Chương II Luật Tổ chức Chính phủ 1992: Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ
Số hiệu: | 1/L-CTN | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 30/09/1992 | Ngày hiệu lực: | 02/10/1992 |
Ngày công báo: | 30/11/1992 | Số công báo: | Số 22 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
07/01/2002 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống thống nhất bộ máy hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ viên chức Nhà nước;
2- Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân;
3- Trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
4- Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước;
5- Thi hành những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình; bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường;
6- Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
7- Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê của Nhà nước; công tác thanh tra và kiểm tra Nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
8- Thống nhất quản lý công tác đối ngoại của Nhà nước; ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
9- Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo;
10- Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
11- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế:
1- Thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố và phát triển kinh tế quốc doanh, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt để bảo đảm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân; củng cố và mở rộng các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác phát triển;
2- Xây dựng dự án kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, năm năm hàng năm trình Quốc hội; chỉ đạo thực hiện các kế hoạch đó;
3- Lập dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Nhà nước và quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm trình Quốc hội; tổ chức và điều hành thực hiện ngân sách Nhà nước được Quốc hội quyết định;
4- Quyết định chính sách cụ thể, các biện pháp về tài chính, tiền tệ, tiền lương, giá cả;
5- Thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân, tài nguyên quốc gia; thực hành chính sách tiết kiệm;
6- Thi hành chính sách bảo vệ, cải tạo, tái sinh và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên;
7- Thống nhất quản lý và mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức quan hệ kinh tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và cùng có lợi, thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo hộ hàng nội địa;
8- Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê Nhà nước.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường:
1- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ;
2- Quyết định chính sách về khoa học công nghệ, đầu tư và khuyến khích tài trợ cho khoa học, ưu tiên cho những hướng khoa học, công nghệ mũi nhọn;
3- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ, thông tin khoa học;
4- Quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ;
5- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thông tin, thể thao và du lịch:
1- Thống nhất quản lý và phát triển sự nghiệp văn hoá, văn học, nghệ thuật; thi hành các biên pháp để bảo tồn, phát triển nền văn hoá dân tộc Việt Nam; bảo trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hoá, nghệ thuật; chống việc truyền bá tư tưởng và văn hoá phản động, đồi truỵ; bài trừ mê tín, hủ tục;
2- Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục; ưu tiên đầu tư, khuyến khích các nguồn lực khác để phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng; học hàm, học vị, các hình thức trường, lớp đào tạo và các hình thức giáo dục khác; thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, xoá nạn mù chữ;
3- Thống nhất quản lý và phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác; thi hành các biện pháp để ngăn chặn những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam;
4- Thống nhất quản lý sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao; tạo điều kiện để mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, chú trọng hoạt động thể thao chuyên nghiệp, bồi dưỡng các tài năng thể thao;
5- Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực xã hội và y tế:
1- Thực hiện chính sách và các biện pháp nhằm tạo việc làm cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động; phát triển sự nghiệp phúc lợi công cộng và cứu tế xã hội;
2- Thống nhất quản lý sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, huy động và tổ chức mọi lực lượng xã hội xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam; đầu tư, phát triển sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, thống nhất quản lý công tác phòng bệnh, chữa bệnh, sản xuất và lưu thông thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa các bệnh xã hội, thực hiện các chính sách, chế độ về y tế, bảo vệ sức khoẻ nhân dân;
3- Thực hiện chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, chính sách khen thưởng và chăm sóc đối với những người và gia đình có công với nước;
4- Thực hiện các chính sách và biện pháp bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình, bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, giúp đỡ người già, người tàn tật và trẻ mồ côi không nơi nương tựa; có biện pháp ngăn ngừa và chống mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ;
5- Tổ chức và thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, giảm tỷ lệ tăng dân số;
6- Tổ chức và tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, phát huy khả năng của thanh niên trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc;
7- Tổ chức thực hiện các biện pháp đấu tranh và ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực dân tộc và tôn giáo:
1- Quyết định chính sách cụ thể, các biện pháp để bảo đảm thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, quyền dùng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình; chống mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc;
2- Quyết định chính sách cụ thể, các biện pháp ưu tiên phát triển mọi mặt ở các vùng dân tộc thiểu số, xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện chương trình định canh, định cư, phát triển kinh tế hàng hoá, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và các vùng căn cứ địa cách mạng;
3- Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, chương trình chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số; có quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số;
4- Thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tư do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân; bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội:
1- Thực hiện các biện pháp để củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
2- Thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần và chính sách hậu phương đối với các lực lượng vũ trang nhân dân;
3- Tổ chức và thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm, các vi phạm pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực đối ngoại:
1- Thống nhất quản lý công tác đối ngoại của Nhà nước, quyết định các chủ trương, biện pháp để tăng cường và mở rộng quan hệ với nước ngoài;
2- Trình Chủ tịch nước quyết định việc ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức việc ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia;
3- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
4- Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện các chính sách cụ thể về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hoá, giáo dục và các lĩnh vực khác với các nước và các tổ chức quốc tế; mở rộng công tác thông tin đối ngoại;
5- Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các cơ quan đại diện của Nhà nước tại nước ngoài và tại các tổ chức quốc tế.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức hệ thống hành chính Nhà nước:
1- Trình Quốc hội quyết định việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Quyết định việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
2- Tổ chức và chỉ đạo hoạt động của hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước thông suốt trong hệ thống hành chính Nhà nước, cơ quan hành chính cấp dưới phải phục tùng sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan hành chính cấp trên;
3- Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân địa phương;
4- Thống nhất quản lý viên chức trong các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; xây dựng và đào tạo đội ngũ viên chức Nhà nước có trình độ, năng lực, trung thành với Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tận tuỵ phục vụ nhân dân; quyết định và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và các chế độ khác đối với viên chức Nhà nước; quy định và thực hiện chính sách cụ thể đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
1- Hướng dẫn và kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng; kiểm tra tính hợp pháp của các nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
2- Tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định:
- Gửi Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng có liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương; giải quyết những kiến nghị của Hội đồng nhân dân;
- Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân kiến thức về quản lý Nhà nước;
- Bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính để Hội đồng nhân dân hoạt động.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp:
1- Trình các dự án luật trước Quốc hội và dự án pháp lệnh trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội; ban hành kịp thời các văn bản pháp quy để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản pháp quy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp;
2- Quyết định các biện pháp chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các quyết định của Chính phủ trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật;
3- Quyết định những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội;
4- Quản lý công tác hành chính tư pháp, các tổ chức luật sư, giám định tư pháp, tư vấn pháp lý; công tác thi hành án; công chứng, hộ tịch; xây dựng và phát triển khoa học pháp lý;
5- Tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra Nhà nước; tổ chức và chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Chính phủ thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số những vấn đề quan trọng sau đây:
1- Chương trình hoạt động hàng năm của Chính phủ;
2- Các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
3- Dự án kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, năm năm, hàng năm, các công trình quan trọng; dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm trình Quốc hội;
4- Các chính sách cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ, các vấn đề quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
5- Các đề án trình Quốc hội về việc thành lập, sáp nhập, giải thể các Bộ, cơ quan ngang Bộ; việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc thành lập hoặc giải thể các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; quyết định việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
6- Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ;
7- Các báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.