Chương II: Thông tư 153/2013/TT-BTC Thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính và tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Số hiệu: | 153/2013/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Trương Chí Trung |
Ngày ban hành: | 31/10/2013 | Ngày hiệu lực: | 16/12/2013 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | Dữ liệu đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thuế - Phí - Lệ Phí, Vi phạm hành chính, Tài chính nhà nước | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
05/05/2023 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Hình thức thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP. Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung như sau:
1. Đối với hình thức nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt; nộp cho người có thẩm quyền thu phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, thời điểm xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là thời điểm Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu, người có thẩm quyền thu phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP xác nhận trên chứng từ thu tiền mặt.
2. Trường hợp nộp bằng hình thức chuyển khoản, thời điểm xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là thời điểm Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt xác nhận trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách bằng chuyển khoản.
Quy trình, thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy trình thu ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư số 128/2008/TT-BTC, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Kho bạc Nhà nước-Tổng cục Thuế-Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại. Thông tư này hướng dẫn thêm các nội dung sau:
1. Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực.
2. Khi nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải xuất trình quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt với Kho bạc Nhà nước nơi đến nộp phạt hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt và phải nộp tiền phạt theo đúng số tiền, thời hạn ghi trong quyết định xử phạt.
3. Người có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP phải lập bảng kê biên lai thu tiền phạt và nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước theo thời gian quy định tại khoản 2 Điều 69, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không khi thực hiện thu phạt theo điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP phải nộp toàn bộ số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
Kho bạc Nhà nước tổ chức rà soát, đối chiếu để bảo đảm khớp đúng giữa tổng số tiền thực nộp của người có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp với tổng số tiền tính theo số biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá đã sử dụng hoặc tổng số tiền tính theo các liên biên lai lưu tại cuống biên lai đối với loại không in sẵn mệnh giá nộp cùng với bảng kê.
4. Khi nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức nộp phạt phải ghi rõ trên chứng từ nộp phạt nội dung nộp phạt, số quyết định xử phạt và tên cơ quan ra quyết định xử phạt. Sau khi nộp phạt, cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt có trách nhiệm gửi chứng từ nộp phạt có xác nhận của Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng cho người có thẩm quyền xử phạt để nhận lại các giấy tờ tạm giữ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP.
5. Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tiền thu phạt vi phạm hành chính điều tiết 100% cho ngân sách địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều tiết khoản thu phạt vi phạm hành chính giữa các cấp ngân sách địa phương. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đối với tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
6. Tiền thu phạt vi phạm hành chính được hạch toán vào Chương của cơ quan của người ra quyết định xử phạt, Mục và Tiểu mục tương ứng theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước.
1. Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt.
2. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước uỷ nhiệm thu phạt căn cứ vào quyết định xử phạt và số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt khi cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt vi phạm hành chính.
3. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước uỷ nhiệm thu phạt sử dụng biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá để thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt.
4. Tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này.
5. Tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt được hạch toán vào Chương của cơ quan của người ra quyết định xử phạt: Mục, Tiểu mục 4911 đối với tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt trong ngành thuế; Mục, Tiểu mục 4912 đối với tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt trong ngành hải quan và Mục, Tiểu mục 4949 “thu khác” đối với tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt trong các ngành khác.
1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân, tổ chức tại khoản 1 Điều này được hoàn trả số tiền phạt thu không đúng trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại hoặc từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Nguồn hoàn trả và thủ tục hoàn trả:
a) Nguồn hoàn trả từ quỹ ngân sách của cấp đã hưởng tiền phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 5 Điều 4 và khoản 4 Điều 5 Thông tư này; thủ tục hoàn trả thực hiện theo quy định tại Thông tư 128/2008/TT-BTC (trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này);
b) Nguồn hoàn trả và thủ tục hoàn trả tiền thu từ xử phạt vi phạm về thuế thực hiện theo Thông tư 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ; trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.