Bộ đề ôn hè Tiếng Việt lớp 5 lên lớp 6 (2023) có lời giải

Vietjack.me giới thiệu Bộ đề ôn hè Tiếng Việt lớp 5 lên lớp 6 được biên soạn và sưu tầm mới nhất, bám sát chương trình học giúp các em học sinh củng cố kiến thức và làm quen với bậc lớp tiếp theo.

1 3761 lượt xem


Bộ đề ôn hè Tiếng Việt lớp 5 lên lớp 6

Ôn hè Tiếng Việt lớp 5 lên 6 - Đề số 1

Phần I: Đọc hiểu

Ruộng bậc thang Sa Pa

Tháng 10, một mình một con “ngựa sắt hai bánh” Min-xcơ được tiếng là “khỏe như trâu”, tôi vượt yên ngựa Trung Chải dốc cao tức ngực, hun hút khe sâu, đến thôn Vù Lùng Sung lãng đãng ẩn hiện trong sương trắng dập dềnh, miền đất có “kỳ quan” ruộng bậc thang 121 bậc, nhiều bậc nhất Việt Nam, như chiếc “thang mây” bắc lên lưng trời. Trên độ cao hơn 700 m so với mực nước biển, thôn Vù Lùng Sung nằm chính giữa đỉnh núi cao nhất nơi đây.

Già làng Lò Diếu Chỉn đón khách, niềm nở như người thân lâu ngày gặp lại, câu chuyện nở bung về những tháng ngày gian khổ lập bản. Ngày xa xưa ấy, vùng này không có người ở, bởi “vù luồng” theo tiếng người Dao có nghĩa là “đỉnh rồng”, núi cao chót vót, hoang dã và bí ẩn. Cụ tổ của dòng họ Lò là người đầu tiên dám xung phong lên đây “khai sơn phá thạch” để lập bản. Đứng ở nấc trên cùng của kỳ quan thang mây 121 bậc, tầm mắt bao quát cả một vùng núi non điệp trùng “sóng lúa” ruộng bậc thang, rực lên mầu vàng no ấm. Đang mùa gặt, khắp các sườn núi vang tiếng cười trong trẻo, thoảng trong tiếng kèn lá, khèn môi vui được mùa cơm mới theo điệu dân ca Mông tình tứ. Còn gì vui bằng mùa gặt ruộng bậc thang của người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở nơi “đầu non đầu suối”. Phụ nữ gặt đến đâu, đàn ông kéo theo những chiếc “phàn thống” (hòm đựng lúa) được đóng bằng gỗ, hình thang cân lật ngược đến đấy. Họ dùng những chiếc “néo” là hai đoạn gỗ nhỏ, cứng chắc, được kết nối với nhau bằng da con trâu cái già, để ghìm bó lúa đập vào “phàn thống” cho rụng hạt, rồi đóng bao đưa lên lưng ngựa hoặc dùng xe máy chở về nhà.

Câu 1: Em hãy khoanh vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.

1. Ngôi làng nào nằm trên đỉnh ngọn núi cao nhất Sa Pa? (0,5 điểm)

A. Vù Lùng Sung

B. Tả Phìn

C. Lao Chải

D. Tả Van

2. Ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất nước ta có bao nhiêu bậc? (0,5 điểm)

A. 120 bậc

B. 102 bậc

C. 121 bậc

D. 112 bậc

3. Đâu không phải là dân tộc tham gia cày cấy và thu hoạch lúa trên các thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa? (0,5 điểm)

A. Dân tộc Mông

B. Dân tộc Khmer

C. Dân tộc Dao

D. Dân tộc Hà Nhì

Câu 2: Dựa vào bài đọc em hãy điền vào chỗ trống nghĩa của các từ sau (0,5 điểm):

vù luồng: _____________________ ;

phàn thống: _____________________

Câu 3: Em hãy chỉ ra các hình ảnh so sánh có trong đoạn 1 của văn bản (1 điểm).

Phần II: Luyện từ và câu

Câu 1: Em hãy điền các cặp quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống để tạo thành các câu có nghĩa (1 điểm)

a. ____________ em đi học chăm ngoan ___________ cô giáo đã khen ngợi em trước lớp vào giờ sinh hoạt.

b. ________ mưa ngày càng lớn ________ ruộng đồng ngập hết cả.

Câu 2: Em hãy tìm trong câu sau các từ nhiều nghĩa và chỉ ra đâu là nghĩa gốc, đâu là nghĩa chuyển (1 điểm)

Hùng mở to đôi mắt tròn xoe nhìn vào cái lưới đánh cá của ông, vừa nhìn bé vừa tò mò chạm vào những mắt lưới và cười khoái chí.

Câu 3: Trong đoạn thơ dưới đây có sử dụng một cặp từ đồng âm, em hãy tìm và giải nghĩa.

Bà già đi chợ cầu Đông,

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng.

Thầy bói xem quẻ nói rằng,

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.

Phần III: Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy viết 1 lá đơn gửi cho thầy giáo để xin được học bơi ở lớp học bơi vào mùa hè của trường.

Ôn hè Tiếng Việt lớp 5 lên 6 - Đề số 2

Phần I: Đọc hiểu

Sông Hương

Sông Hương có chiều dài tới tận 80km, riêng đoạn chảy qua Huế từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km. Đoạn sông chảy qua Huế uốn lượn như sự sắp đặt của tự nhiên nhằm tôn tạo thêm vẻ kiều diễm cho thành phố Huế. Sông Hương là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho miền đất này. Con sông này là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô - là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa.

Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển. Thành quách, lầu xá, những công trình kiến trúc hai bên bờ soi hình bóng xuống dòng sông, đẹp tựa như bức tranh phong thủy hữu tình. Người ta thường ví dòng sông Hương duyên dáng như cô gái Huế e ấp nụ cười dưới vành nón lá. Màu trắng bạc của sông càng tô điểm hơn khi chiếc cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương.

[...] Sông Hương dẫn đường xuôi dòng nước đưa du khách đến thăm vẻ đẹp miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngược dòng lên Thiên Mụ thả hồn phiêu diêu theo tiếng chuông chùa văng vẳng. Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày.

Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.

1. Dòng sông Hương chảy qua Huế bao nhiêu km? (0,5 điểm)

A. 40km

B. 80km

C. 30km

D. 60km

2. Sông Hương chảy qua những nơi nào trước khi đổ ra biển? (0, 5 điểm)

A. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua trung tâm thành phố Huế rồi chảy ra biển.

B. Từ ngoại ô thành phố Huế, chảy qua các miền quê ở hạ lưu rồi chảy ra biển.

C. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua các huyện của Huế, qua các khu rừng rậm rồi chảy ra biển.

D. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua các làng mạc trù phú ở ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, chảy qua các miền quê ở hạ lưu rồi đổ ra biển.

3. Cây cầu nào được bắc ngang qua sông Hương? (0,5 điểm)

A. Cầu Tràng Tiền

B. Cầu Nhật Lệ

C. Cầu Rồng

D. Cầu Phú Mỹ

Câu 2: Em hãy gạch chân dưới từ Hán Việt có trong câu sau và giải nghĩa nó (1 điểm):

“Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày”.

Câu 3: Em hãy gạch chân dưới quan hệ từ có trong câu sau (0,5 điểm):

“Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển”.

Phần II: Luyện từ và câu

Câu 1: (1 điểm)

a. Em hãy tìm 3 cặp từ trái nghĩa về chủ đề con người.

b. Chọn 1 trong 3 cặp từ vừa tìm được và đặt câu.

Câu 2: Em hãy liệt kê các nghĩa của từ “đậu” trong câu dưới đây (1 điểm):

Một chú ruồi đang đậu trên rổ đậu đỏ mà mẹ em chuẩn bị để nấu xôi mừng chị gái thi đậu đại học.

Câu 3: Em hãy điền thêm vế câu còn lại để tạo nên các câu ghép (1 điểm)

a. Hễ trời mưa to ______________________________

b. ___________________________ thì em đã được đi bơi với bạn.

Phần III: Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy tả một người bạn thân của mình.

Ôn hè Tiếng Việt lớp 5 lên 6 - Đề số 3

Phần I: Đọc hiểu

Nằm ở phía tây bắc của Tổ quốc, Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa là sự kết hợp giữa sức sáng tạo của con người cùng với địa hình tự của núi đồi, màu xanh của rừng. Tạo nên bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà về một vùng đất có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn. Chìm trong làn mây bồng bềnh, thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500m – 1800m, nên khí hậu Sa Pa ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C. Riêng từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.

Tên gọi Sa Pa này bắt nguồn từ tiếng quan thoại. Tiếng quan thoại gọi Sa - Pả, “Sa” là cát, “Pả” là bãi. Địa danh của “bãi cát” này ở bên phải cầu 32km từ Lào Cai vào Sa Pa. Ngày xưa chưa có thị trấn Sa Pa, cư dân ở vùng đất này đều họp chợ ở “bãi cát” đó. Do vậy, dân địa phương ai cũng nói là “đi chợ Sa Pả”. Từ hai chữ “Sa Pả”, người Phương Tây phát âm không có dấu, nên thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó là “Cha Pa” và một thời gian rất lâu người ta đều gọi “Cha Pa” theo nghĩa của từ tiếng Việt. Còn thị trấn Sa Pa ngày nay, trước có một mạch nước đùn lên đục đỏ, nên dân địa phương gọi là “Hùng Hồ”, “Hùng” là đỏ, “Hồ” là hà, là suối, suối đỏ.

Sa Pa có đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Gọi là Hoàng Liên Sơn, bởi duy nhất trên dãy núi này mới có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra dãy Hoàng Liên còn là “mỏ” của loài gỗ quý như thông dầu, của bao chim thú, như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và của hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng, 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc. Trong đó có 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ Việt Nam.

Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.

1. Phong cảnh thiên nhiên Sa Pa có gì đặc biệt? (0,5 điểm)

A. Đều là những khung cảnh hùng vĩ của mẹ thiên nhiên ban tặng.

B. Đều là những khung cảnh ấn tượng do con người tạo dựng, sắp xếp.

C. Kết hợp giữa sức sáng tạo của con người cùng với địa hình tự của núi đồi, màu xanh của rừng.

D. Kết hợp giữa sức sáng tạo của con người và các bãi cát, cồn cát lớn.

2. Loại tài nguyên được xem là vô giá ở Sa Pa là gì? (0,5 điểm)

A. Dầu mỏ, dầu khí

B. Các loại dược liệu quý hiếm

C. Khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng

D. Mạch nước ngầm trong lành, dồi dào

3. Thông tin nào sau đây chưa đúng khi nói về Sa Pa? (0,5 điểm)

A. Nằm ở độ cao trung bình 1500m – 1800m

B. Khí hậu ít nhiều mang sắc thái của xứ ôn đới

C. Nhiệt độ trung bình 18-25°C

D. Từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều

4. Tên gọi nào chưa từng được sử dụng để gọi tên vùng đất Sa Pa?

A. Sa Pả

B. Cha Pa

C. Sa Pà

D. Sa Pa

5. Vì sao dãy núi ở Sa Pa được đặt tên là Hoàng Liên? (0,5 điểm)

A. Vì người đầu tiên tìm ra dãy núi này tên là Hoàng Liên.

B. Vì chính quyền sau khi họp đã chọn ra tên Hoàng Liên để đặt cho dãy núi này.

C. Vì đây là dãy núi duy nhất có cây Hoàng Liên - một loại được liệu quý.

D. Vì sách cổ có ghi lại tên dãy núi này là Hoàng Liên.

6. Đâu không phải là đặc điểm về sinh vật cảnh của vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn? (0,5 điểm)

A. 136 loài chim, 56 loài thú, 553 loài côn trùng

B. 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc

C. 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ Việt Nam

D. 65 loại khoáng sản trong lòng đất

Phần II: Luyện từ và câu

Câu 1: Đọc đoạn trích dưới đây:

Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Tôi vui vẻ bảo:

- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc khoai, nấu nước.

- Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác?

- Việc gì còn phải chờ khi khác?... Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại. Cụ cứ ngồi xuống đây! Tôi làm nhanh lắm...

- Đã biết, nhưng tôi còn muốn nhờ ông một việc...

Mặt lão nghiêm trang lại...

- Việc gì thế, cụ?

- Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí.

- Vâng, cụ nói.

- Nó thế này, ông giáo ạ!

(Lão Hạc - Nam Cao)

a. Em hãy gạch chân dưới các đại từ xưng hô có trong đoạn trích trên (0,5 điểm)

b. Em hãy liệt kê các từ ghép có trong đoạn trích trên (0,5 điểm)

Câu 2: Em hãy giải nghĩa các từ “đông” có trong đoạn văn dưới đây (1 điểm):

Sang tháng 11, mùa đông thực sự đã về đến Hà Nội. Đất trời trở nên khô hanh, lạnh lẽo. Các cửa hàng bán đồ giữ ấm trở nên đông đúc, nhộn nhịp hẳn. Những giọt sương đọng trên lá cây buổi sớm mai trông như bị đông cứng lại bởi giá buốt.

Câu 3: Em hãy viết 1 đoạn văn từ 5 đến 7 câu miêu tả một chú chó. Trong đó có sử dụng ít nhất 1 cặp từ trái nghĩa (1 điểm).

Phần III: Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy tả về người anh/chị thân nhất của mình.

1 3761 lượt xem