Trang chủ Lớp 10 Lịch sử Bài tập Chuyên đề Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam có đáp án

Bài tập Chuyên đề Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam có đáp án

Bài tập Chuyên đề Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam có đáp án

  • 221 lượt thi

  • 26 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

23/07/2024

Vậy di sản văn hoá là gì? Cách phân loại và xếp hạng ra sao? Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hoá được thực hiện như thế nào?

Xem đáp án

* Khái niệm di sản văn hoá: là hệ thống những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần, mang tính đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể, được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ.

* Cách phân loại di sản văn hóa: có nhiều cách để phân loại di sản văn hoá, tuy nhiên, cách phân loại phổ biến là dựa theo hình thái biểu hiện của di sản văn hoá, theo đó, di sản văn hóa được phân thành hai loại: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

* Cách xếp hạng di sản văn hóa: các di sản văn hoá của Việt Nam được xét duyệt theo những tiêu chí cụ thể về di sản phi vật thể và di sản vật thể. Việc xếp hạng di sản văn hoá chỉ áp dụng cho các di sản văn hoá vật thể, cụ thể là các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.

- Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: là những di sản văn hoá phi vật thể mang tính tiêu biểu cho quốc gia, khi đáp ứng đủ các tiêu chí như có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người…

- Di sản văn hoá vật thể quốc gia:

+ Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (xếp hạng theo 3 cấp): di tích cấp tỉnh; di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt

+ Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: là những hiện vật độc bản, độc đáo, có giá trị văn hóa - lịch sử đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận danh hiệu.

* Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hoá được thực hiện qua các nhóm giải pháp sau:

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lí nhà nước về di sản văn hoá; phân cấp quản lí, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về di sản, tự hào và trân trọng các giá trị di sản.

- Xử lí nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm về công tác bảo vệ và khai thác di sản.

- Sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn lực xã hội hoá, xây dựng cộng đồng trách nhiệm, thu hút các thành phần kinh tế tham gia trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá.

- Đưa dạy học di sản vào trường học thông qua nhiều hình thức như dạy học tại di sản, tham quan, trải nghiệm,... góp phần hình thành ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của mỗi học sinh.


Câu 2:

19/07/2024

Em hiểu thế nào là di sản văn hoá?

Xem đáp án

- Di sản văn hoá được hiểu là hệ thống những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần, mang tính đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể, được lưu giữ và trao truyền qua các thế hệ.

- Di sản văn hoá phải trải qua sự “thẩm định của thời gian”, khẳng định các giá trị tiêu biểu và tinh tuý, mang tính bền vững, được cộng đồng thừa nhận và được phân loại theo các tiêu chí quy định.


Câu 3:

13/07/2024

Hãy chọn một di sản văn hoá của quê hương em và nói về những giá trị tiêu biểu của di sản đó.

Xem đáp án

Lựa chọn: giới thiệu về Dân ca quan họ

* Giới thiệu tổng quan về: Dân ca quan họ

- Dân ca quan họ là hình thức hát giao duyên của người dân đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu là vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay).

- Dân ca quan họ ra đời vào khoảng thế kỉ XI hoặc thế kỉ XVII.

- Dân ca quan họ được hợp thành từ nhiều yếu tố: âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội,... đã trở thành nét văn hoá rất đặc sắc của người dân Kinh Bắc qua nhiều thế kỉ.

- Năm 2009, dân ca Quan họ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

* Giá trị của dân ca quan họ:

- Giá trị nghệ thuật:

+ Nghệ nhân Quan họ là những người có kĩ năng hát “vang, rền, nền, nẩy” rất điêu luyện, thuộc nhiều bài, hát nhiều giọng...

+ Lời ca Quan họ rất giàu tính ẩn dụ, trong sáng, phản ánh đời sống và tâm tư của người dân,..

- Giá trị kết nối cộng đồng:

+ Trong các làng Quan họ, các liền anh, liền chị luôn gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

+ Giữa các làng Quan họ, các liền anh, liền chị kết bạn theo nguyên tắc khác phái... Từ đó, cộng đồng được gắn kết không chỉ trong một làng mà còn với các làng khác.

- Lưu truyền tri thức dân gian:

+ Các giá trị nghệ thuật của dân ca Quan họ, cách thức ứng xử của các làng Quan họ,... đã trở thành những tri thức dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

+ Dân ca Quan họ có giá trị lưu truyền tri thức dân gian, nhưng luôn biến đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới. Đây là cơ sở để dân ca Quan họ được bảo tồn và phát triển bền vững.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo


Câu 4:

13/07/2024

Căn cứ vào cách phân loại di sản văn hoá ở Hình 2.6, em hãy kể tên các di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam mà em biết.

Xem đáp án

- Một số di sản văn hoá vật thể của Việt Nam: Thành nhà Hồ (Thanh Hóa); Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); đô thị cổ Hội An (Quảng Nam); Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội); Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh); Địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh)…

- Một số di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam: nghi lễ Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; Nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ; Ca trù; Hát Xoán (Phú Thọ); Dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng…

Lưu ý: Học sinh trình bày theo sự hiểu biết của bản thân


Câu 5:

17/07/2024

Hãy kể tên một số di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng ở địa phương em.

Xem đáp án

(*) Lựa chọn: Di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng ở thành phố Hồ Chí Minh:

- Di tích cấp thành phố:

+ Nhà thờ Thủ Thiêm  (số 58 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2)

+ Tu viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (số 76 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2).

+ Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (tọa lạc tại khu trung tâm Quận 1, giáp với ba mặt đường: số 135 Hai Bà Trưng, 20 Lý Tự Trọng và cổng Nguyễn Du)

+ Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản (tọa lạc tại số 11 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1)

+ Lăng Võ Tánh (tọa lạc tại số 19, đường Hồ Văn Huê, Phường 9, quận Phú Nhuận)

- Di tích quốc gia:

+ Trụ sở UBND TPHCM (số 86, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1)

+ Đình Thần Linh Đông (số 28, đường Chương Dương, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức)

- Di tích quốc gia đặc biệt:

+ Dinh Độc Lập (số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1)

+ Địa đạo Củ Chi (Đường Tỉnh Lộ 15, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mĩ Hừn, huyện Củ Chi).

- Bảo vật quốc gia: tượng phật Đồng Dương; tượn nữ thần Devi; Tượng phật Lợi Mĩ; Tượng thần Surya; tượng phật Sơn Thọ - Trà Vinh…(các tượng này đều được lưu giữ tại bảo tạng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh)

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo


Câu 6:

13/07/2024

Quan sát các hình 2.11, 2.12, 2.13, 2.14, em hãy cho biết ý nghĩa của việc xếp hạng các di sản văn hoá Việt Nam.

Quan sát các hình 2.11, 2.12, 2.13, 2.14, em hãy cho biết ý nghĩa (ảnh 1)

Xem đáp án

- Ý nghĩa của việc xếp hạng các di sản văn hoá Việt Nam:

+ Các di tích được quan tâm đầu tư và bảo vệ tốt hơn.

+ Góp phần thiết thực trong việc phát huy giá trị của di tích

+ Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

+ Có cơ sở pháp lí để xác định trách nhiệm của từng cấp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.


Câu 7:

21/07/2024

Bảo tồn di sản văn hoá là gì?

Xem đáp án

- Bảo tồn di sản văn hóa là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó.


Câu 8:

13/07/2024

Theo em, việc phát huy giá trị di sản văn hoá có mâu thuẫn với công tác bảo tồn hay không? Nếu có, em hãy phân tích và nêu quan điểm của cá nhân em về vấn đề này.

Xem đáp án

- Việc phát huy giá trị di sản văn hoá không mâu thuẫn với công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa.

- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất, luôn gắn kết chặt chẽ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

+ Bảo tồn được coi là cơ sở nền tảng để phát huy giá trị của di sản. Bảo tồn di sản thành công thì mới phát huy được các giá trị văn hoá.

+ Ngược lại, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa góp phần tạo ra nguồn lực vật chất, tinh thần,… để bảo tồn di sản, nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội đối với việc bảo vệ di sản văn hoá dân tộc.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo


Câu 9:

20/07/2024

Theo em, thành tựu của khoa học sẽ hỗ trợ như thế nào cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản? Lấy ví dụ minh hoạ.

Xem đáp án

- Các thành tựu về khoa học xã hội (Sử học, Khảo cổ học, Văn hóa học, Dân tộc học…) và khoa học tự nhiên (Sinh học, Hóa học, Vật lí học, Địa chất học…) là một trong những cơ sở quá trọng giúp: xác định đúng giá trị của di sản và đề ra phương án tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

- Ví dụ:

+ Thành tựu của Sử học, Khảo cổ học góp phần xác định lịch sử hình thành và phát triển của di sản.

+ Đối với các di sản thiên nhiên, thành tựu của ngành Sinh học góp phần xác định giá trị của di sản, đưa ra các giải pháp bảo tồn di sản

+ Đố với các di sản văn hóa phi vật thể, thành tựu của các ngành Văn hóa học, Dân tộc học cũng góp phần xác định giá trị, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 10:

13/07/2024

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò như thế nào trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá?

Xem đáp án

- Vai trò của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật:

+ Pháp luật là cơ sở pháp lí dể xác định trách nhiệm của từng cấp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; hoặc xử lí các hành vi xâm hại đến di sản.

+ Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến Pháp luật, các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đoàn thể… sẽ nhận thức rõ hơn quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá.


Câu 11:

21/07/2024

Em hãy cho biết vai trò và trách nhiệm của các nhóm chủ thể liên quan tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá.

Xem đáp án

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cần có sự phối hợp giữa các bên, phát huy được vai trò và trách nhiệm của bốn nhóm chủ thể, bao gồm: nhà quản lí, nhà đầu tư, nhà khoa học và cộng đồng cư dân:

- Nhà quản lí có vai trò:

+ Định hướng, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật;

+ Tổ chức thực hiện, đưa các chủ trương, chính sách vào đời sống;

+ Tổ chức tuyên truyền giáo dục về di sản qua các kênh khác nhau.

- Nhà đầu tư tham gia xã hội hoá các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ví dụ: phối hợp phục hồi các di sản, tổ chức phát huy giá trị di sản, tôn vinh các nghệ nhân dân gian, giao lưu văn hoá,....

- Nhà khoa học:

+ Thực hiện nghiên cứu, nhận diện các giá trị của di sản;

+ Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

- Cộng đồng cư dân là chủ sở hữu di sản:

+ Tham gia thực hành di sản, cùng chia sẻ lợi ích;

+ Có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy tài nguyên văn hoá tại địa phương.


Câu 12:

23/07/2024

Hãy cho ví dụ về vai trò của cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Xem đáp án

- Ví dụ: Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự tích hợp giữa văn học, âm nhạc, múa và diễn xướng. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người dân Phú Thọ. Trong việc bảo tồn bà phát huy giá trị của di sản văn hóa hát Xoan, cộng đồng dân cư thể hiện vai trò của mình thông qua một số hành động, như:

+ Thực hành hát Xoan trong các nghi lễ truyền thống;

+ Truyền dạy kĩ thuật hát, múa cho cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

+ Giữ gìn và bảo tồn các không gian văn hóa, không gian trình diễn hát Xoan (thường là các đình, miếu…)

+ Quảng bá hình ảnh và các giá trị của hát Xoan tới đông đảo người dân trong và ngoài địa phương.

Lưu ý: Học sinh có thể lựa chọn những ví dụ khác. Bài làm trên mang tính tham khảo


Câu 13:

18/07/2024

Theo em, những di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá thế giới trên đây có giá trị gì nổi bật?

Xem đáp án

- Những di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá thế giới được nêu trên:

+ Là những di sản nổi bật và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

+ Những di sản đó vừa mang tính lịch sử, vừa mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự sáng tạo của người Việt trong công cuộc xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Câu 14:

22/07/2024

Em hãy xác định trên Hình 2.22 vị trí phân bố các di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu trong bài học và rút ra những nhận xét.

Xem đáp án

- Vị trí phân bố các di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu trong bài học:

+ Nhã nhạc cung đình Huế => Phân bố chủ yếu ở: Thừa Thiên Huế

+ Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên => Phân bố chủ yếu ở: các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng

+ Ca trù => Phân bố chủ yếu ở một số tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, như: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…

+ Đờn ca tài tử Nam Bộ => Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) và toàn bộ khu vực Nam Bộ.

+ Nghi lễ và trò chơi Kéo co => Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Bắc Bộ: Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh.

- Nhận xét:

+ Có những di sản văn hóa phân bố trên phạm vi của một tỉnh/ thành phố. Ví dụ: Nhã nhạc cung đình ở Huế; hát Xoan ở Phú Thọ…

+ Có những di sản văn hóa phân bố trên phạm vi rộng lớn, ở nhiều tỉnh/ thành. Ví dụ: Đờn ca tài tử phân bố ở một số tỉnh Nam Trung Bộ và toàn bộ các tỉnh Nam Bộ; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên phân bố ở khắp các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên…

+ Một số di sản văn hóa thường có tên gọi gắn liền với địa bàn phân bố của di sản. Ví dụ: nghệ thuật ví, dặm Nghệ - Tĩnh; Đờn ca tài tử Nam Bộ; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên…


Câu 15:

13/07/2024

Chọn một trong các di sản văn hoá vật thể đã được giới thiệu, em hãy nói về bức tranh lịch sử của quá khứ được hàm chứa trong di sản văn hoá đó.

Xem đáp án

(*) Lựa chọn: Bức tranh quá khứ hàm chứa trong di sản Thánh địa Mỹ Sơn

- Thánh địa Mỹ Sơn toạ lạc ở một thung lũng hẹp thuộc tỉnh Quảng Nam.

- Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể gồm hơn 70 ngôi đền tháp, được các vua Chăm-pa cho xây dựng khoảng từ thế kỉ IV đến thế kỉ XIV bằng gạch, đá và chất kết dính đặc biệt. Thánh địa là nơi tổ chức cúng tế và là nơi tập trung lăng mộ của các vị hoàng thân.

- Hầu hết các công trình xây dựng ở đây đều chịu ảnh hưởng của Hin-đu giáo. Mỗi vị vua Chăm-pa sau khi lên ngôi đều đến đây làm lễ tế thần linh.

Lưu ý: Học sinh có thể lựa chọn những ví dụ khác. Bài làm trên mang tính tham khảo


Câu 16:

17/07/2024

Theo em, việc bảo tồn các di sản văn hoá này có ý nghĩa như thế nào?

Xem đáp án

- Ý nghĩa của việc bảo tồn các di sản văn hoá:

+ Góp phần lưu giữ, bảo vệ và lan tỏa những giá trị cốt lõi của cộng đồng, dân tộc.

+ Góp phần tạo ra sinh kế cho cá nhân và cộng đồng; là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

+ Thúc đẩy hòa bình và tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia thông qua quá trình giao lưu cũng như tôn trọng đa dạng văn hóa.


Câu 17:

13/07/2024

Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh điều gì về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam?

Xem đáp án

- Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh sự giàu có, đa dạng và phong phú của tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.


Câu 18:

17/07/2024

Phân tích những “giá trị nổi bật toàn cầu” của các di sản thiên nhiên đã được UNESCO ghi danh.

Xem đáp án

Phân tích “Giá trị nổi bật toàn cầu” của các di sản thiên nhiên ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh:

* Cao nguyên đá Đồng Văn: được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu (2014)

- Cao nguyên đá Đồng Văn là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800 - 1.200m so với mực nước biển, có nhiều đỉnh núi cao hơn 1.500m. Hơn 90% diện tích của cao nguyên là núi đá vôi, đặc trưng cho địa hình karst, với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp. Toàn bộ diện tích bề mặt của cao nguyên còn đang trong thời kỳ phong hóa, phong cảnh kỳ vĩ với những “thạch thụ” hợp thành “rừng đá”.

- Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất, trong đó có nhiều di sản địa chất tầm cỡ quốc tế. Các nhà khoa học đã xác định được khoảng 150 điểm di sản địa chất nhưng có lẽ khu vực này xứng đáng được gọi là “Vương quốc của địa hình chóp núi đá vôi”, hoặc dạng tam giác cân như ở Quản Bạ, Mèo Vạc hoặc dạng “mái nhà lệch”, “sách đá” đặc sắc như ở Lũng Cú, Lũng Táo, Vần Chải của huyện Đồng Văn…

-  Cao nguyên đá Đồng Văn vốn bị nhiều đứt gãy chia cắt, cùng với tác động hòa tan, rửa lũa của nước về sau mà tạo nên nhiều hẻm vực, như Tu Sản trên sông Nho Quế sâu đến 700 - 800m, sông Miện ở Quản Bạ, Khe Lía ở Đồng Văn, hẻm vực Mậu Duệ ở Yên Minh… Ngoài hẻm vực Cao nguyên đá cũng có rất nhiều biểu hiện đứt gãy khác, như vách đứt gãy Lao Và Chải nổi tiếng ở Yên Minh, đá vôi bị cà nát thành bột ở Quản Bạ, các nếp uốn, nếp oằn ở Cán Tỷ… do đó, nơi đây còn được mệnh danh là “xứ sở của những hẻm vực”.

- Trên Cao nguyên đá cũng dễ dàng tìm thấy vô số di chỉ hóa thạch cổ sinh, như hóa thạch Bọ Ba thùy ở Lũng Cú (Đồng Văn) cách ngày nay trên 500 triệu năm; hóa thạch Tay cuộn ở Ma Lé (Đồng Văn) cách ngày nay khoảng 400 triệu năm; hoặc các hóa thạch khác như Trùng thoi, Huệ biển, San hô…cách ngày nay khoảng 350 – 250 triệu năm… Chưa kể nhiều di sản địa chất đặc sắc khác chỉ mới hình thành từ khoảng 5 triệu năm trở lại đây, như Núi Đôi Cô Tiên, động Lùng Khúy, hang Khố Mỷ ở Quản Bạ…

=> Có thể nói Cao nguyên đá Đồng Văn tái hiện một cách vô cùng đa dạng, sinh động và liên tục suốt khoảng hơn 500 triệu năm lịch sử tiến hóa địa chất và sự sống của Trái đất ở đây, và vì thế mà khu vực này được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

* Vịnh Hạ Long:

- Năm 1994, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về thẩm mĩ.

+ Vịnh Hạ Long là 1 trong 10 Vịnh biển đẹp nhất thế giới.

+ Nơi đây là một tạo hình kỳ lạ của tạo hoá, là sự hài hoà, uyển chuyển giữa bố cục và màu sắc, giữa hình khối và không gian... được biểu hiện bởi hàng ngàn hòn đảo trên mặt biển xanh với những hình thù khác nhau, khơi gợi trí tưởng tượng vô hạn của con người.

- Năm 2000, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị địa chất, địa mạo

+ Vịnh Hạ Long có số lượng đảo lớn nhất cả nước, chiếm gần 2/3 tổng số lượng đảo toàn Việt Nam.

+ Lịch sử địa chất lâu dài của Vịnh Hạ Long được biết đến ít nhất trên 500 triệu năm bao gồm nhiều hệ tầng trầm tích có nguồn gốc lục địa và cacbonat. Đó là những trang sử đá ghi lại những biến cố vĩ đại của các quá trình địa chất khu vực, được thể hiện qua các đặc điểm màu sắc, thành phần vật chất, sự sắp xếp, cấu tạo các lớp đá, các di tích hoá thạch còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

+ Vịnh Hạ Long là một điển hình về biển gắn với cảnh quan các- xtơ với tháp các-xtơ đá vôi rộng lớn và phát triển tốt nhất thế giới.

* Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng: được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003 (với tiêu chí địa chất – địa mạo) và năm 2015 (với tiêu chí: hệ sinh thái và đa dạng sinh học).

- Về địa chất – địa mạo: vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có lịch sử hơn 400 triệu năm trước. Phần lớn diện tích là đá vôi và liên kết với khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nam-no của Lào.

- Về hệ sinh thái và đa dạng sinh học:

+ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động.

+ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ sinh thái động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, đặc biệt có những loài quý hiếm, giá trị vượt bậc. Dưới tán rừng xanh đại ngàn của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ghi nhận sự có mặt của 1.394 loài động vật (thuộc 835 giống) và 2.952 loài thực vật (thuộc 1006 chi).

* Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ:

- Rừng ngập mặn Cần Giờ được UNSECO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới

- Rừng ngập mặn Cần Giờ có giá trị nổi bật về hệ sinh thái và đa dạng sinh học: Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền Nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn; là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo


Câu 19:

15/07/2024

Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh điều gì về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam?

Xem đáp án

- Những di sản thiên nhiên tiêu biểu được giới thiệu phản ánh sự giàu có, đa dạng và phong phú của tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam.


Câu 20:

23/07/2024

Em hiểu như thế nào về di sản phức hợp? Hãy lấy ví dụ minh hoạ.

Xem đáp án

* Khái niệm: Di sản phức hợp (hay còn gọi là di sản kép) là di sản có những giá trị nổi bật cả về văn hoá và thiên nhiên.

* Ví dụ: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) là một phức hợp các di sản văn hoá và thiên nhiên của Việt Nam. Nơi đây nổi bật với các giá trị về: lịch sử, văn hóa, tư tưởng và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

- Về giá trị lịch sử - tư tưởng:

+ Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng tạo ra. Đây là một trong những di tích lớn và ra đời sớm ở nước ta. Hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng… ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư tu hành tại đây.

+ Đặc biệt các văn bia ở Yên Tử đều chứa đựng một lượng thông tin rất lớn, qua nghiên cứu các văn bia ở đây chúng ta có thể lập lại được một phả hệ những nhà sư đã tu hành tại đây cùng với lược sử của họ, từ đó có thể nghiên cứu được tình hình phát triển của Phật giáo Trúc Lâm qua từng thời kỳ.

+ Trải qua các thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, danh sơn Yên Tử trở thành nơi hội ngộ của các bậc thiền sư đạo cao đức trọng như Tổ Chân Nguyên, ni sư Đàm Thái, Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Tam Tổ Huyền Quang...

- Về giá trị văn hóa:

+ Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành thập thiện như: Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.

+ Bên cạnh đó, Thiền phái Trúc Lâm cũng để lại cho đời sau nhiều công trình văn hoá vật thể quý báu: chùa chiền, am, tháp được hình thành trong quá trình ra đời và phát triển của chốn tổ Trúc Lâm tại Yên Tử. Những di sản vật thể quý báu đó đã phản ánh khá rõ nét về sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc Việt Nam qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Đó là những báu vật, cổ vật có một không hai trong kho tàng văn hoá Việt Nam.

- Về giá trị cảnh quan:

+ Yên tử - một trong những linh sơn của đất nước, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, còn là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như Tùng, Trúc, Mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.

+ Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo


Câu 21:

13/07/2024

Tại sao nói: “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”?

Xem đáp án

- “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” vì: các di sản văn hóa là những thành tựu được kết tinh từ tinh thần lao động miệt mà và sự sáng tạo của nhiều thế hệ người Việt Nam và được truyền lại từ đời này qua đời khác.

-Đất nước Việt Nam sở hữu kho tàng di sản phong phú cả về vật thể và phi vật thể. Đó là tài sản vô giá của dân tộc, vì vậy trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thuộc về từng cá nhân, cộng đồng, của các thế hệ hôm nay và mai sau.


Câu 22:

20/07/2024

Từ tiêu chí phân loại và xếp hạng di sản, em hãy lập bảng thống kê về một số di sản được giới thiệu trong bài học theo các gợi ý sau:

TT

Tên di sản

Địa điểm (tỉnh)

Loại hình di sản

Giá trị nổi bật

1

?

?

?

?

2

?

?

?

?

3

?

?

?

?

?

?

?

?

Xem đáp án

Học sinh chọn một số di sản tiêu biểu cho các loại hình di sản được giới thiệu trong bài học để lập danh sách theo những gợi ý sau:

1 – Nhã nhạc cung đình Huế

* Địa điểm: Thừa Thiên - Huế

* Loại hình di sản: Di sản văn hóa phi vật thể

* Giá trị nổi bật:

- Giá trị nghệ thuật:

+ Phong phú, đa dạng về loại hình ca, nhạc, múa, kịch,...

+ Có quy mô lớn và tính chuyên nghiệp cao: sử dụng nhiều loại nhạc khí, với sự tham gia của nhiều nghệ nhân,...

+ Là loại hình nghệ thuật có tính bác học cao với hệ thống lí luận âm nhạc và sử dụng ca từ theo ngôn ngữ bác học,..

- Giá trị lịch sử:

+ Có lịch sử lâu đời, kế thừa được các thành tựu âm nhạc của dân tộc nói chung và âm nhạc cung đình Thăng Long nói riêng.

+ Phản ánh quá trình giao lưu, tiếp xúc với văn hoá Trung Quốc, văn hoá Chăm-pa và tiếp thu những ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo,….

2 – Đờn ca tài tử Nam Bộ:

* Địa điểm: Một số tỉnh Nam Trung Bộ và toàn bộ khu vực Nam Bộ.

* Loại hình di sản: Di sản văn hóa phi vật thể

* Giá trị nổi bật:

- Giá trị nghệ thuật:

+ Âm nhạc của Đờn ca tài tử Nam Bộ được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc cung đình, nhạc dân gian. Nhạc cụ sử dụng trong Đờn ca tài tử rất phong phú, gồm các nhạc cụ dân tộc (đàn kìm, đàn tranh, dàn tỉ bà, sáo, tiêu,...) và các loại nhạc cụ phương Tây (ghi-ta, vi-ô-lông,...)

+ Ca từ của Đờn ca tài tử Nam Bộ chủ yếu dùng ngôn ngữ địa phương miện Nam, thông qua các giai điệu để truyền đạt thông điệp về đạo đức, luân lí, tình cảm gia đình, xã hội,...

- Giá trị lịch sử - văn hóa:

+ Phản ánh tâm tư tình cảm của người dân trong quá trình mở đất phương Nam 

+ Phản ánh quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hoá Khơ-me, Trung Quốc, phương Tây,... 

+ Đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời trong thời kê khai phá và bảo vệ vùng đất phương Nam, phản ánh những giá trị văn hoá lâu đời của người Việt Nam, ca ngợi những tấm gương anh hùng dân tộc,... đã trở thành nguồn động viên tinh thần cho nhân dân trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

3 – Thánh địa Mỹ Sơn

* Địa điểm: Quảng Nam

* Loại hình di sản: Di sản văn hóa vật thể

* Giá trị nổi bật: phản ánh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hoá Chăm-pa trong lịch sử Đông Nam Á.

4 – Hoàng thành Thăng Long

* Địa điểm: Hà Nội

* Loại hình di sản: Di sản văn hóa vật thể

* Giá trị nổi bật:

- Là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hoá lâu dài về truyền thống văn hoá của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt chiều dài lịch sử và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay.

- Là một di sản có liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện trọng đại của quốc gia.

- Là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một dân tộc sau hơn mười thế kỉ bị nước ngoài đô hộ.

5 – Vịnh Hạ Long

* Địa điểm: Quảng Ninh

* Loại hình di sản: Di sản thiên nhiên

* Giá trị nổi bật:

+ Địa hình, địa mạo: điển hình về biển gắn với cảnh quan các-xtơ, với tháp các-xtơ đá vôi rộng lớn và phát triển tốt nhất thế giới.

+ Cảnh quan thiên nhiên: Vịnh Hạ Long được ví như một tạo hình kì lạ của tạo hoá, được tạo ra bởi hàng ngàn đảo lớn nhỏ trên mặt biến trong xanh với những hình thù khác nhau.

+ Đa dạng sinh học cao: hơn 2 900 loài động vật, thực vật được bảo tồn.

+ Lịch sử, văn hoá: với gần 20 di tích khảo cổ học được phát hiện có niên đại từ 3500 đến 14 000 năm trước đây, đã chứng minh Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ.

6 – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng:

* Địa điểm: thuộc địa bàn ba huyện: Minh Hoá, Bố Trạch, Quảng Ninh (Quảng Bình).

* Loại hình di sản: Di sản thiên nhiên

* Giá trị nổi bật:

+ Địa chất, địa mạo: được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có lịch sử hơn 400 triệu năm trước. Phần lớn diện tích là đá vôi và liên kết với khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nam-no của Lào.

+ Đa dạng sinh học: có 2952 loài thực vật thuộc 1006 chi; 1394 loài động vật thuộc 835 giống

+ Lịch sử, văn hóa: có 33 di chỉ khảo cổ có niên đại từ 3000 - 12000 năm trước; nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Đường mòn Hồ Chí Minh; bến phà Nguyễn Văn Trỗi,… Đặc biệt là dấu tích chữ Chăm-pa cổ trong các hang động.

7 – Quần thể danh thắng Tràng An

* Địa điểm: Ninh Bình

* Loại hình di sản: Di sản hỗn hợp

* Giá trị nổi bật:

+ Địa chất, địa mạo: là một trong những đại diện ưu tú nhất của các cảnh quan tháp các-xtơ đá vôi trên thế giới, với những cảnh quan ngoạn mục như: tháp các-xtơ, hang động, nhũ đá,...

+ Đa dạng sinh học: có 134 họ với 384 chi và 577 loài thực vật; trong đó, có 10 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Động vật thuỷ sinh có 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, Động vật trên cạn Có nhiều loài quý hiếm như Voọc mông trắng, rắn có mào,...

+ Lịch sử, văn hoá: đã phát hiện trên 30 di tích thời đại đá cũ, đá mới đến thời đại kim khí; là một hình mẫu nổi bật về sự tương tác và thích ứng của con người với những biến đổi khắc nghiệt của môi trường trải qua hơn 30.000 năm phát triển.


Câu 23:

13/07/2024

Em hiểu mục tiêu phát triển bền vững trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá như thế nào?

Xem đáp án

- Mục tiêu phát triển bền vững trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá được hiểu là bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ngày hôm nay và chuyển giao tài sản đó cho các thế hệ mai sau.


Câu 24:

13/07/2024

Theo em, nhà trường có vai trò như thế nào trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá?

Xem đáp án

- Vai trò của nhà trường trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá: hoạt động dạy học về di sản của nhà trường thông qua nhiều hình thức như dạy học tại di sản, tham quan, trải nghiệm,... sẽ góp phần hình thành ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của mỗi học sinh.

- Ví dụ: vai trò của nhà trường trong bảo tồn vvaf phát huy hát Xoan (Phú Thọ)

+ Từ năm học 2012 - 2013 hát Xoan được đưa vào giảng dạy chính khóa trong các trường phổ thông, thông qua các bộ môn như: Âm nhạc.

+ Bên cạnh đó, các nhà trường đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các bài học trên sách, trong nhà trường với thực tiễn, giúp các em tiếp cận kiến thức dễ dàng và nhớ lâu.

+ Nhiều cơ sở giáo dục đã làm tốt công tác bảo tồn hát Xoan, như: Trường Trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì, Trường Trung học phổ thông Xuân Áng, Trường Trung học phổ thông Trung Nghĩa....


Câu 25:

20/07/2024

Chọn một di sản văn hoá vật thể hoặc phi vật thể đã được xếp hạng và thuyết minh những đặc điểm, giá trị của di sản ấy.

Xem đáp án

(*) Bài tham khảo về: Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Theo tư liệu lịch sử, năm 1070, Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình lại cho lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần), đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.

Trong lịch sử, di tích là nơi thờ Thánh Nho (Khổng Tử), Chu Công, tứ phối, thất thập nhị hiền, Chu Văn An và là trường Quốc Học đào tạo trí thức Nho học của nước ta từ thời Lý đến thời Lê; đồng thời cũng là nơi dựng bia “đề danh” (hiện còn 82 bia) những tiến sĩ đã đỗ đạt trong các kỳ thi tiến sĩ từ thời Lý đến thời Lê, trong đó có nhiều danh nhân trong lịch sử nước ta.

Trải qua thời gian gần 1000 năm, các công trình kiến trúc của di tích có sự thay đổi nhất định. Hiện nay, di tích còn bảo tồn được một số hạng mục kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn. Khu nhà Thái Học mới được Nhà nước đầu tư phục dựng năm 1999- 2000.

Dựa vào công năng kiến trúc, có thể chia di tích thành hai khu vực chính: Văn Miếu - nơi thờ tự tiên Nho, và Quốc Tử Giám - trường đào tạo trí thức Nho học.

1. Văn Miếu

Văn Miếu được xây dựng trên khu đất hình chữ nhật (dài 300m, rộng 70m), xung quanh là tường gạch vồ, gồm các hạng mục sau:

Hồ Văn: ở trước mặt Văn Miếu, có diện tích 12.297m2. Trước đây, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình - “Phán Thuỷ đình”, là nơi diễn ra các buổi bình thơ của Nho sĩ. Nay phương đình đã mất, trên gò vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) ghi lại việc tu sửa Văn Miếu.

Nghi môn ngoại (tứ trụ): được xây bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn, đỉnh trụ đặt hai tượng nghê chầu, hai trụ ngoài thấp hơn, đỉnh trụ đắp hình chim phượng, đuôi chụm vào nhau, 4 đầu quay về 4 hướng, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán. Hai bên nghi môn có 2 bia “Hạ mã” (xuống ngựa). Đây cũng là cột mốc ranh giới hiện nay của di tích.

Nghi môn nội: được xây 2 tầng, gồm 3 cửa cuốn vòm. Trên cửa chính nghi môn nội đề 3 chữ “Văn Miếu môn”, tầng dưới to, có cầu thang lên tầng 2, tầng trên thu nhỏ, xung quanh có hành lang rộng, 4 mặt có lan can. Kiến trúc tầng 2 giống như một nghi môn 2 tầng, 8 mái, mở 3 cửa cuốn, không có cánh cửa, trên bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt.

Cửa Đại Trung (Đại Trung môn): gồm 3 gian, kết cấu ba hàng chân cột, dựng trên nền gạch cao, mái lợp ngói, hai bên có 2 cửa nhỏ (“Thành Đức môn” và “Đại Tài môn”).

Khuê Văn các: là một lầu vuông, gồm 2 tầng, 8 mái, dựng năm 1805, trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng. Phía dưới là 4 trụ gạch, 4 phía để trống, bên trên là kiến trúc gỗ, có sàn gỗ, mái lợp ngói, 4 mặt bưng ván gỗ, mỗi phía trổ một cửa tròn, có các con tiện tượng trưng cho các tia của sao Khuê toả sáng. Phía trên treo biển đề “Khuê Văn các” (chữ Hán), cùng hệ thống câu đối. Hai bên Khuê Văn các có 2 cửa nhỏ (“Bí văn môn” và “Súc văn môn”).

Hai dãy nhà bia tiến sĩ: gồm 82 bia tiến sĩ (được dựng từ năm 1484 đến năm 1780) của 82 khoa thi - từ khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đến khoa thi năm 1779. Nội dung bia ghi tên, quê quán, khoa thi của 1305 vị đỗ đại khoa. Hai dãy nhà bia mới được dựng lại năm 1994, gồm 8 nhà che bia, sắp xếp bia tiến sĩ mỗi bên bốn dãy, mỗi nhà đặt 10 bia. Hai tấm bia ghi nội dung khoa thi năm 1442 và 1448 được đặt vào giữa hai toà Bi đình. Các nhà bia được dựng theo kiểu nhà có mái đao, lợp ngói mũi hài, kết cấu vì kèo “giá chiêng”, nền lát gạch bát. Bia Văn Miếu được dựng vào 3 đợt chính: niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) dựng 10 bia; niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653) dựng 25 bia; niên hiệu Vĩnh Thịnh 13 (1717) dựng 21 bia. Ngoài ra, các bia còn lại đều được dựng cùng niên đại với khoa thi hoặc sau khoa thi một năm. Các tấm bia đều được khắc bằng loại đá được khai thác tại núi An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (hiện nay vẫn còn 1 tấm bia ghi lại việc lấy đá ở vùng này khắc 25 bia Văn Miếu vào năm 1653).

Cửa Đại Thành (Đại Thành môn): hai bên cửa có 2 cửa nhỏ (Kim Thanh và Ngọc Chấn). Cửa Đại Thành gồm 3 gian, kiến trúc 3 hàng chân cột, với 2 hàng cột hiên và một hàng cột giữa đỡ xà nóc, ba gian đều được lắp cửa 2 cánh, chính giữa treo bức hoành phi đề 3 chữ “Đại Thành môn”.

Đại bái: gồm 9 gian, 6 hàng chân cột, giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Gian giữa kê một hương án, là nơi xưa kia xuân, thu nhị kỳ vua cùng hoàng thân và các quan lại đến tế Khổng Tử. Đại bái xây trên nền cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh nền bó vỉa gạch, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì kết cấu kiểu “chồng rường, cốn kẻ chồng, bẩy hiên”, nền lát gạch Bát Tràng. Trang trí trên kiến trúc tập trung ở các bẩy hiên, chạm hình hoa lá cách điệu.

Điện Đại thành: xây song song với toà Đại bái, được nối với nhau bằng một phương đình, gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian, 4 gian đầu hồi có cửa chấn song cố định. Chính giữa có khám và ngai lớn, đặt trên bệ xây gạch, trên có bài vị “Đại Thành chí thánh tiên sư Khổng tử” - nay đã bị mất, chỉ còn lại ngai và khám.

Hai dãy nhà tả, hữu vu: mỗi dãy 9 gian, dựng trên nền cao, phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, đầu Nguyễn, nền bó vỉa gạch, lát gạch bát, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường”.

2. Quốc Tử Giám

Quốc Tử Giám xưa ở phía sau khu Văn Miếu, có giảng đường, khu nhà dành cho học sinh, kho chứa ván (gỗ) khắc in sách. Khi Quốc Tử Giám chuyển vào Huế thì khu vực này trở thành khu Khải Thánh, nơi thờ cha mẹ Khổng Tử. Hai bên tòa Khải Thánh là tả, hữu vu, giữa là một sân rộng. Hiện nay, kiến trúc khu vực này gồm các hạng mục:

Tả, hữu vu: xây chạy dọc hai bên sân, mỗi dãy 9 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường”, nền lát gạch bát.

Nhà Thái học: được dựng lại năm 1998 - 2000, gồm hai nếp nhà có kết cấu liên hoàn, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì đỡ mái kiểu “chồng rường, cốn chồng kẻ, bẩy hiên”, nền lát gạch bát. Cung thờ phía sau xây kiểu mái chồng diêm, lợp ngói mũi hài, kết cấu bộ vì kiểu “giá chiêng chồng rường”, nền lát gạch Bát Tràng. Tầng dưới Nhà Thái học trưng bày hiện vật, hình ảnh giới thiệu về di tích, tầng trên là nơi thờ các vị vua: Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông.

Ngoài ra, trong khu Văn Miếu còn có một miếu thờ thổ thần và điện thờ Mẫu. Tại di tích hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học, như hệ thống đồ thờ tự, tượng thờ, cổ vật, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản tư liệu thế giới”.

3. Các giá trị tiêu biểu

Từ góc nhìn lịch sử và di sản văn hóa, có thể nhận thấy, di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám bao hàm các mặt giá trị tiêu biểu sau:

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Trường Quốc học đầu tiên ở nước ta, đã đào tạo được nhiều thế hệ hiền tài từ thời Lý đến thời Lê - những người đã có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học “kết tinh” trong di tích là “tấm gương” phản chiếu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Trong số các di tích gắn với Nho học ở nước ta, đây là một di tích Nho học tiêu biểu, có giá trị cao về mặt kiến trúc - nghệ thuật và thẩm mỹ.

- Di tích lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản tư liệu thế giới”.

- Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách, đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển về mọi mặt của thủ đô cũng như của cả nước.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Văn Miếu- Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia; ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu 26:

13/07/2024

Thực hiện dự án trải nghiệm thực tế: lập kế hoạch bảo tồn một di sản văn hoá gắn với cộng đồng nơi em sống.

Xem đáp án

(*) Bài tham khảo:

KÊ HOACH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ HÁT XOAN (PHÚ THỌ)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích.

- Nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ

2. Yêu cầu.

Các công việc thực hiện phải bám sát nội dung của đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo đồng bộ theo các quy định của Công ước UNESCO và văn bản hướng dẫn thực hiện Công ước, Quyết định của Ủy ban Liên Chính Phủ; trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trng tâm năm 2016 và những năm trước đây để bổ sung cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

- Phát huy được ý thức, trách nhiệm, nhiệt tình của các nghệ nhân, nhân dân ở các phường Xoan gốc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch phải được sự chỉ đạo chặt chẽ, sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.

II. NỘI DUNG:

- Công việc số 1. Tiếp tục triển khai công tác truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca trên địa bàn tỉnh: + Nội dung truyền dạy, thực hành: Trên cơ sở lựa chọn truyền dạy một số bài Hát Xoan ở 3 chặng Xoan cổ.

+ Đối tượng tham gia: Đại diện ban chủ nhiệm, hạt nhân tiêu biểu của 34 Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ trên địa bàn tỉnh: Cụ thể 02 học viên/01 câu lạc bộ.

+ Địa điểm: Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và Du lịch.

+ Người truyền dạy: Các nghệ nhân thuộc các phường Xoan gốc.

- Công việc số 2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và truyền thông của Trung ương và Địa phương.

- Công việc số 3. Đẩy mạnh công tác phục hồi các tập tục liên quan tới Hát Xoan.

- Công việc số 4. Tiếp tục đưa di sản hát Xoan vào trường học; nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan và mở lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy Hát Xoan trong trường học:

+ Tiếp tục nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy Hát Xoan trong 652 trường học. Tổng số 1.400 bộ sách, đĩa, (số lượng 02 bộ/trường).

+ Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở lớp truyền dạy cho giáo viên dạy âm nhạc để dạy hát Xoan trong các trường học.

- Công việc số 5. Tổ chức liên hoan Hát Xoan cho đối tượng là học sinh tiểu học và học sinh THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

- Công việc số 6. Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân Hát Xoan (theo Quyết định số 3255/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Hai năm 2018).

- Công việc số 7. Xuất bản một tài liệu chính thống gồm những bài bản Xoan để truyền dạy trong các câu lạc bộ, các lớp cộng đồng...

- Công việc số 8. Sưu tầm bổ sung thêm hiện vật và hoàn thiện việc trưng bày, giới thiệu về Hát Xoan Phú Thọ tại Nhà trưng bày Hát Xoan trong khuôn viên Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, TP Việt Trì.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

- Nguồn kinh phí:

+ Nguồn dự toán ngân sách tỉnh Phú Thọ.

+ Nguồn kinh phí từ việc xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo


Bắt đầu thi ngay