Chương 2
Phạm vi hoạt động của phương tiện và cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu
Điều 4. Phạm vi hoạt động của phương tiện
1. Đối với vận tải hành khách định kỳ (theo tuyến cố định): Phương tiện khởi hành từ bến xe đầu tuyến; đi theo hành trình, dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ theo quy định và kết thúc tại bến xe cuối tuyến.
2. Đối với vận tải hàng hóa, vận tải hành khách không định kỳ (theo hợp đồng và vận tải khách du lịch): Không giới hạn địa điểm khởi hành tại Việt Nam. Phương tiện được hoạt động từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam đi qua các cặp cửa khẩu đã được Chính phủ hai nước cho phép đến các điểm trong phạm vi quy định trên lãnh thổ của Trung Quốc. Phương tiện được dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, bến xe dọc hành trình do hai nước công bố.
Điều 5. Bến xe ô tô khách, bến xe ô tô hàng, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ của Việt Nam phục vụ hoạt động vận tải đường bộ Việt – Trung
1. Danh sách các bến xe ô tô khách quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.
2. Danh sách các trạm dừng nghỉ quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
3. Danh sách các bến xe ô tô hàng, bãi đỗ xe quy định tại Phụ lục IVa của Thông tư này.
Điều 6. Cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu
1. Cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu là Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc Sở Giao thông vận tải các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung có cửa khẩu, được bố trí nhân sự, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, vị trí làm việc tại cửa khẩu để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
2. Trạm quản lý vận tải cửa khẩu có các nhiệm vụ như sau:
a) Cấp các giấy phép vận tải theo quy định;
b) Kiểm soát phương tiện Việt Nam và Trung Quốc khi qua lại cửa khẩu;
c) Thống kê số liệu, cập nhật và báo cáo về hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
d) Phối hợp với các cơ quan chức năng khác tại cửa khẩu thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.