Giải SGK KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 8: Văn hóa tiêu dùng
Giải SGK KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 8: Văn hóa tiêu dùng
-
106 lượt thi
-
18 câu hỏi
-
0 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
18/07/2024Em có suy nghĩ gì về câu nói “Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam là sự thể hiện của lòng yêu nước và tự tôn dân tộc”?
(*) Tham khảo: Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong số các giải pháp đó là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu và chất lượng hàng hóa. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hóa, sức cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong khi sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước.
=> Chính bởi lý do đó, việc người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam là một biểu hiện của lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc.
Câu 2:
18/07/2024Qua các thông tin trên, em hãy cho biết sự thay đổi của tiêu dùng có tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin 1. Hiện nay, người tiêu dùng quan tâm đến việc tiêu dùng của mình có gây tổn hại đến môi trường, xã hội hay không (từ khâu chọn nguyên vật liệu, vận chuyển, sản xuất đến thương mại, xử lí rác thải,...). Bản thân người lao động trong các công ty cũng là người tiêu dùng hiện đại, ngày càng có ý thức về bảo vệ môi trường. Họ mong muốn được làm việc ở những công ty được đánh giá là có đạo đức, tôn trọng con người và môi trường. Điều này khiến các doanh nghiệp cũng có xu hướng xây dựng chiến lược kinh doanh đẩy mạnh sản xuất xanh, tạo "thương hiệu xanh", thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ môi trường,...
Thông tin 2. Xã hội ngày càng phát triển và thu nhập của người dân càng tăng thì khả năng tiêu dùng hàng cao cấp cũng theo đó mà nhân lên cùng với sự đa dạng về chủng loại, tinh chất và quy mô. Xu hướng này kích thích phát triển các phân khúc thị trường mới, khiến cơ cấu thị trường trong nước được cải thiện theo hướng đa dạng và đồng bộ hơn, làm tăng nhu cầu có khả năng thanh toán cao, do đó, tăng tính hấp dẫn thị trường đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc tiêu dùng hàng xa xỉ quá mức so với thu nhập là một biểu hiện của sự lãng phí. Bởi vậy, việc tiêu dùng hợp lí là điều rất đáng được quan tâm.
- Trong thông tin 1: sự thay đổi của tiêu dùng đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể:
+ Người tiêu dùng quan tâm đến việc tiêu dùng của mình có gây tổn hại đến môi trường, xã hội hay không => điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường.
+ Người lao động trong các công ty cũng là người tiêu dùng hiện đại, có ý thức bảo vệ môi trường và mong muốn được làm việc trong các công ty có đạo đức, tôn trọng con người và môi trường => điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp có xu hướng xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, gắn kết lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của xã hội.
- Trong thông tin 2: Sự thay đổi của tiêu dùng vừa có tác động tích cực nhưng đồng thời cũng có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Cụ thể:
+ Mặt tích cực là: xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa cao cấp, đã: kích thích sự phát triển của phân khúc thị trường mới; khiến cơ cấu thị trường trong nước được cải thiện đa dạng và đồng bộ hơn; thu hút đầu tư; tạo thêm công ăn việc làm chi người lao động và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
+ Mặt tiêu cực: tạo nên sự lãng phí,…
Câu 3:
22/07/2024Qua thông tin trên, em hãy nêu những tập quán tiêu dùng của người Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán. Những tập quán này tạo nên nét đẹp văn hoá gì của dân tộc Việt Nam?
Thông tin. Tết Nguyên đán của Việt Nam được ví như ngày hội mua sắm của người Việt. Không biết tự bao giờ, dịp Tết là khoảng thời gian người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền vào nhóm sản phẩm cao cấp: quần áo, giầy dép, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả, cây cảnh, đồ trang trí,... Một số mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: lương thực (gạo tẻ ngon, gạo nếp, đỗ xanh,...), thực phẩm tươi sống (gà ta, thịt lợn, thịt bò,...) và bánh, mứt, kẹo, rượu, bia các loại, các loại đồ uống đóng hộp.... Truyền thống gói bánh chưng, bánh dày, chơi hoa cây cảnh, bày mâm ngũ quả là những phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của các gia đình Việt.
Hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng Một Tết nên những ngày trước Tết không khí mua sắm rất nhộn nhịp. Điều đặc biệt trong những ngày Tết là mọi người từ già, trẻ, gái, trai đều mặc những bộ áo dài truyền thống hay những bộ trang phục đẹp nhất cùng nhau đi chúc Tết.
- Những tập quán tiêu dùng của người Việt trong dịp tết Nguyên đán:
+ Mua sắm nhiều loại hàng hóa để phục vụ nhu cầu ngày Tết và sự phòng (vì: hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng Một Tết).
+ Nhu cầu tiêu dùng tăng cao ở một số nhóm sản phẩm mang tính “truyền thống” như: gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh, bánh mứt, thịt lợn, thịt gà… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiền vào nhóm sản phẩm cao cấp.
- Những tập quán tiêu dùng này đã góp phần khiến không khí ngày tết trở nên nhộn nhịp, tươi vui.
Câu 4:
18/07/2024Em hãy kể một số tập quán, thói quen tiêu dùng có văn hoá của người Việt Nam mà em biết.
- Một số tập quán và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam:
+ Mua sắm nhiều hàng hóa để phục vụ cho việc thờ cúng trong các dịp lễ, tết. Ví dụ như: bánh trôi, bánh chay trong dịp tết Hàn thực; bánh nướng, bánh dẻo trong dịp tết Trung thu,…
+ Người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống, như: chợ làng, chợ huyện, chợ tại khu dân cư,… mặc dù hệ thống cửa hàng, siêu thị hiện đại đã được mở rộng trên cả nước.
+ Thói quen tiêu dùng “tiết kiệm” (đặc biệt là cư dân ở vùng nông thôn).
Câu 5:
18/07/2024Qua các thông tin trên, em hãy cho biết xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng hợp lí và bền vững có tác động như thế nào đến chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của xã hội.
Thông tin 1. Chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có yếu tố “xanh", lựa chọn các phương thức tiêu dùng bền vững, thân thiện với môi trường, sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có yếu tố “bền vững”... đang là những thay đổi tích cực của xu hướng tiêu dùng được nhiều doanh nghiệp nắm bắt.
Với giới trẻ, thay vì tiêu dùng kiểu “thời trang nhanh" (mua giá rẻ, thay đổi liên tục, loại bỏ nhiều), nhiều bạn đã chọn cách tái chế, tái sử dụng, thanh lí quần áo, phụ kiện thời trang để hạn chế việc bỏ đi các trang phục cũ - một loại rác thải tác động tiêu cực đến môi trường.
Xu hướng này là một phần lí do khiến nhiều hãng thời trang lớn trên toàn cầu thực hiện các chương trình như đổi cũ - lấy mới, hoặc nhận lại đồ cũ từ khách hàng để tái chế hoặc tái sử dụng, giúp kéo dài vòng đời của quần áo từ đó giảm thiểu lượng rác thải khổng lồ của ngành công nghiệp thời trang ra môi trường.
Thông tin 2. Văn hoá tiêu dùng là tập hợp các hành vi tiêu dùng thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, bị chi phối bởi việc tiêu dùng các sản phẩm thương mại. Nó còn là truyền thống chuyển tải các giá trị văn hoá, các chuẩn mực hiện hành và các tập quán, hành động từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu được thực hiện thông qua các lựa chọn cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, thúc đẩy nền kinh tế bằng cách khuyến khích mọi người tiêu dùng hàng hóa vật chất và hàng hóa tinh thần.
- Xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng hợp lí và bền vững đã thúc đẩy các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh theo hướng:
+ Sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường; sản phẩm có yếu tố “bền vững”, tính ứng dụng cao và đa dạng.
+ Gắn bó hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội.
Câu 6:
18/07/2024Văn hoá tiêu dùng có tác động như thế nào tới sự phát triển văn hoá dân tộc?
- Văn hóa tiêu dùng góp phần duy trì, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống về tiêu dùng; đồng thời, tạo nên những sắc thái văn hoá ngày càng phong phú và đa dạng của cộng đồng, dân tộc.
Câu 7:
20/07/2024Các thông tin và hình ảnh trên thể hiện những đặc điểm gì trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam?
Thông tin 1. Trước đây, sống trong môi trường rủi ro và tự cấp, tự túc, người Việt hình thành tính cách cần cù, chăm chỉ đi đôi với tiết kiệm. Dù nền kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển ở Việt Nam nhiều năm nhưng văn hoá tiết kiệm vẫn còn thể hiện khá rõ trong quá trình tiêu dùng của người dân, đặc biệt là cư dân ở nông thôn.
Thông tin 2. Người Việt hiện nay đang dần văn minh hóa lối sống tiêu dùng theo tầm nhìn và thị hiếu của xã hội công nghiệp. Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam đang có sự dịch chuyển về cơ cấu tiêu dùng theo xu hướng giảm tỉ trọng nhu cầu vật chất tối thiểu, dịch chuyển sang những loại hàng hoả hợp thị hiếu và chất lượng cao, dịch chuyển trong tần suất và phương thức mua sắm thiết yếu và tăng tỉ trọng cho nhu cầu tinh thần. Văn hoá tiêu dùng đã và đang có những tác động tích cực đến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy nền kinh tế bằng cách khuyến khích mọi người tiêu dùng hàng hóa, góp phần xây dựng xã hội hiện đại nhưng không tách rời nền tảng bản sắc và các giá trị truyền thống, hội nhập với thế giới trong bối cảnh ngày nay.
- Thông tin 1 thể hiện đặc điểm: Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam có sự kế thừa nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cụ thể là: dù kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển ở Việt Nam nhiều năm, nhưng người Việt (đặc biệt là cư dân ở vùng nông thôn) vẫn duy trì thói quen tiêu dùng tiết kiệm.
- Thông tin 2 phản ánh đặc điểm: Văn hóa tiêu dùng của người Việt mang tính thời đại. Điều này được thể hiện thông qua việc: thói quen, hình thức và cách thức tiêu dùng ngày càng đa dạng, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.
- Hình ảnh “Lễ tôn vinh hàng Việt được người tiêu dùng yêu thích” đã thể hiện đặc điểm: văn hóa tiêu dùng Việt Nam đang dần được định hình theo hướng tin tưởng đối với những hàng hóa trong nước; ưu tiên và tôn vinh hàng Việt.
Câu 8:
18/07/2024Em hãy kể các đặc điểm khác của văn hoá tiêu dùng Việt Nam mà em biết.
- Một số đặc điểm khác của văn hóa tiêu dùng Việt Nam:
+ Văn hóa tiêu dùng hợp lí: người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; chi tiêu có kế hoạch, phù hợp với nhu cầu bản thân và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
+ Văn hoá tiêu dùng Việt Nam gắn với sự lên ngôi của yếu tố chất lượng. Giá trị con người ngày càng được nâng cao. Tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch, tiêu dùng số, tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm ngày càng chiếm ưu thế trở thành một xu hướng phát triển của xã hội.
Câu 9:
18/07/2024Qua các thông tin trên, em hãy cho biết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm mục đích gì?
Thông tin 1. Năm 2009, để xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt và thúc đẩy sản xuất những sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, Bộ Công Thương đã phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Trong suốt 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người dân trong cả nước và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả cuộc vận động trong những năm tiếp theo.
Thông tin 2. Sở Công thương tỉnh H vừa tổ chức hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao". Hội chợ đã có rất nhiều người dân trong khu vực và các tỉnh lân cận đến tham dự. Ai cũng háo hức đi thăm các gian hàng giới thiệu các mặt hàng nông sản của các vùng. Là một sinh viên du học tại Anh về nghỉ Tết, anh T rất quan tâm đến các gian hàng thủ công, mĩ nghệ, say sưa ngắm các bức tranh thêu truyền thống, những chiếc áo thổ cẩm,.... Anh T rất yêu thích và cảm thấy tự hào về các sản phẩm truyền thống nên đã mua rất nhiều để làm quả tặng cho các bạn nước ngoài khi quay trở lại nước Anh học tập.
- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm mục đích:
+ Xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt;
+ Thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Câu 10:
20/07/2024Để xây dựng văn hoá tiêu dùng, Nhà nước, các doanh nghiệp và mỗi người dân cần phải làm gì?
Để xây dựng văn hóa tiêu dùng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
- Nhà nước, cần:
+ Đề ra các chủ trương, chính sách kinh tế, văn hoá phù hợp cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất và thị trường trong nước;
+ Thực hiện triệt để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Các doanh nghiệp Việt Nam, cần:
+ Chủ động chiến lược sản xuất kinh doanh, đón đầu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng mới của người Việt Nam;
+ Hướng tới sản xuất sản phẩm bảo đảm các yếu tố xanh, sạch, bền vững phù hợp với xu hướng toàn cầu.
- Mỗi người dân, cần:
+ Tiêu dùng có trách nhiệm và thực hiện tốt các hành vi tiêu dùng có văn hóa.
+ Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của dân tộc; đồng thời tiếp thu, học hỏi những văn hóa tiêu dùng văn minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
+ Tích cực quảng bá văn hóa tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.
Câu 11:
21/07/2024Em hãy nêu một số giải pháp khác góp phần xây dựng văn hoá tiêu dùng.
- Một số giải pháp khác góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng:
+ Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc tôn vinh hàng Việt.
+ Các doanh nghiệp cần cung ứng những sản phẩm có chất lượng tốt, thực hiện tốt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
+ Mỗi người dân cần xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh, thân thiện với môi trường.
Câu 12:
18/07/2024Các thông tin trên cho thấy người Việt Nam đang thực hiện văn hoá tiêu dùng như thế nào?
Thông tin 1. Chị H luôn chủ động lập kế hoạch chi tiêu, tiếp cận kĩ lưỡng thông tin về sản phẩm, lựa chọn hàng hóa một cách hợp lí, tốt cho sức khoẻ, phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình để thu được lợi ích tối đa từ sản phẩm. Đặc biệt, chị luôn ưu tiên chọn sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao mỗi khi mua sắm.
Thông tin 2. Là người thích đi du lịch và khám phá các vùng miền, anh C đã đặt chân tới nhiều tỉnh thành trên cả nước. Anh được ngắm trang phục của người H'Mông và thưởng thức món gà nướng nóng hổi giữa núi rừng Y Tý ở Lào Cai; được đi chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ; thưởng thức món mì Quảng cay nóng và những trái cây tươi ngon giữa những miệt vườn Nam bộ.... Anh đã viết cuốn sách về du lịch để giới thiệu với bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam. Nội dung cuốn sách là các món ăn truyền thống, địa điểm du lịch đẹp, trang phục đặc trưng của các dân tộc,... ở các địa phương trong cả nước.
- Thông tin 1 cho thấy:
+ Người Việt Nam đang hướng tới thực hiện hành vi tiêu dùng có kế hoạch, thực hiện chi tiêu hợp lí, phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình.
+ Người Việt Nam cũng đang hướng tới việc tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao, tốt cho sức khỏe.
- Thông tin 2 cho thấy: người Việt Nam đang thực hiện các thói quen tiêu dùng theo hướng: bảo vệ và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời tích cực mở rộng giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Câu 13:
22/07/2024Em đã thực hiện những hành vi tiêu dùng có văn hoá như thế nào?
(*) Tham khảo: Một số hành vi tiêu dùng có văn hóa của bản thân em:
- Lập kế hoạch chi tiêu hợp lí với khả năng tài chính của bản thân và gia đình. Ví dụ: chỉ mua những mặt hàng thực sự cần thiết và trong khả năng chi trả.
- Ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
- Ưu tiên sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường. Ví dụ: sử dụng cốc, ống hút, hộp đựng bằng giấy; hạn chế sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần; tái chế các vỏ chai nhựa, hộp nhựa… thành những vật dụng hữu ích khác,…
- Khi đi du lịch, thường mua những sản phẩm đặc sản của địa phương đó về làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Ví dụ: nem chua Thanh Hóa; kẹo Cu đơ Hà Tĩnh; kẹo Mè Xửng Huế,…
Câu 14:
18/07/2024Em đồng tình hay không đồng tình với các quan điểm sau? Vì sao?
a. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
b. Dùng hàng hiệu mới thể hiện được phong cách và giá trị bản thân.
c. Muốn phát triển, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu văn hoá tiêu dùng.
d. Người tiêu dùng thông minh là người có lựa chọn hợp lí cho các sản phẩm tiêu dùng trên thị trường.
- Ý kiến a. Không đồng tình, vì: trong nền kinh tế thị trường hiện nay, con người thường hướng tới việc tiêu dùng các sản phẩm có: chất lượng tốt và hình thức, mẫu mã đẹp. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần sản xuất và cung ứng tới khách hàng những sản phẩm phù hợp, đảm bảo đồng thời cả hai tiêu chí đó.
- Ý kiến b. Không đồng tình, vì: sử dụng quá nhiều hàng hiệu xa xỉ là thói quen tiêu dùng không hợp lí, lãng phí và dễ hình thành văn hóa chuộng yếu tố vật chất. Trong văn hóa tiêu dùng, người tiêu dùng cần có kế hoạch chi tiêu hợp lí, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện cá nhân.
- Ý kiến c. Đồng tình, vì: văn hóa tiêu dùng là cơ sở giúp các doanh nghiệp đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp, tạo được ấn tượng, thiện cảm đối với người tiêu dùng, từ đó đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
- Ý kiến d. Đồng tình, vì: hàng hóa trên thị trường hiện nay rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng… bên cạnh những sản phẩm chính hãng, chất lượng tốt; cũng có những sản phẩm hàng giả, hàng nhái với chất lượng kém, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và trải nghiệm của người tiêu dùng…. Do đó, người tiêu dùng thông minh, cần phải: tiếp cận kĩ lưỡng thông tin về sản phẩm, lựa chọn hàng hóa một cách cẩn trọng, hợp lí, tốt cho sức khỏe, phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình….
Câu 15:
18/07/2024Em hãy cho biết các hành vi tiêu dùng sau đây có phải là tiêu dùng có văn hoá không. Giải thích vì sao.
a. Khi đi du lịch, chị M thường mua các sản phẩm của địa phương về làm quà cho những người thân trong gia đình.
b. Bà Y có thói quen chỉ dùng các loại hoá mĩ phẩm nhập khẩu.
c. Chị B chơi với một nhóm bạn người nước ngoài. Chị thường nấu các món ăn dân dã của người Việt để giới thiệu với các bạn.
- Trường hợp a. Chị M đã thực hiện hành vi tiêu dùng có văn hóa. Vì: thông qua việc mua sản phẩm đặc sản của các địa phương về làm quà cho người thân, chị M đã góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc các vùng miền của Việt Nam tới mọi người xung quanh.
- Trường hợp b.
+ Xét trong trường hợp: bà Y có điều kiện kinh tế khá giả, các loại hóa mĩ phẩm do Việt Nam sản xuất không đảm bảo yêu cầu chất lượng và không phù hợp với tình trạng sức khỏe của bà Y, thì việc bà Y lựa chọn tiêu dùng các loại hóa mĩ phẩm nhập khẩu là một hành vi tiêu dùng có văn hóa. Vì: hành động này thể hiện việc bà Y đã có sự cân nhắc, lựa chọn kĩ lưỡng sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của bản thân…
+ Cét trong trường hợp: điều kiện kinh tế của bà Y không tốt; trên thị trường đã có những sản phẩm do Việt Nam sản xuất đáp được yêu cầu về chất lượng với giá cả hợp lí hơn,… nhưng bà Y vẫn lựa chọn tiêu dùng những sản phẩm ngoại nhập để thể hiện “đẳng cấp”, thì đây là thói quen tiêu dùng chưa có văn hóa, chưa hợp lí.
- Trường hợp c. Chị B đã thực hiện hành vi tiêu dùng có văn hóa. Vì: thông qua việc giới thiệu tới bạn bè nước ngoài những món ăn dân dã của người Việt, chị B đã góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.
Câu 16:
19/07/2024Em hãy đọc tình huống sau để trả lời câu hỏi:
Tình huống. Bạn Q có thói quen sử dụng các loại thức ăn nhanh vì cho rằng rất tiện lợi và ngon miệng.
- Em có nhận xét gì về hành vi tiêu dùng này của bạn Q?
- Nếu là bạn thân của Q, em sẽ nói gì với bạn về thói quen này?
- Nhận xét: hành vi tiêu dùng của bạn Q chưa hợp lí. Vì:
+ Xét về góc độ sức khỏe, nhiều nghiên cứu cho thấy thức ăn nhanh, đặc biệt là đồ chiên, rán có thể gây béo phì, tiểu đường, các bệnh về tim mạch… bởi chứa rất nhiều mỡ, đường và lượng calo rất lớn.
+ Bên cạnh đó, việc thường xuyên sử dụng các loại thức ăn nhanh cũng khiến chúng ta tiêu tốn nhiều chi phí hơn.
- Lời khuyên: bạn Q nên thay đổi hành vi tiêu dùng này. Khi tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, Q nên có sự cân nhắc, lựa chọn kĩ lưỡng hơn theo hướng: sử dụng những sản phẩm tươi sạch, có chất lượng tốt để đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe của bản thân…
Câu 17:
18/07/2024Em hãy viết bài hoặc vẽ tranh, gửi thông điệp tuyên truyền "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
(*) Tham khảo:
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi của Tổ quốc, lòng yêu nước và sức mạnh trí tuệ Việt Nam được thể hiện ở tinh thần mưu trí, sáng tạo, vượt mọi hiểm nguy gian khó, quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ngày nay đất nước hoà bình thống nhất, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lòng yêu nước và phẩm chất trí tuệ của người Việt Nam đang đứng trước thử thách không kém phần gay go, quyết liệt trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; đó là phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của cả quốc gia - doanh nghiệp - hàng hóa. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hóa, sức cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong khi hàng hóa, sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước. Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, của doanh nghiệp và của cả quốc gia là yêu cầu đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là vận động hết thảy mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là hành vi phân biệt đối xử đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài; mà đây là hành động thể hiện trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.
Câu 18:
22/07/2024Em hãy viết bài giới thiệu nét đẹp một hành vi tiêu dùng có văn hoá của người Việt và chia sẻ với thầy cô, bạn bè.
(*) Tham khảo
Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người.
Ở Việt Nam dù chưa có một quy định riêng biệt về tiêu dùng xanh nhưng nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách phát triển kinh tế của Đảng và nhà nước; chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và trong hoạt động tiêu dùng của người dân.
Ở góc độ tiêu dùng, dễ nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường, đến vấn đề “xanh” và “sạch”, coi trọng hành vi mua những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ như: trong những năm gần đây, mức độ phổ biến của các loại thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam đã tăng lên do cộng đồng ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; đối với các thiết bị và sản phẩm giặt tẩy, người tiêu dùng Việt Nam cũng quan tâm đến những sản phẩm với công nghệ tiết kiệm điện năng, nước và giảm lượng chất thải tác động xấu đến môi trường;… hay như Chiến dịch tiêu dùng xanh được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 8/2017) đã ghi nhận sự tham gia của hơn 70.000 lượt tình nguyện viên, hơn 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng tiêu dùng xanh…