Thông tư 41/2019/TT-BCA sửa đổi Thông tư 66/2015/TT-BCA quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Số hiệu: | 41/2019/TT-BCA | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Công an | Người ký: | Tô Lâm |
Ngày ban hành: | 01/10/2019 | Ngày hiệu lực: | 18/11/2019 |
Ngày công báo: | 06/12/2019 | Số công báo: | Từ số 929 đến số 930 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Quyền dân sự | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/07/2024 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2019/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2019 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 66/2015/TT-BCA NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2015 QUY ĐỊNH VỀ BIỂU MẪU SỬ DỤNG TRONG CÔNG TÁC CẤP, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN, TÀNG THƯ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ
Căn cứ Luật Căn cước công dân năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15 tháng 12 năm 2015 quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15 tháng 12 năm 2015 quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
1. Bổ sung điểm m, n vào sau điểm l khoản 1 Điều 3 như sau:
“m) Biên bản giao nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (mẫu CC12);
n) Giấy đề nghị xác nhận số Chứng minh nhân dân (mẫu CC13)”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Quản lý các biểu mẫu
1. Bộ Công an thống nhất quản lý các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này; in, phát hành biểu mẫu CC11 cho Công an các đơn vị, địa phương.
2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội in, quản lý và phát hành biểu mẫu CC01, CC13 sử dụng tại Trung tâm Căn cước công dân quốc gia.
3. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức in, quản lý và phát hành các biểu mẫu CC01, CC02, CC08, CC12, CC13, DC01 và DC02 cho Công an các đơn vị, địa phương thuộc quyền quản lý.
4. Các biểu mẫu CC02, CC03, CC04, CC05, CC06, CC07, CC09 và CC10 được in trực tiếp từ máy tính khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Mẫu được in ra đã bao gồm các thông tin được trích xuất, thống kê từ Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo phạm vi lưu trữ của từng đơn vị.
5. Các biểu mẫu CC01, CC02, CC04, CC05, CC06, CC07, CC08, CC09, CC10, CC12, CC13, DC01 và DC02 được in trên khổ giấy 210 mm x 297 mm (A4). Mẫu CC03 được in trên khổ giấy 148 mm x 210 mm (A5). Mẫu CC01 và mẫu CC08 được in 02 mặt. Mẫu CC11 có kích thước 250 mm x 330 mm, được in trên giấy Kraft định lượng 250g/m2.
6. Các biểu mẫu quy định tại Thông tư này được in bằng mực đen trên nền giấy trắng. Riêng mẫu CC11 được in bằng mực đen trên nền giấy màu nâu vàng. Khi in không được thay đổi nội dung của biểu mẫu; Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm quản lý việc in, cấp phát biểu mẫu và có sổ sách theo dõi”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 5 như sau:
“2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì, phối hợp với Cục Kế hoạch và Tài chính, các đơn vị có liên quan lập dự trù kinh phí in, phát hành các biểu mẫu và giấy in biểu mẫu CC01, CC11, giấy in mẫu CC02 sử dụng tại Trung tâm Căn cước công dân quốc gia và mẫu CC11 cấp cho Công an các đơn vị, địa phương.
Tháng 9 hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương lập dự trù nhu cầu sử dụng biểu mẫu CC11 của đơn vị, địa phương mình cho năm tiếp theo gửi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để tổng hợp, báo cáo Bộ Công an.
3. Công an các đơn vị, địa phương lập dự trù kinh phí in, phát hành biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân, tàng thư căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 4 Thông tư này.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:
“1. Mẫu CC01 được dùng để công dân kê khai thông tin về nhân thân của mình khi có yêu cầu cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (kể cả trường hợp công dân kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến).”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 2 Điều 7 như sau:
“h) Mục “Nơi đăng ký khai sinh”: Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh của công dân. Trường hợp giấy khai sinh không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy khai sinh đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định;”
6. Sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 2 Điều 7 như sau:
“i) Mục “Quê quán”: Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Trường hợp các giấy tờ đó không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy tờ đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định;”
7. Sửa đổi, bổ sung điểm o khoản 2 Điều 7 như sau:
“o) Mục yêu cầu của công dân:
- “Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân”: Đối với các trường hợp cấp lần đầu thì ghi cấp mới; đối với các trường hợp hư hỏng, hết thời hạn hoặc có sự thay đổi, sai sót thông tin trên thẻ Căn cước công dân hoặc công dân có yêu cầu đổi thẻ thì ghi cấp đổi; đối với các trường hợp mất thẻ hoặc được trở lại quốc tịch Việt Nam thì ghi cấp lại;
- “Chuyển phát thẻ Căn cước công dân đến địa chỉ của công dân”: Trường hợp công dân cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có yêu cầu chuyển phát thẻ Căn cước công dân thì ghi “có” và ghi đầy đủ địa chỉ nhận, số điện thoại liên hệ, nếu không có yêu cầu thì ghi “không”;”
8. Bổ sung điểm q vào sau điểm p khoản 2 Điều 7 như sau:
“q) Phần mã vạch hai chiều mã hóa toàn bộ thông tin nhân thân của công dân và các thông tin phục vụ quản lý trên Tờ khai Căn cước công dân trực tuyến.
Mục “Thời gian hẹn”: Đăng ký ngày cụ thể công dân đến cơ quan quản lý căn cước công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; mục “Tại”: Ghi tên cơ quan quản lý căn cước công dân mà công dân đăng ký đến làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:
“3. Số thẻ Căn cước công dân: Cán bộ xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân, khi nhận được kết quả phê duyệt cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (thẻ Căn cước công dân hoặc dữ liệu kết quả phê duyệt cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được trả về trên hệ thống) thực hiện ghi số thẻ Căn cước công dân của công dân vào Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân (CC02)”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau:
“1. Mẫu CC06 do Trung tâm Căn cước công dân quốc gia lập để đề xuất lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân. Mẫu này được lập theo danh sách hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 như sau:
“1. Mẫu CC08 dùng để Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện thống kê, báo cáo kết quả về công tác cấp, quản lý căn cước công dân. Định kỳ hằng tháng, quý, 06 tháng, 01 năm, Công an cấp tỉnh phải gửi báo cáo về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.”
12. Bổ sung Điều 17a vào sau Điều 17 như sau:
“Điều 17a. Biên bản giao nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CC12)
1. Mẫu CC12 dùng cho đơn vị làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân bàn giao hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho đơn vị quản lý hồ sơ tàng thư Căn cước công dân thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm kiểm tra và nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.
2. Cách ghi thông tin:
a) Mục “hồi.... giờ...., ngày, tháng, năm”: Ghi đầy đủ giờ, ngày, tháng, năm bàn giao hồ sơ; “tại”: Ghi theo địa điểm nơi bàn giao hồ sơ;
b) Mục “đại diện bên giao” và “đại diện bên nhận”: Ghi đầy đủ họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị công tác của cán bộ đơn vị giao và đơn vị nhận hồ sơ”;
c) Mục “Tổng số hồ sơ”: Ghi đầy đủ tổng số hồ sơ bàn giao; trong đó ghi đầy đủ “Tổng số hồ sơ cấp mới”, “Tổng số hồ sơ cấp đổi”, “Tổng số hồ sơ cấp lại”.
d) Mục “Có danh sách kèm theo từ số hồ sơ.... đến số hồ sơ...”: Ghi số thứ tự theo danh sách hồ sơ bàn giao.
3. Mục “Bên nhận”, “Bên giao”:
a) Đối với trường hợp bàn giao hồ sơ trong Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thì lãnh đạo cấp Đội có trách nhiệm ký xác nhận vào biên bản bàn giao. Cán bộ bên giao, bên nhận có trách nhiệm ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản giao nhận.
b) Đối với trường hợp bàn giao hồ sơ giữa Công an cấp huyện và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thì lãnh đạo Công an huyện và lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải ký tên, đóng dấu vào biên bản giao nhận. Đối với hồ sơ được cấp tại Trung tâm Căn cước công dân quốc gia thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thì lãnh đạo Trung tâm Căn cước công dân quốc gia và lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bên nhận ký bàn giao. Cán bộ bên giao, bên nhận có trách nhiệm ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản giao nhận”.
13. Bổ sung Điều 17b vào sau Điều 17a như sau:
“Điều 17b. Giấy đề nghị xác nhận số Chứng minh nhân dân (CC13)
1. Mẫu CC13 được dùng trong trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân hoặc bị mất Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
2. Cách ghi thông tin
a) Mục “Họ, chữ đệm và tên”: Ghi đầy đủ họ, chữ đệm và tên theo giấy khai sinh bằng chữ in hoa đủ dấu;
b) Mục “Ngày, tháng, năm sinh”: Ghi ngày, tháng, năm sinh của công dân được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Ngày sinh ghi 02 chữ số; năm sinh ghi đủ bốn chữ số. Đối với tháng sinh từ tháng 3 đến tháng 9 ghi 01 chữ số, các tháng sinh còn lại ghi 02 chữ số;
c) Mục “Giới tính”: Giới tính nam thì ghi là “Nam”, giới tính nữ thì ghi là “Nữ”;
d) Mục “Dân tộc”: Ghi dân tộc của công dân đề nghị cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân theo giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng nhận dân tộc của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Mục “Quốc tịch”: Ghi quốc tịch của công dân đề nghị cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân theo giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng nhận có quốc tịch Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền;
e) Mục “Nơi đăng ký khai sinh”, mục “Quê quán”: Ghi theo quy định tại điểm h, điểm i khoản 2 Điều 7 Thông tư này.
g) Mục “Nơi thường trú”: Ghi đầy đủ, chính xác theo sổ hộ khẩu”
14. Thay thế các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA cụ thể như sau:
a) Tờ khai căn cước công dân (mẫu số CC01) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA được thay thế bằng Tờ khai căn cước công dân (mẫu số CC01) ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Đề xuất phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (mẫu số CC06) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA được thay thế bằng Đề xuất phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (mẫu số CC06) ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (mẫu số CC07) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA được thay thế bằng Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (mẫu số CC07) ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Phiếu điều chỉnh thông tin căn cước công dân (mẫu số CC09) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA được thay thế bằng Phiếu điều chỉnh thông tin căn cước công dân (mẫu số CC09) được ban hành kèm theo Thông tư này.
e) Phiếu thu thập thông tin dân cư (mẫu số DC01) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2015/TT-BCA được thay thế bằng Phiếu thu thập thông tin dân cư (mẫu số DC01) ban hành kèm theo Thông tư này.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:
“Điều 21. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời.”
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 11 năm 2019.
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.
|
BỘ TRƯỞNG |