Chuyên đề Địa lí 12 (Kết nối tri thức) Quan niệm, ý nghĩa, cơ sở hình thành vùng

Với giải bài tập Chuyên đề Địa lí 12 Quan niệm, ý nghĩa, cơ sở hình thành vùng sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Địa lí 12.

1 192 23/07/2024


Giải Chuyên đề Địa lí 12 Quan niệm, ý nghĩa, cơ sở hình thành vùng

Mở đầu trang 19 Chuyên đề Địa Lí 12: Vùng kinh tế là sản phẩm của công tác phân vùng và tổ chức lãnh thổ kinh tế quốc gia. Quy hoạch vùng kinh tế gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Vùng kinh tế được hiểu như thế nào, ý nghĩa của vùng kinh tế là gì? Nước ta có những loại vùng kinh tế nào, đặc điểm và sự hình thành của các vùng ra sao?

Lời giải:

- Vùng kinh tế và ý nghĩa vùng kinh tế:

+ Vùng kinh tế là hệ thống vùng được phân chia nhằm hoạch định chiến lược, kế hoạch và quản lí quá trình phát triển theo lãnh thổ của một quốc gia.

+ Vùng kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khai thác hợp lí các nguồn lực, tổ chức và quản lí có hiệu quả nền kinh tế theo lãnh thổ, trên cơ sở phân công lực lượng sản xuất một cách phù hợp.

- Những loại vùng kinh tế ở nước ta, đặc điểm và sự hình thành:

+ Vùng kinh tế tổng hợp: gồm 6 vùng kinh tế - xã hội là Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Vùng kinh tế trọng điểm: gồm 4 vùng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Vùng kinh tế ngành: gồm 7 vùng sinh thái nông nghiệp, 6 vùng công nghiệp, 7 vùng du lịch.

3. Cơ sở hình hành vùng trong nền kinh tế đất nước

Câu hỏi trang 21 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục I, hãy trình bày:

- Quan niệm về vùng, vùng kinh tế, ý nghĩa của vùng trong nền kinh tế quốc gia.

- Cơ sở hình thành vùng, vai trò của mỗi nhóm nhân tố.

Lời giải:

- Quan niệm về vùng, vùng kinh tế, ý nghĩa của vùng trong nền kinh tế quốc gia:

+ Vùng: là một lãnh thổ bao gồm các yếu tố cầu thành có mối quan hệ với nhau, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của lãnh thổ đó và có mối quan hệ với các lãnh thổ khác.

+ Vùng kinh tế: được phân chia nhằm hoạch định chiến lược, kế hoạch và quản lí quá trình phát triển theo lãnh thổ của một quốc gia. Có 3 loại vùng kinh tế phổ biến là:

• Vùng kinh tế - xã hội: là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các hoạt động kinh tế - xã hội tương đối độc lập, thực hiện sự phân công lao động xã hội của cả nước. Đây là loại vùng phục vụ việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo lãnh thổ cũng như để quản lí các quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi vùng của đất nước.

• Vùng kinh tế trọng điểm: là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.

• Vùng kinh tế ngành: là một loại vùng kinh tế được hình thành nhằm mục tiêu tổ chức, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của vùng cho một ngành kinh tế.

+ Ý nghĩa của vùng:

• Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Mỗi vùng có những đặc trưng riêng về các yếu tố cấu thành, tạo tiền đề cần thiết nhằm khai thác, sử dụng hợp lí các nguồn lực của lãnh thổ.

• Mỗi vùng có khả năng khai thác lãnh thổ khác nhau, xu hướng phát triển cũng không giống nhau. Như vậy, sự hình thành vùng sẽ giúp các nhà quy hoạch, quản lí xác lập cơ cấu tổng thể các ngành kinh tế, trên cơ sở phân bố tốt hơn nguồn lực sản xuất của vùng.

- Cơ sở hình thành vùng, vai trò của mỗi nhóm nhân tố:

+ Các nhân tố nội vùng:

• Vị trí địa lí: có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định phạm vi lãnh thổ của vùng, khả năng phát triển kinh tế trong vùng và mở ra các mối liên kết bên ngoài.

• Các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên là cơ sở vật chất cho sự hình thành và khả năng phát triển chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp của mỗi vùng. Mỗi vùng có các lợi thế cạnh tranh khác nhau, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

• Các điều kiện kinh tế - xã hội: các yếu tố dân cư và nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kĩ thuật, vốn và khoa học công nghệ; đường lối chính sách của nhà nước có vai trò quyết định với sự hình thành, hướng phát triển và việc tổ chức không gian kinh tế - xã hội trong vùng.

+ Các nhân tố bên ngoài: các mối quan hệ liên vùng, khu vực và quốc tế; nguồn vốn và đầu tư công nghệ từ bên ngoài; bối cảnh quốc tế và khu vực,… cũng có tác động mạnh đến sự phát triển của các vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

1 192 23/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: