Chương 2 Nghị định 112/2013/NĐ-CP: Áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
Số hiệu: | 112/2013/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 02/10/2013 | Ngày hiệu lực: | 17/11/2013 |
Ngày công báo: | 16/10/2013 | Số công báo: | Từ số 661 đến số 662 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Vi phạm hành chính | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2022 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Thẩm quyền trục xuất theo thủ tục hành chính
Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền áp dung biện pháp trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính, trước đây chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an mới có thẩm quyền này.
Trong thời han tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, người có thẩm quyền ra quyết định trục xuất đối với người nưới ngoài vi phạm hành chính, nếu xét thấy không đủ điều kiện thì thông báo cho cơ quan phát hiện vi phạm biết.
Ngoài việc phải gửi Quyết định trục xuất cho đương sự và Bộ Ngoại giao trước khi thi hành như trước đây, nay còn phải gửi đến cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao nước của người bị trục xuất là công dân hoặc cư trú cuối cùng.
Đây là nội dung tại Nghị định 112/2013/NĐ-CP, thay thế các Nghị định 162/2004/NĐ-CP, 97/2006/NĐ-CP, 15/2009/NĐ-CP và 19/2009/NĐ-CP.
Nghị định có hiệu lực từ 17/11/2013.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi ngay tài liệu, tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) liên quan đến vụ vi phạm đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký thường trú, tạm trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Đối với trường hợp vi phạm do cơ quan ở Trung ương, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phát hiện thì hồ sơ vi phạm được gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
2. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hồ sơ gồm có:
a) Tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị trục xuất;
b) Tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật hành chính;
c) Các hình thức xử lý đã áp dụng (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm);
d) Văn bản đề nghị trục xuất.
1. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đề nghị trục xuất của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, chuyển đến Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì phải thông báo ngay cho cơ quan phát hiện vi phạm biết.
2. Quyết định xử phạt trục xuất phải ghi rõ những nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định xử phạt trục xuất;
b) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt trục xuất;
c) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu/giấy tờ thay thế hộ chiếu của người bị trục xuất;
d) Hành vi vi phạm hành chính của người bị trục xuất;
đ) Điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
e) Thời gian thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
g) Nơi bị trục xuất đến;
h) Cửa khẩu thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
i) Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
k) Nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
l) Chữ ký của người ra quyết định xử phạt trục xuất.
3. Quyết định xử phạt trục xuất phải được gửi cho người bị trục xuất và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam trước khi thi hành. Quyết định xử phạt trục xuất phải được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
1. Quyền của người bị trục xuất:
a) Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành;
b) Được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp;
c) Được thực hiện các chế độ quy định tại Điều 31 Nghị định này trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất;
d) Được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
đ) Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Nghĩa vụ của người bị trục xuất:
a) Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất;
b) Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
c) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
d) Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương I, Phần thứ tư của Luật xử lý vi phạm hành chính;
đ) Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
1. Người bị trục xuất được hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất trong những trường hợp sau đây:
a) Bị bệnh nặng, phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khoẻ khác không thể thực hiện được quyết định xử phạt trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên hoặc các trường hợp bất khả kháng khác;
b) Phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật.
2. Trên cơ sở đề nghị của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất.
3. Trên cơ sở đề nghị của trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất.
4. Khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định xử phạt trục xuất được tiếp tục thi hành.
1. Hồ sơ thi hành quyết định xử phạt trục xuất, bao gồm:
a) Quyết định xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính;
b) Bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu của người bị trục xuất;
c) Giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác (nếu có);
d) Các tài liệu khác có liên quan.
2. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.