Chương II Thông tư 14/2024/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có của tổ chức tài chính vi mô do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành: Quy định cụ thể
Số hiệu: | 36/2024/TT-NHNN | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước | Người ký: | Đào Minh Tú |
Ngày ban hành: | 30/06/2024 | Ngày hiệu lực: | 15/08/2024 |
Ngày công báo: | 24/07/2024 | Số công báo: | Từ số 853 đến số 854 |
Lĩnh vực: | Tiền tệ - Ngân hàng | Tình trạng: | Chưa có hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Phân loại nợ trong tổ chức tín dụng là hợp tác xã từ ngày 15/8/2024
Ngày 30/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2024/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có của tổ chức tín dụng là hợp tác xã
Phân loại nợ trong tổ chức tín dụng là hợp tác xã từ ngày 15/8/2024
Theo đó, tổ chức tín dụng là hợp tác xã thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau: Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn); Nhóm 2 (Nợ cần chú ý); Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn); Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ); Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)
Trong đó, nợ Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
+ Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày
+ Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu
+ Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quả hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai
+ Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư 36/2024/TT-NHNN
+ Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 9 Thông tư 36/2024/TT-NHNN chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi
+ Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi
+ Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng là hợp tác xã do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng là hợp tác xã chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi
+ Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa vốn và tài sản;
+ Khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 36/2024/TT-NHNN
+ Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 5 theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 36/2024/TT-NHNN
Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 36/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Toàn bộ dư nợ và số dư cam kết ngoại bảng của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng là hợp tác xã phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ và là nhóm có mức độ rủi ro cao nhất trong các nhóm nợ của các khoản nợ và/hoặc cam kết ngoại bảng của khách hàng đó.
2. Đối với khoản cấp tín dụng hợp vốn, từng tổ chức tín dụng là hợp tác xã tham gia cấp tín dụng hợp vốn có trách nhiệm thông báo cho tổ chức tín dụng là hợp tác xã là thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn về kết quả tự phân loại nợ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
3. Đối với khoản chiết khấu các công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác:
a) Dưới hình thức mua có kỳ hạn: Ngân hàng hợp tác xã phân loại khoản chiết khấu như là một khoản cho vay đối với người thụ hưởng;
b) Dưới hình thức mua có bảo lưu quyền truy đòi: Ngân hàng hợp tác xã phân loại khoản chiết khấu như là một khoản cho vay đối với người thụ hưởng như sau:
Trước thời điểm ngân hàng hợp tác xã có quyền thực hiện quyền truy đòi theo hợp đồng chiết khấu, ngân hàng hợp tác xã căn cứ vào tình hình thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thanh toán của người phát hành theo thỏa thuận phát hành công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá và thông tin, dữ liệu về khả năng trả nợ của người thụ hưởng để thực hiện phân loại đối với khoản chiết khấu.
Kể từ thời điểm ngân hàng hợp tác xã có quyền thực hiện quyền truy đòi theo hợp đồng chiết khấu, ngân hàng hợp tác xã căn cứ thời gian quá hạn theo thỏa thuận phát hành công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá và khả năng trả nợ của người thụ hưởng để tiếp tục phân loại khoản chiết khấu vào nhóm nợ có mức độ rủi ro phù hợp.
4. Đối với số tiền mua trái phiếu chưa niêm yết, ngân hàng hợp tác xã phân loại số tiền mua trái phiếu như là một khoản cho vay đối với bên phát hành trái phiếu; trường hợp trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành có bảo đảm thì phân loại như là một khoản cho vay có bảo đảm đối với bên phát hành trái phiếu.
Đối với số tiền mua trái phiếu chưa niêm yết được kéo dài kỳ hạn trái phiếu theo quy định của pháp luật thì được phân loại như một khoản cho vay được gia hạn nợ.
5. Đối với khoản ủy thác cấp tín dụng mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân hết số tiền đã ủy thác theo hợp đồng ủy thác, ngân hàng hợp tác xã phải phân loại số tiền đã ủy thác nhưng chưa giải ngân như là một khoản cho vay đối với bên nhận ủy thác. Thời gian quá hạn được xác định từ thời điểm bên nhận ủy thác không giải ngân đúng theo thời hạn giải ngân quy định tại hợp đồng ủy thác.
6. Đối với số tiền mua chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, ngân hàng hợp tác xã phân loại số tiền mua như một khoản cho vay đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành.
7. Đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng:
a) Đối với nghiệp vụ phát hành thư tín dụng:
(i) Trường hợp phát hành thư tín dụng trả ngay hoặc trả chậm (trừ trường hợp quy định tại điểm a(ii) Khoản này), ngân hàng phát hành phân loại khoản trả thay theo cam kết tại thư tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này đối với bên đề nghị, kể từ ngày ngân hàng phát hành thanh toán cho bên thụ hưởng;
(ii) Trường hợp phát hành thư tín dụng trả chậm có điều khoản thỏa thuận bên thụ hưởng được thanh toán trả ngay hoặc trả trước ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, ngân hàng phát hành phân loại khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng như là một khoản cho vay đối với bên đề nghị, kể từ ngày ngân hàng hoàn trả thanh toán cho bên thụ hưởng;
b) Đối với nghiệp vụ xác nhận thư tín dụng:
Ngân hàng xác nhận phân loại khoản trả thay theo cam kết tại thư tín dụng đối với ngân hàng phát hành và ngân hàng phát hành phân loại khoản trả thay theo cam kết tại thư tín dụng đối với bên đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này, kể từ thời điểm ngân hàng xác nhận thanh toán cho bên thụ hưởng;
c) Đối với nghiệp vụ thương lượng thanh toán thư tín dụng:
Ngân hàng thương lượng phân loại khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng đối với bên thụ hưởng như khoản chiết khấu các công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác quy định tại khoản 3 Điều này;
d) Đối với nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng:
(i) Trường hợp hoàn trả thư tín dụng theo hình thức phát hành cam kết hoàn trả, ngân hàng hoàn trả phân loại khoản trả thay theo cam kết tại thư tín dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này đối với ngân hàng phát hành, kể từ ngày ngân hàng hoàn trả thanh toán cho bên thụ hưởng;
(ii) Trường hợp hoàn trả thư tín dụng theo hình thức thỏa thuận với khách hàng thanh toán bằng nguồn tiền của ngân hàng hoàn trả (trừ trường hợp quy định tại điểm d(i) Khoản này), ngân hàng hoàn trả phân loại khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ thư tín dụng như là một khoản cho vay đối với ngân hàng phát hành, kể từ ngày ngân hàng hoàn trả thanh toán cho bên thụ hưởng;
đ) Đối với số tiền mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ xuất trình theo thư tín dụng, ngân hàng hợp tác xã phân loại số tiền mua như một khoản cho vay đối với ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận.
8. Đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 9 Thông tư này, tại thời điểm phát hiện vi phạm, tổ chức tín dụng là hợp tác xã phải ban hành ngay quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.
Đối với các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sau đây gọi là thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra), tổ chức tín dụng là hợp tác xã phải ra quyết định thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra.
Đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 9 Thông tư này, các khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra, tổ chức tín dụng là hợp tác xã không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và trong thời gian chưa thu hồi được theo quyết định thu hồi, tổ chức tín dụng là hợp tác xã thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư này.
9. Đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ là tổng số lần thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với từng khoản nợ, kể từ thời điểm phát sinh khoản nợ đến thời điểm khách hàng hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, thanh toán cho ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.
1. Tổ chức tín dụng là hợp tác xã thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:
a) Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:
(i) Khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;
(ii) Khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
(iii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 1 theo quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
(i) Khoản nợ quá hạn đến 90 ngày, trừ khoản nợ quy định tại điểm a (ii) Khoản này và khoản 3 Điều này;
(ii) Khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;
(iii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 2 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
c) Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
(i) Khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(ii) Khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;
(iii) Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(iv) Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày tổ chức tín dụng là hợp tác xã ký văn bản thu hồi khoản nợ (sau đây gọi là ngày có quyết định thu hồi):
- Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 6 Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng;
- Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng;
- Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 5, 9 Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng;
- Khoản nợ vi phạm quy định về cho vay của quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
(v) Khoản nợ trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra;
(vi) Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng là hợp tác xã do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng là hợp tác xã chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(vii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
(viii) Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
d) Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm:
(i) Khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(ii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều này;
(iii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;
(iv) Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều này chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(v) Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra đến 60 ngày mà chưa thu hồi được;
(vi) Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng là hợp tác xã do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng là hợp tác xã chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(vii) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
(viii) Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
đ) Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
(i) Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
(ii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
(iii) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
(iv) Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
(v) Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều này chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(vi) Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi được;
(vii) Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng là hợp tác xã do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng là hợp tác xã chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
(viii) Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa vốn và tài sản;
(ix) Khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 3 Điều này;
(x) Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
2. Khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với khoản nợ quá hạn, tổ chức chức tín dụng là hợp tác xã phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(i) Khách hàng đã trả đầy đủ phần nợ gốc và lãi bị quá hạn (kể cả lãi áp dụng đối với nợ gốc quá hạn) và nợ gốc, lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo (nếu có) trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn;
(ii) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;
(iii) Tổ chức tín dụng là hợp tác xã có đủ cơ sở thông tin, tài liệu đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
b) Đối với khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng là hợp tác xã phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(i) Khách hàng đã trả đầy đủ nợ gốc, lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại (nếu có) trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc hoặc lãi theo thời hạn được cơ cấu lại; trường hợp gốc và lãi có cùng 01 (một) kỳ hạn trả nợ thì tính kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi;
(ii) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;
(iii) Tổ chức tín dụng là hợp tác xã có đủ cơ sở thông tin, tài liệu để đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn đã được cơ cấu lại;
c) Đối với khoản nợ được miễn, giảm lãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, tổ chức tín dụng là hợp tác xã phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
(i) Khách hàng đã trả đầy đủ nợ gốc, lãi trong thời gian tối thiểu 03 (ba) tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày khách hàng bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc hoặc lãi của kỳ hạn trả nợ gần nhất sau khi khách hàng không còn được miễn, giảm lãi; trường hợp gốc và lãi có cùng 01 (một) kỳ hạn trả nợ thì tính kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi của kỳ hạn trả nợ gần nhất sau khi khách hàng không còn được miễn, giảm lãi;
(ii) Có tài liệu, hồ sơ chứng minh việc khách hàng đã trả nợ;
(iii) Tổ chức tín dụng là hợp tác xã có đủ cơ sở thông tin, tài liệu để đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.
3. Khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn trong các trường hợp sau đây:
a) Các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ trên vốn, dòng tiền dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm liên tục qua 03 lần đánh giá hoặc phân loại nợ liên tục;
b) Khách hàng không cung cấp đầy đủ, kịp thời và trung thực các thông tin theo yêu cầu của tổ chức tín dụng là hợp tác xã để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng;
c) Khoản nợ đã được phân loại vào nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản này từ 01 (một) năm trở lên nhưng không đủ điều kiện phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn;
d) Khoản nợ mà hành vi cấp tín dụng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
đ) Các khoản nợ của khách hàng bị các tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn (nếu có thông tin).
Đối với khoản cam kết ngoại bảng và khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng, ngân hàng hợp tác xã phải phân loại vào các nhóm quy định tại Điều 9 Thông tư này như sau:
1. Phân loại cam kết ngoại bảng:
a) Phân loại vào nhóm 1 nếu ngân hàng hợp tác xã đánh giá khách hàng có khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết;
b) Phân loại vào nhóm 2 trở lên nếu ngân hàng hợp tác xã đánh giá khách hàng không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết;
c) Phân loại vào nhóm 3 trở lên đối với cam kết ngoại bảng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 9 Thông tư này.
2. Phân loại khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng:
a) Ngày quá hạn được tính ngay từ ngày ngân hàng hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ theo cam kết;
b) Khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng được phân loại như sau:
(i) Phân loại vào nhóm 3 nếu quá hạn dưới 30 ngày;
(ii) Phân loại vào nhóm 4 nếu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;
(iii) Phân loại vào nhóm 5 nếu quá hạn từ 90 ngày trở lên.
Trường hợp khoản trả thay phân loại vào nhóm rủi ro thấp hơn nhóm mà cam kết ngoại bảng được trả thay đã phân loại theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì phải chuyển vào nhóm mà cam kết ngoại bảng đó đã phân loại.