Số hiệu: | 79-NgĐ/NH | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước | Người ký: | Lê Viết Lượng |
Ngày ban hành: | 23/04/1958 | Ngày hiệu lực: | 23/04/1958 |
Ngày công báo: | 02/07/1958 | Số công báo: | Số 24 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Tiền tệ - Ngân hàng | Tình trạng: | Không còn phù hợp |
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cho hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp vay ngắn hạn nhằm giúp đỡ các hợp tác xã giải quyết một phần khó khăn về vốn luân chuyển (tức lưu động) trên số luân chuyển tự có để hoàn thành kế hoạch sản xuất hàng hóa cần thiết và để phục vụ cho đường lối chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa thủ công nghiệp của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ qúa độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Ngân hàng quốc gia Việt Nam cho vay ngắn hạn nghĩa là thời hạn tối đa không được quá 12 tháng.
Ngân hàng quốc gia Việt Nam trực tiếp cho các hợp tác xã sản xuất cơ sở vay theo các nguyên tắc sau đây:
a) Các hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp vay vốn phải sử dụng tiền vay đúng mục đích đã ghi trong kế hoạch và chỉ được nhận tiền vay theo mức thực hiện kế hoạch.
b) Các hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp phải hoàn trả lại số tiền đã vay đúng thời hạn đã thỏa thuận.
c) Số tiền vay Ngân hàng quốc gia phải được hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp đảm bảo bằng vật tương đương.
Các hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp vay tiền của Ngân hàng quốc gia Việt Nam phải có những điều kiện sau đây:
a) Phải được cơ quan quản lý sản xuất thủ công nghiệp địa phương cho phép thành lập, và phải thi hành nghiêm chỉnh quy tắc của hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp do Thủ tướng phủ ban hành cũng như các chính sách và thể lệ của các cơ quan kinh tế Nhà nước.
b) Phải có kế hoạch độc lập. Phân biệt rõ vốn cơ bản (cố định) và vốn luân chuyển (lưu động). Lập được kế hoạch sản xuất, bảng cân đối thu chi tài vụ và kế hoạch vay vốn. Phải xây dựng các kế hoạch từng qúy, có chia ra từng tháng.
c) Kinh doanh có lãi để trả nợ ngân hàng.
d) Đã tổ chức được qũy không thể chia.
e) Định mức kế hoạch vốn tự có để hoạt động và mức vốn vay ngân hàng phải do Ban quản trị làm và được cơ quan quản lý sản xuất thủ công nghiệp tỉnh duyệt y.
g) Phải có kế hoạch khấu hao cơ bản (nếu có máy móc, nhà cửa) và khấu hao sửa chữa lớn. Hàng tháng trích khấu hao cơ bản và khấu hao sữa chữa lớn gửi ngân hàng quốc gia hoặc mở tài khoản khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn.
h) Thực hiện dần chế độ quản lý tiền mặt và thanh toán qua Ngân hàng trong việc giao dịch với các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã khác, thủ tiêu dần tín dụng thương nghiệp. Gặp trường hợp khó khăn không thi hành được, Hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp phải hỏi ý kiến của ngân hàng quốc gia.
Tình trạng hiệu lực: Không còn phù hợp