Quyết định 942/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 942/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: | 15/06/2021 | Ngày hiệu lực: | 15/06/2021 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | Dữ liệu đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghệ thông tin, Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Phấn đấu mỗi người dân sẽ có mã QR vào 2025
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, một số mục tiêu được đặt ra đến năm 2025 như:
- Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng.
-Mỗi người dân đều được sống trong môi trường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và có quyền riêng tư cá nhân trong môi trường số được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
- Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng.
- Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số.
Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế.
Đồng thời, mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử…
Quyết định 942/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 942/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH PHỦ SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
2. Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.
3. Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.
4. Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.
5. Nền tảng là giải pháp đột phá. Kết hợp mô hình triển khai tập trung và phân tán, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc của các bộ, ngành, địa phương. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung.
6. Thị trường trong nước nuôi dưỡng, phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, từ đó vươn ra khu vực và thế giới. Chính phủ chủ động điều phối, quy hoạch, triển khai các hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đa dạng về quy mô, hướng tới làm chủ, phát triển các công nghệ lõi, nền tảng mở phục vụ Chính phủ số, hình thành hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ Make in Việt Nam.
II. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
III. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025
1. Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội
Cơ quan nhà nước cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính phục vụ xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm:
a) 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
b) 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.
c) 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
d) Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.
đ) Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
e) Tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay.
2. Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội
Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan nhà nước, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình.
Doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước.
Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác cùng tham gia phổ cập việc sử dụng dịch vụ công nói riêng, chuyển đổi số nói chung.
Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm:
a) 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
b) Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.
c) 100% cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến với cơ quan nhà nước trong các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số.
3. Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước
Cơ quan nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn.
Cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số, có năng lực kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm:
a) 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc.
b) 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.
c) 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.
d) 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
đ) 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
e) 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
g) 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
h) Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
i) Tối thiểu 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến.
k) 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
4. Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội
Cơ quan nhà nước có khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực.
Một số vấn đề cơ bản bao gồm:
a) Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng.
b) Mỗi người dân đều được sống trong môi trường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và có quyền riêng tư cá nhân trong môi trường số được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
c) Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.
d) Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới.
đ) Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng.
e) Mỗi người dân ở độ tuổi lao động đều có khả năng tiếp cận cơ hội việc làm. Mỗi người dân đều có khả năng tiếp cận các khóa học kỹ năng trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) được cá nhân hóa cho đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội, bao gồm cả những khóa học cơ bản, góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, xóa mù công nghệ số cho vùng sâu, vùng xa.
g) Mỗi tuyến giao thông đường bộ cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Triển khai thu phí điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt. Mỗi phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ. Giảm chi phí dịch vụ giao nhận - kho vận và xây dựng được chuỗi cung ứng giao nhận - kho vận làm chủ bởi doanh nghiệp Việt Nam.
h) Mỗi người nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam đều có thể dễ dàng, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết nhờ sự trợ giúp hiệu quả của các quy trình đã được tự động hóa, thuộc nhóm 03 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.
i) Mỗi hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh được quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối sử dụng nền tảng công nghệ số, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện thủ tục hải quan, thuộc nhóm 03 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.
k) Mỗi hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có thể dễ dàng trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh.
l) Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số.
m) Mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản di dản số để người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số.
5. Thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia
Xếp hạng quốc gia của Việt Nam về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có sự thay đổi đột phá.
Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm:
a) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể.
b) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử.
c) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở.
IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUỐC GIA
1. Hoàn thiện môi trường pháp lý
a) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở mức luật, tạo điều kiện phát triển Chính phủ số giai đoạn mới.
b) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử, tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động và quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
c) Nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện phát triển Chính phủ số.
d) Ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để có các quy định phù hợp, cung cấp các dịch vụ số đa dạng, thuận tiện hơn, tăng cường sự tương tác với người dân và doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ được đánh giá dựa trên mức độ hài lòng của người dùng.
đ) Ban hành Nghị định của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử, và hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số.
e) Ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước để phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ số và định hướng chuyển đổi số của Việt Nam.
g) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành khai thác Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
h) Bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật. Không gian thí điểm dịch vụ số là không gian số cho phép mọi sản phẩm, dịch vụ số sáng tạo, chưa được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật có thể triển khai thí điểm với điều kiện được giám sát chặt chẽ bằng công nghệ về phạm vi, quy mô và mô hình hoạt động. Khi đạt đến quy mô nhất định, tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết.
i) Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về Chính phủ số theo kịp sự phát triển của công nghệ, bảo đảm sự phát triển đồng bộ các mô hình Chính phủ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kết nối liên thông, chia sẻ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.
k) Duy trì, cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu của Chính phủ số, chính quyền số nhằm triển khai Chính phủ số đồng bộ trên quy mô toàn quốc, bảo đảm kết nối, liên thông, tránh đầu tư trùng lặp.
l) Bảo đảm môi trường pháp lý để mọi người dân, doanh nghiệp tham gia bình đẳng vào quá trình chuyển đổi số, được bảo vệ an toàn thông tin và dữ liệu riêng tư, được sử dụng mã số điện tử gắn với QR code thuận lợi.
2. Phát triển hạ tầng số
a) Hạ tầng mạng
- Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã trên cơ sở Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng diện rộng của các bộ, ngành, địa phương, mạng Internet băng rộng để phục vụ Chính phủ số;
- Triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm năng lực, an toàn thông tin cho Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu phục vụ Chính phủ số.
b) Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ
- Hệ sinh thái đám mây phục vụ Chính phủ số gồm Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC), đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (AGC) và đám mây của các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ Chính phủ số (EGC);
- Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (AGC) nhằm tạo môi trường để lưu trữ, chia sẻ tài nguyên, phát triển dịch vụ dùng chung cho Chính phủ số trên quy mô toàn quốc được linh hoạt, hiệu quả, nhanh chóng; kết nối, khai thác hiệu quả các hệ thống đám mây của doanh nghiệp (EGC) để cung cấp hạ tầng điện toán đám mây cho Chính phủ số.
3. Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia
a) Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương trên quy mô toàn quốc thông qua việc kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương (LGSP).
b) Phát triển Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia (NIXA) hướng tới xây dựng mô hình liên hiệp định danh, tận dụng tối đa các hình thức xác thực điện tử hiện có để tiết kiệm thời gian, chi phí triển khai.
c) Xây dựng Nền tảng phát triển kỹ năng số quốc gia tạo điều kiện cho việc trao đổi tài nguyên học tập, tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng số trực tuyến trên quy mô quốc gia.
d) Phát triển Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người dân và doanh nghiệp có thể định danh trên không gian số và sử dụng mọi dịch vụ, tiện ích trong Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mọi lúc, mọi nơi.
đ) Xây dựng Hệ thống kiểm định chức năng, hiệu năng các sản phẩm, giải pháp phục vụ Chính phủ số.
e) Xây dựng Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số.
g) Xây dựng Hệ thống giám sát các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước.
h) Xây dựng Cổng công nghệ mở (GovTech) của Việt Nam để cung cấp công khai, minh bạch thông tin về các giải pháp, nền tảng công nghệ mở mà cơ quan nhà nước đang sử dụng hoặc doanh nghiệp Việt Nam phát triển; đồng thời tham gia tích cực vào công tác xây dựng các chuẩn mở và cộng đồng nguồn mở quốc tế.
i) Xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội.
k) Xây dựng nền tảng QR code cho phép liên thông thống nhất các mã định danh của người dân, tổ chức trong toàn xã hội.
l) Phát triển các nền tảng để cung cấp dịch vụ thiết yếu, cơ bản trên quy mô quốc gia, các nền tảng thương mại điện tử, giao nhận - kho vận phục vụ phát triển kinh tế số, góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án thành phần.
4. Phát triển dữ liệu số quốc gia
a) Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
b) Các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần được phát triển trước. Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực.
c) Xây dựng dữ liệu có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng: hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu.
5. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia
a) Phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập đến các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương qua một địa chỉ duy nhất trên mạng, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương theo lộ trình phù hợp theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia.
b) Xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nhằm minh bạch, tăng cường chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
c) Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực đóng góp và khai thác các tài nguyên tri thức số.
d) Xây dựng Nền tảng họp trực tuyến, Nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số dựa trên Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, Nền tảng trợ lý ảo, đảm bảo kế thừa các hệ thống thông tin đã được xây dựng tại các bộ, ngành, địa phương.
đ) Phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
e) Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước để tổng hợp, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
g) Phát triển Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (eCabinet) để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
h) Phát triển, hoàn thiện Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, để theo dõi, đo lường, đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
i) Xây dựng Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại, có khả năng cung cấp thông tin, báo cáo đa chiều và mở rộng khả năng truy cập tới người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch và phục vụ hữu hiệu cho công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách nhà nước.
k) Nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, kết nối chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số để thực hiện đấu thầu, mua sắm tài sản công qua mạng, quản lý thống nhất thông tin, cơ sở dữ liệu về đấu thầu trên phạm vi cả nước và nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước.
l) Phát triển ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia khác để triển khai Chính phủ số và dẫn dắt chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án thành phần.
6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia
a) Xây dựng hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử.
b) Xây dựng hệ thống thao trường mạng phục vụ huấn luyện, diễn tập, sát hạch an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.
c) Xây dựng hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin.
d) Xây dựng hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.
đ) Xây dựng hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
e) Xây dựng hệ thống thẩm định an ninh mạng, kiểm tra an ninh mạng, đánh giá điều kiện an ninh mạng, giám sát an ninh mạng, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định tại Luật An ninh mạng.
g) Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, các nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Chính phủ số.
h) Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước tại các cơ quan, các nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Chính phủ số.
i) Phát triển, hoàn thiện hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
k) Xây dựng Hệ thống kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã phục vụ Chính phủ số.
V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
1. Hoàn thiện quy chế, quy định
a) Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các kiến trúc, quy chế, quy định nội bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số và Chính quyền số các cấp phù hợp với định hướng Chiến lược này.
b) Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình phù hợp với định hướng Chiến lược này.
c) Rà soát, ban hành các chính sách, quy định khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ Chính phủ số.
2. Phát triển hạ tầng số
a) Phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng ưu tiên thuê dịch vụ, kết nối và sử dụng hiệu quả Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
b) Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp và thực hiện kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.
c) Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh tại các bộ, ngành, địa phương, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, tận dụng, kết hợp tối đa với hạ tầng của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư.
3. Phát triển nền tảng, hệ thống
a) Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ bộ, ngành, địa phương và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài.
b) Phát triển Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia, Hệ thống an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia. Đối với các bộ, tỉnh, Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng có thể là một bộ phận của Hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), tránh trùng lặp, lãng phí.
c) Phát triển các nền tảng, hệ thống sử dụng trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.
4. Phát triển dữ liệu
a) Phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm không trùng lặp, cập nhật, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia theo yêu cầu và thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); thực hiện chia sẻ, tích hợp dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với các địa phương; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật; hầu hết các dữ liệu chủ được lưu trữ dưới dạng máy có thể đọc được và chia sẻ dưới dạng dịch vụ giao diện lập trình ứng dụng (API).
b) Xây dựng kho dữ liệu của công dân, tổ chức khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước; giúp công dân, tổ chức quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử của mình, cung cấp chia sẻ với các cơ quan nhà nước, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy và cung cấp lặp lại thông tin cho các cơ quan nhà nước.
c) Xây dựng Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung cấp bộ, ngành, địa phương.
5. Phát triển ứng dụng, dịch vụ số
a) Phát triển Hệ thống tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành để cung cấp dịch vụ số, kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
b) Phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân và theo các sự kiện trong cuộc đời, người dân chỉ cung cấp thông tin một lần, tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các dịch vụ số mới, đồng thời cắt giảm một số dịch vụ không cần thiết. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ như trợ lý ảo, trả lời tự động. Triển khai các nội dung khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trước hết xem xét để giảm chi phí và thời gian cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
c) Triển khai các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của cơ quan nhà nước.
d) Phát triển Hệ thống thông tin báo cáo; từng bước tự động hóa công tác báo cáo, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước các cấp và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
đ) Triển khai các hệ thống làm việc từ xa theo hướng thuê dịch vụ nhằm đa dạng hóa các hình thức làm việc phù hợp với các đối tượng, hoàn cảnh khác nhau, bảo đảm kế thừa, kết nối với các hệ thống thông tin của quốc gia, của bộ, ngành, địa phương đã được xây dựng.
e) Phát triển các dịch vụ đô thị thông minh phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế; ưu tiên phát triển trước các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch, phát triển y tế, phát triển giáo dục, quản lý trật tự xây dựng và phải bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Gắn kết các dịch vụ đô thị thông minh với các dịch vụ chính quyền số. Triển khai đô thị thông minh tuân thủ Khung tham chiếu ICT, Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.
g) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ chuyên ngành phục vụ nội bộ và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin trong và ngoài bộ, ngành, địa phương theo nhu cầu.
h) Các bộ, ngành lựa chọn phát triển ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia một cách phù hợp cho toàn ngành từ trung ương đến địa phương để tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai. Dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, dịch vụ dùng chung được chia sẻ khi có nhu cầu.
i) Ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội,... trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin và tự động hóa, thông minh hóa, tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc.
6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
a) Triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình bốn lớp theo chiều sâu với việc kiện toàn lực lượng tại chỗ; thuê lực lượng giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; định kỳ kiểm tra, đánh giá; kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.
b) Tham gia vào các chiến dịch bảo đảm an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.
c) Tham gia vào Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối.
VI. GIẢI PHÁP
1. Tổ chức, bộ máy, mạng lưới
a) Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và chính quyền bốn cấp để triển khai chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số.
b) Kiện toàn tổ chức, bộ máy, thiết lập mạng lưới đơn vị chuyên trách và nhân sự hỗ trợ triển khai từ Trung ương đến địa phương với nòng cốt gồm các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại mỗi địa phương.
2. Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số
a) Đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.
b) Rà soát, cập nhật khung năng lực, chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin tích hợp kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đưa nội dung đào tạo về kỹ năng số vào chương trình đào tạo quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương. Tổ chức đào tạo, sát hạch, thi tuyển, thi nâng ngạch trực tuyến đảm bảo minh bạch, chất lượng.
c) Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo; cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước các cấp về Chính phủ số, Khung Kiến trúc, Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính phủ số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
d) Tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ chuyên gia về Chính phủ số tạo lực lượng nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng cho phát triển Chính phủ số tại các bộ, ngành, địa phương. Các chuyên gia về Chính phủ số trước hết phải nắm bắt được các xu thế công nghệ mới, các bài học kinh nghiệm, quy định pháp luật, mô hình, quy định kỹ thuật trong triển khai Chính phủ số. Xây dựng mạng lưới chuyên gia về Chính phủ số để chia sẻ tri thức, phối hợp giải quyết các vấn đề lớn.
đ) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.
3. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số.
b) Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước thông qua các hoạt động xã hội hóa.
c) Định kỳ hàng năm tổ chức tôn vinh dịch vụ công chất lượng nhất, dịch vụ công thu hút được sự tham gia rộng rãi nhất, cơ quan nhà nước vận hành tối ưu nhất, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết có kết quả đột phá nhất và cơ quan nhà nước phát triển Chính phủ số tốt nhất.
4. Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp
a) Doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phát triển Chính phủ số, trước hết là khuyến khích các cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ, hợp tác theo phương thức đối tác công tư, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, tham gia các quỹ đầu tư, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo.
b) Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, quy hoạch, thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ Chính phủ số của các doanh nghiệp chủ chốt. Chính phủ triển khai một số hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường bằng cách làm trước, cho phép trải nghiệm dùng thử hoặc cung cấp dịch vụ cơ bản.
c) Cơ quan nhà nước phối hợp doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công thông qua mạng lưới bưu chính công ích và ứng dụng của doanh nghiệp.
d) Khai thác hiệu quả mạng lưới bưu chính công ích để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế trong xã hội.
5. Nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi
a) Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ Chính phủ số.
b) Mở các nền tảng quốc gia hướng tới tạo thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số.
c) Lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong Chính phủ số. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho Chính phủ số.
d) Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ số để làm chủ các công nghệ cốt lõi trong Chính phủ số trước hết đó là các công nghệ điện toán đám mây, bảo mật, an toàn, an ninh mạng, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, các nền tảng cho phát triển các ứng dụng chuyên ngành.
đ) Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).
e) Xây dựng các chương trình nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang đặc thù Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh, tạo nền tảng thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia. Các sản phẩm, dịch vụ này ưu tiên thí điểm ứng dụng trước trong các cơ quan nhà nước, từ đó đánh giá, hoàn thiện, hình thành ra các nền tảng để phục vụ kinh tế số, xã hội số.
g) Ban hành quy định về việc sử dụng sản phẩm, giải pháp đã được đánh giá, kiểm định trong triển khai Chính phủ số. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ thiết kế, sản xuất bởi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số.
6. Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ
a) Thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển Chính phủ số.
b) Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số.
c) Rà soát loại bỏ một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng công nghệ số.
7. Hợp tác quốc tế
a) Chủ động hợp tác quốc tế trong phát triển Chính phủ số; chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến về Chính phủ số và phát triển công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẵn sàng phát huy vai trò đi đầu trong những lĩnh vực có thế mạnh; tham gia chủ động, tích cực vào việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về công nghệ số phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam.
b) Hỗ trợ một số nước trong phát triển Chính phủ số nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ Chính phủ số của các doanh nghiệp Việt Nam.
8. Bảo đảm kinh phí
a) Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số; tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng phương án bảo đảm kinh phí, phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới.
c) Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ quốc gia sử dụng vốn đầu tư công do ngân sách trung ương đảm bảo.
9. Đo lường, giám sát, đánh giá triển khai
a) Thực hiện đo lường, giám sát tự động tới từng hệ thống, từng dịch vụ phục vụ Chính phủ số.
b) Giám sát, đánh giá, đo lường hiệu quả các dự án đầu tư được thực hiện dựa trên số liệu.
c) Định kỳ hàng tháng, hàng năm công bố kết quả đánh giá, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công khai trực tuyến các chỉ số chính trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
10. Cơ chế điều hành, tổ chức thực thi
a) Phát huy vai trò Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc chỉ đạo phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phát triển Chính phủ số, Chính quyền số tại bộ, ngành, địa phương mình.
c) Phát huy vai trò Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức, điều phối công tác phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số các cấp.
d) Triển khai Chính phủ số theo hướng từng bước tập trung hóa, phát triển các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số dựa trên nền tảng điện toán đám mây, ưu tiên theo hướng thuê dịch vụ.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chiến lược.
b) Năm 2023 tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu và bổ sung, sửa đổi các nhiệm vụ, giải pháp (nếu cần thiết) và tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chiến lược vào năm 2025.
2. Văn phòng Chính phủ:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước.
b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tổ chức đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chiến lược.
3. Bộ Nội vụ:
a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện cải cách hành chính.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số cải cách hành chính theo hướng gắn kết chặt chẽ phát triển Chính phủ số với hoạt động cải cách hành chính, Chính phủ số trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy cải cách hành chính nhà nước.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì thực hiện giải pháp quy định tại khoản 8 mục VI Điều 1 Quyết định này đối với nguồn vốn đầu tư phát triển; chủ trì tổng hợp vốn đầu tư phát triển hàng năm trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công từng giai đoạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai Chiến lược.
5. Bộ Tài chính:
Chủ trì thực hiện giải pháp quy định tại khoản 8 mục VI Điều 1 Quyết định này đối với nguồn vốn thường xuyên; chủ trì tổng hợp, bố trí vốn chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai Chiến lược.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguyên tắc an toàn thông tin, an ninh mạng là tiền đề thúc đẩy triển khai Chính phủ số nhanh hơn, bền vững hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng, hiệp đồng chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời.
7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Xây dựng và triển khai kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hàng năm phát triển Chính phủ số, Chính quyền số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện Chiến lược; đồng bộ các nội dung kế hoạch với kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương mình.
b) Tổ chức triển khai các nhiệm vụ nêu tại Mục V Điều 1 trên cơ sở nhu cầu, điều kiện thực tế và định hướng phát triển của bộ, ngành, địa phương mình.
c) Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được phân công tại Phụ lục kèm theo.
d) Tái cấu trúc tổ chức, quy trình nghiệp vụ để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới số hóa toàn bộ hoạt động của cơ quan tổ chức.
đ) Bảo đảm kinh phí (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) để thực hiện các nhiệm vụ, dự án Chính phủ số theo giải pháp tại khoản 8 mục VI Điều 1.
e) Triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình nhiều lớp, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên trách về an toàn, an ninh mạng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật.
g) Kiện toàn đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin trở thành đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số để tham mưu, thực thi, dẫn dắt chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa phương.
h) Kiểm tra, đánh giá, báo cáo hàng năm và đột xuất tình hình thực hiện Chiến lược theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí có trách nhiệm: chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các ngành, các cấp và Nhân dân về nội dung Chiến lược này, cũng như các câu chuyện thành công, bài học kinh nghiệm hay trong nước và quốc tế một cách thường xuyên, định kỳ hàng ngày, hàng tuần.
9. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chủ động bố trí nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phục vụ công tác của ngành: bảo hiểm xã hội, y tế, lao động - thương binh và xã hội và các ngành liên quan bảo đảm sự đồng bộ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan, góp phần tạo cơ sở nền tảng phát triển Chính phủ số.
10. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo hệ thống tổ chức đoàn cơ sở các cấp cử đầu mối tới tận cấp xã, tham gia mạng lưới hỗ trợ triển khai chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối; chủ động phát động các chiến dịch đoàn viên thanh niên tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ Chính phủ số.
11. Hội, hiệp hội nghề nghiệp chủ động, tích cực trong việc tham mưu, phản biện chính sách, pháp luật; phát động hội viên, doanh nghiệp chủ động làm chủ công nghệ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng; tham gia cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số ở Việt Nam.
12. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ đủ năng lực kỹ thuật, tài chính:
a) Cử đầu mối phụ trách phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc nghiên cứu, xây dựng, phản biện chính sách; chỉ đạo các đơn vị thành viên tại các địa phương cử đầu mối tham gia mạng lưới hỗ trợ triển khai chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối.
b) Ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, hệ thống quy mô quốc gia, dữ liệu số quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ số cốt lõi phục vụ Chính phủ số.
c) Phát huy vai trò dẫn dắt trong triển khai các giải pháp phục vụ Chính phủ số, huy động, tập hợp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ số, cùng tham gia phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ phục vụ phát triển Chính phủ số.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ HƯỚNG TỚI CHÍNH PHỦ SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Nhiệm vụ, giải pháp |
Cơ quan chủ trì |
Thời gian thực hiện |
|
|
||
1 |
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn, trong đó có quy định về Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2022 |
2 |
Nghiên cứu, đề xuất môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi, hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2023 |
3 |
Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh, xác thực điện tử và hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 |
4 |
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ |
Bộ Nội vụ |
2021 - 2022 |
5 |
Nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện phát triển Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2023 - 2025 |
6 |
Nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2022 |
7 |
Nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2022 |
8 |
Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành khai thác Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ |
Văn phòng Chính phủ |
Quý IV năm 2021 |
9 |
Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
10 |
Duy trì, cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phù hợp với yêu cầu phát triển Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
11 |
Duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và yêu cầu phát triển Chính phủ số, Chính quyền số |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã trên cơ sở Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng diện rộng của các bộ, ngành, địa phương, mạng Internet băng rộng để phục vụ Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
2 |
Xây dựng Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2023 |
2 |
Phát triển Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia (NIXA) |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2022 |
3 |
Xây dựng Nền tảng định danh và xác thực trên thiết bị di động |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2022 |
4 |
Xây dựng Nền tảng phát triển kỹ năng số quốc gia |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2023 |
5 |
Phát triển Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người dân và doanh nghiệp có thể định danh trên không gian số và sử dụng mọi dịch vụ, tiện ích trong Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mọi lúc, mọi nơi |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2023 |
6 |
Xây dựng Hệ thống kiểm định chức năng, hiệu năng các sản phẩm, giải pháp phục vụ Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
7 |
Xây dựng Hệ thống giám sát, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ Chính phủ số của các cơ quan nhà nước |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
8 |
Xây dựng Hệ thống giám sát các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
9 |
Xây dựng Cổng công nghệ mở (GovTech) của Việt Nam |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2022 |
10 |
Xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
2021 - 2025 |
11 |
Phát triển các nền tảng để cung cấp dịch vụ thiết yếu, cơ bản trên quy mô quốc gia, các nền tảng thương mại điện tử, giao nhận - kho vận phục vụ phát triển kinh tế số, góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia |
Các bộ, ngành |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư |
Bộ Công an |
2021 |
2 |
Phát triển Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
2021 - 2022 |
3 |
Phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
2021 |
4 |
Phát triển dữ liệu về tài chính |
Bộ Tài chính |
2021 - 2022 |
5 |
Phát triển dữ liệu về bảo hiểm |
Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
2021 - 2022 |
6 |
Phát triển dữ liệu về hộ tịch |
Bộ Tư pháp |
2021 - 2025 |
7 |
Phát triển dữ liệu về y tế |
Bộ Y tế |
2021 - 2023 |
8 |
Phát triển dữ liệu về nông nghiệp |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
2021 - 2025 |
9 |
Phát triển dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức |
Bộ Nội vụ |
2021 - 2023 |
10 |
Phát triển dữ liệu về lao động, việc làm, an sinh xã hội |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
2021 - 2025 |
11 |
Phát triển dữ liệu về giáo dục và đào tạo |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
2021 - 2023 |
12 |
Phát triển dữ liệu về phương tiện giao thông |
Bộ Giao thông vận tải |
2021 - 2023 |
13 |
Phát triển dữ liệu về xuất nhập khẩu |
Bộ Công Thương |
2021 - 2023 |
14 |
Phát triển dữ liệu về hoạt động xây dựng |
Bộ Xây dựng |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Văn phòng Chính phủ |
2021 - 2025 |
2 |
Xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
3 |
Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
2021 - 2025 |
4 |
Xây dựng Nền tảng họp trực tuyến, Nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số dựa trên Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, Nền tảng trợ lý ảo, đảm bảo kế thừa các hệ thống thông tin đã được xây dựng tại các bộ, ngành, địa phương |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2023 |
5 |
Phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ |
Văn phòng Chính phủ |
2021 - 2025 |
6 |
Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ |
Văn phòng Chính phủ |
2021 - 2025 |
7 |
Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (eCabinet) |
Văn phòng Chính phủ |
2021 - 2025 |
8 |
Phát triển, hoàn thiện Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện |
Văn phòng Chính phủ |
2021 - 2025 |
9 |
Xây dựng Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số |
Bộ Tài chính |
2021 - 2025 |
10 |
Nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
2021 - 2025 |
11 |
Phát triển ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia để triển khai Chính phủ số và dẫn dắt chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia |
Bộ, ngành |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Xây dựng Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ điện tử |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
2 |
Xây dựng hệ thống thao trường mạng phục vụ huấn luyện, diễn tập, sát hạch an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
3 |
Xây dựng hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
4 |
Xây dựng hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
5 |
Xây dựng hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
6 |
Xây dựng hệ thống thẩm định an ninh mạng, kiểm tra an ninh mạng, đánh giá điều kiện an ninh mạng, giám sát an ninh mạng, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định tại Luật An ninh mạng |
Bộ Công an |
2021 - 2025 |
7 |
Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, các nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
8 |
Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước tại các cơ quan, các nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chính phủ số |
Bộ Công an |
2021 - 2025 |
9 |
Phát triển, hoàn thiện hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ |
Ban Cơ yếu Chính phủ |
2021 - 2025 |
10 |
Xây dựng Hệ thống kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã phục vụ Chính phủ số |
Ban Cơ yếu Chính phủ |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Kiện toàn tổ chức, bộ máy, thiết lập mạng lưới đơn vị chuyên trách và nhân sự hỗ trợ triển khai từ Trung ương đến địa phương để triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số |
Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ; Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2023 |
|
|
||
1 |
Đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học |
Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo |
2021 - 2023 |
2 |
Rà soát, cập nhật khung năng lực, chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin tích hợp kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đưa nội dung đào tạo về kỹ năng số vào chương trình đào tạo quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương. Tổ chức đào tạo, sát hạch, thi tuyển, thi nâng ngạch trực tuyến đảm bảo minh bạch, chất lượng |
Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ |
2021 - 2025 |
3 |
Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo; cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước các cấp về Chính phủ số, Khung kiến trúc, Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính phủ số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
4 |
Tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ chuyên gia về Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
5 |
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm |
Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
2 |
Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước thông qua các hoạt động xã hội hóa |
Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
3 |
Tổ chức tôn vinh dịch vụ công chất lượng nhất, dịch vụ công thu hút được sự tham gia rộng rãi nhất, cơ quan nhà nước vận hành tối ưu nhất, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết có kết quả đột phá nhất và cơ quan nhà nước phát triển Chính phủ số tốt nhất |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Tạo điều kiện cho mọi loại hình doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phát triển Chính phủ số |
Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
2 |
Điều phối, quy hoạch, thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ Chính phủ số của các doanh nghiệp chủ chốt |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
3 |
Phối hợp doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công thông qua mạng lưới bưu chính công ích và ứng dụng của doanh nghiệp |
Bộ, ngành, địa phương; Doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
4 |
Khai thác hiệu quả mạng lưới bưu chính công ích để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế trong xã hội |
Bộ Thông tin và Truyền thông; Doanh nghiệp |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
2 |
Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) |
Ngân hàng nhà nước Việt Nam |
2021 - 2023 |
3 |
Xây dựng các chương trình nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang đặc thù Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh, tạo nền tảng thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
2021 - 2025 |
4 |
Mở các nền tảng quốc gia hướng tới tạo thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số |
Bộ, ngành |
2021 - 2025 |
5 |
Lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai Chính phủ số. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho Chính phủ số |
Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
6 |
Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ số để làm chủ các công nghệ cốt lõi trong Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
7 |
Ban hành quy định về việc sử dụng sản phẩm, giải pháp đã được đánh giá, kiểm định trong triển khai Chính phủ số |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
8 |
Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ thiết kế, sản xuất bởi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển Chính phủ số |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
2 |
Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
3 |
Rà soát loại bỏ một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng công nghệ số |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Chủ động hợp tác quốc tế trong phát triển Chính phủ số; chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến về Chính phủ số và phát triển công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẵn sàng phát huy vai trò đi đầu trong những lĩnh vực có thế mạnh; tham gia chủ động, tích cực vào việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về công nghệ số phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
2 |
Hỗ trợ một số nước trong phát triển Chính phủ số nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ Chính phủ số của các doanh nghiệp Việt Nam |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số; tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
2 |
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng phương án bảo đảm kinh phí, phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới |
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
2021 - 2022 |
3 |
Ưu tiên bố trí đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ quốc gia |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Thực hiện đo lường, giám sát tự động tới từng hệ thống, từng dịch vụ phục vụ Chính phủ số. Định kỳ hàng tháng, hàng năm công bố kết quả đánh giá, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công khai trực tuyến các chỉ số chính trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2021 - 2025 |
2 |
Giám sát, đánh giá, đo lường hiệu quả các dự án đầu tư được thực hiện dựa trên số liệu |
Bộ, ngành, địa phương |
2021 - 2025 |
THE PRIME MINISTER |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 942/QD-TTg |
Hanoi, June 15, 2021 |
DECISION
APPROVING STRATEGY FOR DEVELOPMENT OF E-GOVERNMENT TOWARDS DIGITAL GOVERNMENT FOR 2021 - 2025 WITH ORIENTATIONS TOWARDS 2030
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015 and Law on Amendments to the Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;
Pursuant to the Politburo’s Resolution No. 52-NQ/TW dated September 27, 2019 on a number of guidelines and policies for active participation in the fourth industrial revolution;
Pursuant to the Government’s Resolution No. 50/NQ-CP dated April 17, 2020 introducing Government’s action program on Politburo’s Resolution No. 52-NQ/TW dated September 27, 2019 on a number of guidelines and policies for active participation in the fourth industrial revolution;
At the request of the Minister of Information and Communications,
HEREBY DECIDES:
Article 1. The strategy for development of e-Government towards digital Government for 2021 - 2025 period with orientations towards 2030 (hereinafter referred to as “Strategy”), with the following contents, is approved:
I. VIEWPOINTS
1. Develop a digital Government that operates completely and safety in the digital environment with a redesigned operational model based on digital technology and data to provide finer services, make decisions faster, promulgate policies more efficiently, optimize resources better, promote development, lead the national digital transformation and address major issues in socio-economic management and development more effectively.
2. Develop the digital Government in a comprehensive manner, utilize achievements, gather resources, mobilize the whole political system and produce breakthrough and distinct solutions and methods to achieve e-Government development targets in 2021 and establish the digital Government in 2025.
3. Provide open orientations for citizens, enterprises and other organizations to suitably participate in operations of state agencies and interact with state agencies with the aim of increasing transparency, improving service quality, resolving issues and creating value for the society together.
4. Data is the new resource. State agencies shall release open data and provide open data for development of the digital Government, digital economy and digital society. State agencies shall connect and share data so that people would provide data for state agencies and providers of essential public services only once.
5. Platforms are the breakthrough solutions. Combine centralized and dispersed deployment models, and comply with the Vietnamese, ministerial-level and provincial E-Government Architectures. Develop platforms in a manner that ensures consistent, uninterrupted and ubiquitous service provision across administrative levels. National platforms, applications and services must be prioritized and properly launched in a centralized manner.
6. The domestic market shall foster and develop “Make in Vietnam” digital technology products, which will be brought to other countries in the region and around the world. The Government shall proactively direct, plan for and launch activities that orient and create a market to aim for the dual targets of digital Government development and Vietnamese digital technology enterprise development. Diversify the size, strive to master and develop core technologies and open platforms supporting the digital Government and create an ecosystem of “Make in Vietnam” applications and services.
II. VISION BY 2030
Vietnam ranks high on the global e-Government and digital Government development indexes and places in the top 30 countries according to the United Nations’ rankings.
The digital Government brings about changes to how citizens and enterprises are served, reduces costs, improves productivity of enterprises, creates favorable conditions and supports citizens satisfactorily so that people and enterprises would participate more in operations of state agencies, resulting in value, benefits, satisfaction, trust and social consensus.
The digital Government introduces changes to organizational structure, operations, working environment and working tools to enable officials and public employees to give their best performance.
III. TARGETS TOWARDS 2025
1. Provide quality services for the society
State agencies restructure, simplify and standardize administrative procedures nationwide.
State agencies provide new, quality and affordable services that help increase productivity in a proactive manner, promptly meeting society’s demand.
People and enterprises can use digital services according to individual demand, throughout their life, where needed, in a convenient, online or offline, easy, simple, fast and paperless manner and without being present physically unless otherwise required by law.
Some basic targets include:
a) 100% administrative procedures eligible as per the law are provided via level-4 online public services.
b) 100% of online public services are designed or redesigned to optimize user experience and automatically fill in data previously provided by users under an agreement and in compliance with service quality standards.
c) 100% of people and enterprises using online public services are identified and authenticated in a consistent manner on all systems of governments at all levels.
d) At least 80% of administrative procedure documents are processed completely online and people are required to input data only once.
dd) At least 90% of people and enterprises are satisfied with administrative procedure handling.
e) At least 20% of administrative procedures of state agencies are reduced from current number.
2. Encourage the society to participate
People, enterprises and other organizations can easily give their opinions on operations of state agencies, report on social issues around them to state agencies and receive feedback on their participation and results thereof.
Enterprises can provide public services or develop new innovative services, enabling the society to access public services of state agencies.
The State, people, enterprises and other organizations jointly participate in raising awareness about use of public services in particular and digital transformation in general.
Some basic targets include:
a) 100% of ministerial-level and provincial state agencies release open data and provide open data for development of the digital Government, digital economy and digital society.
b) At least 50% of new public services of state agencies are also provided by enterprises or organizations other than state-owned entities.
c) 100% of ministerial-level and provincial public service portals servicing people and enterprises are user-friendly, are connected with state agencies via the Internet for state management operations and provide services based on digital technology platforms.
3. Optimize operations of state agencies
State agencies design their organizational models and operations based on digital technology and data and create working environment and tools that enable officials and public employees to give their best performance, connect and cooperate more easily, make decisions more promptly, promulgate policies better and optimize resources further.
Officials and public employees join training and refresher courses on data use and analysis and digital technology, and are capable of leading the digital transformation and development in each sector and locality.
Some basic targets include:
a) a) 100% of state agencies provide services 24/7 and are ready to provide online services at any time. 100% of officials have digital identities for work.
b) 100% of internal management and direction of state agencies are carried out on unified general management platforms.
c) 100% of documents exchanged between state agencies are electronic documents and signed by specialized digital signatures, excluding confidential documents per the law.
d) 90% of ministerial- and provincial-level work dossiers; 80% of district-level work dossiers and 60% of commune-level work dossiers can be processed online (excluding work dossiers concerning state secrets).
dd) 100% of reports are made on the national information and reporting system.
e) 100% of documents are created, stored and shared by electronic means according to regulations.
g) 100% of ministerial-level and provincial state agencies have centralized general data processing and analytics platforms and apply artificial intelligence to optimize operations.
h) At least 50% of inspections by regulatory bodies are carried out via digital means and information systems of regulatory bodies.
i) At least 70% of training programs, examinations for application and examinations for promotion concerning official, principal official and senior official or equivalent positions take place online.
k) 100% of officials and public employees participate in training and refresher courses on basic digital skills; 50% of officials and public employees participate in training and refresher courses on data use and analysis and digital technology.
4. Address major issues in socio-economic development effectively
State agencies are capable of resolving major issues in socio-economic development across all sectors effectively.
Some basic issues include:
a) Each citizen has a digital identity and QR code, striving so that all citizens have smartphones. Each household has a digital address and broadband fiber optic Internet access.
b) All people live in an environment where social safety, public order and security are maintained and have their right to privacy in the digital environment protected as prescribed by law.
c) Every person has a digital personal health record. Each commune-level medical station manages its operations by digital means. Each healthcare facility provides medical advice remotely according to actual demand. Each public medical center and hospital employs electronic medical records, cashless fee payment and electronic prescriptions. Medicine, medical equipment and medical service prices are published.
d) Every student has a personal study record. All training institutions manage teaching and learning activities digitally. Cashless tuition payment and digital educational resources are employed. Digital universities are small-scale digital nations; teaching and learning models are reformed to optimize operations of undergraduate institutions, optimize learner experience and encourage new training models.
dd) All farmers can access and utilize digital agricultural data platforms and origin tracing platforms to reduce dependence on intermediary stages between production and distribution to consumers.
e) All working-age persons have job opportunities. All citizens can join massive open online courses (MOOC) individualized for each person and available for the whole society, including basic courses, to improve digital skills of the society and eradicate digital technology illiteracy in remote and isolated areas.
g) All expressways have smart traffic management systems. All tollbooths across the country employ electronic toll collection. Each automobile uses an electronic fee collection account to pay for road traffic services. Delivery - storage service fees are reduced and there are delivery - storage supply chains owned by Vietnamese enterprises.
h) People enter and exit Vietnam in a convenient and time-efficient manner and carry out necessary procedures quickly thanks to automated processes, which rank in the top 03 countries in South East Asia.
i) Imports, exports and vehicles entering and exiting Vietnam are completely managed using digital technology platforms, which saves time and accelerates customs procedures, ranking in the top 03 countries in South East Asia.
k) Household businesses and small and medium enterprises can easily experience digital technology platforms supporting business operation.
l) All individuals, household businesses and enterprises can easily send and receive electronic invoices to/from each other and to/from tax authorities via digital technology platforms.
m) Every heritage of Vietnam has a digital presence and a digital heritage map is available and accessible to citizens and tourists.
5. Bring about breakthrough changes to Vietnam's rankings
There are breakthrough changes to Vietnam’s e-Government and digital Government rankings according to the United Nations’ assessment.
Some basic targets include:
a) Vietnam is ranked in the top 50 on the general index.
b) Vietnam is ranked in the top 50 on the e-participation index.
c) Vietnam is ranked in the top 50 on the open data index.
IV. NATIONAL KEY TASKS
1. Legal environment completion
a) Research on and propose amendments to the Law on E-Transactions and guiding documents thereof to resolve law-related difficulties and facilitate digital Government development in the new period.
b) Research on and propose amendments to the Law on Archives to stipulate electronic archiving, which provides the legal conditions for complete digital transformation of operations and operating procedures of state agencies and state-owned entities.
c) Research and formulate a law on digital Government and guiding documents to facilitate digital Government development.
d) Promulgate a Government’s Decree superseding the Government’s Decree No. 43/2011/ND-CP on provision of online information and public services on websites or web portals of state agencies to have suitable regulations, provide diverse digital services more conveniently, increase interactions between people and enterprises and evaluate service quality based on user’s satisfaction.
dd) Promulgate a Government’s Decree on electronic identification and authentication, and complete legal parameters to popularize digital identity.
e) Promulgate a Government’s Decree superseding the Government’s Decree No. 64/2007/ND-CP dated April 10, 2007 on information technology application in state agencies' operations as appropriate to digital Government development trends and digital transformation orientations of Vietnam.
g) Formulate and propose regulation on management and operation of the national information and reporting system and information and direction center of the Government and Prime Minister to the Prime Minister for promulgation.
h) Ensure a legal environment that allows for experiments and accepts innovations as well as changes. Establish a space for pilot digital service provision and a legal framework that enables experimentation of unregulated digital services. The space for pilot digital service provision shall be a digital space that allows for pilot deployment of all innovative digital products and services which are not yet regulated by legislative documents and the scope, size and operating models of which are under strict technology-based supervision. Such products and services shall undergo assessment when pilot deployment has reached a certain scale to establish necessary legal parameters.
i) Formulate technical guidelines, standards and regulations in relation to the digital Government as appropriate to technological development to ensure consistent growth of digital Government models, cyber security as well as connection and sharing of technical infrastructure and data between information systems.
k) Maintain and update Vietnamese, ministerial-level and provincial E-Government Architectures according to requirements of the digital Government and e-Government to deploy the digital Government in a consistent manner throughout the country, ensuring connection and preventing investment overlapping.
l) Ensure the legal environment for all people and enterprises to participate in digital transformation equally, have their private data and information protected and use an electronic code together with QR code conveniently.
2. Digital infrastructure development
a) Network infrastructure
- Develop and operate stable, safe and uninterrupted specialized network infrastructure that connects 04 administrative levels from central to commune level based on specialized data transmission networks of entities affiliated to the Communist Party and the State, wide area networks of ministries and local governments and broadband Internet to serve the digital Government;
- Deploy technical systems that ensure capacity and information safety of specialized data transmission networks of entities affiliated to the Communist Party and the State to provide basic transmission infrastructure in connecting information systems and sharing data, which serves the digital Government.
b) Government cloud computing platforms
- Cloud ecosystem servicing the digital Government comprises Central Government Cloud (CGC), clouds of state agencies at ministries and local governments (AGC) and clouds of enterprises meeting professional requirements and technical regulations and standards for servicing the digital Government (EGC);
- Build Central Government Cloud (CGC) in a synchronized manner based on planning and connection with clouds of state agencies at ministries and local governments (AGC) to create an environment for storage and sharing of resources as well as development of shared services for the digital Government in a nationwide, flexible, efficient and timely manner; connect and utilize enterprise clouds (EGC) to provide cloud computing infrastructure for the digital government.
3. Development of national systems and digital platforms
a) Develop National Data Exchange Platform (NDXP) to connect, integrate and share data between information systems and databases of ministries and local governments across the country by connecting with Local Government Sharing Platforms (LGSP).
b) Develop the national electronic authentication and identity exchange platform (NIXA), strive for the federated identity model and utilize all existing electronic authentication methods to save time and costs.
c) Build a national digital skill development platform to facilitate exchange of learning resources and provision of online refresher courses on digital skills nationwide.
d) Develop a platform for mobile applications to enable digital identification and use of all services and utilities in the digital Government, digital economy and digital society anytime and anywhere for people and enterprises.
dd) Build a system for inspection of functions and performance of products and solutions servicing the digital Government.
e) Develop a system for supervision and measurement of digital Government services provision and use.
g) Provide a system for supervision of digital platforms supporting state management.
h) Build Vietnam’s open technology portal (GovTech) to provide information on open technology platforms and solutions that state agencies are using or Vietnamese enterprises are developing in a transparent manner; concurrently, actively participate in development of international open source communities and open standards.
i) Develop a national digital map to provide the platform for development of digital services supporting socio - economic development.
k) Provide a QR code platform that connects identity codes of all people and organizations.
l) Develop platforms for provision of essential and basic services nationwide, e-commerce and delivery - storage to support digital economy development and achieve poverty eradication targets, and platforms for digital transformation in prioritized sectors according to the program for national digital transformation by 2025 with orientations towards 2030 in the Prime Minister’s Decision No. 749/QD-TTg dated June 03, 2020 and constituent schemes.
4. Development of national digital data
a) Develop national digital data to provide the platform for digital Government deployment, ensure provision of digital data to online public services and uninterrupted data sharing between state agencies, provide open datasets with great usefulness and quality and open data as per the law with the aim of digital Government, digital economy and digital society development.
b) Prioritize development of national databases that support basic and essential services for people, enterprises and state agencies. Data on population, land and enterprises are core data that must be completed and put into use soon to ensure that data in state agencies of all sectors are consistent.
c) Develop national data supporting socio - economic development, prioritizing data of important sectors such as geospatial infrastructure; insurance, healthcare, social security; finance; identity cards; civil status; education; training; officials, public employees; agriculture; labor, employment; transport vehicles, construction, import and export.
5. Development of national services and applications
a) Complete the national public service portal so that people and enterprises can use online public services of ministries and local governments via a single web address, and integrate level-3 and level-4 online public services of ministries and local governments into the portal following a suitable roadmap according to the Prime Minister’s Decision No. 274/QD-TTg dated March 12, 2019 approving scheme for national public service portal.
b) Develop the national data portal as the integrated point for online provision of open data of state agencies to ensure transparency, increase data sharing, promote innovation and development of digital economy and digital society, and protect the safety of information of organizations and individuals as per the law.
c) Build the digital Vietnamese knowledge system to encourage all regulatory bodies, organizations, citizens and enterprises to contribute to and use digital knowledge resources actively.
d) Build an online meeting platform and digital working and cooperation platform based on CGC and virtual assistant platform based on existing information systems at ministries and local governments.
dd) Develop Vietnam Data Exchange Platform to support direction and management operations of the Government and Prime Minister.
e) Complete the information and reporting system of the Government to collect, integrate and share data and reports of state administrative agencies and consolidate and analyze data for the purpose of supporting direction and management operations of the Government and Prime Minister.
g) Develop the e-Cabinet system of the Government to reduce meeting time, reduce administrative documents and improve direction and management operations of the Government and Prime Minister.
h) Complete a system for management of databases used to monitor tasks assigned by the Government and Prime Minister to monitor, measure and evaluate performance of ministries and local governments.
i) Build a digital state accounting and budget information system using modern technology that is capable of providing multidimensional reports and information and accessible to people, enterprises and regulatory bodies to increase transparency and effectively support state budget - finance management.
k) Upgrade and connect Vietnam National E-Procurement System with the digital state accounting and budget information system to enable online public property procurement, manage procurement information and database in a consistent manner nationwide and improve management of state budget expenditure.
l) Develop other national services and applications to deploy the digital Government and lead digital transformation in prioritized sectors according to the program for national digital transformation by 2025 with orientations towards 2030 in the Prime Minister’s Decision No. 749/QD-TTg dated June 03, 2020 and constituent schemes.
6. National cyber security assurance
a) Build a cyber security monitoring system servicing the e-Government.
b) Build a cyber range system to enable training, drills and assessment of information safety in support of the e-Government.
c) Develop an information safety inspection and assessment system.
d) Develop a big data processing and analytics system to protect national cyber information security.
dd) Establish a system for response to cyber information security incidents.
e) Develop systems for cyber security assessment, cyber security condition assessment, cyber security supervision and response to cyber security incidents for important information systems related to national security according to regulations of the Cyber Security Law.
g) Inspect cyber information security at regulatory bodies, network service providers and enterprises providing services for the digital Government.
h) Inspect protection of cyber security and state secrets at regulatory bodies, network service providers and enterprises providing services for the digital Government.
i) Complete the specialized digital signature authentication system of the Government.
k) Build a system for inspection and assessment of cryptographic products used by the digital Government.
V. KEY TASKS OF MINISTRIES AND LOCAL GOVERNMENTS
Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies and governments of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial governments”) shall perform the following tasks in areas under their management:
1. Regulation completion
a) Review, amend and formulate technical regulations, standards, regulatory requirements, internal regulations and architectures within their competence concerning establishment, development and operation of information systems servicing the digital Government and digital governments at all levels according to the orientations of this Strategy.
b) Review and amend specialized legislative documents within their competence according to the orientations of this Strategy or propose such amendments.
c) Review and promulgate policies and regulations encouraging people and enterprises to use digital Government services.
2. Digital infrastructure development
a) Develop network infrastructure in accordance with the need for digital Government deployment at ministries and local governments, prioritizing service hiring as well as connection and utilization of specialized data transmission networks of bodies of the Communist Party and the State.
b) Deploy data centers servicing the digital Government at ministries and local governments by applying cloud computing, prioritizing hiring of professional services and connecting with CGC using the model provided for by the Ministry of Information and Communications.
c) Develop Internet of Things (IoT) infrastructure to support professional and specialized applications in digital Government deployment in connection with smart city development at ministries and local governments, prioritizing hiring of professional services, ensuring efficiency, preventing overlapping and utilizing infrastructure already invested in by organizations and individuals.
3. Platform and system development
a) Develop and connect Local Government Sharing Platforms (LGSP) with internal information systems and databases of ministries and local governments and with National Data Exchange Platform (NDXP) according to Vietnam’s E-Government Architecture to exchange and share data with external bodies.
b) Develop and connect systems of security operations centers (SOC) for information systems of ministries and local governments with the national cyber security monitoring system and national cyber security system supporting the digital Government. For ministries and provincial governments, their systems of security operations centers (SOC) may be a part of their integrated operations centers (IOC) to prevent overlapping and wastefulness.
c) Build internal platforms and systems to save time and costs and enable data connection and sharing.
4. Data development
a) Develop internal specialized databases supporting digital Government applications and services without overlapping, update, connect and share with national databases upon request and via NDXP; share and integrate specialized data of ministries with local governments; open data of state agencies as prescribed by law; store most master data in computer-readable formats and share data via Application Programming Interfaces (API).
b) Build data warehouses of citizens and organizations when they make online transactions with state agencies; assist citizens and organizations with managing, storing and sharing their electronic data with state agencies, reducing physical documents and repeated information provision.
c) Build ministerial-level and provincial-level general data processing and analytics platforms to store, consolidate, analyze and process data on socio - economic development from different sources, providing the basis for new information and new data services supporting the digital Government and aiming for establishment of shared data warehouses at ministerial and provincial levels.
5. Development of digital services and applications
a) Develop a public service portal integrating system and electronic single-window information system with specialized processing systems to provide digital services, connect these systems with the system for monitoring and measurement of provision and use of digital Government services and other necessary national systems; apply digital technology to individualize interfaces, improve user experience of public service users, and obtain feedback from people and enterprises when developing and employing online public services.
b) Develop online public services based on people’s needs and life events, which require people to provide information only once, utilize technology to develop new digital services and remove some unnecessary services. Robustly apply artificial intelligence in provision of services such as virtual assistants and automatic replies. Encourage people to use online public services, starting by reducing costs of and time for online administrative procedures.
c) Provide online interacting channels for people to participate in and monitor formulation and implementation of policies and laws as well as decision-making processes by state agencies.
d) Develop information and reporting systems; gradually automate statistics production and reporting to support direction and management operations promptly and decision-making processes based on data of state agencies at all levels and connect with the information and reporting system of the Government and information and direction center of the Government and Prime Minister.
dd) Deploy remote working systems by hiring services to diversify working methods as appropriate to different workers and circumstances, ensuring learning from and connection with available information systems at national, ministerial and local levels.
e) Develop smart city services as suitable for actual need, characteristics and circumstances; prioritize development of services that efficiently address urgent social issues in cities such as traffic congestion, pollution, tourism development, healthcare development, education development and construction order management. Connect smart city services with digital government services. Establish smart cities in compliance with the ICT framework and ICT architecture for smart city development.
g) Develop specialized services and applications for internal use and connect and share data with internal and external information systems where necessary.
h) Ministries shall develop selected national services and applications as appropriate to their sectors from central to local level to reduce deployment costs and time. Data created from shared applications and services may be shared where necessary.
i) Vigorously and efficiently apply new digital technologies such as cloud computing, big data, mobility, Internet of Things, artificial intelligence, blockchains, social networks, etc. in development and deployment of digital Government services and applications at ministries and local governments to reduce time and costs for development and operation of information systems and automation, intelligentization and optimization of operating procedures.
6. Cyber security assurance
a) Protect cyber information security by using the 4 layer model together with strengthening of local forces; hire professional security and surveillance staff; perform inspections and assessments regularly; connect and share information with National Cyber Security Center, which is affiliated to Authority of Information Security, Ministry of Information and Communications.
b) Participate in cyber information security campaigns launched by the Ministry of Information and Communications.
c) Participate in the national network for response to cyber information security incidents managed by the Ministry of Information and Communications.
VI. SOLUTIONS
1. Organizational structure, apparatus and networks
a) Utilize the strength of the political system and governments at 4 levels for digital transformation and digital Government development.
b) Strengthen organizational structure and apparatus, establish networks of units in charge and supporting personnel from central to local government with the core being units in charge of information technology of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, Departments of Information and Communications, Ho Chi Minh Communist Youth Unions at all levels and representatives of post, telecommunications and information technology enterprises in each locality.
2. Training and refresher training in digital skills
a) Incorporate content on digital skills and cyber security based on open platforms and open-source software into educational programs from primary school level to form skills necessary for digital citizens early on.
b) Revise frameworks of reference and standards for information technology skills and digital skills applicable to officials and public employees. Add content on digital skills to state management training programs for officials, principal officials and senior officials or equivalent. Organize transparent and quality online training, assessment, examinations for application and examinations for promotion.
c) Organize refresher training about the digital Government, e-Government/digital Government Architecture and Architecture Framework and cyber security assurance for officials in leadership positions, officials and public employees of state agencies at all levels.
d) Organize refresher training and training for digital Government experts to build the core workforce and spread knowledge and skills concerning development of the digital Government at ministries and local governments. Digital Government experts must first grasp new technology trends, experience, regulatory requirements, technical regulations and models in relation to the digital Government. Establish a network of digital Government experts to share knowledge and cooperate in resolving large issues.
dd) Organize refresher training in digital skills and knowledge as well as data processing and analysis skills for officials and public employees on an annual basis to prepare them for the digital working environment.
3. Raising awareness
a) Raise the awareness of citizens and the whole society about the e-Government, digital Government and digital transformation.
b) Equip people with digital skills and provide people with instructions on how to use digital services of state agencies via privately funded activities.
c) On an annual basis, honor public services with the highest quality, public services with the highest number of users, state agencies with the most optimized operations, socio - economic development issues with the most breakthrough results and state agencies with the best digital Government development.
4. Cooperation between state agencies and enterprises
a) Digital technology enterprises shall research on and invest in development of products and services for digital Government development, starting by adopting policies and mechanisms for service hiring and public-private partnership, using their funds for scientific and technological development, participating in investment funds and developing innovation centers.
b) The State plays an important role in regulating, planning for and promoting efficient development of the market for provision of digital Government products and services of key enterprises. The Government shall carry out some activities that orient and create the market by doing first, permitting trial use or providing basic services.
c) State agencies shall cooperate with enterprises in providing public services via public postal services and applications of enterprises.
d) Utilize public postal services to enable people's access to digital Government services, especially for remote and isolated areas and vulnerable groups.
5. Core technology research, development and mastering
a) Promote research on as well as development and application of open platforms and open sources servicing the digital Government.
b) Open national platforms, aiming to form an ecosystem that enables digital technology enterprises to participate in development of digital economy and digital society services.
c) Prioritize research on some core technologies in which Vietnam has an advantage and with which Vietnam can achieve breakthroughs such as QR code, artificial intelligence, blockchains, virtual reality/augmented reality and big data, facilitating deployment of advanced digital technologies in the digital Government. Adopt order placement and task assignment mechanisms for digital technology enterprises that research on and develop new technological applications for the digital Government.
d) Facilitate development of digital technology enterprises to master core technologies in the digital Government, starting with cloud computing, cyber security, data integrating and sharing platforms and platforms for development of specialized applications.
dd) Research on, develop and pilot the use of virtual currency based on blockchain technology.
e) Formulate programs on artificial intelligence research and application to develop unique Vietnamese products and services, create competitive advantage and provide the foundation for national digital transformation. Prioritize pilot deployment of these products and services in state agencies, which serves as the basis for assessment, completion and establishment of platforms supporting the digital economy and digital society.
g) Promulgate regulations on use of evaluated and inspected products and solutions in digital Government deployment. Prioritize use of products, solutions and technologies designed and produced by Vietnamese organizations and enterprises in digital Government systems.
6. Business process standardization and restructuring
a) Closely connect administrative procedure reform with digital Government development.
b) Review and simplify or revise administrative procedures and business processes in state agencies to support efficient application of digital technology.
c) Review and remove some administrative procedures and business processes when applying digital technology.
7. International cooperation
a) Proactively enlist international cooperation in digital Government development; proactively and actively participate in international organizations and initiatives for the digital Government and development of digital technology and digital economy, readily taking the lead in our strong points; proactively and actively participate in formulation of new international rules, standards and legal frameworks in relation to digital technology as appropriate to Vietnam’s targets and interest.
b) Support some countries in digital Government development to strengthen international cooperation and promote and create the market for digital Government products and services of Vietnamese enterprises.
8. Funding securing
a) Prioritize use of funding from state budget and mobilize other fund sources as per the law for digital Government development; increase hiring of information technology services.
b) People’s Committees of provinces or central-affiliated cities shall formulate funding securing plans and strive to ensure that expenditure on digital transformation and e-Government/digital Government development in total state budget expenditure is higher than world average.
c) Prioritize public investment capital for projects on development of infrastructure, data centers, national databases, national platforms and national services and applications funded by public investment capital from central government budget.
9. Measurement, supervision and assessment of deployment
a) Measure and supervise each system and service supporting the digital Government in an automated manner.
b) Supervise, assess and measure efficiency of on-going investment projects based on data.
c) On a monthly and annual basis, publish assessment results, which are the basis for e-Government/digital Government monitoring, expedition and ranking; publish main indicators for e-Government/digital Government development online.
10. Mechanisms for implementing organization
a) Enhance the roles of National e-Government Committee and Steering Committees for e-Government/digital government development of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies and People’s Committees of provinces and central-affiliated cities in directing development of the e-Government towards the digital Government.
b) Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Governmental agencies, and Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall give directions directly and take responsibility before the Government and Prime Minister for results of development of the digital Government and digital governments at their ministries and governments.
c) Enhance the roles of the Ministry of Information and Communications and units in charge of information technology of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies and Departments of Information and Communications in organizing and directing digital Government development and digital transformation at all levels.
d) Deploy the digital Government by gradually centralizing, developing digital Government applications and services based on cloud computing and prioritizing service hiring.
Article 2. Implementation
1. Ministry of Information and Communications shall:
a) Take charge of implementing the Strategy; and submit reports on such implementation to the Prime Minister on an annual basis.
b) In 2030, carry out preliminary summary of Strategy implementation, propose targets and revise tasks and solutions (if necessary) and summarize and evaluate Strategy implementation results in 2025.
2. Office of the Government shall:
a) Take charge and cooperate with the Ministry of Home Affairs and Ministry of Information and Communications in providing ministries and local governments with guidance on standardization and restructuring of business processes, administrative procedure reform and reporting regime reform in state administrative agencies.
b) Cooperate with the Ministry of Information and Communications in expediting and inspecting Strategy implementation.
3. Ministry of Home Affairs shall:
a) Take charge and cooperate with Office of the Government and Ministry of Information and Communications in providing ministries and local governments with guidance on administrative reform.
b) Take charge and cooperate with the Ministry of Information and Communications in revising administrative reform indicators by closely connecting digital Government development with administrative reform, with the digital Government as an effective tool for promoting state administrative reform.
4. Ministry of Planning and Investment shall:
Take charge of adopting the solutions mentioned in Clause 8 Section VI Article 1 of this Decision for capital for investment in development; take charge of consolidating capital for investment in development on an annual basis based on proposals from ministries and local governments according to rules, criteria and norm for public investment capital distribution of each period approved by the competent authority, and report to the Prime Minister for consideration and decision as per regulations of the Law on Public Investment, Law on State Budget and relevant guiding documents to implement the Strategy.
5. Ministry of Finance shall:
Take charge of adopting the solutions mentioned in Clause 8 Section VI Article 1 of this Decision for capital for recurrent expenditure; take charge of consolidating and allocating annual capital for recurrent expenditure according to regulations of the Law on State Budget and relevant guiding documents to implement this Strategy.
6. Ministry of Information and Communications, Ministry of Public Security, Ministry of National Defense and Government Cipher Commission shall ensure information safety and cyber security to support the e-Government and digital Government within their competence and facilitate fast and sustainable digital Government deployment, assign responsibilities in detail, cooperate closely and share information promptly.
7. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies and provincial People’s Committees shall:
a) Formulate and launch 2021 - 2025 plans and annual plans for development of the digital Government and digital governments according to guidelines from the Ministry of Information and Communications to implement the Strategy; and ensure that these plans are consistent with socio - economic development plans and strategies of their ministries and provinces.
b) Perform the tasks mentioned in Section V Article 1 according to actual need, situation and developmental orientations of their ministries and provinces.
c) Carry out the tasks and solutions assigned in the Appendix enclosed therewith.
d) Restructure their organizational structures and business processes to apply digital technology effectively in all operations of state agencies, aiming to digitalize all operations of regulatory bodies.
dd) Ensure funding (for development investment expenditure and recurrent expenditure) to perform digital Government projects and tasks according to solutions in Clause 8 Section VI Article 1.
e) Protect cyber security by using multi-layer models and following guidelines of units in charge of cyber security, technical regulations and standards and regulations of law.
g) Strengthen units in charge of information technology into units in charge of digital transformation to advise on, carry out and lead digital transformation in their sectors and provinces.
h) Inspect, evaluate and report on Strategy implementation on an annual and ad hoc basis according to guidelines of the Ministry of Information and Communications, which will submit consolidated reports to the Prime Minister.
8. Vietnam Television, Voice of Vietnam, Vietnam News Agency and press agencies shall take charge and cooperate with the Ministry of Information and Communications, ministries and local governments in formulating and approving plans for disseminating the Strategy as well as Vietnamese and international experience and success stories among regulatory bodies, governments at all levels and citizens on a regular, daily and weekly basis.
9. Vietnam Social Security shall proactively allocate resources for development and operation of the national insurance database to support operations of social insurance, healthcare, labor - war invalids and social affairs sectors and relevant sectors, ensuring consistency with relevant national databases and specialized databases and providing the basis for digital Government development.
10. Ho Chi Minh Communist Youth Union shall direct their affiliated entities at all levels to second personnel to the commune level and join digital transformation support networks managed by the Ministry of Information and Communications; proactively launch movements where their members and the youth provide people with digital skills and assistance in using digital Government services.
11. Professional associations shall proactively and actively advise on and critique policies and regulatory requirements; encourage their members to proactively master technologies and provide quality products and services; cooperate with the Ministry of Information and Communications in raising awareness about, conducting surveys on and assessing digital transformation and digital Government development in Vietnam.
12. Viettel Group, VNPT Group, MobiFone, Vietnam Post Corporation and technically and financially capable technology enterprises shall:
a) Assign persons to cooperate with the Ministry of Information and Communications in researching, formulating and critiquing policies; direct local member units to assign persons to digital transformation support networks managed by the Ministry of Information and Communications.
b) Prioritize resources for development of digital infrastructure, digital platforms, national systems, national digital data, national applications and national services as well as research on and development and mastering of core digital technologies supporting the digital Government.
c) Enhance the leading role in adoption of solutions supporting the digital Government, encourage enterprises, especially small and medium digital technology enterprises, to build an ecosystem for products and services supporting digital Government development.
Article 3. This Decision takes effect from the date on which it is signed.
Article 4. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies and Chairpersons of provincial People’s Committees shall implement this Decision./.
|
P.P. THE PRIME MINISTER |
APPENDIX
LIST OF KEY TASKS AND SOLUTIONS FOR IMPLEMENTATION OF STRATEGY FOR DEVELOPMENT OF E-GOVERNMENT TOWARDS DIGITAL GOVERNMENT FOR 2021 - 2025 WITH ORIENTATIONS TOWARDS 2030
(Enclosed with Prime Minister’s Decision No. 942/QD-TTg dated June 15, 2021)
No. |
Tasks and solutions |
In-charge body |
Performing time |
|
|
||
1 |
Research on and propose amendments to the Law on E-Transactions and guiding documents thereof, including regulations on the digital Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2022 |
2 |
Research on and propose a legal environment that allows for experiments and accepts innovations as well as changes. Establish a space for pilot digital service provision and experimentation of unregulated digital services. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2023 |
3 |
Complete and propose a Decree on electronic identification and authentication to the Government for promulgation and complete legal parameters to popularize digital identity. |
Ministry of Information and Communications |
2021 |
4 |
Research on and propose amendments to the Law on Archives. |
Ministry of Home Affairs |
2021 - 2022 |
5 |
Research and formulate a law on digital Government and guiding documents to facilitate digital Government development. |
Ministry of Information and Communications |
2023 - 2025 |
6 |
Research and formulate a Decree superseding the Government’s Decree No. 43/2011/ND-CP on provision of online information and public services on websites or web portals of state agencies. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2022 |
7 |
Research and formulate a Decree superseding the Government’s Decree No. 64/2007/ND-CP dated April 10, 2007 on information technology application in state agencies' operations. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2022 |
8 |
Formulate a Prime Minister’s Decision promulgating regulation on management and operation of the national information and reporting system and information and direction center of the Government and Prime Minister. |
Office of the Government |
Fourth quarter of 2021 |
9 |
Formulate technical standards, regulations and guidelines for the digital Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
10 |
Maintain and update the Vietnamese E-Government Architecture according to requirements of digital Government development. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
11 |
Maintain and update ministerial-level and provincial E-Government Architectures according to the Vietnamese E-Government Architecture and requirements of digital Government and digital government development. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Develop and operate stable, safe and uninterrupted specialized network infrastructure that connects 4 administrative levels from central to commune level based on specialized data transmission networks of entities affiliated to the Communist Party and the State, wide area networks of ministries and local governments and broadband Internet to serve the digital Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
2 |
Build Central Government Cloud (CGC) in a synchronized manner based on planning and connection with clouds of state agencies at ministries and local governments. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Develop National Data Exchange Platform (NDXP). |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2023 |
2 |
Develop national electronic authentication and identity exchange platform (NIXA). |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2022 |
3 |
Develop an authentication and identification platform for mobile devices. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2022 |
4 |
Develop a national digital skill development platform. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2023 |
5 |
Develop a platform for mobile applications to enable digital identification and use of all services and utilities in the digital Government, digital economy and digital society anytime and anywhere for people and enterprises. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2023 |
6 |
Build a system for inspection of functions and performance of products and solutions servicing the digital Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
7 |
Develop a system for supervision and measurement of use of digital Government services of state agencies. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
8 |
Provide a system for supervision of digital platforms supporting specialized state management. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
9 |
Develop Vietnam’s open technology portal (GovTech). |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2022 |
10 |
Develop an open national digital map to provide the platform for development of digital services supporting socio - economic development. |
Ministry of Natural Resources and Environment |
2021 - 2025 |
11 |
Develop platforms for provision of essential and basic services nationwide, e-commerce and delivery - storage to support digital economy development and achieve poverty eradication targets, and platforms for digital transformation in prioritized sectors according to the program for national digital transformation. |
Ministries |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Develop the national population database. |
Ministry of Public Security |
2021 |
2 |
Develop the national land database. |
Ministry of Natural Resources and Environment |
2021 - 2022 |
3 |
Develop the national enterprise registration database. |
Ministry of Planning and Investment |
2021 |
4 |
Develop financial data. |
Ministry of Finance |
2021 - 2022 |
5 |
Develop insurance data. |
Vietnam Social Security |
2021 - 2022 |
6 |
Develop data on civil status. |
Ministry of Justice |
2021 - 2025 |
7 |
Develop healthcare data. |
Ministry of Health |
2021 - 2023 |
8 |
Develop agricultural data. |
Ministry of Agriculture and Rural Development |
2021 - 2025 |
9 |
Develop data on officials and public employees. |
Ministry of Home Affairs |
2021 - 2023 |
10 |
Develop data on labor, employment and social security. |
Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs |
2021 - 2025 |
11 |
Develop data on education and training. |
Ministry of Education and Training |
2021 - 2023 |
12 |
Develop data on transport vehicles. |
Ministry of Transport |
2021 - 2023 |
13 |
Develop data on import and export. |
Ministry of Industry and Trade |
2021 - 2023 |
14 |
Develop data on construction operations. |
Ministry of Construction |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Develop and complete the national public service portal. |
Office of the Government |
2021 - 2025 |
2 |
Develop the national data portal. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
3 |
Develop the digital Vietnamese knowledge system. |
Ministry of Science and Technology |
2021 - 2025 |
4 |
Build an online meeting platform and digital working and cooperation platform based on CGC and virtual assistant platform based on existing information systems at ministries and local governments. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2023 |
5 |
Develop Vietnam Data Exchange Platform to support direction and management operations of the Government and Prime Minister. |
Office of the Government |
2021 - 2025 |
6 |
Develop and complete the Government’s information and reporting system and information and direction center of the Government and Prime Minister. |
Office of the Government |
2021 - 2025 |
7 |
Develop the e-Cabinet system of the Government to support direction and management operations of the Government and Prime Minister. |
Office of the Government |
2021 - 2025 |
8 |
Complete a system for management of databases used to monitor tasks assigned by the Government and Prime Minister to ministries and local governments. |
Office of the Government |
2021 - 2025 |
9 |
Develop a digital state accounting and budget information system. |
Ministry of Finance |
2021 - 2025 |
10 |
Upgrade Vietnam National E-Procurement System. |
Ministry of Planning and Investment |
2021 - 2025 |
11 |
Develop national services and applications to deploy the digital Government and lead digital transformation in prioritized sectors according to the program for national digital transformation. |
Ministries |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Build a cyber security monitoring system servicing the e-Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
2 |
Build a cyber range system to enable training, drills and assessment of information safety in support of the e-Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
3 |
Develop an information safety inspection and assessment system. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
4 |
Develop a big data processing and analytics system to protect national cyber information security. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
5 |
Establish a system for response to cyber information security incidents. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
6 |
Develop systems for cyber security assessment, cyber security condition assessment, cyber security supervision and response to cyber security incidents for important information systems related to national security according to regulations of the Cyber Security Law. |
Ministry of Public Security |
2021 - 2025 |
7 |
Inspect cyber information security at regulatory bodies, network service providers and enterprises providing services for the digital Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
8 |
Inspect protection of cyber security and state secrets at regulatory bodies, network service providers and enterprises providing services for the digital Government. |
Ministry of Public Security |
2021 - 2025 |
9 |
Complete the specialized digital signature authentication system of the Government. |
Government Cipher Commission |
2021 - 2025 |
10 |
Build a system for inspection and assessment of cryptographic products used by the digital Government. |
Government Cipher Commission |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Strengthen organizational structure and apparatus, establish networks of units in charge and personnel supporting deployment of the digital Government and digital transformation from central to local government. |
Ministry of Information and Communications; Ministry of Home Affairs; Ministries and local governments |
2021 - 2023 |
|
|
||
1 |
Incorporate content on digital skills and cyber security based on open platforms and open-source software into educational programs from primary school level. |
Ministry of Information and Communications; Ministry of Education and Training |
2021 - 2023 |
2 |
Revise frameworks of reference and standards for information technology skills and digital skills applicable to officials and public employees. Add content on digital skills to state management training programs for officials, principal officials and senior officials or equivalent. Organize transparent and quality online training, assessment, examinations for application and examinations for promotion. |
Ministry of Information and Communications; Ministry of Home Affairs |
2021 - 2025 |
3 |
Organize refresher training about the digital Government, e-Government/digital Government Architecture and Architecture Framework and cyber security assurance for officials in leadership positions, officials and public employees of state agencies at all levels. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
4 |
Organize refresher training and training for digital Government experts. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
5 |
Organize refresher training in digital skills and knowledge as well as data processing and analysis skills for officials and public employees on an annual basis. |
Ministry of Information and Communications; Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Raise the awareness of citizens and the whole society about the e-Government, digital Government and digital transformation. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
2 |
Equip people with digital skills and provide people with instructions on how to use digital services of state agencies via privately funded activities. |
Ministries, local governments and enterprises |
2021 - 2025 |
3 |
Honor public services with the highest quality, public services with the highest number of users, state agencies with the most optimized operations, socio - economic development issues with the most breakthrough results and state agencies with the best digital Government development. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Enable all digital technology enterprises to research on and invest in development of products and services for digital Government development. |
Ministry of Finance; Ministry of Planning and Investment; Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
2 |
Regulate, plan for and promote efficient development of the market for provision of digital Government products and services of key enterprises. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
3 |
Cooperate with enterprises in providing public services via public postal services and enterprises’ applications. |
Ministries, local governments and enterprises |
2021 - 2025 |
4 |
Utilize public postal services to enable people's access to digital Government services, especially for remote and isolated areas and vulnerable groups. |
Ministry of Information and Communications; enterprises |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Promote research on as well as development and application of open platforms and open sources servicing the digital Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
2 |
Research on, develop and pilot the use of virtual currency based on blockchain technology. |
State Bank of Vietnam |
2021 - 2023 |
3 |
Formulate programs on artificial intelligence research and application to develop unique Vietnamese products and services, create competitive advantage and provide the foundation for national digital transformation. |
Ministry of Science and Technology |
2021 - 2025 |
4 |
Open national platforms, aiming to form an ecosystem that enables digital technology enterprises to participate in development of digital economy and digital society services. |
Ministries |
2021 - 2025 |
5 |
Prioritize research on some core technologies in which Vietnam has an advantage and with which Vietnam can achieve breakthroughs such as artificial intelligence, blockchains, virtual reality/augmented reality and big data, facilitating deployment of advanced digital technologies in the digital Government. Adopt order placement and task assignment mechanisms for digital technology enterprises that research on and develop new technological applications for the digital Government. |
Ministry of Science and Technology; Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
6 |
Facilitate development of digital technology enterprises to master core technologies in the digital Government. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
7 |
Promulgate regulations on use of evaluated and inspected products and solutions in digital Government deployment. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
8 |
Prioritize use of products, solutions and technologies designed and produced by Vietnamese organizations and enterprises in digital Government systems. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Closely connect administrative procedure reform with digital Government development. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
2 |
Review and simplify or revise administrative procedures and business processes in state agencies to support efficient application of digital technology. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
3 |
Review and remove some administrative procedures and business processes when applying digital technology. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Proactively enlist international cooperation in digital Government development; proactively and actively participate in international organizations and initiatives for the digital Government and development of digital technology and digital economy, readily taking the lead in our strong points; proactively and actively participate in formulation of new international rules, standards and legal frameworks in relation to digital technology as appropriate to Vietnam’s targets and interest. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
2 |
Support some countries in digital Government development to strengthen international cooperation and promote and create the market for digital Government products and services of Vietnamese enterprises. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Prioritize use of funding from state budget and mobilize other fund sources as per the law for digital Government development; increase hiring of information technology services. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
2 |
People’s Committees of provinces or central-affiliated cities shall formulate funding securing plans and strive to ensure that expenditure on digital transformation and e-Government/digital Government development in total state budget expenditure is higher than world average. |
Provincial governments |
2021 - 2022 |
3 |
Prioritize public investment capital for projects on development of infrastructure, data centers, national databases, national platforms and national services and applications. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
|
|
||
1 |
Measure and supervise each system and service supporting the digital Government in an automated manner. On a monthly and annual basis, publish assessment results, which are the basis for e-Government/digital Government monitoring, expedition and ranking; publish main indicators for e-Government/digital Government development online. |
Ministry of Information and Communications |
2021 - 2025 |
2 |
Supervise, assess and measure efficiency of on-going investment projects based on data. |
Ministries and local governments |
2021 - 2025 |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực