30 Đề minh họa THPT Quốc gia môn Văn năm 2022 (Đề 18)

  • 20810 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 2:

21/07/2024
Chất liệu văn học dân gian hiện lên qua hình ảnh, câu thơ nào?
Xem đáp án

Chất liệu văn học dân gian:

+ “Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu” sử dụng chất liệu cổ tích “Tấm cám”

+ “Cây khế chua có đại bàng đến đậu” – sử dụng cổ tích “Ăn khế trả vàng”.

+ “Hoa của đất” – chất liệu tục ngữ “Người ta hoa đất”

– Chất liệu văn học dân gian làm đoạn thơ trở nên gần gũi, thân thuộc, hấp dẫn. Qua đó lgóp phần thể hiện lên hình ảnh con người Việt Nam nhân hậu, nghĩa tình, giàu sức sống, giàu niềm tin.

Câu 3:

21/07/2024

Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:

Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa

Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa

Xem đáp án

Hai câu thơ:

Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa

Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa

sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ.

Tác dụng làm câu thơ trở nên mượt mà, sinh động, hấp dẫn, giàu giá trị biểu cảm; hình ảnh thơ có chiều sâu, gợi nhiều liên tưởng ý vị. Qua đó làm nổi bật ý nghĩa: Bông hoa nở trên đất đai cỗi cằn cho ta thấy được sức sống mạnh mẽ, sức trỗi dậy mãnh liệt bất chấp hoàn cảnh của nó. Đó cũng chính là hình ảnh sức mạnh của con người Việt Nam đã vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn thử thách để tỏa sáng và khẳng định mình.

 -> Con người chính là loài hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất, đáng trân trọng nhất thế gian.

Câu 4:

19/07/2024

Nội dung của đoạn thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về sức sống của con người Việt Nam.

Xem đáp án

– Nội dung của đoạn thơ: ca ngợi niềm tin và sức sống của con người Việt Nam.

– Nội dung ấy gợi cho em suy nghĩ:

+ Con người Việt Nam là những con người chịu thương chịu khó, sống giàu niềm tin, nhân hậu.

+ Có ý chí vươn lên dù trong nghịch cảnh ngặt nghèo.

+ Ngay thẳng, lạc quan, yêu đời.

Câu 5:

19/07/2024

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý nghĩa của niềm tin.

Xem đáp án

Yêu cầu chung

- Câu này kiểm tra năng lực viết đoạn nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ và chính kiến của mình để làm bài.

-Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Yêu cầu cụ thể

Hình thức:
-Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.
-Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,...
Nội dung:
a.Nêu vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của niềm tin.
b.Giải thích
- Niềm tin là cách chúng ta cảm nhận và tin tưởng vào một điều gì đó. Có thể điều đó là tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai, nhưng chúng ta tin và chắc chắn nó sẽ xảy ra theo đúng hướng mà ta nghĩ.
->Niềm tin là yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi con người.
c. Bàn luận: Thí sinh đưa ra lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục. Có thể tham khảo ý sau:

- Tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở. Niềm tin vào bản thân giúp con người vượt lên mọi thử thách để trưởng thành. Vì vậy niềm tin là nền tảng của mọi thành công.

- Giúp con người vững vàng, lạc quan yêu đời. Niềm tin vào bản thân sẽ đem lại niềm tin yêu trong cuộc sống.

- Là nguồn sức mạnh chân chính, góp phần quyết định một nửa thành công của bạn. Người có niềm tin vào bản thân dám khẳng định năng lực và phẩm chất của mình.

 - Ca ngợi những người có niềm tin, họ cũng là con người được mọi người yêu mến và kính trọng.

-Nghiêm khắc phê phán những kẻ sống thiếu niềm tin, sống không có khát vọng.
d. Bài học nhận thức và hành động
- Cần có niềm tin vào cuộc sống và những điều tốt đẹp phía trước.
- Cần có ước mơ, hoài bão và không ngừng học tập, rèn luyện, tin tưởng vào bản thân để chinh phục ước mơ hoài bão thành hiện thực.

 


Câu 6:

22/07/2024

“Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:

– Giá như tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc , ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…

-Lão ta trước hồi bảy nhăm cỏ đi lính ngụy không?-Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.

-Không chú à cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.

– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.

– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.

– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…

– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…

– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?

– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

– Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.

– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa,  Nguyễn Minh Châu , Ngữ Văn 12 , Tập 2,

NXB Giáo dục Việt Nam , 2015, tr.75,76 )

Cảm nhận của anh chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn nhận về cuộc sống và con người của nhà văn Nguyên Minh Châu.

Xem đáp án

Yêu cầu chung

- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương để làm bài..

-Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

Yêu cầu cụ thể

Đầy đủ bố cục 3 phần:

- Mở bài: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hoàn cảnh và vẻ đẹp của nhân vật người đàn bà hàng chài. Từ đó, thấy được bài học nhân sinh về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn.

- Kết bài: Khẳng định lại vấn đề

Khái quát về tác giả, tác phẩm

-Tác giả:

+ Nguyễn Minh Châu là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

+ Ông "thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay" (Nguyên Ngọc).

+Là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình, lãng mạn, từ sau năm 1975, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh cao đẹp.

-Tác phẩm:

+"Chiếc thuyền ngoài xa" sáng tác năm 1983, ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc, đất nước thống nhất trong nền độc lập, hòa bình, cuộc sống mới  với "muôn mặt đời thường" đã trở lại sau chiến tranh. Nhiều vấn đề của đời sống nhân sinh mà trước đây do hoàn cảnh chiến tranh chưa được chú ý, nay được đặt ra. Nhiều quan niệm đạo đức phải được nhìn nhận lại trong tình hình mới, nhiều yếu tố mới này sinh nhất là khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới.

+ Tác phẩm nằm trong xu thế của văn học thời kì đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường.

Cảm nhận đoạn trích

*Khái quát chung về hình tượng người đàn bà hàng chài

- Sau phát hiện về cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại từ chiếc thuyền ngoài xa, Phùng đã kinh ngạc, chết lặng trước cảnh bạo lực gia đình mà những nhân vật chính ấy lại chính là những con người sống trong chiếc thuyền đẹp đẽ kia. Sau đó, Phùng trở thành nhân chứng bất đắc dĩ tại tòa án huyện. Tại đây, anh

đã chứng kiến câu chuyện của người đàn bà hàng chài. Câu chuyện của chị giúp anh nhận ra rất nhiều điều.

* Người đàn bà hàng chài hiện lên là hình ảnh của con người vô danh có số phận bất hạnh

- Chị không có tên cụ thể, nhà văn gọi tên chị chung chung theo giới tính và nghề nghiệp của người phụ nữ làm nghề chài lưới: Người đàn bà hàng chài.

- Nỗi khổ vô hạn vì nghèo túng, đông con, thuyền chật: “ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…” . Cuộc sống lam lũ, khó nhọc, vất vả hằn in lên vóc dáng của người đàn bà: khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng để kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ; lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng)

- Bị cái xấu đeo đuổi: từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu; cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt…

- Nỗi khổ cùng cực vì bị chồng hành hạ thường xuyên, là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng đớn đau thay kẻ gây ra bạo lực lại chính là người chồng mà chị yêu thương: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu…”; “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

-> Vượt lên trên số phận bi kịch, người phụ nữ vô danh ấy vẫn tỏa sáng cho đời bao vẻ đẹp lấp lánh. Bên ngoài chị giống như viên ngọc thô lấm láp nhưng trong chiều sâu nhân bản lại là viên ngọc quý ánh lên một tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ.

* Vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà hàng chài

-  Là người người vợ hiền thảo:

+ Người vợ ấy nhận hết mọi thiệt thòi về mình. Nhận mình xấu, trót có mang; nhận mình khổ là do “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Vì thế nên gánh lấy cái khổ, chịu khổ như một thói quen, một định mệnh mà mình phải gánh lấy.

+ Dù được Đẩu gợi ý ly hôn để thoát cảnh bạo hành nhưng người đàn bà một mực không đồng ý. Trước đó khi mới tới tòa án huyện, chị tha thiết van xin: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Trong đoạn trích này chị lại thêm một lần tha thiết: “Các chú đừng bắt tôi bỏ nó”.

- Là người vợ nhân hậu, bao dung, vị tha vô lượng:

+ Sâu xa của lý do không bỏ chồng chính là chị thấu hiểu bản chất của chồng: “lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Hắn đã từng chấp nhận cảnh “nghèo khổ, túng quẫn” vì trốn đi lính cho ngụy. Sống nghèo khổ, túng quẫn chứ không bao giờ chấp nhận cầm súng để bắn vào đồng bào mình. Vậy, bản chất người chống ấy là tốt.

+ Chị nhìn chồng mình không phải là phạm nhân mà là nạn nhân. Chính sự thất học, đói nghèo, lam lũ đã tạo ra người đàn ông độc ác ấy. Hắn là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, cơ cực do hậu quả của chiến tranh để lại.

- Là người phụ nữ thâm trầm, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời:

Sau khi lấy lại được sự bình tĩnh, người đàn bà đột ngột thay đổi cách xưng hô: chị và các chú. Sự thay đổi này thể hiện tâm thế chủ động ở chị, sự bản lĩnh, sự từng trải.

+ Chị lên án sự ngây thơ của Đẩu và Phùng trong cách nhìn nhận vấn đề: “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…”. Muốn hiểu được người khác, đầu tiên phải từ bỏ cách nhìn phiến diện, một chiều, phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác.

+ Lý giải việc không bỏ chồng, chị đã thổ lộ: “đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Cần người đàn ông, vì đàn ông là trụ cột, họ làm ăn và nuôi con; họ chèo chống gia đình. Bởi vậy, dù hắn man rợ, độc ác vẫn phải chịu. Cái lý do tưởng như ngớ ngẩn nhưng sâu xa trong đó là cả biết bao nhiêu điều khiến ta phải suy ngẫm.

- Là người mẹ giàu đức hi sinh, giàu tình mẫu tử tha thiết, thiêng liêng, cảm động:

 Chị ý thức sâu sắc thiên chức làm mẹ mà ông trời đã ban cho sứ mệnh: đẻ con và nuôi con; sống vì con: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Đó là tấm lòng hi sinh vì con.

+ Thương con, sợ con bị tổn thương tinh thần, chị đã xin lão chồng “có đánh thì đưa tôi lên bờ mà đánh”. Chị dứt ruột gửi thằng Phác – đứa con mà chị yêu thương nhất lên rừng ở với ông ngoại nó. Bởi chị sợ thằng Phác lớn lên ở đây nhân cách nó sẽ phát triển lệch lạc vì nhiễm thói bạo lực từ người cha của nó. Tình thương con ở chị gắn liền với lý trí.

+ Chị lấy con làm niềm vui, lấy gia đình làm điểm tựa để vượt lên số phận nghiệt ngã của chính mình: “Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.” Chị góp nhặt niềm vui dù là bé nhỏ để bù đắp lên những cơ cực cuộc đời: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”

*Nghệ thuật đặc sắc:

- Trần thuật hấp dẫn, khách quan.

- Tình huống truyện độc đáo, bất ngờ.

- Tâm lý nhân vật được miêu tả tinh tế, chân thực.

- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, chắt lọc.

Cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn

- Nhìn con người, cuộc sống ở góc nhìn đa chiều, quan tâm đến số phận cá nhân con người  nhất là con người lao động vất vả, lam lũ sau chiến tranh.

- Sau chiến tranh, cuộc sống con người vẫn còn nhiều những khó khăn, gian khổ: cái nghèo, cái đói chi phối cuộc sống của con người. Bởi vậy vấn đề cần thiết đặt ra là phải làm sao cho cuộc sống ấy ngày càng tốt đẹp hơn. Muốn vậy, không chỉ dừng lại ở những lời khuyên nhủ mang tính lý thuyết mà cần đến chính sách, kế hoạch hành động thực tế.

Nhận xét, đánh giá

- Câu chuyện về người đàn bà hàng chài kể tại tòa án huyện không chỉ ẩn chứa nhiều vẻ đẹp về chị mà còn khiến Phùng, Đẩu nhận ra nhiều điều về cuộc đời, con người.

- Người đàn bà hàng chài chính là “Cái hạt ngọc” ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn con người mà nhà văn muốn tìm kiếm, khơi gợi, qua đó góp phần bày tỏ xu thế của văn học đổi mới: Hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người đời thường.
Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

 


Bắt đầu thi ngay