Chương IV
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Điều 41. Đình chỉ hành vi vi phạm hành chính
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc nhận được báo cáo, biên bản về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, người có thẩm quyền xử phạt phải kiểm tra, xác minh, ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm.
Điều 42. Lập biên bản vi phạm hành chính
1. Người có thẩm quyền đang thi hành nhiệm vụ, công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính trừ trường hợp xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000 đồng.
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, công chứng viên, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp.
2. Việc lập biên bản vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 20 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.
Điều 43. Quyết định xử phạt
1. Việc ra quyết định xử phạt theo thủ tục đơn giản được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, được thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 21 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.
Điều 44. Thủ tục phạt tiền
Thủ tục phạt tiền, thu nộp tiền phạt thực hiện theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 45. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 59, Điều 60 và Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 46. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoãn chấp hành quyết định phạt tiền
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vị phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 64 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 22 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.
2. Cá nhân bị phạt tiền từ 500.000 đồng trở lên có thể được hoãn chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 47. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành
1. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 27 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP.
Điều 48. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp là một năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt; quá thời hạn này mà quyết định đó không được thi hành thì không thi hành quyết định xử phạt nữa nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định xử phạt thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.