Chương III Thông tư 01/2021/TT-BNV: Nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp
Số hiệu: | 01/2021/TT-BNV | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Nội vụ | Người ký: | Lê Vĩnh Tân |
Ngày ban hành: | 11/01/2021 | Ngày hiệu lực: | 11/01/2021 |
Ngày công báo: | 27/01/2021 | Số công báo: | Từ số 121 đến số 122 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Cách kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử đại biểu HĐND
Vừa qua, Bộ Nội Vụ ban hành Thông tư 1/2021/TT-BNV hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được hướng dẫn như sau:
- Việc kiểm phiếu bầu ứng cử chỉ thực hiện đối với phiếu hợp lệ.
- Phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,...
- Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử.
- Tổ bầu cử phân công ít nhất ba người kiểm phiếu, gồm: người đọc, người ghi, người kiểm tra việc đọc và ghi.
- Cách ghi số phiếu theo cách vẽ hình vuông và một đường chéo, cứ năm phiếu tạo thành một hình vuông có một đường chéo.
Thông tư 1/2021/TT-BNV có hiệu lực kể từ ngày 11/01/2021.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương như: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong; địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.
2. Địa điểm bỏ phiếu gồm: cổng ra - vào, khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu và khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được trang trí theo mẫu hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
a) Cổng ra - vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu
- Tổ bầu cử sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để làm cổng ra vào khu vực bỏ phiếu;
- Khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu là nơi niêm yết danh sách cử tri; nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử; nơi tổ chức lễ khai mạc; nơi tiếp đón cử tri đến bỏ phiếu. Khu vực này có thể bố trí bàn, ghế để cử tri chờ thực hiện việc bỏ phiếu;
(Cổng ra - vào và khu vực bên ngoài phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
b) Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu
- Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu phải được bố trí trang trọng, đủ bàn, ghế, bút viết và những điều kiện cần thiết để cử tri đến bỏ phiếu; nơi nào có hội trường rộng thì có thể tổ chức lễ khai mạc ngay trong phòng bỏ phiếu;
- Phòng bỏ phiếu phải có lối đi vào, lối đi ra một chiều và theo trật tự nhất định, có thể tham khảo bố trí theo sơ đồ sau: Bắt đầu lối vào là bàn hướng dẫn, bàn để cử tri xuất trình Thẻ cử tri và nhận phiếu bầu; tiếp đến là một số bàn để cử tri viết phiếu bầu, nơi để hòm phiếu; bàn đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri để xác nhận cử tri đã bỏ phiếu; lối ra cho cử tri sau khi cử tri đã thực hiện xong việc bỏ phiếu;
- Tùy điều kiện cụ thể của từng phòng bỏ phiếu, Tổ bầu cử niêm yết danh sách, tiểu sử những người ứng cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân để cử tri tham khảo trước khi viết phiếu bầu;
- Nơi cử tri viết phiếu bầu cần có các vách ngăn hoặc phòng kín để bảo đảm cử tri ‘‘bỏ phiếu kín’’ theo quy định của pháp luật về bầu cử;
(Khu vực bên trong phòng bỏ phiếu được trang trí theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Tổ trưởng Tổ bầu cử phải phân công thành viên Tổ bầu cử luân phiên trực bảo vệ địa điểm bỏ phiếu cả ngày và đêm trước, trong ngày bầu cử và cho đến khi kết thúc việc bỏ phiếu, tổng hợp, lập biên bản kiểm phiếu gửi đến Ủy ban bầu cử tương ứng.
Việc chuẩn bị hòm phiếu, số lượng, kích cỡ hòm phiếu tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương theo hướng dẫn cụ thể của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hòm phiếu được đóng mới hoặc sử dụng hòm phiếu bầu cử hiện có. Hòm phiếu phải bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”. Ngoài hòm phiếu chính, Tổ bầu cử phải chuẩn bị hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động) và băng niêm phong hòm phiếu.
Tổ bầu cử phân công thành viên nhận các loại tài liệu sau đây từ Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban bầu cử cùng cấp:
1. Nhận Thẻ cử tri theo danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu và phát cho cử tri trước ngày bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử.
2. Nhận đủ số lượng phiếu bầu theo danh sách cử tri và số lượng phiếu bầu dự phòng. Khi nhận phiếu bầu phải có biên bản bàn giao giữa người giao và người nhận về số lượng cụ thể của từng loại phiếu bầu. Tổ bầu cử kiểm tra kỹ phiếu bầu Về số lượng đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử, danh sách họ và tên những ứng cử viên đúng với khu vực bỏ phiếu của tổ mình và phải quản lý chặt chẽ số lượng các loại phiếu bầu.
3. Con dấu của Tổ bầu cử và con dấu “Đã bỏ phiếu”.
4. Các loại biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử.
5. Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu.
6. Danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu.
7. Nội quy phòng bỏ phiếu, thể lệ bầu cử, mẫu diễn văn khai mạc, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân.
8. Phù hiệu của các thành viên Tổ bầu cử.
9. Văn phòng phẩm (bút, giấy, kéo, thước kẻ, keo dán, hộp mực con dấu,…).
10. Các tài liệu khác liên quan đến bầu cử theo hướng dẫn của địa phương.
1. Tổ trưởng Tổ bầu cử chủ trì cuộc họp phân công cụ thể cho từng thành viên thực hiện các công việc sau:
a) Tổ trưởng phụ trách chung, trực tiếp chỉ đạo hoạt động trong phòng bỏ phiếu và việc bỏ phiếu, việc kiểm phiếu.
b) Thư ký chịu trách nhiệm quản lý tài liệu, phiếu bầu, con dấu, làm biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử.
c) Phân công thành viên chịu trách nhiệm về trang trí phòng bỏ phiếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động ngoài phòng bỏ phiếu và bảo đảm các điều kiện vật chất - kỹ thuật cho ngày bầu cử của Tổ bầu cử.
d) Phân công thành viên chịu trách nhiệm kiểm tra Thẻ cử tri, đối chiếu danh sách cử tri, đánh dấu theo dõi số cử tri đi bầu vào danh sách cử tri, phát phiếu bầu đã được đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri.
đ) Phân công thành viên chịu trách nhiệm hướng dẫn cử tri cách thức bỏ phiếu và viết phiếu bầu.
e) Phân công thành viên chịu trách nhiệm trực tại bàn gần hòm phiếu, đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào mặt trước của Thẻ cử tri khi cử tri đã bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu.
g) Phân công thành viên hướng dẫn cử tri ra, vào phòng bỏ phiếu, nhận phiếu, viết phiếu và bỏ phiếu.
h) Phân công thành viên phụ trách công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa điểm bỏ phiếu;
i) Phân công thành viên đôn đốc, thông báo để các cử tri đi bỏ phiếu.
k) Các công việc khác liên quan đến công tác bầu cử.
2. Tổ bầu cử thực hiện việc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các loại phương tiện vật chất - kỹ thuật phục vụ ngày bầu cử, bao gồm:
a) Phòng bỏ phiếu.
b) Nơi niêm yết danh sách cử tri, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
c) Phiếu bầu bảo đảm đúng đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu.
d) Các con dấu.
đ) Các hòm phiếu.
e) Các biên bản, biểu mẫu của Tổ bầu cử.
g) Thành phần dự lễ khai mạc, diễn văn khai mạc và các văn phòng phẩm phục vụ việc bầu cử.
h) Danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu, trong đó cần xác định rõ số cử tri là người ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể trực tiếp đi bỏ phiếu; người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng; người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ; người đang bị cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị Covid-19 hoặc các địa điểm cách ly tập trung khác và người đang bị cách ly tại nhà (nếu có); những khu vực bị chia cắt do thiên tai, lũ lụt để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
i) Các phương tiện vật chất - kỹ thuật khác phục vụ cho ngày bầu cử.
3. Quản lý phiếu bầu
Tổ trưởng Tổ bầu cử phân công thành viên quản lý chặt chẽ số phiếu bầu. Trường hợp phát hiện phiếu bầu bị mất thì Tổ bầu cử phải báo cáo ngay Ban bầu cử để có biện pháp xử lý kịp thời.
1. Các thành viên Tổ bầu cử phải đến trước giờ khai mạc để kiểm tra công tác chuẩn bị, bảo đảm thời gian khai mạc đúng giờ quy định. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng và kết thúc vào bảy giờ tối cùng ngày. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày. Sau khi đã kiểm tra đầy đủ các điều kiện cần thiết cho ngày bầu cử, Tổ bầu cử mới tổ chức lễ khai mạc và tiến hành việc bỏ phiếu.
2. Tổ chức lễ khai mạc
a) Thành phần tham dự lễ khai mạc:
- Các thành viên Tổ bầu cử, những người có nhiệm vụ liên quan đến công tác bầu cử;
- Đại diện cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể ở địa phương;
- Đại diện cử tri là người cao tuổi, người có công với cách mạng và chức sắc tôn giáo trong khu vực (nếu có);
- Cử tri đến dự lễ khai mạc;
- Phóng viên báo, đài (nếu có).
b) Trình tự tổ chức lễ khai mạc:
Lễ khai mạc phải được tổ chức trang trọng, thời gian khoảng 15 đến 20 phút, do Tổ trưởng Tổ bầu cử chủ trì theo nội dung và trình tự sau đây:
- Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Đọc diễn văn khai mạc.
- Đọc nội quy phòng bỏ phiếu.
- Kiểm tra hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ trước sự chứng kiến của cử tri; mời 2 cử tri không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ứng cử tại khu vực bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu, sau đó niêm phong hòm phiếu chính, hòm phiếu phụ theo quy định.
- Sau khi thực hiện thủ tục niêm phong hòm phiếu, Tổ trưởng Tổ bầu cử tuyên bố cuộc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 bắt đầu.
- Tổ bầu cử phải bố trí thành viên Tổ bầu cử thường trực bên hòm phiếu làm nhiệm vụ hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và bảo vệ hòm phiếu.
3. Tiến hành bỏ phiếu
a) Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.
b) Khi bắt đầu việc bỏ phiếu, Tổ bầu cử mời những cử tri có tên trong danh sách cử tri là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người có công với cách mạng, chức sắc tôn giáo (nếu có) và cử tri là người cao tuổi nhất có mặt tại thời điểm khai mạc bỏ phiếu trước.
c) Việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục. Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo, hướng dẫn cử tri thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bầu cử, thể lệ bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu; hướng dẫn cử tri cách thức bỏ phiếu và gạch phiếu bầu; đôn đốc cử tri tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân.
d) Khi cử tri gạch phiếu bầu, không ai được xem, kể cả các thành viên Tổ bầu cử. Nếu cử tri gạch bị nhầm hoặc bị hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác. Cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Người gạch phiếu hộ phải đọc đầy đủ họ và tên những người ứng cử trên phiếu bầu để cử tri tự mình quyết định. Người gạch hộ phiếu bầu phải ghi trung thực ý muốn của cử tri nhờ viết hộ và bảo đảm bí mật phiếu bầu. Khi viết hộ phiếu bầu xong phải giao lại phiếu bầu cho cử tri để cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
đ) Trong khi tiến hành bỏ phiếu, nếu có tình huống bất thường xảy ra làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu thì Tổ trưởng Tổ bầu cử và các thành viên Tổ bầu cử phải nhanh chóng hội ý để kịp thời xử lý. Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc không thể tự xử lý được thì phải tạm dừng cuộc bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải tiến hành niêm phong và quản lý chặt chẽ hòm phiếu, phiếu bầu và các tài liệu liên quan khác, kịp thời báo cáo Ban bầu cử để có phương án giải quyết, đồng thời phải có biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục tiến hành.
e) Tổ bầu cử phải đóng dấu ‘‘Đã bỏ phiếu’’ vào Thẻ cử tri của cử tri đã bỏ phiếu bầu xong.
4. Một số điểm cần lưu ý trong ngày bầu cử
a) Trong quá trình diễn ra việc bỏ phiếu, các thành viên Tổ bầu cử phải ân cần, lịch sự, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho cử tri đến tham gia bỏ phiếu. Các thành viên Tổ bầu cử được phân công đảm nhiệm từng công việc trong ngày bầu cử phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công và hỗ trợ thành viên khác hoàn thành nhiệm vụ chung của Tổ bầu cử.
b) Tổ bầu cử hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.
c) Trường hợp phải sử dụng hòm phiếu phụ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử chịu trách nhiệm kiểm tra số lượng phiếu bầu khi phát ra cho thành viên Tổ bầu cử để mang theo cùng với hòm phiếu phụ đến các cử tri là người ốm đau, già yếu, khuyết tật; người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng; người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ; người đang bị cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị Covid-19 hoặc các địa điểm cách ly tập trung khác và người đang bị cách ly tại nhà (nếu có); những khu vực bị chia cắt do thiên tai, lũ lụt, để thực hiện việc bỏ phiếu do không đến được phòng bỏ phiếu. Sau khi những cử tri này bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về khu vực bỏ phiếu.
d) Nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác.
đ) Khi cử tri có Thẻ cử tri và Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp đề nghị thì tên của cử tri đó được bổ sung vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu của xã nơi được ghi trong giấy chứng nhận thì Tổ bầu cử phải hướng dẫn người đó đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ghi trong giấy chứng nhận để bổ sung vào danh sách cử tri. Danh sách cử tri bổ sung phải xác định rõ những người này được bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Sau khi có danh sách cử tri bổ sung do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận, Tổ bầu cử mới được phát phiếu bầu cho những cử tri này; khi những cử tri này đã bỏ phiếu xong thì Tổ Bầu cử phải đóng dấu ‘‘Đã bỏ phiếu’’ lên Thẻ cử tri và Giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác. Tổ bầu cử phải ghi danh sách cử tri bổ sung để theo dõi riêng và tổng hợp số liệu sau khi kết thúc việc bỏ phiếu.
e) Tổ bầu cử không được để những người không có nhiệm vụ vào phòng bỏ phiếu. Không ai được mang vũ khí, chất nổ, vật dễ cháy,... vào địa điểm bỏ phiếu.
5. Kết thúc việc bỏ phiếu và tổ chức kiểm phiếu
Sau khi đã hết giờ bỏ phiếu theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Tổ bầu cử mới được mở hòm phiếu để kiểm phiếu.
6. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên khi tiến hành kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu
a) Tổ trưởng Tổ bầu cử phân công các thành viên Tổ bầu cử thành các nhóm để thực hiện việc kiểm phiếu. Đối với các Tổ bầu cử đủ số lượng thành viên để phân thành bốn nhóm thì phân công thực hiện như sau: Nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Quốc hội; nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Đối với các Tổ bầu cử không đủ số lượng thành viên để phân thành bốn nhóm thì Tổ trưởng Tổ bầu cử phân công các nhóm kiểm phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cho phù hợp.
b) Thư ký Tổ bầu cử tiến hành lập các biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử.
1. Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu chưa sử dụng và phiếu bầu do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo biểu Mẫu của Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành; toàn bộ phiếu bầu niêm phong được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Trước khi mở hòm phiếu, mời 2 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong Nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu. Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ bầu cử, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn để Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.
3. Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu.
4. Tổ bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.
5. Tổ bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban bầu cử xem xét, quyết định.
6. Phiếu bầu hợp lệ, phiếu bầu không hợp lệ và cách tính tỷ lệ phiếu bầu
a) Phiếu hợp lệ là phiếu bầu đủ số lượng đại biểu hoặc bầu ít hơn số lượng đại biểu được bầu theo quy định; phiếu do Tổ bầu cử phát ra;
b) Phiếu không hợp lệ là phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra; phiếu không có dấu của Tổ bầu cử; phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử; phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác;
c) Tỷ lệ phiếu bầu: Số phiếu được bầu/tổng số phiếu hợp lệ.
7. Khi bắt đầu việc kiểm phiếu, Tổ bầu cử thực hiện phân loại phiếu bầu thành hai loại sau đây:
a) Loại phiếu hợp lệ.
b) Loại phiếu không hợp lệ.
8. Sau khi phân loại xong phiếu bầu, Tổ bầu cử phải ghi kết quả kiểm tra số phiếu hợp lệ, số phiếu không hợp lệ vào biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử.
9. Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Tổ Bầu cử theo biểu Mẫu của Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành.
1. Việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,...
2. Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu quy định tại khoản 1 Điều này để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử.
3. Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất ba người kiểm phiếu, gồm: một người đọc, một người ghi, một người kiểm tra việc đọc và ghi. Cách ghi số phiếu cho từng người ứng cử tham khảo theo cách vẽ lần lượt các hình vuông và một đường chéo, cứ năm phiếu tạo thành một hình vuông có một đường chéo.
1. Sau khi kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu, Tổ bầu cử tiến hành niêm phong phiếu bầu theo từng loại phiếu bầu đại biểu Quốc hội, phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như sau:
a) Số phiếu bầu hợp lệ.
b) Số phiếu bầu không hợp lệ.
2. Toàn bộ số phiếu đã được niêm phong quy định tại khoản 1 Điều này phải được Tổ bầu cử cho vào hòm phiếu và làm thủ tục niêm phong hòm phiếu có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý các loại phiếu bầu của các Tổ bầu cử ở địa phương mình. Trong thời gian quản lý phiếu bầu theo quy định pháp luật lưu trữ (ít nhất là 05 năm) nếu không có ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền thì tuyệt đối không được mở và kiểm tra phiếu bầu đã được niêm phong.
Ủy ban bầu cử cấp tỉnh quyết định việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đến tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm trung thực, khách quan, kịp thời, tập trung vào các vấn đề sau:
1. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, thiên tai, dịch bệnh ở địa phương trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử.
2. Những thuận lợi, khó khăn về giao thông, thông tin liên lạc, thời tiết ảnh hưởng đến việc bầu cử.
3. Số cử tri đi bầu và tiến độ cử tri đi bầu.
4. Những tình huống phát sinh cần xin ý kiến chỉ đạo báo cáo ngay để kịp thời giải quyết (nếu có).
1. Trường hợp dịch Covid-19 bùng phát
Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020).
2. Trường hợp mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
3. Trong trường hợp các tình huống phát sinh tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phường giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội động bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.