Chuyên đề Địa lí 12 (Kết nối tri thức) Phát triển làng nghề và các tác động

Với giải bài tập Chuyên đề Địa lí 12 Phát triển làng nghề và các tác động sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Địa lí 12.

1 130 23/07/2024


Giải Chuyên đề Địa lí 12 Phát triển làng nghề và các tác động

1. Vai trò của làng nghề

Câu hỏi trang 46 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục II.1, hãy phân tích vai trò của các làng nghề ở nước ta.

Lời giải:

- Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn:

+ Mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình nông thôn, giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế của cộng đồng.

+ Giúp các địa phương thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới (phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động,…).

- Tạo ra khối lượng hàng hóa đa dạng, phong phú phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu:

+ Các làng nghề sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo và chất lượng cao. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn dược xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác.

+ Các sản phẩm làng nghề đem lại một nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng này. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mĩ nghệ tăng từ 274 triệu USD năm 2000 lên khoảng 1,7 tỉ USD năm 2021.

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa:

+ Các làng nghề ở vùng nông thôn góp phần phá vỡ cấu trúc thuần nông, mở ra khả năng phát triển công nghiệp nông thôn một cách hợp lí.

+ Tạo cơ hội cho hoạt động dịch vụ ở nông thôn mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, đó là các dịch vụ cung ứng vật liệu, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ khác ở các làng nghề gắn với du lịch.

+ Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GRDP của các làng nghề tăng lên, chiếm từ 60 – 80%. Nhiều làng nghề phát triển trở thành trung tâm kinh tế của địa phương, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

- Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:

+ Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh, giao lưu và phát triển các giá trị văn hóa, văn minh lâu đời của dân tộc. Những sản phẩm này luôn mang dấu ấn tâm hồn và bản sắc của dân tộc, là dấu ấn di sản văn hóa vô giá mà ông cha ta để lại cho thế hệ sau.

+ Các làng nghề truyền thống là một dạng tài nguyên du lịch văn hóa. Nhiều làng nghề là nơi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa, sản phẩm và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bảo tồn và phát triển làng nghề cũng sẽ góp phần hiệu quả vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

2. Thực trạng và định hướng phát triển làng nghề

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục II.2, hãy trình bày thực trạng và định hướng phát triển làng nghề nước ta.u

Lời giải:

- Thực trạng:

+ Nước ta có số lượng làng nghề lớn, cơ cấu làng nghề đa dạng. Năm 2021, cả nước có 5411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1951 làng được công nhận là làng nghề. Trong cơ cấu làng nghề, nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chiếm tỉ trọng cao nhất. Tiếp theo là nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Hai nhóm làng nghề này chiếm trên 80% số lượng các làng nghề nước ta.

+ Đa số các làng nghề nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình (98%), trình độ sản xuất thấp, nằm xen kẽ tại các khu dân cư (trên 70%).

+ Nguyên, vật liệu cho các làng nghề chủ yếu được khai thác ở các địa phương trong nước.

+ Các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất.

+ Cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh tại các làng nghề khá đa dạng nhưng phần lớn các cơ sở sản xuất làng nghề vừa sản suất vừa tự tiêu thụ (khoảng 82%), gia công cho các hộ sản xuất khác (15%). Tại các làng nghề gắn với du lịch còn có các hộ thực hiện các dịch vụ khác cho làng nghề.

+ Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân khoảng 8,8 – 9,8%/năm. Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 khoảng 213 000 cơ sở, tạo việc làm cho hơn 672 000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu từ các hoạt động của làng nghề năm 2021 đạt gần 60 000 tỉ đồng. Nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chiếm 42% tổng doanh thu. Tiếp theo là nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ. Một số sản phẩm làng nghề đạt được kết quả xuất khẩu cao như: mây, tre, cói, thảm,…

+ Làng nghề phân bố không đều theo lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc. Tại miền Trung, Quảng Nam là tỉnh có nhiều làng nghề. Ở miền Nam, các tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang,… phát triển các làng nghề gốm sứ và hàng thủ công mĩ nghệ khác,…

- Định hướng phát triển:

+ Xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nghận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng.

+ Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch.

+ Việc phát triển làng nghề cần gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững; phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín, tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lí, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề.

+ Đối với các làng đã có nghề, Chương trình khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề.

+ Đối với các làng chưa có nghề thì thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả,…

+ Huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề, đa dạng hóa hình thức sản xuất, kết hợp công nghệ hiện đại và truyền thống nhằm phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

3. Tác động của làng nghề đến kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục II.3, hãy phân tích tác động của làng nghề đến kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường ở nước ta.

Lời giải:

- Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội:

+ Tích cực:

• Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các sản phẩm làng nghề có giá trị thương mại cao là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn.

• Một số làng nghề sản xuất ra các sản phẩm được xuất khẩu và nổi tiếng trên thị trường quốc tế, là nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước.

• Làng nghề thường tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng địa phương. Với khoảng 50 nhóm nghề, các làng nghề trên cả nước đã thu hút khoảng 11 triệu lao động (2021), giải quyết được tình trạng thất nghiệp tạm thời của người dân trong thời gian nông nhàn.

• Sự phát triển của làng nghề thúc đẩy hiện đại hóa, đô thị hóa khu vực nông thôn.

• Nhờ phát triển làng nghề, văn hóa – xã hội ở nông thôn được nâng cao, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo. Đặc biệt, tại các xã có nghề, do có thu nhập cao, người dân có nhiều điều kiện tích lũy nên việc huy động vốn cho xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn so với các xã thuần nông.

Phát triển làng nghề góp phần quan trọng trong bảo tồn văn hóa dân tộc.

+ Tác động tiêu cực:

• Một số trường hợp, các làng nghề sản xuất cùng một loại sản phẩm, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến việc giảm giá sản phẩm và thu nhập cho người thợ.

• Có thể tạo ra sự chênh lệch trong thu nhập giữa người thợ làm thuê và người chủ hoặc thương nhân. Người thợ có thể chỉ nhận được thu nhập thấp hơn so với giá trị sản phẩm mà họ tạo ra.

• Có thể tạo ra áp lực xã hội đối với những người làm việc trong làng do phải tuân theo các quy tắc và truyền thống cụ thể. Sự thay đổi trong cuộc sống cá nhân người thợ có thể bị hạn chế bởi những quy định riêng của làng nghề.

- Tác động đến tài nguyên, môi trường:

+ Tác động tích cực:

• Các sản phẩm của làng nghề thường được sản xuất từ các nguyên liệu và tài nguyên có sẵn trong vùng, từ đó giúp tận dụng tài nguyên tại chỗ và giảm thiểu chi phí vận chuyển và nhập khẩu.

• Các làng nghề thường có các quy trình sản xuất và công nghệ sản xuất được truyền lại qua nhiều thế hệ, tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững. Giúp giữ cho các tài nguyên tự nhiên tại địa phương không bị khai thác quá mức hoặc bị lãng phí.

• Một số làng nghề thúc đẩy các hình thức sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tài nguyên tái sử dụng hoặc tái chế. Điều này giúp bảo tồn tài nguyên và giảm áp lực lên môi trường tự nhiên.

+ Tác động tiêu cực:

• Khai thác, sử dụng các tài nguyên tự nhiên như gỗ, đất sét, đá, nước và nhiên liệu để sản xuất các sản phẩm thủ công quá mức có thể gây cạn kiệt tài nguyên.

• Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề lớn nhất cần giải quyết của các làng nghề. Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mĩ nghệ,…

• Ô nhiễm môi trường làng nghề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng, gây ra những tổn thất kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự ngay tại các làng nghề.

1 130 23/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: