Chương IV Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 số 38/2024/QH15: Chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Số hiệu: | 38/2024/QH15 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Trần Thanh Mẫn |
Ngày ban hành: | 27/06/2024 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2025 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Chưa có hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh
Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 .
Chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
- Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
- Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
- Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.
- Huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
- Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
**Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp được hưởng chính sách sau đây:
a) Được hưởng chính sách đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; chính sách đối với doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định pháp luật về công nghệ cao; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật có liên quan;
b) Được hưởng chính sách theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 21 của Luật này; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, mở rộng năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao;
c) Được chủ động mua sắm vật tư và chuẩn bị các yếu tố bảo đảm, tổ chức nghiên cứu, sản xuất bảo đảm tiến độ, chất lượng sản phẩm theo nhiệm vụ được giao;
d) Được trích khấu hao, trích hao mòn theo chế độ đặc thù đối với tài sản cố định là dây chuyền sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị và tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
đ) Giá vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ được xác định theo quy định của pháp luật, trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù thì thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;
e) Người đại diện theo pháp luật của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được thuê và quyết định mức chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư theo thỏa thuận, tương xứng với nhiệm vụ được giao;
g) Được Nhà nước hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh không bảo đảm đủ mức lương và các khoản phụ cấp cho người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an;
h) Được hưởng chính sách quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt không phải là doanh nghiệp được hưởng chính sách sau đây:
a) Được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;
b) Khi chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
c) Người đứng đầu cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được sử dụng kinh phí chi thường xuyên và nguồn thu hợp pháp khác để thuê chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư thực hiện nhiệm vụ được giao;
d) Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt hoạt động trong lĩnh vực vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao, phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi được ưu tiên bố trí ngân sách để xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, chế tạo.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Được Nhà nước bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh, bảo đảm kỹ thuật, cất trữ, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật; bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình hạ tầng xã hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Cơ sở công nghiệp quốc phòng khác, cơ sở công nghiệp an ninh khác là doanh nghiệp được hưởng chính sách đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; được trích khấu hao đối với tài sản cố định do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật.
1. Được hưởng chính sách quy định tại Điều 61 của Luật này và ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Chi phí các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt không thành công của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án được bù đắp từ nguồn lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp, được phân bổ 05 năm kể từ thời điểm có quyết định kết thúc chương trình, đề án, dự án và quyết toán chi phí.
3. Không áp dụng tiêu chí bảo toàn, phát triển vốn đối với phần vốn đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt. Khi đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, được loại trừ các yếu tố tác động do sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
4. Được thực hiện cơ chế bảo lãnh thanh toán đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
5. Được bảo đảm nguồn tài chính theo kế hoạch sản xuất quốc phòng, an ninh.
1. Trong chuẩn bị động viên công nghiệp, cơ sở công nghiệp động viên được hưởng chính sách sau đây:
a) Bảo đảm kịp thời, đầy đủ trang thiết bị chuyên dùng và tài liệu công nghệ để hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp;
b) Bảo đảm kịp thời, đúng chủng loại, số lượng, chất lượng vật tư phục vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;
c) Hạch toán chi phụ cấp đặc thù vào giá thành sản phẩm để chi trả cho người lao động trực tiếp trong thời gian thực hiện nhiệm vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp;
d) Bảo đảm kinh phí và thanh toán đúng thời hạn;
đ) Hưởng ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật về thuế khi thực hiện sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong động viên công nghiệp; được ưu đãi về tín dụng theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ khi có biến động về giá so với thời điểm nhận nhiệm vụ;
e) Bộ Quốc phòng ưu tiên đặt hàng sản phẩm, dịch vụ của cơ sở công nghiệp động viên phù hợp với yêu cầu quốc phòng, an ninh.
2. Trong thực hành động viên công nghiệp, cơ sở công nghiệp động viên được hưởng chính sách sau đây:
a) Bảo đảm phương tiện vận chuyển còn thiếu trong trường hợp phải di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp đến địa điểm mới;
b) Bảo đảm kịp thời vật tư, trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu công nghệ và kinh phí thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp;
c) Hưởng ưu đãi về thuế khi sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ nhiệm vụ động viên công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế;
d) Được bù đắp chi phí sản xuất, sửa chữa trong trường hợp giá sản phẩm theo kế hoạch được giao thấp hơn so với chi phí thực tế sản xuất, sửa chữa; kinh phí duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành dây chuyền động viên công nghiệp trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.
3. Kết thúc thực hành động viên công nghiệp, cơ sở công nghiệp động viên được hưởng chính sách sau đây:
a) Bảo đảm phương tiện còn thiếu khi di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp về địa điểm trước khi di chuyển hoặc địa điểm khác mà cơ sở công nghiệp động viên được bố trí sau khi kết thúc thực hành động viên công nghiệp;
b) Hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật.
1. Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp, được trả lương và hưởng chế độ, chính sách sau đây:
a) Được hưởng chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về việc làm, bảo hiểm và pháp luật khác có liên quan;
b) Trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh không bảo đảm đủ lương theo chức vụ, chức danh, cấp hàm, ngạch, bậc và phụ cấp đặc thù thì được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ;
c) Được Nhà nước hỗ trợ chính sách chăm sóc sức khỏe, chính sách cho lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
2. Người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt không phải là doanh nghiệp, được hưởng chế độ, chính sách sau đây:
a) Được hưởng lương, phụ cấp đặc thù từ ngân sách nhà nước và các khoản thu nhập khác từ nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực, nguồn thu hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật;
b) Người lao động trực tiếp tham gia phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh được hưởng phụ cấp đặc thù theo quy định của pháp luật.
3. Ngoài chế độ, chính sách quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được hưởng chế độ, chính sách sau đây:
a) Người lao động khi tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh mà bị thương được xem xét, giải quyết chính sách thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh, nếu chết được xem xét công nhận là liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
b) Người lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật làm việc trong ngành, nghề đặc thù quốc phòng, an ninh, công nhân kỹ thuật bậc cao được hưởng chế độ, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề;
c) Được hưởng quyền tác giả, bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm từ hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về khoa học và công nghệ;
d) Được Nhà nước hỗ trợ về lương và phụ cấp đặc thù theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Chuyên gia được hưởng chính sách quy định tại Điều 65 của Luật này, chế độ, chính sách của người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và các chế độ, chính sách sau đây:
a) Được đàm phán và hưởng lương, thưởng, lợi ích từ kết quả công việc theo thỏa thuận với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt;
b) Được Nhà nước bảo đảm nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ; được tiếp cận thông tin, tư liệu từ các thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng; sử dụng miễn phí hoặc được hỗ trợ toàn bộ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ;
c) Được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, trường hợp chưa bố trí được nhà ở công vụ mà phải thuê nhà thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở; được hỗ trợ phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
d) Trường hợp có nguyện vọng phục vụ lâu dài tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thì được xem xét tuyển dụng giữ chức vụ của sĩ quan và ưu tiên phong cấp bậc quân hàm sĩ quan theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân;
đ) Hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
e) Trường hợp là người nước ngoài thì được xem xét rút ngắn quy trình thủ tục thẩm định cấp giấy phép lao động; được hưởng thù lao đặc biệt và chế độ ưu đãi khác theo hợp đồng lao động.
2. Nhà khoa học đầu ngành được hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều này và chế độ, chính sách sau đây:
a) Được hưởng chế độ, chính sách của nhà khoa học đầu ngành theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
b) Được tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí tham quan, khảo sát, trao đổi khoa học với nhà khoa học quốc tế để cập nhật công nghệ mới, nhưng phải giữ bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh;
c) Được giao triển khai chương trình, đề án khoa học và công nghệ về phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều động nhân lực khoa học và công nghệ, huy động các tổ chức khoa học và công nghệ tham gia thực hiện nhiệm vụ; thuê hoặc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài.
3. Tổng công trình sư được hưởng chính sách quy định tại khoản 2 Điều này và chế độ, chính sách sau đây:
a) Được hưởng chế độ, chính sách của nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
b) Được trực tiếp làm việc, trao đổi với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
4. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí đối với các chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh. Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xét công nhận, hủy công nhận đối với các chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này, quy định mức tối đa tiền lương cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước.
1. Trong thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp, người lao động được doanh nghiệp chi trả lương theo quy định và phụ cấp đặc thù theo định mức như đối với người lao động tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; Nhà nước có chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
2. Người lao động bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, chết trong thời gian diễn tập và thực hành động viên công nghiệp được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Nhà nước hỗ trợ chế độ, chính sách sau đây:
a) Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
b) Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
3. Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét công nhận là liệt sỹ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
4. Người trực tiếp điều khiển phương tiện phục vụ di chuyển dây chuyền động viên công nghiệp được hưởng chế độ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.
1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt khi triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, được tự chủ các hoạt động sau đây:
a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao;
b) Mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ, vật tư, bán thành phẩm phục vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật;
c) Lựa chọn hình thức, đối tác hợp tác; sử dụng chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và nước ngoài;
d) Huy động các nguồn lực để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao;
đ) Được lựa chọn áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tính năng chiến thuật, kỹ thuật trước khi thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được hưởng chính sách sau đây:
a) Được bảo hộ quyền chủ sở hữu, quyền tác giả và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về khoa học và công nghệ;
b) Được phân chia một phần lợi nhuận từ sản xuất sản phẩm có ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tái đầu tư nghiên cứu, chế tạo, phát triển các sản phẩm mới và thực hiện chính sách tại điểm a khoản này;
c) Được miễn trách nhiệm dân sự khi thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ được giao do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Được hưởng cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tạm ứng kinh phí hoặc huy động từ các nguồn hợp pháp để triển khai nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng.
4. Cá nhân tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được trả thù lao theo hình thức khoán công việc được giao.
5. Ưu tiên kết hợp, ứng dụng kết quả đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh vào dự án đầu tư phát triển công nghệ cao.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Nhà nước xây dựng chương trình nghiên cứu cơ bản phát triển công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
2. Chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt được hưởng chính sách sau đây:
a) Được bảo đảm toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác;
b) Ban Chủ nhiệm chương trình, đề án, dự án được quyết định điều chỉnh nội dung nghiên cứu, phương án thực hiện nhiệm vụ và nghiệm thu chuyển sang giai đoạn tiếp theo để bảo đảm được mục tiêu đề ra;
c) Được phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuyên suốt từ nghiên cứu, chế thử đến sản xuất thử nghiệm; tổ chức Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và cho triển khai sản xuất thử nghiệm sau khi sản phẩm nghiên cứu, chế thử đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản đề ra;
d) Đối với nhiệm vụ có tính cấp bách, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ được ứng trước kinh phí hoặc huy động kinh phí từ nguồn hợp pháp để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất thử nghiệm sản phẩm theo yêu cầu tính năng chiến thuật, kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức Hội đồng nghiệm thu và hoàn tất thủ tục để chuyển sang giai đoạn tiếp theo;
đ) Được áp dụng cơ chế đặc biệt để triển khai thực hiện mua tài liệu thiết kế, bí quyết công nghệ, sản phẩm mẫu, vật tư đặc chủng, thuê chuyên gia nước ngoài;
e) Được dự toán kinh phí dự phòng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nội dung nghiên cứu, chế tạo;
g) Được hỗ trợ tìm kiếm và giải mã công nghệ mới, công nghệ cao;
h) Được hưởng cơ chế đầu tư đặc biệt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan phê duyệt, ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong phạm vi quản lý.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.