Chương 3 Nghị định 279-CP: Tổ chức và cán bộ
Số hiệu: | 279-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Lê Thanh Nghị |
Ngày ban hành: | 02/11/1978 | Ngày hiệu lực: | 17/11/1978 |
Ngày công báo: | 31/12/1978 | Số công báo: | Số 9 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
03/04/1990 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
– Hệ thống tổ chức liên hiệp xã tiểu, thủ công nghiệp các cấp như sau:
- Ở trung ương, có liên hiệp xã trung ương;
- Ở tỉnh, thành phố, có liên hiệp xã tỉnh, thành phố;
- Ở huyện, thị xã, khu phố, quận, nơi nào có nhiều hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp chuyên nghiệp thì tổ chức liên hiệp xã huyện, thị xã, khu phố, quận; nơi nào còn ít hợp tác xã, chưa tổ chức liên hiệp xã thì Ban công nghiệp huyện, quận, thị xã, khu phố đảm nhiệm việc chỉ đạo và quản lý các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp như liên hiệp xã.
Địa phương nào có nhiều hợp tác xã cùng ngành nghề, nếu tình hình sản xuất phát triển đến mức cần có hình thức liên hợp các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp nhằm mở rộng sản xuất – kinh doanh, thì có thể tổ chức liên hiệp hợp tác xã ngành, Liên hiệp hợp tác xã ngành là tổ chức liên hiệp sản xuất – kinh doanh theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, không phải là một cấp quản lý trung gian. Việc tổ chức liên hiệp các hợp tác xã ngành thuộc cấp nào phải được Ủy ban nhân dân cấp đó cho phép và liên hiệp xã cấp trên trực tiếp chuẩn y.
– Cơ cấu tổ chức Liên hiệp xã trung ương gồm có:
1. Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương.
a) Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương do đại hội ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp toàn quốc bầu ra, trong đó vừa có thành viên từ cơ sở và liên hiệp xã cấp dưới giới thiệu lên, vừa có thành viên do Đảng và Chính phủ giới thiệu để đại hội bầu và được Chính phủ ra quyết định công nhận.
Số ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương do đại hội đại biểu toàn quốc quyết định. Nhiệm kỳ của Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương thống nhất với thời gian giữa hai kỳ đại hội.
b) Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương họp hội nghị toàn thể cử ra Ban thường vụ, số ủy viên Ban thường vụ do hội nghị toàn thể Ban chủ nhiệm trung ương quyết định; đồng thời cử chủ nhiệm và các phó chủ nhiệm. Ban thường vụ thay mặt Ban chủ nhiệm trung ương chỉ đạo công tác trong thời gian giữa hai kỳ hội nghị toàn thể Ban chủ nhiệm trung ương.
c) Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương họp hội nghị toàn thể bầu ra Ban kiểm tra để giúp Ban chủ nhiệm kiểm tra mọi hoạt động của liên hiệp xã các cấp và của các hợp tác xã. Số ủy viên của Ban kiểm tra do hội nghị toàn thể Ban chủ nhiệm quyết định, trong đó có một số ủy viên là thành viên của Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương có một số ủy viên không phải là thành viên của Ban chủ nhiệm.
d) Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương và Ban thường vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Trong các kỳ sinh hoạt, Ban chủ nhiệm và Ban thường vụ quyết định công việc theo nguyên tắc đa số.
Chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chính, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nghị quyết của Ban chủ nhiệm và của Ban thường vụ. Các phó chủ nhiệm giúp việc chủ nhiệm, được phân công phụ trách từng lĩnh vực công tác.
e) Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương chịu trách nhiệm trước trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, chế độ của Nhà nước về quản lý hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho Liên hiệp xã trung ương.
Chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương được mời tham dự các phiên họp cần thiết của Hội đồng Chính phủ.
g) Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương chịu trách nhiệm trước đại hội đại biểu ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp toàn quốc, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của đại hội và mọi công tác chỉ đạo của mình trong thời gian giữa hai kỳ đại hội.
2. Tổ chức bộ máy của Liên hiệp xã trung ương.
a) Các cơ quan giúp việc Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương gồm có:
- Ban sản xuất,
- Ban kỹ thuật,
- Ban quản lý hợp tác xã,
- Ban công tác chính trị,
- Ban lao động – đời sống,
- Ban tài vụ - kế toán,
- Ban tổ chức – cán bộ,
- Văn phòng.
b) Các cơ quan nghiên cứu, sự nghiệp và các công trình phúc lợi chung.
Nhiệm vụ cụ thể và tổ chức của các cơ quan này do Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương quy định theo nguyên tắc tinh giản biên chế.
Kinh phí hành chính và kinh phí sự nghiệp của các cơ quan này do Nhà nước cấp một phần và một phần do các hợp tác xã đóng góp; kinh phí về phúc lợi tập thể do hợp tác xã đóng góp.
– Liên hiệp xã trung ương chỉ đạo công tác tổ chức và cán bộ như sau:
1. Hướng dẫn các địa phương xây dựng, tổ chức liên hiệp xã các cấp, xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, xác định mối quan hệ chỉ đạo trên dưới trong nội bộ hệ thống liên hiệp xã và mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước theo đúng các quy định của Chính phủ.
2. Nghiên cứu tiêu chuẩn cán bộ của liên hiệp xã các cấp, của hợp tác xã, căn cứ vào đó mà chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, có phẩm chất chính trị tốt, thông thạo kỹ thuật và nghiệp vụ.
3. Ban chủ nhiệm Liên hiệp xã trung ương có trách nhiệm quản lý cán bộ thuộc biên chế của cơ quan Liên hiệp xã trung ương; quản lý chủ nhiệm liên hiệp xã các tỉnh, thành phố theo đúng các quy định của trung ương Đảng về phân công, phân cấp quản lý cán bộ.
4. Căn cứ vào điều lệ hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp xã trung ương hướng dẫn các cấp liên hiệp xã và hợp tác xã thực hiện đúng các quy định về tổ chức đại hội các cấp từ cơ sở lên và triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.
– Liên hiệp xã trung ương có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do đại hội ngành quyết định; kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Ban chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã trung ương; kiểm tra việc thực hiện điều lệ hợp tác xã, bảo đảm những nguyên tắc về tổ chức và quản lý hợp tác xã, và làm quyền chủ tập thể của xã viên.
– Liên hiệp xã các tỉnh, thành phố và liên hiệp xã các huyện, quận, thị xã, khu phố là các cấp trực tiếp chỉ đạo hợp tác xã sản xuất – kinh doanh, tiếp tục nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện quan hệ sản xuất, giáo dục chính trị - tư tưởng và chăm lo đời sống của xã viên.
Liên hiệp xã tỉnh, thành phố và Liên hiệp xã huyện, quận, thị xã, khu phố có trách nhiệm hướng dẫn hợp tác xã xây dựng kế hoạch; tổng hợp kế hoạch và chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện quy hoạch, kế hoạch và các chính sách, chế độ của Nhà nước.
Liên hiệp xã các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tổ chức các hình thức liên hiệp sản xuất – kinh doanh (trạm cung ứng vật tư, cửa hàng ký gửi, hiệp tác nghiên cứu thiết kế và chế thử sản phẩm mới…), mở trường, lớp dạy nghề và bồi dưỡng cán bộ quản lý, v.v… nhằm phục vụ việc phát triển sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường hợp tác xã.
Liên hiệp xã tỉnh, thành phố, liên hiệp xã huyện, thị xã, khu phố, quận vừa chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp mình, vừa chịu sự chỉ đạo của liên hiệp xã cấp trên. Tổ chức bộ máy của liên hiệp xã tỉnh, thành phố và của liên hiệp xã huyện, thị xã, khu phố, quận do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định, thống nhất với sự hướng dẫn của Liên hiệp xã trung ương.
Ban chủ nhiệm liên hiệp xã các cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã, khu phố do đại hội đại biểu xã viên cùng cấp bầu ra, phải được Ủy ban nhân dân cùng cấp ra quyết định công nhận và Ban chủ nhiệm liên hiệp xã cấp trên trực tiếp chuẩn y.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực