Bài tập Chuyên đề Đô thị hóa có đáp án
Bài tập Chuyên đề Đô thị hóa có đáp án
-
2421 lượt thi
-
14 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
07/07/2024Thế nào là đô thị hóa? Đô thị hóa ở các nước phát triển và đang phát triển khác nhau ra sao? Quá trình đô thị hóa tác động như thế nào đến dân số, kinh tế, xã hội và môi trường ở các nước đang phát triển?
- Đô thị hóa là quá trình kinh tế - xã hội mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.
- Đô thị hóa ở các nước phát triển và đang phát triển khác nhau về số dân, tỉ lệ dân thành thị, xu hướng phát triển, hạ tầng đô thị,…
- Quá trình đô thị hóa tác động mạnh đến dân số, kinh tế, xã hội và môi trường ở các nước đang phát triển.
Câu 2:
16/07/2024Dựa vào thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy trình bày khái niệm đô thị hóa theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
- Theo nghĩa rộng, đô thị hóa là một quá trình kinh tế - xã hội làm thay đổi môi trường do con người xây dựng, biến khu vực trước đây là nông thôn thành khu định cư đô thị, đồng thời dịch chuyển sự phân bố theo không gian của dân cư từ nông thôn sang thành thị. Nó bao gồm những thay đổi về nghề nghiệp chủ đạo, lối sống, văn hóa và hành vi, do đó làm thay đổi cấu trúc nhân khẩu, xã hội của dân cư ở khu vực thành thị và nông thôn.
- Theo nghĩa hẹp, đô thị hóa là quá trình kinh tế - xã hội mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.
Câu 3:
20/07/2024Dựa vào hình 1, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy nêu ý nghĩa của tỉ lệ dân thành thị.
Hình 1. Tỉ lệ dân thành thị và quy mô một số đô thị trên thế giới, năm 202
- Tỉ lệ dân thành thị là sự tương quan giữa số dân thành thị so với tổng số dân trên một lãnh thổ nhất định, đơn vị tính là phần trăm (%).
- Ý nghĩa:
+ Là một trong các thước đo quan trọng về trình độ phát triển của quá trình đô thị hóa.
+ Là cơ sở để đánh giá mức độ đô thị hóa giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ.
Câu 4:
21/07/2024Dựa vào hình 1, hình 2, bảng 1, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy phân tích đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển.
Đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển
* Lịch sử đô thị hóa
- Quá trình đô thị hóa ở các nước phát triển diễn ra sớm, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa.
- Đặc điểm của sản xuất công nghiệp góp phần thúc đẩy sự tập trung dân cư, dẫn đến sự hình thành, mở rộng quy mô và gia tăng số lượng các đô thị.
* Tỉ lệ dân thành thị
- Ở các nước phát triển, tỉ lệ dân thành thị cao (tỉ lệ dân thành thị đã là 79,1% - 2020).
- Một số nước có tỉ lệ dân thành thị cao là Hà Lan (92,2%), Nhật Bản (91,7%), Lúc-xem-bua (91,4%), Đan Mạch (88,1%), Niu Di-len (86,6%),…
- Các nước có tỉ lệ dân thành thị cao thường có quá trình công nghiệp hóa diễn ra sớm, trình độ phát triển kinh tế cao.
* Quy mô đô thị
- Ở các nước phát triển, phần lớn các đô thị có quy mô nhỏ và trung bình.
- Số lượng các đô thị có quy mô dân số từ 10 triệu người trở lên (gọi là siêu đô thị) ít hơn so với các nước đang phát triển.
* Chức năng đô thị
- Các nước phát triển có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao nên trong nhiều đô thị, chức năng về kinh tế giữ vai trò chủ đạo.
- Các đô thị có quy mô dân số lớn thường gắn với chức năng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa,... của quốc gia, khu vực.
* Lối sống đô thị
- Ở các nước phát triển, lối sống thành thị đã lan tỏa mạnh mẽ về các vùng nông thôn.
- Sự khác biệt về lối sống giữa dân cư thành thị và dân cư nông thôn ở các nước phát triển ít hơn so với các nước đang phát triển.
Câu 5:
08/07/2024Dựa vào hình 1, bảng 1, bảng 2, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy:
- Phân biệt quy mô đô thị ở các nước phát triển.
- Xác định vị trí các siêu đô thị của các nước phát triển trên bản đồ.
- Dựa theo quy mô dân số, quy mô đô thị ở các nước phát triển có thể được chia thành 5 mức độ khác nhau.
- Cùng với sự gia tăng số lượng các đô thị là quá trình tăng lên về quy mô dân số, nhất là quy mô dân số ở các siêu đô thị.
- Siêu đô thị ở các nước phát triển
Hình 1. Tỉ lệ dân thành thị và quy mô một số đô thị trên thế giới, năm 2020
Câu 6:
18/07/2024Dựa vào bảng 3, bảng 4, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước phát triển.
Đô thị hóa ở các nước phát triển diễn ra theo các xu hướng chủ yếu sau:
- Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị vẫn tăng nhưng với tốc độ chậm
+ Ở các nước phát triển, theo dự báo, số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị tiếp tục tăng.
+ Tốc độ gia tăng dân số thành thị ở các nước phát triển trong tương lai có xu hướng chậm lại và tiếp tục thấp hơn mức trung bình thế giới.
+ Giải thích: Do các nước phát triển đã trải qua quá trình công nghiệp hóa, đời sống của người dân được nâng cao, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn không nhiều, khả năng tạo việc làm và tăng thu nhập ở các đô thị không còn hấp dẫn như giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa,...
- Phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh đô thị lớn
+ Xu hướng chung ở nhiều nước là phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh một đô thị lớn.
+ Giải thích: Nhằm giảm sự tập trung dân cư đông đúc và sức ép cho các đô thị lớn trong quá trình phát triển.
- Chuyển cư từ trung tâm đô thị ra vùng ngoại ô và các đô thị vệ tinh
+ Các nước phát triển tiếp tục có sự chuyển cư từ khu vực trung tâm đô thị ra vùng ngoại ô hoặc từ các đô thị lớn đến các đô thị vệ tinh.
+ Giải thích: Do điều kiện sống ở khu vực trung tâm đô thị so với khu vực ngoại ô hoặc giữa các đô thị ngày càng xích lại gần nhau. Ngoài ra, sự chuyển cư này giúp người dân ở các trung tâm đô thị, các đô thị lớn giảm áp lực về nhà ở, chi phí sinh hoạt,...
Câu 7:
07/07/2024Dựa vào hình 1, hình 3, bảng 5, bảng 6, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy:
- Phân tích đặc điểm đô thị hóa ở các nước đang phát triển.
- Xác định vị trí một số siêu đô thị của các nước đang phát triển trên bản đồ.
* Đặc điểm đô thị hóa ở các nước đang phát triển
- Lịch sử đô thị hóa
+ Quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển diễn ra muộn và gắn liền với sự bùng nổ dân số.
+ Ở một số nước, quá trình Công nghiệp hóa cũng góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.
+ Một số đô thị có quy mô dân số lớn là Thượng Hải (Trung Quốc), Mê-hi-cô Xi-ti (Mê-hi-cô), Mum-bai (Ấn Độ),…
- Tỉ lệ dân thành thị
+ Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ dân thành thị tăng nhanh nhưng vẫn còn thấp.
+ Nguyên nhân do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình CNH ở phần lớn các nước còn chậm, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của nhiều quốc gia.
+ Bên cạnh một số quốc gia có tỉ lệ dân thành thị cao, còn nhiều quốc gia có tỉ lệ dân thành thị rất thấp.
- Quy mô đô thị
+ Có nhiều cách phân loại quy mô đô thị. Mỗi nước có sự phân loại khác nhau tùy theo đặc điểm phát triển riêng.
+ Ở nước ta hiện nay, dựa trên quy mô về dân số, quy mô đô thị được phân loại (Đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III, IV, V).
+ Nhìn chung, số lượng và quy mô đô thị ở các nước đang phát triển tăng nhanh.
+ Các nước đang phát triển có nhiều siêu đô thị hơn các nước phát triển. Năm 2020, có đến 28/34 siêu đô thị trên thế giới ở các nước đang phát triển.
- Chức năng đô thị
+ Các đô thị có quy mô lớn thường gắn với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa,... của quốc gia và khu vực.
+ Một số đô thị có tầm ảnh hưởng lớn như Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh,…
- Lối sống đô thị
+ Lối sống đô thị ngày càng phổ biến rộng rãi và có ảnh hưởng đến lối sống của dân cư nông thôn về nhiều mặt.
+ Vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa lối sống của dân cư thành thị và dân cư nông thôn.
* Vị trí một số siêu đô thị của các nước đang phát triển trên bản đồ
Hình 1. Tỉ lệ dân thành thị và quy mô một số đô thị trên thế giới, năm 2020
Câu 8:
23/07/2024Dựa vào bảng 7, bảng 8, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy nhận xét và giải thích xu hướng đô thị hóa ở các nước đang phát triển.
- Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị vẫn tiếp tục gia tăng
+ Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở các nước đang phát triển tiếp tục tăng nhưng tốc độ chậm lại.
+ Tốc độ gia tăng dân số thành thị ở các nước đang phát triển có xu hướng chậm lại.
+ Giải thích: Do mức gia tăng dân số tự nhiên ở nhiều thành phố còn cao, dân cư nông thôn vẫn tiếp tục nhập cư vào các thành phố.
- Số lượng các đô thị lớn và rất lớn vẫn tiếp tục tăng nhanh
+ Số lượng các đô thị lớn và rất lớn vẫn tiếp tục tăng nhanh.
+ Giải thích: Do nhiều quốc gia đang phát triển tiếp tục thực hiện quá trình công nghiệp hóa, kinh tế ở các đô thị tiếp tục phát triển nhanh,...
- Phát triển các đô thị vệ tinh quanh đô thị lớn, phát triển các đô thị có quy mô trung bình và nhỏ
+ Dần chuyển hướng sang hình thành các đô thị vệ tinh, đô thị có quy mô dân số trung bình và nhỏ.
+ Giải thích: Do sự phát triển các đô thị lớn và rất lớn gây sức ép trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.
- Phát triển đô thị theo hướng bền vững
+ Các đô thị phát triển theo hướng bền vững, như đô thị sinh thái, đô thị xanh,...
+ Các thành phố có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu,...
+ Giải thích: Tại nhiều quốc gia đang phát triển, môi trường đô thị bị ô nhiễm do dân cư ngày càng đông đúc và các chất thải từ các hoạt động kinh tế, nhất là sản xuất công nghiệp ngày càng nhiều.
Câu 9:
11/07/2024Dựa vào thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy phân tích tác động tích cực và tiêu cực của quá trình đô thị hóa đến dân số, kinh tế, xã hội và môi trường ở các nước đang phát triển.
* Tác động tích cực
- Tác động đến dân số
+ Ở các thành phố, quá trình đô thị hóa góp phần làm thay đổi quá trình sinh, tử.
+ Thay đổi cơ cấu dân số theo hướng gia tăng số dân trong độ tuổi lao động,…
- Tác động đến kinh tế
+ Góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
+ Các đô thị là thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn và đa dạng nên thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế.
+ Tăng cường thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế.
+ Các đô thị sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn phục vụ trong nước và xuất khẩu.
+ Các đô thị thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực lân cận và cả nước.
- Tác động đến lĩnh vực xã hội
+ Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
+ Nâng cao chất lượng nguồn lao động và năng suất lao động.
+ Nâng cao đời sống của người dân thành thị.
+ Phổ biến lối sống tích cực ở thành thị vào dân cư nông thôn.
- Tác động đến môi trường: Góp phần tạo cảnh quan, môi trường ngày càng văn minh, hiện đại.
b. Tác động tiêu cực
- Tác động đến dân số: Tuổi kết hôn ở đô thị thường muộn hơn ở vùng nông thôn.
- Tác động đến kinh tế - xã hội
+ Làm tăng sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa thành thị và nông thôn.
+ Tăng tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở đô thị; suy giảm nguồn lao động ở nông thôn.
+ Gia tăng đáng kể sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
+ Gây sức ép lên vấn đề nhà ở và làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh, trật tự xã hội,...
- Tác động đến môi trường
+ Làm gia tăng các tác động tiêu cực đến tài nguyên và môi trường khu vực đô thị.
+ Làm sự suy giảm lớp phủ thực vật và đa dạng sinh học; tăng ô nhiễm không khí,...
Câu 10:
21/07/2024Dựa vào kiến thức đã học, em hãy lập bảng theo mẫu dưới đây và hoàn thiện thông tin so sánh sự khác nhau giữa đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển và đang phát triển.
Nội dung so sánh |
Các nước phát triển |
Các nước đang phát triển |
Lịch sử đô thị hóa |
|
|
Tỉ lệ dân thành thị |
|
|
Quy mô đô thị |
|
|
Chức năng đô thị |
|
|
Lối sống đô thị |
|
|
Sự khác nhau giữa đặc điểm đô thị hóa ở các nước phát triển và đang phát triển.
Nội dung so sánh |
Các nước phát triển |
Các nước đang phát triển |
Lịch sử đô thị hóa |
- Quá trình đô thị hóa ở các nước phát triển diễn ra sớm, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. - Đặc điểm của sản xuất công nghiệp góp phần thúc đẩy sự tập trung dân cư, dẫn đến sự hình thành, mở rộng quy mô và gia tăng số lượng các đô thị. |
- Quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển diễn ra muộn và gắn liền với sự bùng nổ dân số. - Ở một số nước, quá trình Công nghiệp hóa cũng góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. - Một số đô thị có quy mô dân số lớn là Thượng Hải, Mê-hi-cô Xi-ti, Mum-bai,… |
Tỉ lệ dân thành thị |
- Ở các nước phát triển, tỉ lệ dân thành thị cao (tỉ lệ dân thành thị đã là 79,1% - 2020). - Một số nước có tỉ lệ dân thành thị cao là Hà Lan, Nhật Bản, Lúc-xem-bua, Đan Mạch,… - Các nước có tỉ lệ dân thành thị cao thường có quá trình công nghiệp hóa diễn ra sớm, trình độ phát triển kinh tế cao. |
- Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ dân thành thị tăng nhanh nhưng vẫn còn thấp. - Nguyên nhân do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình CNH ở phần lớn các nước còn chậm, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của nhiều quốc gia. - Bên cạnh một số quốc gia có tỉ lệ dân thành thị cao, còn nhiều quốc gia có tỉ lệ dân thành thị rất thấp. |
Quy mô đô thị |
- Ở các nước phát triển, phần lớn các đô thị có quy mô nhỏ và trung bình. - Số lượng các đô thị có quy mô dân số từ 10 triệu người trở lên (gọi là siêu đô thị) ít hơn so với các nước đang phát triển. |
- Có nhiều cách phân loại quy mô đô thị. Mỗi nước có sự phân loại khác nhau tùy theo đặc điểm phát triển riêng. - Nhìn chung, số lượng và quy mô đô thị ở các nước đang phát triển tăng nhanh. - Các nước đang phát triển có nhiều siêu đô thị hơn các nước phát triển. |
Chức năng đô thị |
- Các nước phát triển có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao nên trong nhiều đô thị, chức năng về kinh tế giữ vai trò chủ đạo. - Các đô thị có quy mô dân số lớn thường gắn với chức năng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa,... của quốc gia, khu vực. |
- Các đô thị có quy mô lớn thường gắn với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa,... của quốc gia và khu vực. - Một số đô thị có tầm ảnh hưởng lớn như Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh,… |
Lối sống đô thị |
- Ở các nước phát triển, lối sống thành thị đã lan tỏa mạnh mẽ về các vùng nông thôn. - Sự khác biệt về lối sống giữa dân cư thành thị và dân cư nông thôn ở các nước phát triển ít hơn so với các nước đang phát triển. |
+ Lối sống đô thị ngày càng phổ biến rộng rãi và có ảnh hưởng đến lối sống của dân cư nông thôn về nhiều mặt. + Vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa lối sống của dân cư thành thị và dân cư nông thôn. |
Câu 11:
23/07/2024Vẽ sơ đồ khái quát sự tác động tích cực và tiêu cực của đô thị hóa đến phát triển dân số, kinh tế, xã hội và môi trường ở các nước đang phát triển.
Tác động tích cực và tiêu cực của đô thị hóa đến phát triển dân số, kinh tế, xã hội và môi trường ở các nước đang phát
Câu 12:
23/07/2024Cho bảng số liệu:
Bảng 9. Dân số thành thị và nông thôn của thế giới, giai đoạn 1950 - 2020
(Đơn vị: triệu người)
Năm Khu vực |
1950 |
1970 |
1990 |
2020 |
Thế giới |
2536,2 |
3700,5 |
5330,9 |
7795,4 |
Thành thị |
750,9 |
1354,2 |
2290,2 |
4378,9 |
Nông thôn |
1785,3 |
2346,3 |
3040,7 |
3416,5 |
a) Vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu dân số phân theo thành thị và nông thôn của thế giới giai đoạn 1950 - 2020.
b) Rút ra nhận xét về sự thay đổi cơ cấu dân số phân theo thành thị và nông thôn của thế giới giai đoạn 1950 - 2020.
a) Biểu đồ
- Tính tỉ trọng
+ Công thức: Tỉ trọng thành phần = Giá trị thành phần/Tổng số x 100 (%).
+ Áp dụng công thức, ta tính được bảng sau:
Dân số thành thị và nông thôn của thế giới, giai đoạn 1950 - 2020 (Đơn vị: %)
Năm Khu vực |
1950 |
1970 |
1990 |
2020 |
Thế giới |
100,0 |
100,0 |
100,0 |
100,0 |
Thành thị |
29,6 |
36,6 |
43,0 |
56,2 |
Nông thôn |
70,4 |
63,4 |
57,0 |
43,8 |
- Biểu đồ
BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN CƠ CẤU DÂN SỐ PHÂN THEO THÀNH THỊ VÀ NÔNG THÔN CỦA THẾ GIỚI GIAI ĐOẠN 1950 - 2020
b) Nhận xét
- Cơ cấu dân số có sự thay đổi giữa thành thị và nông thôn qua các năm.
- Về cơ cấu: Tỉ lệ dân thành thị cao hơn tỉ lệ dân số nông thôn, năm 2020 56,2% so với 43,8%.
- Về sự thay đổi
+ Tỉ lệ dân nông thôn chiếm tỉ lệ cao nhưng ngày càng giảm mạnh (giảm 26,6%) và chiếm tỉ trọng thấp hơn dân số thành thị.
+ Tỉ lệ dân thành thị ngày càng tăng nhanh (tăng 26,6%) và có tỉ trọng ngày càng lớn, lớn hơn dân số nông thôn.
Câu 13:
21/07/2024Bằng kiến thức đã học, hãy sưu tầm các tư liệu để tìm hiểu về đô thị hóa ở Việt Nam Với các nội dung sau đây:
- Đặc điểm đô thị hóa (tìm hiểu về lịch sử đô thị hóa, tỉ lệ dân thành thị, quy mô đô thị, chức năng đô thị, lối sống đô thị).
- Xu hướng đô thị hóa.
- Tác động đô thị hóa (tác động tích cực và tiêu cực của đô thị hóa đến dân số, kinh tế, xã hội và môi trường).
- Học sinh tìm kiếm tài liệu qua sách, báo hoặc internet.
- Đô thị hóa ở Việt Nam
* Đặc điểm
- Quá trình đô thị hóa nước ta diễn ra chậm, trình độ đô thị hóa thấp
- Tỉ lệ dân thành thị tăng
- Phân bố đô thị không đều giữa các vùng
* Mạng lưới đô thị
- Dựa vào các tiêu chí như: số dân, chức năng, mật độ dân số, tỉ lệ phi nông nghiệp… mạng lưới đô thị ở nước ta được phân thành 6 loại: loại đặc biệt, loại 1, 2, 3, 4, 5.
- Nếu căn cứ vào cấp quản lý nước ta có các đô thị trực thuộc Trung ương và các đô thị trực thuộc tỉnh.
* Ảnh hưởng của đô thị hóa đến phát triển kinh tế - xã hội
- Tích cực:
+ Tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
+ Ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các vùng.
+ Tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hoá lớn, đa dạng,.... thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển.
+ Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.
- Tiêu cực: Đô thị hóa dẫn tới nảy sinh nhiều vấn đề
+ Ô nhiễm môi trường.
+ An ninh trật tự xã hội, việc làm...
Câu 14:
15/07/2024Hãy lựa chọn một đô thị ở Việt Nam và sưu tầm tư liệu để tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của đô thị đó.
- Học sinh tìm kiếm tài liệu qua sách, báo hoặc internet.
- Phố cổ Hội An
Một đoạn thông tin về phố cổ Hội An, Quảng Nam
ĐÔ THỊ HỘI AN - DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…