Chương II Thông tư 01/2024/TT-TANDTC: Tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua
Số hiệu: | 01/2024/TT-TANDTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Tòa án nhân dân tối cao | Người ký: | Nguyễn Hòa Bình |
Ngày ban hành: | 11/04/2024 | Ngày hiệu lực: | 11/06/2024 |
Ngày công báo: | 19/05/2024 | Số công báo: | Từ số 617 đến số 618 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu ‘Lao động tiên tiến’ của Tòa án nhân dân
Ngày 11/4/2024, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định về công tác thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu ‘Lao động tiên tiến’ của Tòa án nhân dân
Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (việc công nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cá nhân thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật và của Tòa án nhân dân tối cao); đạt hoặc vượt các chỉ tiêu thi đua, có chất lượng và hiệu quả cao;
Đối với Thẩm phán, chấp hành tốt các quy định trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá tỷ lệ quy định của Tòa án nhân dân tối cao;
- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua và hoạt động xã hội;
- Tích cực học tập chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ;
- Có đạo đức, lối sống lành mạnh.
Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản dẫn đến bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe phải điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị để được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Thời gian nghỉ thai sản, nghỉ phép theo quy định của pháp luật được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với một trong các trường hợp: mới tuyển dụng hoặc đang làm hợp đồng lao động dưới 06 tháng, nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, người giữ chức danh tư pháp có hành vi vi phạm bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.
Xem chi tiết Thông tư 01/2024/TT-TANDTC có hiệu lực từ ngày 11/6/2024.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Đối tượng thi đua thường xuyên là những cá nhân trong một tập thể; những tập thể trong cùng một cơ quan, đơn vị; những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc giống nhau hoặc gần giống nhau.
Tổ chức thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và được triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị hoặc theo cụm thi đua để xây dựng kế hoạch, phát động, ký kết giao ước và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Trưởng cụm thi đua tiến hành tổng kết phong trào thi đua, xét tặng hoặc đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
2. Thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong khoảng thời gian nhất định hoặc tổ chức thi đua để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của cơ quan, đơn vị.
Cơ quan, đơn vị chỉ phát động thi đua theo chuyên đề khi đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp và thời gian thực hiện. Khi tổ chức phong trào thi đua theo chuyên đề trong phạm vi cơ quan, đơn vị thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị hướng dẫn xét khen thưởng theo thẩm quyền. Đối với phong trào thi đua theo chuyên đề trong phạm vi Tòa án nhân dân có thời gian từ 03 năm trở lên, Tòa án nhân dân tối cao gửi kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua về Bộ Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để tổng hợp và hướng dẫn xét khen thưởng.
1. Tổ chức phong trào thi đua gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, có chỉ tiêu, nội dung, kế hoạch, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cá nhân, tập thể.
2. Triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng công tác chỉ đạo điểm, hướng dẫn, kiểm tra đối với phong trào thi đua có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên; phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biếu dương, nhân rộng. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để cá nhân, tập thể khác học tập và làm theo.
3. Tổng kết phong trào thi đua phải đánh giá đúng kết quả, hiệu quả, tác dụng; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức phong trào thi đua. Việc bình xét, công nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc chính xác, công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời khen thưởng cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc; khuyến khích khen thưởng cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác chuyên môn; cá nhân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Các cụm thi đua trong Tòa án nhân dân tổ chức ký giao ước thi đua và gửi về Tòa án nhân dân tối cao (qua Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân) trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.
1. Khuyến khích cá nhân, tập thể tự nguyện tham gia phong trào thi đua, xác định rõ mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể để chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, tấm gương điển hình tiên tiến.
2. Căn cứ tiêu chí, kết quả thực hiện phong trào thi đua để phát hiện, lựa chọn mô hình mới, cách làm hay, tấm gương điển hình tiên tiến của cơ quan, đơn vị để tổ chức học tập và làm theo.
1. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân
a) “Lao động tiên tiến”;
b) “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
c) “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”;
d) “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
2. Danh hiệu thi đua đối với tập thể
a) “Tập thể lao động tiên tiến”;
b) “Tập thể lao động xuất sắc”;
c) “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”;
d) “Cờ thi đua của Chính phủ”.
1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (việc công nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cá nhân thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật và của Tòa án nhân dân tối cao); đạt hoặc vượt các chỉ tiêu thi đua, có chất lượng và hiệu quả cao; đối với Thẩm phán, chấp hành tốt các quy định trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá tỷ lệ quy định của Tòa án nhân dân tối cao;
b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua và hoạt động xã hội;
c) Tích cực học tập chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.
2. Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản dẫn đến bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe phải điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
3. Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị để được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
4. Thời gian nghỉ thai sản, nghỉ phép theo quy định của pháp luật được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
5. Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với một trong các trường hợp: mới tuyển dụng hoặc đang làm hợp đồng lao động dưới 06 tháng, nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, người giữ chức danh tư pháp có hành vi vi phạm bị kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.
1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
b) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý công nhận theo đề nghị của Hội đồng Khoa học - Sáng kiến cơ sở hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc áp dụng có hiệu quả;
2. Không khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho những trường hợp có thành tích nhưng đã được dùng để khen thưởng “Giấy khen” hoặc các hình thức khen thưởng khác hàng năm (trừ trường hợp có quy định khác).
1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có 03 năm liên tục được khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
b) Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong Tòa án nhân dân, được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao công nhận theo đề nghị của Hội đồng Khoa học - Sáng kiến Tòa án nhân dân hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong Tòa án nhân dân, tỉnh, ban, ngành;
2. Thời điểm xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” là năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” lần thứ ba.
3. Không khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” cho những trường hợp có thành tích nhưng đã được dùng để khen thưởng “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” hoặc các hình thức khen thưởng khác trong thời gian đề nghị xét khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” (trừ trường hợp có quy định khác).
1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Có thành tích tiêu biểu xuất sắc được lựa chọn trong số những cá nhân có 02 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”;
b) Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao công nhận theo đề nghị của Hội đồng Khoa học - Sáng kiến Tòa án nhân dân hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
2. Thời điểm xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là năm liền kề với năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” lần thứ hai.
3. Không khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho những trường hợp có thành tích nhưng đã được dùng để khen thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” hoặc các hình thức khen thưởng khác trong thời gian đề nghị xét khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” (trừ trường hợp có quy định khác).
1. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” được xét tặng hàng năm cho những đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 2 Thông tư này (trừ Tòa án quân sự các cấp) đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đạt hoặc vượt các chỉ tiêu thi đua theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao; đối với đơn vị xét xử, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá tỷ lệ quy định của Tòa án nhân dân tối cao;
b) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
c) Có ít nhất 70% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
d) Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật.
2. Không khen thưởng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” đối với tập thể mới thành lập dưới 10 tháng.
1. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng hàng năm cho những đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 2 Thông tư này (trừ Tòa án quân sự các cấp).
2. Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng hàng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (việc công nhận mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tập thể được thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật về kiểm điểm và đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể trong hệ thống chính trị và quy định của Tòa án nhân dân tối cao); đạt hoặc vượt các chỉ tiêu thi đua theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao; đối với đơn vị xét xử, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá tỷ lệ quy định của Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tích cực tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;
c) Có 100% cá nhân trong tập thể “hoàn thành nhiệm vụ” được giao, trong đó có ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
d) Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
đ) Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật.
1. Danh hiệu “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” được xét tặng hàng năm cho những đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 2 Thông tư này.
2. Danh hiệu “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” được xét tặng hàng năm cho những tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Là tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của cụm thi đua trong Tòa án nhân dân, được lựa chọn trong số những tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”;
b) Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm;
c) Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác;
d) Được ít nhất 2/3 số đơn vị trong Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương), cụm thi đua (đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Tòa án, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự các cấp) bình xét, bỏ phiếu tín nhiệm đề nghị là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; ưu tiên đơn vị có nhân tố mới, mô hình mới để những tập thể khác trong Tòa án nhân dân học tập.
3. Đối với các đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở thực hiện xét, đề nghị tặng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều 29 Thông tư này.
4. Số lượng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”, trong đó có cả số lượng đề nghị “Cờ thi đua của Chính phủ” được phân bổ tối đa theo Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
5. Việc tăng, giảm, điều chuyển số lượng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” trong các cụm thi đua do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân.
1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được xét tặng hàng năm cho những đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 2 Thông tư này (trừ Tòa án quân sự các cấp).
2. Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được xét tặng hàng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Là tập thể tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua của cụm thi đua trong Tòa án nhân dân, được lựa chọn trong số những tập thể đạt danh hiệu “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”;
b) Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác;
c) Được ít nhất 2/3 số đơn vị trong cụm thi đua tín nhiệm, bỏ phiếu suy tôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Tòa án nhân dân.
3. Số lượng “Cờ thi đua của Chính phủ” được phân bổ tối đa theo Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
4. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lựa chọn, giới thiệu không quá 01 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện đủ điều kiện để cụm thi đua Tòa án nhân dân bình xét, đề nghị tặng thưởng “Cờ thi đua của Chính phủ”.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực