Chương II Thông tư 28/2010/TT-BTTTT: Nội dung giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin
Số hiệu: | 28/2010/TT-BTTTT | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Thông tin và Truyền thông | Người ký: | Nguyễn Minh Hồng |
Ngày ban hành: | 13/12/2010 | Ngày hiệu lực: | 01/02/2011 |
Ngày công báo: | 05/01/2011 | Số công báo: | Từ số 17 đến số 18 |
Lĩnh vực: | Tài chính nhà nước, Công nghệ thông tin | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
25/10/2020 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Trước khi thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:
1. Kiểm tra đảm bảo có mặt bằng thi công đối với xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phụ kiện và phần mềm thương mại.
2. Kiểm tra đảm bảo có hợp đồng giao nhận thầu.
3. Kiểm tra đảm bảo có hồ sơ thiết kế thi công đã được phê duyệt.
4. Kiểm tra có kế hoạch thi công chi tiết của đơn vị thi công lập.
5. Kiểm tra biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, an toàn vận hành, vệ sinh công nghiệp tại hiện trường đối với xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin và phụ kiện.
Trước khi thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:
1. Kiểm tra nhân lực nhà thầu tham gia thi công.
2. Kiểm tra điều kiện năng lực của chỉ huy thi công tại hiện trường theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP đối với thi công xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin và phụ kiện.
3. Kiểm tra thiết bị thi công của nhà thầu. Đối với phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu phải kiểm tra công cụ phát triển phần mềm và các công cụ khác.
4. Kiểm tra quy trình đảm bảo chất lượng của nhà thầu trong trường hợp chủ đầu tư yêu cầu.
5. Kiểm tra phòng thí nghiệm và các cơ sở sản xuất vật tư, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ thi công của nhà thầu thi công (nếu có nêu trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng).
6. Kiểm tra việc ứng vốn của nhà thầu để thực hiện hợp đồng theo cam kết của nhà thầu (nếu có nêu trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng).
Trước khi thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:
1. Kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, kiểm tra chứng nhận hợp quy, kết quả kiểm định thiết bị của các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đối với vật tư, thiết bị công nghệ thông tin lắp đặt trong dự án được nêu trong hồ sơ dự thầu trước khi đưa vào thi công.
2. Kiểm tra các thông số kỹ thuật của các vật tư, thiết bị công nghệ thông tin so với các thông số kỹ thuật ghi trong hợp đồng và hồ sơ thiết kế thi công trước khi đưa vào thi công.
3. Vật tư, thiết bị công nghệ thông tin trước khi lắp đặt phải được kiểm tra chất lượng. Khi nghi ngờ các kết quả kiểm tra, kiểm định, đơn vị tư vấn giám sát thi công phải kết hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra trực tiếp vật tư, thiết bị công nghệ thông tin lắp đặt trong dự án. Trường hợp các vật tư, thiết bị công nghệ thông tin không phù hợp với công nghệ, không đúng tính năng sử dụng so với thiết kế thi công được duyệt, hồ sơ dự thầu phải được đưa khỏi khu vực thi công.
Biên bản nghiệm thu vật tư, thiết bị công nghệ thông tin lập theo mẫu tại Phụ lục I.
Trong quá trình thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:
1. Lập và ghi nhật ký giám sát thi công. Nội dung nhật ký giám sát thi công quy định chi tiết tại Điều 14 Thông tư này.
2. Đối với xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phụ kiện và phần mềm thương mại:
a) Kiểm tra và giám sát thường xuyên, liên tục, có hệ thống quá trình nhà thầu thi công triển khai các công việc tại hiện trường. Kết quả kiểm tra đều phải được ghi vào nhật ký giám sát thi công;
b) Kiểm tra biện pháp thi công của nhà thầu (đối với trường hợp thi công phức tạp);
c) Kiểm tra số lượng, hình thức bên ngoài, bên trong của các thiết bị công nghệ thông tin;
d) Kiểm tra bản quyền của phần mềm thương mại (tính hợp pháp, số lượng);
đ) Tham gia công tác nghiệm thu vận hành thử. Khi quá trình vận hành thử đạt yêu cầu, tư vấn giám sát thi công và các bên tham gia tiến hành lập biên bản nghiệm thu vận hành thử thiết bị công nghệ thông tin theo mẫu tại Phụ lục II;
e) Tham gia công tác nghiệm thu lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin. Khi quá trình lắp đặt thiết bị đạt yêu cầu chất lượng, tư vấn giám sát thi công và các bên tham gia tiến hành lập biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin theo mẫu tại Phụ lục III.
3. Đối với phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu:
a) Kiểm tra và giám sát quá trình nhà thầu triển khai các công việc tại hiện trường theo tiến độ thi công chi tiết. Kết quả kiểm tra đều phải được ghi vào nhật ký giám sát thi công;
b) Giám sát quá trình kiểm thử, vận hành thử:
Tư vấn giám sát thi công có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm thử, vận hành thử vào Báo cáo kết quả giám sát thi công. Việc kiểm thử, vận hành thử theo hướng dẫn tại Điều 46 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.
Tư vấn giám sát thi công và các bên tham gia tiến hành lập biên bản nghiệm thu kiểm thử, vận hành thử theo mẫu tại Phụ lục IV.
4. Tham gia công tác nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của dự án hoặc hạng mục dự án. Khi công tác nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng, tiến hành lập biên bản nghiệm thu bàn giao sản phẩm dự án ứng dụng công nghệ thông tin theo mẫu tại Phụ lục V.
5. Phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công.
6. Phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế thi công để điều chỉnh hoặc yêu cầu nhà thầu thiết kế điều chỉnh.
7. Xác nhận hồ sơ hoàn công: trong quá trình triển khai thực hiện dự án đơn vị giám sát thi công ký xác nhận vào các bản vẽ thực tế triển khai thi công.
8. Tổng hợp các biên bản, lập hồ sơ báo cáo giám sát thi công trình chủ đầu tư, đồng thời đề nghị chủ đầu tư tiến hành công tác tổng nghiệm thu bàn giao toàn bộ các sản phẩm của dự án. Biên bản tổng nghiệm thu bàn giao toàn bộ các sản phẩm của dự án lập theo mẫu tại Phụ lục VI. Nội dung báo cáo kết quả giám sát thi công quy định tại Điều 15 Thông tư này.
1. Trường hợp thực hiện hình thức tổng thầu thi công và tổng thầu thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị, thi công (EPC):
a) Tư vấn giám sát thi công thực hiện các công việc quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này đối với tổng thầu và các nhà thầu phụ;
b) Tư vấn giám sát thi công thực hiện kiểm tra và giám sát theo quy định tại Điều 8 Thông tư này đối với tổng thầu;
c) Tư vấn giám sát thi công tham gia cùng tổng thầu kiểm tra và giám sát thi công của các nhà thầu phụ.
2. Trường hợp thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay:
a) Chủ đầu tư phê duyệt tiến độ thi công dự án và thời điểm nghiệm thu hoàn thành dự án;
b) Trước khi nghiệm thu hoàn thành dự án, chủ đầu tư tiếp nhận tài liệu và kiểm định chất lượng nếu thấy cần thiết làm căn cứ để nghiệm thu.
Trong quá trình giám sát thi công dự án, tư vấn giám sát thi công thực hiện:
1. Giám sát thi công theo khối lượng của thiết kế thi công được phê duyệt.
2. Tính toán và xác nhận khối lượng thi công do nhà thầu thi công đã hoàn thành theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và đối chiếu với thiết kế thi công được duyệt. Nếu có phát sinh khối lượng, phần phát sinh đó phải được chủ đầu tư phê duyệt. Kết quả phê duyệt phần khối lượng phát sinh đó là cơ sở để thanh toán, quyết toán dự án.
Trong quá trình giám sát thi công dự án, tư vấn giám sát thi công thực hiện:
1. Kiểm tra việc nhà thầu thi công lập tiến độ thi công trước khi triển khai thi công. Tiến độ thi công phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án đã được phê duyệt.
2. Kiểm tra việc lập tiến độ thi công cho từng giai đoạn, tháng, quý, năm đối với dự án có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài.
3. Kiểm tra việc nhà thầu thi công lập tiến độ thi công chi tiết, bố trí xen kẽ kết hợp các công việc cần thực hiện.
4. Theo dõi, giám sát tiến độ thi công.
5. Đề xuất với chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các bên liên quan điều chỉnh tiến độ thi công trong trường hợp tiến độ thi công ở một số giai đoạn bị kéo dài. Trường hợp xét thấy tiến độ tổng thể của dự án bị kéo dài, chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để quyết định việc điều chỉnh tổng tiến độ dự án.
6. Đề xuất chủ đầu tư phạt vi phạm và yêu cầu nhà thầu thi công bồi thường thiệt hại khi kéo dài tiến độ thi công gây thiệt hại cho chủ đầu tư.
Trong quá trình giám sát thi công dự án, tư vấn giám sát thi công thực hiện:
1. Kiểm tra việc nhà thầu thi công lập các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia thi công.
2. Yêu cầu các bên thỏa thuận biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, an toàn vận hành khi liên quan đến nhiều bên.
3. Yêu cầu nhà thầu thi công phải thể hiện công khai các biện pháp an toàn phòng, chống cháy, nổ, nội quy về an toàn vận hành để mọi người biết và chấp hành.
4. Cùng nhà thầu thi công và các bên có liên quan xử lý và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động theo quy định pháp luật khi có sự cố về an toàn lao động.
5. Kiểm tra việc nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh công nghiệp theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
6. Kiểm tra việc bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị được lắp đặt trong vùng, khu vực, địa điểm thi công của dự án (nếu có). Trong trường hợp gây hư hại, hỏng hóc, ảnh hưởng tới vùng, khu vực, địa điểm thi công, tư vấn giám sát thi công phối hợp với nhà thầu thi công, chủ đầu tư tiến hành lập biên bản hiện trường đồng thời đề xuất chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công phải bồi thường thiệt hại.
Trong quá trình thi công, trường hợp phát hiện những yếu tố bất hợp lý hoặc xuất hiện yếu tố mới nếu không thay đổi thiết kế thi công sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của dự án, tiến độ thi công, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án, tư vấn giám sát thi công báo cáo chủ đầu tư đồng thời lập biên bản hiện trường theo mẫu tại Phụ lục VII.
1. Đối với giám sát thi công xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phụ kiện và phần mềm thương mại.
Việc ghi nhật ký phải thường xuyên, kể cả những ngày nghỉ. Nội dung nhật ký giám sát thi công gồm:
a) Mô tả tóm tắt quá trình thi công;
b) Diễn biến tình hình thi công hàng ngày;
c) Tình trạng thực tế của vật tư, vật liệu, thiết bị sử dụng;
d) Những sai lệch so với hồ sơ thiết kế thi công, ghi rõ nguyên nhân, kèm theo biện pháp sửa chữa (nếu có).
2. Đối với giám sát thi công phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu.
Việc ghi nhật ký theo mốc thời gian. Nội dung nhật ký giám sát thi công gồm:
a) Xác nhận khối lượng công việc hoàn thành theo kế hoạch, tiến độ thi công chi tiết do nhà thầu thi công lập;
b) Xác nhận kết quả kiểm thử, vận hành thử đối với công việc được hoàn thành;
c) Những sai lệch so với hồ sơ thiết kế thi công, ghi rõ nguyên nhân, kèm theo biện pháp sửa chữa (nếu có).
Báo cáo kết quả giám sát thi công là cơ sở để chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu bàn giao. Nội dung Báo cáo kết quả giám sát thi công gồm:
1. Thông tin chung của dự án:
a) Tên dự án;
b) Tên hạng mục;
c) Địa điểm;
d) Tên chủ đầu tư;
đ) Tên tổ chức thi công;
e) Tên tổ chức tư vấn thiết kế thi công;
g) Tên tổ chức tư vấn giám sát thi công.
2. Nội dung giám sát:
a) Điều kiện thi công;
b) Sự phù hợp về năng lực của nhà thầu thi công đối với hồ sơ dự thầu và hợp đồng;
c) Chất lượng vật tư, thiết bị công nghệ thông tin trước khi lắp đặt;
d) Chất lượng thi công;
đ) Khối lượng thi công;
e) Tiến độ thi công;
g) An toàn lao động và bảo vệ môi trường;
h) Thay đổi trong thi công.
3. Kết luận và kiến nghị.
4. Các phụ lục:
a) Nhật ký giám sát thi công;
b) Các biên bản.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực