Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường

Với giải bài tập Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10: Ô nhiễm môi trường sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Vật lí 10 CTST Bài 10.

1 1539 lượt xem


Giải bài tập Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10: Ô nhiễm môi trường

A/ Câu hỏi đầu bài

Mở đầu trang 79 Chuyên đề Vật lí 10:

Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động công nghiệp cùng với những tác động tiêu cực của con người đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội trong tương lai. Những tác nhân gây ô nhiễm môi trường là gì và dẫn đến những sự biến đổi khí hậu như thế nào?

Lời giải:

Những tác nhân gây ô nhiễm môi trường là khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khai thác và sử dụng năng lượng hạt nhân.

Dẫn đến những sự biến đổi khí hậu: sự nóng lên toàn cầu, lượng mưa thay đổi, sự dịch chuyển của các đới khí hậu đã tồn tại hàng ngàn năm đang diễn ra tại các vùng khác nhau trên Trái Đất, sự xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan.

B/ Câu hỏi giữa bài

1. Một số tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Câu hỏi 1 trang 79 Chuyên đề Vật lí 10:

Nêu những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá mức mà em biết.

Lời giải:

Những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá mức:

- Việc con người đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch để phục vụ cho sản xuất điện và các hoạt động đời sống đang vô tình khiến lượng oxy (O2) trong bầu khí quyển suy giảm mạnh.

- Trong khi, đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra các axit như sulfuric, cacbonic và nitric, các chất có nhiều khả năng tạo thành mưa axit và ảnh hưởng đến các vùng tự nhiên và hủy hoại môi trường.

- Đặc biệt, việc khai thác, xử lý và phân phối nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra các mối quan tâm về môi trường. Việc khai thác than đặc biệt là khai thác lộ thiên bốc lớp phủ của các đỉnh núi và khai thác từ trên xuống và khai thác dạng dải cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, và các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi cũng là hiểm họa đối với sinh vật thủy sinh.

- Các nhà máy lọc dầu cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm nước và không khí. Quá trình chuyển gây ô nhiễm, nhất là những vụ tràn dầu.

Có thể nói, nhắc đến biến đổi khí hậu người ta thường là nói đến đốt nhiên liệu hóa thạch.

Câu hỏi 2 trang 80 Chuyên đề Vật lí 10:

Giải thích tại sao việc sử dụng và khai thác nhiên liệu hóa thạch đã tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Lời giải:

Việc sử dụng và khai thác nhiên liệu hóa thạch đã tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người vì:

- Khai thác nhiên liệu hóa thạch gây hủy hoại toàn bộ thảm thực vật, xói mòn đất, mất nơi cư trú của nhiều sinh vật.

- Nước thải quặng mỏ trong quá trình khai thác và xử lí nguyên liệu khai thác gây ô nhiễm đất và nước xung quanh.

- Sự cố rò rỉ dầu gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước.

- Quá trình tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch phát thải lượng lớn khí thải độc hại như cacbon dioxit (CO2), sunfua dioxit (SO2),… phát thải các kim loại nặng, bụi mịn gây bệnh tim mạch, hô hấp cho con người và góp phần làm nóng lên toàn cầu.

- Rò rỉ khí thiên nhiên trong quá trình khai thác góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính.

- Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá mức gây phát thải lượng lớn sunfua dioxit (SO2) và các oxide của nitrogen (NOx) là nguyên nhân chính gây ra mưa acid.

Luyện tập trang 80 Chuyên đề Vật lí 10:

Tìm hiểu để mô tả và giải thích sơ lược tác động của hiệu ứng nhà kính đến sự nóng lên toàn cầu (Hình 10.4).

Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường (ảnh 1)

Lời giải:

Tác động của hiệu ứng nhà kính đến sự nóng lên toàn cầu: Các tia bức xạ bước sóng ngắn của mặt trời xuyên qua bầu khí quyển đến mặt đất được mặt đất hấp thụ và phản xạ trở lại các bức xạ bước sóng dài. Một số phân tử trong bầu khí quyển như carbon dioxide và hơi nước có thể hấp thụ những bức xạ nhiệt này và giữ ấm trong bầu khí quyển. Sự gia tăng nồng độ của các khí nhà kính là nguyên nhân làm nhiệt độ Trái Đất tăng cao.

Câu hỏi 3 trang 80 Chuyên đề Vật lí 10:

Theo em, nồng độ pH trong nước mưa acid có giá trị khoảng bao nhiêu? Tìm hiểu những cơn mưa acid đã từng xảy ra ở Việt Nam.

Lời giải:

Nồng độ pH trong nước mưa acid có giá trị khoảng 5,6.

Những cơn mưa acid đã từng xảy ra ở Việt Nam:

- Hiện tượng mưa mù gây cay xót mắt, đau rát da, cổ họng, cháy lá cây non xảy ra tại thành phố Bắc Giang ngày 24/10/2014.

- Mưa acid tại bán đảo Cà Mau năm 1998.

- Hiện nay mưa acid đang tăng lên đáng kể tập trung chủ yếu gồm các thành phố lớn.

Câu hỏi 4 trang 81 Chuyên đề Vật lí 10:

Trình bày những tác hại của mưa acid đến hệ sinh thái.

Lời giải:

Những tác hại của mưa acid đến hệ sinh thái:

- Nước mưa acid gây bỏng da cho con người và sinh vật khi tiếp xúc trực tiếp.

- Nước mưa acid bào mòn lớp màng bảo vệ trên lá, gây “cháy” lá, làm giảm khả năng quang hợp của cây, giảm năng suất cây trồng.

- Nước mưa acid phá hủy các di tích đá vôi, đá cẩm thạch, thắng cảnh,..

 - Mưa acid phá hủy thảm thực vật làm cây và mầm thực vật chết khô.

- Mưa acid ăn mòn các bề mặt công trình tiếp xúc làm mất thẩm mĩ, giảm tuổi thọ công trình.

Câu hỏi 5 trang 81 Chuyên đề Vật lí 10:

Những địa phương nào của Việt Nam đã từng có mưa acid? Những tác hại của các trận mưa acid này là gì?

Lời giải:

Đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và lập bản đồ phân bố lắng đọng acid ở Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Ngô Thị Vân Anh năm 2015 đã cho thấy mưa acid đã xảy ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau.

- Ở khu vực phía Bắc của Việt Nam mưa acid xảy ra thường xuyên và mức độ khá nghiêm trọng như tại Cúc Phương 44%, Bắc Giang 37%, Thái Nguyên 40%, Việt Trì 30%.

- Miền Trung tại Vinh 60%, Huế 47%, Đà Lạt 35%, Nha Trang 31%, Pleiku 32%.

- Khu vực miền Nam cũng xảy ra mưa acid như tại Tây Ninh 37% và Cần Thơ 35%. 

(Các số liệu ở trên là số phần trăm chiếm bởi số lần mưa acid xuất hiện trong tổng số lần mưa được đo tại các trạm quan trắc)

Những tác hại của các trận mưa acid:

- Gây ngứa, rát da khi tiếp xúc với nước mưa.

- Nước mưa làm cháy lá cây non.

- Nước mưa làm xuống cấp bề mặt các công trình xây dựng.

Câu hỏi 6 trang 81 Chuyên đề Vật lí 10:

Giải thích nguyên nhân xuất hiện của mưa acid.

Lời giải:

Nguyên nhân xuất hiện của mưa acid: các loại nhiên liệu hóa thạch chứa lượng lớn sulfur và nitrogen. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, khai khoáng, phương tiện giao thông…tạo ra lượng lớn sulfur dioxide (SO2) và các oxide của nitrogen (NOx). Các khí này hòa tan với hơi nước trong không khí sẽ tạo thành acid sulfuric (H2SO4) và acid nitric (HNO3). Các hạt acid này hòa lẫn vào nước mưa, làm giảm độ pH của nước mưa và gây mưa acid.

Luyện tập trang 81 Chuyên đề Vật lí 10:

Chúng ta có nên sử dụng nước mưa đầu mùa trong sinh hoạt không? Tại sao?

Lời giải:

Chúng ta không nên sử dụng nước mưa đầu mùa trong sinh hoạt vì:

- Các hạt acid tích tụ lâu ngày trong không khí quyển, nước mưa dễ dàng hòa tan các hạt acid này. Do đó, trong các trận mưa đầu mùa có tính acid cao.

- Cùng với các hạt acid, bụi bẩn cũng tích tụ lâu ngày trong không khí quyển. Nước mưa cuốn theo bụi bẩn nên nước mưa đầu mùa cũng chứa nhiều tạp chất hơn.

Vận dụng trang 81 Chuyên đề Vật lí 10:

Từ nguồn tư liệu sách, báo hoặc internet, các em hãy tìm những giải pháp hạn chế và khắc phục hậu quả do mưa acid tác động đến môi trường.

Lời giải:

Những giải pháp hạn chế và khắc phục hậu quả do mưa acid tác động đến môi trường:

Những giải pháp hạn chế mưa acid:

- Sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để hạn chế các khí thải gây mưa acid.

- Phát triển các giải pháp công nghệ lọc khí thải nhằm giảm phát thải sulfur dioxide (SO2) và các oxide của nitrogen (NOx) cũng như các khí thải độc hại khác.

Những giải pháp khắc phục hậu quả mưa acid:

- Rắc vôi bột để khử chua cho đất.

- Dùng nước vôi trong để trung hòa acid trong nước.

- Sử dụng bể lọc để lọc nước trước khi dùng làm nước ăn uống sinh hoạt.

- Mưa acid có tính acid cao thường để lại hậu quả nặng nề cho con người, sinh vật, cảnh quan và rất khó khắc phục. Do đó việc cắt giảm nguồn phát thải khí thải gây mưa acid có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Câu hỏi 7 trang 82 Chuyên đề Vật lí 10:

Liệt kê một số hạt nhân có tính chất phóng xạ và một số loại bức xạ mà em biết.

Lời giải:

- Một số hạt nhân có tính chất phóng xạ mà em biết: uranium – 235, radon – 222, thorium – 232, polonium – 210, bismuth – 209.

- Một số loại bức xạ mà em biết: bức xạ alpha, bức xạ beta, bức xạ gamma.

Câu hỏi 8 trang 82 Chuyên đề Vật lí 10:

Em đã bao giờ nhìn thấy biển báo như trong Hình 10.8 chưa? Nó xuất hiện ở đâu?

Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường (ảnh 1)

Lời giải:

Em đã nhìn thấy biển báo như trong Hình 10.8. Biển báo đó thường xuất hiện ở các phòng chụp X - quang của bệnh viện.

Câu hỏi 9 trang 82 Chuyên đề Vật lí 10:

Theo em có phương pháp nào can thiệp đến quá trình phân rã phóng xạ tự nhiên hay không?

Lời giải:

Theo em, không có phương pháp nào can thiệp đến quá trình phân rã phóng xạ tự nhiên.

Câu hỏi 10 trang 82 Chuyên đề Vật lí 10: Quan sát Hình 10.9 và mô tả một số tác hại của phóng xạ.

Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường (ảnh 1)

Lời giải:

Một số tác hại của phóng xạ ở Hình 10.9:

- Phá hủy các công trình, gây nhiễm xạ trên một khu vực rộng lớn (Hình 10.9a, 10.9b)

- Tổn thương bề mặt da nghiêm trọng (Hình 10.9c).

- Hủy hoại tế bào, để lại di chứng lâu dài trên cơ thể (Hình 10.9d).

- Biến đổi gen ảnh hưởng đến di truyền ở cả người và động vật (Hình 10.9e).

Câu hỏi 11 trang 83 Chuyên đề Vật lí 10: Quan sát Hình 10.10 và đề xuất giải pháp để giảm thiểu tác hại của khí phóng xạ tự nhiên.

Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường (ảnh 1)

Lời giải:

Giải pháp để giảm thiểu tác hại của khí phóng xạ tự nhiên:

- Kiểm tra nồng độ phóng xạ tự nhiên tại nơi ở và nơi làm việc 3 tháng/lần.

- Tăng cường thông khí, pha loãng không khí trong khu vực nhà ở, nơi làm việc với không khí ngoài trời bằng cách lắp đặt thông gió.

- Làm sạch không khí bằng than hoạt tính hoặc các phương pháp lọc khí khác.

Luyện tập trang 84 Chuyên đề Vật lí 10:

Tìm hiểu và trình bày về các sự cố phóng xạ đã xảy ra trong lịch sử nhân loại cùng các tác động của sự cố đó đến con người và môi trường.

Lời giải:

Các sự cố phóng xạ đã xảy ra trong lịch sử nhân loại cùng các tác động của sự cố đó đến con người và môi trường:

- Thảm họa hạt nhân tại lò phản ứng hạt nhân ở Windscale Fire, nước Anh năm 1957.

- Thảm họa hạt nhân Kyshtym, tại Mayak, Liên Xô cũ năm 1957.

- Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở Mile Island, quận Dauphin, Pennsylvania, Mỹ năm 1979. 

- Thảm họa Chernobyl, Ukraine năm 1986. 

- Thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011.

Vận dụng trang 84 Chuyên đề Vật lí 10:

Vào ngày 11/03/2011, trận động đất với 9 độ richter đã gây ra cơn sóng thần tàn phá Nhật Bản và đã gây ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng tại tỉnh Fukushima. Điều này đã gây ra sự rò rỉ phóng xạ của các lò hạt nhân vào trong không khí, biển và môi trường sống xung quanh (Hình 10.9b). Phạm vi ảnh hưởng và tác hại của việc rò rỉ đó là rất lớn, cần phải tốn thời gian rất lâu mới có thể giúp cho vùng bị ảnh hưởng trở về cuộc sống bình thường. Từ nguồn tư liệu sách, báo và internet, em hãy viết một bài luận ngắn về các biện pháp khắc phục và giải quyết tình trạng ô nhiễm phóng xạ.

Lời giải:

Phóng xạ là hiện tượng các hạt nhân nguyên tử không bền tự biến đổi và phát ra ngoài các bức xạ hạt nhân. Hiện tượng phát tán các nguyên tử ra bên ngoài được gọi là tia phóng xạ. Trong đó, các nguyên tử tính phóng xạ gọi là các đồng vị. Theo đó, các nguyên tố hóa học gồm các đồng vị được gọi là nguyên tố phóng xạ. Ô nhiễm phóng xạ chính là sự tăng trưởng mức độ bức xạ một cách tự nhiên. Chúng có thể được sinh ra do một số hoạt động của con người. Theo nghiên cứu, có khoảng 20% bức xạ chúng ta tiếp xúc là do các hoạt động của con người.

Các hoạt động đó có thể là hoạt động khai thác, xử lý vật liệu, xử lý và lưu trữ chất thải, cũng như sử dụng các phản ứng để tạo ra năng lượng cũng là một hoạt động gây ra ô nhiễm. Ô nhiễm phóng xạ có nhiều tác hại đến con người cũng như môi trường xung quanh, thay vì việc xử lý kết quả thì chúng ta nên phòng tránh là tốt nhất. Một số biện pháp phòng tránh là

- Nên sơ tán, không sống ở những nơi gần nhà máy hay các lò phản ứng hạt nhân.

- Nên đeo khẩu trang, mặc quần áo kín người. Đặc biệt không dùng nước được lấy ở những khu vực có chất hay tia này.

- Phải có đội cấp cứu tại chỗ khi xảy ra sự cố và phải được huấn luyện thường xuyên.

- Dừng hoàn toàn các công việc sử dụng các chất này. Đặc biệt là vũ khí hạt nhân trong quân sự. Mang thiết bị phòng hộ khi lại gần hoặc hoạt động ở các vùng có ô nhiễm.

- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn hạt nhân.

- Việc sử dụng các chất này trong thú y cần được đảm bảo an toàn theo quy trình đã được thống nhất.

- Phải có hệ thống thông gió, lọc sạch bụi, lọc sạch khí.

- Phải có hệ thống cấp và thoát nước phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh.

- Có nhà tắm riêng cho nhân viên tiếp xúc với nó, có chậu giặt và tủ đựng quần áo bảo hộ riêng khi tiếp xúc trực tiếp.

- Các chất thải sau khi thu gom lại phải để ở khu vực riêng trong một thời gian cho nguồn các tia này bán phân rã rồi mang đến nơi quy định, xi măng hóa, chôn sâu xuống lòng đất.

Ô nhiễm phóng xạ có hậu quả cùng lớn đối vói con người, sinh vật và môi trường xung quanh. Vậy chúng ta nên áp dụng các biện pháp phòng tránh đã nêu ở trên đối với những nơi có dấu hiệu ô nhiễm phóng xạ.

2. Biến đổi khí hậu

Câu hỏi 12 trang 84 Chuyên đề Vật lí 10: Thảo luận nhóm và trình bày những ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu đến đời sống tại địa phương nơi em ở.

Lời giải:

Những ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu đến đời sống tại địa phương nơi em ở: nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại, ngập úng do mưa lớn kéo dài...

Câu hỏi 13 trang 85 Chuyên đề Vật lí 10:

Cho một số ví dụ khác về một số sự kiện liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam.

Lời giải:

Một số ví dụ khác về một số sự kiện liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam:

- Rét đậm, rét hại từ 22 - 27 /01/2016,  lần đầu có mưa tuyết ở Ba Vì - Hà Nội.

- Năm 2018 lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh ở Nam Bộ.

- Năm 2020 hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài tại các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.

Luyện tập trang 85 Chuyên đề Vật lí 10:

Em hãy tìm hiểu các giải pháp khắc phục và ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu. Giải pháp nào hiện tại đang được áp dụng tại nơi em sinh sống.

Lời giải:

 Các giải pháp khắc phục và ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu:

- Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

- Tiết tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

- Khai thác những nguồn năng lượng mới.

- Tăng diện tích bao phủ rừng.

Các giải pháp ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu:

- Cải thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng.

- Nâng cao năng lực dự báo, giám sát khí hậu.

Giải pháp hiện tại đang được áp dụng tại nơi em sinh sống:

- Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

- Tiết tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

- Khai thác những nguồn năng lượng mới.

- Cải thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng.

- Nâng cao năng lực dự báo, giám sát khí hậu.

3. Sự suy giảm tầng ozone

Câu hỏi 14 trang 86 Chuyên đề Vật lí 10:

Tại sao phân tử ozone (O3) nặng hơn các phân tử oxygen (O2) nhưng lại được hình thành ở tầng bình lưu của khí quyển mà không phải ở các tầng thấp hơn?

Lời giải:

Phân tử ozone (O3) nặng hơn các phân tử oxygen (O2) nhưng lại được hình thành ở tầng bình lưu của khí quyển mà không phải ở các tầng thấp hơn vì:

Quá trình hình thành ozone (O3) là do các phân tử oxygen (O2) dưới tác dụng của tia cực tím bị tách thành các nguyên tử oxygen (O). Mỗi nguyên tử này kết hợp với một phân tử oxygen (O2) tạo nên phân tử ozone (O3 ). Như vậy khí ozone (O3) sau khi hình thành tạo thành một lớp của khí quyển cách mặt đất 20 km và hấp thụ hết các tia cực tím từ Mặt Trời. Do đó, các lớp oxygen bên dưới không chịu tác dụng của tia cực tím để tiếp tục hình thành ozone.

Câu hỏi 15 trang 87 Chuyên đề Vật lí 10:

Từ nguồn tư liệu sách, báo và internet, em hãy sưu tầm các thông tin, hình ảnh về tác động tiêu cực của việc suy giảm tầng ozone đến môi trường và sức khỏe con người.

 Lời giải:

Các thông tin, hình ảnh về tác động tiêu cực của việc suy giảm tầng ozone đến môi trường và sức khỏe con người:

- Tăng bức xạ cực tím đến Trái Đất làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu.

- Tia cực tím tác động lên da làm tăng nguy cơ ung thư da, tác động lên mắt làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể,…

- Gây suy giảm và hủy hoại các loại động – thực vật.

Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường (ảnh 1)

Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường (ảnh 1)

Chuyên đề Vật lí 10 Bài 10 (Chân trời sáng tạo): Ô nhiễm môi trường (ảnh 1)

Luyện tập trang 87 Chuyên đề Vật lí 10:

Tìm hiểu các phản ứng hóa học xảy ra giữa nguyên tử Cl và phân tử O3 gây ra sự phá hủy và suy giảm tầng ozone.

Lời giải:

Các phản ứng hóa học xảy ra giữa nguyên tử Cl và phân tử O3 gây ra sự phá hủy và suy giảm tầng ozone:

Cl  +  O3     ClO +  O2

ClO +  O3    Cl +  O2

C. Bài tập

Bài tập 1 trang 87 Chuyên đề Vật lí 10:

Tại sao các nước tiên tiến trên thế giới không cho phép nhập khẩu các thiết bị điện tử đã qua sử dụng? Hãy nêu tác hại của nó đối với môi trường.

Lời giải:

Không nên nhập rác thải điện tử vì:

- Trong rác thải điện tử chứa rất nhiều chất độc hại như chì, thủy ngân, nickel, chất chống cháy brom hóa và hydrocarbon thơm đa vòng,… khi bị phân hủy nó gây các tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe con người khi tiếp xúc: ảnh hưởng đến thai nhi, ảnh hướng đến hô hấp, suy giảm chức năng tuyến giáp, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và ung thư.

- Đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi tại các bãi chữa rác làm khí độc lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin gây dị tật đối với thai nhi.

Bài tập 2 trang 87 Chuyên đề Vật lí 10:

Viết một bài luận ngắn để trình bày về vấn đề sử dụng năng lượng ở địa phương em, đồng thời kêu gọi mọi người tiết kiệm năng lượng vào ngày Giờ Trái Đất.

Lời giải:

Học sinh thực hiện cá nhâ, viết bài luận ngắn trình bày vấn đề sử dụng năng lượng ở địa phương em và kêu gọi mọi người tiết kiệm năng lượng vào ngày Giờ Trái Đất.

Gợi ý:

Em có thể tìm hiểu qua sách báo, thông tin tuyên truyền ở trong địa phương mình. Tìm hiểu các biện pháp, hành động đã và đang được thực hiện ở địa phương để viết bài.

Bài tập 3 trang 87 Chuyên đề Vật lí 10:

Thực hiện một đoạn video ngắn theo nhóm học tập từ tư liệu sưu tầm được về một sự cố hạt nhân đã xảy ra trong lịch sử nhân loại, những tác động của sự cố đó đối với môi trường và sức khỏe con người và giải pháp đã được áp dụng để khắc phục sự cố.

Lời giải:

Học sinh tự tìm hiểu và thực hiện làm video

Gợi ý một số sự cố hạt nhân đã xảy ra trong lịch sử nhân loại:

- Thảm họa hạt nhân tại lò phản ứng hạt nhân ở Windscale Fire, nước Anh năm 1957.

- Thảm họa hạt nhân Kyshtym, tại Mayak, Liên Xô cũ năm 1957.

- Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở Mile Island, quận Dauphin, Pennsylvania, Mỹ năm 1979. 

- Thảm họa Chernobyl, Ukraine năm 1986. 

- Thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011.

https://www.youtube.com/watch?v=DI2vBgeOC1A

Xem thêm lời giải Chuyên đề Vật lí lớp 10 bộ sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 1: Sơ lược về sự phát triển của Vật lí

Bài 2: Giới thiệu một số lĩnh vực nghiên cứu trong vật lí

Bài 3: Ứng dụng của vật lí trong một số ngành nghề

Bài 4: Xác định phương hướng

Bài 5: Chuyển động nhìn thấy của một số thiên thể trên nền trời sao

1 1539 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: