Bộ 30 đề minh họa THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 (Đề 16)

  • 11454 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

17/07/2024

Phn I. Đọc hiu (3,0 đim)

    Nền tảng của sự thành công nằm ở tính kỷ luật tự giác và được thể hiện thông qua sự tự chủ. Tự chủ là lòng can đảm được sử dụng đúng lúc, là khả năng tự chế ngự và kiểm soát tất cả các trạng thái cảm xúc của bản thân. Nếu ví con người như một chiếc thuyền thì tính tự chủ chính là bánh lái, giữ cho thuyền đi đúng hướng, vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Người hạnh phúc nhất chính là người có thể làm chủ được bản thân.

     Điềm tĩnh là một trong những biểu hiện của sự tự chủ. Người giữ được điềm tĩnh luôn ẩn chứa trong mình nguồn sức mạnh to lớn. Điềm tĩnh giúp con người giữ được sự sáng suốt trong khi những người khác không còn kiên nhẫn. Khi bị ai đó đổ lỗi, khi mọi lời chỉ trích đều dồn về bạn, khi bạn liên tục vấp ngã hay khi bị bạn bè quay lưng…ấy là những lúc bạn cần đến tính tự chủ và sự điềm tĩnh. Biết chế ngự bản thân và giữ được sự điềm tĩnh, bạn sẽ có được bình yên cũng như sẵn sàng đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của đời mình. Hãy cố gắng giữ được vẻ bình tĩnh và cái tâm bình thản, sáng suốt trong mọi tình huống, bạn nhé!

                     (Không gì là không có thể - George Matthew Adams, Thu Hằng dịch)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Theo tác giả, những lúc bạn cần đến tính tự chủ và sự điềm tĩnh là lúc nào?

Xem đáp án
Theo tác giả, những lúc bạn cần đến tính tự chủ và điềm tĩnh là khi bị ai đó đổ lỗi, là khi mọi lời chỉ trích đều dồn về bạn, khi bạn liên tục vấp ngã hay bị bạn bè quay lưng.

Câu 2:

21/07/2024
Chỉ ra và nêu tác dụng 01 biện pháp tu từ trong câu: Nếu ví con người như một chiếc thuyền thì tính tự chủ chính là bánh lái, giữ cho thuyền đi đúng hướng, vượt qua những sóng gió của cuộc đời
Xem đáp án

Biện pháp tu từ: HS chỉ ra 1 trong 2 biện pháp tu từ:

+ So sánh: con người so sánh một chiếc thuyền, " tính tự chủ" với "bánh lái ";

+ ẩn dụ: sóng gió (chỉ khó khăn, thử thách)

- Tác dụng: nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.Từ đó, ta thấy chính tính tự chủ sẽ luôn giúp cho chúng ta định hướng được cuộc sống của mình, tạo nên sự kiên định, đưa chúng ta vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.

Câu 3:

17/07/2024

Theo anh, chị, tại sao tác giả khẳng định: Người hạnh phúc nhất chính là người có thể làm chủ được bản thân.

Xem đáp án
Hiểu câu nói: “người hạnh phúc nhất chính la người tự chủ được bản thân”: Đối với xã hội xưa và hiện nay, mỗi thế hệ đều có những lối sống khác biệt. Nhưng dù ở đâu, bao lâu, thế hệ nào thì tính tự chủ cũng luôn là điều cần thiết và giúp con người ta “dễ dàng” hơn đối với cuộc sống. Tự chủ đem lại cho ta rất nhiều may mắn, thành công, danh vọng trong cuộc sống.Vì ta biết kiểm soát được thái độ, hành động của mình, nhờ có sự tự chủ của bản thân, nhắc nhở phải luôn biết chế ngự và kiểm soát cảm xúc đúng nơi đúng lúc, giữ được kiên nhẫn mà hoàn thành một việc nào đó cách tốt đẹp, suôn sẻ.

Câu 4:

23/07/2024

Thông điệp Anh/ chị mà tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu lí do chọn thông điệp đó.

Xem đáp án

HS có thể nêu 1 thông điệp mà mình tâm đắc nhất (0.25), đồng thời có lí giải hợp tình, hợp lí (0.75)

Gợi ý: Em tâm đắc nhất thông điệp phải luôn biết giữ sự bĩnh tĩnh cho bản thân trong bất kì hoàn cảnh nào. Lí do ở đây chính vì chỉ khi ta biết tiết chế cảm xúc, kiểm soát được hành vi của mình bằng sự bĩnh tĩnh hết mức, ta mới có thể giải quyết tình huống, vấn đề một cách logic, thấu đáo và rõ ràng nhất. Sự bĩnh tĩnh không chỉ đơn thuần giúp cho cuộc sống ta trở nên dễ dàng, nó còn giúp chúng ta trở thành con người hoàn thiện hơn, nhờ đó công việc cũng như các mối quan hệ của chúng ta sẽ thuận lợi hơn. Nếu bạn muốn thành công hơn trong mọi việc, mọi chuyện, hãy khôn ngoan mà chọn lấy ngay sự bĩnh tĩnh. Vì sự bình tĩnh luôn là liều thuốc hữu hiệu cứu chữa mọi rắc rối.

Câu 5:

20/07/2024

Phn II. Làm văn (7,0 đim)

   Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.

Xem đáp án

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

  Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:

- Tự chủ là khả năng tự bản thân mình đưa ra quyết định sáng suốt, không bị ép buộc, tự chủ trong lời nói, suy nghĩ, tình cảm, tự chủ với hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh. Tự chủ là đức tính tốt cần phải rèn luyện trong quá trình hoàn thiện bản thân.

- Ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.

+ Người có tính tủ chủ thì trong mọi trường hợp, mọi vấn đề đều có thái độ bình tĩnh, tự tin. Tự tin vào khả năng, năng lực của bản thân, tin vào điều bản thân sẽ làm và tin vào kết quả mình mang lại. Một học sinh có tính tự chủ trong học tập biểu hiện qua việc tự giác ý thức trong hành động, chủ động làm bài tập về nhà, trên lớp với tinh thần tự học tập cao, tự học hỏi để trau dồi bản thân.

+ Khi rèn luyện được tính tự chủ, con người hình thành lối sống đúng đắn, cư xử có đạo đức, có văn hóa hơn. Tự chủ để giải quyết mọi tình huống trong cuộc sống,nhận được sự đánh giá cao của mọi người xung quanh về năng lực cũng như kỹ năng giao tiếp mà bản thân thể hiện. Tự chủ khiến ta tự tin, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, cám dỗ.

+ Tự chủ còn mang lại cho con người nhiều cơ hội cao, dám ước mơ, dám thể hiện khả năng bản thân ở mọi lĩnh vực và sẽ thành công

- Bài học: Mỗi người phải có ý thức cao, trách nhiệm trong mọi công việc, tích cực tham gia học tập và rèn luyện bản thân thật tốt; nhất là học tập kĩ năng sống, biết tự mình xử lí mọi tình huống để đem lại kết quả tốt nhất.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 6:

17/07/2024

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
 Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
 Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
 Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
 Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
 Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên. Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
 Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
 Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
 Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...
 (
Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm)

   Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét cách sử dụng các chất liệu của văn hoá dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Xem đáp án

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn thơ ( có ý phụ)

   Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

        (Nếu cảm nhận đoạn thơ mà không làm rõ ý phụ phần nhận xét thì không tính điểm cấu trúc)

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

  Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ trong chương Đất Nước, cách sử dụng các chất liệu của văn hoá dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

– Giới thiệu Nguyễn Khoa Điềm và trường ca “Mặt đường khát vọng”, chương “Đất Nước”.

– Nêu vấn đề cần nghị luận

3.2.Thân bài: 3.50

a. Khái quát về trường ca, chương V, đoạn thơ: 0.25 đ

- Về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng chung của tác phẩm;

- Vị trí, nội dung đoạn thơ.

b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật đoạn thơ: 2.5đ

- Về nội dung: (2.0đ)

+ Tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” qua góc nhìn về địa lý: nhà thơ đã nhìn ngắm Đất Nước mình qua các danh thắng trải dài từ Bắc chí Nam. Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật liệt kê (liệt kê những địa danh), sử dụng động từ “góp” để diễn tả hình ảnh của nhân dân hóa thân thành những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp cho Đất Nước(1.5)

+ Ở miền Bắc, danh thắng ấy hiện lên với núi Vọng Phu, hòn Trống Mái biểu tượng cho vẻ đẹp của tình yêu thủy chung bền vững.

+ Đó còn là vẻ đẹp người anh hùng làng Gióng với chứng tích “ao đầm ” hình móng chân ngựa mọc đầy quanh chân núi Sóc Sơn (Hà Nội). Đó là quần thể núi non hùng vĩ “chín mươi chín con voi” bao quanh núi Hi Cương (Phú Thọ) nơi đền thờ vua Hùng ngự trị. Đó là “con cóc con gà quê hương góp cho Hạ Long thành thắng cảnh”. Tất cả nhằm nhắc nhở chúng ta nhớ về truyền thống đánh giặc giữ nước, công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước của cha ông.

+ Ở miền Trung, nhà thơ đưa ta về với vùng đất Quảng Ngãi để chiêm ngưỡng “núi Bút, non Nghiên” do cậu học trò nghèo dựng nên. Đó là biểu tượng của truyền thống hiếu học của nhân dân đã góp cho đất nước bao tên tuổi.

+ Ở miền Nam, danh thắng là con sông Cửu Long hiền hòa, tươi đẹp: “Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm”. Là những người dân hiền lành, chăm chỉ góp nên “tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Đó là “Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”.

+ Bốn câu thơ cuối nâng ý thơ lên tầm khái quát: sự hóa thân của Nhân Dân vào bóng hình Đất Nước. Nhân Dân chính là người đã tạo dựng, đã đặt tên, ghi dấu ấn cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông, khắp mọi miền đất nước này: (0.5)

+ Hai câu đầu là khẳng định dáng hình của Nhân Dân trong không gian Đất Nước “trên khắp ruộng đồng gò bãi”. Bóng hình ấy của nhân dân không chỉ làm cho đất nước thêm phần tươi đẹp mà còn mang “một ao ước, một lối sống cha ông”. Nghĩa là nhân dân không chỉ góp danh lam thắng cảnh, mà còn góp vào đó những giá trị tinh thần, là phong tục, tập quán, là truyền thống văn hóa lưu dấu tới mai sau.

+ Hai câu cuối, hình tượng thơ được nâng dần lên và chốt lại bằng một câu đầy trí tuệ: “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. “Núi sông ta” sở dĩ có được là nhờ “những cuộc đời” đã hóa thân để góp nên. Nhân Dân không chỉ góp tuổi, góp tên mà còn góp cả cuộc đời và số phận mình. Ý thơ giản dị mà sâu sắc khiến ta hình dung Đất Nước thật gần gũi và thân thuộc.

 - Về nghệ thuật: ( 0.5)

+ Đoạn thơ có kết cấu chặt chẽ, tự nhiên được viết theo thể thơ tự do.

+ Câu thơ mở rộng kéo dài, biến hóa linh hoạt tạo cho đoạn thơ giàu sức gợi cảm và khái quát cao.

+ Thủ pháp liệt kê địa danh, nhà thơ luôn viết hoa hai chữ Đất Nước thể hiện sự thành kính thiêng liêng.

+ Động từ “góp” được nhắc lại nhiều lần.

c. Nhận xét cách sử dụng các chất liệu của văn hoá dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. 0.75đ

- Chọn những chất liệu tiêu biểu của văn hoá dân gian: sự tích núi Vọng Phu, truyền thuyết Thánh Gióng - những câu chuyện gắn với những huyền thoại, huyền tích…trong mấy ngàn năm qua được nhắc đến tự nhiên bằng ý nghĩa, bằng hình ảnh chi tiết, bằng cách nói đậm chất dân gian; ( 0.25)

- Việc chọn từ những chất liệu tiêu biểu của văn hoá dân gian, sử dụng nhuần nhị, sáng tạo những chất liệu ấy có ý nghĩa: ( 0.5)

+ Giúp người đọc cảm nhận và xúc động thấm thía những nỗi đau trong cuộc đời, thân phận, những vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách người Việt.

+ Đem đến cái nhìn mới mẻ, độc đáo về không gian địa lí của đất nước: mỗi danh lam thắng cảnh được nhìn nhận như một phần tâm hồn máu thịt của Nhân Dân, sự đóng góp của Nhân Dân; mỗi ngọn núi, dòng sông, ruộng đồng, gò bãi…như có linh hồn, như mang tâm trạng, tính cách Nhân Dân.

3.3.Kết bài: 0.25

- Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn thơ trong chương Đất Nước;

- Nêu cảm nghĩ về đất nước, vai trò của nhân dân và văn hoá dân gian.

4. Sáng tạo                                                   

 Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        

  Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Bắt đầu thi ngay