Soạn văn 8 Cánh Diều Tri thức ngữ văn trang 54
Soạn văn 8 Cánh Diều Tri thức ngữ văn trang 54
-
44 lượt thi
-
3 câu hỏi
-
0 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
22/07/2024Truyện lịch sử và tiểu thuyết
– Truyện lịch sử là loại truyện có nội dung liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, truyện lịch sử không chỉ đơn thuần liệt kê các sự kiện, kể về những con người có thật mà còn được nhà văn hư cấu, tưởng tượng, bổ sung, sáng tạo thành những hình tượng văn học sinh động.
– Cốt truyện của truyện lịch sử là một hệ thống sự kiện liên quan đến lịch sử dân tộc được sắp xếp theo ý đồ nhất định của tác giả nhằm thể hiện nội dung, ý nghĩa tác phẩm. Ví dụ, cốt truyện trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh (trích Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái) gồm ba sự kiện chính: a) Tưởng giặc Tôn Sĩ Nghị chủ quan, hống hách, bắt nạt triều đình vua Lê; b) Quang Trung thần tốc ra Bắc đánh tan quân Thanh; c) Vua Lê cùng một số triều thần chạy trốn lên biên giới phía bắc.
– Bối cảnh của truyện lịch sử là hoàn cảnh xã hội của một thời kì lịch sử nói chung được thể hiện qua các sự kiện, nhân vật lịch sử, phong tục, tập quán. Ví dụ, văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh được lấy bối cảnh chung của thời vua Lê – chúa Trịnh, thời kì phong kiến suy tàn.
- Nhân vật chính của truyện lịch sử thường là người thật, việc thật, những anh hùng dân tộc; ngoài ra, tác giả còn có thể hư cấu thêm nhiều nhân vật khác. Ví dụ, trong Quang Trung đại phá quân Thanh, nhân vật chính có thật trong lịch sử là Nguyễn Huệ – Quang Trung, vua Lê Chiêu Thống, Ngô Thì Nhậm, tướng nhà Thanh như Tôn Sĩ Nghị, Sám Nghi Đống.... Hay trong truyện Bên bờ Thiên Mạc (Hà Ân), ngoài những nhân vật chính có thật trong lịch sử là Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng, còn có các nhân vật hư cấu như cha con ông già Màn Trò – Hoàng Đỗ ...
– Ngôn ngữ của truyện lịch sử phải phù hợp với bối cảnh của giai đoạn lịch sử mà truyện tái hiện. Thông qua các yếu tố từ ngữ, cách nói, lời nhân vật, cách miêu tả, trần thuật ... tác giả tái hiện lại không khí, sự kiện và con người lịch sử một cách sinh động.
Ví dụ, trong truyện Bên bờ Thiên Mạc có các từ ngữ chỉ tước hiệu hay danh xưng thời phong kiến như: Quốc công, Thượng tướng quân...
Câu 2:
17/07/2024Cốt truyện đơn tuyến và đa tuyến
- Cốt truyện đơn tuyến: Tác giả tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của nhân vật chính, có khi chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật chính. Cốt truyện đơn tuyến thường có dung lượng nhỏ hoặc vừa; thường là cốt truyện của các truyện ngắn, truyện vừa, thậm chí cả tiểu thuyết. Ví dụ: Toàn bộ tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố chỉ tập trung xoay quanh số phận nhân vật chị Dậu; tất cả những con người và sự kiện trong tác phẩm đều liên quan trực tiếp đến nhân vật chính này.
- Cốt truyện đa tuyến: Tác giả trình bày một chuỗi sự kiện, nhằm phản ánh nhiều bình diện của đời sống; tái hiện những diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật; có dung lượng lớn. Chuỗi sự kiện trong cốt truyện đa tuyến được chia thành nhiều dòng, nhiều tuyến gắn liền với số phận các nhân vật chính trong tác phẩm có nhiều chủ đề. Ví dụ: Hoàng Lê nhất thống chỉ là tác phẩm có ít nhất hai tuyến: a) Tuyến nhân vật và sự kiện phản ánh sự suy tàn của chế độ phong kiến, tiêu biểu là Lê Chiêu Thống b) Tuyến nhân vật và sự kiện phản ánh hào khí của dân tộc, tiêu biểu là hình ảnh Quang Trung và khởi nghĩa Tây Sơn. Cốt truyện đa tuyến thường thấy ở các tiểu thuyết có dung lượng lớn như Chiến tranh và hòa bình của Lép Tônxtôi (Lev Tolstoy), Những người khốn khổ của Vich-to Huy-gô (Victor Hugo),... Ở Việt Nam, các tiểu thuyết như Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Cửa biển (Nguyên Hồng).... là tác phẩm có cốt truyện đa tuyến.
Câu 3:
22/07/2024Câu khẳng định và câu phủ định
– Câu khẳng định là câu dùng để thông báo, xác nhận sự tồn tại của một sự vật, sự việc nhất định. Về hình thức, câu khẳng định thường không chứa các từ ngữ mang nghĩa phủ định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, câu khẳng định được thể hiện dưới hình thức “phủ định của phủ định", tức là lặp hai lần từ ngữ mang nghĩa phủ định, ví dụ: “Tháng Tám, hồng ngọc đỏ, hồng hạc vàng, không ai không từng ăn trong tết Trung thu...” (Băng Sơn) hoặc đặt từ ngữ mang nghĩa phủ định sau một từ ngữ phiếm chỉ (ai, gì, nào...).
– Câu phủ định là câu dùng để thông báo, xác nhận không có sự vật, sự việc hoặc bác bỏ một ý kiến, một nhận định nào đó. Về hình thức, câu phủ định thường có các từ ngữ mang nghĩa phủ định như: không, chưa, chẳng, chả, không phải, chẳng phải, đâu (có), có... đâu, làm gì, làm sao... Ví dụ: “Bác chưa hát vì chưa có người nghe.” (Thạch Lam); “Lạy chị, em nói gì đâu!" (Tô Hoài).