Chương 9 Hiến pháp năm 1980: Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân
Số hiệu: | 248-LCT | Loại văn bản: | Hiến pháp |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Trường Chinh |
Ngày ban hành: | 18/12/1980 | Ngày hiệu lực: | 19/12/1980 |
Ngày công báo: | 31/12/1980 | Số công báo: | Số 21 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Quyền dân sự | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
18/04/1992 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương;
Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
Huyện chia thành xã và thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và chính quyền cấp trên.
Hội đồng nhân dân quyết định và thực hiện các biện pháp nhằm xây dựng địa phương về mọi mặt, bảo đảm phát triển kinh tế và văn hoá, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho.
Trong hoạt động của mình, Hội đồng nhân dân dựa vào sự cộng tác chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và sự tham gia rộng rãi của công dân.
Hội đồng nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh ở địa phương; quyết định các biện pháp thi hành chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ do cấp trên giao cho.
2- Quyết định kế hoạch và dự toán ngân sách của địa phương, phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch và quyết toán ngân sách của địa phương.
3- Quyết định các vấn đề về sản xuất, phân phối, lưu thông, văn hoá, xã hội và dịch vụ ở địa phương.
4- Bảo đảm việc xây dựng quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương.
5- Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
6- Bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
7- Bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc.
8- Bảo đảm cho công dân được hưởng quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ của mình.
9- Bầu và bãi miễn các thành viên của Uỷ ban nhân dân và các thành viên của Toà án nhân dân cùng cấp.
10- Sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.
11- Giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Hội đồng nhân dân này làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhân dân.
Nghị quyết giải tán đó phải được sự phê chuẩn của Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp trước khi thi hành. Nghị quyết giải tán của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương phải được sự phê chuẩn của Hội đồng Nhà nước trước khi thi hành.
12- Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác của cấp trên ở địa phương.
Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri, xem xét và giúp giải quyết những điều khiếu nại và tố cáo của nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên nhân dân địa phương tham gia quản lý Nhà nước.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Uỷ ban nhân dân và các cơ quan Nhà nước khác của địa phương. Cơ quan bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Những người phụ trách các cơ quan này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét và giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Uỷ ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.
Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và trước Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và trước Hội đồng Bộ trưởng.
Mỗi thành viên Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Uỷ ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân.
Uỷ ban nhân dân triệu tập hội nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp; chấp hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định, chỉ thị của các cơ quan hành chính cấp trên; quản lý công tác hành chính ở địa phương; chỉ đạo các ngành, các cấp thuộc quyền mình nhằm hoàn thành kế hoạch Nhà nước, phát triển kinh tế và văn hoá, củng cố quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân; xét và giải quyết các điều khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân.
Uỷ ban nhân dân các cấp, chiếu theo quyền hạn do luật định, ra những quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó.
Uỷ ban nhân dân có quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các ngành thuộc quyền mình và của Uỷ ban nhân dân cấp dưới, đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết đó.
Nhiệm kỳ của Uỷ ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân.
Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Uỷ ban nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Uỷ ban nhân dân mới.
Trong trường hợp Hội đồng nhân dân bị giải tán, Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Uỷ ban nhân dân lâm thời để đảm nhiệm công tác cho đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Uỷ ban nhân dân mới. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp tương đương bị giải tán thì Hội đồng bộ trưởng chỉ định Uỷ ban nhân dân lâm thời.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực