TOP 10 Đề ôn thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt Hà Nội 2023 có đáp án

Bộ 10 Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt Hà Nội 2023 (mới nhất) có đáp án chi tiết giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong kì thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt. Mời các bạn cùng đón xem:

1 3,258 26/02/2024
Mua tài liệu


[TẠM NGỪNG BÁN] - bộ Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt bản word có lời giải chi tiết:

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt Hà Nội có đáp án mới nhất

Cấu trúc đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt

Phần Nội dung kiến thức Điểm

Đọc hiểu văn bản

- Ngữ liệu: văn bản, nghệ thuật.

- Tiêu chí lựa chọn:

+ 01 đoạn trích.

+ Dung lượng: 20 đến 50 chữ. Tương đương với 1 đoạn văn hoặc 1 khổ thơ học sinh được học trong chương trình.

- Hiểu nội dung, ý nghĩa của văn bản.

- Liên hệ những điều học được với bản thân và thực tế.

1

1

- Xác định, giải thích được hình ảnh, nhân vật, chi tiết nghệ thuật... có ý nghĩa trong văn bản.
Tiếng Việt Hiểu và sử dụng được từ ngữ, câu, phép liên kết, biện pháp tu từ... đã học. 1
- Vận dụng các kiến thức đã học về từ, câu, phép liên kết, biện pháp tu từ vào việc nhận xét đúng sai, sửa lỗi, viết đoạn.... 2
Làm văn

Làm bài văn hoàn chỉnh thuộc một trong các kiểu: viết thư, kể chuyện, miêu tả

5
Tổng số

10

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành năm 2021 - 2022

Đề thi ngày 05/06/ 2022

Câu 1. Đọc đoạn văn sau:

(1) “Niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú (...) Nổi bật trên hoa văn trống đồng là hình ảnh con người hòa với thiên nhiên. Con người lao động cầm vũ khí bảo vệ quê hương và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần linh, ... Đó là con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc. Bên cạnh và xung quanh con người đầy ý thức làm chủ ấy là những cánh cò bay lả bay la, những chim Lạc, chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng...”

(Trống đồng Đông Sơn – Theo Nguyễn Văn Huyên)

(2) “Từ những ngày còn ít tuổi, tôi đã thích những tranh lợn, gà, chuột, ếch, tranh cây dừa, tranh tố nữ của làng Hồ. Mỗi lẫn Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề phố Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân. Họ đã đem vào cuộc sống một cách nhìn thuần phác, càng ngắm càng thấy đậm đà, lành mạnh, hóm hỉnh và tươi vui.”

(Tranh làng Hồ - Nguyễn Tuân)

(3) “Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.”

(Tà áo dài Việt Nam – Theo Trần Ngọc Thêm)

a. Nối sự vật ở cột A với thông tin ở cột B cho phù hợp:

A B

(1) Trống đồng Đông Sơn

(a) Kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung
(2) Tranh làng Hồ (b) Làm nổi bật con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc trên hoa văn

(3) Tà áo dài Việt Nam

(c) Thể hiện cách nhìn thuần phác, càng ngắm càng ly đậm đà, lành mạnh, hóm hỉnh và tươi vui.

Đáp án: 1 nối với b, 2 nối với c, 3 nối với a

b. Ba sự vật được giới thiệu trong đoạn văn trên có điểm gì chung? Khoanh vào chữ cái trước đáp án đúng:

A. Đều là tác phẩm thuộc nghệ thuật tạo hình

B. Đều là nhạc cụ cổ truyền Việt Nam

C. Đều là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ

D. Đều là sản phẩm của văn hóa truyền thống dân tộc

Đáp án: D

c. Viết một câu bộc lộ cảm xúc của em về một trong ba sự vật được giới thiệu ở trên.

Gợi ý: Học sinh cần đọc một câu cảm, câu cảm đó có thể bộc lộ cảm xúc trầm trồ, thán phục của em trước chiếc áo dài hay trống đồng hay tranh làng Hồ.

Ví dụ: Ôi những bức tranh làng Hồ mới đẹp làm sao!

Trong câu trên, từ “làm sao” đã bộc lộ sự trầm trồ, thán phục những bức tranh làng Hồ đẹp đẽ.

Câu 2. (1 điểm) Gạch dưới từ ngữ đúng chính tả trong các cặp sau:

(1) bánh chưng/ bánh trưng

(2) tranh dành/ tranh giành

(3) giày vò dày vò

(4) đen sì/ đen xì

(5) hoạch họe/ hoạnh họe

(6) xuất sắc /xuất xắc

(7) nghuệch ngoạc/ nguệch ngoạc

(8) ăn nên làm ra/ ăn lên làm ra

Đáp án: Gạch dưới từ ngữ đúng chính tả trong các cặp sau:

(1) bánh chưng/ bánh trưng

(2) tranh dành/ tranh giành

(3) giày vò/ dày vò

(4) đen sì/ đen xì

(5) hoạch họe/ hoạnh họe

(6) xuất sắc / xuất xắc

(7) nghuệch ngoạc/ nguệch ngoạc

(8) ăn nên làm ra/ ăn lên làm ra

Câu 3. Khoanh vào một từ trong dãy từ sau theo yêu cầu:

a.Từ không cùng nhóm về cấu tạo: xanh um, mát rượi, tươi tốt, hoa phượng.

b. Từ không cùng nhóm về nghĩa: bình đẳng, bình tâm, bình thản, điềm nhiên.

Đáp án: a. Khoanh vào “tươi tốt”

b. Khoanh vào “bình đẳng”

Câu 4. (1 điểm)

Đọc câu sau và điền thông tin phù hợp vào chỗ trống:

(1): Dưới lũy tre xanh, bò nằm ngẫm nghĩ.

(2) Em bé đã biết bò.

(3) Chiếc xe hạch bò lên dốc.

a. Từ “bò” trong câu số 1 thuộc loại.....

b. Quan hệ giữa các từ “bò” trong các câu trên là đồng âm hay nhiều nghĩa?

- Từ bò trong câu số (1) và số (2)........

- Từ bò trong câu số (2) và số (3)........

Đáp án: (1): Dưới lũy tre xanh, bò nằm ngẫm nghĩ.

(2) Em bé đã biết bò.

(3) Chiếc xe hạch bò lên dốc.

a. Từ “bò” trong câu số 1 thuộc loại danh từ

b. Quan hệ giữa các từ “bò” trong các câu trên là đồng âm hay nhiều nghĩa?

- Từ bò trong câu số (1) và số (2) là đồng âm

- Từ bò trong câu số (2) và số (3) là nhiều nghĩa

Câu 5. (1.5 điểm)

(1) Bức tranh thứ nhất về một hồ nước tĩnh lặng.

(2) Bên cạnh thác nước, một con chim mẹ đang làm tổ trong bụi cây.

(3) Nhà vua càng ngắm bức tranh thứ hai ông càng thấm thía: bình yên thực sự là ở trong chính tâm hồn mỗi người.

(4) Bức tranh thứ hai vẽ cảnh một ngọn núi cao và một thác nước dữ dội.

(5) Mặc dù thác nước gào thét nhưng chim mẹ vẫn đậu yên bình trong tổ.

(6) Ngày xưa, một nhà vua nọ tổ chức một cuộc thi vẽ tranh về cảnh yên bình nhất và ông đã chọn được hai bức tranh.

a. Sắp xếp các câu theo trật tự hợp lí........

b. Phân loại câu (2), (3), (6) vào 2 nhóm hợp lí:

Câu đơn Câu ghép
Câu số Câu số

Đáp án

a. Sắp xếp các câu theo trật tự hợp lí: (6) - (1) -(4) -(2) -(5) -(3)

b. Phân loại câu (2), (3), (6) vào 2 nhóm hợp lí:

Câu đơn Câu ghép
Câu số 2 Câu số 3, 6

Câu 6. (0.5 điểm)

Và khi tu hú gọi mùa vải chín và ve râm ran dàn đồng ca mùa hạ, hoa phượng như đón lấy đủ sắc thắm hoa gạo, hoa vông, bồng bềnh cháy rực suốt hè.

(Cuộc chạy tiếp sức của sắc đỏ - Theo Phạm Lê Châu)

Khoanh vào chữ cái đáp án nêu đúng bộ phận chủ ngữ của câu trên:

A. tu hú

B. ve

C. hoa phượng

D. hoa phượng như đón lấy đủ sắc thắm hoa gạo, hoa vông

Đáp án: Học sinh khoanh vào C.

Câu 7. (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu ngắn gọn tác dụng của phép nhân hóa được sử dụng trong câu văn ở câu 6.

Gợi ý: Câu 6 có 3 hình ảnh nhân hóa: tu hú gọi mùa vải chín, ve râm ran dàn đồng ca mùa hạ, hoa phượng như đón lấy đủ sắc thắm hoa gạo, hoa vông.

Đề thi chỉ cho các con 4 dòng để viết nên con không cần giới thiệu phép nhân hóa vào nêu luôn các tác dụng của phép nhân hóa.

Phép nhân hóa trong câu 6 gợi tả cây cối, vạn vật thật sống động có hồn: tu hú như một con người đang giục giã những trái vải chín đỏ, ve như những ca sĩ hòa tấu bản đồng ca báo hè về và hoa phượng giống như họa sĩ đang đón nhận những sắc màu để vẽ nên bức tranh mùa hạ. Nhờ phép nhân hóa, câu văn hay hơn, sinh động hơn.

Câu 8. (3,0 điểm) Mùa hè đến rồi! Sau chuỗi ngày ở nhà vì dịch bệnh COVID-19, em mơ ước được đi đâu? Lên núi ngắm cảnh mây trời, làng bản trong sương; xuống biển hòa mình cùng làn nước trong xanh và chạy chân trần trên cát hay trở về làng quê với cánh đồng lúa chín vàng óng ả....?

Viết đoạn văn (khoảng 10 câu) miêu tả một cảnh thiên nhiên mà em mơ ước được đến khám phá trong mùa hè này.

Gợi ý:

- Đề bài yêu cầu viết đoạn văn, học sinh không được viết bài văn. (nếu gặp lỗi ngày chắc bị trừ 0.5 đến 0.75 điểm/3 điểm).

- Đề bài yêu cầu tả cảnh thiên nhiên mà em mơ ước được đến và khám phá trong mùa hè này, các con có thể thoải mái chọn cảnh: cảnh núi, cảnh rừng, cảnh biển, cảnh sông, hồ, cảnh làng quê, cánh đồng lúa...Các con có thể nêu tên địa điểm muốn đến hoặc không nêu tên địa điểm cũng được. Lưu ý: không tả cảnh nhân tạo vì đều bài có ghi là cảnh thiên nhiên.

- Cần đảm bảo viết đúng số câu đề bài yêu cầu (khoảng 10 câu)

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành năm 2022

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 6

TRƯỜNG THCS NGUYỄN TẤT THÀNH – HÀ NỘI

PHẦN I:

Câu 1: Khi miêu tả màu vàng của hoa cải, tác giả Phạm Đức viết:

“Màu hoa ánh nắng cô đúc lại, như vô vàn cánh bướm bé xíu đậu chấp chới khắp cành. Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của biết bao tháng ngày đọng lại.”

(Trích văn bản Hoa vàng – NXB Kim Đồng, 1994)

a. Giải thích nghĩa của từ “đọng” trong câu văn: “Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của biết bao tháng ngày đọng lại”.

b. Dựa vào nghĩa của từ “đọng” trong câu văn vừa giải thích ở trên, hãy đặt một câu văn với từ “đọng” có nghĩa tương tự.

c. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tác giả Phạm Đức đã sử dụng trong đoạn văn trên.

Câu 2: Cho câu: “Trầu xòe màu lá xanh của mình, như những bàn tay mở, che mát cho thân Cau, giữ hơi ấm cho gốc rễ Cau.”

(Trích văn bản Trầu Cau của Phạm Đức)

a. Thêm vào câu văn trên một trạng ngữ chỉ địa điểm và một trạng ngữ chỉ thời gian.

b. Câu văn trên gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm của Trầu dành cho Cau?

PHẦN II: Học sinh lựa chọn một trong hai câu sau:

Câu 1: Dự buổi lễ tổng kết năm học vừa qua, mẹ em rất phấn khởi về thành tích học xuất sắc và sự trưởng thành của con mình. Hãy miêu tả gương mặt rạng rỡ của mẹ em lúc đó.

Câu 2: Viết lại bài thơ sau thành một bài văn xuôi:

Khói chiều

Chiều chiều từ mái rạ vàng

Xanh rờn ngọn khói nhẹ nhàng bay lên

Chăn trâu ngoài bãi bé nhìn

Biết là bếp lửa bà nhen chiều chiều

Nghe thơm ngậy bát canh riêu

Với nồi cơm ủ cạnh niêu tép đầy...

Khói ơi, vươn nhẹ lên mây

Khói đừng bay quẩn làm cay mắt bà!...

(Hoàng Tá – Tuyển tập truyện và thơ)

Đáp án Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt

Câu 1:

a. Từ “đọng” trong câu văn của đề bài ý chỉ kết quả, sự tích tụ, lưu giữ lại.

b. Đặt một câu có từ “đọng” chỉ ý tích tụ, lưu giữ:

- Dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ, những giọt sương còn đọng lại trên cỏ như càng long lanh hơn.

c. Trong văn bản Hoa vàng, khi miêu tả màu vàng của hoa cải, tác giả Phạm Đức đã sử dụng biện pháp so sánh.

Câu 2:

a. Thêm trạng ngữ:

- Trạng ngữ chỉ địa điểm có thể thêm vào câu văn:

Trong vườn, Trầu xòe màu lá xanh của mình, như những bàn tay mở, che mát cho thân Cau, giữ hơi ấm cho gốc rễ Cau.

- Trạng ngữ chỉ thời gian có thể thêm vào câu văn:

Suốt mùa hè, Trầu xòe màu lá xanh của mình, như những bàn tay mở, che mát cho thân Cau, giữ hơi ấm cho gốc rễ Cau.

b. Câu văn trên gợi cho em suy nghĩ về tình cảm thân thiết gắn bó giữa Trầu và Cau. Tình cảm ấy như tình bạn bè khăng khít, tình mẫu tử thiêng liêng và tình thân gần gũi, chúng luôn che chở, yêu thương và lo lắng cho nhau.

PHẦN II:

Câu 1: (Gợi ý)

- Nội dung: Cần miêu tả chi tiết gương mặt, đường nét và thần thái biểu lộ sự vui mừng, hạnh phúc và đầy tự hào của người mẹ trước sự trưởng thành và kết quả học tập tốt của con mình. Có

thể xen kẽ với miêu tả sơ lược buổi lễ tổng kết năm học, không khí phấn khởi chung của các bạn học sinh và các bậc phụ huynh khác.

- Hình thức:

+ Bài văn cần trình bày bố cục đủ ba phần, rõ ràng và rành mạch.

+ Câu văn có cảm xúc, giàu hình ảnh.

+ Câu văn cần đúng ngữ pháp, giọng văn lưu loát, trôi chảy.

Câu 2:

- Nội dung: Cần miêu tả được hình ảnh mái nhà nhỏ có khói chiều bay lên trong hoàng hôn để hình dung bóng dáng gần gũi quen thuộc của người bà đang cặm cụi nhóm lửa chuẩn bị cho bữa cơm tối bên bếp lửa ấm áp và thân thương. Hình dung ra hương vị ngon lành quen thuộc và thân thương của bữa cơm gia đình. Qua đó, đồng thời bày tỏ được những tình cảm yêu thương tha thiết với bà.

- Hình thức:

+ Bài văn cần trình bày bố cục đủ ba phần, rõ ràng và rành mạch.

+ Văn cần có hình ảnh biểu lộ được cảm xúc của người viết.

+ Câu văn đúng ngữ pháp, hành văn lưu loát, trôi chảy.

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THPT Hà Nội chuyên Amsterdam năm 2020

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6

TRƯỜNG CHUYÊN HÀ NỘI AMSTERDAM

Thời gian làm bài: 45 phút

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)

Khoanh vào một chữ cái (A, B, C hoặc D) đứng trước đáp án đúng ở mỗi câu dưới đây:

Câu 1. Từ nào bị dùng sai trong câu văn sau?

“Các bạn có nhu cầu, nguyện vọng gì thì cứ mạnh dạn đề cử, ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét, sẽ giải quyết.”

A. “nguyện vọng”

B. “mạnh dạn”

C. “đề cử”

D. “xem xét”

Câu 2. Từ in đậm trong dòng nào dưới đây là các từ đồng âm?

A. địa lí, địa ốc, địa phương, địa chất.

B. nguyên thuỷ, nguyên sinh, nguyên bản, nguyên tác.

C. học liệu, học viên, học thức, học viện.

D. bảo vệ, bảo vật, bảo hiểm, bảo ban.

Câu 3. Dòng nào sau đây chưa viết đúng chính tả?

A. Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội

B. Đài Truyền hình Việt Nam

C. Liên đoàn Bóng đá Thế giới

D. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Câu 4. Từ in đậm trong câu thơ nào sau đây không được dùng với nghĩa chuyển?

A. Tuổi thơ chở đầy cổ tích

B. Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

C. Thời gian chạy qua tóc mẹ

D. Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Câu 5. Quan hệ giữa hai vế trong câu ghép sau là quan hệ gì?

“Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những toà nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét.”

A. Quan hệ nguyên nhân – kết quả.

B. Quan hệ tương phản

C. Quan hệ tăng tiến

D. Quan hệ điều kiện – kết quả

Câu 6. Dòng nào nêu đúng tác dụng của dấu hai chấm (:) trong câu sau?

“- Hai người nói đều có lí nên ta xử thế này: tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa.”

A. Đánh dấu nội dung giải thích cho phần đứng trước.

B. Đánh dấu chuỗi liệt kê.

C. Ngăn cách các vế trong câu ghép

D. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật

Câu 7. Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào chỗ trống trong đoạn thơ sau?

“Em yêu ...(1)..

Đồng bằng, rừng núi

Em yêu ... (2)...

Lúa đồng chín rộ.

Em yêu ...(3)...

Hoa cà, hoa sim

Em yêu ...(4)…

Áo mẹ sờn bạc.”

A. màu vàng – màu xanh – màu nâu – màu tím

B. màu nâu – màu vàng – màu xanh – màu tím

C. màu xanh – màu vàng – màu tím – màu nâu

D. màu tím – màu xanh – màu vàng – màu nâu

Câu 8. Cho câu văn: “Bên bờ nông giang vắt qua cánh đồng, giữa những tốp trẻ con, bay lên những ngọn khói xanh lơ.”

Chủ ngữ của câu văn trên là:

A. “bên bờ nông giang”.

C. “cánh đồng”.

B. “những ngọn khói xanh lơ”.

D. “những tốp trẻ con”.

PHẦN II. TỰ LUẬN (6,0 điểm)

Đọc và trả lời các câu hỏi sau:

Bài 1. (1,0 điểm) Cho câu văn sau:

“Đó là một chàng kị sĩ rất bảnh, cưỡi ngựa tía, dây cương bằng vàng ông và một nàng công chúa mặt trắng, ngồi trong mái lầu son.”

a. Xác định thành phần câu của câu văn trên và cho biết theo cấu tạo ngữ pháp câu văn trên thuộc kiểu câu gì?

b. Đặt một câu có thành phần trạng ngữ và vị ngữ đứng trước chủ ngữ.

Bài 2. (2,0 điểm) Cho đoạn văn sau:

“Ánh nắng lên tới bờ cát, lướt qua những thân tre nghiêng nghiêng, vàng óng. Nắng đã chiếu sáng lòa cửa biển. Xóm lưới cũng ngập trong nắng đó. Sứ nhìn những làn khói bay lên từ các mái nhà chen chúc của bà con làng biển. Sứ còn thấy rõ những vạt lưới đan bằng sợi ni lông óng vàng, phất phơi bên cạnh những vạt lưới đen ngăm, trùi trũi.

Nắng sớm đẫm chiếu người Sứ. Ánh nắng chiếu vào đôi mắt chị, tắm mướt mái tóc, phủ đầy đôi bờ vai tròn trịa của chị.”

(Trích Quê hương, Anh Đức,

Tiếng Việt 4, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a. Trong đoạn trích trên, tác giả miêu tả ánh nắng theo trình tự nào? Những chi tiết nào cho em biết điều đó?

b. Ánh nắng chiếu đến đâu, vẻ đẹp của quê hương, của con người cũng toả sáng đến đó. Em hãy nêu cảm nhận của mình về vẻ đẹp của làng chài ven biển và vẻ đẹp của chị Sứ – một người con của làng chài được thể hiện qua các đoạn văn trên.

Bài 3. (3,0 điểm) Đọc bài ca dao sau và trả lời các câu hỏi:

“Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”

a. Ghi lại một cặp từ trái nghĩa có trong bài ca dao trên. Cặp từ trái nghĩa ấy góp phần thể hiện điều gì trong nội dung bài ca dao?

b. Em hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 7 câu) nói về vai trò của lao động đối với con người.

--------- Hết ----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1. C

Câu 2. D

Câu 3. A

Câu 4. D

Câu 5. B

Câu 6. A

Câu 7. C

Câu 8. B

Câu 1. Từ nào bị dùng sai trong câu văn sau?

“Các bạn có nhu cầu, nguyện vọng gì thì cứ mạnh dạn đề cử, ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét, sẽ giải quyết.”

A. “nguyện vọng”

B. “mạnh dạn”

C. “đề cử”

D. “xem xét”

Lời giải chi tiết:

Từ “đề cử” mang nghĩa giới thiệu ra để lựa chọn, bình bầu nên không phù hợp với nội dung cần diễn đạt trong câu văn trên. Từ đúng cần chọn phải là từ “đề đạt” với nghĩa trình bày ý kiến, nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền giải quyết.

Câu 2. Từ in đậm trong dòng nào dưới đây là các từ đồng âm?

A. địa lí, địa ốc, địa phương, địa chất.

B. nguyên thuỷ, nguyên sinh, nguyên bản, nguyên tác.

C. học liệu, học viên, học thức, học viện.

D. bảo vệ, bảo vật, bảo hiểm, bảo ban.

Lời giải chi tiết:

- Tiếng “bảo” trong các từ bảo vệ, bảo hiểm, bảo tàng đều có nghĩa là giữ gìn cho được an toàn, nguyên vẹn.

- Tiếng “bảo” trong từ bảo vật có nghĩa là quý giá.

=> Do đó, đây là hiện tượng từ đồng âm.

Các phương án còn lại đều là các tiếng mang chung một nghĩa: “địa” (đất), “nguyên” (ban đầu), “học” (quá trình tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm).

Chọn D.

Câu 3. Dòng nào sau đây chưa viết đúng chính tả?

A. Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội

B. Đài Truyền hình Việt Nam

C. Liên đoàn Bóng đá Thế giới

D. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Lời giải chi tiết:

Theo quy tắc viết hoa tên các cơ quan tổ chức, phải viết là: Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Chọn A.

Câu 4. Từ in đậm trong câu thơ nào sau đây không được dùng với nghĩa chuyển?

A. Tuổi thơ chở đầy cổ tích

B. Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

C. Thời gian chạy qua tóc mẹ

D. Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Lời giải chi tiết:

- Từ “còng” được dùng theo nghĩa gốc, có nghĩa là cong xuống, không thẳng ra được.

- Các từ in đậm khác đều được dùng với nghĩa chuyển: “chở” (mang chứa), “ngọt ngào” (dịu dàng, đầy tình yêu thương), “chạy” (trôi đi rất nhanh).

Chọn D.

Câu 5. Quan hệ giữa hai vế trong câu ghép sau là quan hệ gì?

“Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những toà nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét.”

A. Quan hệ nguyên nhân – kết quả.

B. Quan hệ tương phản

C. Quan hệ tăng tiến

D. Quan hệ điều kiện – kết quả

Lời giải chi tiết:

- Hai vế của câu ghép được nối với nhau bằng quan hệ từ “nhưng” diễn tả quan hệ tương phản, đối lập.

- Nội dung của hai vế cũng có quan hệ đối lập: mặt trời chưa xuất hiện mà ánh sáng đã lan khắp không gian.

Chọn B.

Câu 6. Dòng nào nêu đúng tác dụng của dấu hai chấm (:) trong câu sau?

“- Hai người nói đều có lí nên ta xử thế này: tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa.”

A. Đánh dấu nội dung giải thích cho phần đứng trước.

B. Đánh dấu chuỗi liệt kê.

C. Ngăn cách các vế trong câu ghép

D. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật

Lời giải chi tiết:

Dấu hai chấm trong câu văn có tác dụng đánh dấu nội dung giải thích cho phần đứng trước. Vế câu “tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa” giải thích rõ hơn cho cụm từ “xử thế này”.

Chọn A.

Câu 7. Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào chỗ trống trong đoạn thơ sau?

“Em yêu ...(1)..

Đồng bằng, rừng núi

Em yêu ... (2)...

Lúa đồng chín rộ.

Em yêu ...(3)...

Hoa cà, hoa sim

Em yêu ...(4)…

Áo mẹ sờn bạc.”

A. màu vàng – màu xanh – màu nâu – màu tím

B. màu nâu – màu vàng – màu xanh – màu tím

C. màu xanh – màu vàng – màu tím – màu nâu

D. màu tím – màu xanh – màu vàng – màu nâu

Lời giải chi tiết:

Đáp án C chứa các từ chính xác với văn bản bài thơ Sắc màu em yêu của Phạm Đình Ân. Hơn nữa, các từ chỉ màu sắc trong phương án này cũng phù hợp với đặc điểm của các sự vật trong thực tế cuộc sống: rừng núi màu xanh, lúa chín màu vàng, hoa sim màu tím, áo mẹ màu nâu.

Chọn C.

Câu 8. Cho câu văn: “Bên bờ nông giang vắt qua cánh đồng, giữa những tốp trẻ con, bay lên những ngọn khói xanh lơ.”

Chủ ngữ của câu văn trên là:

A. “bên bờ nông giang”.

C. “cánh đồng”.

B. “những ngọn khói xanh lơ”.

D. “những tốp trẻ con”.

Lời giải chi tiết:

Đây là câu có cấu trúc đảo ngữ, chủ ngữ của câu là “những ngọn khói xanh lơ” được đảo xuống đứng sau vị ngữ là “bay lên”.

PHẦN II. TỰ LUẬN (6,0 điểm)

Bài 1. (1,0 điểm)

a. (0,5 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.

- Xác định thành phần câu:

Đó // là một chàng kị sĩ rất bảnh, cưỡi ngựa tía, dây cương bằng vàng và một

CN VN

nàng công chúa mặt trắng, ngồi trong mái lầu son” .

- Đây là câu đơn (vì chỉ gồm một cụm chủ – vị làm nòng cốt câu).

b. (0,5 điểm)

Học sinh đặt câu đảm bảo hai yêu cầu của đề bài.

Gợi ý:

- Trên đường, tấp nập người xe.

- Trong lòng tôi, xôn xao một niềm vui khó tả.

Bài 2. (2,0 điểm)

a. (1,0 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.

- Ánh nắng được miêu tả theo trình tự không gian và thời gian, có sự dịch chuyển từ xa tới gần.

- Chi tiết thể hiện: nắng lên tới bờ cát, lướt qua thân tre, sáng loà cửa biển, ngập tràn xóm lưới, nhuộm vàng những vạt lưới, chiếu đẫm người Sứ, chiếu vào mắt, vào tóc, trên vai Sứ.

b. (1,0 điểm)

Học sinh nêu cảm nhận của mình về nội dung của đoạn văn, nhưng cần đảm bảo các ý lớn sau:

- Vẻ đẹp của làng chài ven biển: bình dị, đơn sơ, thân thuộc với những hàng tre, với làn khói bay lên từ những mái nhà chen chúc, vạt lưới phơi dưới nắng. Tất cả rực lên dưới ánh nắng, dưới cái nhìn đầy trìu mến yêu thương của Sứ, thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của chị.

- Vẻ đẹp của chị Sứ: đôi mắt sáng, mái tóc mượt mà đầy sức sống, bờ vai tròn trịa duyên dáng. Tất cả gợi lên vẻ đẹp nhỏ nhắn mà trẻ trung, tràn đầy sức sống.

Bài 3. (3,0 điểm)

a. (1,0 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.

- Cặp từ trái nghĩa: “dẻo thơm” – “đắng cay”.

- Cặp từ trái nghĩa thể hiện sự trân quý đối với mỗi hạt gạo dẻo thơm, là thành quả nhọc nhằn của người nông dân phải đánh đổi bằng bao cay đắng, nhọc nhằn.

b. (2,0 điểm)

Đoạn văn nêu cảm nhận của học sinh về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Yêu cầu về hình thức (0,5 điểm)

- Một đoạn văn hoàn chỉnh (không xuống dòng), dung lượng khoảng 7 câu.

- Diễn đạt ngắn gọn, chặt chẽ, logic.

- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

2. Yêu cầu về nội dung (1,5 điểm)

- Khẳng định lao động có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống mỗi người.

- Nêu rõ những lợi ích của lao động: làm ra của cải vật chất nuôi sống con người, giúp ta có cuộc sống ấm no, đủ đầy; giúp mỗi người phát triển hoàn thiện bản thân và sức khoẻ, trí tuệ, tâm hồn ...

- Lời kêu gọi hãy chăm chỉ, say mê lao động.

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THPT Hà Nội chuyên Amsterdam năm 2019

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6

TRƯỜNG CHUYÊN HÀ NỘI AMSTERDAM

Thời gian làm bài: 45 phút

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)

Khoanh vào một chữ cái (A, B, C hoặc D) đứng trước đáp án đúng ở mỗi câu dưới đây:

Câu 1. Từ in đậm trong câu nào sau đây bị dùng sai?

A. Ở đây có mạng in-tơ-nét với đường chuyền tốc độ cao.

B. Nhận được đường chuyền thuận lợi của đồng đội, Quang Hải đã ghi bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam .

C. Thảo được mẹ tặng một chiếc dây chuyền nhân dịp sinh nhật.

D. Nhà máy mới trang bị một dây chuyền sản xuất tự động.

Câu 2. Câu thơ nào dưới đây có chứa cặp từ đồng nghĩa?

A. “Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”.

B. “Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày”.

C. “Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cư”.

D. “Thị thơm thì giấu người thơm

Chăm làm thì được áo cơm, cửa nhà”.

Câu 3. Có bao nhiêu đại từ trong đoạn văn sau đây?

Hùng nói: “Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?”

Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước, Quý vội reo lên: “Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng.”

A. Ba.

B. Bốn.

C. Năm.

D. Sáu.

Câu 4. Câu tục ngữ nào sau đây không có cùng nội dung với câu “Góp gió thành bão.”?

A. Gieo gió gặt bão.

C. Năng nhặt chặt bị.

B. Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

D. Ít chắt chịu hơn nhiều phung phí.

Câu 5. Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Kinh thành.

B. Thủ đô.

C. Đô thành.

D. Kinh đô.

Câu 6. Trong câu văn: “Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non.”, chủ ngữ của câu là:

A. “Mấy con mang”.

B. “Mấy con mang vàng”.

C. “Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp”.

D. “lá khộp”.

Câu 7. Có mấy từ ghép tổng hợp trong câu văn sau?

“Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một phần của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn”

A. Năm.

B. Sáu.

C. Bảy.

D. Tám

Câu 8. Cho đoạn văn:

“Trẻ con lùa bò ra bãi đê. Con đê rực lên màu vàng của đàn bò đủng đỉnh bước. Ngỡ đấy là một con đê vàng đang uốn lượn. Những cánh đồng lúa xanh mướt, dập dờn trong gió nhẹ; chúng đuổi nhau mãi, đuổi nhau mãi từ ven làng đến tít tắp chân đê.”

Từ “chúng” trong đoạn văn trên thay thế cho:

A. “Trẻ con”

B. “Đàn bò”

C. “Con đê vàng đang uốn lượn”

D. “Những cánh đồng lúa”

PHẦN II. TỰ LUẬN (6,0 điểm)

Trình bày nội dung trả lời vào phần để trống ở mỗi câu dưới đây:

Đọc và trả lời các câu hỏi dưới đây:

Bài 1. (1,0 điểm) Cho câu văn:

“Mỗi lần Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề phố Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân.”

a. Xác định thành phần câu của câu văn trên và cho biết về mặt cấu tạo ngữ pháp câu văn trên thuộc kiểu câu gì?

b. Viết lại câu văn trên để tạo thành một câu cảm thán.

Bài 2. (2,0 điểm) Cho các câu văn:

(1) Cánh hoa rung rinh, vẫy vẫy như mời gọi trăng vàng xuống chơi.

(2) Và khi trăng lên, cánh hoa lại nghiêng mình hứng lấy ánh trăng ngọt ngào, dịu mát.

(3) Những cánh hoa mỏng mảnh rơi rơi, rắc đầy trên mặt ao.

(4) Chiếc thuyền hoa chòng chành hòa mình với màu tím của nước chiều.

(5) Từng chùm hoa tim tím lắc lư theo chiều gió.

(6) Mấy chú cá rô tưởng mồi ngoi lên, chỉ thấy đâu đây những con thuyền tím.

(7) Mùa khế ra hoa.

a. Sắp xếp các câu văn trên thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Đặt tên cho đoạn văn đó.

b. Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Những biện pháp tu từ đó đã góp phần thể hiện vẻ đẹp gì của những chùm hoa khế?

Bài 3. (3,0 điểm) Khép lại bài thơ Sang năm con lên bảy, nhà thơ Vũ Đình Minh viết:

“Đi qua thời thơ ấu

Bao điều bay đi

Chỉ còn trong đời thật

Tiếng người nói với con

Hạnh phúc khó khăn hơn

Mọi điều con đã thấy

Nhưng là con giành lấy

Từ hai bàn tay con”

a. Người cha trong đoạn thơ trên muốn nhắn nhủ với con điều gì khi con sắp lên bảy tuổi?

b. Lên bảy tuổi, bạn nhỏ bước vào lớp Một, bắt đầu quãng đời học sinh với bao hi vọng và niềm tin của cha mẹ. Thời gian trôi nhanh, giờ bạn đã là học sinh lớp 5. Hãy đóng vai bạn nhỏ ấy, viết cho bố một bức thư ngắn (khoảng 10 câu) để kể về những “khó khăn” và những điều “hạnh phúc” mình đã có trong năm năm qua.

----------- Hết ------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1. A

Câu 2. C

Câu 3. B

Câu 4. A

Câu 5. B

Câu 6. C

Câu 7. C

Câu 8. D

Câu 1. Từ in đậm trong câu nào sau đây bị dùng sai?

A. Ở đây có mạng in-tơ-nét với đường chuyền tốc độ cao.

B. Nhận được đường chuyền thuận lợi của đồng đội, Quang Hải đã ghi bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam .

C. Thảo được mẹ tặng một chiếc dây chuyền nhân dịp sinh nhật.

D. Nhà máy mới trang bị một dây chuyền sản xuất tự động.

Lời giải chi tiết:

- Từ “chuyền” có nghĩa là đưa chuyển từng quãng ngắn từ người này sang người khác, từ chỗ này sang chỗ khác (thường dùng đối với các vật cụ thể).

- Do vậy, tiếng “chuyền” trong các câu B, C, D được dùng đúng nghĩa.

- Còn trong câu A, trường hợp từ mang nghĩa là lan rộng (thông tin) cho nhiều người cùng biết thì phải dùng từ “truyền”. Từ đúng phải là “đường truyền”.

Chọn A.

Câu 2. Câu thơ nào dưới đây có chứa cặp từ đồng nghĩa?

A. “Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”.

B. “Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày”.

C. “Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cư”.

D. “Thị thơm thì giấu người thơm

Chăm làm thì được áo cơm, cửa nhà”.

Lời giải chi tiết:

Chỉ có các câu thơ trong phương án C mới có chứa cặp từ đồng nghĩa là “siêng” và “cần cù”.

Chọn C.

Câu 3. Có bao nhiêu đại từ trong đoạn văn sau đây?

Hùng nói: “Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?”

Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước, Quý vội reo lên: “Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng.”

A. Ba.

B. Bốn.

C. Năm.

D. Sáu.

Lời giải chi tiết:

Các đại từ có trong đoạn văn trên gồm: tớ, cậu, ai, bạn

Chọn B.

Câu 4. Câu tục ngữ nào sau đây không có cùng nội dung với câu “Góp gió thành bão.”?

A. Gieo gió gặt bão.

C. Năng nhặt chặt bị.

B. Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

D. Ít chắt chịu hơn nhiều phung phí.

Lời giải chi tiết:

- Câu tục ngữ “Góp gió thành bão” có nội dung là khuyên chúng ta nên biết tiết kiệm, chắt chiu góp nhặt từng món nhỏ để tạo thành món lớn.

- Đồng nghĩa với câu tục ngữ ấy là các câu: “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Năng nhặt chặt bị”, “Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí.

- Riêng câu tục ngữ “Gieo gió gặt bão” có nội dung khuyên ta nếu tự gây ra những việc không tốt thì phải tự gánh chịu tai hoạ. Câu này không đồng nghĩa với câu tục ngữ đã cho.

Chọn A.

Câu 5. Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Kinh thành.

B. Thủ đô.

C. Đô thành.

D. Kinh đô.

Lời giải chi tiết:

- Cả 4 từ: “kinh thành”, “thủ đô”, “kinh đô”, “đô thành” đều là từ Hán Việt, dùng để chỉ thành phố được chọn làm trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá ... của đất nước.

- Nhưng 3 từ “kinh thành”, “kinh đổ”, “đô thành” là các từ cổ, dùng trong và dùng cho các thời kì lịch sử phong kiến trước đây.

- Còn từ “thủ đô” là từ hiện dùng trong thời hiện đại.

Chọn B.

Câu 6. Trong câu văn: “Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non.”, chủ ngữ của câu là:

A. “Mấy con mang”.

B. “Mấy con mang vàng”.

C. “Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp”.

D. “lá khộp”.

Lời giải chi tiết:

Chủ ngữ của câu là cụm danh từ :“Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp” vì nó trả lời cho câu hỏi “Con gì đang ăn cỏ non?”.

Chọn C.

Câu 7. Có mấy từ ghép tổng hợp trong câu văn sau?

“Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một phần của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn”

A. Năm.

B. Sáu.

C. Bảy.

D. Tám

Lời giải chi tiết:

Các từ ghép tổng hợp gồm: núi non, sóng nước, tươi đẹp, non sông, gấm vóc, nhân dân, giữ gìn.

Chọn C.

Câu 8. Cho đoạn văn:

“Trẻ con lùa bò ra bãi đê. Con đê rực lên màu vàng của đàn bò đủng đỉnh bước. Ngỡ đấy là một con đê vàng đang uốn lượn. Những cánh đồng lúa xanh mướt, dập dờn trong gió nhẹ; chúng đuổi nhau mãi, đuổi nhau mãi từ ven làng đến tít tắp chân đê.”

Từ “chúng” trong đoạn văn trên thay thế cho:

A. “Trẻ con”

B. “Đàn bò”

C. “Con đê vàng đang uốn lượn”

D. “Những cánh đồng lúa”

Lời giải chi tiết:

Đại từ “chúng” đặt trong ngữ cảnh của đoạn văn trên, được dùng để thay thế cho “những cánh đồng lúa” được nói đến trong vế đầu của cậu.

Chọn D.

PHẦN II. TỰ LUẬN (6,0 điểm)

Bài 1. (1,0 điểm)

a. (0,5 điểm)

– Xác định chủ ngữ, vị ngữ (0,25 điểm):

Mỗi lần tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề

TN

phố Hà Nội, lòng tôi, // thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ

CN VN

tạo hình của nhân dân.

- Câu văn trên thuộc kiểu câu đơn (vì chỉ gồm một cụm chủ – vị làm nòng cốt

câu). (0,25 điểm)

b. (0,5 điểm)

Học sinh có thể thêm các từ bộc lộ cảm xúc và dấu chấm than để tạo thành câu cảm thán.

Gợi ý:

- Chao ôi, mỗi lần Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải

trên các lề phố Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân!

- Mỗi lần Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề

phố Hà Nội, lòng tôi lại thấm thía biết bao một nỗi biết ơn đối với những người

nghệ sĩ tạo hình của nhân dân!

Bài 2. (2,0 điểm)

a. (1,0 điểm)

- Thứ tự sắp xếp các câu văn (0,75 điểm): (7) - (5) - (3) - (4) - (6) - (2) - (1).

- Đặt tên cho đoạn văn (0,25 điểm): cần ngắn gọn, thể hiện rõ nội dung chính của

Gợi ý: Hoa khế; Mùa khế ra hoa...

b. (1,0 điểm)

- Các biện pháp tu từ (0,5 điểm):

+ Nhân hoá (cánh hoa nghiêng mình hứng ánh trăng, cánh hoa rung rinh, vẫy vẫy)

+ So sánh (những cánh hoa như những con thuyền tím, cái rung rinh của cánh hoa như lời mời gọi vầng trăng).

- Tác dụng (0,5 điểm): Thể hiện vẻ đẹp mỏng manh, xinh xắn của những chùm

hoa.

Bài 3. (3,0 điểm)

a. (1,0 điểm)

- Cha muốn nhắc con về sự thay đổi của cuộc sống xung quanh: thế giới cổ tích

diệu kì của tuổi thơ không còn nữa, mọi thứ hiện thực hơn, khó khăn hơn. (0,5

điểm)

- Cha cũng mong con mạnh mẽ, trưởng thành để giành lấy hạnh phúc từ chính khả năng của bản thân. (0,5 điểm)

b. (2,0 điểm) Đoạn văn nêu cảm nhận của học sinh về nội dung, nghệ thuật của

đoạn thơ nhưng cần đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Yêu cầu về hình thức (0,5 điểm):

- Đảm bảo hình thức trình bày của một bức thư: có thời gian địa điểm gửi thư, lời chào, nội dung thư, kết thúc và kí tên.

- Lời văn ngắn gọn, mạch lạc, diễn đạt trôi chảy

- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

2. Yêu cầu về nội dung (1,5 điểm):

Bên cạnh các nội dung cố định (thời gian địa điểm viết thư, lời chào, kết thúc, kí tên), thư có thể gồm các nội dung sau:

- Lời hỏi thăm bố.

- Gợi nhớ về lời dặn của bố năm năm trước.

- Kể về sự trưởng thành của con bây giờ: những khó khăn con đã phải đối diện, những niềm vui và hạnh phúc do con tự kiếm tìm, tạo dựng (trong học tập, trong

cuộc sống bên gia đình...).

- Lòng biết ơn với tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ.

- Lời hứa sẽ tiếp tục cố gắng để trưởng thành hơn, không phụ lòng cha mẹ.

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành năm 2019

BÀI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC

TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS VÀ THPT NGUYỄN TẤT THÀNH NĂM 2019

Môn: TIẾNG VIỆT

Thời gian làm bài: 45 phút

Bài 1. (1,5 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Dù giáp mặt cùng biển rộng

Cửa sông chẳng dứt cội nguồna

Lá xanh mỗi lần trôi xuống

Bỗng... nhớ một vùng núi non.”

(Trích Cửa sông, Quang Huy,

Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a. Hai từ in đậm trong đoạn thơ được sử dụng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

b. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

c. Tìm một thành ngữ hoặc tục ngữ cũng có nội dung tương tự như nội dung khổ thơ trên.

Bài 2. (0,5 điểm) Tìm từ khác loại trong dãy từ sau và giải thích lí do của sự lựa chọn đó

truyền đạo, truyền tin, truyền máu, truyền bá

Bài 3. (0,5 điểm) Nêu tác dụng của dấu hai chấm trong các trường hợp sau:

a. Thu vội xuống nhà Hằng mời bạn lên xem để biết rằng: Ban công có chim về đậu tức là vườn rồi.

b. Điếu văn của vua Lê còn có câu: “Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống”.

Bài 4. (0,5 điểm) Tìm từ viết đúng quy tắc viết hoa tiếng Việt trong dãy từ sau:

A-lếch-xây, Thủ Đô Hà Nội, hồ Gươm, Xa-xa-cô xa-xa-ki

Bài 5. (1,5 điểm) Cho đoạn văn sau:

“Làng quê tôi đã khuất hẳn nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.”

(Trích Tình quê hương, Nguyễn Khải,

Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a. Em hiểu từ “đăm đắm” có nghĩa là gì?

b. Chỉ ra những phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn trên và từ ngữ thể hiện những phép liên kết đó.

c. Phân tích cấu tạo câu: “Làng quê tôi đã khuất hẳn nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo.”

Bài 6. (1,0 điểm)

a. Đặt một câu có từ “với” là động từ.

b. Đặt một câu có từ “với” là quan hệ từ.

Bài 7. (0,5 điểm) Sắp xếp các câu sau thành một đoạn văn hoàn chỉnh.

(1) Vua muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng.

(2) Có hai chàng trai đến xin cầu hôn công chúa tên là Sơn Tinh và Thủy Tinh.

(3) Hùng Vương thứ 18 có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần tên là Mị Nương.

(4) Sơn Tinh mang đầy đủ lễ vật đến trước và rước được Mị Nương về.

Bài 8. (0,5 điểm) Tìm từ láy thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:

a. Tiếng suối chảy ………..

b. Tiếng của những người đi chợ sớm …………. gọi nhau.

Bài 9. (0,5 điểm) Điền cặp quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống để hoàn thành các câu sau:

a. …………… cô giáo tận tình chỉ bảo …………. bạn ấy đã tiến bộ rất nhiều.

b. ……….. mưa bão to ....... hàng cây ven đường vẫn kiên cường đứng vững.

Bài 10. (3,0 điểm) Tưởng tượng mình là dòng sông Tô Lịch, hãy viết một đoạn văn khoảng (7 – 9 câu) kể về cuộc đời bất hạnh của mình.

-------- Hết -------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Bài 1. (1,5 điểm)

a. (0,5 điểm)

Từ được in đậm trong đoạn thơ đã cho được sử dụng với nghĩa chuyển.

- Từ “mặt” ở đây dùng để chỉ phần phẳng phía ngoài của một vật.

- Từ “cửa” (sông) dùng để chỉ nơi sông chảy ra biển, chảy vào hồ hay vào một con sông khác.

b. (0,5 điểm)

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ đã cho là nhân hóa.

- Biện pháp tu từ nhân hóa này được thể hiện qua các từ ngữ: “giáp mặt”, “chẳng dứt”, “nhớ”.

c. (0,5 điểm)

Gợi ý: Lá rụng về cội; Uống nước nhớ nguồn...

Bài 2. (0,5 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.

- Từ khác loại trong dãy từ đã cho là “truyền máu”.

- Vì tiếng “truyền” trong “truyền máu” có nghĩa là đưa một thứ gì đó vào trong cơ thể con người còn tiếng “truyền” trong ba từ còn lại đều mang nét nghĩa là lan rộng ra, làm cho nhiều người biết.

Bài 3. (0,5 điểm)

a. (0,25 điểm)

Đánh dấu (báo hiệu) phần nội dung sau có tác dụng bổ sung, giải thích cho bộ phận đứng trước.

b. (0,25 điểm)

Đánh dấu (báo trước) phần nội dung sau là lời dẫn trực tiếp từ điếu văn của vua Lê.

Bài 4. (0,5 điểm)

Từ viết đúng quy tắc viết hoa tiếng Việt trong dãy từ đã cho là từ A-lếch-xây.

Bài 5. (1,5 điểm)

a. (0,25 điểm)

Nghĩa của từ “đăm đắm” là cách nhìn chăm chú, say mê, tha thiết bằng tất cả tình yêu thương của mình.

b. (0,75 điểm)

Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn là phép thế và phép lặp.

- Phép thế: cụm từ “mảnh đất cọc cằn này” thay thế cho cụm từ “làng quê tôi”.

- Phép lặp: từ “tôi” được lặp lại 5 lần.

c. (0,5 điểm)

Làng quê tôi // đã khuất hẳn (nhưng) tôi // vẫn đăm đắm nhìn theo.”

CN1 VN1 CN2 VN2

Bài 6. (1,0 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.

Gợi ý:

a. Tôi với cành ổi trước nhà.

b. Lan với Mai là đôi bạn thân.

Bài 7. (0,5 điểm)

Thứ tự sắp xếp các câu thành đoạn văn hoàn chỉnh: (3) - (1) - (2) - (4).

Học sinh có thể có cách sắp xếp khác miễn sao phù hợp.

Bài 8. (0,5 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.

Gợi ý:

a. Tiếng suối chảy róc rách.

b. Tiếng của những người đi chợ sớm í ới gọi nhau.

Bài 9. (0,5 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,25 điểm.

a. (hoặc Nhờ) cô giáo tận tình chỉ bảo nên bạn ấy đã tiến bộ rất nhiều.

b. Tuy (hoặc Mặc dù) mưa bão to nhưng hàng cây ven đường vẫn kiên cường đứng vững.

Bài 10. (3,0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm):

- Bài làm cần trình bày thành đoạn văn, có đủ ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

- Bài viết ngắn gọn, diễn đạt lưu loát, trình bày sạch sẽ, rõ ràng.

- Không mắc lỗi dùng từ, lỗi đặt câu, lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

* Yêu cầu về nội dung (2,0 điểm):

Gợi ý:

- Trước đây:

+ Dòng sông trong xanh, nước chảy êm đềm, hiền hòa...

+ Số lượng sinh vật dưới sông có nhiều không? Sinh vật bơi lội như thế nào?

+ Cảnh vật xung quanh: hoa lá, cây cỏ,.. thế nào?

+ Hoạt động của con người: có bơi lội, sinh hoạt quanh dòng sông không?

+ Cảm xúc của họ ra sao?

- Hiện tại:

+ Dòng sông giờ ô nhiễm, màu nước, mùi của nước đã thay đổi thế nào?

+ Sinh vật có còn bơi lội nữa không? Cảnh quan xung quanh con sông thế nào? Vì sao người dân lại đổ rác thải xuống dòng sông?

+ Vì sao con người lại gọi dòng sông này là “dòng sông chết”?

+ Cảm xúc của con người thay đổi như thế nào?

- Cảm xúc của nhân vật “tôi” thế nào? Có buồn không? Dòng sông có mong muốn, ước mơ như thế nào?

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS Cầu Giấy năm 2021

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS CẦU GIẤY

Thời gian làm bài: 40 phút

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Trả lời câu hỏi bằng cách khoanh vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng nhất.

Câu 1. Dãy từ nào sau đây chưa tạo thành câu hoàn chỉnh?

A. Những viên bi tròn xoe, long lanh ấy.

B. Cuốn sách ở ngăn bàn.

C. Bút để viết.

D. Hoa nở.

Câu 2. Từ “tay” trong câu nào dưới đây có cùng nghĩa với từ “tay” trong câu thơ: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

A. Đó là một tay đua xuất sắc.

B. Chúng ta cùng chung tay bảo vệ trái đất mãi xanh tươi.

C. Mình cùng nắm tay nhau đi khắp thế gian.

D. Cai lệ là tên tay sai của bọn thống trị ở làng quê xưa.

Câu 3. Dòng nào dưới đây nêu đúng nhất nghĩa của thành ngữ “Cây nhà lá vườn”?

A. Cây cối trồng trong vườn nhà.

B. Khu vườn xanh tốt quanh năm.

C. Những thứ tự mình làm ra, hoặc có sẵn quanh mình.

D. Cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Câu 4. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các từ láy?

A. Nho nhỏ, nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ, nhỏ nhẻ.

B. Mập mạp, mũm mĩm, mong manh, mềm mại.

C. Ngộ nghĩnh, ngúc ngắc, ngang ngược, ngó nghiêng.

D. Long lanh, lung linh, lú lẫn, lạ lẫm.

PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Bài 1. (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Cũng vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bé, lấm tấm mấy chấm đen, nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Có người cho hoa đó là một thứ hoa không vương giả như hoa đào, phong lan, mai mận... Nhưng các cụ thực biết thưởng hoa lại quả quyết không có một loài hoa nào thơm một cách chân thật, quê mùa như thế.”

a) Giải nghĩa từ “vương giả” được dùng trong đoạn văn trên và cho biết từ “vương giả” thuộc từ loại gì? Tìm trong đoạn văn trên một từ trái nghĩa với từ “vương giả”.

b) Phân tích thành phần câu của câu văn được in đậm trong đoạn văn trên và cho

biết theo cấu tạo, câu văn đó thuộc kiểu câu gì?

c) Các câu văn trong đoạn văn trên được liên kết với nhau bằng những phép liên kết nào? Chỉ ra từ ngữ thể hiện phép liên kết đó.

Bài 2. (2,0 điểm) Cho câu thơ:

“Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.”

(Trích Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ,

Tiếng Việt 4, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a) Từ “gội” trong câu thơ trên được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

b) Em cảm nhận được điều gì độc đáo, thú vị trong câu thơ “Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”?

Bài 3. (3,0 điểm)

Con đường đến trường đã vô cùng thân thuộc với em mỗi ngày đi học. Hãy viết đoạn văn (7–10 câu) tả lại con đường đến trường của em.

------- Hết -------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1. A

Câu 2. C

Câu 3. C

Câu 4. B

Câu 1. Dãy từ nào sau đây chưa tạo thành câu hoàn chỉnh?

A. Những viên bi tròn xoe, long lanh ấy.

B. Cuốn sách ở ngăn bàn.

C. Bút để viết.

D. Hoa nở.

Lời giải chi tiết:

- Dãy từ “Những viên bi tròn xoe, long lanh ấy” là cụm danh từ, chưa thành câu hoàn chỉnh với đầy đủ các thành phần chủ ngữ, vị ngữ.

- Các phương án còn lại đều là câu vì có đủ CN – VN.

Chọn A.

Câu 2. Từ “tay” trong câu nào dưới đây có cùng nghĩa với từ “tay” trong câu thơ: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

A. Đó là một tay đua xuất sắc.

B. Chúng ta cùng chung tay bảo vệ trái đất mãi xanh tươi.

C. Mình cùng nắm tay nhau đi khắp thế gian.

D. Cai lệ là tên tay sai của bọn thống trị ở làng quê xưa.

Lời giải chi tiết:

- Từ “tay” trong câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” được dùng với nghĩa gốc chỉ một bộ phận của cơ thể, dùng để cầm, nắm đồ vật.

- Từ “tay” trong câu “Mình cùng nắm tay nhau đi khắp thế gian” cũng có nghĩa gốc tương tự.

- Các từ “tay“ trong những câu khác được dùng với nghĩa chuyển.

Chọn C.

Câu 3. Dòng nào dưới đây nêu đúng nhất nghĩa của thành ngữ “Cây nhà lá vườn”?

A. Cây cối trồng trong vườn nhà.

B. Khu vườn xanh tốt quanh năm.

C. Những thứ tự mình làm ra, hoặc có sẵn quanh mình.

D. Cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Lời giải chi tiết:

Thành ngữ “Cây nhà lá vườn” dùng để chỉ những thứ tự mình làm ra, hoặc có sẵn quanh mình.

Chọn C.

Câu 4. Dãy từ nào sau đây chỉ gồm các từ láy?

A. Nho nhỏ, nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ, nhỏ nhẻ.

B. Mập mạp, mũm mĩm, mong manh, mềm mại.

C. Ngộ nghĩnh, ngúc ngắc, ngang ngược, ngó nghiêng.

D. Long lanh, lung linh, lú lẫn, lạ lẫm.

Lời giải chi tiết:

- Dãy từ trong phương án B là các từ láy.

- Các dãy từ khác có chứa từ ghép: nhỏ nhẹ, ngang ngược, ngó nghiêng, lú lẫn

PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Bài 1. (3,0 điểm)

a) (1,0 điểm)

- “Vương giả”: cao sang, quý phái.

- “Vương giả” là tính từ.

- Từ trái nghĩa với từ “vương giả” là từ “quê mùa”.

b) (1,0 điểm)

- Phân tích thành phần câu.

Cũng vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu mọc ở các vùng quê Bắc Bộ //

TN CN1

đâm hoangười ta // thấy hoa sầu đâu nở như cười.”

VN1 CN2 VN2

- Câu văn trên là câu ghép.

c) (1,0 điểm)

- Phép lặp: từ “hoa”

- Phép thế: “hoa đó” thay thế cho “hoa sầu đâu”

- Phép nối: từ “nhưng”

Bài 2. (2,0 điểm)

a) (0,5 điểm)

Từ “gội” được dùng theo nghĩa chuyển, mang nghĩa là trôi qua, trải qua.

b) (1,5 điểm)

Câu thơ “Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” gợi lên những liên tưởng thú vị: Thời gian vốn chảy trôi không ngừng nhưng nó là thứ trừu tượng, vô hình, khó nắm bắt và cảm nhận. Qua cách dùng từ và diễn đạt của nhà thơ, ta thấy thời gian hiện lên thật sống động tựa như một dòng nước gội lên đầu bà cụ, khiến mái tóc đã trắng phau phau. Mái tóc ấy là minh chứng cho tuổi tác, cho sức mạnh của thời gian.

Bài 3. (3,0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức: (1,0 điểm)

- Học sinh viết đoạn văn ngắn, từ 7–10 câu.

- Diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, sinh động. CHO NH

- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về nội dung: (2,0 điểm)

- Giới thiệu chung về con đường đến trường: Đó là con đường nào? Ấn tượng nổi bật của em về con đường ấy như thế nào?

- Tả đặc điểm cụ thể của con đường: Có thể miêu tả con đường theo trình tự không gian (từ bao quát đến chi tiết: lòng đường, vỉa hè, hoạt động của con người trên đường và bên đường); theo trình tự thời gian (mỗi ngày khi đến tin trường và khi về nhà, qua các mùa trong năm ...).

- Tình cảm của em dành cho con đường.

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS Cầu Giấy năm 2020

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS CẦU GIẤY

Thời gian làm bài: 40 phút

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Trả lời câu hỏi bằng cách khoanh vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng nhất.

Câu 1. Câu nào dưới đây mắc lỗi dùng từ?

A. Hàng hậu vệ chính là điểm yếu lớn nhất của đội bóng.

B. Trong xã hội ta, không ít người vẫn còn bàng quan với vấn đề môi trường.

C. Chủ nhật tuần trước, chúng em được đi thăm quan vườn quốc gia Ba Vì.

D. Ngôi nhà được xây dựng rất kiên cố trên ngọn đồi.

Câu 2. Cho đoạn văn:

“Màu lúa chín dưới đồng (...) lại. Nắng nhạt ngả màu (...). Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan (...) không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít (...)”

(Trích Quang cảnh làng mạc ngày mùa, Tô Hoài,

Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào dấu ba chấm (...) trong đoạn văn trên?

A. vàng hoe - vàng ối - vàng lịm - vàng xuộm.

B. vàng xuộm - vàng hoe - vàng lịm - vàng ối.

C. vàng hoe - vàng ối - vàng xuộm - vàng lịm.

D. vàng xuộm - vàng hoe - vàng ối - vàng lịm.

Câu 3. Trong các câu sau, câu nào là câu ghép?

A. Ngọn gió êm ả như ru, lúc phần phật như quạt, mang cái trong lành, cái tươi mát của đại dương vào đất liền, làm sảng khoái tâm hồn ta.

B. Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.

C. Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng.

D. Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.

Câu 4. Tổ hợp nào sau đây là tục ngữ?

A. Ăn thùng uống vại.

C. Ăn chực nằm chờ.

B. Ăn có nơi chơi có chốn.

D. Ăn ngay nói thẳng.

PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Bài 1. (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“(1) Ngồi xem anh Thận làm việc thật thích: có cái gì rất khoẻ rất say trong công việc của anh, sinh động và hấp dẫn lạ thường. (2) Này đây, anh bắt lấy thổi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. (3) Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. (4) Những chiếc vảy của nó bắn ra tung toé thành những tia lửa sáng rực. (5) Nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó không chịu khuất phục.”

(Trích Người thợ rèn Nguyên Ngọc,

Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a) Dấu hai chấm (:) trong câu (1) có tác dụng gì?

b) Câu (3) được liên kết với các câu khác bằng phép liên kết nào? Chỉ ra các từ ngữ có tác dụng liên kết.

c) Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên. Qua các biện pháp tu từ ấy, em có cảm nhận gì về công việc của anh Thận?

Bài 2. (2,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Chắt trong vị ngọt mùi hương

Lặng thầm thay những con đường ong bay

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.”

(Trích Hành trình của bầy ong, Nguyễn Đức Mậu,

Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

a) Ghi lại các từ ghép tổng hợp được sử dụng trong đoạn thơ trên

b) Qua đoạn thơ trên, em có cảm nhận gì về sự vất vả cũng như lợi ích của bầy ong đối với con người? Hình ảnh những chú ong gợi cho em liên tưởng đến những người nào trong cuộc sống quanh ta?

Bài 3. (3,0 điểm)

Thật thú vị khi được quan sát những con người chăm chỉ và hăng say lao động. Em hãy viết một đoạn văn (từ 7–10 câu) tả một người đang say mê làm việc mà em có dịp quan sát được.

-------- Hết --------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1. C

Câu 2. B

Câu 3. D

Câu 4. B

Câu 1. Câu nào dưới đây mắc lỗi dùng từ?

A. Hàng hậu vệ chính là điểm yếu lớn nhất của đội bóng.

B. Trong xã hội ta, không ít người vẫn còn bàng quan với vấn đề môi trường.

C. Chủ nhật tuần trước, chúng em được đi thăm quan vườn quốc gia Ba Vì.

D. Ngôi nhà được xây dựng rất kiên cố trên ngọn đồi.

Lời giải chi tiết:

Từ bị dùng sai là từ “thăm quan”. Từ đúng phải là “tham quan” với nghĩa: đi xem tận nơi, tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc để học tập kinh nghiệm.

Chọn C.

Câu 2. Cho đoạn văn:

“Màu lúa chín dưới đồng (...) lại. Nắng nhạt ngả màu (...). Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan (...) không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít (...)”

(Trích Quang cảnh làng mạc ngày mùa, Tô Hoài,

Tiếng Việt 5, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

Dòng nào nêu đúng trình tự các từ cần điền vào dấu ba chấm (...) trong đoạn văn trên?

A. vàng hoe - vàng ối - vàng lịm - vàng xuộm.

B. vàng xuộm - vàng hoe - vàng lịm - vàng ối.

C. vàng hoe - vàng ối - vàng xuộm - vàng lịm.

D. vàng xuộm - vàng hoe - vàng ối - vàng lịm.

Lời giải chi tiết:

Trình tự các từ đúng với trình tự được sử dụng trong văn bản Quang cảnh làng mạc ngày mùa của tác giả Tô Hoài. Đồng thời, nghĩa của các từ phù hợp với từng đối tượng được miêu tả.

- “Vàng xuộm” (màu của lúa): vàng đều, nhuộm khắp cả đối tượng.

- “Vàng hoe” (nắng): có màu vàng nhạt, nhưng tươi và ánh lên.

- “Vàng lịm” (quả xoan): chín vàng và gợi cảm thích thú, dễ chịu.

- “Vàng ối” (lá mít): màu vàng đậm và đều khắp.

Chọn B.

Câu 3. Trong các câu sau, câu nào là câu ghép?

A. Ngọn gió êm ả như ru, lúc phần phật như quạt, mang cái trong lành, cái tươi mát của đại dương vào đất liền, làm sảng khoái tâm hồn ta.

B. Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.

C. Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng.

D. Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.

Lời giải chi tiết:

Câu văn trong đáp án D “Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.” có hai cụm CN – VN độc lập nhau nên là câu ghép.

Các câu còn lại đều là các câu đơn.

Chọn D.

Câu 4. Tổ hợp nào sau đây là tục ngữ?

A. Ăn thùng uống vại.

C. Ăn chực nằm chờ.

B. Ăn có nơi chơi có chốn.

D. Ăn ngay nói thẳng.

Lời giải chi tiết:

- Tổ hợp “Ăn có nơi, chơi có chốn” mang nghĩa hoàn chỉnh, là một kinh nghiệm, một lời khuyên người ta phải tuân theo một trật tự nhất định trong cuộc sống hàng ngày.

- Các tổ hợp còn lại là thành ngữ (một cụm từ cố định thể hiện một nội dung nhất định với cách nói giàu hình ảnh).

PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Bài 1. (3,0 điểm)

a) (0,5 điểm)

- Dấu hai chấm (:) trong câu (1) có tác dụng cho biết bộ phận đi sau là phần giải thích, bổ sung cho ý của phần đứng trước.

- Cụ thể, phần sau giải thích rõ vì sao xem anh Thận làm việc lại thích.

b) (1,0 điểm)

Câu (3) được liên kết với các câu khác bằng các phép liên kết:

- Phép lặp: “anh”, “con cá”.

- Phép thế: “thỏi thép hồng” của câu (2) được thay thế bằng cụm từ “con cá lửa

ấy” ở câu (3) và từ “nó” ở câu (4) và câu (5).

c) (1,5 điểm)

- Xác định biện pháp tu từ:

+ Biện pháp so sánh (thỏi thép hồng giống như con cá lửa)

+ Biện pháp nhân hoá (dùng các từ chỉ đặc điểm trạng thái của người cho đồ vật: vùng vẫy, quằn quại, nghiến răng, giãy lên, cưỡng lại, khuất phục).

- Tác dụng: Giúp đoạn văn trở nên vô cùng sinh động, công việc rèn sắt của anh Thận chứa đựng những cái thú vị vô cùng. Công việc đó hiện lên thật vất vả, khó khăn, đòi hỏi phải có sức lực cường tráng, dẻo dai, thao tác làm việc phải khéo léo, nhanh nhẹn đồng thời cũng mang đến những cảm xúc thích thú, say mê.

Bài 2. (2,0 điểm)

a) (0,5 điểm) Các từ ghép tổng hợp trong đoạn văn trên là: lặng thầm, mưa nắng, vơi đầy, trời đất, đất trời, tàn phai, tháng ngày.

b) (1,5 điểm) Đoạn thơ gợi cho em cảm nhận về công việc và lợi ích của bay ong đối với con người:

- Công việc của bầy ong là một công việc diễn ra trong thầm lặng. Bầy ong phải đối diện với hoàn cảnh gian khổ, khắc nghiệt của “mưa nắng vơi đầy” mới chắt chịu, cần mẫn mà làm ra được mật ngọt.

- Lợi ích của bầy ong: Tặng dâng cho con người thứ mật ngọt chắt chiu từ trăm hoa, thứ mật ngọt đủ “làm say đất trời”. Trong mỗi giọt mật ngọt thơm đã lưu giữ

lại cả những mùa hoa đẹp, không bị tàn phai đi theo năm tháng.

- Hình ảnh của bầy ong gợi liên tưởng đến những người lao động bình dị, chăm chỉ, lặng lẽ làm việc và cống hiến cho cuộc đời.

Bài 3. (3,0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm)

- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

- Học sinh viết đoạn văn ngắn, từ 7 – 10 câu.

- Diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, sinh động.

* Yêu cầu về nội dung (2,0 điểm)

- Tìm ý tưởng: Có thể tả một người nông dân đang làm việc người công nhân làm việc trong nhà máy, tại các công trường; một bác sĩ đang khám bệnh; một thầy cô giáo đang soạn giáo án hoặc giảng bài; một cô lao đôn động đang quét dọn vệ sinh ...

Đoạn văn đảm bảo các ý lớn sau:

- Giới thiệu chung về người lao động em định tả: Đó là ai? Ở đâu? Em quen người ấy trong hoàn cảnh nào? Ấn tượng nổi bật của em về người ấy là gì?

- Tả quang cảnh xung quanh: Làm việc lúc nào? Ở đâu? Trong điều kiện như thế nào?

- Tả ngoại hình: tầm vóc, tuổi tác, khuôn mặt,... có đặc điểm gì nổi bật?

- Tả hoạt động: cử chỉ, lời nói, thao tác làm việc.

- Tả tâm trạng của người đó trong quá trình làm việc, sau khi kết thúc công việc.

- Nêu cảm nghĩ của em về người đó, về công việc mà người đó đang làm.

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS Cầu Giấy năm 2019

ĐỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS CẦU GIẤY

Thời gian làm bài: 40 phút

PHẦN I: TRÁC NGHIỆM (2.0 điểm)

Trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng nhất:

Câu 1. Cách diễn đạt nào sau đây không cần thiết phải sử dụng quan hệ từ?

A. tiếng hót dìu dặt của hoạ mi

B. học bài ở nhà

C. giỏi về toán

D. đẹp như tranh

Câu 2. Dấu phẩy trong câu: “Những cánh buồm chung thuỷ cùng con người, vượt qua bao sóng nước, thời gian.” có tác dụng gì?

A. Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

B. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ

C. Ngăn cách các về trong câu ghép

D. Ngăn cách các từ ngữ củng làm vị ngữ

Câu 3. Câu nào sau đây là câu ghép?

A. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.

B. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rảo rào chuyển động đến đấy.

B. Những chiếc nấm to bằng cải ấm tích, màu sặc sỡ rực lên.

D. Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chủng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp.

Câu 4. Cặp từ nào sau đây có thể điền vào chỗ ... để có thành ngữ hoàn chỉnh: “... nhà ... bụng”?

A. Nhỏ - to

B. Bé – lớn

C. Hẹp – rộng

D. Xấu – đẹp

PHẦN II: TỰ LUẬN (8.0 điểm)

Bài 1 (3.0 điểm)

Trong chuỗi câu: “Phía sau làng tôi có một con sông lớn chảy qua. [...] Tôi yêu con sông vì nhiều lẽ, trong đó một hình ảnh tôi cho là đẹp nhất, đó là những cánh buồm. Có những ngày nắng đẹp trời trong, những cánh buồm xuôi ngược giữa dòng sông phẳng lặng.

(theo Băng Sơn - SGK Tiếng Việt 5, tập 1)

a) Câu in đậm liên kết với câu ngay trước đó bằng cách nào? Em hãy chỉ rõ từ ngữ làm nhiệm vụ liên kết.

b) Tim một từ đồng nghĩa với từ “phẳng lặng”. Theo em, có thể thay thế từ đồng nghĩa vừa tim vào vị trí từ “phẳng lặng” trong câu văn in đậm ở trên được không? Vì sao?

c) Tình cảm nhà văn Băng Sơn dành cho cảnh buồm, dòng sông "làng tôi" đã khơi gợi trong em những cảm xúc gì về quê hương, đất nước?

Bài 2 (2.0 điểm)

Cho câu văn: “Cây rơm như một cây nấm khổng lồ không chân.” (trích Cây rơm - SGK Tiếng Việt 5, tập 1)

a) Từ “chân” được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

b) Câu văn có sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Em hình dung như thế nào về “cây rơm” qua biện pháp nghệ thuật đó?

Bài 3 (3,0 điểm)

Góp phần làm đẹp cho cuộc sống của chúng ta là biết lao động thầm lặng mà bác lao công là một người như thế. Em hãy viết một đoạn văn (từ 7 – 10 câu) tả bác lao công đang làm việc.

----------- Hết ------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Câu 1. C

Câu 2. A

Câu 3. B

Câu 4. C

Câu 1. Cách diễn đạt nào sau đây không cần thiết phải sử dụng quan hệ từ?

A. tiếng hót dìu dặt của hoạ mi

B. học bài ở nhà

C. giỏi về toán

D. đẹp như tranh

Lời giải chi tiết:

Cách diễn đạt ở đáp án B không cần sử dụng quan hệ từ về vì khi bỏ quan hệ từ đi, nghĩa của cách diễn đạt vẫn không thay đổi

Chọn C.

Câu 2. Dấu phẩy trong câu: “Những cánh buồm chung thuỷ cùng con người, vượt qua bao sóng nước, thời gian.” có tác dụng gì?

A. Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu

B. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ

C. Ngăn cách các về trong câu ghép

D. Ngăn cách các từ ngữ cùng làm vị ngữ

Lời giải chi tiết:

Dấu phẩy trong câu “Những cánh buồm chung thuỷ cùng con người, vượt qua bao sóng nước, thời gian.” dùng để ngăn cách các từ ngữ cùng chức vụ trong câu

Chọn A.

Câu 3. Câu nào sau đây là câu ghép?

A. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.

B. Chúng tôi đi đến đâu, rừng rảo rào chuyển động đến đấy.

C. Những chiếc nấm to bằng cải ấm tích, màu sặc sỡ rực lên.

D. Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, chủng tôi nhìn thấy một bãi cây khộp.

Lời giải chi tiết:

- Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ // lúp xúp dưới chân.

CN VN

- Chúng tôi // đi đến đâu, rừng // rào rào chuyển động đến đấy.

CN1 VN1 CN2 VN2

- Những chiếc nấm // to bằng cải ấm tích, màu sặc sỡ rực lên.

CN VN

- Sau một hồi len lách mải miết, rẽ bụi rậm, // chúng tôi // nhìn thấy một bãi cây

TN CN VN

khộp.

=> Câu “Chúng tôi đi đến đâu, rừng rảo rào chuyển động đến đấy” là câu ghép

Chọn B.

Câu 4. Cặp từ nào sau đây có thể điền vào chỗ ... để có thành ngữ hoàn chỉnh: “... nhà ... bụng”?

A. Nhỏ - to

B. Bé – lớn

C. Hẹp – rộng

D. Xấu – đẹp

Lời giải chi tiết:

Thành ngữ hoàn chỉnh là Hẹp nhà rộng bụng

Chọn C.

PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Bài 1 (2,0 điểm)

Bài 1 (3.0 điểm)

a. (0,5 điểm)

- Câu in đậm liên kết với câu ngay trước đó bằng cách sử dụng phép lặp.

- Những từ ngữ được lặp lại để làm nhiệm vụ liên kết là: những cánh buồm

b. (0,5 điểm)

- Từ đồng nghĩa với phẳng lặng: tĩnh lặng

- Theo em, có thể thay thế từ “phẳng lặng” bằng từ “tĩnh lặng” vì chúng có cùng nghĩa với nhau, đều chỉ sự yên tĩnh.

c. (2,0 điểm)

Học sinh nêu cảm xúc của bản thân dựa vào những gợi ý sau:

- Cuộc sống thanh bình, yên tĩnh của quê hương, đất nước được thể hiện bằng những hình ảnh giản dị, thân thuộc với mỗi người

- Qua đó, em cảm thấy yêu quê hương, đất nước từ chính những điều nhỏ bé, gần gũi.

Bài 2 (2.0 điểm)

a. (0,5 điểm)

- Từ chân trong câu văn được sử dụng với nghĩa chuyển (bộ phận phía dưới của cây nấm)

- Nghĩa gốc của từ chân là bộ phận của cơ thể người

b. (1,0 điểm)

- Câu văn sử dụng biện pháp so sánh

- Qua biện pháp so sánh, tác giả khiến cho hình ảnh “cây rơm” trở nên dễ hình dung và sinh động hơn.

Bài 3 (3,0 điểm)

Góp phần làm đẹp cho cuộc sống của chúng ta là biết lao động thầm lặng mà bác lao công là một người như thế. Em hãy viết một đoạn văn (từ 7 – 10 câu) tả bác lao công đang làm việc.

* Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm)

- Không mắc các lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

- Học sinh viết đoạn văn ngắn, từ 7 – 10 câu.

- Diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, sinh động.

* Yêu cầu về nội dung (2,0 điểm)

Đoạn văn đảm bảo các ý lớn sau:

- Giới thiệu chung về người lao công em định tả: Đó là ai? Ở đâu? Em quen hoặc gặp người ấy trong hoàn cảnh nào? Ấn tượng nổi bật của em về người ấy là gì?

- Tả quang cảnh xung quanh: Làm việc lúc nào? Ở đâu? Trong điều kiện như thế nào?

- Tả ngoại hình: tầm vóc, tuổi tác, khuôn mặt,... có đặc điểm gì nổi bật?

- Tả hoạt động: cử chỉ, lời nói, thao tác làm việc.

- Tả tâm trạng của người đó trong quá trình làm việc, sau khi kết thúc công việc.

- Nêu cảm nghĩ của em về người đó, về công việc mà người đó đang làm.

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh năm 2022

BÀI KHẢO SÁT MÔN TIẾNG VIỆT VÀO LỚP 6

Thời gian làm bài: 60 phút

Phần I. Trắc nghiệm (2.5 điểm)

Trả lời câu hỏi bằng cách khoanh tròn chữ cái đứng đầu câu trả lời đúng nhất.

Câu 1. Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Chót vót B. Lênh khênh C. Chông chênh D. Hát hò

Câu 2. Phần gạch chân trong câu: “Mùa lũ, dòng sông ầm ầm chảy ngày đêm như thác.” làm rõ nghĩa cho từ nào dưới đây?

A. Dòng sông B. Lũ C. Chảy D. Thác

Câu 3. Xét về mặt từ loại, nhóm từ “địa điểm, địa chỉ, địa phương” có điểm gì chung?

A. Đều là tính từ C. Đều là danh từ

B. Đều là động từ D. Đều là quan hệ từ

Câu 4. Đọc đoạn văn sau và cho biết trong đoạn văn có bao nhiêu từ láy?

“Thời gian cứ thế trôi qua. Cây trong vườn bốn mùa lặng lẽ đơm hoa kết trái. Bọn trẻ chúng tôi cứ hồn nhiên hưởng hoa thơm, trái ngọt từ vườn cây nhà ông bà. Để rồi một hôm nào đó như hôm nay đây, tôi bùi ngùi tưởng nhớ người đã nhọc nhằn trồng cây cho chúng tôi hái quả.”

A. 3 từ láy B. 4 từ láy C. 5 từ láy D. 6 từ láy

Câu 5. Xác định chủ ngữ trong câu: “Nắng bắt đầu len tới rừng cây, rực rỡ sắc vàng hòa với ánh sáng chói chang của trưa hè.”

A. Nắng bắt đầu len tới rừng cây C. Nắng, ánh sáng

B. Nắng D. nắng, sắc vàng

Câu 6. Câu nào dưới đây không có trạng ngữ chỉ thời gian?

A. Tháng giêng, trăng trong veo trên nền trời thăm thẳm.

B. Cuối năm, các cửa hàng đều trang hoàng lộng lẫy.

C. Trong vườn, hoa trái ngào ngạt hương thơm, rực rỡ sắc màu.

D. Mùa hè, bầu trời rất nóng và cháy lên những tia sáng rực rỡ.

Câu 7. Câu nào sau đây là câu ghép chỉ mục đích?

A. Nhà tôi để xe ở dưới hầm chung cư.

B. Bạn Lan để quên cặp sách ở lớp học.

C. Tôi ra tỉnh học để lại sau lưng mọi kỷ niệm thuở ấu thơ.

D. Tôi cố gắng rèn luyện để bản thân ngày càng hoàn thiện.

Câu 8. Câu nào sau đây không phải là câu ghép?

A. Tôi đang làm bài tập cô giáo giao hôm qua.

B. Tôi chạy, nó cũng chạy.

C. Lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt tôi cay cay.

D. Chiếc lá chòng chành, chú nhái bén ngơ ngác nhìn xung quanh.

Câu 9. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn văn: “Khi mùa thu đến, cảnh vật có nhiều thay đổi. Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.”?

A. Nhân hóa, nói quá C. So sánh, nói quá

B. Nhân hóa, so sánh D. So sánh, chơi chữ

Câu 10. Phép nhân hóa trong câu thơ sau được tạo ra bằng cách nào?

“Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông

Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ”

A. Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật

B. Dùng từ ngữ vốn chỉ tính chất của người để chỉ tính chất của vật.

C. Trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

D. Dùng những từ vốn chỉ hoạt động của người để chỉ hoạt động của vật.

Phần II. Đọc hiểu (3.5 điểm)

Trong bài “Trước cổng trời”, tác giả Nguyễn Đình Ảnh đã viết:

Giữa hai bên vách đá

Mở ra một khoảng trời

Có gió thoảng, mây trôi

Cổng trời trên mặt đất

Nhìn ra xa ngút ngát

Bao sắc màu cỏ hoa

Con thác réo ngân nga

Đàn dê soi đáy suối

Giữa ngút ngàn cây trái

Dọc vùng rừng nguyên sơ

Không biết thực hay mơ

Ráng chiều như hơi khói...

Câu 1. (0.5 điểm) Đứng ở công trời, tác giả thấy cổng trời có những đặc điểm gì?

Câu 2. (0.5 điểm) Từ vị trí cổng trời nhìn ra xa, tác giả đã thấy những sự vật nào?

Câu 3. (0.5 điểm) Chỉ rõ và gọi tên một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 4. (2.0 điểm) Viết một đoạn văn khoảng 5 đến 7 câu, nêu cảm nhận của em về cảnh sắc nơi cổng trời được miêu tả trong đoạn thơ trên.

Phần III. Viết (4.0 điểm)

Ngày 6/4/2022, sau gần một năm ở nhà học trực tuyến vì dịch Covid 19, học sinh thành phố Hà Nội đã hân hoan đến trường học tập trực tiếp.

Em hãy viết một bài văn kể lại ngày đầu tiên đầy niềm vui ấy.

------- Hết --------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Phần I. Trắc nghiệm (2.5 điểm)

Câu 1. D

Câu 2. C

Câu 3. C

Câu 4. A

Câu 5. B

Câu 6. C

Câu 7. D

Câu 8. A

Câu 9. B

Câu 10. D

Câu 1. Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. Chót vót B. Lênh khênh C. Chông chênh D. Hát hò

Lời giải chi tiết:

Các từ chót vót, lênh khênh, chông chênh là tính từ

Từ hát hò là động từ

=> Từ hát hò không cùng nhóm với các từ còn lại

Chọn D.

Câu 2. Phần gạch chân trong câu: “Mùa lũ, dòng sông ầm ầm chảy ngày đêm như thác.” làm rõ nghĩa cho từ nào dưới đây?

A. Dòng sông B. Lũ C. Chảy D. Thác

Lời giải chi tiết:

Từ ầm ầm là tính từ bổ nghĩa cho động từ chảy, trả lời cho câu hỏi “chảy như thế nào?”

Chọn C

Câu 3. Xét về mặt từ loại, nhóm từ “địa điểm, địa chỉ, địa phương” có điểm gì chung?

A. Đều là tính từ C. Đều là danh từ

B. Đều là động từ D. Đều là quan hệ từ

Lời giải chi tiết:

Các từ địa điểm, địa chỉ, địa phương đều là danh từ chung

Chọn C.

Câu 4. Đọc đoạn văn sau và cho biết trong đoạn văn có bao nhiêu từ láy?

“Thời gian cứ thế trôi qua. Cây trong vườn bốn mùa lặng lẽ đơm hoa kết trái. Bọn trẻ chúng tôi cứ hồn nhiên hưởng hoa thơm, trái ngọt từ vườn cây nhà ông bà. Để rồi một hôm nào đó như hôm nay đây, tôi bùi ngùi tưởng nhớ người đã nhọc nhằn trồng cây cho chúng tôi hái quả.”

A. 3 từ láy B. 4 từ láy C. 5 từ láy D. 6 từ láy

Lời giải chi tiết:

Các từ láy trong đoạn văn là: lặng lẽ, bùi ngùi, nhọc nhằn (3 từ)

Chọn A.

Câu 5. Xác định chủ ngữ trong câu: “Nắng bắt đầu len tới rừng cây, rực rỡ sắc vàng hòa với ánh sáng chói chang của trưa hè.”

A. Nắng bắt đầu len tới rừng cây C. Nắng, ánh sáng

B. Nắng D. nắng, sắc vàng

Lời giải chi tiết:

Câu “Nắng bắt đầu len tới rừng cây, rực rỡ sắc vàng hòa với ánh sáng chói chang của trưa hèlà câu đơn, có chủ ngữ là Nắng

Chọn B.

Câu 6. Câu nào dưới đây không có trạng ngữ chỉ thời gian?

A. Tháng giêng, trăng trong veo trên nền trời thăm thẳm.

B. Cuối năm, các cửa hàng đều trang hoàng lộng lẫy.

C. Trong vườn, hoa trái ngào ngạt hương thơm, rực rỡ sắc màu.

D. Mùa hè, bầu trời rất nóng và cháy lên những tia sáng rực rỡ.

Lời giải chi tiết:

A. Tháng giêng, trăng trong veo trên nền trời thăm thẳm.

Trạng ngữ là tháng giêng, chỉ thời gian

B. Cuối năm, các cửa hàng đều trang hoàng lộng lẫy.

Trạng ngữ là cuối năm, chỉ thời gian

C. Trong vườn, hoa trái ngào ngạt hương thơm, rực rỡ sắc màu.

Trạng ngữ là trong vườn, chỉ địa điểm

D. Mùa hè, bầu trời rất nóng và cháy lên những tia sáng rực rỡ.

Trạng ngữ là mùa hè, chỉ thời gian

Chọn C.

Câu 7. Câu nào sau đây là câu ghép chỉ mục đích?

A. Nhà tôi để xe ở dưới hầm chung cư.

B. Bạn Lan để quên cặp sách ở lớp học.

C. Tôi ra tỉnh học để lại sau lưng mọi kỷ niệm thuở ấu thơ.

D. Tôi cố gắng rèn luyện để bản thân ngày càng hoàn thiện.

Lời giải chi tiết:

Từ để trong các câu A, B, C được dùng với nghĩa là đặt, cất, không mang nghĩa chỉ mục đích

Từ để trong câu D được dùng với nghĩa chỉ mục đích.

Chọn D.

Câu 8. Câu nào sau đây không phải là câu ghép?

A. Tôi đang làm bài tập cô giáo giao hôm qua.

B. Tôi chạy, nó cũng chạy.

C. Lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt tôi cay cay.

D. Chiếc lá chòng chành, chú nhái bén ngơ ngác nhìn xung quanh.

Lời giải chi tiết:

Tôi / đang làm bài tập cô giáo giao hôm qua.

CN VN

Tôi / chạy, // nó / cũng chạy.

CN1 VN1 CN2 VN2

Lòng tôi / càng thắt lại, // khóe mắt tôi / cay cay.

CN1 VN1 CN2 VN2

Chiếc lá / chòng chành, // chú nhái bén / ngơ ngác nhìn xung quanh.

CN1 VN1 CN2 VN2

Chọn A.

Câu 9. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn văn: “Khi mùa thu đến, cảnh vật có nhiều thay đổi. Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.”?

A. Nhân hóa, nói quá C. So sánh, nói quá

B. Nhân hóa, so sánh D. So sánh, chơi chữ

Lời giải chi tiết:

Biện pháp so sánh: Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao

Biện pháp nhân hóa: mặt nước mệt mỏi

Chọn B.

Câu 10. Phép nhân hóa trong câu thơ sau được tạo ra bằng cách nào?

“Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông

Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ”

A. Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật

B. Dùng từ ngữ vốn chỉ tính chất của người để chỉ tính chất của vật.

C. Trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

D. Dùng những từ vốn chỉ hoạt động của người để chỉ hoạt động của vật.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh nhân hóa có trong 2 câu thơ là: tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ

Ngẫm nghĩ vốn là từ để chỉ hoạt động của con người. Trong câu thơ lại được sử dụng để chỉ hoạt động của những tháp khoan

Chọn D.

Phần II. Đọc hiểu (3.5 điểm)

Câu 1. (0.5 điểm) Đứng ở công trời, tác giả thấy cổng trời có những đặc điểm gì?

Lời giải chi tiết:

Đứng ở cổng trời, tác giả thấy cổng trời là nơi rất cao, giữa hai bên vách đá và mở ra một khoảng trời. Ở đó có gió thoảng, mây trôi…

(Có 2 ý, mỗi ý 0.25 điểm)

Câu 2. (0.5 điểm) Từ vị trí cổng trời nhìn ra xa, tác giả đã thấy những sự vật nào?

Lời giải chi tiết:

Từ vị trí cổng trời nhìn ra xa, tác giả đã thấy những sự vật: cỏ hoa, con thác, đàn dê, cây trái, rừng nguyên sơ, ráng chiều.

(Thiếu 2 sự vật trừ 0,25 điểm)

Câu 3. (0.5 điểm) Chỉ rõ và gọi tên một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Có thể chỉ ra một trong hai biện pháp tu từ sau:

- Biện pháp tu từ so sánh: “ráng chiều” được ví với “hơi khói”

- Biện pháp tu từ nhân hóa: “con thác” và “đàn dê” được nhân hóa lần lượt qua các từ “réo”, “soi”.

(Gọi tên biện pháp: 0.25 điểm; chỉ rõ từ ngữ: 0.25 điểm)

Câu 4. (2.0 điểm) Viết một đoạn văn khoảng 5 đến 7 câu, nêu cảm nhận của em về cảnh sắc nơi cổng trời được miêu tả trong đoạn thơ trên.

Hình thức: (0.5 điểm)

- Đoạn văn, không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt, lỗi câu, chính tả.

- Độ dài: 5 đến 7 câu

Nội dung (1.5 điểm)

(1) Trong bài thơ “Trước cổng trời”, tác giả Nguyễn Đình Ảnh đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng ấn tượng về vẻ đẹp đặc biệt của cổng trời. (2) Mở ra trước mắt ta là khoảng không gian rộng lớn với đèo cao giữa hai vách đá; từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy cả một khoảng trời lộ ra, có mây bay, gió thoảng đẹp như ở cõi tiên trên trời. (3) Tác giả đã sử dụng từ láy “ngút ngát”, “ngút ngàn” để miêu tả “bao sắc màu cỏ hoa” và “cây trái” kết hợp với việc nhân hóa “con thác” và “đàn dê” qua những từ ngữ: “réo ngân nga”, “soi” làm hiện ra trước mắt người đọc một vùng rừng núi bao la, rộng lớn, rực rỡ, sống động và bình yên. (4) Câu hỏi “không biết thực hay mơ” và hình ảnh so sánh “ráng chiều như hơi khói” góp phần tô điểm nét thơ mộng, huyền ảo đẹp như một giấc mơ cho bức tranh núi rừng. (5) Ở đó, giữa cây trái ngút ngàn, giữa vùng rừng nguyên sơ, có ráng chiều mỏng manh hơi khói. (6) Đoạn thơ còn cho ta thấy được niềm vui sướng, hân hoan “không biết thực hay mơ” của tác giả mà còn khiến ta thêm yêu non sông, đất nước mình.

Phần III. Viết (4.0 điểm)

Ngày 6/4/2022, sau gần một năm ở nhà học trực tuyến vì dịch Covid 19, học sinh thành phố Hà Nội đã hân hoan đến trường học tập trực tiếp.

Em hãy viết một bài văn kể lại ngày đầu tiên đầy niềm vui ấy.

* Hình thức: 0.5 điểm

- Bài văn có bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài

- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp,…

* Nội dung: 3.5 điểm

1. Mở bài: Giới thiệu ngày 6/4/2022, sau gần một năm ở nhà học trực tuyến vì dịch Covid 19, em và học sinh thành phố Hà Nội đã hân hoan đến trường học tập trực tiếp. Ngày đầu tiên ấy thật nhiều niềm vui.

2. Thân bài:

* Giới thiệu hoàn cảnh:

- Hoàn cảnh: Trải qua tháng chống dịch, học online liên tục tại nhà, không được gặp bạn bè, thầy cô.

- Tâm trạng: háo hức, mong đợi được đi học, được gặp bạn bè và thầy cô.

+ Hồi hộp cả đêm khó ngủ, sợ ngày mai dậy muộn.

+ Trong đầu, nghĩ sẵn những câu nói với bạn bè, thầy cô

+ Thức dậy thật sớm, chuẩn bị đồ dùng học tập, mặc quần áo gọn gàng

* Kể lại diễn biến: Kể chi tiết các sự việc diễn ra trong ngày theo trình tự thời gian xen lẫn miêu tả và bày tỏ cảm xúc của bản thân

- Khi đến trường:

+ Miêu tả đôi nét về ngôi trường (diện tích, kiến trúc…) vẫn như lúc trước mà giờ sao thấy là lạ, mới mẻ làm sao.

+ Khung cảnh xung quanh: Sân trường đông đúc phụ huynh, học sinh…

+ Hoạt động chào đón học sinh của nhà trường: đo thân nhiệt, thầy cô vẫy tay chào, …

VD: Nếp sinh hoạt thay đổi khi đi học trở lại nhưng chúng tôi chẳng chút ngái ngủ, gương mặt tươi hồng háo hức. Chính con tim rộn ràng trong niềm vui sướng bất tận được gặp lại bao gương mặt mến thương đã khiến những đôi mắt trong veo biết cười, biết nói dù đôi môi giấu kín sau chiếc khẩu trang. Cũng có giây phút những bước chân chuẩn bị xô vào nhau sau tiếng gọi từ xa í ới nhưng rồi dường như cảm thấy bao ánh mắt xung quanh, chúng tôi dừng lại, vẫy tay chào, ánh mắt chớp chớp. Thay vì chạy đến ôm chầm lấy các cô, chúng tôi vẫy vẫy tay chào. Ai cũng đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt một cách nghiêm túc nhưng ai cũng vui vẻ lạ thường. Không tạt ngang các phòng, những chiếc cặp sách tung tăng theo bước chân vào thẳng lớp. Dừng trước cửa lớp, không quên cho nước rửa tay khô tắm mát đôi tay, chào hành lang sừng sững, chúng tôi vào học với biết bao hân hoan, hạnh phúc.

- Khi lên lớp học: cách bố trí lớp, các hoạt động học tập, cảm giác – cảm xúc của bản thân…

- Các hoạt động sinh hoạt tập thể: nghe cô hiệu trưởng phát biểu, …

VD: Lớp học cũng thật lạ, một lớp chia hai nửa, mỗi học sinh một bàn, cách xa, cách xa nên dĩ nhiên không tiếng nói chuyện khi thầy cô giảng bài. Không khí bắt đầu nóng nực vì hạ đã chuẩn bị thắp lửa, mấy chiếc điều hòa im lìm biết thân biết phận chỉ có quạt giấy, quạt điện mini reo khe khẽ. Dù chẳng thế trò chuyện nhiều cùng nhau nhưng niềm vui vẫn ánh lên trong đôi mắt tôi và bạn bè tôi. Chúng tôi, trao cho nhau những ánh mắt trìu mến thay vì lời nói. Niềm sung sướng lâng lâng làm tôi thấy mình đang như được ở chốn thần tiên. Các bạn tôi chắc cũng thấy thế. Cho nên, những cánh tay vẫn giơ lên phát biểu đều dù lớp học chia “hai nửa yêu thương”. Ra chơi, chúng tôi ở trong lớp nghe bài phát biểu của cô hiệu trưởng từ loa phát thanh. Cô động viên, dặn dò chúng tôi giữ khoảng cách an toàn và tuyên dương tinh thần học tập của giáo viên, học sinh trong những ngày giãn cách.

- Khi tan học:

+ Cố gắng nán lại lớp lâu hơn

+ Tíu tít kể chuyện về lớp về trường cho bố mẹ nghe

3. Kết bài: Bộc lộ cảm xúc

Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án - Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh năm 2020

BÀI KHẢO SÁT MÔN TIẾNG VIỆT VÀO LỚP 6

Thời gian làm bài: 60 phút

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lớn. [...] Chiếc xuồng cuối cùng được thả xuống. Ai đó kêu lên: “Còn chỗ cho một đứa bé”. Hai đứa trẻ sực tỉnh, lao ra.

- Đứa nhỏ thôi! Nặng lắm rồi. - Một người nói.

Nghe thế, Giu-li-ét-ta sững sờ, buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng.

Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ…”

Nói rồi, cậu ôm ngang lưng Giu-li-ét-ta thả xuống nước. Người ta nắm tay cô lôi lên xuồng.

Chiếc xuồng bơi ra xa. Giu-li-ét-ta bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng bên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió. Cô bật khóc nức nở, giơ tay về phía cậu: “Vĩnh biệt Ma-ri-ô!”

(Trích Một vụ đắm tàu, A-mi-xi.

Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

Câu 1. Vì sao Giu-li-ét-ta “buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng” ?

A. Vì con tàu đang chìm dần vào biển khơi, còn chiếc xuồng đang bơi ra xa.

B. Vì sắp phải xa Ma-ri-ô để lên xuồng cứu hộ.

C. Vì muốn nhường cho Ma-ri-ô xuống xuống trước mình.

D. Vì biết mình không được xuống xuồng, không còn cơ hội sống sót.

Câu 2. Lí do nào khiến Ma-ri-ô quyết định nhường cơ hội xuống xuồng cho Giu-li-ét-ta?

A. Giu-li-ét-ta là con gái, cần được bảo vệ, yêu thương.

B. Giu-li-ét-ta vẫn còn bố mẹ, có người đang mong đợi cô trở về.

C. Ma-ri-ô trông thấy sự tuyệt vọng trong mắt của Giu-li-ét-ta.

D. Ma-ri-ô tự tin mình có thể thoát khỏi hiểm nguy.

Câu 3. Dòng nào sau đây không nêu đúng phẩm chất mà Ma-ri-ô thể hiện qua đoạn trích trên?

A. Ma-ri-ô là một cậu bé dũng cảm.

B. Ma-ri-ô là một người bạn tốt, một người con hiếu thảo.

C. Ma-ri-ô là người nhân ái, sẵn sàng hi sinh vì người khác.

D. Ma-ri-ô là cậu bé mạnh mẽ, quyết đoán.

Câu 4. Trong những câu dưới đây, câu nào là câu cầu khiến?

A. “Còn chỗ cho một đứa bé”.

B. “Nặng lắm rồi”.

C. “Giu-li-ét-ta, xuống đi!”.

D. “Vĩnh biệt Ma-ri-ô!”.

PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Bài 1. (1,0 điểm)

a. Đặt một câu có từ “Hà Nội” được dùng như một tính từ.

b. Đặt một câu có từ “yêu thương” được dùng như một danh từ.

Bài 2. (1,0 điểm) Cho tổ hợp từ: “Những ngày tháng chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu này”.

a. Vì sao nói tổ hợp từ trên chưa tạo thành một câu?

b. Sửa lại tổ hợp từ trên để tạo thành một câu hoàn chỉnh theo hai cách khác nhau.

Bài 3. (2,0 điểm) Cho đoạn thơ sau:

“Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm hà nó thấp áo vàn

Thương nhau, tre chẳng ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.”

(Trích Tre Việt Nam, Nguyễn Duy,

Tiếng Việt 4, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên.

Bài 4. (4,0 điểm) Gia đình có ý nghĩa thật quan trọng với cuộc đời mỗi người.

Em hãy viết bài văn tả lại một bữa cơm sum họp gia đình ấm áp, vui vẻ.

------- Hết -------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)

Câu 1. D

Câu 2. B

Câu 3. B

Câu 4. C

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.

Câu 1. Giu-li-ét-ta cảm thấy tuyệt vọng vì em biết mình không được xuống xuồng

cứu hộ khi xuồng chỉ còn một chỗ trống và dành cho đứa trẻ nhỏ hơn là Ma-ri-ô.

Câu 2. Ma-ri-ô quyết định nhường cơ hội xuống xuống cho Giu-li-ét-ta vì cậu đã mất bố, còn Giu-li-ét-ta vẫn còn bố mẹ, vẫn còn người mong đợi cô trở về. Ma-ri-ô đã chấp nhận hi sinh.

Câu 3. Trong đoạn trích, không có thông tin nào thể hiện Ma-ri-ô là một người con hiếu thảo.

Câu 4. Câu văn này là câu cầu khiến vì mục đích của nó là đưa ra lời yêu cầu, đề nghị. Trong câu có từ cầu khiến “đi”, kết thúc bằng dấu chấm than. Các câu trong phương án A, B là câu trần thuật (câu kể), câu trong phương án D là câu cảm thán.

PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Bài 1. (1,0 điểm)

Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.

Gợi ý:

a. Bún chả là một món ăn đậm chất Hà Nội.

b. Những yêu thương cha mẹ dành cho con không gì đong đếm được.

Bài 2. (1,0 điểm)

a. (0,5 điểm)

Tổ hợp từ: “Những ngày tháng chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu này” chưa thành câu vì tổ hợp này mới là một cụm danh từ, chưa có cấu trúc hoàn chỉnh của câu với các thành phần chính là chủ ngữ và vị ngữ.

b. (0,5 điểm)

- Cách 1: Thêm thành phần câu còn thiếu:

Gợi ý: Những ngày tháng chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu này sẽ không bao giờ bị lãng quên.

- Cách 2: Thay đổi vị trí các từ ngữ trong tổ hợp:

Gợi ý: Những ngày tháng này, chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu.

Bài 3. (1,0 điểm)

Biện pháp tu từ (0,5 điểm): nhân hoá (Tre mang những đặc điểm giống con người: thân bọc lấy thân, tay ôm, tay níu, thương nhau, ở riêng).

Tác dụng (1,5 điểm): Qua biện pháp tu từ nhân hóa, ta thấy tre là loài cây không

mọc đơn độc, lẻ loi mà mọc thành bụi, thành rặng để bảo vệ nhau trước bão tố. Đằng sau hình ảnh cây trẻ là hình ảnh con người Việt Nam: những người có tấm lòng tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày cũng như trong những gian khó cuộc đời. Chính lòng nhân ái, tình đoàn kết đã tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc vượt qua những thời điểm thử thách, gian nguy.

Bài 4. (4,0 điểm)

1. Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm)

- Bài làm cần trình bày thành bài văn, có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài, các phần được tách biệt thành các đoạn văn.

- Bài viết ngắn gọn, diễn đạt lưu loát, trình bày sạch sẽ, rõ ràng.

- Không mắc lỗi dùng từ, lỗi đặt câu, lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.

2. Yêu cầu về nội dung (3,0 điểm)

Học sinh miêu tả bữa cơm sum họp của gia đình mình, nhưng bài viết cần đảm bảo các ý lớn sau:

Mở bài: Giới thiệu chung về bữa cơm sum họp (Khi nào? Ở đâu?) và ấn tượng chung của em về bữa cơm đó

Thân bài: Tả bữa cơm sum họp.

- Tả không khí chuẩn bị trước bữa cơm.

- Tả hoạt động của mọi người trong bữa cơm: không khí, cử chỉ, lời nói, cảm xúc... của từng thành viên trong gia đình.

- Kết thúc bữa cơm.

Kết bài: Suy nghĩ, tình cảm của em về bữa cơm đoàn tụ ấm áp, quý giá và ý nghĩa của gia đình.

Để xem trọn bộ Đề thi vào 6 môn Tiếng Việt có đáp án, Thầy/ cô vui lòng Tải xuống!

1 3,258 26/02/2024
Mua tài liệu