Chương IV Thông tư 56/2022/TT-BTC: Lập, chấp hành dự toán và quyết toán thu, chi
Số hiệu: | 56/2022/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Võ Thành Hưng |
Ngày ban hành: | 16/09/2022 | Ngày hiệu lực: | 01/11/2022 |
Ngày công báo: | 20/10/2022 | Số công báo: | Từ số 781 đến số 782 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Xác định mức đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Theo đó, hướng dẫn xác định mức đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp như sau:
Mức tự đảm bảo chi thường xuyên = (A / B) x 100%
Trong đó:
- A là tổng các khoản thu xác định mức tự chủ tài chính theo Điều 10, khoản 1, điểm a Nghị định 60/2021/NĐ-CP .
- B là tổng các khoản chi xác định mức tự chủ tài chính theo Điều 10, khoản 1, điểm b Nghị định 60/2021/NĐ-CP .
Ngoài ra, Thông tư 56/2022/TT-BTC giải thích thêm nội dung:
- Các khoản thu chi theo quy định trên được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm kế hoạch xây dựng phương án tự chủ tài chính, có xét đến yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, khả năng chi trả của các đối tượng thụ hưởng, tác động khách quan do thiên tai, dịch bệnh và các biến động kinh tế - xã hội bất thường khác.
- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu báo cáo và dự kiến về yếu tố do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, thiên tai, dịch bệnh và điều kiện kinh tế - xã hội.
Xem thêm tại Thông tư 56/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu, chi ngân sách và cung cấp hoạt động dịch vụ thuộc phạm vi, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và Điều 32 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó:
a) Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: Căn cứ kết quả thực hiện năm trước; tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của năm hiện hành; số lượng, khối lượng dịch vụ và yêu cầu nhiệm vụ của năm kế hoạch; định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành hoặc đơn giá dịch vụ (nếu có), đơn vị lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên. Trường hợp danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, đơn vị lập dự toán kinh phí nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo số lượng, khối lượng và định mức chi theo chế độ hiện hành.
Kinh phí thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được lập dự toán trong phần kinh phí thường xuyên giao tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện.
Kinh phí giao nhiệm vụ được lập dự toán trong phần kinh phí thường xuyên không giao tự chủ (chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao) theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
b) Đối với dự toán ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành;
c) Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ;
d) Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu chi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí;
đ) Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước đối với từng nguồn kinh phí.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi cơ quan quản lý cấp trên để xem xét, thẩm định, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Đơn vị sự nghiệp công tự xây dựng kế hoạch, dự toán thu, chi thực hiện nhiệm vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện.
Việc phân bổ và giao dự toán của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn hiện hành và quy định tại Thông tư này. Trong đó:
1. Đối với dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) và quy định sau:
a) Căn cứ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có) và trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, các bộ, cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc Trung ương), Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp (đối với các đơn vị trực thuộc địa phương) phân bổ và giao dự toán kinh phí ngân sách đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị, đồng thời quyết định đặt hàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chi tiết theo từng danh mục dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này; chi tiết theo số lượng, khối lượng, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, kinh phí và các nội dung quy định khác.
b) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước hoặc đã ban hành, nhưng chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và chưa có đơn giá được phê duyệt; các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan có thẩm quyền, hoặc cơ quan quản lý cấp dưới theo phân cấp thực hiện phân bổ và giao dự toán kinh phí cho đơn vị theo số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
2. Đối với dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 (trừ đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại chi quy định tại khoản 4 Điều này):
a) Đối với đơn vị nhóm 3:
Căn cứ tổng dự toán chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao trong năm, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, quy định về giảm chi thường xuyên hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo lộ trình của Chính phủ, các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước, thiên tai, dịch bệnh, điều kiện kinh tế - xã hội và quy định tại Chương II Thông tư này;
Đối với đơn vị nhóm 3 trong lĩnh vực y tế - dân số: Thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn căn cứ theo số người được giao làm nhiệm vụ hoặc số lượng vị trí việc làm được phê duyệt cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
b) Đối với đơn vị nhóm 4
Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ vào quỹ tiền lương của số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt và áp dụng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể của đơn vị cùng quy mô biên chế theo quy định của cấp có thẩm quyền và các khoản thu của đơn vị để xác định mức ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ theo quy định tại Chương II Thông tư này.
3. Đối với dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ
Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo pháp luật về ngân sách nhà nước và khoa học công nghệ. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Đối với dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại chi
a) Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc theo quy định pháp luật phí và lệ phí và ngân sách nhà nước, trong đó kinh phí thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định phân bổ bằng mức kinh phí xác định theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Dự toán các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định giao bằng mức chi thường xuyên năm trước liền kề và kinh phí tăng thêm nếu có (do tăng chế độ tiền lương, nhiệm vụ tăng thêm theo quyết định của cấp có thẩm quyền) hoặc trừ kinh phí giảm theo quy định của cấp có thẩm quyền nếu có (do giảm nhiệm vụ, giảm khác) trong phạm vi nguồn thu phí được để lại chi theo quy định;
b) Trường hợp đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên từ nguồn thu phí (không có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết và dịch vụ khác): Phân bổ và giao cả phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do nguồn thu phí được để lại chi theo quy định không bảo đảm đủ chi thường xuyên (nếu có) theo phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh hàng năm (nếu có).
5. Đối với dự toán chi thường xuyên không giao tự chủ: Cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc căn cứ dự toán được giao và nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
6. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác: Cơ quan quản lý cấp trên không giao dự toán thu, chi cho các đơn vị sự nghiệp công. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định dự toán thu, chi trên cơ sở kế hoạch, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
1. Thực hiện dự toán thu, chi
a) Đơn vị sự nghiệp công thực hiện dự toán thu, chi trong phạm vi dự toán được giao, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về phí, lệ phí; chấp hành nghĩa vụ nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với dự toán chi thường xuyên giao tự chủ, đơn vị được điều chỉnh các nội dung chi cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đồng thời gửi cơ quan cấp trên và Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để theo dõi quản lý, thanh toán và quyết toán;
c) Đối với kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP;
d) Đối với kinh phí ngân sách nhà nước giao nhiệm vụ cho đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá được cơ quan có thẩm quyền ban hành, đơn vị thực hiện dự toán thu, chi như đối với dự toán chi thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11, điểm d khoản 1 Điều 15 và điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP; không được sử dụng để trích lập các quỹ của đơn vị.
2. Quyết toán thu, chi: Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện khóa sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán hàng năm đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn viện trợ, nguồn thu phí được để lại chi, các nguồn khác được để lại theo quy định gửi cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt, thẩm định theo quy định của pháp luật về kế toán và ngân sách nhà nước.
1. Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện kiểm soát thu, chi của đơn vị sự nghiệp công theo quy định hiện hành về kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;
Trường hợp đơn vị sự nghiệp công chưa có Quyết định giao tự chủ tài chính của cơ quan có thẩm quyền; chưa có quy chế chi tiêu nội bộ gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch: Kho bạc Nhà nước thực hiện việc kiểm soát chi, thanh toán theo chế độ quy định hiện hành như kiểm soát chi nhiệm vụ thường xuyên không giao tự chủ; không thanh toán để trích lập các quỹ của đơn vị.
2. Trong quá trình thực hiện quyền tự chủ tài chính, đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm tự kiểm tra tình hình thực hiện ở đơn vị mình và thực hiện các quy định về thanh tra, kiểm toán, kiểm tra theo quy định của pháp luật liên quan.
3. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện việc kiểm tra hoạt động thu, chi của các đơn vị sự nghiệp công theo quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực