Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp
Số hiệu: | 102/2010/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 01/10/2010 | Ngày hiệu lực: | 15/11/2010 |
Ngày công báo: | 17/10/2010 | Số công báo: | Từ số 595 đến số 596 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
08/12/2015 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/2010/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2010 |
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
Nghị định này hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (sau đây gọi chung là doanh nghiệp);
2. Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không đăng ký lại theo Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định số 101/2006/NĐ-CP);
3. Hộ kinh doanh;
4. Các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.
Điều 3. Áp dụng Luật Doanh nghiệp, Điều ước quốc tế và pháp luật liên quan
1. Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp; trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh, cơ cấu sở hữu và quyền tự chủ kinh doanh thì áp dụng theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật sau đây về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh; về cơ cấu tổ chức quản lý, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp, quyền tự chủ kinh doanh, cơ cấu lại và giải thể doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật đó.
a) Luật Các tổ chức tín dụng;
b) Luật Dầu khí;
c) Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
d) Luật Xuất bản;
đ) Luật Báo chí;
e) Luật Giáo dục;
g) Luật Chứng khoán;
h) Luật Kinh doanh bảo hiểm;
i) Luật Luật sư;
k) Luật Công chứng;
l) Luật sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại khoản này và các luật đặc thù khác được Quốc hội thông qua sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điều 4. Tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp
1. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, phát luật và theo Điều lệ tổ chức.
2. Doanh nghiệp tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp, kết nạp những người làm việc tại doanh nghiệp vào các tổ chức này.
3. Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thời gian và các điều kiện cần thiết khác để thành viên các tổ chức Đảng, đoàn thể làm việc tại doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt theo Điều lệ và nội quy của tổ chức.
Điều 5. Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn. Bộ Tài chính hướng dẫn việc định giá góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ.
Điều 6. Vốn điều lệ của công ty và số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần
1. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là tổng giá trị các phần vốn góp do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn cụ thể và đã được ghi vào Điều lệ công ty.
2. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổng giá trị số vốn do chủ sở hữu đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn cụ thể và đã được ghi vào Điều lệ công ty.
3. Thời hạn mà thành viên, chủ sở hữu công ty phải góp đủ số vốn đã cam kết vào vốn điều lệ quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này không quá 36 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên.
4. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
5. Số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần là số cổ phần mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ phát hành để huy động thêm vốn. Số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký kinh doanh là tổng số cổ phần do cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua tại thời điểm đăng ký kinh doanh và số cổ phần sẽ phát hành thêm trong thời hạn 03 năm, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được ghi tại Điều lệ công ty.
Điều 7. Ngành, nghề cấm kinh doanh
1. Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh gồm:
a) Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;
b) Kinh doanh chất ma túy các loại;
c) Kinh doanh hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế);
d) Kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách;
đ) Kinh doanh các loại pháo;
e) Kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, đồ chơi, trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội;
g) Kinh doanh các loại thực vật, động vật hoang dã, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến, thuộc Danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác, sử dụng;
h) Kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, mua bán người;
i) Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép dưới mọi hình thức;
k) Kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân;
l) Kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài;
m) Kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;
n) Kinh doanh các loại phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường;
o) Kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa và thiết bị cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và/hoặc sử dụng tại Việt Nam;
p) Các ngành, nghề cấm kinh doanh khác được quy định tại các luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành.
2. Việc kinh doanh các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều này trong một số trường hợp đặc biệt áp dụng theo quy định của các luật, pháp lệnh hoặc nghị định chuyên ngành liên quan.
Điều 8. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh
1. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật chuyên ngành).
2. Điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức:
a) Giấy phép kinh doanh;
b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
c) Chứng chỉ hành nghề;
d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
đ) Xác nhận vốn pháp định;
e) Chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành, nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật đã nêu tại khoản 1 Điều này đều không có hiệu lực thi hành.
Điều 9. Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề
1. Chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp là văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được Nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định.
Chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề và điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.
3. Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật, việc đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh đó phải thực hiện theo quy định dưới đây:
a) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, Giám đốc của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh đó phải có chứng chỉ hành nghề.
b) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu Giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề, Giám đốc của doanh nghiệp đó và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề.
c) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề.
Điều 10. Ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định
1. Ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, mức vốn pháp định cụ thể, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn pháp định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định, hồ sơ, điều kiện và cách thức xác nhận vốn pháp định áp dụng theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty cổ phần, tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của vốn được xác nhận là vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo đảm mức vốn điều lệ thực tế không thấp hơn mức vốn pháp định đã được xác nhận trong cả quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Đối với đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có vốn pháp định, trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có thêm xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định. Người trực tiếp xác nhận vốn pháp định cùng liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số vốn tại thời điểm xác nhận.
4. Đối với doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành, nghề phải có vốn pháp định thì không yêu cầu phải có thêm xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định nếu vốn chủ sở hữu được ghi trong bảng tổng kết tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm không quá 03 tháng, kể từ ngày nộp hồ sơ, lớn hơn hoặc bằng mức vốn pháp định theo quy định.
Điều 11. Quyền đăng ký kinh doanh và tiến hành hoạt động kinh doanh
1. Doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh, không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến cơ quan quản lý nhà nước nếu ngành, nghề kinh doanh đó:
a) Không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đó kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định.
Nếu doanh nghiệp tiến hành kinh doanh khi không đủ điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty cổ phần, tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân phải cùng liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kinh doanh đó.
3. Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước.
4. Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư nước ngoài.
5. Tỷ lệ sở hữu theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này được áp dụng trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan.
Điều 12. Quyền thành lập doanh nghiệp
1. Tất cả các tổ chức là pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính và mọi cá nhân không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp, đều có quyền thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Mỗi cá nhân chỉ được quyền đăng ký thành lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc một hộ kinh doanh hoặc làm thành viên hợp danh của một công ty hợp danh, trừ trường hợp các thành viên hợp danh còn lại có thỏa thuận khác. Cá nhân chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh hoặc cá nhân thành viên hợp danh có quyền thành lập, tham gia thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.
3. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài lần đầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong trường hợp này doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam dự định thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp doanh nghiệp mới do doanh nghiệp có trên 49% vốn điều lệ là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc tham gia thành lập thì phải có dự án đầu tư và thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong trường hợp này, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
b) Trường hợp doanh nghiệp mới do doanh nghiệp có không quá 49% vốn điều lệ là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành lập, tham gia thành lập thì việc thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc đăng ký đầu tư trong trường hợp này áp dụng theo quy định tương ứng đối với dự án đầu tư trong nước.
Điều 13. Quyền góp vốn, mua cổ phần
1. Tất cả các tổ chức là pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt nơi đăng ký trụ sở chính và mọi cá nhân không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp đều có quyền góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế tại doanh nghiệp theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp đặc thù áp dụng quy định của các luật đã nêu tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này và các quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan;
c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
d) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ áp dụng theo Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ (Phụ lục Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam).
2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hoặc của chủ sở hữu công ty theo quy định về góp vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp và đăng ký thay đổi thành viên theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Việc đăng ký thay đổi thành viên đối với công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư.
Việc đăng ký thay đổi thành viên trong trường hợp khác thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
3. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần mới phát hành, nhận chuyển nhượng cổ phần theo quy định về mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phần và thực hiện đăng ký cổ đông hoặc đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Trường hợp nhận vốn góp cổ phần của cổ đông sáng lập quy định tại khoản 3 Điều 84 hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập quy định tại khoản 5 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp thì còn phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư.
Điều 14. Cấm cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước để góp vốn, mua cổ phần và thành lập doanh nghiệp để thu lợi riêng
1. Nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của Nhà nước và công quỹ để thành lập doanh nghiệp, góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
2. Tài sản của Nhà nước và công quỹ quy định tại Điều này bao gồm:
a) Tài sản được mua sắm bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước;
b) Kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước;
c) Đất được giao sử dụng để thực hiện chức năng và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;
d) Tài sản và thu nhập khác được tạo ra từ việc sử dụng các tài sản và kinh phí nói trên.
đ) Kinh phí được tài trợ bởi Chính phủ, tổ chức và cá nhân nước ngoài.
3. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần vào ít nhất một trong các mục đích sau đây:
a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị;
b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.
Điều 15. Hướng dẫn bổ sung về Giám đốc (Tổng giám đốc) và thành viên Hội đồng quản trị
1. Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp;
b) Cổ đông là cá nhân sở hữu ít nhất 5% số cổ phần phổ thông (đối với công ty cổ phần), thành viên là cá nhân sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc người khác thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty.
Trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm này thì áp dụng tiêu chuẩn và điều kiện do Điều lệ công ty quy định;
c) Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ, ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản này, Giám đốc (Tổng giám đốc) của công ty con không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi hoặc anh, chị, em ruột của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty con đó.
2. Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp;
b) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế tương ứng trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
c) Trường hợp chủ sở hữu công ty là cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nhà nước, ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản này, Giám đốc (Tổng giám đốc) không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi hoặc anh, chị, em ruột của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.
3. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp;
b) Cổ đông là cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc cổ đông sở hữu ít hơn 5% tổng số cổ phần, người không phải là cổ đông thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty.
Trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điểm này thì áp dụng tiêu chuẩn và điều kiện do Điều lệ công ty quy định.
4. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) của một công ty có thể kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) của công ty khác, trừ trường hợp Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty khác theo khoản 2 Điều 116 của Luật Doanh nghiệp.
Điều 16. Ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải cư trú ở Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
2. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;
b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty hợp danh quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Trường hợp vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty hợp danh cử người khác làm đại diện theo pháp luật của công ty.
Điều 17. Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hoặc đã đăng ký chuyển đổi theo quy định của pháp luật có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ngoài trụ sở chính. Việc thành lập chi nhánh không nhất thiết phải kèm theo hoặc đồng thời với việc thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp và việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư.
Điều 18. Thực hiện góp vốn và các quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
1. Thành viên phải góp vốn đầy đủ, đúng tiến độ đã cam kết trong Danh sách thành viên. Nếu việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần, thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên và mỗi lần góp vốn thành viên được cấp một giấy xác nhận số vốn đã góp của lần góp vốn đó.
2. Trong thời hạn 15 ngày sau mỗi đợt góp vốn theo cam kết, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả tiến độ góp vốn đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật không thông báo kết quả tiến độ góp vốn theo quy định, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc thành viên sở hữu phần vốn góp lớn nhất tại công ty có quyền nhân danh công ty thực hiện báo cáo kết quả tiến độ góp vốn.
3. Trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
4. Sau thời hạn cam kết góp lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp vốn đã cam kết góp, thành viên chưa góp vốn vào công ty theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đó cho người khác; số vốn chưa góp được xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối, số vốn chưa góp đủ được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Các thành viên còn lại nhận góp một phần hoặc toàn bộ số vốn chưa góp theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty;
b) Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;
c) Huy động thêm người khác góp đủ số vốn chưa góp.
6. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn 90 ngày theo quy định tại khoản 5 Điều này, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả tiến độ góp vốn và đăng ký thay đổi thành viên của công ty. Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên trong trường hợp này bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký thay đổi thành viên;
b) Thông báo kết quả tiến độ góp vốn hoặc bản sao, có xác nhận của công ty, giấy chứng nhận phần góp vốn của các thành viên;
c) Danh sách thành viên.
7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản này, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thực hiện đăng ký và cấp Đăng ký thay đổi thành viên cho công ty.
Trường hợp có thành viên hoặc đại diện ủy quyền của thành viên không ký tên trong Danh sách thành viên quy định tại điểm c khoản 6 Điều này, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo danh sách nói trên đến thành viên có liên quan và yêu cầu họ xác nhận bằng văn bản về số vốn đã góp của mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận thông báo. Thông báo phải được gửi theo cách đảm bảo thành viên có liên quan nhận được thông báo đó. Quá thời hạn trên mà không nhận được xác nhận bằng văn bản của thành viên có liên quan, cơ quan đăng ký kinh doanh đăng ký thay đổi thành viên theo yêu cầu của công ty. Trường hợp thành viên không ký Danh sách thành viên có xác nhận bằng văn bản phản đối số vốn góp được ghi trong danh sách thành viên, cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối cấp đăng ký thay đổi thành viên.
8. Trường hợp số vốn thực góp được thực hiện theo khoản 5 Điều này vẫn thấp hơn so với tổng số vốn cam kết góp, cơ quan đăng ký kinh doanh đăng ký số vốn đã góp là vốn điều lệ của công ty khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên của công ty theo quy định tại khoản 6 Điều này; các thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết phải liên đới chịu trách nhiệm tương đương với số vốn chưa góp về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty phát sinh trước khi đăng ký thay đổi thành viên theo khoản 6 Điều này.
9. Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền kiểm tra kết quả tiến độ góp vốn theo yêu cầu của một hoặc một số thành viên sở hữu phần vốn góp ít nhất 25% vốn điều lệ của công ty. Kết quả kiểm tra tiến độ góp vốn của cơ quan đăng ký kinh doanh được sử dụng để xác định số phiếu biểu quyết và phân chia lợi nhuận theo quy định tại khoản 3 Điều này và lập các hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Điều 19. Quyền khởi kiện của thành viên đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc)
1. Thành viên có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của Hội đồng thành viên; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty;
b) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) đã sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) đã lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
2. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Điều 20. Hướng dẫn bổ sung về một số quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn
1. Trường hợp cá nhân là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn bị tạm giữ, tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm các tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và các tội khác theo quy định của pháp luật, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên quản lý công ty.
2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giữ, tạm giam, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm các tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và các tội khác theo quy định của pháp luật, thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
3. Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp, không thanh toán được phần vốn góp được mua lại hoặc không thỏa thuận được về giá mua lại phần vốn góp như quy định tại Điều 43 của Luật Doanh nghiệp, thành viên yêu cầu công ty mua lại có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác. Trong trường hợp này, việc chuyển nhượng không bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật Doanh nghiệp.
Điều 21. Chữ ký của thành viên, người đại diện thành viên trong biên bản họp Hội đồng thành viên
1. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 của Luật Doanh nghiệp, tất cả thành viên, người đại diện thành viên dự họp phải ký vào biên bản họp Hội đồng thành viên. Trường hợp nghị quyết Hội đồng thành viên đã được thông qua theo đúng quy định tại các Điều 51 và 52 của Luật Doanh nghiệp, nhưng thành viên hoặc người đại diện thành viên thiểu số từ chối ký biên bản họp Hội đồng thành viên thì chữ ký xác nhận việc tham dự họp của họ được coi là chữ ký của họ tại biên bản họp Hội đồng thành viên.
2. Khoản 1 Điều này cũng áp dụng tương tự đối với chữ ký thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần quy định tại điểm i khoản 1 Điều 113 của Luật Doanh nghiệp.
Điều 22. Số người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc dự họp Đại hội đồng cổ đông
1. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác thì:
a) Tổ chức là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ được quyền cử không quá ba người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có quyền ủy quyền tối đa ba người tham dự họp Đại hội đồng cổ đông.
2. Số lượng thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức do chủ sở hữu công ty quyết định.
1. Cổ đông sáng lập là người góp vốn cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.
2. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Trong trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.
3. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền phát hành tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, số phiếu biểu quyết của cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông được đăng ký mua.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cuối cùng các cổ đông quy định tại khoản 3 Điều này phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải thông báo kết quả góp vốn cổ phần đã đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
5. Trường hợp có cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
c) Trường hợp cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, số cổ phần còn lại được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cuối cùng cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua; đồng thời, công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định tại khoản 6 Điều này.
6. Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn 90 ngày quy định tại điểm c khoản 5 Điều này. Hồ sơ đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập;
b) Bản sao sổ đăng ký cổ đông có xác nhận của công ty;
c) Danh sách bổ sung, sửa đổi cổ đông sáng lập.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
7. Trường hợp có cổ đông sáng lập, đại diện ủy quyền cổ đông sáng lập không ký tên vào Danh sách bổ sung, sửa đổi cổ đông sáng lập, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo danh sách bổ sung, sửa đổi cổ đông sáng lập đến các cổ đông có liên quan và yêu cầu họ xác nhận tính chính xác của số cổ phần đã thanh toán trong 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Thông báo phải được gửi bằng cách bảo đảm để các cổ đông có liên quan phải nhận được thông báo đó.
Sau 15 ngày nói trên mà không nhận được xác nhận bằng văn bản của cổ đông sáng lập có liên quan, cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo yêu cầu của công ty. Trường hợp có cổ đông liên quan phản đối bằng văn bản về tính chính xác của nội dung danh sách cổ đông sáng lập, cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
8. Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền kiểm tra kết quả góp vốn cổ phần theo yêu cầu của một hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 10% vốn điều lệ của công ty. Kết quả kiểm tra việc góp vốn cổ phần được sử dụng để lập sổ đăng ký cổ đông, lập danh sách cổ đông sáng lập, cấp cổ phiếu cho cổ đông và các hồ sơ giấy tờ cần thiết khác của công ty.
9. Sau 03 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hành quy định tại khoản 4 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp không được bán hết, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành. Công ty cổ phần không được tăng số cổ phần được quyền phát hành khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết.
10. Hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập quy định tại khoản 5 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với số cổ phần đăng ký mua tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu và đã góp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
1. Công ty cổ phần thực hiện chào bán cổ phần theo một trong các phương thức sau đây:
a) Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả internet;
b) Chào bán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
c) Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định;
d) Chào bán cho dưới một trăm nhà đầu tư đã được xác định.
2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện chào bán cổ phần thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán.
3. Sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phần, công ty đăng ký lại vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Điều 25. Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc)
1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) trong các trường hợp sau đây:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của Hội đồng quản trị; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) đã sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) đã lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này, Ban kiểm soát phải trả lời bằng văn bản xác nhận đã nhận được yêu cầu khởi kiện và tiến hành các thủ tục khởi kiện theo yêu cầu.
3. Trường hợp Ban kiểm soát không khởi kiện theo yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trong công ty cổ phần không có Ban kiểm soát thì cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này có quyền trực tiếp khởi kiện thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc).
4. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Điều 26. Một số vấn đề liên quan đến Đại hội đồng cổ đông
1. Cổ đông có thể tham dự Đại hội đồng cổ đông theo một trong các hình thức sau đây:
a) Trực tiếp tham dự họp Đại hội đồng cổ đông;
b) Gửi phiếu biểu quyết bằng thư đảm bảo đến Hội đồng quản trị chậm nhất 01 ngày trước khi khai mạc cuộc họp. Trong trường hợp này, trưởng ban kiểm phiếu của Đại hội đồng cổ đông có quyền mở phiếu biểu quyết của cổ đông đó;
c) Ủy quyền cho người khác dự họp Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp cổ đông là tổ chức không có người đại diện theo ủy quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 96 của Luật Doanh nghiệp thì ủy quyền người khác dự họp Đại hội đồng cổ đông.
2. Trường hợp cổ đông dự họp là người có liên quan không có quyền biểu quyết, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về vấn đề đó được thông qua khi có ít nhất 65% hoặc 75% tổng số phiếu được quyền biểu quyết tương ứng theo quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều 104 của Luật Doanh nghiệp.
Điều 27. Hiệu lực nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị
1. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác, nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi rõ trong nghị quyết, quyết định đó.
2. Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông, thành viên Hội đồng thành viên hoặc thành viên Hội đồng quản trị yêu cầu khởi kiện hoặc trực tiếp khởi kiện đối với nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi Tòa án hoặc Trọng tài có quyết định khác.
Điều 28. Công khai hóa những người có liên quan và các giao dịch của họ với công ty
Nếu Điều lệ công ty không quy định khác, việc công khai hóa những người có liên quan và các giao dịch của họ với công ty thực hiện theo quy định sau đây:
1. Công ty phải tập hợp và cập nhật danh sách những người có liên quan của công ty theo quy định tại khoản 17 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp và các giao dịch tương ứng của họ với công ty; Danh sách này phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty; trường hợp cần thiết có thể lưu giữ một phần hoặc toàn bộ nội dung Danh sách nói trên tại các chi nhánh của công ty;
2. Tất cả các cổ đông, những người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty và những người đại diện theo ủy quyền của họ có quyền xem, trích lục và sao một phần hoặc toàn bộ nội dung Danh sách nói trên trong giờ làm việc.
3. Công ty phải tạo điều kiện để những người nói tại khoản 2 Điều này tiếp cận, xem, trích lục và sao danh sách những người có liên quan của công ty và những nội dung khác một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Không ai có quyền ngăn cản, gây khó khăn đối với họ trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin quy định tại khoản 2 Điều này.
1. Phương thức dồn phiếu bầu quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Luật Doanh nghiệp được áp dụng đối với tất cả các công ty cổ phần, gồm cả các công ty niêm yết, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
2. Trước và trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền cùng nhau lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu cho người do họ đề cử.
3. Số lượng ứng cử viên mà mỗi nhóm có quyền đề cử phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên do Đại hội quyết định và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác hoặc Đại hội đồng cổ đông không quyết định khác thì số lượng ứng cử viên mà các nhóm có quyền đề cử thực hiện như sau:
a) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên;
b) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 20% đến dưới 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa hai ứng cử viên;
c) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 30% đến dưới 40% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa ba ứng cử viên;
d) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 40% đến dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa bốn ứng cử viên;
đ) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 50% đến dưới 60% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa năm ứng cử viên;
e) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 60% đến dưới 70% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa sáu ứng cử viên;
g) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 70% đến dưới 80% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa bảy ứng cử viên;
h) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 80% đến dưới 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa tám ứng cử viên.
Trường hợp số lượng ứng cử viên được cổ đông, nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử, số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát hoặc các cổ đông khác đề cử.
4. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ hai ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.
Điều 30. Hướng dẫn bổ sung về họp Hội đồng quản trị
1. Cuộc họp của Hội đồng quản trị theo giấy triệu tập lần thứ nhất được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp.
2. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản 1 Điều này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Trong trường hợp này, cuộc họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp.
Điều 31. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1. Việc chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn 100% sở hữu nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này) được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi chủ sở hữu công ty đã góp đủ số vốn vào công ty như đã cam kết. Công ty được chuyển đổi theo phương thức sau:
a) Chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, cho, tặng một phần sở hữu của mình tại công ty cho một hoặc một số người khác;
b) Công ty huy động thêm vốn góp từ một hoặc một số người khác.
Giá trị phần vốn góp được chuyển nhượng, cho, tặng hoặc huy động thêm tương ứng với cách thức chuyển đổi nói trên phải theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, cho, tặng một phần sở hữu của mình tại công ty cho một hoặc một số người khác hoặc công ty huy động thêm vốn góp hoặc vốn cam kết góp từ một hoặc một số người khác, công ty gửi hoặc nộp hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Hồ sơ, trình tự thủ tục chuyển đổi thực hiện theo quy định tương ứng của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước quản lý đầu tư có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư tương ứng.
4. Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp; đồng thời xóa tên công ty được chuyển đổi trong sổ đăng ký doanh nghiệp.
Điều 32. Chuyển đổi công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1. Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau:
a) Một cổ đông hoặc thành viên nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp tương ứng của tất cả các cổ đông, thành viên còn lại;
b) Một cổ đông hoặc thành viên là pháp nhân nhận góp vốn đầu tư bằng toàn bộ cổ phần hoặc phần vốn góp của tất cả các cổ đông, thành viên còn lại;
c) Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là thành viên hoặc cổ đông nhận chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn đầu tư bằng toàn bộ số cổ phần hoặc phần vốn góp của tất cả cổ đông hoặc thành viên của công ty.
2. Việc chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn đầu tư bằng cổ phần, phần vốn góp quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày một cổ đông hoặc một thành viên nhận chuyển nhượng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này hoặc nhận góp vốn đầu tư quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này hoặc một người khác nhận chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn đầu tư quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, công ty gửi hoặc nộp hồ sơ chuyển đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Hồ sơ chuyển đổi thực hiện theo quy định tương ứng của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
4. Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư phải thông báo cho các cơ quan nhà nước liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp; đồng thời xóa tên công ty được chuyển đổi trong sổ đăng ký doanh nghiệp.
Điều 33. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần
1. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần thì thực hiện theo quy định của pháp luật về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau:
a) Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm người khác cùng góp vốn cổ phần, không bán cổ phần hiện có cho người khác;
b) Chuyển đổi thành công ty cổ phần kết hợp với chào bán chứng khoán ra công chúng;
c) Chuyển đổi thành công ty cổ phần kết hợp với chào bán cổ phần cho ít hơn 100 nhà đầu tư đã xác định.
3. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách chào bán chứng khoán ra công chúng thì điều kiện chuyển đổi, trình tự, thủ tục và điều kiện chào bán chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư tương ứng; đồng thời, thu hồi lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp đối với công ty được chuyển đổi. Hồ sơ chuyển đổi thực hiện theo quy định tương ứng của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
5. Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
6. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư quy định tại khoản 4 Điều này, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp; đồng thời xóa tên công ty được chuyển đổi trong sổ đăng ký doanh nghiệp.
Điều 34. Nội dung chủ yếu của giấy đề nghị chuyển đổi
Giấy đề nghị chuyển đổi quy định tại các Điều 31, 32 và 33 Nghị định này tối thiểu phải có các nội dung sau:
1. Tên công ty được chuyển đổi;
2. Tên công ty chuyển đổi (nếu công ty dự định thay đổi tên khi chuyển đổi);
3. Địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax, địa chỉ giao dịch thư điện tử (nếu có);
4. Ngành, nghề kinh doanh;
5. Vốn điều lệ hiện hành và vốn điều lệ sau khi huy động thêm vốn góp, hoặc cổ phần;
6. Hình thức chuyển đổi;
7. Họ và tên, địa chỉ thường trú, số chứng minh nhân dân, hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của công ty;
8. Các nội dung khác theo quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 21 của Luật Doanh nghiệp.
Điều 35. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nội dung đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với trường hợp chuyển đổi
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty chuyển đổi theo quy định tại các Điều 31, 32 và 33 Nghị định này có nội dung chủ yếu sau:
1. Tên công ty được chuyển đổi, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, vốn điều lệ;
2. Tên công ty chuyển đổi, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
3. Địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; số điện thoại, số fax và địa chỉ giao dịch thư điện tử (nếu có) của công ty chuyển đổi;
4. Vốn điều lệ của công ty chuyển đổi đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, số cổ phần và giá trị cổ phần đã bán, số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần;
5. Ngành, nghề kinh doanh;
6. Họ và tên, địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ đăng ký tạm trú (đối với người nước ngoài), quốc tịch, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu (đối với người nước ngoài) hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của công ty;
7. Các nội dung khác theo quy định tại khoản 3 Điều 25 của Luật Doanh nghiệp.
Điều 36. Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn
1. Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ các điều kiện quy định tại Điều 24 của Luật Doanh nghiệp;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân) hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);
c) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
d) Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
đ) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và hướng dẫn những yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung. Hồ sơ chuyển đổi thực hiện theo quy định tương ứng tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp; đồng thời xóa tên doanh nghiệp tư nhân đã chuyển đổi trong sổ đăng ký doanh nghiệp.
Điều 37. Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chưa đăng ký lại theo Nghị định số 101/2006/NĐ-CP của Chính phủ
1. Việc tổ chức quản lý nội bộ và hoạt động của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp; trường hợp Điều lệ không quy định thì áp dụng theo các quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Có các quyền và nghĩa vụ tương ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật khác liên quan trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề đã ghi trong Giấy phép đầu tư.
Điều 38. Hướng dẫn bổ sung về tập đoàn kinh tế
1. Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có quy mô lớn, có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con.
2. Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định.
3. Công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 15 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp. Công ty con được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc của pháp luật liên quan.
Công ty mẹ, công ty con và các công ty khác hợp thành tập đoàn kinh tế có các quyền, nghĩa vụ, cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động phù hợp với hình thức tổ chức doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật liên quan và Điều lệ công ty.
4. Cụm từ “tập đoàn” có thể sử dụng như một thành tố phụ trợ cấu thành tên riêng của công ty mẹ, phù hợp với các quy định từ Điều 31 đến Điều 34 của Luật Doanh nghiệp về đặt tên doanh nghiệp.
5. Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo tài chính hợp nhất, giám sát hoạt động tài chính của tập đoàn kinh tế, của nhóm công ty mẹ - công ty con thuộc tập đoàn kinh tế.
Bộ Công thương hướng dẫn việc giám sát các tập đoàn kinh tế, nhóm công ty mẹ - công ty con thuộc tập đoàn kinh tế thực hiện các quy định về hạn chế cạnh tranh, chống lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường hoặc lạm dụng vị trí độc quyền.
Điều 39. Giám sát của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với trình tự, thủ tục tiến hành họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông
1. Cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật Doanh nghiệp có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư giám sát trình tự, thủ tục triệu tập, tiến hành họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông do họ triệu tập theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Luật Doanh nghiệp.
2. Đề nghị phải bằng văn bản và tối thiểu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ trụ sở chính công ty;
b) Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Danh sách cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, gồm họ và tên (đối với cá nhân), tên và địa chỉ trụ sở chính (đối với pháp nhân), số cổ phần phổ thông và tỷ lệ sở hữu, ngày và số đăng ký cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông;
d) Lý do triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, thời gian và địa điểm họp;
đ) Chữ ký của tất cả cổ đông, nhóm cổ đông triệu tập họp;
3. Đề nghị quy định tại khoản 2 Điều này phải kèm theo:
a) Giấy yêu cầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 97 của Luật Doanh nghiệp.
b) Giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông;
c) Chương trình họp và các tài liệu phục vụ họp.
4. Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư cử đại diện giám sát họp Đại hội đồng cổ đông nếu nhận hồ sơ đủ về số lượng và nội dung tại các khoản 2 và 3 Điều này ít nhất 03 ngày trước khi họp và cổ đông, nhóm cổ đông triệu tập họp có đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông của công ty và có đủ tỷ lệ sở hữu theo quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật Doanh nghiệp.
5. Đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư có trách nhiệm giám sát trình tự, thủ tục tiến hành họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề thuộc chương trình họp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo yêu cầu của chủ tọa, đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư có thể trình bày hướng dẫn thể thức và thủ tục tiến hành Đại hội và biểu quyết, nếu xét thấy cần thiết.
6. Một ngày sau ngày bế mạc họp Đại hội đồng cổ đông, đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước quản lý về đầu tư phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả giám sát cuộc họp, gửi cho công ty và đồng thời lưu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty. Báo cáo phải có nhận định về tính hợp pháp của trình tự, thủ tục tiến hành họp.
Điều 40. Giải thể doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 157 của Luật Doanh nghiệp, bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư quy định tại Điều 68 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư hoặc bị Tòa án tuyên bố giải thể.
2. Trình tự, thủ tục giải thể, thanh lý tài sản doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các khoản 1 đến khoản 4 Điều 158 của Luật Doanh nghiệp.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc giải thể doanh nghiệp và thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp quy định tại khoản 5 Điều 158 của Luật Doanh nghiệp bao gồm:
a) Quyết định giải thể hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố giải thể doanh nghiệp;
b) Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
c) Danh sách người lao động hiện có và quyền lợi người lao động đã được giải quyết;
d) Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế;
đ) Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu;
e) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
4. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
5. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 4 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư.
6. Việc giải thể các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của các luật quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyên ngành đó.
Điều 41. Chấm dứt hoạt động chi nhánh
1. Chi nhánh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh bao gồm:
a) Quyết định của doanh nghiệp về chấm dứt hoạt động chi nhánh hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
c) Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
d) Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh;
đ) Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu của chi nhánh.
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và Giám đốc chi nhánh bị giải thể liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh.
4. Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.
5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đầu tư xóa tên chi nhánh trong sổ đăng ký hoạt động chi nhánh.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2010.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 102/2010/ND-CP |
Hanoi, October 01, 2010 |
DETAILING A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON ENTERPRISES
THE GOVERNMENT
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2005 Law on Enterprises;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment,
DECREES:
Article 1. Scope of regulation
This Decree guides in detail a number of articles of the Law on Enterprises regarding the establishment, management organization, operation, reorganization and dissolution of enterprises.
Article 2. Subjects of application This Decree applies to:
1. Limited liability companies, joint-stock companies, partnerships and private enterprises, including also limited liability companies and joint-stock companies transformed from wholly state-owned enterprises, enterprises of Party or socio-political organizations, joint-venture enterprises and wholly foreign-owned enterprises (below collectively referred to as enterprises);
2. Joint-venture enterprises and wholly foreign-owned enterprises which do not re-register under the Government's Decree No. 101/ 200n/ND-CP of September 21. 2006. on re-registration, transformation and registration for renewal of investment certificates of foreign-invested enterprises in accordance with the Law on Enterprises and the Investment Law (below referred to as Decree No. 101/2006/ND-CP);
3. Business households:
4. Other organizations and individuals involved in the establishment, management organization, operation, reorganization and dissolution of enterprises.
Article 3. Application of the Law on Enterprises, treaties and relevant laws
1. The establishment, management organization and operation of enterprises comply with the Law on Enterprises, except cases defined in Clauses 2 and 3 of this Article.
2. If a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party otherwise provides for dossiers, order, procedures and conditions for enterprise establishment, business registration, ownership structure and business autonomy, the provisions of that treaty prevail.
3. The following laws prevail when there is a disparity between them and the Law on Enterprises regarding dossiers, order procedures and conditions for enterprise establishment and business registration; management organization structure, competence of internal management bodies of enterprises, business autonomy, reorganization and dissolution of enterprises:
a/ The Law on Credit Institutions:
b/ The Petroleum Law;
c/ The Law on Civil Aviation of Vietnam;
d/ The Publication Law:
e/ The Press Law;
f/ The Education Law:
g/ The Securities Law:
h/ The Law on Insurance Business:
i/ The Law on Lawyers:
j/ The Law on Public Notary;
k/ Laws amending and supplementing the laws specified this Clause and oilier specific laws passed by the National Assembly after the effective dale of this Decree.
Article 4. Party organizations and mass organizations in enterprises
1. Party organizations and mass organizations in enterprises shall operate under the Constitution, law and their statutes.
2. Enterprises shall respect and create favorable conditions for propaganda and campaigns for founding Party organizations and mass organizations in enterprises, and admission of their employees to these organizations.
3. Enterprises shall provide favorable physical foundation, time and other necessary conditions for their employees who are members of Party organizations and mass organizations to participate in all regular activities of these organizations according to their statutes and internal regulations.
Article 5. Contribution of intellectual property rights as capital
Intellectual properly rights which may be used for capital contribution include copyright and its related rights, industrial property rights, right to plant varieties and oilier intellectual property rights under the law on intellectual property. Only individuals and organizations that are holders of these rights may use these assets in making capital contribution. The Ministry of Finance shall guide the valuation of intellectual property rights contributed as capital.
Article 6. Charter capital of companies and shares issuable by joint-stock companies
1. Charter capital of a limited liability company with two or more members is the total value of capital portions already contributed or to be contributed within a proscribed time limit by its members according to their commitments and staled in the company charter.
2. Charter capital of a one-member limited liability company is the total value of the capital amount already contributed or to be contributed within a prescribed lime limit by its owner and slated in the company charter.
3. The time limit for a member or the owner of a company to fully contribute a committed capital amount to the charier capital defined in Clauses I and 2 of this Article is 36 months after the grant of an enterprise registration certificate or a certificate of registration of member addition or change.
4. Charier capital of a joint-stock company is the total par value of issued shares. Issued shares are those fully paid for by shareholders to the company. By the time of business registration for enterprise establishment, the charter capital of a joint-stock company is the total par value of shares registered to be purchased by founding shareholders and oilier common shareholders and slated in the company charter. These shares must be fully paid for within 90 days after the grant of an enterprise registration certificate.
5. Shares issuable by a joint-stock company are those decided by the Shareholders" General Meeting to be issued to raise more capital. The number of shares issuable by a joint-stock company by the time of business registration is the total number of shares registered to be purchased by founding shareholders and other common shareholders by the time of business registration and shares to be issued within 3 years alter the grant of an enterprise registration certificate and slated in the company charier.
Article 7. Prohibited business lines 1. Prohibited business lines include:
a/ Trading in weapons, military equipment or techniques, ammunition, special-use facilities for military or public security purposes; military uniforms (including stripes, badges and insignias of the army or public security forces), military equipment for people's armed forces; special-use components, parts, accessories, supplies and equipment, and technologies used exclusively for their manufacture;
b/ Trading in narcotics of all kinds;
c/ Trading in Schedule-1 chemicals (according to the International Convention);
d/ Trading in cultural products which are reactionary, depraved, superstitious or harmful to aesthetic or personality education;
e/ Trading in firecrackers of all kinds;
f/ Trading in toys or games which arc dangerous or harmful to personality education, health of children, or national security, social order and safety;
g/ Trading in wild plants or animals, including live animals and their processed parts, on the lists provided for by treaties to which Vietnam is a contracting party and precious and rare plants and animals on the list of those banned from exploitation and use;
h/ Dealing in prostitution, organizing prostitution, trafficking in women or children;
i/ Providing services of organizing gambling or running gambling dens in any forms;
j/ Providing services of investigation into secrets, infringing upon the State's interests or lawful rights and interests of organizations or citizens;
k/ Providing services of brokering marriages involving foreign elements;
1/ Providing services of brokering adoption involving foreign elements;
m/ Trading in imported scraps which cause environmental pollution;
n/ Trading in products, goods or equipment banned from circulation or use or not yet permitted for circulation or use in Vietnam;
o/ Other business lines banned under specialized laws, ordinances and decrees.
2. In some particular cases, the business lines specified in Clause 1 of this Article may be permitted in accordance with relevant specialized laws, ordinances or decrees.
Article 8. Conditional business lines and business conditions
1. Conditional business lines and business conditions comply with relevant specialized laws, ordinances, decrees or Prime Ministerial decisions (below collectively referred to as specialized laws).
2. Business conditions take the following forms:
a/ Business license;
b/ Business eligibility certificate;
c/ Practice certificate;
d/ Professional liability insurance certificate;
e/ Certification of legal capital;
f/ Other approvals of competent state agencies:
g/ Other requirements which enterprises must satisfy in order to acquire the right to do business in certain business lines without having to obtain certification or approval in any form by a competent slate agency.
3. All regulations on conditional business lines and relevant business conditions in legal documents other than those mentioned in Clause I of this Article arc invalid.
Article 9. Business lines for which practice certificates are required
1. Practice certificates defined in Clause 2. Article 7 of the Law on Enterprises means documents granted by competent Vietnamese state agencies or state-authorized professional associations to individuals who possess adequate professional qualifications and experience in a certain business line.
Practice certificates granted in foreign countries are invalid in Vietnam, unless otherwise provided for by a specialized law or a treaty to which Vietnam is a contracting party.
2. Business lines for which practice certificates are required and relevant conditions for the grant of practice certificates comply with relevant specialized laws.
3. Enterprises engaged in business lines for which practice certificates are required by law shall register their business or additionally register those business lines according to the following provisions:
a/ If the law requires that to deal in a business line, the director of an enterprise or head of a business establishment must have a practice certificate, he/she must acquire such a certificate.
b/ If the law requires that to deal in a business line, the director of an enterprise and other persons must have practice certificates, that director and at least one professional officer of the enterprise as prescribed by the relevant specialized law must acquire such certificates.
c/ If the law does not require that to deal in a business line, the director of an enterprise or head of a business establishment must have a practice certificate, at least one professional officer of that enterprise as prescribed by the relevant specialized law must acquire such a certificate
Article 10. Business lines for which legal capital is required
1. For business lines for which legal capital is required, specific legal capital levels, competent state agencies managing legal capital, agencies and organizations competent to certify legal capital, dossiers, conditions and modes of certifying legal capital comply with relevant specialized laws.
2. The chairman of the Members' Council or the company president and the director (director general) of a limited liability company; the chairman of the Board of Directors and the director (director general) of a joint-stock company: all partners to a partnership, and the owner of a private enterprise are responsible for the truthfulness and accuracy of the capital amount certified as legal capital upon enterprise establishment. An enterprise is obliged to ensure that the actual amount of its charter capital is not lower than its legal capital certified throughout its business operation process.
3. For business registration for establishment of an enterprise conducting a business line for which legal capital is required, the enterprise registration dossier must contain certification of legal capital by a competent agency or organization. Persons directly certifying legal capital shall take joint responsibility for the accuracy and truthfulness of the capital amount at the lime of certification.
4. If an enterprise registers an additional business line for which legal capital is required, such additional business registration is not subject to additional certification of legal capital by a competent agency or organization, provided that the own capital identified in the asset balance sheet of the enterprise made within 3 months after the registration dossier is filed is equal to or higher than the prescribed legal capital level.
Article 11. Right to make business registration and conduct business activities
1. An enterprise may take the initiative in making business registration and conducting business activities without having to ask for permission or approval from or consulting any state agency if its business lines:
a/ Are not banned by law;
b/ Are not conditional as prescribed by specialized laws.
2. An enterprise may conduct conditional business lines from the time it fully meets the conditions prescribed for those business lines.
If an enterprise conducts business activities when it has not fully satisfied the prescribed conditions, the chairman of the Members' Council or the president of the company and the director (director general), for limited liability companies; the chairman of the Board of Directors and the director (director general), for joint-stock companies; all partners, for partnerships, and the owner, for private enterprises, shall take joint responsibility before law for such business.
3. Unless otherwise provided for by a treaty to which Vietnam is a contracting party or a specialized law, an enterprise established in Vietnam of which foreign investors hold not more than 49% of charter capital is subject to investment or business conditions applicable to domestic investors.
4. Unless otherwise provided for by a treaty to which Vietnam is a contracting party or a specialized law. an enterprise established in Vietnam of which foreign investors hold more than 49% of charier capital is subject to investment or business conditions applicable to foreign investors.
5. The holding rates specified in Clauses 3 and 4 of this Article is applicable to enterprises throughout the course of their investment or business in relevant sectors.
Article 12. Right to establish enterprises
1. All organizations being legal entities, including also foreign-invested enterprises in Vietnam, regardless of their registered head office addresses, and all individuals, regardless of their places of residence and nationalities, other than those defined in Clause 2. Article 13 of the Law on Enterprises, may establish or participate in the establishment of enterprises in Vietnam in accordance with the Law on Enterprises.
2. An individual may register to establish only one private enterprise or a business household, or to become a partner to one partnership, unless otherwise agreed upon by the other partners. An individual owning a private enterprise or a business household or joining a partnership may establish or participate in the establishment of a one-member limited liability company, a limited liability company with two or more members or a joint-stock company.
3. Investors being foreign organizations or individuals that establish for the first lime an enterprise in Vietnam shall register investment concurrently with establishment of an economic organization under the law on investment. In this case, the enterprise shall he granted an investment-cum-enterprise registration certificate.
4. Foreign-invested enterprises already established in Vietnam which wish to establish new enterprises in Vietnam shall comply with the following provisions:
a/ If a new enterprise is established or jointly established by a foreign-invested enterprise with more than 49% of the charter capital owned by a foreign investor, there must be an investment project for which investment registration shall be made together with the establishment of an economic organization under the investment law. In tin's case, the enterprise shall be granted an investment-cum-enterprise registration certificate.
b/ If anew enterprise is established or jointly established by a foreign-invested enterprise with 49% or less of the charter capital owned by a foreign investor, the establishment of that enterprise must comply with the Law on Enterprises. In this case, investment registration must comply with relevant regulations applicable to domestic investment projects.
Article 13. Right to contribute capital and purchase shares
1. All organizations being legal entities. including also foreign-invested enterprises, regardless of their registered head offices, and all individuals, regardless of their nationalities and places of residence, other than those defined in Clause4. Article 13 of the Law on Enterprises, may contribute unlimited capital amounts to. or buy unlimited shares from, enterprises in accordance with relevant provisions of the Law on Enterprises, except the following cases:
a/ Foreign investors' holding rates in listed companies comply with the securities law:
b/ Foreign investors' holding rates in particular cases comply with the laws specified in Clause 3. Article 3 of this Decree and relevant specialized laws:
c/ Foreign investors' holding rates in wholly state-owned enterprises which are equitized or otherwise transformed comply with the law on equitization and transformation of wholly state-owned enterprises;
d/ Foreign investors' holding rate in service enterprises comply with the Schedule of Specific Commitments in Services (Annexes to the Protocol on Vietnam's WTO accession).
2. Foreign investors may contribute capital to limited liability companies or receive capital contribution portions transferred by members or owners of companies under regulations on capital contribution or transfer: and shall make member change registration under relevant provisions of the Law on Enterprises and relevant laws.
Registration of a change in membership of companies already possessing investment certificates shall be made at competent slate agencies in charge of investment management.
Registration of a member change in other cases shall be made at business registration offices.
3. Foreign investors may purchase newly issued shares and receive transferred shares under regulations on share purchase and transfer and register shareholders or changes in shareholders under relevant provisions of the Law on Enterprises.
In case of receipt of contributed capital shares from founding shareholders as specified in Clause 3, Article 84 or shares transferred by founding shareholders as specified in Clause 5. Article 84 of the Law on Enterprises, they shall also make a registration of change of founding shareholders under the Law on Enterprises at business registration offices or competent state agencies in charge of investment management.
Article 14. Ban on state agencies and people's armed forces units from using state capital and assets to contribute capital to. purchase shares from, or establish, enterprises for profit-seeking purposes
1. State agencies and people's armed forces units are strictly prohibited from using state assets and public funds to establish, contribute capital to or purchase shares from enterprises for their own profit-seeking purposes.
2. Slate assets and public funds defined in this Article include:
a/ Assets procured with state budget capital and capital of state budget origin;
b/ Funds allocated from the state budget:
c/ Land allocated for performing the functions and tasks prescribed by law;
d/ Other assets and incomes generated from the use of the above assets and funds.
e/ Aid funds provided by foreign governments, organizations and individuals.
3. Seeking own profits means that agencies or units use incomes generated in any form from business, capital contribution or share purchase activities for at least one of the following purposes:
a/ Division in any form to a number or all of their cadres and employees;
b/ Supplementing their budgets in contravention of the law on the state budget:
c/ Setting up funds or supplementing their funds for their own interests.
Article 15. Additional guidance on directors (directors general) and Board of Directors members
1. The director (director general) of a joint-stock company or a limited liability company with two or more members must meet the following criteria and conditions:
a/ Having full civil act capacity and being not banned from establishing and managing enterprises under Clause 2. Article 13 of the Law on Enterprises:
b/ Being an individual shareholder who holds at least 5% of common shares (of a joint-stock company) or an individual member holding at least 10% of the charter capital (of a limited liability company) or a person with adequate professional qualifications or actual experience in business administration or in major business lines of the company.
If the company charier provides criteria and conditions different from those prescribed at this Point, such criteria and conditions apply:
c/ With regard to a subsidiary of a company with stale-owned capital or shares representing more than 50% of its charter capital, in addition to the criteria and conditions set at Points a and b of this Clause, the director (director general) of the subsidiary must not be the wife or husband, father or adoptive father, mother or adoptive mother, a child or adoptive child or a blood sibling of the person managing the parent company or the person representing the state capital portion in that subsidiary.
2. The director (director general) of a one-member limited liability company with the sole institutional member must satisfy the following criteria and conditions:
a/ Having full civil act capacity and being not banned from establishing and managing enterprises under Clause 2, Article 13 of the Law on Enterprises;
b/ Having adequate professional qualifications and actual experience in business administration or in major business lines of the company, unless otherwise provided for by the company charter;
c/ If the company owner is a state agency or an enterprise with state-owned capital representing more than 50%. in addition to the criteria and conditions set at Points a and b of this Clause, the director (director general) must not be the wife or husband, father or adoptive father, mother or adoptive mother, a child or adoptive child or a blood sibling of the head or deputy head of the state agency or of the representative of the state capital portion in that company.
3. A member of the Board of Directors of a joint-stock company must satisfy the following criteria and conditions:
a/ Having full civil act capacity, being not banned from establishing and managing enterprises under Clause 2, Article 13 of the Law on Enterprises:
b/ Being an individual shareholder who holds at least 5% of the total of common shares; or an individual member holding less than 5% of total shares, or a person who is not a shareholder but has adequate professional qualifications or experience in business administration or in major business lines of the company.
If the company charter provides criteria and conditions different from those prescribed at this Point, the criteria and conditions set in the company charter apply.
4. Unless otherwise provided for by the company charter, the chairman of the Members' Council, the president, the chairman of the Board of Directors or the director (director general) of a company may concurrently act as the chairman of the Members* Council, the president, the chairman of the Board of Directors or the director (director general) (except director (director general) of a joint-stock company) of another company under Clause 2. Article 116 of the Law on Enterprises.
Article 16. Authorization by at-law representatives of enterprises
1. The at-law representative of an enterprise shall reside in Vietnam. In case of absence from Vietnam for more than 30 days, he/she shall authorize in writing another person to exercise his./her rights and perform his/her duties as the at law representative of the enterprise.
2. In case the duration of authorization has expired but the at-law representative of the enterprise is not back in Vietnam and makes no other authorization, the following provisions shall be complied with:
a/ The authorized person shall continue exercising the rights and performing the duties of the at-law representative of the private enterprise within the scope of authorization until the at-law representative of the private comes back lo work in the enterprise;
b/ The authorized person shall continue exercising the rights and performing the duties of the at-law representative of the limited liability company, joint-stock company or partnership within the scope of authorization until the at-law representative of the company comes back to work in the company or until the Members' Council, the owner, the Board of Directors or Members* Council of the partnership decides to appoint another person to act as the at-law representative of the company.
3. In case an enterprise's at-law representative is absent from Vietnam for more than 30 days without authorizing another person lo exercise his/her rights and perform his/her duties, the Members' Council, the company owner, the Board of Directors or the Members" Council of the partnership appoint another person to act as the at-law representative of the company.
Article 17. Setting up of branches and representative offices of foreign-invested enterprises
A foreign-invested enterprise which has been established under the Investment Law and the Law on Enterprises or registered transformation under law may set up branches or representative offices in addition to its head office. The setting up of a branch is not required to be accompanied by or conducted concurrently with the completion of investment procedures under the investment law. The dossiers, order and procedures for registration of operation of branches and representative offices comply with relevant provisions of the Law on Enterprises and such registration shall be made at competent state agencies in charge of investment management.
Article 18. Making of capital contribution and rights and obligations related to the contribution of capital to limited liability companies with two or more members
1. Members shall make adequate capital contribution within the time limit they have committed to in the list of members. If capital contribution is made in installments, the time limit for each member to make the last installment of capital contribution does not exceed 36 months after the company is granted an enterprise registration certificate or a certificate of registration of member addition or change. For each installment of capital contribution a member will be granted a certificate of capital amount contributed in that installment.
2. Within 15 days following each installment of capital contribution as committed, the at-law representative of the company shall report on the capital contribution progress to the business registration office.
In case the at-law representative fails to notify the capital contribution progress under regulations, the chairman of the Members' Council or the director (director general) or a member holding the largest capital contribution portion in the company may report on the capital contribution progress on the company's behalf.
3. Within the time limit for making adequate capital contribution as committed, members may have votes and be divided profits in proportion to their actually contributed capital amounts, unless otherwise provided for in the company charter.
4. Past the time limit for the last installment of capital contribution as committed, a member that still fails to make the committed capital contribution will automatically be no longer a member of the company and may not transfer the right to contribute capital to another party. The capital amount not yet contributed shall be handled under Clause 5 of this Article.
5. Within 90 days after the time limit for making the last installment of capital contribution as committed, the capital amount not yet adequately contributed shall be handled in the following order of priority:
a/ Other members undertake to contribute partially or wholly such capital amount in proportion to their capital amounts already contributed to the company:
b/ One or several members undertake to contribute wholly such capital amount;
c/ To mobilize other parties to adequately contribute such capital amount.
6. Within 15 days after the expiration of the 90-day time limit specified in Clause 5 of this Article, the at-law representative of the company shall report on the capital contribution progress and register a change in the company's membership. A dossier for member change registration in this case comprises:
a/ An application for member change registration:
b/ A notice of capital contribution progress or a copy, certified by the company, of the certificate of capital contribution by members;
c/ The list of members.
7. Within 5 working days after receiving a complete dossier as specified in this Clause, the business registration office shall effect the registration and grant a member change registration certificate to the company.
In case a member or his/her/its authorized representative refuses to sign the list of members specified at Point c. Clause 6 of this Article, the business registration office shall notify such list to such member, requiring him/her/it to certify in writing his/her/its contributed capital amount within 15 days after receiving the notice. Such a notice must be sent by registered mail to the concerned member. Past that time limit, if receiving no written certification from the concerned member, the business registration office shall register a member change at the request of the company. In case the member refusing to sign the list of members confirms in writing his/her/its disagreement with the contributed capital amount indicated in the list of members, the business registration office shall refuse to grant a member change registration certificate.
8. In case the capital amount actually contributed under Clause 5 of this Article is still lower than the total capital amount to be contributed as committed by members, the business registration office shall register the contributed capital amount as the charter capital of company upon carrying out procedures for registering change of the company's membership under Clause 6 of this Article. Members that fail to make adequate capital contribution as committed shall bear joint liability in proportion to their un contributed capital amounts for debts and other financial obligations of the company arising before the member change registration under Clause 6 of this Article.
9. The business registration office may inspect the capital contribution progress at the request of one or several members holding contributed capital portions representing at least 25% of the company's charter capital. Results of inspection of the capital contribution progress by the business registration office shall be used for determining the number of votes and division of profits under Clause 3 of this Article and compiling member change registration dossiers under Clause 6 of this Article.
Article 19. Right of members to institute lawsuits against the chairman of the Members' Council and director (director general)
1. A member may. at his/her own will or on the company's behalf, institute a lawsuit over the civil liability of the chairman of the Members' Council and director (director general) in the following cases:
a/ The chairman of the Members' Council and director (director general) fail to properly exercise their vested rights and perform their assigned duties: fail to implement or fail to properly and promptly decisions of the Members' Council: exercise their vested rights and perform their assigned duties in contravention of law or the company charter;
b/ The chairman of the Members' Council and director (director general) have used business information, know-how and opportunities of the company for self-seeking purposes or in the interests of other organizations and individuals;
c/ The chairman of the Members' Council and director (director general) have abused their positions, posts and the company's assets for self-seeking purposes or in the interests of other organizations and individuals:
d/ Other cases specified by law and the company charier.
2. The order and procedures for instituting a lawsuit comply with relevant provisions of the civil procedure law.
Article 20. Additional guidance on some rights and obligations of members of limited liability companies
1. In case an individual member of a limited liability company is held in custody or temporary detention, sentenced to imprisonment or deprived of his/her professional practice right by a court for commission of such crime as smuggling, production of counterfeit goods, illegal trading, tax evasion, deception against customers or other crimes specified by law, he/she may authorize another person to join the Members' Council to run the company.
2. In case an individual member acting as the at-law representative of a limited liability company with two members is held in custody or temporary detention, absconding from his/her place of residence, has lost his/her civil act capacity or has it limited or is deprived of his/ her professional practice right by a court for commission of such crime as smuggling, production of counterfeit goods, illegal trading, lax evasion, deception against customers or other crimes specified by law. the other member will automatically become the at-law representative of (he company until the Members' Council issues a new decision on the at-law representative of the company.
3. In case the company does not redeem a capital contribution or fails to pay for the redeemed capital contribution or cannot reach an agreement on the redeeming price of the capital contribution under Article 43 of the Law on Enterprises, the member requesting the company to redeem his/her/its capital contribution may transfer it to another party. In this case, the transfer is not required to comply with Article 44 of the Law on Enterprises.
Article 21. Signatures of members and member representatives in minutes of the Members' Council's meetings
1. Under Point c. Clause 2. Article 53 of the Law on Enterprises, all members and member representatives attending a meeting of the Members' Council shall sign the meeting minutes. In case a resolution of the Members' Council has been adopted under Articles 51 and 52 of the Law on Enterprises, but minority members or member representatives refuse to sign the Members' Council's meeting minutes, their signatures certifying their meeting participation shall be regarded as their signatures in the meeting minutes.
2. Clause I of this Article is similarly applicable to signatures of members of the Board of Directors of joint-stock companies specified at Point i. Clause 1, Article 113 of the Law on Enterprises.
Article 22. Number of authorized representatives joining the Members' Council or attending the Shareholders' General Meeting
1. Unless otherwise provided for by the company charter:
a/ An institution being a member of a limited liability company and holding at least 35% of the charter capital may appoint at most three authorized representatives to join the Members' Council;
b/ An institution being a shareholder of a joint-stock company and holding at least 10% of the total common shares may authorize at most three persons to attend the Shareholders' General Meeting.
2. The number of institutional members of the Members' Council of a one-member limited liability company shall be decided by the company owner.
Article 23. Founding shareholders
1. A founding shareholder is a person contributing capital to, participating in drafting, approving and signing the first charter of. a joint- stock company.
2. A newly established joint-stock company must have at least three founding shareholders: a joint-stock company transformed from a wholly state-owned enterprise or a limited liability company or divided, split from, consolidated or merged with, another joint-stock company needs not have founding shareholders.
If a joint-stock company has no founding shareholders, its charter in its enterprise registration dossier must contain the signature of its at-law representative or signatures of its common shareholders.
3. Founding shareholders shall jointly register to purchase at least 20% of total common shares issuable by the time of enterprise registration. Founding shareholders and common shareholders by the time of enterprise registration shall pay fully for shares they have registered to purchase within 90 days after the company is granted an enterprise registration certificate. Within that time limit, votes of shareholders shall be counted according to their numbers of subscribed common shares.
4. Within 15 days after the deadline for shareholders specified in Clause 3 of this Article to pay fully for subscribed shares, the company shall notify results of registered share capital contribution to the business registration office.
5. In case a shareholder fails to pay fully for shares he/she/it has registered to purchase within 90 days after the company is granted an enterprise registration certificate:
a/ He/she/it will automatically be no longer a shareholder of the company and may not transfer the right to purchase these shares to another party:
b/ A shareholder that only pays for part of these shares will have the voting right and may receive profits and other rights in proportion to the quantity of shares already paid for: and may not transfer the right to purchase unpaid shares to another party:
c/ Unpaid shares shall be handled under Clause 3. Article 84 of the Law on Enterprises within 90 days after the deadline for the shareholder to pay fully for subscribed shares. Al the same time, the company shall register founding shareholder change under Clause 6 of this Article.
6. The company shall register founding shareholder change within 7 working days after the expiration of the 90-day time limit specified at Point c. Clause 5 of this Article. A dossier for registration of founding shareholder change comprises:
a/ An application for registration of founding shareholder change;
b/ A copy of the shareholder register certified by the company;
c/ The modified list of founding shareholders.
Within 5 working days after receiving a complete dossier, the business registration office shall register the founding shareholder change.
7. In case a founding shareholder or a founding shareholder's authorized representative refuses to sign the supplemented and modified list of founding shareholders, the business registration office shall notify such list to concerned shareholders, requesting them to certify the accuracy of shares already paid for within 15 days after receiving a notice. Such a notice shall be sent by registered mail to concerned shareholders.
Past that 15-day lime limit, if receiving no written certification from concerned founding shareholders, the business registration office shall register the founding shareholder change at the request of the company. In case a concerned shareholder make a written objection to the accuracy of the list of founding shareholders, the business registration office shall refuse to register the founding shareholder change.
8. The business registration office may inspect results of share capital contribution at the request of a shareholder or a group of shareholders holding at least 10% of the company's charter capital. Inspection results shall be used in making the shareholder register and the list of founding shareholders, issuing stocks to shareholders and other necessary files and papers of the company.
9. Past three years after being granted in enterprise registration certificate for the first time, if its issuable shares specified in Clause 4. Article 84 of the Law on Enterprises are not sold out. the company shall register for reduction of its issuable capital to be equal to issued shares. A joint-stock company may not increase its issuable shares until existing shares are sold out.
10. The restriction on share transfer by founding shareholders specified in Clause 5. Article 84 of the Law on Enterprises is applicable only to shares subscribed to by the time of first-time enterprise registiation and paid for within 90 days after the grant of an enterprise registration certificate.
1. A joint-stock company shall offer its shares by any of the following modes:
a/ Announcing the offering in the mass media, including the Internet;
b/ Offering shares to one hundred or more investors, excluding professional securities investors;
c/ Offering shares to unspecified number of investors:
d/ Offering shares to less than one hundred identified investors.
2. The dossier, order, procedures and conditions for share offering comply with relevant provisions of the securities law.
3. Upon completion of a share offering, the company shall re-register its chatter capital under the Law on Enterprises and the Government's Decree No. 43/2010/ND-CP of April 15. 2010. on enterprise registration.
Article 25. Right to institute lawsuits against members of the Board of Directors and the director (director general)
1. A shareholder or a group of shareholders holding at least 1% of common share for six consecutive months may request the Control Board to institute a lawsuit over the civil liability of a member of the Members' Council or the director (director general) in the following cases:
a/ The member of the Members' Council or the director (director general) fails to properly exercise his/her vested rights and perform his/ her assigned duties: fails to implement or fails to properly and promptly implement decisions of the Board of Directors: exercises his/her vested rights and performs his/her assigned duties in contravention of law. the company charter or a resolution of the Shareholders' General Meeting:
b/ The member of the Members' Council or the director (director general) has used business information, know-how and opportunities of the company for self-seeking purposes or in the interests of other organizations and individuals;
c/ The member of the Members' Council or the director (director general) has abused his/her position, post and the company's assets for self-seeking purposes or in the interests of other organizations and individuals:
d/ Other cases specified by law and the company charter.
2. Within 15 days after receiving a request for institution of a lawsuit of a shareholder or a group of shareholders specified in Clause I of this Article, the Control Board shall reply in writing certifying the receipt of the request and carry out procedures for instituting a lawsuit.
3. In case the Control Board fails to institute a lawsuit at a request specified in Clause 2 of this Article or the joint-stock company has no Control Board, the shareholder or group of shareholders specified in Clause I of this Article may directly institute a lawsuit against a member of the Board of Directors or the director (director general).
4. The order and procedures for instituting a lawsuit comply with relevant provisions of the civil procedure law.
Article 26. Some matters related to the Shareholders' General Meeting
I. A shareholder may participate in the Shareholders' General Meeting by any of the following modes:
a/ Directly attending a meeting of the Shareholders' General Meeting:
b/ Sending a vote by registered mail to the Board of Directors at least one day before the opening of a meeting. In this case, the head of the vote-counting committee of the Shareholders' General Meeting may open the vote of this shareholder;
c/ Authorizing another person to attend a meeting of the .Shareholders' General Meeting. An institutional shareholder without any authorized representative as specified in Clause 3. Article 96 of the Law on Enterprises may authorize another person to attend a meeting of the Shareholders' General Meeting.
2. For attending shareholders that are affiliated persons without the voting right, a resolution of the Shareholders' General Meeting on such matter may be adopted by at least 65% or 75% of total votes as respectively specified at Point a or b. Clause 3. Article 104 of the Law on Enterprises.
Article 27. Effect of resolutions and decisions of the Shareholders' General Meeting, the Members' Council and the Board of Directors
1. Unless otherwise provided for by the company charter, a resolution or decision of the Shareholders' General Meeting, the Members" Council and the Board of Directors takes effect on the date of adoption or the effective dale indicated in such resolution or decision.
2. In case a shareholder or a group of shareholders or a member of the Members' Council or the Board of Director requests institution of a lawsuit or directly institutes a lawsuit about an adopted resolution or decision, such resolution or decision will continue to be implemented until a court or an arbitration otherwise rules or decides.
Article 28. Public disclosure of affiliated persons and their transactions with companies
Unless otherwise provided for by the company charter, public disclosure of affiliated persons of and their transactions with a com puny complies with the following provisions:
1. The company shall compile and update a list of its affiliated persons under Clause 17. Article 4 of the Law on Enterprises and their relevant transactions with the company. Such a list shall be kept al the company's head office. When necessary, part or the whole of the list may be kept at the company's branches;
2. All shareholders, managers, members of the Control Board of the company and their authorized representatives may look into, excerpt and copy part or the whole of the list during working hours.
3. The company shall create conditions for persons specified in Clause 2 of this Article to get access to. look into, excerpt and copy the list of its affiliated persons and other contents in the quickest and most convenient manner. Nobody is allowed to prevent or obstruct them from exercising the right to access information under Clause 2 of this Article.
Article 29. Election by accumulative votes
1. The method of accumulatively counting votes specified at Point c. Clause 3. Article 104 of the Law on Enterprises applies to all joint-stock companies, including also listing companies, unless otherwise provided for by the securities law.
2. Before and during a meeting of the Shareholders' General Meeting, shareholders may together join in a group to nominate their candidates and accumulate voles for those candidates.
3. The number of candidates that each group may nominate depends on the number of candidates decided by the General Meeting and the shareholding rate of each group. Unless otherwise prescribed by the company charter or decided by the Shareholders' General Meeting, the number of candidates that each group may nominate is as follows:
a/ A shareholder or group of shareholders holding between 10% and under 20% of total shares with voting right may nominate one candidate al most:
b/ A shareholder or a group of shareholders holding between 20% and under 30% of total shares with voting right may nominate two candidates al most:
c/ A shareholder or a group of shareholders holding between 30% and under 40% of total shares with voting right may nominate three candidates at most:
d/ A shareholder or a group of shareholders holding between 40%. and under 50%' of total shares with voting right may nominate four candidates at most:
e/ A shareholder or a group of shareholders holding between 50% and under 60% of total shares with voting right may nominate five candidates at most;
f/ A shareholder or a group of .shareholders holding between 60% and under 70% of total shares with voting right may nominate six candidates at most;
g/ A shareholder or a group of shareholders holding between 70% and under 80% of total shares with voting right may nominate seven candidates at most:
h/ A shareholder or a group of shareholders holding between 80% and under 90% of total shares with voting right may nominate eight candidates at most.
If the number of candidates nominated by a shareholder or a group of shareholders is less than the number which he/she/it may nominate, the remaining candidates may be nominated by the Board of Directors or the Control Board or other shareholders.
4. Elected members of the Board of Directors or the Control Board shall be determined based on the number of votes for. to be calculated in descending order, starting from the candidate winning the highest number of votes for until a sufficient number of members is obtained under the company charier. In case two or more candidates win equal numbers of voles for the last member of the Board of Directors or the Control Board, a re-election shall be held among these candidates or they shall be elected according to the criteria set forth by the election rides or the company charter.
Article 30. Additional guidance on meetings of the Board of Directors
1. A meeting of the Board of Directors according to the first letter of convening is conducted when at least three fourths of its total members attend it.
2. If a meeting convened according to Clause 1 of this Article has an insufficient number of attendants as required, the second letter of convening shall be issued within 15 days from the first scheduled meeting dale. In this case, the meeting shall be conducted when more than half of the Board of" Directors members attend it.
Article 31. Transformation of one-member limited liability companies into limited liability companies with two or more members
1. Transformation of wholly slate-owned limited liability companies into limited liability companies with two or more members is subject to the Government's separate regulations.
2. A one-member limited liability company (except the case specified in Clause I of this Article) may be transformed into a limited liability company with two or more members when its owner has fully contributed the committed capital amount to the company. The company may be transformed by the following modes:
a/ Its owner transfers, donates or gives as gift pan of his/her/its holding at the company lo one or several others;
b/ The company mobilizes more capital from one or several persons.
The value of the contributed capital amount which is transferred, donated, given as gift or additionally mobilized by the above mode of transformation must be calculated at market prices or prices determined by the asset method or discount cash flow method or another method.
3. Within 15 working days after the company owner transfers, donates or gives as gift part of his/her/its holding at the company to one or several others or the company additionally mobilizes more contributed or committed capital from one or several others, the company shall send or submit the transformation dossier to the competent business registration agency or state agency in charge of investment management which has granted its investment certificate. The dossier, order and procedures for transformation comply with relevant provisions of the Government's Decree No. 43/2010/ND-CT of April 15. 2010. on enterprise registration.
Within 5 working days after receiving a transformation dossier, the competent business registration agency or slate agency in charge of investment management shall re-grant an enterprise registration certificate or an investment certificate.
4. The transforming company shall automatically take over all lawful rights and interests, and take responsibility for all debts, including tax debts, labor contracts and other liabilities of the transformed company.
5. Within 7 working days after granting an enterprise registration certificate or an investment certificate specified in Clause 3 of this Article. the competent business registration agency or state agency in charge of investment management shall notify concerned state agencies specified in Clause I, Article 27 of the Law on Enterprises, and concurrently delete the name of the transformed company from the business register.
Article 32. Transformation of joint-stock companies or limited liability companies with two or more members ink) one-member limited liability companies
1. A joint-stock company or a limited liability company with two or more members may be transformed into a one-member limited liability company by any of the following modes:
a/ A shareholder or a member receives all shares or contributed capital portions transferred by other shareholders or members;
b/ A shareholder or a member being a legal entity receives investment capital contributions being all shares or contributed capital amounts of all other shareholders or members;
c/ An organization or individual other than a member or a shareholder is transferred or receives investment capital contributions being all shares or contributed capital amounts of all shareholders or members of the company.
2. The transferor receipt of investment capital contributions in shares or contributed capital amounts specified in Clause 1 of this Article shall be conducted at market prices or prices determined by the asset method, discount cash flow method or another method.
3. Within 15 working days after a shareholder or a member is transferred shares or capital under Point a. Clause 1 of this Article, or receives contributed investment capital under Point b, Clause 1 of this Article, or another person is transferred shares or capital or contributes investment capital under Point c. Clause 1 of this Article, the company shall send or submit the transformation dossier to the business registration office with which the former enterprise has registered or to the competent state agency in charge of investment management which has granted its investment certificate. The transformation dossier complies with relevant provisions of the Government's Decree No. 43/ 2010/NP-CP of April 4. 2010. on enterprise registration.
Within 5 working days after receiving the transformation dossier, the competent business registration office or stale agency in charge of investment management shall re-grant an enterprise registration certificate or an investment certificate.
4. The transforming company shall automatically lake over all lawful rights and benefits, and take responsibility for all debts, including tax debts, labor contracts and other obligations, of the transformed company.
5. Within 7 working days after granting an enterprise registration certificate or an investment certificate specified in Clause 3 of this Article the business registration office or competent state agency in charge of investment management shall notify concerned stale agencies specified in Clause I. Artie fie 27 of the Law on Enterprises; and at the same time, delete the name of the transformed company from the business register.
Article 33. Transformation of limited liability companies into joint-stock companies
1. Transformation of wholly stale-owned limited liability companies into joint-stock companies complies with provisions of law on transformation of state companies into joint-stock companies.
2. A limited liability company may be transformed into a joint-stock company by any of the following modes:
a/ Transformation into a joint-stock company without mobilizing equity capital contributions of other persons or selling existing shares to others;
b/ Transformation into a joint-stock company combined with public offering of securities;
c/ Transformation into a joint-stock company combined with offering of shares to less than 100 identified investors.
3. For limited liability companies which are transformed into joint-stock companies by through public offering of securities, the transformation conditions and the securities offering order, procedures and conditions comply with the securities law.
4. Within 5 working days after receiving a transformation dossier, the business registration office or the state agency in charge of investment management shall re-grant an enterprise registration certificate or investment certificate: and at the same time, revoke the one already granted to the transformed company. The transformation dossier complies with relevant provisions of the Government's Decree No. 43/2010/ND-CT of April 15. 2010. on enterprise registration.
5. The transforming company shall automatically take over all lawful rights and benefits and take responsibility for all debts, including tax debts, labor contracts and other obligations, of the transformed company.
6. Within 7 working days after granting an enterprises registration certificate or an investment certificate under Clause 4 of this Article, the business registration office or competent state agency in charge of investment management shall notify concerned state agencies specified in Clause 1, Article 27 of the Law on Enterprises: and at the same lime, delete the name of the transformed company from the enterprise register.
Article 34. Principal contents of written requests for transformation
A written request for transformation specified in Articles 31. 32 and 33 of this Decree must have at least the following contents:
1. Name of the transformed company:
2. Name of the transforming company (if it plans to change its name after transformation):
3. Address of the company's head office, telephone number, fax number and email address (if any):
4. Business lines:
5. Current charier capital and charter capital after additional mobilization of contributed capital or shares:
6. Mode of transformation;
7. Hull name, address of permanent residence, identity card or passport serial number of the company's at-law representative;
8. Other contents specified in Clauses 5 and 6. Article 21 of the Law on Enterprises.
Article 35. Contents of enterprise registration certificates or business registration in investment certificates applicable to cases of transformation
An enterprise registration certificate of a transforming company defined in Articles 31.32 and 33 of this Decree has the following principal contents:
1. Name of the transformed company, serial number and date of grant of its enterprise registration certificate or investment certificate; and its charter capital:
2. Name of the transforming company; serial number and date of grant of its enterprise registration certificate or investment certificate:
3. Addresses of the head office, branches, representative offices; telephone number, fax number and email address (if any) of the transforming company;
4. Charter capital of the transforming company, for limited liability companies; the number of shares and value of the sold shares: the number of shares which may be offered, for joint-stock companies;
5. Business lines;
6. Full name, address of permanent residence or temporary residence registration (for foreigners), nationality, identity card serial number or passport number (for foreigners) or other lawful personal identification, of the company's at-law representative.
7. Other contents specified in Clause 3. Article 25 of the Law on Enterprises.
Article 36. Transformation of private enterprises into limited liability companies
1. A private enterprise may be transformed into a limited liability company under its owner's decision if it fully satisfies the following conditions:
a/ It satisfies all the conditions specified in Article 24 of the Law on Enterprises:
b/ Its owner is the owner of the transforming company (in case the enterprise is transformed into a limited liability company with the sole individual member) or a member of the transforming company (in case the enterprise is transformed into a limited liability company with two or more members):
c/ Its owner makes a written commitment to take personal responsibility with all of his/her property for its undue debts and to pay all those debts when they come due;
d/ Its owner has a written agreement with parties to unliquidated contracts that the transformed limited liability company accepts and performs those contracts:
e/ Its owner makes a written commitment or agreement with other capital-contributing members on the acceptance and use of its existing employees.
2. Within 10 working days after receiving the dossier, the business registration office shall consider and grant a business registration certificate to the limited liability company that fully satisfies the conditions specified in Clause I of this Article. In case of refusal, it shall reply in writing, clearly stating the reason and giving instructions on required amendments or supplements. The transformation dossier complies with relevant provisions of the Government's Decree No. 43/20I0/ND-CT of April 15, 2010, on enterprise registration.
3. Within 7 working days after granting an enterprise registration certificate under Clause 2 of this Article, the business registration office or competent state agency in charge of investment management shall notify concerned stale agencies specified in Clause I. Article 27 of the Law on Enterprises: and concurrently delete the name of the private enterprise from the business register.
Article 37. Joint-venture enterprises and wholly foreign-owned enterprises which have not been re-registered under the Government's Decree No. 101/2006/ND-CP
1. To comply, in the organization of their internal management and operation, with their charters or relevant provisions of the Law on Enterprises and guiding documents for issues not provided for in their charters.
2. To have the rights and obligations provided by the Law on Enterprises, the Investment Law and relevant laws in business activities within business lines indicated in their investment licenses.
Article 38. Additional guidance on economic groups
1. An economic group consists of large-sized companies with independent legal entity status, which are combined or associated through investment, capital contribution, merger, acquisition, re-organization or other forms of association: bound together on a long-term basis in terms of economic interests, technology, market and other business services, thus formulating a business complex with enterprises organized at two or more levels, operating in the form of parent company-subsidiary company.
2. An economic group has no legal person status and is not subject to business registration under the Law on Enterprises. The organization and operation of a group is decided by agreement among its founding companies.
3. A parent company is organized in the form of a joint-stock company or a limited liability company, satisfying the conditions specified in Clause 15. Article 4 of the Law on Enterprises. A subsidiary company is organized in the form of a joint-stock company or a limited liability company under the Law on Enterprises or relevant laws.
The parent company, subsidiary companies and other companies forming an economic group have the rights, obligations, organizational and managerial apparatus and operation compatible with the form of enterprise organization provided for in the Law on Enterprises, relevant laws and the company charter.
4. The word "group" may be used as a component of the name of a parent company in accordance with Articles 31 thru 34 of the Law on Enterprises on naming of enterprises
5. The Ministry of Finance shall guide the consolidated financial reporting regime, supervise financial activities of economic groups, of parent companies and subsidiary companies of an economic group.
The Ministry of Industry and Trade shall guide the supervision of economic groups and parent companies-subsidiary companies of an economic group in the implementation of regulations on competition restriction and combat against abuse of the dominant position or monopoly in the market.
Article 39. Supervision by business registration offices of the order and procedures for holding the Shareholders' General Meeting and decisions of the Shareholders' General Meeting
1. Shareholders or a group of shareholders defined in Clause 2. Article 79 of the Law on Enterprises may request the business registration office or competent slate agency in charge of investment management to supervise the order and procedures for convening and proceeding the Shareholders' General Meeting and issuing a decision of the Shareholders' General Meeting they convene according to Clause 6. Article 97 of the Law on Enterprises.
2. Such a request must be made in writing and has the following principal contents:
a/ Name and address of the company's head office;
b/ .Serial number and date of grant of the enterprise registration certificate:
c/ List of shareholders or group of shareholders requesting convention of the Shareholders' General Meeting, including full names (of individuals), names and addresses of head offices (of legal entities), number of common shares and holding rates, dates and serial numbers of shareholding registration in the shareholder register:
d/ Reason(s) for convening the Shareholders' General Meeting, time and place of the meeting:
e/ Signatures of all shareholders or group of shareholders convening the meeting.
3. A request as specified in Clause 2 of this Article must be enclosed with:
a/ A written request for the Board of Directors and the Control Board to convene the Shareholders' General Meeting under Point c. Clause 3. Article 97 of the Law on Enterprises;
b/ Letter of invitation to the Shareholders' General Meeting;
c/ Meeting agenda and documents.
4. Upon receiving a complete dossier as specified in Clauses 2 and 3 of this Article, at least 3 days before the meeting, the business registration office or competent state agency in charge of investment management shall appoint a representative to supervise the Shareholders' General Meeting, provided shareholders or group of shareholders convening the meeting have registered their shareholdings in the shareholder register and their shareholding rates are sufficient under Clause 2. Article 79 of the Law on Enterprises.
5. The representative of the business registration office or competent state agency in charge of investment management shall supervise the order and procedures for proceeding the Shareholders' General Meeting and issuing its decisions on matters on its agenda under the Law on Enterprises and guiding documents.
At the request of the chairperson, that representative may explain and guide the mode and procedures for proceeding the Shareholders' General Meeting and voting, when deeming it necessary.
6. One day after the conclusion of the Shareholders' General Meeting, the representative of the competent business registration office or slate agency in charge of investment management shall make a written report on results of supervision of the meeting, send it to the company and concurrently file it in the company's enterprise registration dossier. Such a report must contain his/her comment on the legality of the meeting's order and procedures.
Article 40. Dissolution of enterprises
1. Enterprises shall be dissolved in the cases specified in Clause 1. Article 157 of the Law on Enterprises, have their investment certificates revoked under Article 68 of the Government's Decree No. 108/2006/ND-CT of September 22. 2006. detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Investment Law, or are declared dissolved by a court.
2. The order and procedures for dissolution and liquidation of assets of enterprises comply with Clauses 1 thru 4. Article 158 of the Law on Enterprises.
3. Within 7 working days alter completing the dissolution and paying all debts for an enterprise, its at-law representative shall send the liquidation dossier to the competent business registration office or state agency in charge of investment management. An enterprise liquidation dossier specified in Clause 5, Article 158 of the Law on Enterprises comprises:
a/ A dissolution decision or decision on revocation of the enterprise registration certificate or investment certificate, or the court decision on dissolution of the enterprise;
b/A list of creditors and paid debts, including tax debts and social insurance premium debts;
c/ A list of existing laborers and their settled benefits;
d/ A written certification of the tax office of fulfillment of tax obligations:
e/A written certification of the police office of revocation of the seal;
f/ The enterprise registration certificate or investment certificate.
4. Members of the Board of Directors of joint-stock companies, members of the Members' Council of limited liability companies, owners of companies or private enterprises, directors or directors general, and partners to partnerships are responsible for the truthfulness and accuracy of enterprise dissolution dossiers.
5. If a dissolution dossier is inaccurate or forged, the persons defined in Clause 4 of this Article shall take joint responsibility for paying all unpaid debts and lax amounts and settling the unsettled benefits of employees; take personal responsibility before law for consequences arising within three years from the dale of submitting the enterprise dissolution dossier lo the business registration office or competent state agency in charge of investment management.
6. The dissolution of enterprises and economic organizations established and operating under the laws specified in Clause 3, Article 3 of this Decree complies with those laws.
Article 41. Termination of operation of branches
1. Operation of branches of an enterprise may be terminated under decisions of that enterprise or decisions on revocation of branch operation certificates issued by competent stale agencies.
2. A branch operation termination dossier comprises:
a/ The enterprise's decision on the branch operation termination or the decision on revocation of the branch's operation certificate, issued by a competent state agency;
b/ A list of creditors and unpaid debts, including tax debts, of the branch and unpaid social insurance premiums;
c/ A list of laborers and their related current benefits;
d/ The branch operation registration certificate;
e/ A written certification of a police office of revocation of the branch's seal.
3. The enterprise's at-law representative and the director of the dissolved branch shall take joint responsibility for the truthfulness and accuracy of the branch operation termination dossier.
4. The enterprise having a branch of which operation has been terminated shall perform contracts, pay debts, including tax debts, of the branch, and continue employing or settling all lawful benefits of the branch's employees under law.
5. Within 7 working days after receiving a complete branch operation termination dossier as specified in Clause 2 of this Article, the business registration office or competent state agency in charge of investment management shall delete the name of that branch from the branch operation register.
1. This Decree takes effect on November 15, 2010.
2. This Decree replaces the Government's Decree No. 139/2007/ND-CP of September 5, 2007, guiding in detail a number of articles of the Law on Enterprises.
Article 43. Organization of implementation
Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, chairpersons of provincial-level People's Committees and subjects of application of this Decree shall implement this Decree.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực