của đơn vị thành viên (nếu có) hoặc người đứng đầu đơn vị thành viên trong trường hợp đơn vị không có hội đồng trường; đại diện giảng viên, viên chức và người lao động của đại học do hội nghị đại biểu của đại học bầu.
Thành viên ngoài đại học chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% tổng số thành viên của hội đồng đại học bao gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền; đại diện thành viên ngoài đại học do hội nghị đại biểu của đại học bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động;
b) Thành viên hội đồng đại học tư thục bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài đại học do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;
c) Thành viên hội đồng đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp, thành viên trong và ngoài đại học.
Thành viên trong đại học bao gồm thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, giám đốc đại học, chủ tịch công đoàn đại học, đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của đại học; thành viên khác do hội nghị đại biểu bầu là đại diện giảng viên, người lao động của đại học.
Thành viên ngoài đại học do hội nghị đại biểu của đại học bầu, bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động;
d) Thành viên hội đồng đại học có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của hội đồng đại học, nhiệm vụ do chủ tịch hội đồng đại học phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của đại học; tham gia đầy đủ các phiên họp hội đồng đại học, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
4. Tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng đại học công lập, danh sách, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc của hội đồng đại học công lập thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 16 của Luật này. Trách nhiệm của chủ tịch hội đồng đại học tư thục, danh sách, nhiệm kỳ, nguyên tắc làm việc của hội đồng đại học tư thục thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này.
5. Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quy định về hội đồng đại học bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tiêu chuẩn, số nhiệm kỳ, việc ủy quyền của chủ tịch hội đồng đại học;
b) Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục bầu, miễn nhiệm phó chủ tịch (nếu có) và thư ký hội đồng đại học;
c) Số lượng, cơ cấu thành viên; việc bổ sung, thay thế thành viên; hình thức quyết định của hội đồng đại học đối với từng loại hoạt động;
d) Thủ tục hội đồng đại học quyết định nhân sự giám đốc đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác thuộc thẩm quyền của đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự; căn cứ và thủ tục đề xuất bãi nhiệm, miễn nhiệm giám đốc đại học; số lượng cán bộ cấp phó thuộc thẩm quyền quyết định của đại học; thời gian tối đa giữ chức vụ giám đốc đại học, phó giám đốc đại học và chức danh quản lý khác trong đơn vị thuộc đại học;
đ) Ngân sách hoạt động, cơ quan thường trực, cơ quan kiểm soát, bộ máy giúp việc của hội đồng đại học, thủ tục, thành phần hội nghị đại biểu của đại học và quy định khác theo yêu cầu tổ chức và hoạt động của hội đồng đại học;
e) Phân định trách nhiệm và quyền hạn khác giữa hội đồng đại học và giám đốc đại học; mối quan hệ giữa hội đồng đại học và hội đồng đơn vị thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc tự chủ trong đại học (nếu có);
g) Nội dung khác theo yêu cầu tổ chức và hoạt động của hội đồng đại học.
6. Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học.”.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
“Điều 20. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học
1. Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học.
2. Tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật;
b) Đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:
a) Là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có quy định khác;
b) Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học;
c) Trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, hội đồng đại học sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định khác của cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
d) Đề xuất hội đồng trường, hội đồng đại học xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền của hội đồng trường, hội đồng đại học; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
đ) Hằng năm, báo cáo trước hội đồng trường, hội đồng đại học về kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học và ban giám hiệu, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;
e) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hội đồng trường, hội đồng đại học và các bên liên quan; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao.”.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:
“Điều 21. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học
1. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại Việt Nam được quy định như sau:
a) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại Việt Nam thuộc cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học, không có tư cách pháp nhân, được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học;
b) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại Việt Nam thực hiện một phần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học theo chỉ đạo, điều hành của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt phân hiệu về các hoạt động liên quan đến thẩm quyền quản lý của địa phương;
c) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại Việt Nam thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
2. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam được quy định như sau:
a) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập tại Việt Nam và bảo đảm điều kiện hoạt động;
b) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam hoạt động theo quy định đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.
3. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại nước ngoài được quy định như sau:
a) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại nước ngoài do cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thành lập tại nước ngoài, bảo đảm điều kiện hoạt động và báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại nước ngoài thực hiện quy định của nước sở tại về thành lập và hoạt động của phân hiệu cơ sở giáo dục đại học.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của phân hiệu cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.”.
16. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 22 như sau:
“d) Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của Luật đầu tư.”.
17. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:
“Điều 32. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học
1. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
2. Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:
a) Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;
b) Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định;
c) Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học;
d) Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
3. Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.
5. Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về nguồn thu, quản lý và sử dụng nguồn tài chính, tài sản; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.
6. Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học đối với chủ sở hữu, người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan được quy định như sau:
a) Giải trình về việc thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, về việc quy định, thực hiện quy định của cơ sở giáo dục đại học; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động;
b) Công khai báo cáo hằng năm về các chỉ số kết quả hoạt động trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với chủ sở hữu và cơ quan quản lý có thẩm quyền;
c) Giải trình về mức lương, thưởng và quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ sở giáo dục đại học tại hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động; thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hằng năm, kiểm toán đầu tư và mua sắm; giải trình về hoạt động của cơ sở giáo dục đại học trước chủ sở hữu, cơ quan quản lý có thẩm quyền;
d) Thực hiện công khai trung thực báo cáo tài chính hằng năm và nội dung khác trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
đ) Thực hiện nội dung, hình thức giải trình khác theo quy định của pháp luật
7. Chính phủ quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.”.
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 33 như sau:
“Điều 33. Mở ngành đào tạo
1. Điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ bao gồm:
a) Ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước, của từng lĩnh vực bảo đảm hội nhập quốc tế;
b) Có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu;
c) Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu;
d) Có chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 36 của Luật này.
2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết điều kiện mở ngành đào tạo; quy định trình tự, thủ tục mở ngành, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo; quyết định cho phép mở ngành đối với cơ sở giáo dục đại học chưa đủ điều kiện được tự chủ mở ngành đào tạo quy định tại khoản 3 Điều này và đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.
3. Cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và khoản 2 Điều 32 của Luật này được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh; trường hợp mở ngành mới trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ mở ngành và thực hiện quy định tại khoản 5 Điều này, quy định về kiểm định chất lượng của Luật này.
4. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định thì bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của Luật này. Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học, không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.”.
19. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 34 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Chỉ tiêu tuyển sinh được quy định như sau:
a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu lao động của thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với các điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp của cơ sở giáo dục đại học và các điều kiện bảo đảm chất lượng khác;
b) Cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố;
c) Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh, quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp; quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.”.
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 như sau:
“Điều 35. Thời gian đào tạo
1. Thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo. Số lượng tín chỉ cần tích lũy đối với mỗi trình độ được quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với các trình độ của giáo dục đại học trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.”.
21. Sửa đổi, bổ sung các điểm a, b và c khoản 1 Điều 36 như sau:
“a) Chương trình đào tạo bao gồm mục tiêu, khối lượng kiến thức, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá đối với môn học, ngành học, trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
b) Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, bao gồm các loại chương trình định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng nghề nghiệp; bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ, ngành đào tạo; bảo đảm quy định về chuẩn chương trình đào tạo;
c) Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp; bảo đảm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;”.
22. Sửa đổi, bổ sung Điều 37 như sau:
“Điều 37. Tổ chức và quản lý đào tạo
1. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo tín chỉ, niên chế hoặc kết hợp tín chỉ và niên chế.
2. Cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân với điều kiện cơ sở được liên kết đào tạo bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý theo yêu cầu của chương trình đào tạo; không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
3. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc sử dụng chuyên gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức đào tạo thực hành, thực tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, thực tập và tăng cơ hội việc làm của sinh viên.
4. Căn cứ vào nhu cầu của địa phương và đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn cung cấp các chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; tổ chức đào tạo liên thông giữa các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học; đào tạo chuyển tiếp cho trường đại học khác.
5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.”.
23. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 như sau:
“Điều 38. Văn bằng giáo dục đại học
1. Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
2. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
3. Cơ sở giáo dục đại học thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học và quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật; công bố công khai mẫu văn bằng, thông tin liên quan đến việc cấp văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đàm phán, ký hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế về công nhận văn bằng với các quốc gia, tổ chức quốc tế và chủ thể khác theo thẩm quyền.
5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng; nguyên tắc việc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục đại học; trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng giáo dục đại học tại Việt Nam; điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng giáo dục đại học do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp.
6. Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng, chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.”.
24. Sửa đổi, bổ sung Điều 42 như sau:
“Điều 42. Trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ
1. Nhà nước tập trung đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học phục vụ phát triển đất nước; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ nghiên cứu ngang tầm khu vực và quốc tế.
2. Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.”.
25. Sửa đổi, bổ sung Điều 45 như sau:
“Điều 45. Liên kết đào tạo với nước ngoài
1. Liên kết đào tạo với nước ngoài là việc hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học được thành lập ở Việt Nam với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ, nhưng không hình thành pháp nhân mới. Việc liên kết đào tạo với nước ngoài phải bảo đảm thực hiện quy định của Luật giáo dục và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng. Việc tổ chức đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài.
3. Cơ sở giáo dục đại học nước ngoài liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam phải là cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng, có văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp văn bằng trong lĩnh vực liên kết hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp cấp. Các bên liên kết phải bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; chịu trách nhiệm về chất lượng của chương trình đào tạo.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe sau khi có ý kiến của bộ, ngành liên quan; đề án liên kết đào tạo của cơ sở giáo dục đại học không thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện quy định tại Điều này và khoản 2 Điều 32 của Luật này thì được tự chủ liên kết đào tạo trình độ đại học; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học thì được tự chủ liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ thì được tự chủ liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp.
6. Trường hợp chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bị đình chỉ tuyển sinh hoặc bị chấm dứt hoạt động do không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này, cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm lợi ích hợp pháp của giảng viên, người lao động và người học; bồi hoàn kinh phí cho người học; thanh toán các khoản thù lao giảng dạy, các quyền lợi khác của giảng viên và người lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết hoặc thỏa ước lao động tập thể; thanh toán các khoản nợ thuế và khoản nợ khác (nếu có).
7. Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học; thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định.
8. Cơ sở giáo dục đại học tự liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định hoặc vi phạm điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trong đề án liên kết đào tạo với nước ngoài thì bị đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo, không được tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.”.
26. Sửa đổi, bổ sung Điều 49 như sau:
“Điều 49. Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học
1. Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
2. Hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
4. Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học được quy định như sau:
a) Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học;
b) Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn;
c) Làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo;
d) Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo; cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
5. Nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục đại học được quy định như sau:
a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;
b) Trung thực, công khai, minh bạch;
c) Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.
6. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học bao gồm:
a) Cơ sở giáo dục đại học;
b) Chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.”.
27. Sửa đổi, bổ sung Điều 50 như sau:
“Điều 50. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học
1. Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục đại học.
2. Xây dựng chính sách, kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
3. Tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục đại học không thực hiện kiểm định chương trình theo chu kỳ kiểm định hoặc kết quả kiểm định chương trình không đạt yêu cầu phải cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Sau 02 năm, kể từ ngày giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo hết hạn hoặc từ ngày có kết quả kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kết quả kiểm định lại vẫn không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục đại học phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó và có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người học.
4. Duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, bao gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, thư viện, hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở thực hành; nguồn lực tài chính, ký túc xá và cơ sở dịch vụ khác.
5. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu chất lượng giáo dục đại học theo kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; công bố công khai điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng.”.
28. Sửa đổi, bổ sung Điều 52 như sau:
“Điều 52. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
1. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học.
Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
2. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi đủ điều kiện và có đề án thành lập theo quy định của pháp luật; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên cơ hữu đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài ở Việt Nam; quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.”.
29. Sửa đổi, bổ sung Điều 54 như sau:
“Điều 54. Giảng viên
1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có trình độ đáp ứng quy định của Luật này, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
2. Chức danh giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định về vị trí việc làm và nhu cầu sử dụng của cơ sở giáo dục đại học.
3. Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm chức danh giảng viên theo thẩm quyền; tỷ lệ giảng viên cơ hữu tối thiểu của cơ sở giáo dục đại học; quy định tiêu chuẩn giảng viên thực hành, giảng viên của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.”.
30. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 55 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 như sau:
“7. Độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học mà mình đang làm việc.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 9 như sau:
“9. Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
31. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 60 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân; được định hướng nghề nghiệp và cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Được bảo đảm điều kiện học tập, tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và khởi nghiệp, hoạt động rèn luyện kỹ năng hoàn thiện bản thân, tham gia hoạt động đoàn thể, hoạt động vì cộng đồng và hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 8 như sau:
“8. Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
32. Sửa đổi, bổ sung Điều 64 như sau:
“Điều 64. Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học
1. Các khoản thu của cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
a) Học phí và khoản thu từ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, khoản thu dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động đào tạo;
b) Khoản thu từ nhận đặt hàng đào tạo, nghiên cứu của Nhà nước, tổ chức và cá nhân; thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao;
c) Khoản thu từ đầu tư của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn tài chính bổ sung từ kết quả hoạt động hằng năm của cơ sở giáo dục đại học;
d) Khoản thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ cộng đồng, đầu tư tài chính (nếu có) và nguồn thu hợp pháp khác;
đ) Nguồn vốn vay.
2. Các nguồn tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng, cho của cựu sinh viên, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
3. Ngân sách nhà nước cấp (nếu có).”.
33. Sửa đổi, bổ sung Điều 65 như sau:
“Điều 65. Học phí và khoản thu dịch vụ khác
1. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
2. Cơ sở giáo dục đại học công lập xác định mức thu học phí như sau:
a) Cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này và tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên được tự chủ xác định mức thu học phí;
b) Cơ sở giáo dục đại học không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này được xác định mức thu học phí theo quy định của Chính phủ;
c) Việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.
3. Cơ sở giáo dục đại học tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí.
4. Mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý thực tế phát sinh.
5. Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.”.
34. Sửa đổi, bổ sung Điều 66 như sau:
“Điều 66. Quản lý tài chính của cơ sở giáo dục đại học
1. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc sử dụng nguồn tài chính như sau:
a) Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;
b) Quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý theo quy định của quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục đại học.
3. Cơ sở giáo dục đại học được Nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công.
4. Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học tư thục phải dành ít nhất là 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học và thực hiện trách nhiệm xã hội. Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, toàn bộ phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi tích lũy hằng năm là tài sản chung hợp nhất không phân chia của cộng đồng nhà trường để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học.
5. Hằng năm, cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện kiểm toán và công khai tài chính, việc sử dụng các nguồn tài chính phải theo quy định của pháp luật.
6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này, mức độ tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học công lập không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học; quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học; việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đầu tư vào cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự ổn định và phát triển cơ sở giáo dục đại học.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học.”.
35. Sửa đổi, bổ sung Điều 67 như sau:
“Điều 67. Quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học
1. Tài sản của cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục.
2. Tài sản của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc sau đây:
a) Tài sản của Nhà nước và quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học phải được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đất đai; không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với tài sản khác của Nhà nước phải theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Tài sản chung hợp nhất không phân chia bao gồm tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho tặng và tài sản khác được pháp luật quy định là tài sản chung hợp nhất không phân chia, thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, do hội đồng trường hoặc hội đồng đại học đại diện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người chuyển giao quyền sở hữu tài sản (nếu có) vì mục đích phát triển của cơ sở giáo dục đại học và lợi ích của cộng đồng, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển; không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.
Trong trường hợp chuyển nhượng vốn của cơ sở giáo dục đại học thì tài sản chung hợp nhất không phân chia không được tính vào giá trị tài sản được định giá của cơ sở giáo dục đại học.
Trong trường hợp giải thể cơ sở giáo dục đại học, tài sản chung hợp nhất không phân chia được coi là tài sản chung của cộng đồng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng cho mục đích phát triển giáo dục đại học;
c) Đối với tài sản không được quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ sở giáo dục đại học có quyền tự quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt và tự chịu trách nhiệm theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tài sản của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.”.
36. Sửa đổi, bổ sung Điều 68 như sau:
“Điều 68. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học và có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học; chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; việc công nhận, thành lập, cho phép thành lập, giải thể, cho phép giải thể cơ sở giáo dục đại học theo thẩm quyền;
b) Quy định chuẩn giáo dục đại học bao gồm chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý và các chuẩn khác; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học; ban hành danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, quy chế tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và cấp văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; kiểm định, đánh giá, quản lý, giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan;
d) Phối hợp với cơ quan có liên quan, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về giáo dục đại học để phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục đại học;
đ) Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục đại học;
e) Xây dựng cơ chế, quy định về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục đại học;
g) Quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đại học;
h) Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục đại học;
i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giáo dục đại học.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.”.
37. Sửa đổi, bổ sung Điều 69 như sau:
“Điều 69. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ; hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục đại học tại địa phương; thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học tại địa phương.”.
Điều 2. Thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản của Luật Giáo dục đại học
1. Thay thế từ “chủ động” bằng từ “tự chủ” tại khoản 2 Điều 8; cụm từ “viện nghiên cứu khoa học” bằng cụm từ “viện hàn lâm, viện” tại Điều 30; cụm từ “tự chịu trách nhiệm” bằng cụm từ “có trách nhiệm giải trình” tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 36, khoản 4 Điều 41 và Điều 53; cụm từ “Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam” bằng cụm từ “điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” tại khoản 1 Điều 63.
2. Bỏ cụm từ “được thành lập theo quyết định của hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học,” và “cho hiệu trưởng, giám đốc” tại khoản 1 Điều 19; cụm từ “quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và” tại điểm a khoản 1 Điều 22; từ “, học viện” tại Điều 27 và Điều 28; cụm từ “, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ” tại khoản 4 Điều 27; từ “Thủ tướng” tại khoản 1 Điều 27 và khoản 2 Điều 48; cụm từ “và quy hoạch” tại khoản 1 Điều 48; cụm từ “Điều 74 của” tại khoản 1 Điều 57; cụm từ “tại các điều 89, 90, 91 và 92” tại khoản 1 Điều 62.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2019.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No. 34/2018/QH14 |
Hanoi, November 19, 2018 |
ON AMENDMENTS TO THE LAW ON HIGHER EDUCATION
Pursuant to the Constitution of Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly promulgates the Law on amendments to the Law on Higher Education No. 08/2012/QH13 , which is amended by Law No. 32/2013/QH13, Law No. 74/2014/QH13 and Law No. 97/2015/QH13.
Article 1. Amendments to the Law on Higher Education
1. Article 2 is amended as follows:
“Article 2. Regulated entities
1. This Law applies to higher education institutions, organizations and individuals involved in higher education.
2. Academic institutions and other institutions established by the Prime Minister under the Law on Science and Technology may provide doctoral training in accordance with this Law.”.
2. Article 4 is amended as follows:
“Article 4. Definitions
For the purposes of this Law, the terms below are construed as follows:
1. “higher education institution” means an education institution of the national education system and is permitted to provide higher education training, engage in science and technology activities and serve the community.
2. “university” means a higher education institution that provides training in multiple academic disciplines and has an organizational structure conformable with this Law.
3. “parent university” also refers to a higher education institution that provides training in multiple fields, has an organizational structure conformable with this Law and multiple units that pursuit the same missions and objectives.
4. “subsidiary” means a university or research institution that is a legal entity, established or permitted to be established by the Prime Minister, has the autonomy over its organization and operation as prescribed by law and its own internal rules and regulations.
5. “affiliate” means a legal entity affiliated to a higher education institution, established under a decision of the school council of the university or parent university (hereinafter referred to as “school council”); organized and run in accordance with law, internal rules and regulations of the higher education institution.
6. “affiliate” also refers to a unit of a higher education institution that is not a legal entity, established under a decision of the university council (school council); organized and run in accordance with law, internal rules and regulations of the higher education institution.
7. “school” means a training unit of a higher education institution, established under a decision of the university council (school council) in accordance with regulations of the Government; organized and run in accordance with internal rules and regulations of the higher education institution.
8. “ academic discipline” means an area of knowledge and skills relevant to a specific profession or science, defined and categorized by the Ministry of Education and Training.
9. “major” means the advanced knowledge and skills of an academic discipline, decided by the higher education institution.
10. “field” means a group of academic disciplines that have common knowledge and skills relevant to a specific profession or science, defined and categorized by the Prime Minister.
11. “autonomy” means the right of a higher education institution to determine its own targets and how to achieve them; to decide and assume accountability for their professional and academic activities, organization, personnel, finance, assets and other activities within the law and the capacity of the higher education institution itself.
12. “accountability” means the responsibility of a higher education institution to provide information for learners, the public, competent authorities, the owner and relevant parties about its conformity with law and its rules and commitment.”.
3. Article 6 is amended as follows:
“Article 6. Training levels and forms
1. Higher education training levels include undergraduate training, master’s training and doctoral training.
2. Training forms include formal training, in-service training and distance education. Students can transfer between the training forms through bridge programs.
3. A higher education institution may provide continuing education courses, short-term courses and issue diplomas or certificates in accordance with law in order to serve lifelong learning.
4. The Government shall prescribe training levels of special academic disciplines.”.
4. Article 7 is amended as follows:
“Article 7. Higher education institutions
1. Higher education institutions are legal entities, including universities, parent universities and other types of higher education institutions defined by law.
National universities and regional universities are parent universities responsible for achievement of strategic national and regional development objectives.
2. Types of higher education institutions:
a) Public higher education institutions invested, maintained and represented by the State as the owner;
b) Private higher education institutions invested and maintained domestic or foreign investors.
A non-profit higher education institution is one in which the investor declare that the institution does not run for profit as written in the decision to permit its establishment or conversion; the investor will not withdraw capital or receive dividends; the annual accumulated profit shall be considered non-distributable property and will be used as reinvestment in such institution.
Only conversion from a private higher education institution to a non-profit private higher education institution is permitted.
3. All types of higher education institutions are equal before law.
4. Classification by orientations:
a) Research-oriented higher education institutions;
b) Application-oriented higher education institutions;
5. The Government shall elaborate regulations on recognition of research-oriented higher education institutions on the basis of their training and research results; conversion of universities into parent universities; association between universities and parent universities; conversion of private higher education institutions into non-profit private higher education institutions; rules for naming and renaming higher education institutions; organization and operation of higher education institutions established under treaties between the Government of Socialist Republic of Vietnam and foreign parties.”.
5. Article 9 is amended as follows:
“Article 9. Ranking of higher education institutions
1. Ranking of higher education institutions is meant to reflect their reputation, quality and effective according to certain criteria and ensure accessibility of information to relevant organizations and individuals.
2. Higher education institutions may select and participate in reputable domestic and international ranking systems.
3. Vietnamese non-commercial legal entities may rank higher education institutions and have the responsibility to ensure truthfulness, objectivity and transparency; publish and explain their ranking method, criteria and results.".
6. Article 11 is amended as follows:
“Article 11. Higher education institution network planning
1. The higher education institution network planning shall ensure efficient use of available resources; harmony between the public and private higher education institutions; development of private non-profit higher education institutions; introduce a mechanism for establishment of major universities in order to meet the needs of learning, achieve sustainable development, serve industrialization, modernization and international integration.
2. Higher education institution network shall comply with the Law on Planning and the following regulations:
a) Determine the targets and orientations for development of the higher education system;
b) establish higher education institution standards;
c) Arrange space and distribute resources for development of the higher education institution network; improve training quality to facilitate development of high quality human resources; development key economic regions and extremely disadvantaged areas.
3. The preparation, appraisal, approval, announcement, revision and implementation of the higher education institution network planning shall comply with planning laws and relevant laws.”.
7. Article 12 is amended as follows:
“Article 12. State policies on development of higher education
1. Development of higher education is meant to develop high quality human resources, meet socio-economic development requirements and ensure national defense and security.
2. Funds and resources shall be given to development of higher education on principles of competitiveness, equality and efficiency through investment in research and development (R&D) investment, signing research and training contracts, offering scholarships, student credit and other forms.
Higher education development will be given certain privileges and incentives in terms of land, tax, credit and other policies.
3. Prioritize investment in development of certain regional and international higher education institutions, academic disciplines and teacher training institutions; develop some special academic disciplines and higher education institutions capable of achieving strategic national and regional objectives.
Encourage rearrangement and merger of universities into parent universities; apply technology to higher education.
4. Seek private investment in higher education; encourage development of private higher education institution; give priority to non-profit private higher education institution; provide incentives for organizations and individuals that invest in education and training, science and technology activities in higher education institutions; grant tax exemption or reduction to property that are donated to serve higher education, given as scholarships or participation in student credit programs.
5. Introduce uniform policies to ensure autonomy and accountability of higher education institutions.
6. Ensure relation between training and demand for labor; research into application of science and technology; enhance cooperate between higher education institutions, enterprises and science and technology organizations; provide tax incentives for science and technology products of higher education institutions; encourage organizations and enterprises to facilitate students and lecturers to improve practical skills, participate in internship, scientific research and technology transfers in order to improve training quality.
7. Attract, employ lecturers and provide benefits for lecturers in order to improve their quality; focus on increasing the quantity of lecturers that are masters, doctors and leading professors in higher education institutions.
8. Give priority to people eligible for social benefits (hereinafter referred to as “disadvantaged people"), people in extremely disadvantaged areas and students in special academic disciplines in order to ensure adequate human resources for socio-economic development; ensure gender equality in higher education.
9. Encourage and intensify international integration and cooperation in order to raise Vietnam’s higher education to regional and international levels.”.
8. Article 14 is amended as follows:
“Article 14. Organizational structure of a university
1. The organizational structure of a university consists of:
a) The university council or academy council (hereinafter referred to as “school council");
b) The university principal or academy director (hereinafter referred to as “principal”); the vice-principals or vice-directors (hereinafter referred to as “vice-principals”);
c) The science and training council; other councils (if any);
d) Faculties, dedicated rooms, library, science and technology organization, other organizations serving training activities;
dd) Schools, campuses, research institutes, service facilities, enterprises, business establishments and other units (if any) necessary for development of the university.
2. The specific organizational structure or a university, relationship and level of autonomy of its affiliates shall be specified in the university’s internal rules and regulations.”.
9. Article 15 is amended as follows:
“Article 15. Organizational structure of a parent university
1. The organizational structure of a parent university consists of:
a) The school council;
b) The principal and vice-principals;
c) The science and training council; other councils (if any);
d) Affiliated universities and research institutes (if any); schools, boards, science and technology organizations, library and other organizations serving training activities;
dd) Faculties, campuses, research institutes, service facilities, centers, enterprises, business establishments and other units (if any) necessary for development of the parent university.
2. The specific organizational structure or a parent university, relationship and level of autonomy of its subsidiaries and affiliates shall be specified in the university’s internal rules and regulations.”.
10. Article 16 is amended as follows:
“Article 16. School council of a public university
1. The school council of a public university is the executive organization that represents the rights of the owner and other parties with relevant interests.
2. The school council of a public university has the following responsibilities and entitlements:
a) Decide the development strategies, development plans, annual plans of the university; orientation to develop the university into a parent university or merge the university into another;
b) Issue the university’s internal rules and regulations, finance regulations and grassroots democracy regulations in accordance with this Law and relevant laws;
c) Decide plans for enrolment, offering new programs, training, cooperation in education, scientific activities, international cooperation; policies on higher education quality assurance, cooperation between the universities and enterprises and employers;
d) Decide the organizational structure, personnel structure, establishment, merger, division, dissolution of the university’s units; prepare a list of work positions, standards and working conditions thereof; issue regulations on recruitment, employment and management of lecturers and other employees in accordance with law;
dd) Decide and propose recognition or dismissal of the principal; designation and dismissal vice-principal on the basis of the principal’s request; other managerial positions shall be specified in the university’s internal rules and regulations; organize annual performance assessment by the school council president or the principal; have mid-tenure or irregular vote on confidence in the school council president or principal according to the university’s internal rules and regulations;
e) Decide policies on attracting investments in the universities; tuition fees and assistance for students; approve financial plans; approve annual financial statements and statements of lawful sources of income of the university;
g) Decide investment guidelines and use of valuable assets under the management of the university in accordance with its internal rules and regulations; decide salaries, bonuses and other benefits of holders of managerial positions (hereinafter referred to as “managers”) according to their performance, and other issues under the university’s internal rules and regulations;
h) Supervise the implementation of decisions issued by the school council, adherence to law, implementation of democracy regulations during the university’s operation and the principal’s accountability; supervise the management and use of funds and assets of the university; submit annual reports on supervision results to the school assembly.
i) Adhere to law; take responsibility before the law and to competent authorities and relevant parties for decisions made by the school council; ensure transparency and availability of information and reports; facilitate inspections by competent authorities; assume accountability within the scope responsibility and power of the school council; facilitate supervision by the society, organizations and individuals within the university;
k) Other responsibilities and entitlements specified in the university’s internal rules and regulations.
3. Quantity and responsibility members of the school council of a public university:
a) The quantity of school council members must be an odd number and not smaller than 15, including both internal and external members;
b) Internal members include inherent members and members elected by the general assembly or delegate assembly of the university (hereinafter referred to as “school assembly”).
Inherent members include the secretary of internal communist party organization, the principal, union president and representative of the steering board of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City that are students of the university.
Elected members include representative of lecturers, the quantity of which shall account for at least 25% of the total number of members; representatives of other employees;
c) The quantity of external members shall account for at least 30% of the total number of members, including representatives of competent authorities and social communities elected by the school assembly including political leaders, managers, education experts, culture researchers, scientists, business peoples, former students, representatives of employers;
d) School council members shall perform and take responsibility for the performance of the tasks given by the school council president and other tasks prescribed by law and the university’s internal rules and regulations; participate in every meeting of the school council and take responsibility for the performance of their responsibilities and entitlements.
4. The election, standards, responsibilities and entitlements of the school council president:
a) The school council president shall have political credentials, good ethics, reputation, experience of higher education management, good health suitable for his/her tasks, and age conformable with law.
b) A member of the school council shall be elected by the school council as president by holding a ballot under the majority rule; the elected president will receive a recognition decision issued by a competent authority; in the cases where an external member is elected as school council president, he/she shall become a full-time officer of the university; the school president shall not concurrently hold any other managerial position in the university;
c) The school council presidents has the responsibility and the right to direct and organize performance of tasks and entitlements of the school council; direct the development of annual plans and programs; hold and chair school council meetings; sign documents issued by the school council; use the existing apparatus and seal of the university to serve the operation of the school council; perform tasks of a school council member and other duties and entitlements prescribed by law and the university’s internal rules and regulations;
d) Assume responsibility for performance of his/her duties and entitlements.
5. List of members, tenure and working regulations of the school council of a public university:
a) The list of president and members of the school council shall be posted on the university’s website after it is recognized by a competent authority;
b) The tenure of a school council is 05 years. The school council shall hold a periodic meeting at least every 03 months and ad hoc meetings as requested by the president or principal or at least one third of the school council members. A school council meeting is considered valid when it is participated by 50% of the members, including external members;
c) The school council shall work on the principle of collectives and make decisions under the majority rule, unless a higher ratio is prescribed by the university’s internal rules and regulations; decisions of the school councils shall be presented in the form of resolutions,
6. Internal rules and regulations of a public university include the following contents:
a) Standards, number of tenures and authorization by the school council president;
b) Standards, duties and entitlements, procedures for electing and dismissing vice-presidents (if any) and school council secretary;
c) Quantity, structure of members; addition and replacement of members; methods for making decisions of the school council regarding each type of activities;
d) Procedures for designation of the principal and other managers of the university; grounds and procedures for proposing dismissal of the principal; quantity of deputies; tenure of the principal, vice-principals and other managers of the university;
dd) Operating budget, standing body, control body and assistance apparatus of the school council; composition and procedures for holding the school assembly;
e) Separation between responsibilities and entitlements of the school council and those of the principal;
g) Other contents necessary for operation of the school council.
7. The school council of a public university that is a member of a parent university shall implement the provisions of this Article and the parent university’s internal rules and regulations.
8. The Government shall elaborate the procedures for establishment and recognition of school councils; recognition and dismissal of school council presidents; designation and dismissal of other school council members; organization of school councils of higher education institutions affiliated to the Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense.".
11. Article 16a is added after Article 16 as follows:
“Article 16a. Investors
1. An investor is a domestic/foreign organization or individual that invests in establishment of a for-profit or non-profit private higher education institution from non-state capital.
2. Responsibilities and entitlements of an investor:
a) Ratify the strategies or plans for development of the higher education institution, plans for development from a university into a parent university or merger of the university into another university proposed by the school council or the parent university’s council;
b) Decide the total capital contribution of the investor, project of investment in development of the higher education institution, raising of capital (if any); the annual plan for use of the difference between revenue and expense or loss cut plan; ratify annual financial statements of the higher education institution;
c) Elect or nominate, dismiss school council members; ratify standards and designation of the principal or director of the university proposed by the school council;
d) Organize supervision and evaluation of the school council’s performance;
dd) Promulgate and amend finance regulations of the higher education institution; ratify the regulations on finance and assets of the higher education institution in terms of salaries, bonuses and other benefits of managers in the higher education institution;
e) Contribute capital in full and punctually; supervise capital contribution under the higher education institution scheme;
g) Establish a board of controllers which will inspect and supervise the performance of management and operation tasks of by the school council, principal, vice-principals, director, vice-directors and other units in the higher education institution; establishment, composition, duties and entitlements of the board of controllers shall comply with the Law on Enterprises and relevant laws;
h) Consider imposing penalties for violations committed by the school council if they cause damage to the higher education institution in accordance with law and the higher education institution’s internal rules and regulations;
i) Decide reorganization or dissolution of the higher education institution in accordance with law;
k) Publish the list of capital contributors of the higher education institution on its website;
l) Other responsibilities and entitlements prescribed by the Law on Investment and relevant laws;
m) Investors in private non-profit higher education institutions shall be given credit for their contribution.
3. Investors in a higher education institution may choose one of the following methods:
a) Invest in establishment of a business organization in accordance with the Law on Investment and the Law on Enterprises, which will subsequently establish the private higher education institution in accordance with this Law;
b) Directly invest in establishment of a private higher education institution in accordance with this Law, in which case, the higher education institution’s internal rules and regulations shall provide for the general assembly of investors and investors’ activities, application of relevant laws on limited liability companies or social funds to solves issues in the higher education institution that are not regulated by this Law; responsibilities and entitlements of investors and the board of controllers in accordance with applied laws.”.
12. Article 17 is amended as follows:
“Article 17. School councils of for-profit or non-profit private universities
1. The school council of a for-profit or non-profit private university is the executive organization that represents the investors and other parties with relevant interests.
2. The school council of a for-profit or non-profit private university has the same responsibilities and entitlements specified in Clause 2 Article 16 of this Law, except for those of investors specified in Clause 2 Article 16a of this Law; is entitled to directly designate and dismiss the university’s principal in accordance with its internal rules and regulations.
3. The number of members of the school council of a for-profit or non-profit private university shall be an odd number and:
a) the school council of a private university consists of the investors, internal and external members elected by the general assembly of investors according to their holdings;
b) the school council of a non-profit private university consists of representatives of investors elected by the investors according to their holdings; internal and external members.
Internal members include inherent members and members elected by the school assembly. Inherent members include the secretary, the principal, union president and representative of the steering board of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City that are students of the university. Elected members include representatives of lecturers and employees of the university.
External members are elected by the school assembly, including political leaders, managers, education experts, culture researchers, scientists, business peoples, former students, representatives of employers.
4. The election, standards, responsibilities and entitlements of the school council president; the list and tenure of school council members; working rules of the school council of a for-profit or non-profit private university:
a) The school council president shall be a full-time or part-time manager of the university as prescribed by its internal rules and regulations, elected by the school council and recognized by the general assembly of investors or the owner;
b) The principal is entitled to attend and discuss during school council meetings, and may only vote if he/she is a school council member;
c) In the cases where the school council president is also the university's legal representative or a person mentioned in Point b Clause 3 Article 20 of this Law, he/she must satisfy the principal’s standards and take responsibility for performance of his/her tasks and entitlements;
d) Other provisions in Clause 4 and Clause 5 Article 16 of this Law.
5. The internal rules and regulations of a for-profit or non-profit private university include the contents specified in Clause 6 Article 16 of this Law and shall specify the ratio of representatives of investors to total number of school council members.
6. The Government shall elaborate the procedures for establishment and recognition of school councils; recognition and dismissal of school council presidents.”.
13. Article 18 is amended as follows:
“Article 18. School councils of parent universities
1. The school council of a parent university has the following responsibilities and entitlements:
a) Decide the development strategies, development plans, annual plans of the parent university, its reorganization and admission of new members as prescribed by law;
b) Issue the parent university’s internal rules and regulations, finance regulations and grassroots democracy regulations, except for the cases specified in Clause 2 Article 29 of this law, in accordance with this Law and relevant laws;
cc) Decide the training orientation, scientific activities, international cooperation and ensure higher education quality;
d) Decide organizational structure and subsidiaries of the parent university; standards of the president, vice-presidents (if any) and members of the school council; standards of the director and vice-directors; issue or propose issuance of decisions on recognition and dismissal of the director; designate and dismiss vice-directors as proposed by the director, except for the cases specified in Clause 3 Article 8 of this Law; managerial positions in the affiliates prescribed by the parent university’s internal rules and regulations; organize annual assessment of performance of the school council president and director; hold mid-tenure or irregular vote on confidence in the school council president or director;
dd) Decide policies on investment, development of facilities and resources commonly shared in the parent university; policies on attracting investments in development of the parent university; policies of investment and use of valuable assets under the management of the parent university according to its internal rules and regulations; salaries, bonuses and other benefits of managers of affiliates of the parent university according to their performance; tuition fees and assistance for students; approve financial plans; ratify annual financial statements and statements of lawful sources of income of the university;
e) Supervise the implementation of decisions issued by the school council, implementation of democracy regulations and the director’s accountability; supervise the management and use of funds and assets of the parent university; submit annual reports on supervision results and performance of the school council to the school assembly;
g) Adhere to law; take responsibility before the law and to competent authorities and relevant parties for decisions made by the school council; ensure transparency and availability of information and reports; facilitate inspections by competent authorities; assume accountability within the scope responsibility and power of the school council; facilitate supervision by the society, organizations and individuals within the parent university;
h) Perform responsibilities and entitlements specified in the parent university’s internal rules and regulations; other responsibilities and entitlements to their affiliates according to Clause 2 Article 16 of this Law.
2. The school council of a for-profit or non-profit private university has the same responsibilities and entitlements specified in Clause 2 Article 16 of this Law, except for those of investors specified in Clause 2 Article 16a of this Law; is entitled to directly designate and dismiss the university’s principal in accordance with its internal rules and regulations.
3. The number of members of the school council of a parent university shall be an odd number and:
a) The school council consists of both internal and external members.
Internal members include the secretary of the internal communist party organization, president of the internal union, representatives of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City that are students of the university, presidents of school councils of the subsidiaries (or heads of the subsidiaries without school councils), representatives of lecturers and other employees of the parent university elected by its school assembly.
The quantity of external members shall account for at least 30% of the total number of members, including representatives of competent authorities; representatives of external members elected by the school assembly including political leaders, managers, education experts, culture researchers, scientists, business peoples, former students, representatives of employers;
b) The school council of a private parent university consists of the investors, internal and external members elected by the general assembly of investors according to their holdings;
c) The school council of a non-profit private parent university consists of the investors elected by the general assembly of investors according to their holdings, internal and external members.
Internal members include inherent members that are the secretary of the internal communist party organization, president of the internal union, representatives of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City that are students of the university, representatives of lecturers and other employees of the parent university elected by its school assembly.
External members are elected by the school assembly, including political leaders, managers, education experts, culture researchers, scientists, business peoples, former students, representatives of employers;
d) Members of the school council shall perform its tasks given by the school council president and other tasks prescribed by law and the parent university’s internal rules and regulations; participate in every meeting of the school council and take responsibility for the performance of their responsibilities and entitlements.
4. The election and standards of the school council president; the list and tenure of school council members; working rules of the school council of a public parent company shall comply with Clause 4 and Clause 5 Article 16 of this Law. Responsibilities of the school council president of a private parent company; the list and tenure of school council members; working rules of the school council of a private parent company shall comply with Clause 4 Article 17 of this Law.
5. Regulations on school councils of parent universities include the following contents:
a) Standards, number of tenures and authorization by the school council president;
b) Standards, duties and entitlements, procedures for electing and dismissing vice-presidents (if any) and school council secretary;
c) Quantity, structure of members; addition and replacement of members; methods for making decisions of the school council regarding each type of activities;
d) Procedures for designation of the director and managers of the university; grounds and procedures for proposing dismissal of the director; quantity of deputies; tenure of the director, vice-directors and other managers of affiliates without legal entity status of the parent university;
dd) Operating budget, standing body, control body and assistance apparatus of the school council; composition and procedures for holding the school assembly, and other regulations on organization and operation of the school assembly;
e) Separation between responsibilities and entitlements of the school council and the director; the relationship between the school council and the council of subsidiaries and affiliates (if any);
g) Other contents necessary for operation of the school council.
6. The Government shall elaborate the procedures for establishment and recognition of school councils; recognition and dismissal of school council presidents and members of parent universities.”.
14. Article 20 is amended as follows:
“Article 20. Principals of higher education institutions
1. The principal of a university or the director of a parent university (hereinafter referred to as “principal") is the person responsible for management and administration of the higher education institution’s activities in accordance with law and the higher education institution’s internal rules and regulations.
The designation of the principal of a public higher education institution shall be decided by the school council and recognized by a competent authority; the designation of the principal of a for-profit or non-profit private higher education institution shall be decided by the school council.
The tenure of the principal shall be decided by the school council and must not exceed the tenure of the school council.
2. The principal of a higher education institution shall:
a) have political credentials, a doctoral degree; be physically capable of his/her duties; has academic reputation, experience of higher education management and an age conformable with law;
b) satisfy specific standards prescribed by the higher education institution’s internal rules and regulations.
3. Duties and entitlements of the principal:
a) Act as the legal representative and account holder of the higher education institution, unless otherwise prescribed by the internal rules and regulations of the for-profit or non-profit private higher education institution;
b) organize professional and academic activities, personnel, finance, assets, domestic and international cooperation and other activities prescribed by law, the higher education institution’s internal rules and regulations and decisions of the school council;
c) Submit documents to the school council for issuance after getting comments from relevant entities within the higher education institution; issue other regulations of the higher education institution in accordance with its existing internal rules and regulations;
d) Propose designation and dismissal of managers under the management of the school council; designate and dismiss other managers of the higher education institution; decide investment projects in accordance with the higher education institution’s internal rules and regulations;
dd)) Submit annual reports to the school council on performance of the principal and the board of administrators, finance and assets of the higher education institution; ensure transparency and availability of information; comply with regulations on reporting and inspections by competent authorities; assume accountability for the principal’s duties and entitlements;
e) Perform other duties and entitlements prescribed by law; take responsibility before the law, the school council and relevant parties; be supervised by relevant organizations and individuals regarding fulfillment of given duties and entitlements.”.
15. Article 21 is amended as follows:
“Article 21. Campuses of higher education institutions
1. Campuses in Vietnam of Vietnamese higher education institutions:
a) A campus in Vietnam of a Vietnamese higher education institution belongs to its organizational structure and does not have legal entity status; such a campus may be established in a province other than that of the headquarters of the higher education institution and must comply with the higher education institution network planning;
b) The campus in Vietnam of a Vietnamese higher education institution shall perform part of the functions, tasks, and entitlements of the higher education institution as assigned by its principal; submit reports to the People’s Committee of the province where the campus is situated on activities within the management of the provincial authority;
c) The organizational structure and operation of such a campus shall comply with the higher education institution’s internal rules and regulations.
2. Campuses in Vietnam of foreign higher education institutions:
a) Campuses in Vietnam of foreign higher education institutions are established and maintained by the foreign higher education institutions;
b) Regulations applied to private higher education institutions established in Vietnam by foreign investors shall apply to campuses in Vietnam of foreign higher education institutions.
3. Overseas campuses of Vietnamese higher education institutions:
a) Overseas campuses of Vietnamese higher education institutions are established overseas and maintained by Vietnamese higher education institutions, which have the responsibility to report to the Ministry of Education and Training;
b) Regulations of the host country on establishment and operation of higher education institutions shall apply to overseas campuses of Vietnamese higher education institutions.
4. The Government shall elaborate regulations on establishment and operation of campuses in Vietnam of higher education institutions.”.
16. Point d Clause 1 Article 22 is amended as follows:
“d) Foreign-invested higher education institutions shall satisfy other conditions prescribed by the Law on Investment.".
17. Article 32 is amended as follows:
“Article 32. Autonomy and accountability of higher education institutions
1. Higher education institutions shall have autonomy and accountability as prescribed by law. Organizations and individuals shall respect and protect autonomy of higher education institutions.
2. In order to have autonomy, a higher education institution shall:
a) have a school council; has certification of quality issued by a lawful training quality assessment organization;
b) has issued and implemented its internal rules and regulations; finance regulations; other internal regulations and procedures; has policies on quality assurance and fulfillment of standards prescribed by the State;
c) assign specific autonomy and accountability to every unit and individual in the higher education institution;
d) publish the conditions for quality assurance; inspection result; ratio of graduated and employed students as prescribed by law.
3. Academic autonomy and professional autonomy include promulgating and organizing implementation of quality policies and standards, offering new programs, enrolment, training, scientific activities, domestic and international cooperation in accordance with law.
4. Autonomy over organization and personnel include promulgating and organizing implementation of internal rules and regulations on organizational structure, personnel, list, standards and benefits of each position; employing and dismissing lecturers and other employees, deciding executive and managerial personnel in the higher education institution in accordance with law.
5. Financial autonomy include promulgating and organizing implementation of internal rules and regulations on sources of income, management and use of assets and sources of income; attracting investment; tuition fees and scholarships, and other policies in accordance with law.
6. Accountability of a higher education institution to its owner, students, the public, competent authorities and relevant parties include:
a) Providing description of implementation of quality policies and standards, promulgation and implementation of its regulations; responsibility for failure to adhere to regulation or commitment to quality;
b) Publishing of annual reports on performance indicators on its website; submit periodic and irregular reports to the owners and competent authorities;
c) Providing explanation for salaries, bonuses and other benefits of managers of the higher education institution for the general assembly of employees; have annual financial statements, investment and purchases audited, provide explanation for operation of the higher education institution for its owner and competent authorities;
d) Publishing of annual financial statements and other contents on its website in accordance with regulations of the Ministry of Education and Training;
dd) Other contents prescribed by law
7. The Government shall elaborate regulations on autonomy and accountability of higher education institutions.”.
18. Article 33 is amended as follows:
“Article 33. Offering new programs
1. Conditions for offering a new undergraduate, master’s or doctoral program:
a) The academic discipline is suitable for the demand for human resources for industrial, local, regional or national socio-economic development; facilitates international integration;
b) The full-time lecturers and academic personnel are capable in terms of quantity, quality, qualifications and ratio;
c) The institution’s facilities, library and textbook are suitable for the teaching and learning of the new academic discipline;
d) There is a training program conformable with Article 36 of this Law.
2. The Minister of Education and Training shall elaborate conditions and procedures for offering new programs, suspension of existing programs; decide to grant permission to unqualified higher education institutions to offer new programs relevant to health, teacher training, national defense and security in accordance with Clause 3 of this Article.
3. A higher education institution that satisfies all of the conditions specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article and Clause 2 Article 32 of this document may offer a new undergraduate program in a specific academic discipline; when the undergraduate program passes the quality assessment, it may offer a master’s program in the same academic discipline; when the undergraduate program and master’s program pass the quality assessment, it may offer a doctoral program in the same academic discipline, except for disciplines in the fields of health, teacher training, national defense and security; when opening a new academic discipline at master’s or doctoral level, the higher education institution shall comply with Clause 5 of this Article and regulations on quality assessment of this Law.
4. A higher education institution that offers a new program without satisfy every condition shall have such program suspended and be suspended from opening new disciplines for 05 years from the day on which a conclusion is issued by a competent authority.
5. Before the completion of the first course, the program shall undergo quality assessment; right after the completion of the first course, the training program shall undergo further assessment in accordance with this Law. In the cases where the assessment or appraisal result is not satisfactory, the higher education institution has the responsibility to improve the training quality and program quality, protect learners’ interests, and shall not enroll students in such discipline until the quality assessment is passed.”.
19. Some contents of Article 34 are amended as follows:
a) Clause 1 is amended as follows:
“1. Enrolment target:
a) The enrolment target shall be determined on the basis of market demand, its necessity for socio-economic development, quantity and quality of available lecturers, facilities; ratio of students that are employed after graduation, and other quality assurance conditions;
b) Each higher education institution shall determine its own enrolment target; publish its enrolment target, training quality and quality assurance conditions, ratio of students employed after graduation; assurance of graduates’ quality as declared;
c) A higher education institution that violates any of the regulations on enrolment targets and conditions shall face penalties and be suspended from determining their own enrolments targets for 05 years from the day on which a conclusion is issued by a competent authority.”;
b) Clause 3 is amended as follows:
“3. The Minister of Education and Training shall promulgate enrolment regulations and sources of enrolment at undergraduate level from high school, college and associate college graduates; rules and procedures for determination of enrolment targets; enrolment targets of teacher training-related disciplines and enrolment targets of the higher education institutions mentioned in Point c Clause 1 of this Article; input quality thresholds of teacher training-related and health-related disciplines in which graduates are granted practising certificates.”.
20. Article 35 is amended as follows:
“Article 35. Training duration
1. The training duration varies between the programs and levels and depends on the quantity of credits that a student has to obtain. The mandatory quantity of credits of each level is specified in the national training level framework. The principal of each higher education institution shall decide the mandatory quantity of credits of each program and level in accordance with law.
2. The Prime Minister shall consider approving the national education system framework and national training level framework; training duration of various higher education levels in the national education system framework.”.
21. Points a, b, c of Clause 1 Article 36 are amended as follows:
“a) A training program includes the targets, knowledge, structure, contents and assessment methods for each subject, academic discipline, training level and output standards according to the national training level framework;
b) Training programs shall be credit-based, include research-oriented programs, application-oriented program and profession-oriented programs; ensure connection between the training levels and disciplines; satisfy training program standards;
c) A foreign training program may be run if it is permitted by a the competent authority of the host country and it has an unexpired license or educational quality certification issued by a lawful training quality assessment organization and complies with intellectual property laws;".
22. Article 37 is amended as follows:
“Article 37. Training organization and management
1. Higher education institutions may offer credit-based or year-based or combined courses.
2. A higher education institution may only cooperate in offering in-serving courses with other higher education institutions, colleges, associate colleges, provincial continuing education centers; training institutions of state agencies, political organizations, socio-political organizations and the people’s armed forces, provided the cooperating institutions satisfy requirements of the course in terms of teaching environment, facilities and equipment, library and managers. Such cooperation is not permitted in health-related disciplines in which graduates are granted practising certificates.
3. Higher education institutions shall cooperate with enterprises and employers in employing their experts, facilities and equipment for practical training and internship in order to improve students’ practical skills and their chance of being employed.
4. On the basis of local demand and recommendations of the People’s Committee of the province, higher education institutions in the province shall offer continuing education, vocational training and higher education courses; offer bridge programs between associate, college and university level; receive students transferred from other universities.
5. The Minister of Education and Training shall elaborate regulations on levels of training in higher education.”.
23. Article 38 is amended as follows:
“Article 38. Academic degrees
1. Academic degrees in the national education system include bachelor’s degrees, master’s degree, doctoral degrees and equivalent degrees.
2. A person who completes a training program, qualifies its output standards and fulfills the student’s obligations shall be awarded a corresponding degree by the principal of the higher education institution.
3. The higher education institution shall design, print and give degrees to its students; manage the degrees in accordance with law; publish the specimens of its degrees and information about award of its degrees on its website.
4. The Minister of Education and Training may propose or on his/her own initiative negotiate and sign international treaties in degree recognition with other nations, international organizations and entities within his/her scope of competence.
5. The Minister of Education and Training shall specify the primary contents on the degrees and appendices thereof; rules for printing blank degrees; management, issuance, withdrawal and destruction of degrees; responsibility and authority of Vietnamese higher education institutions to issue academic degrees during educational cooperation with foreign higher education institutions; responsibility of foreign-invested higher education institutions for issuance of academic degrees in Vietnam; conditions and procedures for recognition of academic degrees issued by foreign higher education institutions.
6. The Government shall promulgate regulations on the system of academic degrees and degrees in special fields of study.”.
24. Article 42 is amended as follows:
“Article 42. Responsibility of the State for scientific and technological development
1. The State shall focus on and encourage investment in development of scientific and technological potentials, development of start-up ecology in higher education institutions; priority will be given to development of some fields and disciplines to reach t regional and international level.
2. The Government shall provide for scientific activities in higher education institutions.”.
25. Article 45 is amended as follows:
“Article 45. International cooperation in education
1. International cooperation in education means cooperation between a higher education institution established in Vietnam and a foreign higher education institution in order to run courses and issue degrees or diplomas without establishing a new legal entity. International cooperation in education shall comply with the Law on Education and relevant laws.
2. Cooperative program means a foreign program or a program developed by both parties. Such a program may be run entirely in Vietnam or partly in Vietnam and partly overseas.
3. The foreign higher education institution shall have good reputation and quality, is permitted in writing by a competent authority of its home country to provide training and issue degrees in relevant fields, or have an unexpired educational quality certification issued by a lawful training quality assessment organization. The parties shall ensure fulfillment of requirements of the program in terms of facilities and equipment and lecturers, and take responsibility for the quality of the program.
4. The Minister of Education and Training shall consider approving schemes for international educational cooperation in teacher training-related and health-related fields after comments are given by relevant ministries; schemes for educational cooperation with higher education institutions other than those mentioned in Clause 5 of this Article.
5. A higher education institution that satisfies all of the conditions specified this Article and Clause 2 Article 32 of this Law is entitled to participate in cooperation in provision of undergraduate training; when the undergraduate program of such an institution passes the quality assessment, it may participate in cooperation in provision of master’s training; when the undergraduate program and master’s program of such an institution passes the quality assessment, it may participate in cooperation in provision of doctoral training.
6. In case a cooperative program that is suspended from enrolment or terminated as prescribed in Clause 3 of this Article, the higher education institution shall protect legal interests of its lecturers, employers and students; refund tuition fees to students; pay salaries and other benefits to the lecturers and other employees under employment contracts or the collective bargaining agreement; pay tax debts and other debts (if any).
7. A higher education institution shall publish on its website and mass media information about its cooperative programs, legality of the foreign degrees in the issuing country and in Vietnam; assist students in recognition of degrees; carry out assessment of the cooperative programs offered n Vietnam after the student graduate and periodically.
8. A higher education institution that offers a cooperative program without satisfying all conditions or ensure training quality as specified in the cooperation scheme shall be suspended from international cooperation in education for 5 years from the day on which a conclusion is issued by a competent authority.”.
26. Article 49 is amended as follows:
“Article 49. Higher education quality assurance; objectives, rules and subjects of higher education quality assessment
1. Higher education quality assurance is a continuous and systematic process, including policies, mechanisms, standards, procedures and measures for maintaining and improving higher education quality.
2. The higher education quality assurance system includes an internal quality assurance system and external quality assurance system through higher education quality assessment.
3. The Minister of Education and Training shall promulgate standards for training programs at various levels of higher education and minimum requirements for running such programs; quality assessment standards, procedures and cycle of higher education quality assessment.
4. Higher education quality assessment is meant to:
a) ensure and improve higher education quality;
b) determine the degree of accomplishment of specific higher education institutions or training programs over a specific period of time;
c) be a basis for higher education institutions to report to their owners, competent authorities, relevant parties and the public about their training quality;
d) be a basis for students to select a suitable higher education institution and training program; for employers to recruit workers.
5. Rules for higher education quality assessment:
a) Independent, objective, lawful;
b) Truthful, transparent;
e) Equal, mandatory, periodic.
6. Subjects of higher education quality assessment:
a) Higher education institutions;
b) Higher education training programs at various levels.”.
27. Article 50 is amended as follows:
“Article 50. Responsibility of higher education institutions for quality assurance
For the purpose of higher education quality assurance, a higher education institution shall:
1. Develop the training quality assurance system within the institution in a manner that is suitable for its objectives and capacity.
2. Develop policies and plans for higher education quality assurance.
3. Assess and improve training quality on its own initiatives; have the institution and its training programs undergo periodic assessments.
In case a higher education institution fails to assess its training programs periodically or the assessment result is not satisfactory, it shall improve the training quality in order to ensure that its students meet graduation standards of the program. In the case it has been over 02 years from the expiration of the training quality certification or the issuance date of the unsatisfactory assessment result and the training program is not reassessed or the assessment result is still unsatisfactory, the institution shall be suspended from admitting students to such program and shall implement measures to protect students’ interests.
4. Maintain and improve training quality assurance conditions, including the lecturers, managers and other employees, the training programs, textbooks, teaching and learning materials, classrooms, offices, laboratories, libraries, IT system, practical training facilities; financial resources, dormitories and other service facilities.
5. Submit annual reports on higher education quality under the higher education quality assurance plan; publish the training quality status, training results, research outcomes, quality assessment results on the website of the Board of Directors, the website of the higher education institution and mass media.”.
28. Article 52 is amended as follows:
“Article 52. Education quality assessment organization
1. Education quality assessment organizations have the responsibility to assess and recognize higher education institutions and their training programs regarding fulfillment of higher education quality standards.
Education quality assessment organizations have legal entity status, are independent from regulatory authorities and higher education institutions, have accountability and responsibility before the law for their performance and higher education quality assessment results.
2. An education quality assessment organization shall be established when it satisfies all requirements and has an establishment scheme as prescribed by law; may carry out education quality assessment when satisfies requirements in terms of facilities, equipment, financial capacity and full-time assessors.
3. The Government shall specify conditions and procedures for permission, establishment and dissolution of education quality assessment organizations; their responsibilities and entitlements, conditions and procedures for recognition of foreign education quality assessment organizations operating in Vietnam.
4. The Minister of Education and Training shall issue decisions on establishment or permission for establishment of education quality assessment organizations; decisions on permission, suspension and dissolution of education quality assessment organizations; revocation of recognition of foreign education quality assessment organizations operating in Vietnam; promulgate regulations on supervision and assessment of education quality assessment organizations.”.
29. Article 54 is amended as follows:
“Article 54. Lecturers
1. Lecturers of higher education institutions shall have clear backgrounds; good qualities and professional ethics; be physically capable of performance of their duties; have qualifications conformable with this Law and the higher education institution’s internal rules and regulations.
2. Lecturers include assistant lecturers, lecturers, principal lecturers, associate professors and professors. Higher education institutions shall award lecturer titles in accordance with law, its internal rules and regulations; provide description of their positions and demand of the situation.
3. Lecturers of undergraduate programs shall have at least a master’s degree (except assistant lecturers); Lecturers of master’s programs and doctoral program shall have at least a doctoral degree. Holders of doctoral degrees shall be preferred when a higher education institution recruits lecturer; incentives shall be provided for leading professors.
4. The Minister of Education and Training shall specify standards and designation of lecturers within the scope of his/her competence; the minimum ratio of full-time lecturers of a higher education institution; standards of practice lecturers and lecturers of some special disciplines.”.
30. Some contents of Article 55 are amended as follows:
a) Clause 1 is amended as follows:
“1. Teaching, developing the training program, completing the training program and ensuring the quality thereof.”;
b) Clause 3 is amended as follows:
“3. Improving political reasoning skills, professional knowledge, professional skills and teaching methods; participate in practical activities to improve training quality and participate in scientific research.”;
c) Clause 7 is amended as follows:
“7. Remain independent in teaching and scientific research in harmony with interests of the State and society; has the right to sign visiting lecturer contracts and scientific research contracts with higher education institutions, research institutions and other organizations in accordance with regulations of the higher education institution he/she is working for.”;
d) Clause 9 is amended as follows:
“9. Other responsibilities and entitlements specified in the higher education institution’s internal rules and regulations and relevant laws.”.
31. Some contents of Article 60 are amended as follows:
a) Clause 4 is amended as follows:
“4. Being respected and equally treated without discrimination by gender, ethnicity, religion and background; receiving career counseling and information about the study process.”;
b) Clause 5 is amended as follows:
“5. Enjoying favorable conditions for learning and participating in science and technology activities, entrepreneurship, skill development, association activities, social activities, sports and artistic activities.”;
c) Clause 8 is amended as follows:
“8. Other responsibilities and entitlements specified in the higher education institution’s internal rules and regulations and relevant laws.”.
32. Article 64 is amended as follows:
“Article 64. Sources of income of higher education institutions
1. Revenues of a higher education institution include:
a) Tuition fees and revenues from training, science and technology activities and other ancillary training services;
b) Payment from the State, other organizations and individuals for performance of training and research contracts; completion of tasks given by the State;
c) Revenues from investment of domestic and foreign entities; annual additional revenue from operation of the institution;
d) Revenue from business operation, social activities, financial investment (if any) and other lawful sources of income;
dd) Loans.
2. Sponsorships, donations, gifts from former students, domestic and foreign entities.
3. State funding (if any).”.
33. Article 65 is amended as follows:
“Article 65. Tuition fees and other service charges
1. Tuition fee means the amount payable by the student to the higher education institution in order to fully or partly cover the cost of training.
2. Imposition of tuition fees by public higher education institutions:
a) A higher education institution that is financially autonomous and fully satisfies the conditions specified in Clause 2 Article 32 of this Law and may impose its own tuition fees;
b) Higher education institutions other than those mentioned in Point a of this Clause shall impose their tuition fees in accordance with regulations of the Government;
c) Imposition of tuition fees shall comply with economic – technical norms and be able to correctly and fully cover the cost of training.
3. Private higher education institutions may impose their own tuition fees.
4. Enrolment service charges and other service charges shall be imposed to correctly and fully cover the cost incurred in reality.
5. Higher education institutions shall publish on their websites the cost of training, tuition fees, enrolment service charges and other services charges for the entire course and each academic year together with the enrolment notice; use part of the revenue from tuition fees to provide assistance for disadvantaged students.”.
34. Article 66 is amended as follows:
“Article 66. Financial management by higher education institutions
1. Higher education institutions shall comply with regulations of law on finance, accountant, audit, taxation, asset valuation and financial disclosure.
2. The school council of a financially autonomous public higher education institution shall decide the use of its sources of income as follows:
a) Use lawful incomes other than state funding to invest in training, scientific research and technology transfers projects;
b) Decide the spending of revenues from tuition fees, service charges, contract performance, payment by the State, including payment of salaries, expenditure on academic activities and administration in accordance with internal spending regulations of the institution.
3. Higher education institutions that receive state funding to perform certain tasks given by the State have the responsibility to manage and use the state funding in accordance with regulations of law on public property and public financial management.
4. At least 25% of the difference between revenue and expense shall be used to reinvest in the higher education institution, educational activities, building facilities, purchasing equipment, training lecturers, education managers and employees, providing assistance for students and fulfilling social responsibility . For non-profit higher education institutions, the difference between revenue and shall be considered non-distributable property and will be used for reinvestment in such institution.
5. Higher education institutions shall audit and publish their financial status and use of their sources of income as prescribed by law.
6. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article, the degree of financial autonomy of publish higher education institutions other than those mentioned in Clause 2 of this Article; mechanism for giving tasks, placing orders or inviting bids for provision of public services covered by state budget; regulations on foreign cooperation and investment in higher education; withdrawal and transfer of stakes in higher education institutions; assurance of stability and development of higher education institutions.
7. The Ministry of Education and Training and competent authorities shall inspect the management and use of sources of income by higher education institutions.”.
35. Article 67 is amended as follows:
“Article 67. Management and use of assets of higher education institutions
1. Assets of public higher education institutions shall be managed and used in the same manner as public property. Higher education institutions may use public property for business operation, lease, business association to develop higher education in a manner that improves higher education, maintains and develops the property and is suitable for the educational environment.
2. Management and use of assets of for-profit and non-profit private higher education institutions:
a) State-owned property and land use right (LUR) given by the State to a higher education institution shall be managed and used in accordance with regulations of law on management and use of public property and land, and must not be put under private ownership in any shape or form. The repurposing of other state-owned property shall be done in a manner that maintains and develop the property; land repurposing shall comply with land laws;
b) Non-distributable property includes property that is donated or given as aid, and other property defined by law as non-distributable property, owned by the institution as a whole, managed and used by the school council as prescribed by law or at the request of the transferor (if any) to serve the institution and collective benefits, ensure maintenance and development of the property; such a property must not be put under private ownership in any shape or form.
In case of transfer of stakes in a higher education institution, the non-distributable property shall not be included in the valuated assets of the institution.
In case of dissolution of a higher education institution, the non-distributable property shall be put under public ownership, management and used by competent authorities to serve higher education;
c) Higher education institutions are entitled to use and dispose of the assets other than those mentioned in Point a and Point b of this Clause and take responsibility for such actions in accordance with the Law on Enterprises and relevant laws.
3. Assets of foreign-invested higher education institutions shall be protected by the State in accordance with Vietnam’s law and international treaties to which Vietnam is a signatory.
4. The Ministry of Education and Training and competent authorities shall inspect the management and use of assets of higher education institutions.”.
36. Article 68 is amended as follows:
“Article 68. Responsibility for state management of higher education by the Government and ministerial agencies
1. The Government shall unify state management of higher education.
2. The Ministry of Education and Training has the prime responsibility to assist the Government in state management of higher education and has the following responsibilities:
a) Promulgate, or propose promulgation of, and organize implementation of legislative documents on higher education; strategies, master plans and policies on higher education development serving socio-economic development, national defense and security ; recognition, establishment and permission for establishment, dissolution and permission for dissolution of higher education institutions within its scope of competence;
b) Establish higher education standards, including standards for higher education institutions, training programs, lecturers, managers and other standards; promulgate regulations on development, appraisal and introduction of higher education programs; promulgate the list of academic disciplines, regulations on enrolment and training, assessment and issuance of degrees and diplomas in the national education system; management of higher education quality assessment and assurance;
c) Develop a national higher education database; assess, manage and supervise the database to ensure availability of information to relevant entities;
d) Cooperate with relevant authorities, socio-professional organizations relevant to higher education in disseminating and educating higher education laws;
dd) Organize the higher education management apparatus;
e) Establish mechanisms and promulgate regulations on mobilizing, managing and use of resources serving higher education development;
g) Manage science and technology research and application; higher education business;
h) Mange international cooperation in higher education;
i) Carry out inspections; settle disputes and complaints; take actions against violations against regulations of law on higher education.
3. Ministries and ministerial agencies shall study and forecast the demand for human resources of their fields in order to provide assistance in developing training plans; cooperate with the Ministry of Education and Training in state management of higher education within the scope of their responsibility and authority.”.
37. Article 69 is amended as follows:
“Article 69. Responsibility for state management of higher education by the People’s Committees of provinces
The People’s Committees of provinces shall carry out state management of higher education as assigned by the Government; provide assistance in development of higher education institutions in their provinces; inspect adherence to education lawsoft by local higher education institutions; encourage private investment in higher education; ensure improvement of higher education quality and effectiveness in their provinces.”.
Article 2. Replacement and removal of some words and phrases in the Law on Higher Education
1. The phrase “chủ động” (initiative) is replaced with “tự chủ” (autonomy) in Clause 2 Article 8; the phrase “viện nghiên cứu khoa học” (“research institutions”) is replaced with “viện hàn lâm, viện” (“academies and institutions”) in Article 30; the phrase “tự chịu trách nhiệm” (“responsibility”) is replaced with “có trách nhiệm giải trình” (“accountability”) in Point d and Point dd Clause 1 Article 36, Clause 4 Article 41 and Article 53; the phrase “Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam” (international agreements with Vietnam”) is replaced with “điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (“international treaties to which Vietnam is a signatory”) in Clause 1 Article 63.
2. The phrase “được thành lập theo quyết định của hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học,” (“established under decisions of the principals or directors”) and “cho hiệu trưởng, giám đốc” in Clause 1 Article 19; the phrase “quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và” (“master plan for socio-economic development”) in Point a Clause 1 Article 22; the phrase “, học viện” (“academy”) in Article 27 and Article 28; the phrase “, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ” (“research institutions permitted to provide doctoral training") in Clause 4 Article 27; the phrase “Thủ tướng” (“the Prime Minister”) in Clause 1 Article 27 and Clause 2 Article 48; the phrase “và quy hoạch” (“and master plans”) in Clause 1 Article 48; the phrase “Điều 74 của” (“Article 47 of”) in Clause 1 Article 57; the phrase “tại các điều 89, 90, 91 và 92” (“in Articles 89, 90, 91 and 92”) in Clause 1 Article 62 are removed.
Article 3. Implementation clause
This Law comes into force from July 01, 2019.
This Law is ratified by the 14th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam during its 6th session on November 19, 2018.
|
PRESIDENT OF THE NATIONAL ASSEMBLY |