Chương 4
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Điều 12. Tổng Cục Đường bộ Việt Nam
1. Tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Ban hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
3. In, phát hành và thống nhất quản lý việc sử dụng phôi Chứng chỉ trong phạm vi cả nước.
4. Thanh tra, kiểm tra, tổng hợp công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ trong phạm vi cả nước báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Điều 13. Sở Giao thông vận tải
1. Tổ chức thực hiện Thông tư này trong phạm vi địa phương.
2. Cấp và quản lý việc sử dụng phôi Chứng chỉ theo quy định.
3. Lưu trữ tài liệu có liên quan đến công tác quản lý bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, tổng hợp công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.
5. Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về nhu cầu phôi Chứng chỉ theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 của Thông tư này. Tháng 01 hàng năm, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 09/2009/TT-BGTVT ngày 24/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
2. Chứng chỉ cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục sử dụng.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.