30 đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 (Đề 22)

  • 7373 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

19/07/2024

Đọc đoạn trích:

Ngày còn bé, tôi và cậu bạn thân hay chơi trò thổi nước. Nhỏ một giọt nước lên bậu cửa sổ, rồi nhỏ một giọt nữa cách xa giọt nước kia một xíu, và hai đứa chúm môi ra sức thổi hai giọt nước về phía nhau, thật hoan hỉ làm sao cái cảm giác được nhìn thấy hai giọt nước nhập vào làm một. Tôi đã nghĩ nếu chúng tôi cứ chăm chỉ chơi thổi nước, để hàng ngàn hàng vạn giọt nước đón nhận nhau, thì rồi sẽ có cả một cái biển lớn.

Ông tôi sống trong một làng ngoại thành chưa có đèn đường. Đêm đêm, lũ trẻ bán bánh mỳ, khoai nướng ở làng khác đến, phóng xe bon bon theo những ngõ xóm hiu hắt ánh đèn. Khi người ta tới, đào đường để đặt hệ thống thoát nước, ông nội tôi mỗi đêm lại hì hụi nối điện nhà, thắp lên trong ngõ một ngọn đèn, để lũ trẻ làng bên nhìn thấy những chỗ đường mới đào mà tránh. Ông tôi yêu tôi, yêu cả những đứa trẻ xa lạ ấy mà rộng lòng bao bọc!

Một người cha dẫn cô con gái nhỏ đi mua giày, và cô bé trở về nhà với đôi chân tung tăng trong một đôi giày mỗi chiếc một màu, với em, những chiếc giày trong một đôi giày cũng có “quyền được khác nhau”. Người cha ấy tủm tỉm cười, rộng lòng đón nhận những suy nghĩ khác thường của con trẻ.

(Rộng lòng, Ngô Thị Phú Bình, dẫn theo https://homnayvangaymai.wordpress.com)

Văn bản sử dụng những phương thức biểu đạt gì?

Xem đáp án

Văn bản sử dụng phương thức biểu đạt chính là tự sự và nghị luận.


Câu 2:

20/07/2024
Anh/Chị hiểu thế nào về khái niệm “rộng lòng” được tác giả dùng trong văn bản?
Xem đáp án

“Rộng lòng” được hiểu là tấm lòng rộng lượng, vị tha, biết đặt hoàn cảnh, tâm trạng, tình cảm của người khác vào mình.


Câu 4:

19/07/2024

Thông điệp anh/chị thấy tâm đắc nhất qua văn bản là gì?

Xem đáp án

Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được bài học/thông điệp cá nhân rút ra từ văn bản và bàn luận ngắn gọn về thông điệp đó.

Bài học/Thông điệp: lòng nhân hậu, sự bao dung, vị tha, tấm lòng yêu thương trân trọng sở thích suy nghĩ cá nhân,...

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.


Câu 5:

21/07/2024

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ bàn luận về lòng vị tha.

Xem đáp án

• Yêu cầu chung:

- Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết:

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nếu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

• Yêu cầu cụ thể: 

Hệ thống ý

Dẫn dắt

Nêu từ khóa: lòng vị tha

Giải thích

Vị tha nghĩa là vì người khác, suy rộng ra đó là tấm lòng bao dung, độ lượng, không suy xét lỗi lầm của người khác.

Phân tích

- Lòng vị tha có nguồn gốc và biểu hiện như thế nào? 

+ Nguồn gốc: lòng vị tha xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, luôn cho người khác cơ hội để làm điều đúng đắn, thiện lương.

+ Biết nghĩ và làm cho người khác, tập đứng ở hoàn cảnh của người khác, đó chính là vị tha.

+ Biểu hiện của lòng vị tha cũng rất đa dạng: 

• Nhường nhịn người yếu hơn mình 

• Giúp đỡ những người khó khăn 

• Tha thứ cho những lỗi lầm Hệ thống ý 

- Vì sao cần có lòng vị tha?

+ Lòng vị tha là một phẩm chất đáng quý, giúp con người nâng cao giá trị bản thân, cuộc sống dịu dàng, xã hội tốt đẹp hơn.

+ Vị tha cho người ta sức mạnh. Đó không chỉ là cho người khác cơ hội, mà là cho chính mình cơ hội được nhẹ lòng, để không còn phải so đo với những thiệt hơn.

Phản biện

Có những lỗi lầm không thể tha thứ, không thể chuộc lại được.

+ Có những lỗi lầm không thể tha thứ

+ Nhưng lòng vị tha cũng giúp ta chấp nhận điều đó với tâm trạng bình tĩnh hơn.

Liên hệ

- Bài học/ Liên hệ + Từ khóa. 

Nhường nhịn, yêu thương tha thứ cho chính những người thân quanh mình. Đó là bài học đầu tiên về lòng vị tha.


Câu 6:

22/07/2024

Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đã để chi tiết dòng nước mắt xuất hiện hai lần trong buổi chiều nhập nhoạng.

     Lần đầu: Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đưa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?

     Lần thứ hai: Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá... Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.”

     Qua việc cảm nhận chi tiết trên, hãy bàn luận vẻ đẹp tình mẫu tử qua hình tượng bà cụ Tứ.

Xem đáp án

• Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.

- Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

• Yêu cầu cụ thể:

ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

- Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt

- Dạng bài: Phân tích chi tiết nghệ thuật

- Yêu cầu: Phân tích chi tiết dòng nước mắt bà cụ Tứ để làm rõ vẻ đẹp tình mẫu tử của nhân vật, tuy nhiên các em cần lưu ý việc đề bài để xuất hiện đến hai lần chi tiết giọt nước mắt bà cụ Tứ, đồng thời đã yêu cầu em cần làm thêm thao tác so sánh, tìm ra được dụng ý của nhà văn trong việc để chi tiết xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm.

TIẾN TRÌNH BÀI LÀM

KIẾN THƯC

HỆ THỐNG Ý

PHÂN TÍCH CHI TIẾT

ĐIỂM

CHUNG

Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn. Hay nói cách khác, nhà văn Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam đương đại, là người đã viết những trang hay nhất về làng quê bằng cả lòng yêu thương, sự gắn bó và trái tim hết mực chân thành.

- Tác phẩm nằm trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lặp lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

0.5

 

Giới thiệu nhân  vật

- Bà cụ Tứ là mẹ của Tràng, cũng là dân xóm ngụ cư, nhân vật | bà là người phụ nữ đã mất chồng, chịu cảnh “mẹ góa, con côi”. Nhân vật này xuất hiện ở giữa câu chuyện, hiện lên qua cái dáng lom khom (đó là dáng hình của một người đã lớn tuổi, cái lưng còng như đã hứng chịu cả một đời gió sương, hơn nữa, lom khom còn vẽ lên cái dáng hình gầy guộc), tiếng ho hung hăng (sự ốm yếu, cái đặc trưng của người già), và miệng thì lẩm bẩm tính toán (có lẽ cả đời bà, vì không còn chồng, nên chẳng phút thảnh thơi, phải lo chắt chiu, ki cóp, phải lo từng đồng, từng bữa, và tội nghiệp thay, đến cả lúc già cả, gần đất xa trời, cái toan tính vẫn chẳng thể bỏ được, cái khốn khổ, trách nhiệm đã đeo đắng cả cuộc đời bà).

0.5

TRỌNG TÂM

Phân tích, cảm nhận

- Đoạn 1: “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”

+ Khi nghe Tràng giới thiệu về người vợ nhặt, bà lão chỉ cúi đầu nín lặng. Cái nín lặng của người mẹ già đã hiểu ra bao cơ sự. Từ sự phấp phỏng, ngạc nhiên ban đầu, bà đã hiểu được gần như đầy đủ. Từ cái cúi đầu nín lặng đến hiểu ra bao cơ sự là cả 1 sự ứng xử khéo léo, bao dung mà độ lượng. Cái cúi đầu hiểu ra bao cơ sự cũng chứng tỏ sự thấu hiểu và từng trải lẽ đời. Bà đã giải được những éo le, lạ lùng trong ngôi nhà mình lúc bấy giờ. Là những chuyện khó nói, mà Tràng không nêu rõ, có thể là điều mà người phụ nữ kia sẽ thấy xấu hổ khi được hỏi hoặc được nói ra thẳng thắn. Bà hiểu ra, và bà không nỡ hỏi. Đó là trí tuệ của một người đã từng trải, và đó là trái tim của một người mẹ vị tha, nhân hậu.

+ Trong nội tâm của bà cụ Tứ bao ngổn ngang, bối rối. Mà trong những nỗi niềm đó, có một chữ “lo”. Đó là cái lo không biết chúng nó có nuôi được nhau qua cảnh khốn khó này không. Cái đói, dường như phủ đầy trong cuộc sống, xâm lấn vào tận mỗi tế bào. Vì thế, chuyện hỉ sự, vậy mà, người ta vẫn còn nhức nhối vì lo, vì sợ.

- Đoạn 2: "Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chỉ cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá... Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng."

+ Hình ảnh dăm ba mâm cho thấy được sự chu đáo và trân trọng người con dâu của bà cụ Tứ. Chỉ là cô gái tầm phơ tầm phào anh cu Tràng nhặt ngoài đường ngoài chợ, nhưng bà không muốn vì thế mà cô bị rẻ rúng. Làm dăm ba mâm để cho cô một thân phận, thế mới thấy người mẹ nghèo thật sâu sắc và tinh tế.

+ Hình ảnh dòng nước mắt lại xuất hiện như cả 1 bầu trời thương lo và trách nhiệm của người mẹ nghèo. Bà không chỉ thương con, còn thấy mình có lỗi với con. Là mẹ, không lo được cho con, trong xúc cảm người mẹ, thấy trào dâng niềm hờn tủi. 

0.5

 

Bàn luận

- Có thể nói cả hai lần xuất hiện hình ảnh dòng nước mắt, ta đều thấy vẻ đẹp bà cụ Tứ hiện lên, đó là lòng thương con vô hạn.

- Bằng tài năng và tấm lòng đồng cảm sâu sắc, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945. Nhân vật bà cụ Tứ được khắc họa chủ yếu qua sự vận động trong nội tâm nhân vật.

Ngoài ra, qua những lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật ta cũng có thể cảm nhận được tấm lòng yêu thương con sâu sắc. Đặc biệt với chi tiết dòng nước mắt cài vào và lặp lại, ta thấy một sự am hiểu tâm lý rất sâu và tinh của nhà văn. Người già hay lo nghĩ, cũng hay tủi hờn, dòng nước mắt làm ta nhớ đến cái dáng quen thuộc của những người bà, người mẹ nông thôn lam lũ mà cần cù, một đời lo cho con, tất cả vì con.

0.5

Bài làm mẫu:

Những năm tháng trước cách mạng tháng Tám, số phận người nông dân trong trang viết của các nhà văn khốn khổ đến mức tột cùng. Ở Ngô Tất Tố, ta bắt gặp chị Dậu với bầu trời tăm tối, ở Nguyễn Công Hoan là tình cảnh cho vay lấy lãi nặng nề. Còn đến Kim Lân, sau nỗi đau của ông Hai, nhà văn lại tìm về với nạn đói 1945 với truyện ngắn Vợ nhặt. Trong tác phẩm này, nhà văn của nông dân không chỉ thành công ở việc xây dựng tình huống truyện độc đáo mà còn có biệt tài trong việc xây dựng các chi tiết truyện đặc sắc. Trong đó, chi tiết miêu tả giọt nước mắt của bà cụ Tứ khi Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà giới thiệu là một chi tiết tiêu biểu, góp phần làm nên thành công lớn cho tác phẩm.

Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn. Hay nói cách khác, nhà văn Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam đương đại, là người đã viết những trang hay nhất về làng quê bằng cả lòng yêu thương, sự gắn bó và trái tim hết mực chân thành. Tác phẩm Vợ nhặt nằm trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lặp lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này. 

Truyện ngắn Vợ nhặt được đặt trong bối cảnh nạn đói thê thảm năm 1945 với trên hai triệu đồng bào nước ta bị chết đói. Trong cái chết bủa vây ấy, Tràng dẫn cô vợ về nhà ra mắt mẹ. Sự kiện này làm xáo động cả vùng quê, cả xóm ngụ cư nghèo khổ. Họ ngạc nhiên vì trong thời buổi đói khát này, Tràng lại liều mạng nước thêm một miệng ăn.

Bà cụ Tứ là mẹ của Tràng, người phụ nữ đã mất chồng, chịu cảnh “mẹ góa, con côi”. Bà hiện lên qua cái dáng lom khom, là dáng hình của một người đã lớn tuổi, cái lưng còng như đã hứng chịu cả một đời gió sương, hơn nữa, lom khom còn vẽ lên cái dáng hình gầy guộc), tiếng ho hung hăng thể hiện sự ốm yếu, cái đặc trưng của người già và miệng thì lầm bầm tính toán, có lẽ cả đời bà, vì không còn chồng, nên chẳng phút thảnh thơi, phải lo chắt chiu, ki cóp, phải lo từng đồng, từng bữa, và tội nghiệp thay, đến cả lúc già cả, gần đất xa trời, cái toan tính vẫn chẳng thể bỏ được, cái khốn khổ, trách nhiệm đã đeo đẳng cả cuộc đời bà.

Chi tiết miêu tả giọt nước mắt thứ nhất của bà cụ Tứ ở phần giữa của tác phẩm, khi anh Tràng đưa thị về ra mắt bà Tứ là một chi tiết nhỏ nhưng lại có sức ám ảnh và lay động người đọc. Khi hiểu ra, người mẹ nhạy cảm nhận ra cảnh bi hài của câu chuyện, để rồi nỗi tủi thân đã hóa thành nước mắt “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. “Kẽ mắt kèm nhèm” là sự hiện hình của một bức chân dung đầy khổ hạnh của người phụ nữ nông dân lớn tuổi: “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chông cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nôi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”

Khi nghe Tràng giới thiệu về người vợ nhặt, bà lão chỉ cúi đầu nín lặng. Cái nín lặng của người mẹ già đã hiểu ra bao cơ sự. Từ sự phấp phỏng, ngạc nhiên ban đầu, bà đã hiểu được gần như đầy đủ. Từ cái cúi đầu nín lặng đến hiểu ra bao cơ sự là cả một sự ứng xử khéo léo, bao dung mà độ lượng. Cái cúi đầu hiểu ra bao cơ sự cũng chứng tỏ sự thấu hiểu và từng trải lẽ đời. Bà đã giải được những éo le, lạ lùng trong ngôi nhà mình lúc bấy giờ. Là những chuyện khó nói, mà Tràng không nêu rõ, có thể là điều mà người phụ nữ kia sẽ thấy xấu hổ khi được hỏi hoặc được nói ra thẳng thắn. Bà hiểu ra, và bà không nỡ hỏi. Đó là trí tuệ của một người đã từng trải, và đó là trái tim của một người mẹ vị tha, nhân hậu. Trong nó của bà cụ Tứ, bao ngổn ngang, bối rối. Mà trong những nỗi niềm đó, có một chữ lo. Đó là cái lo không biết chúng nó có nuôi được nhau qua cảnh khốn khó này không. Cái đói, dường như phủ đầy trong cuộc sống, xâm lấn vào tận mỗi tế bào. Vì thế, chuyện hỉ sự, vậy mà, người ta vẫn còn nhức nhối vì lo, vì sợ.

Trong đoạn văn miêu tả bà cụ Tứ khóc, Kim Lân đã rất tinh tế khi dùng từ “rỉ”. Dường như bà cụ Tứ đang phải kìm nén cảm xúc của chính mình, bao nhiêu tủi phận, cay đắng, xót xa như nghẹn lại trong lòng khiến bà không thể khóc. Hình ảnh “giọt nước mắt” trong lần miêu tả thứ nhất của bà cụ Tứ khiến người đọc đắng lòng bởi số kiếp nghèo khổ, khốn khó, tội nghiệp của con người. Biết bao nhiêu cơ cực của cuộc đời đã chất chứa, dồn tụ và ứ nghẹn trong dòng nước mắt hiếm hoi, ít ỏi ấy. Viết về hình ảnh “giọt nước mắt”, Nguyễn Khuyến trong bài Khóc Dương Khuê cũng có câu: 

“Tuổi già như hạt lệ sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”

Hay Nam Cao khi miêu tả nước mắt của Lão Hạc “những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra”. Những năm tháng trải đời với biết bao cay đắng khiến cho họ dù đau đớn nhưng cũng đã cạn khô nước mắt , chai sạn với cuộc đời nên những dòng nước mắt chỉ là sự “rỉ” ra hiếm hoi mà thôi.

Với người phụ nữ Việt Nam thì nào đâu chỉ có việc mang nặng đẻ đau, nuôi con trưởng thành, mà còn phải lo cho con yên bề gia thất. Cha mẹ nào chưa lo được tấm chồng, cô vợ cho con thì chết không nhắm mắt được. Với quan niệm truyền thống ấy, bà cụ Tứ cũng hiện lên đầy tâm sự.

Chi tiết miêu tả bà cụ Tứ khóc lần thứ hai, vẫn xuất hiện trong cuộc gặp gỡ người con dâu. Nếu như lần miêu tả thứ nhất giọt nước mắt của bà Tứ, Kim Lân dùng từ “rỉ” thì lần này, nhà văn lại sử dụng từ láy “ròng ròng”: “Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chỉ cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá... Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.” 

Cách khóc “ròng ròng” giống như một sự giải tỏa, gột rửa những nỗi đau, tủi hận. Tiếng khóc lúc này không còn là sự kìm nén mà còn là sự giãi bày. Bà khóc để sẻ chia lòng mình, để tìm được sự thông cảm từ các con. Nhưng thật đặc biệt là lúc này anh Tràng đã đi ra ngoài, chỉ còn lại không gian riêng giữa bà Tứ và nàng dâu. Điều này đã cho thấy bà Tứ không chỉ thương con trai, thương bản thân mình mà còn thương người đàn bà xa lạ. 

Hình ảnh dăm ba mâm cho thấy được sự chu đáo và trân trọng người con dâu của bà cụ Tứ. Chỉ là cô gái tầm phơ tầm phào anh cu Tràng nhặt ngoài đường ngoài chợ, nhưng bà không muốn vì thế mà cô bị rẻ rúng. Làm dăm ba mâm để cho cô một thân phận, thế mới thấy người mẹ nghèo thật sâu sắc và tinh tế. Hình ảnh dòng nước mắt lại xuất hiện như cả một bầu trời thương lo và trách nhiệm của người mẹ nghèo. Bà không chỉ thương con, còn thấy mình có lỗi với con. Là mẹ, không lo được cho con, trong xúc cảm người mẹ, thấy trào dâng niềm hờn tủi.

Bà cụ Tứ khóc nhưng cũng là người chủ động gạt đi nước mắt để sống lạc quan, bà là điểm tựa cho hạnh phúc của đôi vợ chồng son. Bà dậy sớm cùng con dâu thu dọn nhà cửa như để đón chào một cuộc sống mới tươi vui hơn “làm ăn có cơ khấm khá hơn” đang mở ra ở phía trước. Có thể nói cả hai lần xuất hiện hình ảnh dòng nước mắt, ta đều thấy vẻ đẹp bà cụ Tứ hiện lên, đó là lòng thương con vô hạn. Bằng tài năng và tấm lòng đồng cảm sâu sắc, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ trong trận đói khủng khiếp năm 1945. Nhân vật bà cụ Tứ được khắc họa chủ yếu qua sự vận động trong nội tâm nhân vật. Ngoài ra, qua những lời nói, cử chỉ, hành động của nhân vật ta cũng có thể cảm nhận được tấm lòng yêu thương con sâu sắc. Đặc biệt với chi tiết dòng nước mắt cài vào và lặp lại, ta thấy một sự am hiểu tâm lý rất sâu và tinh của nhà văn. Người già hay lo nghĩ, cũng hay tủi hờn, dòng nước mắt làm ta nhớ đến cái dáng quen thuộc của những người bà, người mẹ nông thôn lam lũ mà cần cù, một đời lo cho con, tất cả vì con. 

Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến các phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.


Bắt đầu thi ngay