Chương IV Luật Tổ chức Chính phủ 1992: Bộ, cơ quan ngang Bộ
Số hiệu: | 1/L-CTN | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 30/09/1992 | Ngày hiệu lực: | 02/10/1992 |
Ngày công báo: | 30/11/1992 | Số công báo: | Số 22 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
07/01/2002 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Bộ, cơ quan ngang Bộ là các cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Trình Chính phủ kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm của ngành, lĩnh vực; tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch trong phạm vi cả nước;
2- Chuẩn bị các dự án Luật, Pháp lệnh và các dự án khác theo sự phân công của Chính phủ;
3- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ.
Quyết định các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành thuộc thẩm quyền;
4- Trình Chính phủ việc ký kết, tham gia, phê duyệt các điều ước quốc tế thuộc ngành, lĩnh vực; tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế, điều ước quốc tế theo quy định của Chính phủ;
5- Tổ chức bộ máy quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ; trình Chính phủ quyết định phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước cho Uỷ ban nhân dân địa phương về nội dung quản lý ngành, lĩnh vực công tác.
Đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và chức vụ tương đương; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và các chức vụ tương đương; căn cứ vào chính sách chung của Nhà nước tổ chức thực hiện công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và các chế độ khác đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình;
6- Quản lý Nhà nước các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật; bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân do ngành, lĩnh vực mình phụ trách;
7- Quản lý Nhà nước các tổ chức kinh tế, sự nghiệp ngoài quốc doanh thuộc ngành, lĩnh vực;
8- Quản lý và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ;
9- Trình bày trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo của Bộ theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;
10- Thực hiện những nhiệm vụ khác do Thủ tướng uỷ nhiệm.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng phụ trách một số công tác do Chính phủ quy định.
Căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ra quyết định, chỉ thị, thông tư và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở.
Các quyết định, chỉ thị, thông tư về quản lý Nhà nước thuộc ngành và lĩnh vực do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hướng dẫn và kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quyền kiến nghị với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do các cơ quan đó ban hành trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước hoặc của Bộ, cơ quan ngang Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ phụ trách; nếu người nhận được kiến nghị không nhất trí thì trình lên Thủ tướng quyết định.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quyền kiến nghị với Thủ tướng đình chỉ việc thi hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước hoặc của Bộ, cơ quan ngang Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ phụ trách.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quyền đình chỉ việc thi hành, đề nghị Thủ tướng bãi bỏ những quy định của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với các văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ về ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ phụ trách và chịu trách nhiệm về quyết định đình chỉ đó. Nếu Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không nhất trí với quyết định đình chỉ việc thi hành thì vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị với Thủ tướng.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp để chuẩn bị các đề án chung trình Chính phủ và Thủ tướng; ra thông tư liên bộ để chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện những vấn đề thuộc chức năng quản lý Nhà nước.
Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là người giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, được phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ.
Khi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ vắng mặt, một Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được uỷ nhiệm lãnh đạo công tác của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực