30 đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 (Đề 26)

  • 7688 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

23/07/2024

Đọc văn bản sau và làm theo yêu cầu:

Ở tuổi mới lớn, việc đặt trọng tâm vào học tập rất phổ biến, Lisa đã hối hận vì đặt trọng tâm vào học tập trong một thời gian dài:

“Tôi có nhiều tham vọng và muốn trở thành bác sĩ giải phẫu thần kinh. Từ khi còn học lớp 7 tôi đã siêng năng như một sinh viên đại học: thức dâỵ vào 6h và đi ngủ vào lúc 2h sang chỉ để học! Bố mẹ cũng cố làm tôi thư giãn, như tôi kỳ vọng vào chính bản thân mình. Giờ đây tôi nhận ra tôi có thể đạt được điều đó mà không cần phải cố gắng tới mức như vậy, và lẽ đó tôi đã có những phút giây vui vẻ hơn, và không bị đánh rơi cả tuổi trẻ của mình”

Việc học hành rất cần thiết cho tương lai của chúng ta và phải ưu tiên hàng đầu, Nhưng chúng ta nên cẩn thận, đừng để cho những danh hiệu này kia chi phối toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Những thiếu niên lấy trường học làm trung tâm thường bị ám ảnh bởi việc đạt thứ hạng cao đến nỗi họ quên rằng mục đích thực sự của việc học là sự hiểu biết. Như hàng ngàn người đã làm được, bạn có thể học rất xuất sắc nhưng vẫn duy trì được sự cân bằng khỏe khoắn trong đời sống. Hãy nhớ rằng giá trị của chúng ta không phải được tính bằng tổng số điểm trung bình của chúng ta!

                      (Trích 7  thói quen của người thành đạt, dẫn theo http://gacsach.com)

 Thao tác lập luận chính của văn bản là gì?

Xem đáp án

Thao tác lập luận chính văn của văn bản là bình luận.


Câu 2:

21/07/2024

Theo tác giả, mục đích thực sự của việc học là gì?

Xem đáp án

Theo tác giả, mục đích thực sự của việc học là sự hiểu biết.


Câu 3:

23/07/2024

Theo anh/chị, làm sao để ta “duy trì được sự cân bằng khỏe khoắn trong đời sống”?

Xem đáp án

Để duy trì được sự cân bằng khỏe khoắn trong đời sống, con người cần:

+ Biết xác định tầm quan trọng của những nhiệm vụ và công việc trong cuộc sống sao cho thích hợp.

+ Sắp xếp thời gian và công sức cho mỗi công việc, duy trì một thời gian biểu hợp lí.

+ Tự cân bằng giữa công việc, bồi dưỡng tâm hồn và rèn luyện sức khỏe.

+ Luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan.


Câu 4:

23/07/2024

Nếu đặt thang điểm 10 cho vai trò của học tập đối với người trẻ , anh/chị sẽ chấm điểm mấy? Lí giải cho điểm số đó.

Xem đáp án

Thí sinh chủ động trình bày quan điểm của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân rút ra từ văn bản và làm rõ cho quan điểm đó.

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Nếu đặt thang điểm 10 cho tầm quan trọng của việc học tập – theo nghĩa trau dồi kiến thức – đối với người trẻ, tôi sẽ tự tin chấm điểm 8. Nếu ai từng trải qua một thời tuổi trẻ cho rằng mình đã quá đề cao việc học hành thì họ sẽ dễ có cảm giác mình đã bỏ lỡ điều gì đó rất quan trọng, như những cuộc vui với bạn bè, thời gian cho giải trí, cho những kì nghỉ cùng gia đình,… Và đáng tiếc là điều đó phải trả giá bằng tuổi trẻ, bằng thời gian không bao giờ quay lại. Vậy hãy biết dành thời gian cho bản thân, cho những người thân yêu! Nhưng còn đnág sợ hơn khi bạn ở tình trạng ngược lại, bạn tiếc nuối vì đã không trau dồi kiến thức, không nỗ lực hơn nữa để đạt được một thành tựu, để khi tuổi thanh xuân qua đi, bạn quay đầu nhìn lại và thấy rằng mình chẳng có gì cả. Và như Yukichi từng nói: “Con người chỉ hơn nhau ở học vấn mà thôi!”. Hãy tự tin và khẳng định với thế giới giá trị của mình qua những gì mình trau dồi qua học tập và trải nghiệm trong đời sống.


Câu 5:

23/07/2024

Viết bài luận 200 chữ trình bày quan điểm của em về quan niệm được đưa ra trong đoạn trích: Giá trị của chúng ta không phải được tính bằng tổng số điểm trung bình của chúng ta!

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chung:

- Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết;

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Ÿ Yêu cầu cụ thể:

Hệ thống ý

Dẫn dắt

Nêu từ khóa: giá trị bản thân, điểm số

Giải thích

- Giá trị bản thân là sự tự ý thức về những điều tốt đjep mình có được và vị thế của mình trong xã hội.

Phân tích

- Giá trị của chúng ta liên quan thế nào với điểm số trung bình?

+ Điểm số trung bình ẩn ý cho kết quả của học tập trong nhà trường. Nếu bạn có kết quả tốt, tức là bạn đã có một quá trình học tập hiệu quả và đạt được những thành tựu trong học tập.

+ Khi bạn có kết quả học tập tốt, tức là bạn có nền tảng kiến thức và kỹ năng tương đối để bước vào cuộc sống, vì vậy, bạn sẽ có nhiều thuận lợi.

- Vì sao giá trị của chúng ta không phải được tính bằng tổng số điểm trung bình?

+ Vì giá trị của một người nằm ở nhiều yếu tố như phẩm chất, kỹ năng thực tế và tri thức của họ.

+ Vì có nhiều bảng điểm không phản ánh thực chất kiến thức và năng lực của một người.

+ Vì nếu chỉ có kiến thức lý thuyết trong nhà trường mà không có trải nghiệm thì khó lòng tạo nên giá trị đích thực.

Phản biện

Trong xã hội hiện đại, một tấm bằng tốt, một học bạ đẹp luôn được đánh giá cao.

Liên hệ

Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

Điểm số không phải tất cả, không nói lên giá trị của bạn. Nhưng nếu bạn không học, không nỗ lực vì mục tiêu học tập đã đề ra, thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.


Câu 6:

20/07/2024

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài).

Xem đáp án

Ÿ Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ.

- Văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tíhc, cảm thụ, nhiều những khám phá mới mẻ, diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. (0.5 điểm)

Ÿ Yêu cầu cụ thể:

ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

- Dạng bài: cảm nhận

- Yêu cầu: Học sinh cảm nhận được sức sống tiềm tàng của nhận vật, hiểu được những nguyên nhân khiến Mị thức tỉnh, từ đó bộc lộ những xúc cảm về nhân vật

TIẾN TRÌNH BÀI LÀM

KIÊN THỨC

HỆ THỐNG Ý

NỘI DUNG CẦN ĐẠT

Điểm

CHUNG

Giới thiệu tác giả - tác phẩm

- Tô Hoài – nhà văn xuất sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Là nhà văn giỏi về phân tích diễn biến tâm lý nhân vật, về miêu tả thiên nhiên, các phong tục tập quán, tác phẩm của Tô Hoài luôn hấp dẫn người đọc bởi lối kể chuyện hóm hỉnh, sinh động, bởi vốn từ vựng giàu có.

- Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn viết về đề tài Tây Bắc của ông. Tác phẩm có một giá trị hiện thực và nhân đạo đáng kế. Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc (1954). Tác phẩm ra đời là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn cùng với bộ đội giải phóng Tây Bắc.

0.5

TRỌNG TÂM

Giới thiệu nhân vật

- Mị là một cô gái tài sắc vẹn toàn, là bông hoa ban của núi rừng Tây Bắc. Dù cha Mị nợ thống lí Pá Tra một món tiền lớn, chưa trả nổi, hằng năm phải trả lãi cả một nưong ngô nhưng Mị kiên quyết không lấy A Sử - con trai Thống lí Pá Tra - để xoá nợ. Nhưng một đêm xuân, Mị bị A Sử bắt về cúng trình ma. Cuộc đời cô gái ấy từ đó chịu cảnh con dâu gạt nợ. Những ngày đầu, đêm nào cô cũng khóc, thậm chí có lúc Mị đã định tự tử nhưng vì thương cha đành cam chịu sống trong đau khổ câm lặng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Lâu dần, cô trở nên chai sạn dần đi. Từ bông hoa ngát hương, giờ đây cô như khúc gỗ, tảng đá.

0.5

Cảm nhận nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

- Sự thức tỉnh của Mị - sức sống luôn âm ỉ, đã bùng lên trong đêm tình mùa xuân dù truớc đó bao vùi dập tưởng đã nguội tàn.

- Không khí ngày xuân là tác nhân đầu tiên làm bùng lên ngọn lửa trong lòng Mị. Men rượu ngày xuân là tác nhân thứ hai làm sống dậy cô gái Mị. Và tác nhân quan trọng nhất khiến Mị thức tỉnh là tiếng sáo ngày xuân, tiếng sáo như động lực, như thôi thúc Mị, đẩy đưa Mị đến với những đêm tình mùa xuân.

- Dù bao chà đạp, Mị vẫn khao khát cháy bỏng tự do và hạnh phúc.

+ Từ sự tác động của ngoại cảnh, đặc biệt là tiếng sáo, men rượu, khiến Mị hồi sinh, Mị nhận ra Mị còn trẻ (sự ý thức được về bản thân, về ngoại hình, nhan sắc), Mị muốn đi chơi (sự ý thức được nhu cầu đòi hỏi về mặt tinh thần).

+ Mị so sánh mình với bao người phụ nữ khác: “Bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi ngày tết.” Sự so sánh đó cho thấy một ý thức sáng suốt, hơn thế nữa, còn là sự đòi hỏi về mặt quyền lợi của Mị.

+ Và Mị trở lại cái đau đớn khi nhận ra cuộc hôn nhân phi lí của mình: “Huống chi A Sử với Mị, không có lòng mà vẫn phải ở với nhau.” Nhắc lại điều đó, ý muốn tự tử của Mị lại trở lại.

+ Từ những nhận thức đó, hành động tiếp theo của Mị. Trước tiên, Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa cho đèn thêm sáng.

+ Sau đó, Mị quấn lại tóc, lấy cái váy hoa chuẩn bị đi chơi, Mị đã bước đi theo tiếng gọi của tiếng sáo, của nhu cầu bản thân, Mị đang vượt qua những ràng buộc, để sống thật với con người mình, khao khát của mình.

- Niềm cảm thương và căm phẫn trước thế lực cường quyền, thần quyền bạo tàn trói chặt cuộc đời con người không thoát ra được.

+ A Sử về, A Sử ở đó như đại diện cho cường quyền, thần quyền, chặn đứng khát khao, nhu cầu của Mị.

+ Thế nhưng A Sử không thể trói được tâm hồn Mị, Mị bị trói nhưng Mị vẫn vùng bước đi.

3.0

Bàn luận

- Cả tác phẩm và đặc biệt là Mị trong đêm tình mùa xuân đã thể hiện được đặc sắc trong ngòi bút Tô Hoài về năng lực miêu tả: tả phong tục tập quán, đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật.

- Tô Hoài qua Vợ chông A Phủ đã phản ánh bộ mặt giai cấp thống trị miền núi, mà ở đây là thống lí Pá Tra và A Sử. Những tên chúa đất độc ác, tàn nhẫn, vô nhân tính. Chúng dùng sợi dây thần quyền và cường quyền để trói chặt và hành hạ con người.

- Tác phẩm cũng là tiếng nói thương cảm, sự cảm thông sâu săc của nhà văn đối với số phận bất hạnh của người dân lao động miền núi, đồng thời phát hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của họ: lòng khát khao tự do, yêu đời, yêu người và tinh thần phản kháng.

0.5

Bài làm mẫu:

Tây Bắc là mảnh đất non cao, vực sâu đầy hẻo lánh, hoang sơ và khắc nghiệt, ấy vậy mà lại có khả năng níu giữ bao mảnh hồn nghệ sĩ. Ta bắt gặp một Chế Lan Viên đầy háo hức, say mê với Tiếng hát con tàu, một Nguyễn Tuân ngạo nghễ cùng Người lái đò Sông Đà, và Tô Hoài luyến lưu, để thương, để nhớ bởi những cuộc đời bất hạnh của người lao động Tây Bắc với Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm là bức tranh chân thực cảm động về cuộc sống tối tăm, tủi nhục và sức mạnh vùng lên vươn tới chân trời tự do, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đại diện cho những con người đó là Mị - cô gái có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, đặc biệt được thể hiện rõ nét trong đêm tình mùa xuân.

Tô Hoài là nhà văn xuất sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nguyễn Sen là tên khai sinh của ông, là người con của mảnh đất Hà Thành văn hiến nhưng ông lại được sinh ra và có tuổi thơ gắn với làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông chính là quê ngoại của Tô Hoài. Là nhà văn giỏi về phân tích diễn biến tâm lý nhân vật, về miêu tả thiên nhiên, các phong tục tập quán, tác phẩm của Tô Hoài luôn hấp dẫn người đọc bởi lối kể chuyện hóm hỉnh, sinh động, bởi vốn từ vựng giàu có. Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn viết về đề tài Tây Bắc của ông. Tác phẩm có một giá trị hiện thực và nhân đạo đáng kể. Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc (1954). Tác phấm ra đời là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn cùng với bộ đội giải phóng Tây Bắc.

Nhân vật chính trong thiên truyện là Mị - cô gái tài sắc vẹn toàn, là bông hoa ban của núi rừng Tây Bắc. Dù cha Mị nợ thống lí Pá Tra một món tiền lớn, chưa trả nổi, hằng năm phải trả lãi cả một nương ngô nhưng Mị kiên quyết không lấy A Sử - con trai thống lí Pá Tra – để xoá nợ. Nhưng một đêm xuân, Mị bị A Sử bắt về cúng trình ma. Cuộc đời cô gái ấy từ đó chịu cảnh con dâu gạt nợ. Những ngày đầu, đêm nào cô cũng khóc, thậm chí có lúc Mị đã định tự tử nhưng vì thương cha đành cam chịu sống trong đau khổ câm lặng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Lâu dần, cô trở nên chai sạn dần đi. Từ bông hoa ngát hương, giờ đây cô như khúc gỗ, tảng đá.

Thế nhưng Mị luôn ẩn chứa sức sống tiềm tàng, sức sống âm ỉ, và nó đã bùng lên trong đêm tình mùa xuân dù trước đó bao vùi dập. Không khí ngày xuân là tác nhân đầu tiên làm bùng lên ngọn lửa trong lòng Mị, ngày xuân đến thật rộn rã trên khắp bản Mèo, điểm vào đó những chiếc váy hoa sặc sỡ, tiếng nô đùa của đám trẻ chơi quay, trai gái tụ tập đánh pao, thổi sáo, thổi khèn và nhảy, và đặc biệt hơn, những đêm tình mùa xuân - đêm của tình yêu, của uyên ương đã đến. Men rượu ngày xuân là tác nhân thứ hai làm sống dậy cô gái Mị. Rượu là men say, là chất xúc tác của tâm hồn, chất xúc tác ấy làm mờ đi thực tại, dẫn lối Mị về với xưa cũ, với ký ức. Mị uống ừng ực từng bát, uống như Mị đang chết khát, uống như đế nuốt đi cái tủi hờn đang ứ nghẹn cổ, và men rượu cay, nhưng lòng Mị còn cay đắng hơn. Và tác nhân quan trọng nhất khiến Mị thức tỉnh là tiếng sáo ngày xuân. Tiếng sáo lặp đi lặp lại trong tác phẩm như một ám ảnh, bắt đầu là tiếng sáo từ xa, ngoài đầu núi, tiếng sáo mang ý nghĩa như tín hiệu của ngày xuân, tiếng sáo gọi bạn tình, và nó vọng đến trong không gian đầy tiếng cười. Thế rồi tiếng sáo lại xuất hiện trong âm thanh văng vẳng khi Mị uống rượu, âm thanh ấy có thể là thực tại, như trai gái đang tìm nhau, bên nhau thật hạnh phúc, nhưng cái văng vẳng ấy cũng có thể là dư vang trong lòng Mị, của ngày xưa. Và lúc này, tiếng sáo là đại diện cho miền ký ức tươi đẹp: có biết bao người ngày đêm thổi sáo đi theo Mị, cái thời Mị là một cô gái xinh đẹp, yêu tự do. Nhớ lại, Mị lại ứa nước mắt, mà tiếng sáo lại lửng lơ bay ngoài đường, lúc này tiếng sáo như động lực, như thôi thúc Mị, đẩy đưa Mị đến với những đêm tình mùa xuân.

Có thể thấy rằng, dù bao chà đạp, Mị vẫn khao khát cháy bỏng tự do và hạnh phúc. Từ sự tác động của ngoại cảnh, đặc biệt là tiếng sáo, men rượu, khiến Mị hồi sinh, Mị nhận ra Mị còn trẻ (sự ý thức được về bản thân, về ngoại hình, nhan sắc), Mị muốn đi chơi (sự ý thức được nhu cầu đòi hỏi về mặt tinh thần). Hai điều nhận thức trên, đó là nhận thức, là nhu cầu của một con người, Mị là con người, hơn thế nữa còn là cô gái trẻ, chứ không phải cỗ máy, chỉ đòi hỏi đáp ứng vật chất, chỉ cần được ăn, cô gái ấy có những bức thiết về mặt tinh thần. Mị so sánh mình với bao người phụ nữ khác: “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết.” Sự so sánh đó cho thấy một ý thức sáng suốt, hơn thế nữa, còn là sự đòi hỏi về mặt quyền lợi Mị. Và Mị trở lại cái đau đớn khi nhận ra cuộc hôn nhân phi lí của mình: “Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!”. Nhắc lại điều đó, ý muốn tự tử của Mị lại trở lại. Hay nói cách khác, nghĩ đến nắm lá ngón, đến cái chết lại là dấu hiệu cô Mị đã hồi sinh, nhận ra mình muốn chết là ý thức được về những nỗi thống khổ, là sự phản ứng lại trước số phận nghiệt ngã, là khao khát muốn được tự do.

Từ những nhận thức đó, hành động tiếp theo của Mị, rõ ràng không còn trong trạng thái của một cỗ máy đã được cài đặt sẵn, vô hồn, vô ý thức. Trước tiên, Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa cho đèn thêm sáng. Hành động ấy, mang nhiều ý nghĩa biếu tượng, nhưng rõ ràng nhất, có lẽ, đèn thêm sáng, để đời Mị được sáng sủa lên chăng, chờ mong một cái gì hi vọng, tươi sáng hơn. Sau đó, Mị quấn lại tóc, lấy cái váy hoa chuẩn bị đi chơi, Mị đã bước đi theo tiếng gọi của tiếng sáo, của nhu cầu bản thân, Mị đang vượt qua những ràng buộc, đế sống thật với con người mình, khao khát của mình.

A Sử về, A Sử ở đó như đại diện cho cường quyền, thần quyền, chặn đứng khát khao, nhu cầu của Mị. Và không cần nói đến lời thứ hai, A Sử trói đứng Mị vào cột, hành động trói đứng người vợ của mình, cuốn luôn cả tóc vào cột, không cho cúi, nghiêng, làm cho Mị nước mắt rơi xuống cổ không lau đi được, hình phạt đó chẳng khác nào sự tra tấn thời trung cổ. Sự tàn bạo đó, có lẽ đã giết chết bao cô gái cả thể xác lẫn tâm hồn. Đọc đến đây, hẳn bao độc giả sẽ thấy niềm cảm thương và căm phẫn trước thế lực cường quyền, thần quyền bạo tàn trói chặt cuộc đời con người không thoát ra được.

Thế nhưng, cũng cần thấy rằng A Sử không thể trói được tâm hồn Mị, Mị bị trói nhưng Mị vẫn vùng bước đi. Cái vùng bước đi ấy, đó là cả một sức sống tiềm tàng trỗi dậy mãnh liệt, dù lúc này nó chưa đủ sức phá tan dây trói, nhưng cái vùng bước đi ấy là một sự phản kháng, chống lại. Rồi men rượu tan, tiếng sáo cũng biến mất, trở lại với Mị là nỗi đau của những sợi dây trói, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa, Mị cựa quậy xem mình còn sống. Và rồi, ngọn lửa bùng lên trong lòng Mị đêm mùa xuân nguội dần. Mị trở lại với kiếp sống chai sạn trước đây.

Cả tác phẩm và đặc biệt là Mị trong đêm tình mùa xuân đã thể hiện được đặc sắc trong ngòi bút Tô Hoài về năng lực miêu tả: tả phong tục tập quán, đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật. Tô Hoài qua Vợ chồng A Phủ đã phản ánh bộ mặt giai cấp thống trị miền núi, mà ở đây là thống lí Pá Tra và A Sử. Những tên chúa đất độc ác, tàn nhẫn, vô nhân tính. Chúng dùng sợi dây thần quyền và cường quyền để trói chặt và hành hạ con người. Tác phẩm cũng là tiếng nói thương cảm, sự cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với số phận bất hạnh của người dân lao động miền núi, đồng thời phát hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của họ: lòng khát khao tự do, yêu đời, yêu người và tinh thần phản kháng.

Gấp lại những trang sách của Tô Hoài mà dư âm về nhân vật Mị với sức sống mãnh liệt, về số phận đáng thương của người dân nghèo dưới chế độ chủ nô phong kiến miền núi vẫn in đậm trong tâm khảm của bạn đọc. Thời gian nghiệt ngã có thể làm lu mờ mọi thứ, nhưng những tác phẩm chân chính như Vợ chồng A Phủ sẽ sống mãi cùng thời gian, sẽ còn làm lay động độc giả dù cho là hôm nay hay mai sau!


Bắt đầu thi ngay