Chương II Thông tư 204/2015/TT-BTC: Quy định cụ thể
Số hiệu: | 204/2015/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 21/12/2015 | Ngày hiệu lực: | 04/02/2016 |
Ngày công báo: | 21/01/2016 | Số công báo: | Từ số 87 đến số 88 |
Lĩnh vực: | Thuế - Phí - Lệ Phí, Tài chính nhà nước | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
02/07/2021 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Thông tư 204/2015/TT-BTC về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế quy định việc quản lý rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định thuế, hoàn thuế,… được ban hành ngày 21/12/2015.
1. Trình tự áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế
Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo trình tự sau đây:
- Thông tư 204 quy định cơ quan thuế tổ chức thu thập, xử lý thông tin dữ liệu theo phương thức điện tử liên quan đến người nộp thuế. Xây dựng, vận hành, quản lý, sử dụng...“Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế” của Tổng cục Thuế.
- Tổng cục Thuế xây dựng, trình Bộ TC ban hành bộ tiêu chí quản lý rủi ro đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ (3 năm); Định kỳ hàng quý rà soát cập nhật phù hợp thực tế.
- Cơ quan thuế căn cứ quy định pháp luật, quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, bộ tiêu chí quản lý rủi ro, hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế và ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế để phân tích, xác định, đánh giá mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; quản lý hồ sơ rủi ro đối với các đối tượng trọng điểm vi phạm pháp luật thuế.
- Cơ quan thuế căn cứ kết quả đánh giá mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế tại khoản 3, Điều 5 Thông tư số 204/2015/BTC để áp dụng các biện pháp: Quản lý đăng ký thuế; quản lý, kiểm tra khai thuế, nộp thuế; kiểm tra, thanh tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế; …
- Cơ quan thuế theo dõi, cập nhật, đánh giá thông tin phản hồi về kết quả thực hiện các biện pháp quản lý thuế đối với người nộp thuế tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 204 năm 2015 của Bộ tài chính; đo lường mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
- Cơ quan thuế quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu; chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung việc áp dụng quản lý rủi ro quản lý thuế.
2. Biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Thuế
Cơ quan thuế áp dụng các biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra thuế, thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế, theo Thông tư số 204/2015/TT-BTC bao gồm:
- Áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro, theo Thông tư 204/2015;
- Thu thập, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro;
- Đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế;
- Phân tích rủi ro, xác định trọng điểm rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;
- Quản lý hồ sơ rủi ro đối với người nộp thuế phải giám sát trọng điểm trong công tác quản lý thuế có nguy cơ không tuân thủ pháp luật về thuế, gian lận thuế;
- Xây dựng, quản lý áp dụng danh sách người nộp thuế rủi ro, theo Thông tư số 204/2015 của Bộ Tài chính;
- Ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để xác định hình thức, mức độ quản lý, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra;
- Đo lường, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế trong hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực hiện các biện pháp đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và các biện pháp khác trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.
Thông tư 204 có hiệu lực từ ngày 04/02/2016.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Cơ quan thuế áp dụng các biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra thuế, thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế, bao gồm:
1. Áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro;
2. Thu thập, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro;
3. Đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế;
4. Phân tích rủi ro, xác định trọng điểm rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;
5. Quản lý hồ sơ rủi ro đối với người nộp thuế phải giám sát trọng điểm trong công tác quản lý thuế có nguy cơ không tuân thủ pháp luật về thuế, gian lận thuế;
6. Xây dựng, quản lý áp dụng danh sách người nộp thuế rủi ro;
7. Ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để xác định hình thức, mức độ quản lý, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra;
8. Đo lường, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế trong hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;
9. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực hiện các biện pháp đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.
1. Thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế bao gồm:
a) Thông tin từ các hồ sơ khai thuế, hồ sơ hải quan; các Báo cáo tài chính, Báo cáo niêm yết; các Báo cáo của người nộp thuế;...theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật có liên quan;
b) Thông tin về tình hình chấp hành pháp luật về thuế trong việc: Đăng ký thuế; kê khai thuế, nộp thuế; nợ thuế; miễn, giảm thuế; kê khai hoàn thuế, hoàn thuế; kiểm tra, thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế; thông tin từ kết quả kiểm tra, thanh tra; xử lý nợ thuế; các thông tin, các văn bản phạt vi phạm hành chính về pháp luật thuế; nợ thuế và các biện pháp khác của cơ quan thuế từng thời kỳ;
c) Thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan tổ chức có liên quan về đầu tư; xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; đăng ký và thực tế sử dụng lao động; thông tin về giao dịch liên kết; thông tin về giao dịch qua ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng khác; thông tin vi phạm pháp luật hải quan; vi phạm trong lĩnh vực kế toán, thống kê, tài chính doanh nghiệp, vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, hình sự;
d) Thông tin thu thập từ mua tin, trao đổi thông tin trong nước, ngoài nước, thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các văn bản ký kết giữa Việt Nam và các nước liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan để sử dụng trong công tác thuế;
e) Các nguồn thông tin có liên quan khác.
2. Tổng cục Thuế tổ chức thu thập thông tin xây dựng “Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế” phục vụ quản lý rủi ro, bao gồm:
a) Thu thập thông tin từ người nộp thuế:
- Thông tin về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế;
- Thông tin về nhân thân các thành viên sáng lập và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp;
- Thông tin về các hồ sơ khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;
- Thông tin về các bên liên kết và các giao dịch liên kết;
- Thông tin về việc chấp hành pháp luật thuế, chấp hành pháp luật khác.
b) Phối hợp trao đổi thông tin:
- Kết nối, quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế tại Điều 10, Điều 11 Thông tư này;
- Phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước và các vùng lãnh thổ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan ở nước ngoài theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;
- Tổng hợp, phân tích thông tin trên các báo, đài, truyền hình, cổng thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khác;
- Thiết lập đường dây nóng qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, điện thoại, thư điện tử (e-mail) để tiếp nhận các thông tin về người nộp thuế liên quan đến hành vi gian lận về thuế và các hành vi khác vi phạm pháp luật thuế.
c) Thu thập thông tin trên cơ sở hoạt động nghiệp vụ:
- Thu thập, xác minh thông tin, tài liệu theo các chuyên đề nghiệp vụ;
- Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động của người nộp thuế;
- Mua tin theo chế độ quy định;
- Tiếp nhận thông tin của người nộp thuế cung cấp theo quy định của pháp luật.
d) Thông tin từ bên thứ ba có liên quan như Hiệp hội ngành nghề kinh doanh, các đối tác kinh doanh trong và ngoài nước của người nộp thuế.
đ) Thông tin từ đơn thư tố cáo trốn thuế, gian lận thuế sau khi đã có kết luận giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền và được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu.
e) Thông tin, dữ liệu từ các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực cung cấp thông tin.
g) Các nguồn chính thức khác theo quy định của pháp luật (Bao gồm cả thông tin được phép mua theo quy định của pháp luật).
3. Tổng cục Thuế xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuế, áp dụng các hình thức dưới đây để xử lý thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ cơ quan Thuế:
a) Quản lý, ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế để xử lý thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá rủi ro đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ thuế theo nội dung tại Điều 9 Thông tư này;
b) Khai thác, sử dụng thông tin trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, hệ thống thông tin, dữ liệu ở trong, ngoài ngành Thuế và các nguồn thông tin khác có liên quan, kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để phân tích, đánh giá rủi ro, tạo ra và cung cấp các sản phẩm thông tin nghiệp vụ theo các yêu cầu cụ thể trong quản lý thuế.
1. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ thuế được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế, đảm bảo các thông tin làm cơ sở đánh giá rủi ro được tập hợp và cập nhật đầy đủ, bao gồm:
a) Thông tin chung của người nộp thuế;
b) Thông tin về hồ sơ khai thuế, căn cứ tính thuế;
c) Quản lý hồ sơ rủi ro trong nghiệp vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;
d) Thông tin vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế;
đ) Thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra;
e) Hệ thống tiêu chí đánh giá rủi ro;
g) Các sản phẩm thông tin nghiệp vụ;
h) Tài khoản người sử dụng trên hệ thống;
i) Các thông tin khác có liên quan.
2. Cơ quan thuế ứng dụng công nghệ thông tin theo phương thức điện tử dựa trên bộ tiêu chí quản lý rủi ro được ban hành; kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chung của ngành Thuế, các hệ thống thông tin liên quan ngoài ngành Thuế để tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu nhằm đáp ứng:
a) Đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế;
b) Đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế;
c) Cảnh báo rủi ro, phân luồng, đưa ra các yêu cầu nghiệp vụ để định hướng, hỗ trợ kiểm tra, giám sát các nội dung quản lý thuế đối với các nghiệp vụ quy định tại Điều 6 Thông tư này.
3. Hệ thống thông tin nghiệp vụ được kết nối trực tuyến các hệ thống thông tin liên quan của Tổng cục Thuế với cơ quan thuế trong phạm vi cả nước để phục vụ theo dõi, giám sát và đưa ra các quyết định áp dụng các biện pháp giám sát, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật thuế.
4. Cơ quan thuế căn cứ vào kết quả từ hệ thống thông tin nghiệp vụ tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Thông tư này và các thông tin khác liên quan để thực hiện biện pháp, hình thức quản lý theo quy định của pháp luật.
5. Tổng cục Thuế quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị, công chức thuế các cấp trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng thông tin trên hệ thống thông tin nghiệp vụ phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ thuế.
1. Cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan, đơn vị dưới đây để thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế:
a) Tổng cục Hải quan;
b) Kho bạc Nhà nước;
c) Thanh tra Bộ Tài chính;
d) Cục Tài chính doanh nghiệp;
đ) Vụ Chính sách Thuế;
e) Ủy ban chứng khoán Nhà nước;
g) Các cơ quan, đơn vị khác thuộc Bộ Tài chính.
2. Nội dung thông tin trao đổi, cung cấp, bao gồm:
a) Thông tin về chế độ chính sách liên quan đến công tác quản lý thuế;
b) Thông tin người nộp thuế, bao gồm:
b.1) Thông tin đăng ký thuế của tổ chức, cá nhân;
b.2) Thông tin tình hình hoạt động của tổ chức, cá nhân;
b.3) Tình hình kê khai thuế, nộp thuế, nợ đọng thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;
b.4) Thông tin vi phạm pháp luật thuế và chế độ kế toán, thống kê, tài chính doanh nghiệp, vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, hình sự:
- Thông tin vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, thu khác;
- Thông tin vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, thống kê;
- Thông tin trốn thuế, gian lận thuế hoặc vi phạm trong lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế;
- Thông tin liên quan đến việc điều tra, khởi tố;
b.5) Thông tin khác có liên quan về người nộp thuế;
c) Phương thức, hành vi gian lận thuế, trốn thuế;
d) Các thông tin khác liên quan đến quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế.
3. Hình thức trao đổi thông tin:
a) Thông tin trao đổi qua hệ thống mạng máy tính (sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất của Bộ Tài chính).
b) Thông tin trao đổi bằng văn bản, fax, tài liệu giấy, thư điện tử hoặc chuyển giao dữ liệu được lưu trữ bằng các phương tiện khác (Đối với những cơ quan thuế trong thời gian chưa được tham gia hệ thống thông tin điện tử).
c) Thông tin trao đổi trực tiếp sau khi được ghi nhận, xác thực theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
4. Cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này ở cùng cấp, cụ thể hóa bằng quy chế phối hợp trao đổi thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ sở dữ liệu quản lý để tổ chức thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thuế cùng cấp thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro theo các nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư này.
1. Cơ quan thuế thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành liên quan trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính với các Bộ, ngành liên quan về trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước về thuế, tài chính.
Cơ quan thuế các cấp được ký kết các quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cùng cấp để cụ thể hóa và tăng cường quan hệ phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước về thuế phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Nội dung thông tin trao đổi, cung cấp.
a) Thông tin đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân;
b) Thông tin tình hình hoạt động của tổ chức, cá nhân;
c) Tình hình kê khai thuế, nộp thuế, nợ đọng thuế, trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thuộc diện chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, ưu đãi về thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế, tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;
d) Thông tin về các tài khoản giao dịch; thông tin về giao dịch đáng ngờ, giao dịch bất thường, đột biến trên tài khoản giao dịch;
đ) Thông tin vi phạm pháp luật thuế và chế độ kế toán, thống kê, vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự, hình sự;
e) Phương thức, hành vi gian lận thuế, trốn thuế;
g) Thông tin khác có liên quan về người nộp thuế;
h) Các thông tin khác liên quan đến quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế.
3. Các hình thức trao đổi, cung cấp thông tin:
a) Trao đổi, cung cấp thông tin dưới hình thức công văn, fax, tài liệu giấy, thư điện tử hoặc chuyển giao dữ liệu;
b) Kết nối trao đổi dữ liệu điện tử qua hệ thống thông tin của ngành Thuế với các cơ quan, đơn vị liên quan;
c) Trực tiếp gặp gỡ trao đổi dưới các hình thức: cử đại diện làm việc, xác minh, thu thập tài liệu; tổ chức hội nghị và các hình thức khác.
4. Nội dung, hình thức trao đổi, cung cấp thông tin phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật Nhà nước.
5. Định kỳ sáu (06) tháng, cơ quan thuế các cấp tiến hành đánh giá kết quả thực hiện cơ chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị chức năng cùng cấp, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các quy định, cơ chế phối hợp hoặc các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
1. Việc thu thập thông tin ở nước ngoài phục vụ quản lý nhà nước về thuế được thực hiện theo Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
2. Nguồn thông tin thu thập từ nước ngoài bao gồm:
a) Cơ quan thuế, các cơ quan quản lý khác của nước ký kết và vùng lãnh thổ cung cấp theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các hiệp định hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ;
b) Các tổ chức quốc tế có liên quan cung cấp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Nhà sản xuất hàng hóa, người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu cung cấp theo đề nghị của cơ quan thuế được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thông tin ở nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
đ) Các nguồn chính thức khác theo quy định của pháp luật.
3. Các hình thức thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin:
a) Trao đổi, cung cấp thông tin dưới hình thức văn bản, fax, tài liệu giấy, thư điện tử hoặc chuyển giao dữ liệu;
b) Chia sẻ qua hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan thuế các nước và kết nối chia sẻ thông tin qua hệ thống thông tin với nước ngoài (trong trường hợp có điều ước quốc tế được ký kết giữa hai quốc gia);
c) Trao đổi dưới các hình thức: cử đại diện làm việc, xác minh, thu thập tài liệu, tổ chức hội thảo và các hình thức khác.
1. Hồ sơ người nộp thuế là tập hợp thông tin về thành lập, đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, tình hình sản xuất kinh doanh, Báo cáo tài chính, các hồ sơ khai thuế, các báo cáo quản lý ấn chỉ thuế, quá trình tuân thủ pháp luật thuế và quy định của pháp luật có liên quan; kết quả nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế và các thông tin khác liên quan đến người nộp thuế.
Tổng cục Thuế xây dựng, quản lý tập trung hệ thống thông tin hồ sơ người nộp thuế trên hệ thống để phục vụ việc tích hợp, cập nhật thông tin, đánh giá tuân thủ pháp luật, đánh giá rủi ro và áp dụng các chế độ chính sách quản lý thuế phù hợp.
2. Hồ sơ người nộp thuế được xây dựng, áp dụng phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ thuế trong từng thời kỳ, bao gồm:
a) Hồ sơ người nộp thuế;
b) Hồ sơ của các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động của người nộp thuế;
c) Hồ sơ đại lý thuế.
3. Tổng cục Thuế ban hành quy định áp dụng bộ chỉ tiêu thông tin, xây dựng hệ thống thông tin và tổ chức thu thập, cập nhật, quản lý, ứng dụng hồ sơ người nộp thuế theo nguyên tắc: Thực hiện điện tử hóa, số hóa các chứng từ; tự động cập nhật hệ thống khi tác nghiệp; thực hiện tác nghiệp trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.
1. Cơ quan thuế quản lý tập trung thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế trên hệ thống thông tin nghiệp vụ để phục vụ tích hợp, cập nhật thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế; thống kê, phân tích xu hướng vi phạm pháp luật thuế và đáp ứng yêu cầu của các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.
2. Thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế bao gồm: thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực quản lý thuế và thông tin vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực kế toán, thống kê do cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác phát hiện, xử lý, cụ thể:
a) Thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế do cơ quan thuế phát hiện, xử lý được quản lý theo hồ sơ vụ việc vi phạm, được cập nhật vào hệ thống theo biểu mẫu hồ sơ điện tử. Quá trình cập nhật từ thời điểm xác lập hành vi vi phạm hoặc hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật thuế cho đến khi hoàn thành việc xử lý vụ việc vi phạm.
b) Thông tin vi phạm pháp luật do các cơ quan chức năng khác phát hiện, xử lý được thu thập, cập nhật hệ thống thông tin theo Điều 10, Điều 11 Thông tư này và Quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng khác.
3. Công chức thuế trong khi thực hiện nhiệm vụ nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thuế phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và tiến hành nhập thông tin về hành vi vi phạm vào hệ thống thông tin nghiệp vụ trong vòng 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
4. Đơn vị, công chức thuộc các bộ phận chức năng nghiệp vụ tại cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm:
a) Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn nhằm đảm bảo việc cập nhật thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống được đầy đủ, chính xác, kịp thời;
b) Định kỳ hàng quý, phân tích, tổng hợp, báo cáo về tình hình, xu hướng vi phạm pháp luật thuế; phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế;
c) Khai thác, ứng dụng thông tin vi phạm để đáp ứng yêu cầu của các hoạt động nghiệp vụ thuế.
5. Tổng cục Thuế quy định, hướng dẫn cụ thể việc thu thập, quản lý, ứng dụng thông tin vi phạm pháp luật của người nộp thuế theo quy định tại điều 14 Thông tư này.
1. Tổng cục Thuế căn cứ tình hình thực tế để xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, đánh giá rủi ro về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước hiện hành, bao gồm:
- Tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế;
- Tiêu chí đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế;
- Tiêu chí lựa chọn trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế;
- Tiêu chí lựa chọn hồ sơ khai thuế kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;
- Tiêu chí phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn đối tượng hồ sơ có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế;
- Tiêu chí lựa chọn đối tượng người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;
- Tiêu chí quản lý theo dõi thu nợ thuế và áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
- Tiêu chí xác định mức độ rủi ro để thực hiện chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật và xác định trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn, ấn chỉ thuế.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xây dựng, trình Bộ Tài chính ban hành các bộ chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, đánh giá rủi ro về người nộp thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế, các chính sách quản lý nhà nước hiện hành, bao gồm:
- Chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế;
- Chỉ số đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế;
- Chỉ số lựa chọn trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế;
- Chỉ số lựa chọn hồ sơ khai thuế kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;
- Chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn đối tượng hồ sơ có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế;
- Chỉ số lựa chọn đối tượng người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;
- Chỉ số quản lý theo dõi thu nợ thuế và áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
- Chỉ số xác định mức độ rủi ro để thực hiện chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật và xác định trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn, ấn chỉ thuế.
1. Cơ quan thuế thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế đang hoạt động để áp dụng các biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác trong quản lý thuế đối với người nộp thuế.
2. Việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế được thực hiện trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, hệ thống tự động đánh giá căn cứ các điều kiện tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này để phân loại người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế theo ba (03) loại dưới đây:
a) Loại 1. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế tốt (sau đây gọi là người nộp thuế tuân thủ tốt);
b) Loại 2. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ trung bình (sau đây gọi là người nộp thuế tuân thủ trung bình);
c) Loại 3. Người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp (sau đây gọi là người nộp thuế tuân thủ thấp).
3. Điều kiện đánh giá người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế.
a) Người nộp thuế được đánh giá là người nộp thuế tuân thủ tốt phải đáp ứng tất cả các điều kiện:
a.1) Đang hoạt động và thực hiện đầy đủ, đúng hạn việc kê khai và chấp hành nộp các loại thuế phát sinh theo quy định; số thuế nộp phù hợp quy mô, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Chấp hành tốt chế độ quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính đến ngày đánh giá.
a.2) Tỷ trọng nộp các loại thuế liên quan đến sản xuất kinh doanh (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...) trên doanh số, đạt trên mức trung bình so với mức trung bình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực, ngành nghề.
a. 3) Trong thời gian hai (02) năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá không bị một trong các hình thức xử lý vi phạm sau:
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, ấn chỉ thuế với tổng mức phạt tiền vượt thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về thuế.
- Không bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
- Không bị cơ quan thuế xử lý hành chính về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
- Không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát đánh giá không tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê Tài chính doanh nghiệp.
- Không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát đánh giá không tuân thủ pháp luật thuế, pháp luật hải quan.
- Không có vụ việc vi phạm bị khởi tố vụ án, người đại diện hợp pháp của người nộp thuế không bị khởi tố bị can về các hành vi vi phạm về thuế.
a.4) Không nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; các khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí; các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật đất đai do cơ quan thuế quản lý thu; các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; trừ số tiền thuế nợ được gia hạn theo quy định pháp luật chưa hết thời gian gia hạn nộp tại thời điểm đánh giá.
b) Người nộp thuế được đánh giá là người nộp thuế tuân thủ trung bình là người nộp thuế không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 16 Thông tư này.
c) Người nộp thuế bị đánh giá là người nộp thuế tuân thủ thấp thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
c.1) Tính đến thời điểm đánh giá thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Chưa kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế đầy đủ, đúng hạn ít nhất 01/3 (một phần ba) số tờ khai theo quy định trong vòng thời gian 12 tháng;
- Các kỳ kê khai âm về thuế giá trị gia tăng liên tục trên mức trung bình so với bình quân chung của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực, ngành nghề;
- Có số lỗ lũy kế vượt quá 50% (năm mươi phần trăm) vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến thời điểm đánh giá;
- Người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nợ tiền chậm nộp, tiền phạt, phí, lệ phí hoặc các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
c.2) Trong thời gian 02 (hai) năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá; hoặc từ ngày thành lập đến ngày đánh giá đối với NNT thành lập chưa tròn 02 (hai) năm thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Hai (02) lần trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, ấn chỉ thuế với tổng mức phạt tiền vượt thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về thuế.
- Bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; hoặc bị xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán.
- Bị cơ quan thuế xử lý hành chính về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
- Có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, bị khởi tố, điều tra.
- Bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua thanh tra, kiểm tra, quản lý, giám sát đánh giá không tuân thủ pháp luật thuế, pháp luật hải quan.
c.3) Có hành vi sử dụng ấn chỉ thuế bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp ấn chỉ thuế.
4. Tổng cục Thuế có trách nhiệm:
a) Xây dựng hệ thống thông tin nghiệp vụ, hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, tự động phục vụ cho cơ quan thuế các cấp trong việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người nộp thuế.
b) Hướng dẫn áp dụng thống nhất điều kiện đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người nộp thuế tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này.
c) Quy định kỳ đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế các cấp trong việc thu thập, cập nhật thông tin, đảm bảo việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người nộp thuế.
1. Người nộp thuế trong quản lý thuế được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro, bao gồm:
a) Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp;
b) Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp;
c) Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình;
d) Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao;
đ) Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao;
e) Hạng 6: Người nộp thuế có thời gian hoạt động dưới 12 tháng.
2. Cơ quan thuế các cấp thu thập thông tin, ứng dụng bộ tiêu chí nêu tại Điều 15 Thông tư này, hệ thống thông tin nghiệp vụ và đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này để đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế.
3. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế được cung cấp, làm cơ sở cho việc quyết định áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với người nộp thuế có rủi ro cao hoặc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác trong quản lý thuế đối với các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này.
4. Tổng cục Thuế có trách nhiệm:
a) Xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ và quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế các cấp trong việc thu thập thông tin, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế.
b) Định kỳ đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro; thực hiện cập nhật về danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế; danh sách nợ thuế, danh sách nợ thuế ở mức công khai; danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao vi phạm pháp luật về thuế thực hiện mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành.
c) Căn cứ vào số lượng người nộp thuế hoạt động do cơ quan thuế các cấp quản lý để lập danh sách người nộp thuế thuộc diện đánh giá xếp hạng phù hợp với điều kiện, khả năng của từng cơ quan thuế.
1. Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, cập nhật về người nộp thuế chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế đã giải thể, phá sản, đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định của pháp luật thuế theo xác nhận của cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác.
2. Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, cập nhật về người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, ngừng hoạt động nhưng chưa chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định của pháp luật thuế; cơ quan thuế vẫn phải thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với đối tượng này.
1. Tổng cục Thuế sử dụng các bộ tiêu chí tại Điều 15 Thông tư này, sử dụng kết quả xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 17 và hệ thống thông tin nghiệp vụ để phân luồng, lập, quản lý danh sách người nộp thuế rủi ro theo từng nghiệp vụ quản lý thuế trong từng thời kỳ, gồm:
a) Danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế;
b) Danh sách trường hợp kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;
c) Danh sách phân loại người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn đối tượng hồ sơ có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế;
d) Danh sách trường hợp lựa chọn kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;
đ) Danh sách trường hợp quản lý theo dõi thu nợ thuế và trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
e) Danh sách người nộp thuế rủi ro phải sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) và trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn, ấn chỉ thuế.
2. Tổng cục Thuế lập danh sách cụ thể theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này về người nộp thuế từ hệ thống thông tin nghiệp vụ trình Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, kể cả danh sách cần bổ sung, điều chỉnh trong từng thời kỳ (nếu có). Thông tin về người nộp thuế theo danh sách các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này, bao gồm:
a) Tên người nộp thuế hoặc đại diện hợp pháp của người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ của người nộp thuế, ngành nghề kinh doanh chính;
b) Xếp hạng mức độ rủi ro theo khoản 1 Điều 17 Thông tư này;
c) Các thông tin khác liên quan đến người nộp thuế.
3. Danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này được cập nhật trên hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành thuế. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật, quản lý danh sách người nộp thuế rủi ro toàn ngành, phục vụ cho công tác quản lý thuế trong toàn ngành thuế.
4. Tổng cục Thuế quy định chi tiết định kỳ việc đánh giá, lập danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này để xác định trọng điểm trong công tác quản lý thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ.
1. Người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế là người nộp thuế có một trong các dấu hiệu sau:
a) Người nộp thuế thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế.
b) Người nộp thuế hoặc Người đại diện hợp pháp của người nộp thuế bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, ấn chỉ thuế.
c) Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm cần giám sát quản lý thuế.
2. Cơ quan thuế các cấp sử dụng ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ về các đối tượng tại khoản 1 Điều 20 Thông tư này để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định.
3. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm theo dõi, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với từng trường hợp tại khoản 1 Điều 20 Thông tư này.
4. Cập nhật kết quả và phản hồi:
a) Cục Thuế tổng hợp, cập nhật kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể báo cáo về Tổng cục Thuế.
b) Tổng cục Thuế tổng hợp, phân tích để đưa ra cảnh báo rủi ro trong công tác quản lý thuế đối với toàn bộ cơ quan thuế các cấp.
5. Tổng cục Thuế quy định cụ thể việc thu thập, phân tích thông tin, xác định trọng điểm giám sát, biện pháp giám sát phù hợp với quy định của pháp luật trong từng thời kỳ.
1. Cơ quan thuế tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế đối với hồ sơ nhận trực tiếp tại cơ quan thuế và hồ sơ do cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển đến trên hệ thống kết nối thông tin với cơ quan đăng ký kinh doanh, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế:
a) Đối với hồ sơ người nộp thuế mới thành lập thực hiện đăng ký thuế/ đăng ký doanh nghiệp lần đầu; hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế/đăng ký doanh nghiệp hoặc hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh: Tự động cấp MST/MSDN cho người nộp thuế mới thành lập; chấp nhận hồ sơ thay đổi thông tin hoặc hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh theo quy định hiện hành về đăng ký thuế và đăng ký kinh doanh. Đồng thời, căn cứ danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để thực hiện kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện kiểm tra theo quy định pháp luật hiện hành.
b) Đối với hồ sơ đăng ký giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động:
- Thực hiện cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định;
- Yêu cầu người nộp thuế hoặc gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ về thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động.
Đồng thời, căn cứ danh sách trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế tại Điều 19 Thông tư này để kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện kiểm tra theo quy định pháp luật hiện hành.
2. Cập nhật, phản hồi kết quả:
Cán bộ thuế giải quyết hồ sơ đăng ký thuế trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế theo phương thức điện tử; trường hợp còn thực hiện theo phương thức giấy, cơ quan thuế phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác biện pháp xử lý, kết quả kiểm tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
1. Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế đối với người nộp thuế có đăng ký thuế nhưng thực hiện khai thuế không đầy đủ; người nộp thuế có sản xuất kinh doanh thực hiện khai thuế không đầy đủ, đúng hạn.
2. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ khai thuế, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về danh sách trường hợp người nộp thuế kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế tại Điều 19 Thông tư này và cảnh báo của hệ thống về thông tin cần kiểm tra trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ khai thuế:
- Đối với người nộp thuế không thuộc danh sách trường hợp kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế, chưa phát hiện rủi ro, chưa có dấu hiệu vi phạm thì lưu hồ sơ theo dõi;
- Đối với trường hợp người nộp thuế thuộc danh sách trường hợp kiểm tra tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế, đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin.
3. Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Điều 77 Luật Quản lý thuế và khoản 1, khoản 2 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế sử dụng dữ liệu thông tin của người nộp thuế đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ quản lý thuế và các thông tin liên quan đến người nộp thuế (nếu có) để thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế.
4. Cập nhật, phản hồi kết quả kiểm tra:
Cơ quan thuế khi kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế đối với người nộp thuế nêu tại khoản 2 Điều 22 Thông tư này, ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
1. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về phân loại người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế tại Điều 19 Thông tư này để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ hoàn thuế:
a) Phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế:
- Tổng cục Thuế căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ để xác định hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau và hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.
- Trường hợp, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, pháp luật hải quan hoặc trường hợp nếu người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng, cơ quan thuế thay đổi việc áp dụng hình thức phân loại hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đang thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau sang thuộc diện hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau; việc phê duyệt thay đổi áp dụng hình thức phân loại phải được cập nhật vào hệ thống thông tin nghiệp vụ.
b) Kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế (theo yêu cầu của cơ quan cấp trên) đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau:
Cơ quan thuế lựa chọn người nộp thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau căn cứ theo xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 19 Thông tư này, đồng thời phải đảm bảo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể:
b.1) Đối với người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 41 Nghị định 83/2013/NĐ-CP: Kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế theo sắp xếp thứ tự thực hiện theo xếp hạng mức độ rủi ro từ cao xuống thấp.
b.2) Đối với người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 83/2013/NĐ-CP: Kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với 100% doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao; kiểm tra, thanh tra 50% đối với doanh nghiệp rủi ro trong thời hạn 90 ngày; kiểm tra, thanh tra 50% rủi ro còn lại trong phạm vi 180 ngày.
2. Cơ quan thuế các cấp căn cứ kết quả phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn người nộp thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn nêu tại khoản 1 Điều 23 Thông tư này để thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế và kiểm tra, thanh tra hoàn thuế theo quy định pháp luật.
3. Cập nhật, phản hồi kết quả:
- Cơ quan thuế tiếp nhận giải quyết hồ sơ hoàn thuế nêu tại điểm a khoản 1 Điều 23 Thông tư này, thực hiện cập nhật vào hệ thống hồ sơ hoàn thuế, cập nhật dự thảo quyết định hoàn thuế; Tổng cục Thuế trong thời gian không quá 6 giờ làm việc có trách nhiệm phản hồi kết quả. Căn cứ kết quả phản hồi của Tổng cục Thuế, Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế quyết định này.
- Cơ quan thuế khi thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với người nộp thuế nêu tại điểm b khoản 1 Điều 23 Thông tư này, ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra, thanh tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra, thanh tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể và phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra về đơn vị liên quan cấp trên để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tiêu chí quản lý rủi ro, phục vụ việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
1. Cơ quan thuế lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hàng năm theo quy định tại Điều 78, Điều 81 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và điểm 24 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Điều 49 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và theo xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 19 Thông tư này để lựa chọn trường hợp kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hàng năm đảm bảo nguyên tắc:
- Danh sách thanh tra yêu cầu đạt tỷ lệ từ 1% đến 2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; danh sách kiểm tra đạt tỷ lệ từ 15%-18% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
- Danh sách thanh tra do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định; danh sách kiểm tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định.
a) Lựa chọn trường hợp thanh tra:
Cơ quan thuế lựa chọn trường hợp thanh tra tại trụ sở người nộp thuế đối với người nộp thuế đảm bảo:
- Số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra theo kế hoạch hàng năm;
- Số trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá tỷ lệ 10% số lượng trường hợp được thanh tra theo kế hoạch hàng năm.
b) Lựa chọn trường hợp kiểm tra:
Các trường hợp người nộp thuế xếp hạng mức độ rủi ro cao ngoại trừ các trường hợp đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra nêu tại điểm a khoản 1 Điều 24 Thông tư này được lựa chọn đưa vào trường hợp kiểm tra. Việc lựa chọn trường hợp kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế phải đảm bảo:
- Số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm;
- Số trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá tỷ lệ 10% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.
2. Tổng cục Thuế xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ và quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế các cấp trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế.
3. Việc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; danh sách bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
4. Cập nhật phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế:
- Cơ quan thuế khi thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra phải cập nhật ngay vào hệ thống; trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp có vướng mắc, ý kiến còn khác nhau... yêu cầu cập nhật vào hệ thống những nội dung này; trong phạm vi không quá 3 ngày làm việc, Tổng cục Thuế có trách nhiệm phản hồi bằng phương thức điện tử thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế. Ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra, thanh tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra, thanh tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể và phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra về đơn vị liên quan cấp trên để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tiêu chí quản lý rủi ro, phục vụ việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
- Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính pháp luật về thuế bằng phương thức điện tử, trường hợp bằng giấy phải cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu “Danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế” và thực hiện ban hành Quyết định công bố công khai “Danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế” trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
5. Cơ quan thuế tiếp nhận khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thực hiện cập nhật kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.
1. Cơ quan thuế thực hiện việc quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý nợ đối với người nợ thuế để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Tổng cục Thuế, thủ trưởng cơ quan thuế các cấp thực hiện xây dựng hệ thống quản lý nợ thuế và các biện pháp đôn đốc đối với từng danh sách người nộp thuế như sau:
- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, không còn nợ thuế;
- Người nộp thuế nợ thuế từ 60 - 90 ngày;
- Người nộp thuế nợ thuế từ 91 - 121 ngày;
- Người nộp thuế nợ thuế trên 121 ngày.
3. Cơ quan thuế căn cứ danh sách trường hợp quản lý theo dõi thu nợ thuế và trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Điều 19 Thông tư này và cảnh báo của hệ thống thông tin quản lý nợ để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế với từng người nộp thuế, theo quy định pháp luật hiện hành; xác nhận về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; chuyển các thông tin của người nộp thuế chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử hoặc qua đường công văn bằng giấy cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
4. Quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:
- Cơ quan thuế thực hiện gửi thông báo nợ thuế và tiền chậm nộp, Quyết định cưỡng chế đến người nợ thuế nêu tại khoản 3 Điều 25 Thông tư này và đến các bên liên quan (nếu có) bằng phương thức điện tử; cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
- Hàng tháng, cơ quan thuế các cấp thực hiện công khai tình hình nợ thuế của người nộp thuế theo quy định tại Khoản 1, Điều 74 và Khoản 3 Điều 102 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội.
1. Cơ quan thuế thực hiện quản lý việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định pháp luật hiện hành về ấn chỉ thuế.
2. Thủ trưởng cơ quan thuế căn cứ phân luồng của hệ thống thông tin nghiệp vụ về người nộp thuế thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) và trường hợp người nộp thuế cần kiểm tra, thanh tra về in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế tại Điều 19 Thông tư này để ban hành Quyết định áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý ấn chỉ thuế (Quyết định bằng hình thức điện tử hoặc bằng giấy; trường hợp Quyết định bằng giấy cán bộ thuế phải cập nhật vào hồ sơ điện tử của cơ quan thuế) như sau:
a) Quyết định trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn lần đầu, thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) hay thuộc đối tượng được tự tạo hóa đơn để sử dụng;
b) Quyết định trường hợp doanh nghiệp dừng việc sử dụng hóa đơn tự in, đặt in và chuyển sang sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc diện rủi ro cao về thuế hoặc doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế, người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức và cá nhân kinh doanh) thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì lập hóa đơn điện tử và gửi thông tin trên hóa đơn bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế để nhận mã xác thực hóa đơn từ cơ quan thuế theo quy định hiện hành;
c) Công bố công khai “Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao vi phạm pháp luật về thuế phải sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo” trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định hiện hành về quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;
d) Xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định hiện hành;
đ) Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với những hóa đơn theo quy định của pháp luật đã không còn giá trị sử dụng (bao gồm trường hợp hóa đơn do người nộp thuế tự tạo; trường hợp hóa đơn do cơ quan thuế tạo và trường hợp hóa đơn hết giá trị sử dụng do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định hiện hành);
e) Quyết định trường hợp người nộp thuế cần tiến hành kiểm tra, thanh tra việc in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra và Quy trình kiểm tra, thanh tra về thuế hiện hành.
3. Cập nhật phản hồi kết quả:
Cơ quan thuế cập nhật kết quả thực hiện biện pháp quản lý về ấn chỉ thuế bằng phương thức điện tử, trường hợp bằng giấy phải cập nhật ngay vào hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Section 1. MEASURES, TECNIQUES AND OPERATION OF RISK MANAGEMENT
Article 7. Measures and techniques of risk management in operational activities of tax authorities
The tax authorities shall apply the measures and techniques of risk management in the operational activities: Tax registration, declaration, payment; management of tax debt and enforcement of administrative decision on tax; tax refund; tax verification and inspection; creation, printing, issue, management and use of printed materials of tax, including:
1. Application of criteria for risk management;
2. Collection and development of database system related to the taxpayers; application of information technology in risk management;
3. Assessment of compliance with law on tax, assessment and rating of risk level;
4. Analysis of risk and identification of major risks in tax management;
5. Management of risk dossier of the taxpayers to be monitored closely in the tax management at risk of non-compliance with law on tax and tax fraud;
6. Development and management and application of list of taxpayers with risks;
7. Application of operational information system to define the form, level of management, urge, verification and inspection;
8. Measurement and assessment of compliance with tax law in the tax management.
9. Monitoring, urge, verification, inspection and assessment of effect and effectiveness of taking measures to urge, verify and inspect and other operational measures in tax management to the taxpayers.
Article 8. Collection and processing of information for risk management in operational activities of tax authorities
1. The information for risk management in operational activities of tax includes:
a) Information from the tax declaration dossier, customs dossiers; the financial reports, listing reports, taxpayers’ reports;…in accordance with regulations of law on tax and relevant laws;
b) Information on reality of compliance with law on tax in tax registration, declaration, payment; tax debt, exemption and reduction; declaration for tax refund, tax refund; tax verification and inspection; creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax; information from the result of verification and inspection; handling of tax debt; information and documents of fines of administrative violation on tax law; tax debt and other measures of the tax authorities of each period;
c) Information from the competent state authorities and other relevant bodies and organizations on investment, import and export of goods and services; registration and reality of labor employment; information on associated transactions and transactions through bank, treasury and other credit institutions; information on violation of customs law, accounting, statistics, corporate finance violation of economic, civil and criminal law;
d) Information collected from information buying or information exchange in the country or from foreign country and official information from tax management authorities and competent authorities in foreign country under the international treaties in which the Socialist Republic of Vietnam is a member, documents signed between Vietnam and relevant countries related to the field of tax and customs for use in tax activities;
e) Other relevant sources of information.
2. The General Department of Taxation shall collect information to develop the “Database system on taxpayers” for risk management, including:
a) Collection of information from the taxpayers:
- Information on business and tax registration;
- Personal information about the founders and enterprise’s legal representative;
- Information on dossier of tax declaration, payment, debt, exemption, reduction or refund; creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax;
- Information on associated parties and associated transactions;
- Information on compliance with tax law and other laws.
b) Coordinated information exchange:
- Connecting and managing the information system on taxpayers;
- Coordinating with the bodies and units of the Ministry of Finance and of relevant Ministries and sectors in exchanging and providing information for tax management in accordance with the provisions in Article 10 and 11 of this Circular;
- Coordinating the information exchange with the tax authorities of other relevant countries and territories and bodies, organizations and individuals in foreign countries as specified in Article 12 of this Circular.
- Aggregating and analyzing information in newspapers, radio, television or websites of organizations or individuals and information on other mass media;
- Setting up the hotline through the website of the General Department of Taxation, telephone, email to receive information on taxpayers related to the their tax fraud and other acts of violations of tax laws.
c) Information collection on the basis of operational activities:
- Collecting, verifying information and documents with operational major issues;
- Conducting other necessary operational measures as prescribed by law to collect information related to the taxpayers’ activities;
- Buying information under regulations;
- Receiving information provided by the taxpayers as prescribed by law.
d) Information from the taxpayers’ relevant third party such as business line associations, business partners in the country and abroad.
dd) Information from the petition or letter denouncing tax evasion or tax fraud after the final resolution of the competent authorities and is updated in the data system.
e) Information and data from organizations and individuals legally operating in the field of information provision.
g) Other official sources as prescribed by law (including the information bought with permission as prescribed by law).
3. The General Department of Taxation shall develop and manage the information system and database of tax and apply the following forms to process information for risk management in operational activities of tax authorities:
a) Managing and applying the database system of tax operation information to process information and data and assess risks to meet the tax operation requirements in accordance with the contents specified in Article 9 of this Circular.
b) Using the information in the operational information system and data and information system in and outside the Tax sector and other relevant information sources; combining the professional knowledge and experiences to analyze and assess risks, create and provide the operation information products according to the specific requirements in tax management.
Article 9. Application of information technology in risk management
1. The database system of tax operation information is centrally managed at the General Department of Taxation to ensure the information as a basis for risk assessment is fully gathered and updated, including:
a) General information of the taxpayers;
b) Information on tax declaration dossier and grounds for tax calculation;
c) Management of risk dossiers in tax registration, declaration, payment, tax debt, tax refund and tax exemption or reduction, creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax;
d) Information about the taxpayer’s violation of tax law;
dd) Information about result of inspection, verification and handling after inspection and verification
e) System of criteria for risk assessment;
g) Operation information products;
h) User’s account in the system;
i) Other relevant information.
2. The tax authorities apply the information technology by the electronic mode based on the issued criteria for risk management; connect the common information system and database of the Tax sector and relevant information systems outside the tax sector to integrate and process information or data in order to:
a) Assess the reality of compliance with tax law from the taxpayers;
b) Assess and rate the risk level to the taxpayers;
c) Warn risks, classify and give out professional requirements to orient and assist the verification and monitoring of contents of tax management for the operations specified in Article 6 of this Circular.
3. The operational information system is connected online with the relevant information systems of the General Department of Taxation and other tax authorities in the country for monitoring, supervision and decision issue on taking measures to monitor, urge, verify and inspect and other necessary operational measures to ensure the compliance with the tax law.
4. Based on the result from the operational information system specified in Clause 2 and 3, Article 9 of this Circular and other relevant information, the tax authorities shall take measures and apply the management forms as prescribed by law.
5. The General Department of Taxation specifies the responsibility of tax units and officers at all levels in development, management, operation, updating and use of information on the operational information system in accordance with each field of tax operation.
Article 10. Coordinated exchange of information with bodies and units of the Ministry of Finance
1. The tax authorities shall coordinate with the following bodies and units to exchange and provide information for risk management in tax operation:
a) General Department of Customs;
b) State Treasury;
c) Inspector of Ministry of Finance;
d) Corporate Finance Department;
dd) Department of Tax Policy;
e) State Securities Commission;
g) Other bodies and units of the Ministry of Finance.
2. Contents of exchanged and provided information:
a) Information about benefits and policies related to the tax management activities;
b) Information about taxpayers, including:
b.1) Information about tax registration of organizations and individuals;
b.2) Information about operational reality of organizations or individuals;
b.3) Reality of tax declaration and payment, tax debt, tax exemption and reduction, creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax;
b.4) Information about violation of tax law and regulation on accounting, statistics, corporate finance, violation of economic, civil and criminal law:
- Information about administrative violation in the field of tax and other revenues;
- Information about administrative violation in the field of accounting and statistics;
- Information about tax evasion, tax fraud or violation in the field of accounting resulted in tax evasion and tax fraud;
- Information related to the investigation and prosecution;
b.5) Other information related to the taxpayers;
c) Mode and acts of tax evasion and tax fraud;
d) Other information related to the risk management in tax operation.
3. Form of information exchange:
a) Information exchanged through the computer network (using the unified communications infrastructure of the Ministry of Finance).
b) Information exchanged by documents, fax, paper documents, email or transfer of stored data by other means (for the tax authorities not yet involved in the electronic information system).
c) Information directly exchanged after being recorded and certified in accordance with regulations of the General Director of General Department of Taxation.
4. The tax authorities shall coordinate with the bodies and units of the Ministry of Finance specified in Clause 1, Article 10 of this Circular at the same level to concretize the regulation on coordinate and exchange of information in accordance with functions, duties and management database to exchange and provide information for risk management in tax operation.
The bodies and units of the Ministry of Finance shall coordinate with the tax authorities at the same level to exchange and provide information for risk management in accordance with the contents specified in Clause 2 and 3, Article 10 of this Circular.
Article 11. Coordinated exchange of information with competent bodies of Ministries and sectors
1. The tax authorities shall exchange and provide information with the competent bodies and units of relevant Ministries and sectors based on the current regulations of law and the Joint Circular between the Ministry of Finance and the relevant Ministries and sector on exchange and provision of information for state management of tax and finance.
The tax authorities at all levels may sign the coordination regulations with the competent bodies and units at the same level to concretize and strengthen the coordination relation in exchange and provision of information for state management on tax in accordance with current regulations of law.
2. Contents of exchanged or provided information
a) Information on business registration of organizations or individuals;
b) Information about operation of organizations or individuals;
c) Reality of tax declaration, tax payment, tax debt, prohibited exit out of country in case of unfulfilled obligation of tax payment, preferential tax, tax exemption or reduction, tax refund, creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax;
d) Information about transaction accounts; information about doubtful transactions, abnormal and sudden in transaction account.
dd) Information about violation of tax law and regulation on accounting and statistics, violation of economic, civil and criminal law;
e) Mode and acts of tax fraud and tax evasion;
g) Other relevant information about the taxpayers;
h) Other information related to the risk management in tax operation.
3. Forms of exchange and provision of information:
a) The exchange and provision of information is done in the form of official letter, fax, paper documents, email and data transfer;
b) The connection of exchange of electronic data through the information system of the tax sector with the relevant bodies and units;
c) Direct meeting and exchange in the forms: appointment of representative, verification, collection of documents; conference organization and other forms.
4. The contents and form of exchange and provision of information must comply with regulations of law on state security.
5. Every six (06) months, the tax authorities at all levels shall assess the result of implementation of mechanism of coordinated exchange and provision of information with the competent bodies and units at the same level, recommend the addition or modification of regulations and mechanisms of coordination or solutions to solve the problems during the implementation.
Article 12. Collection of information related to tax management from foreign country
1. The collection of information from foreign country for state management on tax shall comply with the Law on tax management No. 78/2006/QH11 dated 29/11/2006, the Law No. 21/2012/QH13 dated 20/11//2012 amending and adding some articles of the Law on tax management and the guiding documents; ensure the compliance with regulations of law on protection of state secret.
2. The sources of information collected from foreign country include:
a) The tax authorities and other management bodies of the signing country and territories that provide information under the agreement on avoidance of double taxation and the agreements on cooperated exchange and exchange of information which the Socialist Republic of Vietnam has signed with the countries and territories;
b) Information provided by the international organizations under the international treaties in which the Socialist Republic of Vietnam is a member;
c) Information provided by the goods manufacturers, exporter and importer at the request of the tax authorities under the international treaties in which the Socialist Republic of Vietnam is a member;
d) Organizations or individuals providing the information services in foreign country under the provisions of the international treaties in which the Socialist Republic of Vietnam is a member;
dd) Other official sources as prescribed by law.
3. Forms of collection, exchange and provision of information:
a) Exchange and provision of information in the form of document, fax, paper document, email or data transfer;
b) Sharing information through the electronic data system of tax authorities of the countries and connecting and sharing information through the information system with foreign countries (in case of international treaty signed between two countries).
c) Exchange of information in the forms of appointment of representative, verification, collection of documents, seminar organization and other forms;
Article 13. Management of information about taxpayer’s dossier
1. The taxpayer’s dossier is the information about the establishment and registration of business, tax, reality of business and production, financial report, tax declaration dossiers, reports on management of printed matters of tax, compliance with tax law and other relevant regulations of law; result of management operation of tax authorities and other information related to the taxpayers.
The General Department of Taxation shall develop and centrally manage the information system about taxpayer’s dossier in the system for integrity and updating of information and assessment of compliance and risk and application of appropriate regulations and policies on tax management.
2. The taxpayer’s dossier is prepared and applied in accordance with the tax operation requirements in each period, including:
a) Taxpayer’s dossier;
b) Dossier of other subjects related to the taxpayer’s activities;
c) Tax agent’s dossier.
3. The General Department of Taxation issues the regulation on application of indicator of information, development of information system, collection, updating, management and application of taxpayer’s dossier on the principle of electronicization and digitalization of documents; automatic updating of system upon operation; operational implementation based on the database system on taxpayers.
Article 14. Management of taxpayer’s information on law violation
1. The tax authorities shall centrally manage the taxpayer’s information on law violation on the operational information system for the integrity, updating of information, analysis and assessment of risk, compliance with tax law; statistics and analysis of tendency of violation of tax law and satisfaction of requirements of other operational activities in tax management to the taxpayers.
2. The taxpayer’s information about law violation includes the information about acts of law violation occurred in the field of tax management and the information about law violation in the field of accounting and statistics which the tax authorities or other competent bodies have detected and handled, particularly:
a) The taxpayer’s information about law violation detected and handled by the tax bodies is managed according to the record of violation and updated in the system in the form of electronic record. The process of updating is from the time of defining the acts of violation or acts at risk of violation of tax law to the time of completing the handling of violation.
b) Information about law violation detected and handled by the tax bodies is collected and updated on the information system specified in Article 10 and 11 of this Circular and the coordination Regulation between the tax bodies and other competent bodies.
3. During performing duties, if detecting the acts of violation of tax law, the tax officers must make a record of administrative violation as prescribed by law and enter information about such acts into the operational information system within 24 hours from the time of issuing the decision on handling of administrative violation.
4. The units and public servants of the operational and competent divisions at the tax authorities at all levels must:
a) Monitor, verify and guide to ensure the complete, accurate and timely updating of information about law violation into the system.
b) Conduct quarterly analysis, summary and make report on reality and tendency of law violation; conduct analysis and assessment of compliance with law of the taxpayers;
c) Use and apply the violation information to meet the requirements of tax operations.
5. The General Department of Taxation shall stipulate and guide the collection, management and application of information about law violation of the taxpayer in accordance with the provisions in Article 14 of this Circular.
Article 15. Issue of criteria and indicators for risk management
1. Based on the reality, the General Department of Taxation shall develop and present the criteria to the Ministry of Finance to assess the tax law and taxpayer’s risk to meet the tax management in each period and in accordance with the current regulations of tax law and state management policies, including:
- Criteria for assessment of taxpayer’s compliance with tax law;
- Criteria for assessment and rating of taxpayer’s risk level;
- Criteria for selection of case for verification of tax registration;
- Criteria for selection of tax declaration dossier for verification at the head office of tax management body;
- Criteria for classification and settlement of tax refund dossier and selection of dossiers with signs of risk to add them in the verification and inspection plan after tax refund;
- Criteria for selection of taxpayers with signs of risk to prepare the verification and inspection plan at the taxpayer’s head office;
- Criteria for management and monitoring of tax debt collection and application of measures to enforce the tax administrative decisions;
- Criteria for identification of risk level to implement the regulation on management and use of invoices and documents as prescribed by law and identify the cases of taxpayer’s signs of risks to add them in the verification and inspection plan for creation, printing, issue, management and use of invoices and printed matters of tax.
2. The General Director of General Department of Taxation shall develop and present the sets of indicator for assessment of tax law and taxpayer’s risk to the Ministry of Finance for issue to meet the tax management requirements in each period and in accordance with the current regulations of tax law and state management policies, including:
- Indicators for assessment of taxpayer’s compliance with tax law;
- Indicators for assessment and rating of taxpayer’s risk level;
- Indicators for selection of cases for verification of tax registration;
- Indicators for selection of tax declaration dossier for verification at the head office of tax management body;
- Indicators for classification and settlement of tax refund dossier and selection of dossiers with signs of risk to add them in the verification and inspection plan after tax refund;
- Indicators for selection of taxpayers with signs of risk to prepare the verification and inspection plan at the taxpayer’s head office;
- Indicators for management and monitoring of tax debt collection and application of measures to enforce the tax administrative decisions;
- Indicators for identification of risk level to implement the regulation on management and use of invoices and documents as prescribed by law and identify the cases of taxpayer’s signs of risks to add them in the verification and inspection plan for creation, printing, issue, management and use of invoices and printed matters of tax.
Article 16. Assessment of taxpayer’s compliance with tax law
1. The tax authorities shall assess the compliance with tax law of the taxpayers who are operating to apply measures of tax management and other necessary operational measures in tax management to the taxpayers.
2. The assessment of compliance with tax law to the taxpayers shall be done on the professional information system and automatic assessment system based on the conditions in Clause 3, Article 16 of this Circular to classify the taxpayers who comply with the tax law according to three (03) categories as follows:
a) Category 1. The taxpayers well comply with the tax law (hereafter referred to as good compliant taxpayers)
b) Category 2. The taxpayers comply with the tax law at moderate level (hereafter referred to as moderate compliant taxpayers)
c) Category 3. The taxpayers comply with the tax law at low level (hereafter referred to as low compliant taxpayers)
3. Conditions for assessment of taxpayer’s compliance with tax law
a) The taxpayers are assessed to be good compliant taxpayers if meeting all of the following conditions:
a.1) Operating and making timely and complete declaration and paying prescribed taxes; the taxes paid are consistent with scale and investment and business area of enterprises; well complying with regulations on management and use of printed matters of tax within two (02) years and earlier to the date of assessment.
a.2) The proportion of payment of taxes related to production and business (value-added tax, corporate income tax ...) on the turnover has reached over the average level compared with the average level of enterprises doing business and production of the same areas and industries.
a. 3) Within two (02) consecutive years and earlier to the date of assessment, the taxpayers do not undergo one of the form of violation handling as follows:
- Not being sanctioned for administrative violation on tax and printed matters of tax with the total fines beyond the sanction authority for acts of violation of tax procedures of the Head of Branch of Taxation as prescribed by law on handling of administrative violation on tax.
- Not being sanctioned for acts of tax evasion and tax fraud by the competent state bodies.
- Not being sanctioned for acts of failure to comply with decision on tax verification and inspection, enforcement of administrative decision on tax by the tax authorities.
- Not being assessed as failure to comply with law on enterprise’s accounting and financial statistics by the competent state authorities through inspection, verification, management and monitoring.
- Not being assessed as failure to comply with law on tax and customs by the competent state authorities through inspection, verification, management and monitoring.
- Not having prosecuted cases, the taxpayer’s legal representative has not been prosecuted for acts of violation of tax.
a.4) Not having tax debts, amount of late payment, fines, fees and charges of the state budget as stipulated by the law on fees and charges; revenues of the state budget as stipulated by the law on land collected by the tax authorities; other revenues of the state budget as stipulated by the law except for taxes extended as prescribed by law because the time of extension is not over at the time of assessment.
b) The taxpayers are assessed as the moderate compliant taxpayers and are not subject to the cases specified under Point a and c, Clause 3, Article 16 of this Circular.
c) The taxpayers are assessed as the low compliant taxpayers and are subject to one of the following cases:
c.1) Being subject to one of the following cases to the time of assessment:
- Not yet making tax declaration and submitting tax declaration dossier completely and on schedule of at least 01/3 (one third) of number of prescribed declaration forms within 12 months;
- The periods of negative declaration of value added tax are continuous and above the average level compared with the general average of enterprises doing business and production of the same area and business line;
- Having the cumulative number exceeding 50% (fifty percent) of owner’s equity of enterprise to the time of assessment;
- The taxpayers are subject to the enforcement of administrative decision on tax, debt of late payment amount, fines, fees, charges or other revenues to be paid to the state budget as prescribed by law.
c.2) Within 02 (two) continuous years and earlier to the date of assessment; or from the date of establishment to the date of assessment for the taxpayers having the time of establishment of less than 02 (two) years subject to one of the cases as follows:
- Having two (02) times or more of being sanctioned for administrative violation of tax, printed matters of tax with the total fines beyond the sanction authority for acts of violation of tax procedures of the Head of Branch of Taxation as prescribed by law on handling of administrative violation on tax.
- Being sanctioned for acts of tax evasion and tax fraud or sanctioned in the field of accounting by the competent state bodies.
- Being sanctioned for acts of failure to comply with the decision on verification and inspection of tax and enforcement of administrative decisions on tax by the tax authorities.
- Having acts of violation of criminal law; being prosecuted and investigated.
- Being assessed as failure to comply with law on tax and customs by the competent state authorities through inspection, verification, management, monitoring and assessment.
c.3) Having the illegal acts of use of printed matters of tax or illegally using the printed matters of tax.
4. The General Department of Taxation must:
a) Develop the operational information system and database system on taxpayers automatically serving the tax authorities at all levels in assessing the taxpayer’s compliance with law.
b) Guide the consistent application of conditions for assessment of taxpayer’s compliance with law as specified in Clause 3, Article 16 of this Circular.
c) Stipulate the assessment period of taxpayer’s compliance with law.
d) Direct and guide the tax authorities at all levels in collection and updating of information to ensure the assessment of taxpayer’s compliance with law.
Article 17. Assessment and rating of taxpayer’s risk level in tax management
1. The taxpayers are assessed and rated according to their risk level in tax management, including:
a) Level 1: Taxpayers with very low risks;
b) Level 2: Taxpayers with low risks;
c) Level 3: Taxpayers with average risks;
d) Level 4: Taxpayers with high risks;
dd) Level 3: Taxpayers with very high risks;
e) Level 6: Taxpayers having the operating time of less than 12 months.
2. The tax authorities at all levels shall collect information and apply the set of criteria specified in Article 15 of this Circular, the operational information system and assess the taxpayer’s compliance with law as stipulated in Clause 2, Article 16 of this Circular to assess and rate the taxpayer’s risk level.
3. The result of assessment and rating of taxpayer’s risk level is provided as a basis for decision on application of measures to verify, inspect and monitor the taxpayers with high risks or other operational measures in tax management for the contents specified in Article 6 of this Circular.
4. The General Department of Taxation:
a) Develops and issues the operational procedure and defines the responsibility of tax authorities at all levels in information collection, assessment and rating of taxpayer’s risk level.
b) Periodically assesses and rates the risk levels; updates the list of taxpayers committing violation of tax; list of tax debt at public level; list of enterprises of high risk violating the tax law buying invoices issued by the tax authorities.
c) Based on a number of operating taxpayers managed by the tax authorities at all levels to make a list of taxpayers subject to being assessed and rated in accordance with conditions and capacity of each tax authority.
Article 18. Risk management to the taxpayers who dissolves, went bankrupt, stopped operating or temporarily stopped operating and whose Certificate of business registration, Certificate of enterprise registration, Certificate of investment or Certificate of investment registration is revoked
1. The General Department of Taxation shall develop the electronic database and update the list of taxpayers who die, are missing, lose civil act capacity; the taxpayers have dissolved, gone bankrupt and whose Certificate of business registration, Certificate of enterprise registration, Certificate of investment or Certificate of investment registration is revoked and the effect of tax code was terminated in accordance with regulations of tax law according to the certification of the tax authorities or other competent authorities.
2. The General Department of Taxation shall develop the electronic database and update the list of taxpayers who temporarily stopped operating or stopped operating but the effect of tax code has not been terminated in accordance with regulations of tax law; the tax authorities will have to assess the compliance with law and rate the risk level to such subjects.
Article 19. Making and managing the list of taxpayers with risks by the tax management operations
1. The General Department of Taxation uses the sets of criteria specified in Article 15 of this Circular and uses the result of rating of taxpayer’s risk level specified in Article 17 and the operational information system to classify, make and manage the list of taxpayers with risks by each tax management operation in each period, including:
a) List of verification cases of tax registration;
b) List of cases of verification of tax declaration dossier at the head office of tax management body;
c) List of classification of taxpayers in settlement of tax refund dossier and selection of dossiers with signs of risk to add them in the verification and inspection plan after tax refund;
d) List of selection of cases for verification and inspection at the taxpayer’s head office.
dd) List of cases of management and monitoring of tax debt collection and cases of application of enforcement of administrative decision on tax;
e) List of taxpayers with risks who must use invoices made by the tax authorities as prescribed by the Ministry of Finance (invoices printed by order or electronic invoices with certification code of the tax authorities) and cases where the taxpayers have signs of risk in order to add them in the verification and inspection plan on creation, printing, issue, management and use of invoices and printed matters of tax.
2. The General Department of Taxation shall make a list according to the cases specified in Clause 1, Article 19 of this Circular about the taxpayers from the operational information system and submit it to the head of competent authorities for approval, including the list to be added or adjusted in each period (if any). The information about the taxpayers is based on the list of cases specified in Clause 1, Article 19 of this Circular, including:
a) Name of taxpayers or their legal representatives, tax code, address, main business lines;
b) Rating of risk level specified in Clause 1, Article 17 of this Circular;
c) Other taxpayers’ relevant information.
3. List of taxpayers with risks according to cases specified in Clause 1, Article 19 of this Circular is updated in the operational information system of the tax sector. The tax authorities at all levels shall aggregate, update and manage the list taxpayers with risks in the entire sector for tax management.
4. The General Department of Taxation shall detail the periodical assessment and make a list of taxpayers with risks according to the cases specified in Clause 1, Article 19 of this Circular for tax management to meet the tax management requirements in each period.
Article 20. Closely monitoring taxpayers with signs of violation of tax law
1. The taxpayers in the following cases of close monitoring about tax are the taxpayers with the following signs:
a) The taxpayers doing transactions through banks have doubtful signs as prescribed by law on prevention and control of money laundry related to the tax evasion and tax fraud.
b) The taxpayers or their legal representatives are prosecuted for acts of violation of tax and printed matters of tax.
c) The taxpayers with high risk levels of tax about major issues need monitoring of tax management.
2. The tax authorities at all levels use the application of operational information system about the subjects specified in Clause 1, Article 20 of this Circular to take prescribed operational measures of tax management.
3. The tax authorities at all levels shall monitor and apply the appropriate operational measures of tax management to each case specified in Clause 1, Article 20 of this Circular.
4. Updating of result and feedback:
a) Department of Taxation shall aggregate and update the result of application of operational measures to each specific case and report to the General Department of Taxation.
b) The General Department of Taxation shall aggregate and analyze to give out the risk warnings in tax management to all tax authorities at all levels.
5. The General Department of Taxation shall specify the collection and analysis of information, take monitoring measures in accordance with regulations of law in each period.
Section 2. APPLICATION OF RISK MANAGEMENT IN TAX MANAGEMENT OPERATIONS
Article 21. Application of risk management in tax management and registration
1. The tax authorities shall receive the tax registration dossiers directly submitted at the tax authorities and transferred by the business registration body on the system connecting information with the business registration body, based on the classification of database system of tax operation information about cases of tax verification and registration specified in Article 19 of this Circular to apply the appropriate measures in settlement and handling or coordinate with the business registration body in settlement and handling as prescribed by law on business registration and tax registration.
a) For dossier of newly-established taxpayers performing the tax/enterprise registration for the 1st time; dossier for change of information about tax/enterprise registration or dossier for registration of business suspension: Automatically issue the tax code/enterprise code to the newly-established taxpayers; accepting dossier with changed information or business suspension in accordance with current regulations on tax and business registration and based on the list of cases of verification of tax registration specified in Article 19 of this Circular to carry out the verification or coordinate with the business registration body and other relevant state management bodies to carry out the verification under the current regulations of law.
b) For dossier registering dissolution, bankruptcy or operating termination:
- Update the status of dissolution, bankruptcy or operating termination on the tax registration application system for cases that have completed their prescribed obligations on tax.
- Require the taxpayers or send notice to business registration body to require the taxpayers to fulfill their tax obligations prior to their dissolution, bankruptcy or operating termination.
Simultaneously, based on the list of verification cases of tax registration specified in Article 19 of this Circular to verify or coordinate with the business registration body and other relevant state bodies to perform the verification under the current regulations of law.
2. Updating and feedback of result:
The tax officers shall process the tax registration dossiers on the database system on taxpayers by the electronic method; for cases of paper method, the tax authorities must update fully and correctly the handling measures and verification results in the operational information system for each specific case for risk management, assessment of taxpayer’s compliance with tax law.
Article 22. Application of risk management in verification of tax declaration dossier at the head office of tax management body
1. The tax authorities shall apply the risk management in verification of tax declaration dossier at the head of tax management body for the taxpayers having registered their tax but made incomplete tax declaration; the taxpayers doing business and production made incomplete and untimely tax declaration.
2.The tax authorities receive the tax declaration dossier, based on the classification of database system of tax operation information about cases where the taxpayers verify their tax declaration dossiers at the head office of tax management body specified in Article 19 of this Circular and the warning of system on information to be verified in the taxpayer’s tax declaration dossier in order to apply the appropriate measures in settlement and handling of tax declaration dossier:
- For the taxpayers not included in the list of verification at the head office of the tax management body or not detected with risks or signs of violation, their dossiers shall be stored for monitoring;
- For the taxpayers included in the list of verification at the head office of the tax management body for verification of tax declaration dossier, request the taxpayers to make explanation or addition of information.
3. The verification of tax declaration dossier at the head office of the tax management body shall comply with the provisions in Article 77 of the Law on Tax Management and Clause 1 and 2, Article 1 of the Law No. 21/2012/QH13 dated 20/11/2012 amending and adding some articles of the Law on Tax Management. During the verification of tax declaration dossier, the tax authorities shall use the taxpayer’s information data which has been updated in the information and database system of tax management operations and other information related to the taxpayers (if any) to verify the tax declaration dossier.
4. Updating and feedback on verification result:
When the tax authorities verify the tax declaration dossier at its head office as stipulated in Clause 2, Article 22 of this Circular, after the completion of verification, update the verification result fully and correctly in the database system of tax operation information for each specific case for risk management and assessment of taxpayer’s compliance with tax law.
Article 23. Application of risk management in management of tax refund
1. The tax authorities shall receive the tax refund dossier, based on the classification of the database system of tax operation information on classification of taxpayers in settlement of tax refund dossier and selection for verification and inspection after tax refund specified in Article 19 of this Circular, they shall apply the appropriate measures in settlement and handling of tax refund dossiers.
a) Classification of settlement of tax refund dossiers.
- The General Department of Taxation, based on the classification of database system of tax operation information, shall identify the tax refund dossier subject to the tax refund first, verification later and vice versa.
- Where during the settlement of tax refund dossier, the tax authorities detect the taxpayers have signs of violation of tax law or customs law or in case the taxpayers did not explain or add their tax refund dossiers or did explain or add but failed to demonstrate the declared taxes are correct, the tax authorities shall change the form of classification of taxpayer’s tax refund dossier subject to tax refund first, verification later to verification first and tax refund later; the approval for change of classification must be updated in the operational information system.
b) Verification and inspection after tax refund (as required by the superior body) for the dossiers subject to the refund first, verification later:
The tax authorities shall choose the taxpayers for verification and inspection after tax refund for dossiers subject to the tax refund first, verification later based on the rating of taxpayer’s risk level specified in 19 of this Circular and must ensure the current regulations of law, particularly:
b.1) For the taxpayers subject to the cases specified under Point a, Clause 4, Article 41 of Decree No. 83/2013/ND-CP: Verification and inspection after tax refund shall be done within 01 (one) year after the date of tax refund decision in implementation order and rating of risk level from high to low.
b.2) For the taxpayers subject to the cases specified under Point b, Clause 4, Article 41 of Decree No. 83/2013/ND-CP: Verification and inspection after tax refund shall be done within 60 days after the date of tax refund decision for 100% enterprises with high risk level; verification and inspection is done towards 50% enterprises with risk level within 90 days; verification and inspection is done towards the 50% of remaining enterprises within 180 days;
2. The tax authorities at all levels, based on the result of classification of tax refund dossier and selection of taxpayers for verification and inspection after tax refund specified in Clause 1, Article 23 of this Circular to settle the tax refund dossier and do the verification and inspection of tax refund as prescribed by law.
3. Updating and feedback of result:
- The tax authorities shall receive the tax refund dossier specified under Point a, Clause 1 of Article 23 of this Circular and update information in the system of tax refund dossier and draft decision on tax refund; the General Department of Taxation shall give result feedback within 60 days. Based on such result feedback, the Department of Taxation shall issue the tax refund decision and automatically update such decision in the database system on taxpayers.
- The tax authorities shall carry out the verification and inspection towards the taxpayers specified under Point b, Clause 1, Article 23 of this Circular, right after the completion of verification and inspection, the result of verification and inspection must be updated fully and correctly in the operational information system for each specific case and give feedback on the result to the relevant superior body for timely aggregation, modification and addition of criteria for risk assessment for risk assessment and assessment of taxpayer’s compliance with tax law.
Article 24. Application of risk management in selection of cases for verification and inspection at the taxpayer’s head office
1. The tax authorities shall make the verification and inspection plan at the taxpayer’s head office every year as stipulated in Article 78 and 81 of the Law on Tax Management No. 78/2006/QH11 dated 29/11/2006 and Point 24, Article 1 of the Law No. 21/2012/QH13 dated 20/11/2012 amending and adding some articles of the Law on Tax Management, Article 49 of Decree No. 83/2013/ND-CP dated 22/7/2013 detailing the implementation of some articles of the Law on Tax Management and the Law amending and adding some articles of the Law on Tax Management and according to the rate of taxpayer’s risk level specified in Article 19 of this Circular to choose the cases for verification and inspection at the taxpayer’s head office.
The annual verification and inspection plan at the taxpayer’s head office must ensure the principles:
- The list of inspection must reach the percentage of 1%- 2% of the total operating enterprises and the list of verification must reach the percentage of 15%-18% of the total operating enterprises.
- The list of inspection shall be decided by the Minister of Finance and the list of verification shall be decided by the General Director of General Department of Taxation.
a) Selection of cases for inspection:
The tax authorities shall select the cases for inspection at the taxpayer’s head office must ensure:
- The number of case selected through analysis and assessment and rating of risk level is not less than 90% of the number of case inspected under the annual plan;
- The number of case randomly selected must not be greater than 10% of the number of case inspected under the annual plan;
b) Selection of cases for verification:
The cases where the taxpayers are rated at high risk level except that the selected cases to be included in the inspection plan specified under Point a, Clause 1, Article 24 of this Circular are selected for cases of verification. The selection of cases for verification at the taxpayer’s head office must ensure:
- The number of case selected through analysis, assessment and rating of risk level must not be less than 90% of number of case inspected under the annual plan;
- The number of case randomly selected must not be greater than 10% of the number of case inspected under the annual plan;
2. The General Department of Taxation shall develop and issue the operational procedure and define the responsibility of tax authorities at all level in preparing the tax verification and inspection plan.
3. The development and authority to approve the verification and inspection plan at the taxpayer’s head office; list of addition and modification of verification and inspection plan at the taxpayer’s head office specified in Clause 1, Article 24 of this Circular shall comply with the documents guiding the implementation of the Law on Tax Management and the Law amending and adding some articles of the Law on Tax Management.
4. Updating and feedback on result of verification and inspection at the taxpayer’s head office:
- The tax authorities shall perform the verification and inspection towards the taxpayers specified in Clause 1, Article 24 of this Circular and when issuing the decision on verification and inspection, they must update it in the system. During the verification and inspection, for cases of different opinions or problems…such contents must be updated immediately into the system; within 03 working days, the General Department of Taxation shall give feedback by the electronic form through the database system on taxpayers. Right after the completion of verification and inspection, update the result of verification and inspection into the operational information system fully and correctly for each specific case and give feedback of result of verification and inspection to the superior relevant unit for timely aggregation, modification and addition of criteria for risk management and for assessment of risk and compliance with tax law of the taxpayers.
- The heads of tax authorities at all levels shall issue the decision on handling of administrative violation of law on tax by the electronic form, in case of paper form, update it in the database “ List of taxpayers violating the tax law” and issue the Decision on public announcement “List of taxpayers violating the tax law” on the website of the General Department of Taxation.
5. The tax authorities shall receive the complaints and denunciation and settle them as prescribed by law on complaints and denunciation and update such information in the database system on taxpayers.
Article 25. Application of risk management in debt collection management and enforcement of administrative decision on tax
1. The tax authorities shall carry out the debt collection management and enforcement of administrative decision on tax as stipulated by the Law on Tax Management and the Law amending and adding some articles of the Law on Tax Management and guiding documents.
2. The General Department of Taxation shall develop the system of database and information on debt management towards the taxpayers to apply the operational measures to urge the debt collection and enforce the administrative decision on tax.
The General Department of Taxation and the heads of tax authorities at all levels shall develop the tax debt management system and urging measures for each list of taxpayers as follows:
- The taxpayers have fulfilled their obligations with the state budget and have no tax debt;
- The taxpayers have tax debts from 60 to 90 days;
- The taxpayers have tax debts from 91 to 121 days;
- The taxpayers have tax debts over 121 days;
3. Based on the list of cases of management and monitoring of tax debt collection and the cases of application of enforcement of administrative decision on tax specified in Article 19 of this Circular and the warnings of debt management information system, the tax authorities shall apply the measures to urge the debt collection and enforcement of administrative decision on tax towards each taxpayer under the current regulations of law; certify the fulfillment of tax obligations and transfer information of the taxpayers prohibited from exit out of the country by the electronic form or official letter to the immigration authorities.
4. Management of tax debt and enforcement of administrative decision on tax:
- The tax authorities shall send notice of tax debt and amount of late payment and enforcement Decision to the tax debtors specified in Clause 3, Article 25 of this Circular and to the relevant parties (if any) by electronic form; update the result in the operational information result fully and correctly for each specific case for risk management and assessment of taxpayer’s compliance with tax law.
- Every month, the tax authorities at all levels shall publicize the reality of taxpayer’s tax debt as stipulated in Clause 1, Article 74 and Clause 3, Article 102 of the Law on Tax Management No. 78/2006/QH11 dated 29/11/2006 of the National Assembly.
Article 26. Application of risk management in management of creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax
1. The tax authorities shall manage the creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax in accordance with current regulations of law on printed matters of tax.
2. Based on the classification of database system on taxpayers subject to the cases using invoices created by the tax authorities as stipulated by the Ministry of Finance (invoices printed by order or electronic invoices with certification code of the tax authorities) and the cases where the taxpayers need to be verified and inspected for, printing, issue, management and use of printed matters of tax specified in Article 19 of this Circular, the head of tax authorities shall issue the Decision on application of operational measures to manage the printed matters of tax (Decision in the electronic or paper form; in case of paper decision, the tax officer must update it in the electronic dossier of the tax authorities) as follows:
a) Decision in case the taxpayers use invoice for the first time or use invoice created by the tax authorities as stipulated by the Ministry of Finance (invoices printed by order or electronic invoices with certification code of the tax authorities) or can create invoices for use;
b) Decision in case the enterprises stops using their self-printed invoices, printed by order and use invoices created by the tax authorities as stipulated by the Ministry of Finance such as invoices printed by order or electronic invoices with certification code of the tax authorities for enterprises using the self-printed invoices, printed by order subject to high risk of tax or enterprises having acts of violation of invoice are sanctioned for administrative violation of tax evasion or tax fraud.
Following the implementation roadmap of the tax authorities, the taxpayers (including the business organizations and individuals) subject to high risk of tax shall make electronic invoice and send information in the invoice in the electronic form to the tax authorities to receive the invoice certification code from the tax authorities under the current regulations of law;
c) Making public announcement of “List of enterprises subject to high risk of violation of tax law compulsorily using invoices created by the tax authorities” on the website of the General Department of Taxation under the current regulations on management and use of printed matters of tax;
d) Handling acts of administrative violation on creation, printing, issue, management and use of printed matters of tax under the current regulations.
dd) Announcing the invalid invoices for the invoices which are no longer valid for use as prescribed by law (including the invoices created by the taxpayers, tax authorities and invoices no longer valid for use due to enforcement of tax debt under the current regulations).
e) Decision in case the taxpayers need to conduct the verification and inspection of printing, issue, management and use of printed matters of tax as stipulated by the Law on Tax Management and the Law amending and adding some articles of the Law on Tax Management, the Law on Inspection and the Procedure for verification and inspection of tax.
3. Updating and feedback on result:
The tax authorities shall update the result of implementation of management measures on printed matter of tax in the electronic form and in case of paper form, update it in the database system on taxpayers for risk management and assessment of taxpayer’s compliance with tax law.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực