Chương IV Nghị định 105/2012/NĐ-CP tổ chức lễ tang cán bộ công viên chức: Lễ tang cấp cao
Số hiệu: | 105/2012/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 17/12/2012 | Ngày hiệu lực: | 01/02/2013 |
Ngày công báo: | 31/12/2012 | Số công báo: | Từ số 801 đến số 802 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Hạn chế việc đưa tin về tang lễ nhà nước
Đối với các tang lễ cấp nhà nước trở lên, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ không được đưa tin, đăng bài viết về người từ trần trước khi có thông báo chính thức của ban tổ chức Lễ tang.
Ngoài ra, các đoàn viếng tang lễ cũng không được mang vòng hoa đến mà phải sử dụng những vòng hoa đã được ban tổ chức Lễ tang chuẩn bị sẵn.
Đó là một số quy định mới tại Nghị định 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực từ ngày 01/02/2013.
Cũng từ ngày trên, Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, Tp.HCM sẽ chính thức được sử dụng để tổ chức các tang lễ nhà nước.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Cán bộ, công chức đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước); cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động đang công tác hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức Lễ tang Cấp cao.
2. Đối với trường hợp người từ trần giữ một trong các chức danh quy định tại Khoản 1 Điều này mà bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức, Lễ tang tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần đứng tên đưa tin buồn đối với các chức danh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
2. Đối với các chức danh còn lại, cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp ủy, chính quyền địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần đứng tên đưa tin buồn.
3. Tin buồn đăng trên trang nhất báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân, báo ngành và báo địa phương nơi quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin buồn.
1. Ban Tổ chức Lễ tang do lãnh đạo cơ quan chủ quản; chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác quyết định thành lập, gồm từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên đại diện các đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc cơ quan chủ quản, địa phương.
2. Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một lãnh đạo cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương.
Việc tổ chức Lễ tang và chuẩn bị lời điếu do cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác cùng gia đình thực hiện.
Lễ tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh). Nếu từ trần ở địa phương khác thì thực hiện theo quy định của địa phương.
1. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (nếu từ trần ở Hà Nội), tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (nếu từ trần ở Thành phố Hồ Chí Minh) đối với các trường hợp sau:
a) Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý;
b) Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.
c) Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
2. Đối với các chức danh còn lại an táng tại Nghĩa trang địa phương hoặc theo nguyện vọng của gia đình.
3. Trường hợp gia đình có nguyện vọng hỏa táng, điện táng hoặc an táng tại quê nhà, Ban Tổ chức Lễ tang có trách nhiệm tổ chức Lễ tang cấp cao theo quy định tại Nghị định này.
1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh người từ trần và dòng chữ trắng “Vô cùng thương tiếc...”.
2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, hai bên bàn thờ đặt cố định 02 vòng hoa của cơ quan chủ quản và gia đình, dưới lễ đài có lư hương.
3. Linh cữu đặt chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ.
4. Bàn thờ nhỏ đặt phía dưới, có bát hương để Trưởng đoàn các đoàn đến viếng thắp hương.
5. Cán bộ lãnh đạo, chủ chốt của cơ quan chủ quản hoặc địa phương đứng phía bên phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài) khi có các đoàn lãnh đạo cao cấp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào viếng.
6. Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài).
1. Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 02 (hai) vòng hoa, có băng đen chữ trắng của cơ quan chủ quản và gia đình đặt cố định hai bên bàn thờ.
2. Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị 15 (mười lăm) vòng hoa luân chuyển; trong thông báo tin buồn có ghi: Các đoàn đến viếng không mang vòng hoa, chỉ mang băng vải đen, kích thước 1,2 m x 0,2 m, với dòng chữ trắng “Kính viếng” dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức, cá nhân để gắn vào vòng hoa viếng do Ban Tổ chức Lễ tang chuẩn bị.
1. Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: 02 (hai) chiến sĩ đưa vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.
2. Sau khi viếng, Trưởng đoàn ghi sổ tang.
3. Trong quá trình viếng, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ’.
1. Thành phần dự Lễ truy điệu gồm: Ban Tổ chức Lễ tang, đại diện các cơ quan, tổ chức nơi người từ trần đã hoặc đang công tác; địa phương quê hương hoặc nơi cư trú của người từ trần và gia đình, người thân.
2. Vị trí các đoàn dự Lễ truy điệu (theo hướng nhìn lên lễ đài):
a) Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang;
b) Lãnh đạo cơ quan, địa phương đứng phía bên phải phòng lễ tang;
c) Các đoàn đại biểu khác đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức Lễ tang.
3. Chương trình Lễ truy điệu:
a) Đại điện Ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ truy điệu;
b) Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang đọc lời điếu, tuyên bố phút mặc niệm và kết thúc Lễ truy điệu;
c) Trong khi tiến hành Lễ truy điệu, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”.
1. Thành phần dự Lễ đưa tang như thành phần dự Lễ truy điệu.
2. Khi chuyển linh cữu lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ, các thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình đi phía sau linh cữu.
Đội phục vụ của nhà tang lễ và cơ quan, địa phương nơi người từ trần làm nhiệm vụ di chuyển linh cữu, vòng hoa ra xe tang và từ xe tang vào phần mộ.
3. Xe tang do cơ quan chủ quản hoặc địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác chuẩn bị.
1. Sau khi linh cữu được di chuyển vào vị trí phần mộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ hạ huyệt.
2. Đội công tác làm nhiệm vụ hạ huyệt.
3. Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ để vĩnh biệt.
4. Đội công tác tiếp tục hoàn chỉnh phần mộ.
5. Trong khi tiến hành Lễ hạ huyệt, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ".
1. Mộ xây bằng đá granite, có kích thước theo quy định hiện hành.
2. Chi phí xây mộ, hỏa táng, điện táng và phục vụ lễ tang lấy từ nguồn mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; phần kinh phí còn thiếu được ngân sách nhà nước cấp.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực