Bố cục Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội (Cánh diều) chính xác nhất

Với Bố cục Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội Ngữ văn lớp 9 hay, chính xác nhất sách Cánh diều giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội từ đó học tốt môn Ngữ văn 9.

1 60 06/12/2024


Bố cục Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội

- Phần 1 (từ đầu đến…tấp nập lắm): những hiểu biết của nhà văn Tô Hoài về Hà Nội.

- Phần 2 (tiếp theo đến …phố luôn): đặc điểm Hà Nội xưa.

- Phần 3 (còn lại): con người Hà Nội.

Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Cánh diều

Đọc tác phẩm Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội

CÙNG NHÀ VĂN TÔ HOÀI NGẮM PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI

- Trần Đăng Khoa -

[ ... ]

Trần Đăng Khoa: Thưa nhà văn Tô Hoài, có thể xem ông như một nhà Hà Nội học, mặc dù ông không nghiên cứu. Nhưng với một sự am hiểu khá thấu đáo, cặn kẽ, qua con mắt của một nhân chứng, trong suốt gần một ... thế kỉ nay, ông thấy Hà Nội xưa thế nào?

Nhà văn Tô Hoài: Tôi không phải nhà Hà Nội học. Tôi hiểu Hà Nội thì cũng là hiểu một cách rất tự nhiên thôi. Tôi sinh ở Hà Nội. Hà Nội trước thế nào thì bây giờ tôi thấy nó cũng vẫn như thế...

Trần Đăng Khoa: Nghĩa là không có gì đổi khác?

Nhà văn Tô Hoài: Đúng vậy. Trừ những khu mới mở, như đường Hoàng Quốc Việt chăng hạn, còn các khu phố cũ vẫn thế. Nhà cửa có thể khác tí chút, có tân trang hơn hoặc nâng thêm tầng, nhưng đường phố vẫn vậy, nên phố phường về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Ngày xưa thế nào thì bây giờ vẫn thế. Tôi có thể nhắm mắt đi đến khu phố nào cũng được. Vỉa hè vẫn là via hè cũ. Ở các phố Ngô Quyền, Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài, hay Nguyễn Xí, Đinh Lễ, đầu vỉa hè còn bọc đá xanh. Đấy là via hè xưa, vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Đá bọc vỉa hè là đá lấy từ núi Thầy, núi Trầm. Lí do dùng đá ốp vỉa hè thì cũng đơn giản thôi, vì dạo ấy ta chưa có lắm xi măng. Đi trên đường phố Hà Nội, tôi thấy quen thuộc vô cùng. Cả hệ thống cống ngầm bên dưới cũng thế, cũng là hệ thống cũ. Vì thế, bây giờ mưa, đường Hà Nội ngập úng là tất nhiên, vì quá tải. Ta còn thấy những nắp cống tròn còn nguyên cả dòng chữ Mác-xây (Marseille). Đó là nắp cống đúc từ bên Pháp rồi sang bán ở ta. Hồi bấy giờ, ở phố Quán Thánh, ngay cạnh đền Quán Thánh bây giờ, Pháp có mở Công ty Sa-crích (Sacric). Đấy là Công ty Gạch ngói Đông Dương. Khu sản xuất khá rộng, đến mấy ngàn mét vuông. Đất sét đóng gạch lấy ở Quán La, bên kia Tây Hồ, rồi dùng thuyền chở sang. Thuyền bè bấy giờ cũng tấp nập lắm.

Trần Đăng Khoa: Ông thấy Hồ Tây thuở ấy thế nào?

Nhà văn Tô Hoài: Bây giờ Hồ Tây bị thu hẹp lại vì trò lấn đất. Trước đây rộng lắm. Ngút ngát cả một vùng trời nước. Xung quanh hồ, um tùm cây lá rậm rạp. Ven bờ, người ta còn thả sen. Nhiều sen lắm. Sau bỏ sen để nuôi cá mè, vì cá mè hay rúc vào bãi sen, tróc vảy chết. Trước đây, ở Hồ Tây không có cá mè đâu. Người ta chỉ thả một loại cá trắm. Cá mè tanh. [ ... ]

Trần Đăng Khoa: Thế còn các khu phố Hà Nội? Nhà văn Tô Hoài: Địa giới Hà Nội xưa rất hẹp. Đi hết Trường Chu Văn An bây giờ đã là đất Hà Đông rồi. Làng Yên Phụ cũng thuộc đất Hà Đông. Người Pháp xưa đặt tên đường, tên phố rất rành rẽ. Phố là địa giới nằm trong khu vực nội thị, còn đường là nối với các tỉnh khác. Cuối đường đã là tỉnh khác rồi. Ví như đường Huế nối với Hà Đông, đường Hàng Bột, hay đường Bạch Mai cũng thế. Cuối đường là địa phận của tỉnh khác. Về mặt hành chính, Hà Nội được chia ra làm bốn khu. Khu phố cổ, bao gồm địa danh của 36 phố phường xưa, như Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, ... Rồi khu phố cũ là khu phố xây dựng từ thời Tây, có những biệt thự kiểu Tây, như phố Hàng Khay, Tràng Thi, Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa, Phan Đình Phùng, hai bên đường, có vỉa hè xây và trồng cây hai bên, cành lá giao nhau, nói như ông Phạm Quỳnh, và dùng chữ Phạm Quỳnh thì đấy là “dường thông cù”. Đó là khu ở của những ông Tham, ông Phán hoặc dân nhà giàu ... Khu phố mới, là khu phố được nới ra, xây dựng sau này. Còn khu thứ tư là khu dưới bãi […]

Trần Đăng Khoa: Chắc đó là vùng Nghi Tàm, Yên Phụ bây giờ?

Nhà văn Tô Hoài: Không, từ Yên Phụ trở lên Nghi Tàm xưa là đất trồng dâu, trồng ngô. Còn khu dưới bãi là vùng An Dương, Chương Dương bây giờ. [ ... ]

Trần Đăng Khoa: Ở Hà Nội, trong số 36 phố phường như ông nói, có những tên phố rất lạ: Hàng Đường, Hàng Quạt, Hàng Nón, Hàng Mắm, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Buồm, Hàng Trống, ... Nghe cứ như tên các quán hàng. Có cảm giác Hà Nội là một cái chợ. Chắc ngày xưa mỗi khu phố là một nơi sản xuất và buôn bán các mặt hàng riêng biệt. Ví như Hàng Rươi bán rươi, Hàng Mắm bán ... mắm chẳng hạn?

Nhà văn Tô Hoài: Không hẳn thế đâu. Có rất nhiều mặt hàng, người ta sản xuất ở quê, ở Hà Đông và các vùng phụ cận rồi đem ra bán ở Hà Nội. Như đồ gò đúc đồng, rồi guốc dép, mũ nón. Trước đây, Hà Nội còn có phố Hàng Tiện và phố Hàng Dép nữa. Đó là hai phố nhỏ. Phố Hàng Tiện ở bên Hàng Gai trông ra phía Bờ Hồ, phố

Hàng Dép ở đầu Hàng Buồm. Hai phố này, năm 1945 bị phá huỷ trong những cuộc đánh nhau với Pháp, rồi cũng từ đấy bị mất phố luôn. [ ... ]

Trần Đăng Khoa: Nếu cần nói thật ngắn gọn về tính cách người Hà Nội thì ông sẽ nói thế nào? Thanh lịch hào hoa chăng? Ca dao xưa: “Chăng thơm cũng thể hoa hài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.”.

Nhà văn Tô Hoài: Hà Nội do dân tứ phương lập nên. Người Hà Nội gốc có lẽ chỉ là mấy anh đánh cá ở sông Tô Lịch. Chẳng có ai sống ở Hà Nội được đến mười đời. Vì thế, muốn hiểu tính cách người Hà Nội, ta phải tìm hiểu tính cách chung của người Việt Nam rồi nghiên cứu cá tính người thành thị thì mới ra tính cách người Hà Nội. Tất nhiên người Hà Nội có nét hào hoa phong nhã, nhưng đấy không phải tận gốc mà là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên. [ ... ] Vì thế, ở Hà Nội tuyệt nhiên không có chuyện cục bộ địa phương. Tôi cho đó cũng là một nét rất hay của Hà Nội.

Trần Đăng Khoa: Ông đã nói Hà Nội trước đây thế nào thì bây giờ vẫn thế...

Nhà văn Tô Hoài: Đúng vậy. Ta chỉ bổ sung mà ít thay đổi. Về cơ bản, ta vẫn giữ nguyên như cách bố trí, sắp đặt của ông Trần Văn Lai.

Trần Đăng Khoa: Xin ông nói rõ hơn được không?

Nhà văn Tô Hoài: Trần Văn Lai là một bác sĩ. Ông là người tốt, người yêu nước. Chính vì thế, thực dân Pháp đã bỏ tù ông. Tháng Ba năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, ông được ra tù và được mời làm Thị trưởng thành phố. Trần Văn Lai chỉ làm Thị trưởng có năm tháng, từ tháng Ba đến tháng Tám năm 1945, nhưng ông đã làm được hai việc rất cơ bản. Một là đập hết các tượng đài của Pháp, chỉ để lại hai tượng bán thân là tượng Y-éc-xanh (Yersin) và tượng Pa-xtơ (Pasteur). Hai là thay lại các tên phố. Trước đây, phố Hà Nội hầu hết mang tên Tây, hoặc tên những người Việt có công với Pháp. Một số danh nhân của ta cũng được đặt tên, nhưng lại ở những phố tồi tàn, bẩn thỉu hoặc hẻo lánh. Ông Trần Văn Lai thay lại hết. Tất nhiên, ông thạo võ hơn văn. Dân văn chương thì ông chỉ biết Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm cho đến Tú Xương là hết. Dân võ ông biết nhiều hơn. Tất cả những người ông biết, ông đều đặt hết tên phố. Đặc biệt, ông rất yêu các vị võ tướng: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Ngô Quyền, Bùi Thị Xuân, Lý Thường Kiệt, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, ... Toàn là các võ tướng lừng danh cả. Rồi lại cả Ba Đình nữa. Tôi có đọc trong một tờ báo, thấy có anh giải thích rằng trước đây ở khu Quảng trường này có ba ... cái đình nên Quảng trường mang tên Ba Đình. Làm gì có đình nào ở đấy cơ chứ. Ba Đình là cuộc khởi nghĩa của ông Đinh Công Tráng ở Thanh Hoá. Quảng trường mang tên cuộc khởi nghĩa ấy. Sau này, ta định đổi thành Quảng trường Độc lập để ghi nhớ ngày 2-9-1945. Nhưng Cụ Hồ không đồng ý. Cụ bảo mình đã tuyên bố với thế giới là Tuyên ngôn Độc lập đọc ở Quảng trường Ba Đình rồi, giờ không nên thay đổi nữa. Pháp tái chiếm Hà Nội, chúng thay là Quảng trường Hồng Bàng. Sau khi ta thắng Pháp, Quảng trường trở lại tên Ba Đình, đúng như cái tên ông Trần Văn Lai đã đặt. [ ... ]

Nội dung chính Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội

Cung cấp thông tin về phố phường Hà Nội xưa và nay: phố phường, hệ thống đường xá cầu cống, con người,… Từ đó cho thấy Hà Nội năm 2003 (thời điểm phỏng vấn), Hà Nội vẫn giữ được nét cổ mà nó vốn có từ xưa.

Hoàn cảnh sáng tác Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội

Hà Nội 36 phố phường: Khám phá lịch sử, văn hóa Thủ đô xưa

Giá trị nội dung Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội

- Văn bản đã cung cấp những thông tin thú vị về Hà Nội dưới góc nhìn của nhà văn Tô Hoài, giúp độc giả hiểu hơn về thủ đô Hà Nội qua các phương diện: con người, địa danh, tên phố,.... Qua đó thấy được sự am hiểu Hà Nội của nhà văn Tô Hoài cũng như cái tài đặt câu hỏi phỏng vấn của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Giá trị nghệ thuật Cùng nhà văn Tô Hoài ngắm phố phường Hà Nội

- Cách thức phỏng vấn thể hiện tính dân chủ, trực tiếp, khách quan và chân thực.

- Cách đặt câu hỏi, dẫn dắt vào vấn đề sinh động, hấp dẫn.

1 60 06/12/2024