Giải Địa lí 9 Bài 17 (Kết nối tri thức): Vùng Tây Nguyên

Với giải bài tập Địa lí 9 Bài 17: Vùng Tây Nguyên sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Địa lí 9 Bài 17.

1 334 28/04/2024


Giải Địa lí 9 Bài 17: Vùng Tây Nguyên

Giải Địa lí 9 trang 187

Mở đầu trang 187 Bài 17 Địa Lí 9: Tây Nguyên có vị trí địa lí quan trọng về quốc phòng an ninh và có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Tây Nguyên có nhiều dân tộc cùng chung sống với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng Tây Nguyên có những thế mạnh và hạn chế gì? Ngành kinh tế nào là ngành thế mạnh của vùng?

Trả lời:

- Thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

+ Thế mạnh: địa hình cao nguyên tương đối bằng phẳng, đất badan màu mỡ, các khối núi đất feralit; khí hậu có tính chất cận xích đạo, phân hóa mưa - khô rõ rệt, phân hóa theo độ cao; nhiều sông lớn chảy qua các bậc địa hình, các hồ tự nhiên và hồ nhân tạo, nguồn nước ngầm phong phú; khoáng sản bô-xít; tài nguyên rừng phong phú, trữ lượng lớn, đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia.

+ Hạn chế: mùa khô kéo dài, đất bị suy thoái, suy giảm nước ngầm

- Ngành kinh tế thế mạnh: phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả; lâm nghiệp; công nghiệp sản xuất điện; du lịch.

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

Câu hỏi trang 187 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 1 và hình 17.1, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Tây Nguyên.

Dựa vào thông tin mục 1 và hình 17.1 hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí

Trả lời:

- Tổng diện tích hơn 54 nghìn km2, chiếm 16,5% diện tích cả nước; bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

- Giáp với giáp vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; hai nước láng giềng là Lào và Cam-pu-chia.

- Vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh. Nhiều thuận lợi trong giao thương với các vùng trong nước và đóng vai trò quan trọng trong kết nối với các nước Đông Nam Á lục địa.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Giải Địa lí 9 trang 189

Câu hỏi trang 189 Địa Lí 9: Dựa vào hình 17.1 và thông tin mục 2, hãy trình bày thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng Tây Nguyên.

Dựa vào hình 17.1 và thông tin mục 2 hãy trình bày thế mạnh và hạn chế

Trả lời:

- Thế mạnh:

+ Địa hình, đất: chủ yếu là các cao nguyên có độ cao khác nhau, địa hình bề mặt xếp tầng tương đối bằng phẳng, đất badan màu mỡ thuận lợi quy hoạch các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp. Các khối núi Kon Tum và cực Nam Trung Bộ có đất feralit thuận lợi trồng dược liệu.

+ Khí hậu có tính chất cận xích đạo, phân hóa mưa - khô rõ rệt, thuận lợi cho cây trồng nhiệt đới phát triển, mùa khô thuận lợi cho phơi, sấy nông sản. Khí hậu phân hóa theo độ cao, một số khu vực khí hậu mát mẻ, có thể trồng cây cận nhiệt như chè, cây dược liệu,… phát triển du lịch.

+ Nguồn nước: là nơi bắt nguồn của nhiều con sông, các sông lớn là Sê San, Srêpôk, Đồng Nai, sông Ba, chảy qua các bậc địa hình tạo tiềm năng thủy điện lớn, là khu vực có trữ năng thủy điện lớn thứ 2 cả nước. Các hồ tự nhiên và hồ nhân tạo như Ialy, hồ Lắk, có khả năng tích trữ nước, điều tiết dòng chảy, cung cấp nước vào mùa khô. Nguồn nước ngầm phong phú đóng vai trò quan trọng đối với sinh hoạt và sản xuất, nhất là trong mùa khô.

+ Khoáng sản bô-xít với trữ lượng lớn nhất cả nước (hơn 8,2 tỉ tấn), tập trung ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai.

+ Sinh vật: tài nguyên rừng phong phú, trữ lượng lớn, chiếm 45% trữ lượng gỗ cả nước, tính đa dạng sinh học cao. Rừng có nhiều loại gỗ quý (cẩm lai, gụ, mật, nghiến, trắc, pơ mu,…) và hệ động vật hoang dã với nhiều loài quý hiếm (voi, bò tót,…) có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và kinh tế. Cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ kết hợp với nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia đem lại thế mạnh phát triển du lịch sinh thái.

- Hạn chế:

+ Mùa khô kéo dài, dẫn tới nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và cháy rừng.

+ Nước ngầm nằm sâu và có sự suy giảm về trữ lượng gây khó khăn cho khai thác.

+ Đất đang bị suy thoái, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

3. Dân cư, văn hóa

Giải Địa lí 9 trang 190

Câu hỏi trang 190 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 3, hãy:

- Nhận xét đặc điểm dân cư ở Tây Nguyên.

- Trình bày đặc điểm văn hóa nổi bật của các dân tộc Tây Nguyên.

Trả lời:

- Đặc điểm dân cư ở Tây Nguyên:

+ Năm 2021, số dân khoảng 6 triệu người, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,25%, cao hơn mức trung bình cả nước (0,93%).

+ Là vùng thưa dân nhất nước ta, mật độ dân số toàn vùng là 111 người/km2 (2021). Đắk Lắk là tỉnh có mật độ dân số cao nhất vùng (146 người/km2), Kon Tum có mật độ thấp nhất (59 người/km2). Dân cư chủ yếu sống ở nông thôn (hơn 71% dân số năm 2021).

+ Là địa bàn nhiều thành phần dân tộc nhất nước ta, gồm các dân tộc: Ê-đê, Ba na, Gia-rai, Cơ-ho, Kinh, HMông,…

- Đặc điểm văn hóa nổi bật của các dân tộc:

+ Văn hóa đa dạng, độc đáo, có nhiều di sản vật thể, phi vật thể, điển hình là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, các lễ hội truyền thống như: Đua Voi, Cơm Mới,…

+ Kiến trúc đặc trưng là nhà Rông, nhà Dài, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, diễn ra các lễ hội và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Có nhiều loại nhạc cụ độc đáo như cồng, chiêng, đàn đá, đàn t’rưng, tù và,…

+ Đồng bào Tây Nguyên có kinh nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp; có truyền thống đoàn kết. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo cơ sở nền tảng để ổn định và phát triển bền vững.

+ Văn hóa ngày càng đa dạng do vừa tiếp thu các yếu tố văn hóa mới, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

4. Các ngành kinh tế thế mạnh

Giải Địa lí 9 trang 191

Câu hỏi trang 191 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục a và hình 17.2, hãy:

- Trình bày sự phát triển và phân bố của ngành trồng cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên.

- Trình bày sự phát triển và phân bố của ngành trồng cây ăn quả Tây Nguyên.

Dựa vào thông tin mục a và hình 17.2 hãy: Trình bày sự phát triển và phân bố

Trả lời:

- Sự phát triển và phân bố của ngành trồng cây công nghiệp lâu năm:

+ Là vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn của nước ta, năm 2021, diện tích chiếm hơn 40% diện tích cả nước.

+ Các cây chính là cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, trong đó cà phê là cây chủ lực. Cà phê đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng (chiếm 90% diện tích và sản lượng cả nước), trồng nhiều ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Cao su và điều có diện tích đứng thứ 2 cả nước (chiếm hơn 25% diện tích cao su và điều cả nước), trong đó cao du được trồng nhiều nhất ở Gia Lai, điều trồng nhiều nhất ở Đắk Lắk.

- Sự phát triển và phân bố của ngành trồng cây ăn quả:

+ Là vùng trồng cây ăn quả lớn, các loại tiêu biểu là sầu riêng, bơ, chôm chôm, mít,… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Bắt đầu ứng dụng công nghệ cao (công nghệ sinh học, tự động hóa,…) vào phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả, đẩy mạnh công nghiệp chế biến để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Giải Địa lí 9 trang 192

Câu hỏi trang 192 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục b và hình 17.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành lâm nghiệp ở Tây Nguyên.

Dựa vào thông tin mục b và hình 17.2 hãy trình bày sự phát triển và phân bố

Trả lời:

- Chủ yếu là hoạt động khai thác gỗ, trồng rừng đang được đẩy mạnh. Các lâm sản ngoài gỗ như măng, dược liệu,… được khai thác nhiều góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân vùng rừng.

- Sản lượng gỗ khai thác tăng lên hằng năm, đạt 735,7 nghìn m3 năm 2021, gỗ khai thác phục vụ cho xuất khẩu là chủ yếu. Đắk Lắk là tỉnh khai thác gỗ nhiều nhất vùng, chiếm 50,3% sản lượng gỗ toàn vùng (2021). Diện tích rừng trồng mới đạt 19 nghìn ha năm 2021, nhiều nhất tại Gia Lai, chiếm 42,1% diện tích rừng trồng mới toàn vùng.

- Chú trọng phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp khai thác trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán và bảo vệ rừng. Các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển được quy hoạch như Kon Ka Kinh, Tà Đùng, Yok Đôn, Lang Biang,…

Giải Địa lí 9 trang 193

Câu hỏi trang 193 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục c và hình 17.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành sản xuất điện ở Tây Nguyên.

Dựa vào thông tin mục c và hình 17.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố

Trả lời:

- Sản lượng điện sản xuất năm 2021 chiếm 10,3% tổng sản lượng điện cả nước. Cơ cấu ngành sản xuất điện đa dạng, có cả thủy điện, điện gió, điện mặt trời.

- Trên các hệ thống sông đã hình thành các bậc thang thủy điện, như hệ thống sông Sê San có nhà máy thủy điện Ialy (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Sê San 4 (360 MW),…; hệ thống sông Srêpôk có nhà máy thủy điện Srêpôk 3 (220 MW), Buôn Kuốp (280 MW),…; hệ thống sông Đồng Nai có các nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 (180 MW), Đồng Nai 4 (340 MW),… Các nhà máy điện gió lớn là Ea Nam (400 MW), Ia Pết - Đắk Đoa 1, 2 (200 MW),… Điện mặt trời có ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai.

Câu hỏi trang 193 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục d và hình 17.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành du lịch ở Tây Nguyên.

Dựa vào thông tin mục d và hình 17.2 hãy trình bày sự phát triển và phân bố

Trả lời:

- Là ngành thế mạnh, ngày càng phát triển bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc sắc.

- Tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng,… Các điểm đến nổi tiếng gồm: Buôn Đôn, hồ Lắk, Lang Biang, Măng Đen, Tà Đùng,…

- Năm 2021, số khách du lịch chiếm khoảng 9% số lượt khách du lịch lữ hành cả nước. Đã hình thành các trung tâm du lịch như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột,…

- Định hướng phát triển: tăng cường kết nối liên kết nội vùng, liên vùng để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn du khách; khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.

5. Các vấn đề môi trường trong phát triển

Giải Địa lí 9 trang 194

Câu hỏi trang 194 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 5, hãy trình bày các vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Trả lời:

- Môi trường nước ở một số nơi bị ô nhiễm bởi các hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất và phân bón trong trồng trọt, hoạt động chăn nuôi gia súc,… Nguồn nước đang đứng trước tình trạng cạn kiệt vào mùa khô do hạn hán và khai thác quá mức nước ngầm.

- Hiện tượng mất rừng và suy thoái rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn đang diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do khai thác gỗ trái phép, chặt phá rừng để phát triển cây công nghiệp.

Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập trang 194 Địa Lí 9: Dựa vào bảng 17.3, hãy nhận xét sản lượng gỗ khai thác và diện tích rừng trồng mới ở Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2021.

Dựa vào bảng 17.3 hãy nhận xét sản lượng gỗ khai thác và diện tích rừng

Trả lời:

Nhìn chung, sản lượng gỗ khai thác và diện tích rừng trồng mới ở Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2021 đều có sự thay đổi, trong đó sản lượng gỗ không ngừng tăng lên và diện tích rừng trồng mới có biến động, cụ thể:

- Sản lượng gỗ khai thác tăng từ 546,7 nghìn m3 (2010) đã tăng liên tục và đạt 753,7 nghìn m3 (2021).

- Diện tích rừng trồng mới có sự suy giảm trong giai đoạn 2010 - 2015, giảm từ 17,4 nghìn ha xuống chỉ còn 10,2 nghìn ha, tuy nhiên sau đó đã tăng lên, đạt 19 nghìn ha năm 2021.

Vận dụng trang 194 Địa Lí 9: Sưu tầm thông tin, hình ảnh về một số nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên (lễ hội, kiến trúc, nhạc cụ).

Trả lời:

Lễ hội đua voi ở Tây Nguyên

Sưu tầm thông tin, hình ảnh về một số nét văn hóa đặc sắc của người dân Tây Nguyên

Lễ hội đua Voi là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 3 Dương lịch tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, là tháng của những con ong rừng đi lấy mật và cũng là thời điểm bắt đầu phát rẫy trồng nương. Đây là mùa khô ráo, nắng đẹp, đường sá đi lại dễ dàng.

Đồng bào Buôn Đôn mở hội đua voi cùng các lễ hội khác như: Đâm trâu, Văn hóa cồng chiêng, Cúng bến nước, Cúng sức khỏe cho voi… là để chuẩn bị và cầu mong cho sự bắt đầu của một mùa vụ tốt tươi, đạt năng suất cao, mang lại no ấm cho buôn làng.

Cuộc đua voi chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày với các hoạt động đua voi như: Voi chạy tốc độ, Voi bơi vượt sông Sêrêpốk, Voi đá bóng, Voi kéo vật nặng…Số lượng voi tham gia từ 20 - 30 con trong suốt thời gian đua voi chạy, voi bơi, voi đá bóng, voi kéo vật nặng… Đàn voi thi đấu rất hăng hái nhờ sự reo hò, cổ vũ của khán giả. Sau cuộc thi tài, tất cả voi vui sướng được nhận những bó mía, nải chuối do Ban tổ chức và du khách ban thưởng. Riêng voi vô địch được Ban tổ chức trao tặng vòng nguyệt quế và được thưởng nhiều thức ăn ngon.

Lễ hội đua Voi diễn ra nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào Tây Nguyên.

Xem thêm các bài giải sách giáo khoa Địa lí 9 bộ sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 15: Duyên hải Nam Trung Bộ

Bài 16: Thực hành: Phân tích ảnh hưởng của hạn hán và sa mạc hoá đối với phát triển kinh tế – xã hội ở vùng khô hạn Ninh Thuận – Bình Thuận

Bài 18: Vùng Đông Nam Bộ

Bài 19: Thực hành: Tìm hiểu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Bài 20: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

1 334 28/04/2024


Xem thêm các chương trình khác: