Chương 10 Hiến pháp năm 1980: Toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân
Số hiệu: | 248-LCT | Loại văn bản: | Hiến pháp |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Trường Chinh |
Ngày ban hành: | 18/12/1980 | Ngày hiệu lực: | 19/12/1980 |
Ngày công báo: | 31/12/1980 | Số công báo: | Số 21 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Quyền dân sự | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
18/04/1992 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.
Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong tình hình đặc biệt hoặc trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt.
ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, theo quy định của pháp luật.
Việc xét xử ở Toà án nhân dân có hội thẩm nhân dân tham gia, theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.
Chế độ bầu cử hội thẩm nhân dân được thực hiện ở Toà án nhân dân các cấp. Nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tối cao là hai năm rưỡi; nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương là hai năm.
Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Toà án nhân dân địa phương và các Toà án quân sự.
Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Toà án đặc biệt, trừ trường hợp Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước quy định khác khi thành lập các Toà án đó.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên Nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện Kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Viện Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các địa phương chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân địa phương do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm và bãi miễn.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực