Chương II Thông tư 06/2024/TT-BQP: Chế độ báo cáo, công bố thông tin, kiểm tra, giám sát
Số hiệu: | 06/2024/TT-BQP | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Quốc phòng | Người ký: | Vũ Hải Sản |
Ngày ban hành: | 24/01/2024 | Ngày hiệu lực: | 10/03/2024 |
Ngày công báo: | 08/02/2024 | Số công báo: | Từ số 275 đến số 276 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Chế độ báo cáo gồm: báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất.
2. Chế độ báo cáo định kỳ gồm: báo cáo quý, 6 tháng, năm, giữa kỳ và cuối kỳ kế hoạch 5 năm, cụ thể:
a) Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện báo cáo định kỳ theo chế độ, mẫu biểu quy định tại Mục 1 Phụ lục I, Phụ lục II kèm theo Thông tư này;
b) Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện báo cáo định kỳ theo chế độ, mẫu biểu quy định tại Mục 2 Phụ lục I, Phụ lục II kèm theo Thông tư này;
c) Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con lập, trình bày báo cáo phải tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành của cả tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - công ty con.
3. Chế độ báo cáo đột xuất
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và Người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện chế độ báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nội dung (biểu mẫu), thời hạn báo cáo căn cứ vào yêu cầu cụ thể của cơ quan, đơn vị ban hành chế độ báo cáo.
4. Ngoài chế độ báo cáo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và Người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định khác có liên quan của Bộ Quốc phòng đối với từng loại hình doanh nghiệp nhà nước tương ứng.
1. Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy, hoặc văn bản điện tử gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau:
a) Gửi trực tiếp tại bộ phận văn thư của cơ quan, đơn vị nhận báo cáo;
b) Qua đường quân bưu hoặc dịch vụ bưu chính;
c) Qua chức năng gửi, nhận báo cáo của hệ thống phần mềm dùng chung trên mạng truyền số liệu quân sự trong Bộ Quốc phòng (nếu được kết nối đường truyền số liệu quân sự).
2. Trường hợp báo cáo có thông tin thuộc danh mục bảo vệ bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Bộ Quốc phòng.
3. Việc gửi, nhận văn bản điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và Quy chế công tác văn thư trong Bộ Quốc phòng.
1. Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và Người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện lập, gửi báo cáo định kỳ đến cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận báo cáo theo thời hạn và nơi nhận báo cáo của từng loại báo cáo tương ứng quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
2. Ngoài cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và Người đại diện phần vốn nhà nước phải lập, gửi báo cáo tới cơ quan quản lý nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
1. Thực hiện nguyên tắc công bố thông tin quy định tại Điều 20 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (sau đây viết gọn là Nghị định số 47/2021/NĐ-CP).
2. Phải bảo đảm bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.
3. Báo cáo công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh phải xây dựng theo mẫu biểu quy định tại Thông tư này.
1. Đối với doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định sau:
a) Nội dung báo cáo, công bố thông tin định kỳ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp) kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (sau đây viết gọn là Nghị định số 16/2023/NĐ-CP);
b) Báo cáo công bố thông tin định kỳ theo Mẫu số 04/ĐC Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
2. Đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định sau:
a) Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ định kỳ công bố thông tin theo nội dung, mẫu biểu và thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 13 Nghị định số 16/2023/NĐ-CP;
b) Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ định kỳ công bố thông tin theo nội dung, mẫu biểu và thời hạn quy định tại các điểm a, c, đ, e và h khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP;
c) Đối với nội dung quan trọng, hoặc liên quan đến bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh, doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh phải loại trừ ra khỏi báo cáo công bố thông tin định kỳ và tổng hợp, lập báo cáo nội dung hạn chế công bố thông tin theo Mẫu số 05/ĐC Phụ lục II kèm theo Thông tư này, báo cáo Bộ Quốc phòng (đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng) hoặc đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp và gửi Cục Kinh tế, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội trước ngày 31 tháng 3 của năm liền kề sau năm thực hiện.
Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận báo cáo của doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh (đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý) hoặc phiếu chuyển văn bản của Văn phòng Bộ Quốc phòng (đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng), Cục Kinh tế chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ an ninh Quân đội và cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định nội dung hạn chế công bố thông tin, gửi thông báo đến doanh nghiệp thực hiện, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát.
1. Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải công bố trên Trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty; Cổng thông tin doanh nghiệp và báo cáo Bộ Quốc phòng (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng), hoặc đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 (ba mươi sáu) giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện bất thường quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trong thời hạn 36 (ba mươi sáu) giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện quy định tại các điểm a, b, đ, e khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp, trường hợp có nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh lập báo cáo nội dung cần hạn chế công bố thông tin theo Mẫu số 05/ĐC Phụ lục II kèm theo Thông tư này, báo cáo Bộ Quốc phòng (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng), hoặc đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp và gửi Cục Kinh tế, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội để thẩm định, xem xét, quyết định nội dung hạn chế công bố thông tin bất thường.
Trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày nhận báo cáo của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng quản lý), hoặc phiếu chuyển văn bản của Văn phòng Bộ Quốc phòng (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng), Cục Kinh tế chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ an ninh Quân đội và cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định nội dung hạn chế công bố thông tin bất thường, gửi thông báo đến doanh nghiệp thực hiện, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát.
1. Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có trách nhiệm lập báo cáo, đăng tải các thông tin công bố định kỳ quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này, cập nhật thông tin cơ bản về doanh nghiệp, Điều lệ công ty, các mẫu biểu điện tử trên Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin doanh nghiệp đúng thời hạn; đồng thời, gửi báo cáo công bố thông tin đến Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng để đăng tải công bố và đồng gửi cơ quan, đơn vị liên quan theo chế độ báo cáo công bố thông tin quy định tại Mục 1 Phụ lục I kèm theo Thông tư này để theo dõi, giám sát.
2. Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh có trách nhiệm lập báo cáo, thực hiện công bố các thông tin phải công bố định kỳ quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này trên Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin doanh nghiệp đúng thời hạn; đồng thời, gửi báo cáo công bố thông tin đến Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng để đăng tải công bố và đồng gửi cơ quan, đơn vị có liên quan theo chế độ báo cáo công bố thông tin của loại hình doanh nghiệp tương ứng quy định tại Mục 1, Mục 2 Phụ lục I kèm theo Thông tư này để theo dõi, giám sát.
Đối với nội dung không được Bộ Quốc phòng quyết định hạn chế công bố thông tin theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 10 Thông tư này, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh tổng hợp bổ sung vào báo cáo công bố thông tin định kỳ đối với nội dung chưa đến thời hạn công bố hoặc lập báo công bố thông tin bổ sung và thực hiện công bố thông tin ngay sau khi nhận được văn bản quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về nội dung hạn chế công bố thông tin.
3. Trường hợp thời điểm thực hiện công bố thông tin trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin vào ngày làm việc đầu tiên ngay sau ngày nghỉ, ngày lễ kết thúc theo quy định pháp luật.
1. Trường hợp việc công bố thông tin không thể thực hiện đúng thời hạn vì lý do bất khả kháng (sự kiện bất khả kháng), trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày xảy ra sự kiện bất khả kháng, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh báo cáo Bộ Quốc phòng (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng) hoặc đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp và gửi Cục Kinh tế để thẩm định, xem xét, quyết định việc tạm hoãn công bố thông tin.
2. Đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp thẩm định nội bộ, báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Kinh tế) việc tạm hoãn công bố thông tin của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được giao quản lý trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận báo cáo của doanh nghiệp.
3. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày nhận phiếu chuyển văn bản của Văn phòng Bộ Quốc phòng (đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng) hoặc báo cáo của đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp, Cục Kinh tế chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc tạm hoãn công bố thông tin, gửi thông báo đến doanh nghiệp thực hiện, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát.
4. Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh công bố trên Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp việc tạm hoãn công bố thông tin, đồng thời thực hiện công bố thông tin ngay sau khi sự kiện bất khả kháng được khắc phục.
1. Đối với doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công tác kiểm tra, giám sát bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Tình hình, kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tình hình, kết quả thực hiện đề án, phương án cơ cấu lại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Việc chấp hành chế độ báo cáo, công bố thông tin của doanh nghiệp;
d) Công tác tổ chức quản lý, quản trị nội bộ của doanh nghiệp;
đ) Cơ chế phối hợp, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp theo Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
e) Tình hình, kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với người quản lý, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp; quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, người quản lý doanh nghiệp và Kiểm soát viên;
g) Tình hình, kết quả hoạt động đầu tư liên doanh với đối tác nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; chấp hành quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về hợp tác quốc tế khi liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài;
h) Tình hình quản lý, sử dụng đất do Nhà nước giao, cho thuê vào mục đích kinh doanh và việc sử dụng đất quốc phòng theo phương án, hợp đồng sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
i) Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp; quản lý, sử dụng nguồn lực được giao không tính vào phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan;
k) Tình hình, kết quả thực hiện dự án đầu tư, mua sắm, thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, chuyển nhượng dự án của doanh nghiệp;
l) Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh theo kế hoạch hằng năm được Bộ Quốc phòng trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt, giao nhiệm vụ, đặt hàng;
m) Nội dung khác theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thông qua Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Tình hình, kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển trung và dài hạn, kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp theo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông (Hội đồng thành viên), Hội đồng quản trị;
b) Tình hình, kết quả thực hiện đề án, phương án cơ cấu lại doanh nghiệp được Đại hội đồng cổ đông (Hội đồng thành viên) phê duyệt;
c) Việc chấp hành chế độ báo cáo, công bố thông tin của doanh nghiệp;
d) Hoạt động của Người đại diện phần vốn nhà nước theo Quy chế hoạt động được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
đ) Tình hình, kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với Người đại diện phần vốn nhà nước; quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, Người đại diện phần vốn nhà nước;
e) Chấp hành quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng về hợp tác quốc tế khi thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài;
g) Tình hình quản lý, sử dụng đất do Nhà nước giao, cho thuê vào mục đích kinh doanh và việc sử dụng đất quốc phòng theo phương án, hợp đồng sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
h) Giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp;
i) Tình hình, kết quả thực hiện dự án đầu tư, mua sắm, thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, chuyển nhượng dự án theo nghị quyết, hoặc quyết định của Đại hội đồng cổ đông (Hội đồng thành viên), Hội đồng quản trị;
k) Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt, giao nhiệm vụ, đặt hàng;
l) Nội dung khác theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và quy định của pháp luật có liên quan.
1. Bộ Quốc phòng thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quyền, trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng như sau:
a) Cục Kinh tế chủ trì, kiểm tra, giám sát nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và m khoản 1, các điểm a, b, c, d, đ, e, g và l khoản 2 Điều 13 Thông tư này;
b) Cục Tài chính chủ trì, kiểm tra, giám sát nội dung quy định tại điểm i, điểm m khoản 1 và điểm h, điểm l khoản 2 Điều 13 Thông tư này;
c) Cục Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, kiểm tra, giám sát nội dung quy định tại điểm k, điểm m khoản 1 và điểm i, điểm l khoản 2 Điều 13 Thông tư này;
d) Cục Quân lực chủ trì, kiểm tra, giám sát nội dung quy định tại điểm l, điểm m khoản 1 và điểm k, điểm l khoản 2 Điều 13 Thông tư này;
đ) Đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp thực hiện quyền, trách nhiệm kiểm tra, giám sát toàn diện các nội dung tương ứng theo từng loại hình doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được giao quản lý quy định tại Điều 13 Thông tư này.
3. Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm kiểm tra, giám sát các nội dung tương ứng theo từng loại hình doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 13 Thông tư này; nội dung khác theo quy định của Bộ Quốc phòng, Điều lệ công ty, Quy chế tài chính của doanh nghiệp, Quy chế hoạt động của Người đại diện được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nghĩa vụ, quyền, trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp theo quy định tại Điều 15 Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ kiểm tra, giám sát nội dung quy định tại Điều 104 Luật Doanh nghiệp; Điều 9 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP; khoản 3 Điều 9 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; khoản 2 Điều 9 Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; nội dung khác theo quy định của Bộ Quốc phòng, Điều lệ công ty, Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1. Kiểm tra, giám sát gián tiếp thông qua việc tổng hợp, phân tích, đánh giá, thẩm tra, thẩm định các loại báo cáo, hồ sơ tài liệu khác có liên quan của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Kiểm soát viên, Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra, kiểm toán, thanh tra trong kỳ có liên quan.
2. Kiểm tra, giám sát trực tiếp tại doanh nghiệp thông qua thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát theo kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm hoặc đột xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Kết hợp hình thức kiểm tra, giám sát quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Chủ thể kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 14 Thông tư này thực hiện theo quy định sau:
1. Phương thức “kiểm tra, giám sát trước”, áp dụng để xem xét, đánh giá tính pháp lý, tính hiệu quả, tính khả thi khi thực hiện quyền, trách nhiệm tham gia ý kiến, thẩm tra, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định chiến lược, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hằng năm, trung hạn và dài hạn; dự án đầu tư, phương án huy động vốn; đề án, kế hoạch, dự án và phương án khác liên quan đến tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
2. Phương thức “kiểm tra, giám sát trong”, áp dụng để theo dõi, tổng hợp, xem xét, đánh giá các báo cáo trong kỳ (quý, giữa kỳ hoặc đột xuất) của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án, phương án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhiệm vụ, hoạt động khác đang triển khai, tổ chức thực hiện.
3. Phương thức “kiểm tra, giám sát sau”, áp dụng để phân tích, tổng hợp, đánh giá các báo cáo cuối kỳ, chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch kỳ trước, đề án, phương án hoặc nhiệm vụ được giao đã kết thúc thời hạn thực hiện.
Thẩm tra, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành; báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hằng năm của doanh nghiệp; quỹ tiền lương, thù lao, quỹ tiền thưởng hàng năm của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên; mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và nội dung khác liên quan đến tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.
1. Quy trình kiểm tra, giám sát
a) Lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát;
b) Tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát;
c) Lập báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát;
d) Phê duyệt, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát.
2. Nội dung chủ yếu của kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm hoặc đột xuất bao gồm:
a) Căn cứ ban hành kế hoạch;
b) Mục đích, yêu cầu;
c) Đối tượng, nội dung, phạm vi, thời hạn kiểm tra, giám sát;
d) Thành phần, nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra, giám sát;
đ) Phương pháp tiến hành kiểm tra, giám sát;
e) Tổ chức thực hiện.
3. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm hoặc đột xuất
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm hoặc đột xuất đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo đề xuất, báo cáo của cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
Trường hợp trong Kế hoạch công tác năm của cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt có nội dung, đối tượng, phạm vi, thời gian tiến hành cuộc kiểm tra, giám sát hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng chủ trì kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thì Thủ trưởng cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp theo kế hoạch công tác năm đã được phê duyệt hoặc văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
b) Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng được giao quản lý doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm hoặc đột xuất đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được giao quản lý theo đề xuất, báo cáo của cơ quan chức năng trực thuộc;
c) Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm hoặc đột xuất đối với đơn vị nội bộ doanh nghiệp, công ty con là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và đối tượng khác thuộc phạm vi, thẩm quyền theo đề xuất, báo cáo của phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp;
4. Tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát được cấp có thẩm quyền phê duyệt
a) Thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát:
Thành phần Đoàn kiểm tra, giám sát gồm: Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát; Phó Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát (nếu cần thiết); thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm tra, giám sát có trách nhiệm đề xuất người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc kiểm tra, giám sát làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và thành phần, số lượng thành viên khác tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát để cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát quy định tại khoản 3 Điều này xem xét, quyết định;
b) Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, phê duyệt chương trình làm việc, đề cương chi tiết yêu cầu đối tượng kiểm tra, giám sát báo cáo, gửi cho đối tượng kiểm tra, giám sát ít nhất là 07 (bảy) ngày, trước ngày kiểm tra, giám sát, trừ cuộc kiểm tra, giám sát đột xuất theo quy định tại điểm c khoản này; tổ chức họp Đoàn kiểm tra, giám sát để phổ biến kế hoạch kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ cho thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát; tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát đã được phê duyệt; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này đối với trường hợp phát sinh cần điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát;
c) Trường hợp kiểm tra, giám sát đột xuất, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát có trách nhiệm thông báo thành phần Đoàn kiểm tra, giám sát, nội dung, thời gian kiểm tra, giám sát cho đối tượng kiểm tra, giám sát chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc, trước ngày kiểm tra, giám sát.
5. Lập báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát
a) Sau khi kết thúc hoạt động kiểm tra, giám sát tại đơn vị theo kế hoạch, căn cứ Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát và hồ sơ, tài liệu có liên quan; Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát chủ trì xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra, giám sát;
b) Nội dung chủ yếu của Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra, giám sát, bao gồm: Căn cứ tiến hành kiểm tra, giám sát; thời gian, địa điểm kiểm tra, giám sát; thành phần Đoàn kiểm tra, giám sát; nội dung và kết quả kiểm tra, giám sát (xác định rõ ưu điểm, tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) theo từng nội dung kiểm tra, giám sát); kiến nghị của doanh nghiệp được kiểm tra, giám sát; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng (nếu có); đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có);
c) Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra, giám sát được gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị liên quan đến nội dung dự thảo kết luận kiểm tra, giám sát trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp dự thảo Báo cáo có nội dung kiến nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, điều tra, kết luận và xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Đoàn kiểm tra, giám sát có văn bản kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật gửi cơ quan thanh tra, điều tra, pháp chế cùng cấp để lấy ý kiến trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
6. Phê duyệt, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát
a) Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra, giám sát sau khi hoàn thiện phải được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra, giám sát xem xét, thông qua trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát quy định tại khoản 3 Điều này (không bao gồm người phê duyệt kế hoạch theo ủy quyền) xem xét, cho ý kiến chỉ đạo bằng văn bản;
b) Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn kiểm tra, giám sát sau khi cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo được phép ban hành, phải gửi cho đối tượng được kiểm tra, giám sát và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan để thực hiện, theo dõi, giám sát.