Số hiệu: | 141/2005/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 11/11/2005 | Ngày hiệu lực: | 10/12/2005 |
Ngày công báo: | 25/11/2005 | Số công báo: | Từ số 25 đến số 26 |
Lĩnh vực: | Lao động - Tiền lương | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
Khi tham gia tuyển chọn, người lao động có trách nhiệm tìm hiểu kỹ các nội dung: chính sách, pháp luật của Việt Nam và nước sở tại; tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn; thời hạn hợp đồng; loại công việc sẽ làm; nơi làm việc; điều kiện làm việc và sinh hoạt; tiền công, tiền làm thêm giờ và các khoản thu nhập khác (nếu có); chế độ bảo hiểm; các khoản chi phí mà người lao động phải nộp trước khi đi và trong thời gian làm việc ở nước ngoài; những thông tin cần thiết khác trong hợp đồng.
Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải tham gia đầy đủ các khoá đào tạo, các kỳ kiểm tra về ngoại ngữ, giáo dục định hướng, bổ túc tay nghề theo quy định.
1. Ký “Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài” với doanh nghiệp sau khi đã nghiên cứu kỹ các điều kiện trong hợp đồng.
2. Thực hiện đầy đủ các nội dung trong “Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài” đã ký với doanh nghiệp.
3. Lựa chọn và giới thiệu người bảo lãnh để ký “Hợp đồng bảo lãnh” với doanh nghiệp.
Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động có trách nhiệm:
1. Đến làm việc tại nơi được thỏa thuận trong “Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài” đã ký với doanh nghiệp.
2. Ký, thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng lao động với người sử dụng lao động và nội quy nơi làm việc.
3. Không được tự ý rời bỏ nơi làm việc theo hợp đồng lao động đã ký.
4. Khi có tranh chấp về quan hệ lao động với người sử dụng lao động hoặc bị xâm hại danh dự, nhân phẩm phải thông báo ngay cho doanh nghiệp đưa đi và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để được hỗ trợ kịp thời.
5. Tuân thủ pháp luật, tôn trọng phong tục, tập quán của nước sở tại.
6. Về nước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng thời hạn quy định của pháp luật nước sở tại.
1. Người bảo lãnh cho người lao động là người được người lao động lựa chọn, giới thiệu và được doanh nghiệp chấp nhận để ký hợp đồng bảo lãnh với doanh nghiệp. Người bảo lãnh phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để giao kết "Hợp đồng bảo lãnh";
b) Có khả năng về kinh tế đáp ứng điều kiện trong "Hợp đồng bảo lãnh" hoặc có uy tín, trách nhiệm để đảm bảo việc người lao động thực hiện các nghĩa vụ của mình.
2. Người bảo lãnh có trách nhiệm:
a) Ký “Hợp đồng bảo lãnh” với doanh nghiệp để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người lao động với doanh nghiệp đó;
b) Thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đã cam kết trong "Hợp đồng bảo lãnh" thay cho người lao động trong trường hợp người lao động không thực hiện nghĩa vụ đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
c) Vận động, giáo dục người lao động, gia đình người lao động thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc bảo lãnh cho người lao động.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực