Số hiệu: | 12/2017/TT-BLĐTBXH | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Người ký: | Doãn Mậu Diệp |
Ngày ban hành: | 20/04/2017 | Ngày hiệu lực: | 15/06/2017 |
Ngày công báo: | 01/06/2017 | Số công báo: | Từ số 393 đến số 394 |
Lĩnh vực: | Lao động - Tiền lương, Giáo dục | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.
Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp cao đẳng cần đạt được yêu cầu về năng lực như sau:
- Thực hiện được công việc của trình độ trung cấp, giải quyết được công việc có tính phức tạp của ngành, nghề.
- Sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc.
- Hướng dẫn, giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.
Đặc biệt, là phải có năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
Ngoài ra, Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/6/2017) quy định rõ về yêu cầu kiến thức tối thiểu đối với trình độ cao đẳng như sau:
- Phải đảm bảo đủ 60 tín chỉ và có thời gian học tập từ 2 đến 3 năm tùy theo từng ngành, nghề đào tạo;
- Kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết từ 30% - 50%; thực hành từ 50% - 70% tùy ngành, nghề đào tạo.
Thông tư này quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong Giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư này áp dụng cho trường cao đẳng, trường trung cấp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (sau đây gọi là Trường).
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp là số lượng môn học, mô đun hoặc tín chỉ được quy định trong chương trình đào tạo mà người học phải đạt được khi hoàn thành chương trình đào tạo tùy theo từng ngành, nghề và từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
2. Năng lực của người học đạt được sau khi tốt nghiệp là những kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp và khả năng làm việc của cá nhân trên cơ sở áp dụng các kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm trong giải quyết công việc tương ứng với trình độ và ngành, nghề đào tạo.
3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm là khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng đã được học trong việc tổ chức, thực hiện một công việc và trách nhiệm của cá nhân với nhóm và cộng đồng.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực