Chương III Nghị định 01/2018/NĐ-CP: Quyền và nghĩa vụ của tổng công ty
Số hiệu: | 01/2018/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 03/01/2018 | Ngày hiệu lực: | 03/01/2018 |
Ngày công báo: | 20/01/2018 | Số công báo: | Từ số 93 đến số 94 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Quyền đối với vốn và tài sản:
a) Chiếm hữu, sử dụng vốn và tài sản của Tổng công ty để kinh doanh, nhằm đạt được các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản của Tổng công ty theo quy định của pháp luật;
b) Được sử dụng vốn, tài sản thuộc quyền quản lý của Tổng công ty để đầu tư ra ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;
c) Quản lý và sử dụng các tài sản, nguồn lực được Nhà nước giao, cho thuế là đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên;
d) Nhà nước không điều chuyển vốn Nhà nước đầu tư tại Tổng công ty và vốn, tài sản của Tổng công ty theo phương thức không thanh toán, trừ trường hợp quyết định tổ chức lại Tổng công ty hoặc thực hiện mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
đ) Thực hiện các quyền khác đối với vốn và tài sản theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ đối với vốn và tài sản:
a) Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư tại Tổng công ty, vốn Tổng công ty tự huy động;
b) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Tổng công ty trong phạm vi số tài sản của Tổng công ty;
c) Định kỳ đánh giá lại tài sản của Tổng công ty theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Quyền trong sản xuất, kinh doanh
a) Chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch; tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu kinh doanh và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả;
b) Kinh doanh những ngành, nghề, lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này và các ngành, nghề khác theo quyết định của chủ sở hữu, mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng, nhu cầu của thị trường trong, ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Tìm kiếm thị trường, khách hàng trong và ngoài nước và ký kết hợp đồng; quyết định việc phối hợp các nguồn lực, hợp tác kinh doanh của Tổng công ty và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của thị trường, phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, dịch vụ, trừ những sản phẩm, dịch vụ công ích và những sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá;
đ) Quyết định sử dụng vốn, tài sản của Tổng công ty để liên doanh, liên kết, góp vốn vào doanh nghiệp khác; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
g) Quyết định đầu tư thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Tổng công ty ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;
h) Cùng với các nhà đầu tư khác thành lập công ty con mới hoặc công ty liên kết ở trong nước hoặc ở ngoài nước dưới các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty có vốn đầu tư nước ngoài sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận theo quy định của pháp luật;
i) Quyết định việc huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài của Tổng công ty theo quy định tại các Điều 23, 24, 28 và 29 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp;
k) Quyết định phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định thuộc thẩm quyền;
l) Tuyển chọn, ký kết hợp đồng lao động; bố trí, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động; lựa chọn hình thức trả lương, thưởng cho người lao động trên cơ sở hiệu quả sản xuất kinh doanh và các quy định của pháp luật;
m) Xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức lao động, đơn giá tiền lương và chi phí khác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh và phù hợp với quy định của pháp luật;
n) Có các quyền sản xuất, kinh doanh khác theo nhu cầu thị trường và phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ trong sản xuất, kinh doanh
a) Đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký; đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ do Tổng công ty thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký;
b) Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, các phương án đầu tư, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường và mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao;
c) Tổ chức và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tham gia bình ổn giá lương thực trên thị trường nội địa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia theo quy định của Chính phủ;
d) Đổi mới, hiện đại hóa công nghệ và phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh;
đ) Chấp hành các quy định của Nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, di tích - di sản văn hóa;
e) Chịu sự giám sát của chủ sở hữu trong việc thực hiện các quy định về thang bảng lương, đơn giá tiền lương, chế độ tiền lương đối với người quản lý và người lao động;
g) Thực hiện dự án đầu tư, mua, bán, thuê, cho thuê tài sản, hợp đồng huy động vốn của Tổng công ty theo đúng chủ trương được phê duyệt và quy định của pháp luật;
h) Thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định; định kỳ báo cáo các thông tin về hoạt động và tài chính của Tổng công ty với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về tính xác thực của báo cáo;
i) Chịu sự kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát của chủ sở hữu; tuân thủ các quy định về thanh tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
k) Chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về sử dụng vốn để đầu tư thành lập công ty con, công ty liên kết;
l) Bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, quyền tham gia quản lý Tổng công ty của người lao động theo quy định của pháp luật;
m) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao.
1. Quyền về tài chính
a) Huy động vốn để kinh doanh dưới hình thức phát hành trái phiếu; vay vốn của tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.
Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu Tổng công ty và đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, bao gồm cả khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ theo quy định;
b) Chủ động sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh của Tổng công ty; được thành lập, sử dụng và quản lý các quỹ của Tổng công ty theo quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Việc huy động và sử dụng các quỹ được quy định tại Quy chế quản lý tài chính của Tổng công ty.
Chuyển nhượng, thanh lý, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc thẩm quyền của Tổng công ty trên nguyên tắc bảo toàn phát triển vốn theo quy định của pháp luật;
c) Quyết định trích khấu hao tài sản cố định theo nguyên tắc mức trích khấu hao tối thiểu phải bảo đảm bù đắp hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình của tài sản cố định và không thấp hơn tỷ lệ trích khấu hao tối thiểu do Bộ Tài chính quy định;
d) Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của Tổng công ty theo quy định của pháp luật;
đ) Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ; thưởng tăng năng suất lao động; thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Các khoản tiền thưởng này được hạch toán vào chi phí kinh doanh của Tổng công ty theo quy định của Nhà nước;
e) Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư, tái đầu tư theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền chủ sở hữu đối với phần vốn đã đầu tư vào các công ty con và các doanh nghiệp khác;
g) Được quyền bảo lãnh cho công ty con do Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; trường hợp các công ty con của Tổng công ty có nhu cầu bảo lãnh vay vốn ngân hàng, các tổ chức tín dụng thì Tổng công ty được bảo lãnh theo đúng quy định của pháp luật;
h) Lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trích quỹ phát triển khoa học công nghệ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân chia theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tổng công ty còn nợ đến hạn phải trả mà chưa trả hết thì chỉ được tăng lương, trích thưởng cho cán bộ, nhân viên Tổng công ty kể cả người quản lý sau khi đã trả hết nợ đến hạn;
i) Có các quyền khác về tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ về tài chính của Tổng công ty
a) Tự chủ về tài chính, tự cân đối về các khoản thu, chi; kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu nhà nước giao; đăng ký kê khai và nộp đủ thuế; thực hiện nghĩa vụ đối với chủ sở hữu và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
b) Quản lý, sử dụng có hiệu quả: vốn kinh doanh bao gồm cả phần vốn đầu tư vào công ty con và công ty khác; tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao, cho thuê;
c) Sử dụng vốn và các nguồn lực khác để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khi Nhà nước yêu cầu;
d) Chấp hành đầy đủ chế độ quản lý vốn, tài sản, các quỹ, chế độ hạch toán kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính trung thực và hợp pháp đối với các hoạt động tài chính của Tổng công ty;
đ) Thực hiện chế độ báo cáo tài chính, công khai tài chính hàng năm và cung cấp các thông tin cần thiết để đánh giá trung thực về hiệu quả hoạt động của Tổng công ty;
e) Thực hiện các nghĩa vụ khác được quy định tại Quy chế tài chính của Tổng công ty và quy định khác của pháp luật.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực