Thông tư 03/2024/TT-TTCP hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 03/2024/TT-TTCP | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Thanh tra Chính phủ | Người ký: | Dương Quốc Huy |
Ngày ban hành: | 25/03/2024 | Ngày hiệu lực: | 15/05/2024 |
Ngày công báo: | 15/04/2024 | Số công báo: | Từ số 513 đến số 514 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Lao động tiên tiến ngành Thanh tra từ ngày 15/5/2024
Theo đó, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Lao động tiên tiến ngành Thanh tra được quy định như sau:
- Danh hiệu Lao động tiên tiến được xét tặng hằng năm cho cá nhân thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022.
- Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến.
Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung, trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại trung bình, khá, giỏi...).
- Thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định được tính để bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến.
- Đối với cá nhân chuyển công tác về Thanh tra Chính phủ trong năm xét khen thưởng thì đơn vị đề xuất bình xét khen thưởng cho cá nhân đỗ có trách nhiệm xin ý kiến nhận xét của cơ quan nơi công tác trước khi chuyển về Thanh tra Chính phủ nếu cá nhân có thời gian công tác ở cơ quan đó từ 06 tháng trở lên.
- Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến do cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái thực hiện. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái có trách nhiệm cho ý kiến nhận xét về việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian điều động, biệt phái tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận.
- Không bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến đối với một trong các trường hợp sau đây:
+ Có thời gian tuyển dụng hoặc làm hợp đồng lao động dưới 06 tháng;
+ Nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 03/2024/TT-TTCP;
+ Cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc bị điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.
Xem chi tiết tại Thông tư 03/2024/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024 và thay thế Thông tư 01/2016/TT-TTCP ngày 06/10/2016.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
THANH TRA CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2024/TT-TTCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2024 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI NGÀNH THANH TRA
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 81/2023/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Thanh tra.
Thông tư này quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 4 Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75, khoản 6 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng.
1. Cá nhân đã và đang công tác trong các cơ quan Thanh tra.
2. Vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi là Thanh tra Bộ); Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Thanh tra Cơ yếu; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Thanh tra tỉnh); Thanh tra sở; Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Thanh tra huyện), Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
3. Phòng và tương đương thuộc cơ quan, đơn vị được quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
4. Cá nhân, tập thể ngoài ngành Thanh tra có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.
5. Các trường hợp khác do Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định.
Điều 3. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”
1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho cá nhân thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung, trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại trung bình, khá, giỏi...).
3. Thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
4. Đối với cá nhân chuyển công tác về Thanh tra Chính phủ trong năm xét khen thưởng thì đơn vị đề xuất bình xét khen thưởng cho cá nhân đó có trách nhiệm xin ý kiến nhận xét của cơ quan nơi công tác trước khi chuyển về Thanh tra Chính phủ nếu cá nhân có thời gian công tác ở cơ quan đó từ 06 tháng trở lên.
5. Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái thực hiện. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái có trách nhiệm cho ý kiến nhận xét về việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian điều động, biệt phái tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận.
6. Không bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với một trong các trường hợp sau đây:
a) Có thời gian tuyển dụng hoặc làm hợp đồng lao động dưới 06 tháng;
b) Nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Cá nhân đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc bị điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.
Điều 4. Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ”
1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” được xét tặng cho tập thể các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra Cơ yếu đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” là các tập thể tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua do Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức, bao gồm:
a) Các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ;
b) Thanh tra Bộ;
c) Thanh tra tỉnh;
d) Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Thanh tra Cơ yếu.
3. Các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ được xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” mà được lựa chọn tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” thì Thanh tra Chính phủ sẽ không ra quyết định tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” mà làm thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”.
Trường hợp vụ, cục, đơn vị không được xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” thì Thanh tra Chính phủ sẽ ra quyết định tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” cho vụ, cục, đơn vị đó.
Điều 5. Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”
1. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng hằng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” là tập thể các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; phòng và tương đương của các cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
Điều 6. Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”
1. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Đối tượng xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” là tập thể vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; tập thể các phòng và tương đương của cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
Điều 7. Tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ
1. Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ để tặng cho tập thể, cá nhân hoặc truy tặng cho cá nhân được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 của Thông tư này, đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 74 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 2 của Thông tư này do Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định.
Điều 8. Tiêu chuẩn xét tặng Giấy khen
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tặng Giấy khen cho cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp khi đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
b) Có phẩm chất đạo đức tốt; giữ gìn đoàn kết nội bộ; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; tích cực tham gia các phong trào thi đua do cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và phát động;
c) Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tặng Giấy khen cho tập thể thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp khi đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
b) Nội bộ đoàn kết, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua;
c) Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
d) Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với các thành viên trong tập thể.
Điều 9. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng thực hiện theo khoản 1, khoản 2 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng.
Hồ sơ gửi về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra gồm 01 bộ (bản chính) và các văn bản điện tử của hồ sơ khen thưởng, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước.
Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng
1. Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng theo thẩm quyền; đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích của tập thể, cá nhân và chịu trách nhiệm về việc đề nghị khen thưởng.
2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan:
a) Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc báo cáo thành tích, lập hồ sơ đề nghị khen thưởng; có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ các hiện vật khen thưởng.
3. Trung tâm Thông tin, Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra có trách nhiệm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Thanh tra Chính phủ về thi đua, khen thưởng; đăng tải khẩu hiệu, nội dung thi đua; phổ biến, nêu gương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua; tuyên truyền kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kịp thời phản ánh, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.
Thông tư số 01/2016/TT-TTCP ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Thanh tra Chính phủ quy định công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thanh tra hết hiệu lực khi Thông tư này có hiệu lực.
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản mới ban hành.
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng cơ quan Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra Cơ yếu và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra để báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
|
KT. TỔNG THANH TRA |