Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, phân loại, kết luận sức khỏe đối với quân nhân dự bị.
2. Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ bộ sức khỏe đối với công dân được gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trước mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
3. Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện.
4. Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là Hội đồng chuyên môn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định thành lập theo đề nghị của Phòng Y tế huyện; mỗi huyện có thể thành lập từ một đến hai hội đồng tùy theo địa bàn và số công dân cần khám.
5. Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận lại sức khỏe đối với chiến sỹ mới nhập ngũ vào Quân đội, do Hội đồng khám của đơn vị nhận quân thực hiện.
6. Hội đồng khám phúc tra sức khỏe là Hội đồng chuyên môn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Thủ trưởng đơn vị (cấp trung đoàn và tương đương trở lên) quyết định thành lập theo đề nghị của Chủ nhiệm Quân y đơn vị.
7. Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc sử dụng phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ để khám, kết luận về tình trạng sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị trong trường hợp có khiếu nại.
8. Hồ sơ sức khỏe nghĩa vụ quân sự là tài liệu về tình hình sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, bao gồm phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự và các tài liệu liên quan đến sức khỏe.
9. Phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự là tài liệu y khoa tổng hợp những thông tin cơ bản về sức khỏe của công dân làm nghĩa vụ quân sự.