Nội dung chính Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ (chính xác nhất) - Ngữ văn 12 Cánh diều

Với Nội dung chính Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ Ngữ văn lớp 12 chính xác nhất sách Cánh diều giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ từ đó học tốt môn Ngữ văn 12.

1 9 14/01/2025


Nội dung chính Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ - Ngữ văn 12 Cánh diều

Nội dung chính Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ

Văn bản cung cấp kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của giới trí thức công nghệ. Tác giả đã cung cấp thời gian và đặc trưng cụ thể của từng cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 trên 3 lĩnh vực lớn. Qua đó là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Cuối cùng là vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bố cục Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ

- Phần 1: nhận diện cách mạng công nghiệp 4.0.

- Phần 2: sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

- Phần 3: tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

- Phần 4: Vai trò của đội ngũ tri thức khoa học – công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Bố cục Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ (Cánh diều) chính xác nhất (ảnh 1)

Đọc tác phẩm Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ

Cách mạng công nghệ 4.0 và vai trò của trí thức khoa học – công nghệ

Nguyễn Thế Nghĩa

1. Nhận diện cách mạng công nghiệp 4.0

Cho đến nay, loài người đã biết đến bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Trong đó, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp gắn với sự thay đổi về chất của nền sản xuất dựa trên sự phát triển đột phá về khoa học – công nghệ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1.0) diễn ra vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, làm xuất hiện nền sản xuất cơ khí với máy móc dựa trên phát minh ra động cơ hơi nước, động cơ đốt trong làm cho năng suất lao động tăng cao và xã hội phát triển, xuất hiện văn minh công nghiệp.

Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (2.0) diễn ra vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, làm xuất hiện nền sản xuất theo dây chuyền hàng loạt bằng máy móc dựa trên phát minh ra điện, động cơ điện, đẩy mạnh nâng cao năng suất lao động và phát triển xã hội văn minh công nghiệp.

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (3.0) diễn ra vào cuối thế kỉ XX (từ thập niên 70), làm xuất hiện nền sản xuất tự động hoá dựa trên máy tính, điện tử, Internet và cách mạng số hoá và phát triển xã hội văn minh trí tuệ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) diễn ra từ đầu thế kỉ XXI (được chính thức gọi tên tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 46 ở Đa-vốt – Klót-xtơ (Davos – Klosters), Thụy Sĩ, với sự ra đời của nền sản xuất thông minh dựa trên sự tích hợp và hội tụ của nhiều công nghệ, mà trụ cột là công nghệ thông tin, Internet, công nghệ số và công nghệ sinh học.

Như vậy, thực chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hình thành thế giới số (thế giới ảo), vốn dĩ là sự phản ánh phức tạp và sinh động thế giới vật lí (thế giới thực) cùng với sự kết nối giữa hai thế giới đó tạo nên sự biến đổi mang tính cách mạng tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Ở đây, số hoá và dữ liệu hoá không chỉ tác động nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn làm thay đổi mô hình và phương thức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, nó cũng tác động, làm thay đổi phương thức hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khoa học – công nghệ, văn hoá, giáo dục — đào tạo, y tế.

2. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển dựa trên ba trụ cột cơ bản: công nghệ sinh học, vật lí và kĩ thuật số:

(1) Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung nghiên cứu, tạo ra những bước phát triển đột phá, tạo ra sự nhảy vọt về chất trong y dược (thuốc và phương pháp chữa bệnh mới), nông nghiệp và thuỷ sản (làm biến đổi gene, tạo ra giống cây, giống con mới), chế biến thực phẩm (chất lượng cao, sạch và an toàn,...), bảo vệ môi trường và tái tạo năng lượng,…; (2) Trong lĩnh vực vật lí, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung nghiên cứu, chế tạo các loại rô-bốt (robot) thế hệ mới, máy in 3D, các phương tiện tự lái (xe, máy bay, tàu thuỷ), các vật liệu mới (vật liệu siêu nhẹ, siêu mỏng, siêu bền,...), công nghệ nano,...; (3) Trong lĩnh vực kĩ thuật số, cách mạng công nghiệp tập trung chủ yếu vào phát minh, sáng tạo, phát triển Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT).

Trí tuệ nhân tạo (AI) được hiểu như một lĩnh vực của khoa học máy tính gắn trực tiếp với việc tự động hoá các hành vi thông minh. Cụ thể: AI chính là trí tuệ do con người lập trình tạo ra để giúp máy tính có thể tự động hoá các hành vi thông minh như ở bộ não người (trí tuệ nhân tạo tự mình biết suy nghĩ, lập luận, phân tích, so sánh và tổng hợp rút ra các quyết định (biện pháp, phương pháp,...) giải quyết các vấn đề nhanh gọn. Ngoài ra, AI còn biết giao tiếp, biết nói, biết học, thích nghi và tự bộc lộ sở thích, ham muốn,...

Dữ liệu lớn được hiểu là tài sản thông tin có khối lượng dữ liệu lớn, phong phú, đa dạng với tốc độ cao, yêu cầu phải có công nghệ mới, để xử lí nhanh và hiệu quả (khám phá được các yếu tố quan trọng ẩn giấu sâu trong dữ liệu và tối ưu hoá được dữ liệu) nhằm đưa ra được các quyết định chính xác, kịp thời và có hiệu quả.

Vạn vật kết nối được hiểu là thế giới vạn vật kết nối Internet (hoặc mạng lưới thiết bị kết nối Internet), trong đó mỗi vật, mỗi người đều có định dạng riêng và tất cả đều có khả năng trao đổi, truyền tải thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất (mà không cần sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính). Vạn vật kết nối phát triển dựa trên sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói ngắn gọn, đó là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ nhất định.

3. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam

Đối với Việt Nam, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra điều kiện thuận lợi và thời cơ lớn cho sự phát triển, vừa tạo ra khó khăn và thách thức không nhỏ trong phát triển.

Những thuận lợi và thời cơ phát triển:

– Một là, trên phương diện vĩ mô, cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

– Hai là, ở phương diện vi mô, cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến việc nhận thức lại một số giá trị, định hình lại các ngành công nghiệp, dịch vụ,... mở ra những “khoảng trống”, “kẽ hở” và “không gian” mới trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Và do đó, tạo điều kiện và mở ra các cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa “xếp hàng” vừa “chen chân” và “lấn sân” vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ mới.

– Ba là, cách mạng công nghiệp 4.0 làm sâu sắc hơn quá trình toàn cầu hoá và cùng với toàn cầu hoá tác động, thúc đẩy sự biến đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế. Đó cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Bốn là, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra điều kiện và cơ hội để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể tổ chức cuộc sống, làm việc, học tập, sinh hoạt, giải trí tốt hơn và ngày càng có chất lượng hơn.

Những khó khăn và thách thức trong phát triển:

– Thứ nhất, khó khăn và thách thức lớn nhất là: nếu Việt Nam chậm chạp trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết (vật chất, tinh thần, cơ chế, chính sách, nhân lực,...) để tiếp thu và ứng dụng ngay công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, thì Việt Nam có thể “lỡ hẹn” với cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; và điều này dẫn đến tụt hậu không chỉ xa hơn về kinh tế, mà còn tụt hậu cả về khoa học – công nghệ, tiềm lực an ninh, quốc phòng và chủ quyền số so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

– Thứ hai, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 là khách quan và tất yếu (kể cả trong trường hợp Việt Nam chưa chuẩn bị được các điều kiện cần thiết để chủ động tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới), vì vậy, trong một không gian và thời gian nhất định, ở Việt Nam sẽ diễn ra tình trạng thất nghiệp (do lao động máy móc thay cho lao động con người), sự gia tăng nghèo đói và nới rộng khoảng cách giàu nghèo.

– Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động, tạo khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công việc; có thể tạo ra sự phá sản của một số công tỉ do không cạnh tranh nổi trên thị trường (công nghệ, nhân lực,...).

– Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là sự giao tiếp trên Internet đặt ra thách thức về bảo mật thông tin cho cá nhân con người và cả hệ thống cộng đồng xã hội; đặc biệt là vấn đề bảo mật kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh quốc gia.

4. Vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0

Trong mọi thời đại lịch sử, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội và đội ngũ trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Sinh ra và trưởng thành trong lòng dân tộc, trí thức Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc, luôn có đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Nhiều thế hệ trí thức, nhiều nhà trí thức đã trở thành những tấm gương sáng ngời về yêu nước, thương dân, hết lòng vì nước, vì dân. Vì vậy, nhân dân đã ghi công và tôn vinh trí thức “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”).

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và sức mạnh của tiến bộ khoa học – kĩ thuật trong sự phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”).

Như vậy, xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của cách mạng khoa học – công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế là quan trọng và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh tác động trực tiếp của cách mạng công

nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng công nghiệp này (với cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức) luôn đặt ra yêu cầu cao đối với việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.

Nói cách khác, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

– Một là, lực lượng trí thức khoa học – công nghệ đi tiên phong trong việc nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc cách mạng công nghiệp 4.0 với tất cả các sắc thái, sự tác động; cơ hội và thách thức của nó đối với sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cách mạng khoa học – công nghệ nói chung và cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng tới các tầng lớp nhân dân (công nhân, nông dân, doanh nhân, học sinh, sinh viên,...); làm cho họ thấu hiểu được “cơ hội” và “nguy cơ” do cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến để họ tự nguyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tham gia vào những chương trình, dự án “lập thân, khởi nghiệp” áp dụng công nghệ mới vào cuộc sống.

– Hai là, lực lượng trí thức khoa học – công nghệ không chỉ đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phổ biến kiến thức về khoa học – công nghệ, mà còn gương mẫu, say mê trong việc áp dụng những tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức cuộc sống, bảo vệ môi trường, quản lí xã hội, phát triển y tế, văn hoá, giáo dục – đào tạo, an ninh – quốc phòng,...).

– Ba là, lực lượng trí thức khoa học – công nghệ đi đầu, đảm nhận sứ mệnh lịch sử định hướng, dẫn dắt xã hội thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, nắm bắt và hiện thực hoá cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để đưa đất nước phát triển gần sát với nhóm nước phát triển trên thế giới. [...]

Tóm lại, cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang đến cho Việt Nam cả những thuận lợi, cơ hội lớn để phát triển và cả những khó khăn, thách thức không nhỏ trong phát triển. Trong điều kiện này, lịch sử trao cho đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ Việt Nam sứ mệnh định hướng và dẫn dắt xã hội thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, nắm bắt và hiện thực hoá những cơ hội mà nó mang lại để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

(Theo hcmusta.org.vn)

Tóm tắt Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ

Văn bản cung cấp kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của giới trí thức công nghệ, bao gồm:

+ Nhận diện cách mạng công nghiệp 4.0.

+ Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

+ Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

+ Vai trò của đội ngũ tri thức khoa học – công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Giá trị nội dung Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ

- Văn bản cung cấp kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của giới trí thức công nghệ. Tác giả đã cung cấp thời gian và đặc trưng cụ thể của từng cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 trên 3 lĩnh vực lớn. Qua đó là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Cuối cùng là vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Giá trị nghệ thuật Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học - công nghệ

- Lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng đầy tính thuyết phục.

1 9 14/01/2025


Xem thêm các chương trình khác: