Thông tư 38/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Số hiệu: | 38/2024/TT-NHNN | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước | Người ký: | Đoàn Thái Sơn |
Ngày ban hành: | 01/07/2024 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2024 |
Ngày công báo: | 26/07/2024 | Số công báo: | Từ số 861 đến số 862 |
Lĩnh vực: | Tiền tệ - Ngân hàng | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nguyên tắc hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng
Ngày 01/7/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 38/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nguyên tắc hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng
Theo Điều 5 Thông tư 38/2024/TT-NHNN Ngân hàng Nhà nước quy định tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn phải đảm bảo thực hiện 06 nguyên tắc hoạt động sau:
(1) Tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động tư vấn do nhân viên tư vấn thực hiện và nội dung tư vấn.
(2) Chịu trách nhiệm thực hiện giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và việc thực hiện hoạt động tư vấn của nhân viên tư vấn.
(3) Bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan của hoạt động tư vấn.
(4) Tuân thủ quy định về bảo mật thông tin khách hàng trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản với khách hàng hoặc pháp luật có quy định khác.
(5) Tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn có quyền tự chủ trong hoạt động tư vấn.
(6) Việc thực hiện hoạt động tư vấn bằng phương tiện điện tử phải phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Nội dung của hợp đồng tư vấn
Theo Điều 10 Thông tư 38/2024/TT-NHNN tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn và khách hàng phải thống nhất các thoả thuận và cam kết bằng hợp đồng tư vấn phù hợp với quy định của pháp luật.
Hợp đồng tư vấn phải có tối thiểu các nội dung sau:
(1) Tên, địa chỉ, phương thức liên lạc khác (nếu có); người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn; tên, địa chỉ, phương thức liên lạc khác (nếu có) của khách hàng là tổ chức; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân, phương thức liên lạc khác (nếu có) của khách hàng là cá nhân;
(2) Mục tiêu, phạm vi tư vấn;
(3) Phương thức thực hiện tư vấn;
(4) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn;
(5) Quyền và nghĩa vụ của khách hàng;
(6) Thời hạn thực hiện hợp đồng;
(7) Phí trong hoạt động tư vấn và phương thức thanh toán;
(8) Phương thức giải quyết tranh chấp;
(9) Hiệu lực hợp đồng;
(10) Thời hạn hợp đồng;
(11) Thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên khi vi phạm hợp đồng.
Hợp đồng tư vấn có thể được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận của các bên phù hợp với Thông tư 38/2024/TT-NHNN và các quy định pháp luật có liên quan.
Xem thêm tại Thông tư 38/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Tiêu đề | Thông tư 38/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành | Mục lục |
---|---|---|
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2024/TT-NHNN |
Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2024 |
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
1. Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng).
2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng.
Trong Thông tư này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác (sau đây gọi là tư vấn) là việc tổ chức tín dụng thực hiện một hoặc một số hoạt động, bao gồm thu thập, xử lý thông tin, vận dụng kiến thức chuyên môn, phát hiện vấn đề, đánh giá vấn đề để đề xuất giải pháp, phương án phù hợp với phạm vi hoạt động tư vấn quy định tại Điều 4 Thông tư này theo yêu cầu của khách hàng.
2. Nhân viên tư vấn là nhân viên của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn, được phân công, giao nhiệm vụ tư vấn trực tiếp cho khách hàng theo nội dung thỏa thuận tại hợp đồng tư vấn.
3. Khách hàng là tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng khác) hoặc cá nhân sử dụng dịch vụ tư vấn của tổ chức tín dụng. Khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn của quỹ tín dụng nhân dân là các thành viên của quỹ tín dụng nhân dân đó.
4. Tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) cấp Giấy phép trong đó có nội dung tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác.
1. Tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn chỉ được cung ứng dịch vụ tư vấn về hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng đó.
2. Giải pháp, phương án quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này phải được thực hiện bởi tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn hoặc tổ chức tín dụng khác phù hợp với phạm vi hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác phù hợp với Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn phải đảm bảo thực hiện các nguyên tắc sau:
1. Tuân thủ quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động tư vấn do nhân viên tư vấn thực hiện và nội dung tư vấn.
2. Chịu trách nhiệm thực hiện giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và việc thực hiện hoạt động tư vấn của nhân viên tư vấn.
3. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan của hoạt động tư vấn.
4. Tuân thủ quy định về bảo mật thông tin khách hàng trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản với khách hàng hoặc pháp luật có quy định khác.
5. Tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn có quyền tự chủ trong hoạt động tư vấn.
6. Việc thực hiện hoạt động tư vấn bằng phương tiện điện tử phải phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
1. Trên cơ sở quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, trước khi triển khai hoạt động tư vấn, tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn phải xây dựng quy định nội bộ về hoạt động tư vấn.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định nội bộ, tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn là tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân) hoặc gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) đối với các tổ chức tín dụng khác.
2. Quy định nội bộ của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn về hoạt động tư vấn phải có tối thiểu các nội dung sau:
a) Quy trình tiếp nhận yêu cầu của khách hàng và ký hợp đồng dịch vụ tư vấn;
b) Quy trình thực hiện hoạt động tư vấn, bao gồm thu thập, xử lý thông tin, vận dụng kiến thức chuyên môn, phát hiện vấn đề, đánh giá vấn đề, đề xuất giải pháp, phương án phù hợp với phạm vi hoạt động tư vấn quy định tại Điều 4 Thông tư này; và quy trình quản lý rủi ro hoạt động tư vấn;
c) Trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện hoạt động tư vấn. Quy định nội bộ phải quy định rõ những việc nhân viên tư vấn được thực hiện, không được thực hiện trong quá trình tư vấn;
d) Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của nhân viên tư vấn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và trách nhiệm thực hiện giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn;
đ) Quy định về đào tạo, tổ chức thực hiện đào tạo, kiểm tra, đánh giá chất lượng chuyên môn của nhân viên tư vấn định kỳ;
e) Quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của khách hàng liên quan đến hoạt động tư vấn.
1. Có hiểu biết chuyên môn về nội dung tư vấn cho khách hàng.
2. Trung thực, công bằng, cẩn trọng, liêm chính; không được cung cấp thông tin sai sự thật hoặc thông tin gây hiểu lầm về tính năng, đặc điểm, lợi ích của giao dịch được tư vấn.
3. Vì lợi ích của khách hàng; nội dung tư vấn đưa ra phù hợp với những thông tin do khách hàng cung cấp (nếu có) về tình hình, kiến thức tài chính, năng lực hành vi, hiểu biết xã hội, mục tiêu và nhu cầu tài chính của khách hàng.
4. Giữ an toàn, tách biệt tiền, tài sản của khách hàng tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn với giao dịch được tư vấn trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
5. Không quyết định thay khách hàng hoặc tác động khách hàng đưa ra quyết định; không chuyển thông tin của khách hàng, thông tin liên quan đến hợp đồng tư vấn cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
6. Cảnh báo khách hàng về những rủi ro có thể phát sinh khi thực hiện các giải pháp, phương án được tư vấn.
1. Tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn và khách hàng phải thống nhất các thoả thuận và cam kết bằng hợp đồng tư vấn phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Hợp đồng tư vấn phải có tối thiểu các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, phương thức liên lạc khác (nếu có); người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn; tên, địa chỉ, phương thức liên lạc khác (nếu có) của khách hàng là tổ chức; tên, địa chỉ, số định danh cá nhân, phương thức liên lạc khác (nếu có) của khách hàng là cá nhân;
b) Mục tiêu, phạm vi tư vấn;
c) Phương thức thực hiện tư vấn;
d) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tư vấn;
đ) Quyền và nghĩa vụ của khách hàng;
e) Thời hạn thực hiện hợp đồng;
g) Phí trong hoạt động tư vấn và phương thức thanh toán;
h) Phương thức giải quyết tranh chấp;
i) Hiệu lực hợp đồng;
k) Thời hạn hợp đồng;
l) Thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên khi vi phạm hợp đồng.
3. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng tư vấn thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.
1. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, tổ chức tín dụng đã được cấp Giấy phép hoạt động tư vấn ngân hàng, tài chính; tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; tư vấn về ngân hàng, tài chính; tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính vi mô theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017 được tiếp tục thực hiện nghiệp vụ tư vấn theo quy định tại Thông tư này mà không phải đề nghị cấp lại Giấy phép cho đến khi sửa đổi, bổ sung hoặc cấp đổi Giấy phép.
|
KT. THỐNG ĐỐC |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực