Quyết định 69/2004/QĐ-BTC về thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 69/2004/QD-BTC | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Trương Chí Trung |
Ngày ban hành: | 24/08/2004 | Ngày hiệu lực: | 23/09/2004 |
Ngày công báo: | 08/09/2004 | Số công báo: | Từ số 8 đến số 9 |
Lĩnh vực: | Thương mại, Xuất nhập khẩu | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
08/01/2009 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2004/QĐ-BTC |
Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2004 |
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 69/2004/QĐ-BTC NGÀY 24 THÁNG 08 NĂM 2004 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ GIA CÔNG VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001-QH10 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài, Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/1998/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này:
a- Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài;
b- Mẫu tờ khai hàng gia công chuyển tiếp, ký hiệu HQ/2004-GCCT;
c- Các biểu mẫu số 01/HQ-GC, 02/HQ-GC, 03/HQ-GC, 04/HQ-GC, 05/HQ-GC, 06/HQ-GC, 07/HQ-GC, 08/HQ-GC, 09/HQ-GC, 10/HQ-GC, 11/HQ-GC.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Bãi bỏ Thông tư số 07/2000/TT-TCHQ ngày 2/11/2000 của Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
Trương Chí Trung (Đã ký) |
VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ GIA CÔNG VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004
của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
1. Quy định này áp dụng để làm thủ tục hải quan đối với hàng gia công với thương nhân nước ngoài của các đối tượng sau:
- Doanh nghiệp Việt Nam được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp ;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ;
- Hợp tác xã được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã ;
- Hộ kinh doanh cá thể được đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 của Chính phủ.
Các đối tượng này dưới đây gọi chung là doanh nghiệp.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Giám đốc doanh nghiệp: đối với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp trước pháp luật; đối với Hợp tác xã là Chủ nhiệm hợp tác xã ; đối với Hộ kinh doanh cá thể là cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Nguyên liệu gia công: bao gồm nguyên liệu, phụ liệu, vật tư gia công.
- Phế liệu gia công: bao gồm phế liệu từ nguyên liệu gia công; máy móc, thiết bị thuê mượn phục vụ gia công bị hư hỏng không còn sử dụng được phải loại ra dưới dạng phế liệu.
3. Việc làm thủ tục hải quan đối với hợp đồng gia công (tiếp nhận hợp đồng, đăng ký định mức, làm thủ tục hải quan cho từng lô hàng xuất, nhập khẩu của hợp đồng, thanh khoản hợp đồng) được thực hiện tại một Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có cơ sở sản xuất đang thực hiện hợp đồng gia công hoặc nơi có trụ sở của doanh nghiệp (trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc trụ sở của Chi nhánh doanh nghiệp được thành lập theo qui định của pháp luật). Trường hợp tại địa phương đó không có tổ chức Hải quan, doanh nghiệp được chọn một đơn vị Hải quan thuận tiện nhất để làm thủ tục hải quan.
4. Tất cả hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của hợp đồng gia công đều phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra giám sát của Hải quan và nộp lệ phí hải quan theo qui định của pháp luật.
Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng hợp đồng gia công, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức đăng ký tờ khai từng lần cho từng lô hàng xuất, nhập khẩu hoặc lựa chọn hình thức đăng ký tờ khai một lần để làm thủ tục hải quan nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm cho cả hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công.
5. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng nhận gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê doanh nghiệp Việt Nam khác gia công (gia công lại), thì doanh nghiệp ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài là người làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, thanh khoản hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện hợp đồng gia công này. Hàng hóa giao nhận giữa các doanh nghiệp phía Việt Nam với nhau không phải làm thủ tục hải quan.
6. Hợp đồng gia công đã được các bên ký kết bằng văn bản (điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản) với nội dung theo quy định tại Điều 12, Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ là căn cứ để cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến hợp đồng gia công.
Mọi sự thay đổi, bổ sung, điều chỉnh các điều khoản của hợp đồng gia công (kể cả thay đổi, điều chỉnh định mức) đều phải thông qua ký kết phụ kiện hợp đồng và phải nộp các phụ kiện bổ sung này cho cơ quan Hải quan trước hoặc cùng thời điểm doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng đầu tiên theo phụ kiện hợp đồng đó.
7. Nguyên liệu dư thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê mượn sau khi kết thúc hợp đồng gia công được xử lý theo sự thoả thuận trong hợp đồng gia công phù hợp với qui định của pháp luật.
Các phương thức xử lý: tái xuất; mua, bán theo hình thức xuất, nhập khẩu tại chỗ; biếu, tặng; tiêu huỷ; chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác. Thủ tục hải quan thực hiện theo qui định tại điểm 1.3, mục VIII, phần 2 Quy định này.
8. Định mức sử dụng, định mức tiêu hao (sau đây gọi chung là định mức), tỷ lệ hao hụt nguyên liệu do các bên thoả thuận trong hợp đồng gia công theo quy định tại Điều 13 Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ. Nếu trong hợp đồng gia công không quy định tỷ lệ hao hụt nguyên liệu thì coi như hợp đồng gia công đó có tỷ lệ hao hụt nguyên liệu bằng 0%.
Định mức, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu doanh nghiệp đăng ký với Hải quan (theo mẫu 10/HQ-GC ) phải là định mức, tỷ lệ hao hụt thực tế doanh nghiệp thực hiện. Nếu định mức, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu thoả thuận trong hợp đồng gia công cao hơn định mức, tỷ lệ hao hụt thực tế thì doanh nghiệp phải đăng ký theo định mức, tỷ lệ hao hụt thực tế này.
Thời điểm đăng ký định mức, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu của mã hàng là trước hoặc cùng thời điểm làm thủ tục xuất khẩu (đối với trường hợp nhận gia công cho thương nhân nước ngoài), nhập khẩu (đối với trường hợp đặt gia công ở nước ngoài) lô sản phẩm đầu tiên của mã hàng đó.
Định mức, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan Hải quan tại một trong các thời điểm trên là định mức, tỷ lệ hao hụt để thanh khoản hợp đồng gia công.
9.1- Chế độ kiểm tra và đối tượng kiểm tra:
9.1.1- Kiểm tra định mức tất cả các mã hàng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
9.1.1.1- Doanh nghiệp lần đầu tiên thực hiện hợp đồng gia công.
9.1.1.2- Doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm liên quan đến định mức:
- Doanh nghiệp đã có hành vi gian lận định mức;
- Doanh nghiệp bị phát hiện nhập thừa so với khai hải quan đối với hàng nhập khẩu; xuất thiếu so với khai hải quan đối với hàng xuất khẩu.
9.1.1.3- Hải quan có căn cứ để nghi vấn định mức doanh nghiệp đăng ký với Hải quan là không chính xác, không trung thực;
9.1.1.4- Doanh nghiệp không chấp hành tốt chế độ quản lý, sử dụng hoá đơn chứng từ (do Cục Thuế địa phương thông báo).
Sau 12 tháng, nếu doanh nghiệp không tái phạm (đối với các trường hợp nêu tại điểm 9.1.1.2) hoặc được Cục Thuế địa phương thông báo doanh nghiệp đã chấp hành tốt chế độ quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ (đối với trường hợp nêu tại điểm 9.1.1.4) thì được chuyển sang áp dụng chế độ kiểm tra nêu tại điểm 9.1.2 dưới đây.
9.1.2- Kiểm tra xác suất: Các trường hợp còn lại cơ quan Hải quan thực hiện chế độ kiểm tra xác suất định mức khi cần thiết. Nếu phát hiện có sai phạm thì sẽ chuyển sang chế độ kiểm tra định mức tất cả các mã hàng như quy định tại điểm 9.1.1 trên đây.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn biện pháp kiểm tra định mức.
10. Việc thanh khoản hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng gia công phải được hoàn thành chậm nhất 90 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng, phụ kiện hợp đồng gia công đó (trừ trường hợp quy định tại điểm 10.4 dưới đây). Cụ thể như sau:
10.1- Chậm nhất 45 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng gia công, doanh nghiệp nhận gia công phải nộp đủ hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công theo quy định tại mục VIII, phần 2 Quy định này (bao gồm cả phương án giải quyết nguyên liệu dư, máy móc, thiết bị tạm nhập, phế liệu, phế phẩm) cho cơ quan Hải quan.
Đối với những hợp đồng gia công có thời hạn trên 01 năm, thì phải tách ra từng phụ kiện nhỏ, thời hạn thực hiện một phụ kiện không quá 01 năm. Thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản đối với phụ kiện hợp đồng gia công áp dụng như thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công.
10.2- Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ thanh khoản, Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công phải hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thanh khoản.
10.3- Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thanh khoản doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan để giải quyết số nguyên liệu dư; máy móc, thiết bị tạm nhập; phế liệu, phế phẩm (nếu có) theo quy định tại điểm 1.3, mục VIII, phần 2 Quy định này.
10.4- Trong một số trường hợp đặc biệt, thời hạn nêu tại điểm 10.1 và 10.3 được gia hạn thêm nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 30 ngày. Việc gia hạn này do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý hợp đồng gia công xem xét quyết định.
10.5- Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công phải tổ chức theo dõi tình hình thanh khoản hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công; nếu doanh nghiệp vi phạm thời hạn quy định tại điểm 10.1 hoặc 10.3 trên đây thì lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan và ra quyết định xử phạt. Trong quyết định xử phạt phải có điều khoản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành việc thanh khoản hợp đồng gia công trong thời hạn chấp hành quyết định xử phạt. Hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu doanh nghiệp vẫn không hoàn thành việc thanh khoản thì xử lý như sau:
10.5.1- Nếu nguyên liệu, máy móc thiết bị mượn, phế liệu, phế phẩm không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì ngay sau khi hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công căn cứ vào các tờ khai nhập khẩu lưu tại Hải quan (đối với trường hợp chưa nộp hồ sơ thanh khoản) hoặc kết quả đối chiếu thanh khoản (đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp hồ sơ thanh khoản, nhưng vi phạm quy định tại điểm 10.3 trên đây) để tạm tính thuế nhập khẩu và ra thông báo thuế gửi doanh nghiệp. Sau 30 ngày kể từ ngày ra thông báo thuế, nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện việc thanh khoản hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công thì áp dụng biện pháp cưỡng chế về thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu (kể cả nhập khẩu kinh doanh) các lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp.
10.5.2- Nếu nguyên liệu, máy móc thiết bị mượn, phế liệu, phế phẩm thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý hợp đồng gia công gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ngay việc thanh khoản và tái xuất hàng hoá còn tồn đọng. Sau 30 ngày kể từ ngày nhận văn bản, doanh nghiệp vẫn không thực hiện, thì xử lý theo quy định tại khoản 4, Điều 34, Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
11. Thủ tục hải quan đối với việc xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị thuê mượn để phục vụ gia công; nhập khẩu hàng mẫu để gia công; nhập khẩu sản phẩm gia công để tái chế; tái xuất nguyên liệu nhập khẩu thực hiện như sau:
11.1. Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị mượn để phục vụ gia công thực hiện như đối với hàng tạm nhập-tái xuất có thời hạn qui định tại Điều 33 Luật Hải quan.
11.2. Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị thuê thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định 1447/1999/QĐ-BTM ngày 10/12/1999 của Bộ Thương mại.
11.3. Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị, vật tư, phụ tùng bên thuê gia công cho mượn hoặc cung cấp để thực hiện hợp đồng gia công nhưng không thuộc đối tượng được miễn thuế thì thực hiện theo loại hình nhập kinh doanh.
11.4. Thủ tục hải quan đối với hàng mẫu xuất, nhập khẩu để làm mẫu gia công thực hiện theo thủ tục hải quan đối với hàng phi mậu dịch (sử dụng tờ khai phi mậu dịch ký hiệu HQ/2002-PMD ban hành kèm theo Quyết định 1473/QĐ-TCHQ ngày 24/5/2002 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan).
Hàng mẫu để làm mẫu gia công phải đáp ứng các điều kiện: Hình thức mặt hàng thể hiện chỉ sử dụng được vào mục đích làm mẫu để gia công, không có giá trị thương mại; bộ chứng từ lô hàng thể hiện là chứng từ hàng mẫu. Đối với hàng mẫu nhập khẩu mỗi mã hàng chỉ được nhập tối đa 05 đơn vị.
11.5. Thủ tục hải quan đối với trường hợp xuất trả nguyên liệu nhập khẩu trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công theo yêu cầu của bên thuê gia công thực hiện như thủ tục xuất trả nguyên liệu dư sau khi kết thúc hợp đồng gia công.
11.6. Thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công nhập khẩu trở lại để tái chế thực hiện theo văn bản riêng quy định thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu bị trả lại.
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ GIA CÔNG CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
I- THỦ TỤC TIẾP NHẬN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG:
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
Chậm nhất 01 ngày trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên của hợp đồng gia công, doanh nghiệp nộp và xuất trình hồ sơ hải quan để cơ quan Hải quan làm thủ tục tiếp nhận hợp đồng.
Hồ sơ hải quan gồm:
- Hợp đồng gia công và các phụ kiện hợp đồng kèm theo (nếu có): 01 bản chính và 01 bản dịch (nếu hợp đồng lập bằng tiếng nước ngoài);
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (nếu làm thủ tục tiếp nhận lần đầu): 01 bản photocopy;
- Giấy chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu: 01 bản photocopy;
- Giấy phép của Bộ Thương mại, nếu mặt hàng gia công thuộc Danh mục hàng hoá Nhà nước Việt Nam cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; hoặc của cơ quan chuyên ngành, nếu mặt hàng gia công theo văn bản hướng dẫn quản lý xuất, nhập khẩu chuyên ngành phải xin phép các cơ quan này: nộp 01 bản photocopy , xuất trình bản chính;
Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được giám đốc doanh nghiệp uỷ quyền ký xác nhận, đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các bản dịch, bản photocopy trên đây và nêu tại văn bản này.
2. Nhiệm vụ của công chức Hải quan khi tiếp nhận hợp đồng:
2.1- Kiểm tra sự đồng bộ, hợp lệ của hồ sơ theo quy định.
2.2- Đối chiếu nội dung của hợp đồng gia công với quy định tại Điều 12 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998.
2.3- Ghi ngày, tháng, năm tiếp nhận; ký, ghi rõ họ tên; đóng dấu của Chi cục Hải quan (mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 1200/2001/QĐ-TCHQ ngày 23/11/2001) lên hợp đồng và các giấy tờ khác kèm theo; vào sổ tiếp nhận và theo dõi thực hiện hợp đồng gia công.
Sổ tiếp nhận và theo dõi thực hiện hợp đồng gia công gồm có các tiêu chí sau: số thứ tự; tên doanh nghiệp, địa chỉ doanh nghiệp; họ tên, địa chỉ cư trú, số chứng minh thư của Giám đốc doanh nghiệp; số hợp đồng gia công, ngày tháng năm ký kết hợp đồng; bên đặt gia công (tên, địa chỉ); mặt hàng gia công; thời hạn hợp đồng; ngày nộp hồ sơ thanh khoản, ngày hoàn thành thanh khoản.
2.4- Lưu bản chính và bản dịch hợp đồng, phụ kiện hợp đồng kèm theo (nếu có) và bản photocopy các giấy tờ khác để theo dõi; trả chủ hàng các giấy tờ còn lại.
2.5- Vào máy vi tính các thông số của hợp đồng/phụ kiện hợp đồng theo các tiêu chí có sẵn trên máy.
II- THỦ TỤC NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU:
1- Hồ sơ hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu từng lô hàng:
1.1- Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai hàng nhập khẩu: 02 bản chính;
- Vận tải đơn: 01 bản sao từ các bản original hoặc bản surrendered hoặc bản chính của các bản vận tải đơn có ghi chữ copy;
- Hoá đơn thương mại: 01 bản chính;
- Bản kê chi tiết hàng hoá (nếu nguyên liệu đóng gói không đồng nhất): 01 bản chính và 01 bản photocopy.
1.2- Giấy tờ phải nộp thêm:
- Giấy đăng ký kiểm dịch (đối với hàng yêu cầu phải kiểm dịch): 01 bản chính;
- Giấy phép của Bộ Thương mại, nếu nguyên liệu nhập khẩu thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại: 01 bản photocopy;
- Giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, nếu nguyên liệu nhập khẩu thuộc mặt hàng theo quy định riêng đối với hàng gia công phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành: 01 bản photocopy.
1.3- Giấy tờ phải xuất trình:
Giấy phép nêu tại điểm 1.2 trên đây: 01 bản chính để Hải quan cấp phiếu theo dõi trừ lùi (đối với trường hợp nhập khẩu lô hàng nguyên liệu đầu tiên của hợp đồng) hoặc 01 bản chính kèm phiếu theo dõi, trừ lùi (đối với trường hợp đã được Hải quan cấp phiếu theo dõi trừ lùi).
2. Quy trình thủ tục hải quan để nhập khẩu lô hàng nguyên liệu gia công thực hiện như Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003, nhưng không thực hiện bước kiểm tra tính thuế. Ngoài ra phải thực hiện thêm:
2.1- Đối với công chức Hải quan:
2.1.1- Khi đăng ký tờ khai: Công chức Hải quan làm nhiệm vụ này phải ghi đầy đủ số, ngày tờ khai vào Bảng thống kê tờ khai theo mẫu 08/HQ-GC. Bảng thống kê này chỉ lưu tại Hải quan để đối chiếu với thống kê của doanh nghiệp khi làm thủ tục thanh khoản.
2.1.2- Khi kiểm tra thực tế hàng hoá: Kiểm hoá viên phải lấy mẫu lưu dưới sự chứng kiến của chủ hàng đối với nguyên liệu chính (trừ những trường hợp do tính chất mặt hàng không thể lấy mẫu, lưu mẫu được). Kiểm hoá viên phải ghi đầy đủ, chính xác các tiêu chí trên Phiếu lấy mẫu theo mẫu 07/HQ-GC và phải niêm phong hải quan mẫu lưu cùng với Phiếu lấy mẫu này; xác nhận đã lấy mẫu nguyên liệu (ghi rõ những chủng loại nguyên liệu đã lấy mẫu) vào tờ khai hải quan; giao mẫu nguyên liệu cho doanh nghiệp bảo quản.
Việc lấy mẫu này áp dụng cho cả những lô hàng được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.
2.2- Đối với doanh nghiệp:
- Bảo quản mẫu lưu nguyên liệu cho đến khi thanh khoản xong hợp đồng gia công;
- Xuất trình mẫu lưu nguyên liệu này cho Hải quan khi kiểm tra sản phẩm gia công xuất khẩu hoặc trong một số trường hợp khác khi Hải quan yêu cầu;
3. Thủ tục hải quan đối với những lô hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu phải kiểm tra thực tế hàng hoá tại cửa khẩu nhập và những lô hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu được miễn kiểm tra thực hiện theo quy định tại Quyết định số 53/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 và Quyết định 145/2003/QĐ-BTC ngày 12/9/2003. Ngoài ra phải thực hiện thêm:
3.1- Đối với Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công: Thực hiện theo quy định tại điểm 2.1.1 trên đây. Chi cục trưởng quyết định nguyên liệu nào cần lấy mẫu lưu (áp dụng cho cả những lô hàng được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá).
3.2- Đối với Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập: Lấy mẫu nguyên liệu theo quyết định của Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công; Lập phiếu lấy mẫu, niêm phong mẫu và giao cho doanh nghiệp bảo quản như quy định tại điểm 2.1.2 trên đây.
3.3- Đối với doanh nghiệp: Thực hiện theo quy định tại điểm 2.2 trên đây.
4. Đối với những Chi cục Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hàng gia công:
- Khi đăng ký tờ khai phải vào máy các số liệu của tờ khai theo các tiêu chí trên máy hoặc đối chiếu số liệu doanh nghiệp truyền đến;
- Sau khi có kết quả kiểm hoá phải vào máy số liệu thực nhập.
5. Thủ tục hải quan đối với những hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng gia công áp dụng hình thức đăng ký tờ khai 01 lần thực hiện theo văn bản quy định về đăng ký tờ khai 01 lần.
6. Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu theo hình thức nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo Quyết định 153/2002/QĐ-BTC ngày 17/12/2002 của Bộ Tài chính.
7. Thủ tục hải quan đối với sản phẩm hoàn chỉnh do bên thuê gia công cung cấp để gắn hoặc đóng chung với sản phẩm gia công thành mặt hàng đồng bộ và xuất khẩu ra nước ngoài thực hiện như nguyên liệu gia công, nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Tên sản phẩm hoàn chỉnh và mục đích cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh để gắn hoặc đóng chung với sản phẩm gia công thành mặt hàng đồng bộ và xuất khẩu ra nước ngoài phải được ghi rõ trong hợp đồng gia công hoặc phụ kiện bổ sung hợp đồng gia công;
- Trong bảng định mức sử dụng nguyên liệu cho sản phẩm gia công phải có định mức của sản phẩm hoàn chỉnh này.
III- THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI NGUYÊN LIỆU DO BÊN NHẬN GIA CÔNG TỰ CUNG ỨNG CHO HỢP ĐỒNG GIA CÔNG:
1. Đối với trường hợp nguyên liệu cung ứng do doanh nghiệp mua tại thị trường Việt Nam:
1.1- Nguyên liệu do bên nhận gia công cung ứng phải được thoả thuận trong hợp đồng gia công hoặc phụ kiện hợp đồng về tên gọi, định mức, tỷ lệ hao hụt, số lượng, đơn giá, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán.
1.2- Khi mua nguyên liệu để cung ứng, doanh nghiệp không phải làm thủ tục hải quan, nhưng phải xin phép cơ quan có thẩm quyền nếu nguyên liệu cung ứng thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu phải có giấy phép.
1.3- Khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công, doanh nghiệp phải khai rõ tên gọi, định mức, tỷ lệ hao hụt thực tế, lượng sử dụng của nguyên liệu cung ứng tương ứng với sản phẩm xuất khẩu để tính thuế xuất khẩu nguyên liệu cung ứng (nếu có) và Hải quan trừ lùi vào giấy phép (nếu nguyên liệu cung ứng thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền).
Nếu tại thời điểm xuất khẩu sản phẩm doanh nghiệp không khai báo đúng quy định này, thì nguyên liệu cung ứng sẽ không được đưa vào thanh khoản hợp đồng gia công. Đối với trường hợp nguyên liệu cung ứng thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, nếu khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm doanh nghiệp không khai báo hoặc có khai báo nhưng không xuất trình được giấy phép thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Đối với trường hợp nguyên liệu do doanh nghiệp trực tiếp mua từ nước ngoài để cung ứng cho hợp đồng gia công:
2.1- Điều kiện cung ứng như điểm 1.1 trên đây.
2.2- Thủ tục hải quan:
- Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thực hiện theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu.
- Khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công, doanh nghiệp phải khai rõ tên gọi; lượng sử dụng; định mức, tỷ lệ hao hụt thực tế; số, ngày, tháng, năm tờ khai nhập khẩu của nguyên liệu nhập theo loại hình sản xuất xuất khẩu đã sử dụng để sản xuất ra lô hàng gia công xuất khẩu.
- Thanh khoản tờ khai nhập khẩu nguyên liệu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; tờ khai xuất khẩu là tờ khai xuất khẩu gia công; định mức nguyên liệu là định mức của hợp đồng gia công; hợp đồng xuất khẩu là hợp đồng gia công.
3. Khi thanh khoản hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng gia công, doanh nghiệp phải thống kê đầy đủ toàn bộ nguyên liệu đã cung ứng cho hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công đó vào bảng theo mẫu 04/HQ-GC.
IV- THỦ TỤC XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GIA CÔNG:
1.1- Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai xuất khẩu: 02 bản chính;
- Bản kê chi tiết hàng hoá của lô hàng xuất khẩu: 02 bản chính;
- Bảng định mức của từng mã hàng có trong lô hàng xuất khẩu (đối với mã hàng chưa đăng ký định mức với Hải quan): 02 bản chính ;
- Bảng khai nguyên liệu do doanh nghiệp tự cung ứng (nếu có) tương ứng với lượng sản phẩm gia công trên tờ khai xuất khẩu (mẫu 11/HQ-GC): 02 bản chính
1.2- Giấy tờ phải nộp thêm:
- Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nếu bên nhận gia công cung ứng nguyên liệu thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu phải có giấy phép: 01 bản photocopy.
1.3- Giấy tờ phải xuất trình:
Giấy phép nêu tại điểm 1.2 trên đây: 01 bản chính để đối chiếu với bản photocopy phải nộp khi cấp phiếu theo dõi trừ lùi hoặc bản chính kèm theo phiếu theo dõi trừ lùi (nếu đã được Hải quan cấp phiếu theo dõi trừ lùi).
2. Quy trình thủ tục hải quan để xuất khẩu sản phẩm gia công: thực hiện như Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003, nhưng không thực hiện bước kiểm tra tính thuế (trừ trường hợp sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu tự cung ứng mua tại thị trường Việt Nam, thì phải tính thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu này). Ngoài ra, phải thực hiện thêm:
2.1- Đối với công chức Hải quan:
- Khi đăng ký tờ khai xuất khẩu, công chức Hải quan đăng ký tờ khai phải kiểm tra việc đăng ký định mức đối với những mã hàng có trong tờ khai xuất khẩu (nếu mã hàng nào chưa đăng ký định mức thì yêu cầu doanh nghiệp nộp Bảng định mức để đăng ký ); điền số, ngày tờ khai vào Bảng thống kê tờ khai xuất khẩu (mẫu 09/HQ-GC) như khi đăng ký tờ khai nhập khẩu.
- Đối với lô hàng xuất khẩu quyết định phải kiểm tra thực tế hàng hoá, khi kiểm tra phải đối chiếu mẫu lưu nguyên liệu chính với nguyên liệu cấu thành trên sản phẩm, đối chiếu bản định mức với sản phẩm thực tế xuất khẩu.
2.2- Nghĩa vụ của doanh nghiệp:
- Xuất trình mẫu lưu nguyên liệu và Bảng định mức đã đăng ký với Hải quan để Hải quan đối chiếu.
- Đối với những lô hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, những trường hợp nguyên liệu không lấy mẫu được hoặc nguyên liệu bị biến đổi trong quá trình sản xuất (ví dụ sợi len trước khi dệt phải qua công đoạn tẩy, nhuộm...) Hải quan không thể đối chiếu được, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng đúng nguyên liệu nhập khẩu của hợp đồng gia công.
3. Đối với những Chi cục Hải quan ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hàng gia công:
- Khi đăng ký tờ khai phải vào máy các thông số của tờ khai theo các tiêu chí trên máy hoặc kiểm tra số liệu doanh nghiệp truyền đến.
- Sau khi có kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá phải vào máy số liệu thực xuất.
4. Thủ tục hải quan đối với những hợp đồng hoặc phụ kiện hợp đồng gia công áp dụng hình thức đăng ký tờ khai 01 lần thực hiện theo văn bản quy định về đăng ký tờ khai 01 lần.
5. Thủ tục hải quan đối với những lô hàng gia công xuất khẩu chuyển cửa khẩu thực hiện theo thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu quy định tại Quyết định số 53/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 và Quyết định số 145/2003/QĐ-BTC ngày 12/9/2003.
Đối với những lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hoá tại cửa khẩu, doanh nghiệp xuất trình mẫu lưu nguyên liệu và Bảng định mức đã đăng ký với Hải quan để Hải quan đối chiếu; Chi cục Hải quan cửa khẩu phải thực hiện việc đối chiếu mẫu lưu nguyên liệu và Bảng định mức như quy định tại điểm 2.1 trên đây.
V- THỦ TỤC XUẤT NHẬP KHẨU TẠI CHỖ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM GIA CÔNG:
1. Điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ: Thực hiện theo quy định tại khoản 11, Điều 1 Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ và điểm 1.2, điểm 1.3, phần II Thông tư số 20/2001/TT-BTM ngày 17/8/2001 của Bộ Thương mại. Đối với sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ để tiêu dùng trực tiếp (không phải làm nguyên liệu sản xuất) thì phải thực hiện đúng quy định về Quy chế ghi nhãn hàng hoá ban hành kèm theo Quyết định 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
2.1. Đối với sản phẩm gia công nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất:
- Tờ khai hải quan, thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại điểm 4, điểm 5 mục I và mục III bản Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ ban hành kèm theo Quyết định 153/2002/QĐ-BTC ngày 17/12/2002 của Bộ Tài chính.
- Hồ sơ hải quan: Đối với xuất khẩu tại chỗ như hồ sơ hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công ra nước ngoài. Đối với nhập khẩu tại chỗ như hồ sơ hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài (trừ vận tải đơn)
2.2. Đối với sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ để tiêu dùng trực tiếp, thủ tục hải quan thực hiện tại Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công có sản phẩm xuất khẩu tại chỗ. Cụ thể như sau:
2.2.1- Doanh nghiệp nhận gia công cho thương nhân nước ngoài:
- Làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu tại chỗ như đối với xuất khẩu sản phẩm gia công ra nước ngoài (sử dụng mẫu tờ khai HQ/2002-XK ban hành kèm theo Quyết định số 1257/2001/QĐ-TCHQ ngày 4/12/2001).
- Xuất trình hàng hoá cho Hải quan kiểm tra.
2.2.2- Doanh nghiệp nhập khẩu: làm thủ tục đăng ký tờ khai nhập khẩu tại chỗ (sử dụng mẫu tờ khai HQ/2002-NK ban hành kèm theo Quyết định số 1257/2001/QĐ-TCHQ ngày 4/12/2001) và thực hiện các chính sách về nhập khẩu hàng hoá, chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật.
2.2.3- Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công:
- Đăng ký tờ khai xuất khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp nhận gia công như đối với xuất sản phẩm gia công ra nước ngoài;
- Đăng ký tờ khai nhập khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ như quy định đối với một lô hàng nhập khẩu từ nước ngoài (trong hồ sơ hải quan không yêu cầu phải có vận tải đơn);
- Kiểm tra thực tế hàng hoá như đối với hàng gia công xuất khẩu ra nước ngoài; ghi kết quả kiểm hoá lên cả tờ khai xuất khẩu và tờ khai nhập khẩu;
- Thực hiện việc kiểm tra tính thuế;
- Xác nhận đã làm thủ tục hải quan cho cả tờ khai xuất và tờ khai nhập;
- Xác nhận thực xuất vào tờ khai xuất (ghi số, ngày, ký hiệu của tờ khai nhập khẩu tương ứng, nơi đăng ký, nơi giao hàng);
- Trả tờ khai nhập khẩu (bản chủ hàng lưu) cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ; Trả tờ khai xuất khẩu (bản chủ hàng lưu) cho doanh nghiệp nhận gia công; Hồ sơ còn lại Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công lưu theo quy định.
VI- THỦ TỤC GIAO NHẬN SẢN PHẨM GIA CÔNG CHUYỂN TIẾP:
1. Nhiệm vụ của doanh nghiệp trong việc giao nhận hàng:
- Trên cơ sở văn bản chỉ định của các bên thuê gia công, doanh nghiệp giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (Bên giao) và doanh nghiệp nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp (Bên nhận) tự tổ chức việc giao, nhận hàng theo các bước quy định tại điểm 3 dưới đây.
- Giám đốc Bên giao, Bên nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giao, nhận sản phẩm đúng như khai báo trên tờ khai hàng gia công chuyển tiếp (dưới đây gọi tắt là tờ khai chuyển tiếp).
- Giám đốc Bên giao phải chịu trách nhiệm về việc sản phẩm gia công chuyển tiếp được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu của hợp đồng gia công.
- Nếu hợp đồng gia công có sản phẩm gia công chuyển tiếp (hợp đồng gia công giao) và hợp đồng gia công sử dụng sản phẩm gia công chuyển tiếp làm nguyên liệu gia công (hợp đồng gia công nhận) đều cùng một doanh nghiệp nhận gia công, thì doanh nghiệp này thực hiện nhiệm vụ của cả Bên giao và Bên nhận.
2. Tờ khai chuyển tiếp được sử dụng làm chứng từ để thanh khoản hợp đồng gia công nếu đáp ứng được các yêu cầu:
2.1- Đối với hợp đồng gia công giao:
- Các tiêu chí trên tờ khai phải được kê khai đầy đủ, không tẩy xoá; có xác nhận, ký tên, đóng dấu của cả 4 bên: Bên giao; Bên nhận; Hải quan quản lý hợp đồng gia công giao (Hải quan bên giao); Hải quan quản lý hợp đồng gia công nhận (Hải quan bên nhận).
- Thời điểm xuất trình để Hải quan bên giao xác nhận lên tờ khai phải nằm trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng gia công giao và không quá 15 ngày kể từ ngày Hải quan bên nhận ký xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan lên tờ khai.
2.2- Đối với hợp đồng gia công nhận:
- Các tiêu chí trên tờ khai phải được kê khai đầy đủ, không tẩy xoá; có xác nhận, ký tên, đóng dấu của 3 bên (trừ Hải quan bên giao).
- Thời điểm xuất trình để Hải quan bên nhận xác nhận lên tờ khai phải nằm trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng gia công nhận và không quá 15 ngày kể từ ngày Bên giao lập tờ khai chuyển tiếp.
3. Quy trình thủ tục hải quan:
Bước 1:
- Bên giao kê khai đầy đủ các tiêu chí dành cho người giao hàng khai, ghi rõ ngày tháng năm, ký tên, đóng dấu vào ô quy định trên cả 4 tờ khai (mẫu HQ/2004-GCCT do Tổng cục Hải quan ấn hành).
- Giao sản phẩm kèm 04 tờ khai cho Bên nhận.
Bước 2:
- Sau khi nhận đủ sản phẩm và 04 tờ khai hải quan đã kê khai, ký tên, đóng dấu của Bên giao, Bên nhận khai đầy đủ các tiêu chí dành cho người nhận hàng, ghi rõ ngày tháng năm, ký tên, đóng dấu vào ô quy định trên cả 04 tờ khai.
- Mang hồ sơ hải quan gồm 04 tờ khai, văn bản chỉ định nhận hàng của bên thuê gia công, mẫu hàng gia công chuyển tiếp đến Hải quan bên nhận để đăng ký tờ khai.
Bước 3:
Hải quan bên nhận:
- Tiếp nhận hồ sơ Hải quan và mẫu hàng gia công chuyển tiếp.
- Tiến hành đăng ký tờ khai; điền số, ngày tờ khai vào Bảng thống kê tờ khai nhập khẩu (mẫu 08/HQ-GC); lập Phiếu lấy mẫu, niêm phong mẫu hàng theo đúng qui định.
- Xác nhận đã làm thủ tục hải quan, ký tên đóng dấu lên cả 04 tờ khai.
- Lưu 01 tờ khai và văn bản chỉ định nhận hàng của bên thuê gia công; Trả cho Bên nhận 03 tờ khai; giao mẫu hàng đã niêm phong hải quan cho Bên nhận tự bảo quản để xuất trình cho Hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công hoặc các trường hợp khác khi Hải quan yêu cầu.
Bên nhận: Lưu 01 tờ khai; chuyển 02 tờ khai còn lại cho Bên giao.
Bước 4: Bên giao sau khi nhận được 02 tờ khai hải quan do Bên nhận chuyển đến đã có đầy đủ kê khai, chữ ký, đóng dấu của Bên nhận và Hải quan bên nhận, mang 02 tờ khai này và văn bản chỉ định giao hàng đến Hải quan bên giao để đăng ký tờ khai.
Bước 5: Hải quan bên giao:
- Tiếp nhận hồ sơ hải quan (gồm 02 tờ khai hải quan đã có đầy đủ kê khai, xác nhận, chữ ký, đóng dấu của Bên giao, Bên nhận và Hải quan bên nhận; văn bản chỉ định giao hàng của bên thuê gia công).
- Đăng ký tờ khai; điền vào bảng thống kê tờ khai xuất khẩu (mẫu 09/HQ-GC) theo qui định; xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan; ký tên, đóng dấu vào cả 02 tờ khai.
- Trả Bên giao 01 tờ khai; Lưu 01 tờ khai và văn bản chỉ định giao hàng.
Tại các bước trên đây, nếu hợp đồng gia công giao và hợp đồng gia công nhận đều do một Chi cục Hải quan quản lý thì Chi cục Hải quan này thực hiện nhiệm vụ của cả Hải quan bên giao và Hải quan bên nhận.
Thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp này áp dụng cho cả trường hợp hợp đồng gia công giao và hợp đồng gia công nhận khác đối tác thuê gia công.
VII. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI SẢN PHẨM GIA CÔNG DÙNG ĐỂ THANH TOÁN TIỀN GIA CÔNG:
Thủ tục hải quan đối với việc nhận sản phẩm gia công để thanh toán tiền gia công thực hiện như thủ tục hải quan đối với xuất nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công quy định tại mục V trên đây. Hợp đồng mua bán thay bằng văn bản thoả thuận giữa bên thuê và bên nhận gia công về việc thanh toán tiền gia công bằng sản phẩm gia công.
Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hoá nhập khẩu, chính sách thuế như hàng nhập khẩu từ nước ngoài; tuân thủ các quy định tại Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Sản phẩm gia công này được đưa vào để thanh khoản hợp đồng gia công.
VIII. THỦ TỤC THANH KHOẢN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG:
1. Quy trình thủ tục thanh khoản:
1.1- Doanh nghiệp nộp hồ sơ thanh khoản ( Bước 1):
Mỗi hồ sơ thanh khoản nộp 02 bộ bảng biểu và xuất trình kèm theo bản chính các tờ khai hải quan (bản chủ hàng lưu), gồm:
- Bảng tổng hợp nguyên liệu nhập khẩu (Mẫu 01/HQ-GC) kèm theo tờ khai nhập khẩu (kể cả tờ khai nhập khẩu tại chỗ; tờ khai nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp; tờ khai nhận nguyên liệu chuyển từ hợp đồng gia công khác sang) hoặc tờ khai nhập khẩu 01 lần, nếu áp dụng hình thức đăng ký tờ khai 01 lần.
- Bảng tổng hợp sản phẩm gia công xuất khẩu (mẫu 02/HQ-GC) kèm tờ khai xuất khẩu sản phẩm (kể cả tờ khai xuất khẩu tại chỗ; tờ khai giao sản phẩm gia công chuyển tiếp; tờ khai giao nguyên liệu sang hợp đồng gia công khác trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công) hoặc tờ khai xuất khẩu 01 lần, nếu áp dụng hình thức đăng ký tờ khai 01 lần.
- Bảng tổng hợp máy móc, thiết bị tạm nhập (mẫu 03/HQ-GC) kèm tờ khai tạm nhập máy móc, thiết bị mượn; tờ khai nhận máy móc, thiết bị từ hợp đồng gia công khác (nếu có).
- Bảng tổng hợp nguyên liệu do bên nhận gia công cung ứng (nếu có)-Mẫu 04/HQ-GC, kèm các bảng khai nguyên liệu cung ứng khi xuất khẩu sản phẩm và hoá đơn mua hàng hoặc tờ khai nhập khẩu (nếu cung ứng bằng nguồn tự nhập khẩu từ nước ngoài).
- Bảng tổng hợp nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu (mẫu 05/HQ-GC).
- Bảng thanh khoản hợp đồng gia công (mẫu 06/HQ-GC).
Giám đốc doanh nghiệp ký tên, đóng dấu (nếu là hộ kinh doanh cá thể thì ký, ghi rõ họ tên; số chứng minh thư nhân dân, nơi cấp) vào các bảng biểu nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ thanh khoản nộp cho Hải quan.
1.2- Hải quan kiểm tra hồ sơ thanh khoản (Bước 2) :
- Kiểm tra sự đồng bộ, hợp lệ của bộ hồ sơ thanh khoản;
- Đối chiếu số, ngày tờ khai do chủ hàng thống kê trong hồ sơ thanh khoản với số, ngày tờ khai do Hải quan thống kê tại các Bảng 08/HQ-GC và 09/HQ-GC
- Kiểm tra, đối chiếu các số liệu trên tờ khai với số liệu kê khai của doanh nghiệp trong hồ sơ thanh khoản.
- Kiểm tra, đối chiếu số liệu khác trên hồ sơ (nếu thanh khoản hàng gia công bằng máy vi tính thì đối chiếu biểu mẫu thanh khoản in ra từ máy với biểu mẫu thanh khoản do doanh nghiệp nộp).
- Xác nhận kết quả kiểm tra, đối chiếu vào bảng thanh khoản hợp đồng gia công (mẫu 06/HQ-GC) và trả lại cho doanh nghiệp các tờ khai đã xuất trình.
- Nếu phát hiện có sự gian lận trong hồ sơ thanh khoản thì lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận về định mức hoặc những dấu hiệu gian lận khác thì báo cáo Chi cục trưởng để chuyển cho bộ phận kiểm tra sau thông quan.
- Thời gian kiểm tra, đối chiếu thực hiện như quy định tại điểm 10, phần I Quy định này.
1.3- Giải quyết nguyên liệu thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị mượn (Bước 3):
Đối với những hợp đồng gia công có nguyên liệu dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị mượn, thủ tục hải quan thực hiện theo một trong các phương thức sau:
1.3.1- Thực hiện theo phương thức XNK tại chỗ nếu nguyên liệu dư, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị mượn sau khi kết thúc hợp đồng gia công bên thuê gia công bán lại cho doanh nghiệp Việt Nam.
1.3.1.1- Điều kiện xuất nhập khẩu tại chỗ: Thực hiện theo qui định tại Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thương mại tại Thông tư số 20/2001/TT-BTM ngày 17/8/2001.
1.3.1.2- Thủ tục hải quan:
- Thực hiện theo quy định tại điểm 2.1, mục V trên đây (Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu đồng thời là người nhận gia công thì tờ khai hải quan chỉ cần 01 bản chủ hàng lưu và 01 bản Hải quan lưu).
Nếu hợp đồng gia công tách ra thành nhiều phụ kiện để thực hiện, thì tại ô 43 tờ khai HQ/2002-TC ghi số, ngày, tháng, năm của phụ kiện có hàng xuất khẩu tại chỗ.
- Sau khi làm xong thủ tục hải quan Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ photo tờ khai lưu cùng hồ sơ của hợp đồng gia công; trả tờ khai (bản chủ hàng lưu) và các chứng từ xuất trình cho doanh nghiệp, hồ sơ còn lại lưu theo qui định hiện hành.
- Doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ phải nộp thuế theo qui định của các Luật thuế hiện hành như đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
1.3.2- Tái xuất ra nước ngoài: Thủ tục hải quan thực hiện như đối với lô hàng tái xuất khác. Kiểm hoá viên phải đối chiếu nguyên liệu tái xuất với mẫu lưu nguyên liệu lấy khi nhập khẩu.
1.3.3- Chuyển sang hợp đồng gia công khác theo chỉ định của bên thuê gia công:
- Thủ tục chuyển nguyên liệu dư thừa, máy móc, thiết bị sang hợp đồng gia công khác thực hiện theo quy định tại mục VI nêu trên. Hải quan bên nhận phải đối chiếu mẫu lưu nguyên liệu lấy khi nhập khẩu với nguyên liệu chuyển giao, nếu phù hợp thì tiến hành lấy mẫu mới cho hợp đồng nhận nguyên liệu (đối với những nguyên liệu quy định phải lấy mẫu, doanh nghiệp không được đưa vào sử dụng khi Hải quan chưa thực hiện việc đối chiếu mẫu).
- Nếu 2 hợp đồng gia công đều cùng doanh nghiệp nhận gia công, thì doanh nghiệp này thực hiện nhiệm vụ của cả Bên giao và Bên nhận.
- Nếu 2 hợp đồng gia công đều do một Chi cục Hải quan quản lý, thì Chi cục Hải quan này phải thực hiện nhiệm vụ của cả Hải quan bên giao và Hải quan bên nhận.
- Thủ tục này áp dụng cho cả trường hợp chuyển nguyên liệu, máy móc thiết bị mượn theo chỉ định của bên thuê gia công khi hợp đồng gia công giao đang thực hiện và áp dụng cho cả trường hợp khác đối tác thuê gia công.
1.3.4- Biếu tặng:
1.3.4.1- Hồ sơ hải quan gồm:
- Tờ khai hải quan (sử dụng tờ khai hàng phi mậu dịch): trên tờ khai phải ghi rõ "hàng thuộc hợp đồng gia công số... ngày.... tháng.... năm... Doanh nghiệp nhận gia công..."
- Văn bản tặng của bên đặt gia công,
- Văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại nếu hàng biếu tặng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng nhập khẩu cần có giấy phép của Bộ Thương mại; văn bản cho phép của cơ quan chuyên ngành nếu hàng nhập khẩu phải có giấy phép của cơ quan chuyên ngành.
1.3.4.2- Thủ tục hải quan và chính sách thuế thực hiện theo quy định đối với hàng biếu tặng. Sau khi hoàn thành thủ tục cho lô hàng, Hải quan sao 01 tờ khai giao cho doanh nghiệp nhận gia công (nếu người được biếu tặng không phải là người nhận gia công), photocopy 01 tờ khai lưu vào hợp đồng gia công, lưu tờ khai bản chính (bản Hải quan lưu) theo qui định, trả cho người được biếu tặng tờ khai bản chính (bản chủ hàng).
1.3.5- Tiêu huỷ phế liệu, phế phẩm, nếu bên đặt gia công đề nghị được tiêu huỷ tại Việt Nam:
1.3.5.1- Việc tiêu huỷ thực hiện sau khi kết thúc hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công.
1.3.5.2- Trước khi tiến hành tiêu huỷ, doanh nghiệp phải xin phép Bộ Thương mại nếu phế liệu, phế phẩm tiêu huỷ thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu phải có giấy phép; xin phép cơ quan quản lý môi trường nếu phế liệu, phế phẩm tiêu huỷ có ảnh hưởng đến môi trường. Nếu Bộ Thương mại hoặc cơ quan quản lý môi trường không cho phép tiêu huỷ tại Việt Nam thì doanh nghiệp phải xuất trả cho bên thuê gia công.
1.3.5.3- Thủ tục Hải quan giám sát tiêu huỷ thực hiện như sau:
- Doanh nghiệp có văn bản gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công thông báo thời gian, địa điểm tiêu huỷ kèm theo văn bản thoả thuận của bên thuê gia công và văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại (đối với trường hợp tiêu huỷ phải xin phép Bộ Thương mại).
- Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công cử 02 công chức Hải quan giám sát quá trình tiêu huỷ.
- Doanh nghiệp tự tổ chức việc tiêu huỷ và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý môi trường về tác động của toàn bộ quá trình tiêu huỷ đối với môi trường.
- Khi kết thúc tiêu huỷ, các bên phải tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu huỷ theo đúng qui định. Biên bản này phải có chữ ký của Giám đốc doanh nghiệp, dấu của doanh nghiệp có hàng tiêu huỷ; họ, tên, chữ ký của công chức Hải quan giám sát việc tiêu huỷ, những người được Giám đốc doanh nghiệp giao thực hiện tiêu hủy.
1.4- Xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản ( Bước4) :
- Sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành Bước 3 nêu trên thì Hải quan xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản lên cả 02 bản thanh khoản hợp đồng gia công (mẫu 06/HQ-GC). Xác nhận phải ghi rõ: nguyên liệu thừa; máy móc, thiết bị mượn (nếu có) đã chuyển sang hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công nào, theo tờ khai nào; hoặc đã tái xuất/tiêu thụ nội địa, biếu tặng theo tờ khai nào; Phế liệu, phế phẩm đã tiêu thụ nội địa/biếu tặng/tái xuất theo tờ khai nào hoặc đã tiêu huỷ theo biên bản nào. Đóng dấu xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản (mẫu dấu số 05 phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 1200/2001/QĐ-TCHQ ngày 23/11/2001).
- Trả 01 bộ hồ sơ thanh khoản cho doanh nghiệp; lưu bộ hồ sơ còn lại.
2. Thủ tục thanh khoản khi áp dụng biện pháp xác nhận thanh khoản trước, kiểm tra hồ sơ thanh khoản sau:
Đối với những Chi cục Hải quan đang thực hiện thanh khoản bằng phương pháp thủ công thì tiến hành phân loại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại điểm 9.1.2, phần 1 Quy định này và có quá trình thực hiện thanh khoản không có sai sót thì thực hiện các bước thanh khoản như sau:
Sau khi thực hiện xong Bước 1 thì tiến hành thực hiện ngay Bước 3 và Bước 4.
Trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ thanh khoản theo đúng quy định, bộ phận thanh khoản của Hải quan phải thực hiện xong Bước 2 trên bộ hồ sơ thanh khoản lưu tại Hải quan. Nếu phát hiện vi phạm, thì lập biên bản vi phạm và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Xử lý các trường hợp doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động nhưng còn hợp đồng gia công chưa thanh khoản:
3.1- Đối với những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về thủ tục giải thể doanh nghiệp, còn nguyên liệu, máy móc thiết bị thuê mượn để gia công chưa xuất khẩu:
3.1.1- Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công thường xuyên liên hệ với Cục Thuế địa phương, cơ quan đăng ký kinh doanh, theo dõi trên báo chí và áp dụng các biện pháp khác để cập nhật thông tin về các doanh nghiệp giải thể.
3.1.2- Tính thuế đối với nguyên liệu dư, máy móc, thiết bị thuê mượn (không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu) chưa tái xuất để thực hiện việc thu nợ thuế theo qui định tại Thông tư số 66/2002/TT-BTC ngày 6/8/2002 của Bộ Tài chính (nếu doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp Nhà nước), Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ (nếu doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), Điều 112 Luật doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp giải thể khác và Điều 46 Luật hợp tác xã nếu giải thể hợp tác xã.
3.1.3- Nếu doanh nghiệp nhận gia công hàng cấm nhưng không xuất hết thì yêu cầu ban thanh lý hoặc tổ thanh lý tái xuất hết. Trường hợp doanh nghiệp đã tự ý tiêu thụ thì xử lý như quy định tại điểm 3.2 dưới đây.
3.2- Đối với những doanh nghiệp tự giải thể không thực hiện đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp (không có thông báo giải thể doanh nghiệp, không có quyết định giải thể…) còn nguyên liệu dư, máy móc, thiết bị thuê mượn:
Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công chuyển hồ sơ cho đơn vị Hải quan làm nhiệm vụ điều tra chống buôn lậu thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành xác minh, điều tra, xử lý (hoặc chuyển cho cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng xử lý) đối với người có hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
3.3- Nếu các doanh nghiệp trên còn hợp đồng gia công chưa thanh khoản nhưng thực tế doanh nghiệp đã tái xuất hết hàng hoá gia công thì Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công căn cứ hồ sơ lưu tại Hải quan để tự thanh khoản và chịu trách nhiệm về số liệu thanh khoản này.
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI ĐẶT GIA CÔNG HÀNG HOÁ Ở NƯỚC NGOÀI
I- THỦ TỤC TIẾP NHẬN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG:
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
Trước khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên của hợp đồng gia công, doanh nghiệp phải nộp và xuất trình hồ sơ để cơ quan Hải quan làm thủ tục tiếp nhận hợp đồng.
Hồ sơ nộp và xuất trình bao gồm:
- Hợp đồng gia công và các phụ kiện kèm theo (nếu có): 02 bản chính;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư: 01 bản photocopy;
- Giấy chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu: 01 bản photocopy;
- Giấy phép của Bộ Thương mại hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu hàng hoá xuất khẩu để thực hiện hợp đồng gia công và sản phẩm gia công nhập khẩu thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành): nộp 01 bản photocopy; xuất trình bản chính.
- Văn bản xác nhận của Bộ quản lý chuyên ngành xác nhận công đoạn đặt gia công ở nước ngoài trong nước chưa thực hiện được hoặc chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng: nộp 01 bản photocopy, xuất trình bản chính.
2- Nhiệm vụ của công chức Hải quan tiếp nhận hợp đồng gia công: thực hiện như mục I, phần 2 Quy định này.
II- THỦ TỤC XUẤT KHẨU NGUYÊN LIỆU:
1. Hồ sơ hải quan như hồ sơ lô hàng xuất khẩu sản phẩm gia công; ngoài ra phải xuất trình thêm giấy phép của cơ quan có thẩm quyền (nếu nguyên liệu xuất khẩu thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, xuất khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành) để Hải quan trừ lùi.
2. Quy trình thủ tục hải quan thực hiện như Quy trình thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công quy định tại điểm 2, mục IV, phần 2 Quy định này. Khi kiểm hoá thay việc đối chiếu mẫu bằng việc lấy mẫu lưu nguyên liệu.
III- THỦ TỤC NHẬP KHẨU SẢN PHẨM GIA CÔNG:
1. Hồ sơ hải quan như loại hình nhập kinh doanh; tờ khai hải quan đăng ký theo loại hình nhập gia công.
2. Quy trình thủ tục hải quan thực hiện như Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu theo hợp đồng mua bán quy định tại Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003.
Khi khai hải quan, nếu sản phẩm gia công có sử dụng nguyên liệu mua từ nước ngoài thì doanh nghiệp phải khai rõ chủng loại, số lượng nguyên liệu mua tại nước ngoài tương ứng với lô hàng nhập khẩu để làm cơ sở cho việc tính thuế nhập khẩu.
Khi kiểm tra thực tế hàng hoá phải đối chiếu mẫu lưu nguyên liệu lấy khi xuất khẩu với nguyên liệu cấu thành trên sản phẩm.
3. Chính sách thuế thực hiện theo qui định về thuế đối với sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài.
IV- THỦ TỤC THANH KHOẢN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG:
Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ thanh khoản, gồm:
- Bảng tổng hợp nguyên liệu xuất khẩu (02 bản chính) kèm tờ khai xuất khẩu;
- Bảng tổng hợp sản phẩm nhập khẩu (02 bản chính) kèm tờ khai nhập khẩu;
- Bảng tổng hợp nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công đã nhập khẩu: 02 bản chính;
- Bảng tổng hợp nguyên liệu mua ở nước ngoài để sản xuất sản phẩm gia công đã nhập khẩu: 02 bản chính;
- Bảng thanh khoản hợp đồng gia công: 02 bản chính.
Bước 2: Hải quan kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thanh khoản:
Thực hiện như đối với nhận gia công cho nước ngoài.
Bước 3: Tính thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gia công bán tại nước ngoài và giải quyết nguyên liệu thừa, máy móc, thiết bị tạm xuất phục vụ gia công. Việc giải quyết nguyên liệu thừa; máy móc, thiết bị tạm xuất thực hiện như sau:
- Nếu là nguyên liệu, máy móc, thiết bị trong nước xuất ra nước ngoài để phục vụ gia công thì các bước thủ tục thực hiện theo hàng tái nhập.
- Nếu từ nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị mua tại nước ngoài thì làm thủ tục như hàng nhập khẩu theo hợp đồng mua bán.
2. Bán tại nước ngoài: nếu là nguyên liệu, máy móc, thiết bị từ trong nước xuất ra nước ngoài để phục vụ gia công thì thu thuế xuất khẩu.
Bước 4: Xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản:
Thực hiện như xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản hợp đồng nhận gia công cho thương nhân nước ngoài.
SỬ DỤNG MẪU TỜ KHAI HÀNG GIA CÔNG CHUYỂN TIẾP
Ban hành kèm theo Quyết định số 69 /2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
A. Qui định chung:
1. Văn bản này chỉ hướng dẫn sử dụng một số ô, cột có đặc thù riêng của tờ khai hàng gia công chuyển tiếp. Các ô, cột khác đã thể hiện cụ thể trên tờ khai nên không hướng dẫn thêm.
2. Người khai chỉ được sử dụng một loại mực (không dùng mực đỏ) để khai, không được tẩy xoá, sữa chữa.
3. Tờ khai hải quan này do Tổng cục Hải quan thống nhất phát hành và quản lý trong toàn quốc.
B. Hướng dẫn sử dụng cụ thể:
1. Người giao hàng khai các ô, cột sau: số 1, số 3, số 5, số 6, số 7, số 11, số 13, số 14, số 15, số 16, số 17, số 18, số 19 và số 21.
2. Người nhận hàng khai các ô, mục còn lại của phần A.
3. Ô số 3, số 4: ghi khách hàng nước ngoài ký hợp đồng gia công với doanh nghiệp Việt Nam.
4. Ô số 5:
- Ký hiệu “Giao SPGCCT” là giao sản phẩm gia công chuyển tiếp cho hợp đồng gia công khác.
- Ký hiệu “Giao NLD” là giao nguyên liệu dư cho hợp đồng gia công khác.
- Ký hiệu “giao MM, TB” là giao máy móc, thiết bị cho hợp đồng gia công khác.
Đánh dấu (V) vào ô thích hợp đối với loại hình giao. Ví dụ: giao sản phẩm gia công chuyển tiếp thì đánh dấu vào ô “Giao SPGCCT”.
5. Ô số 8:
- Ký hiệu “Nhận SPGCCT” là nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp từ hợp đồng gia công khác chuyển sang.
- Ký hiệu “Nhận NLD” là nhận nguyên liệu dư từ hợp đồng gia công khác chuyển sang.
- Ký hiệu: “Nhận MM, TB” là nhận máy móc, thiết bị từ hợp đồng gia công khác chuyển sang.
Đánh dấu (V) vào ô thích hợp đối với loại hình nhận. Ví dụ: nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp thì đánh dấu vào ô “Nhận SPGCCT”.
6. Các ô số 6,7,9,10:
- Ô số 6 “HĐGC giao”: ghi số, ngày; ngày hết hạn của hợp đồng gia công giao sản phẩm gia công chuyển tiếp, nguyên liệu dư, máy móc thiết bị mượn;
- Ô số 7 “PKHĐGC giao”: ghi số, ngày; ngày hết hạn của phụ kiện hợp đồng gia công giao sản phẩm gia công chuyển tiếp, nguyên liệu dư, máy móc, thiết bị mượn, nếu hợp đồng gia công được tách ra thành nhiều phụ kiện để thực hiện;
- Ô số 9 “HĐGC nhận”: ghi số, ngày; ngày hết hạn của hợp đồng gia công nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp, nguyên liệu dư, máy móc thiết bị mượn;
- Ô số 10 “PKHĐGC nhận”: ghi số, ngày; ngày hết hạn của phụ kiện hợp đồng gia công nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp, nguyên liệu dư, máy móc thiết bị mượn, nếu hợp đồng gia công được tách ra thành nhiều phụ kiện để thực hiện.
7. Ô số 11: Ghi nơi giao nhận hàng giữa 2 doanh nghiệp nhận gia công.
8. Ô 12 chỉ ghi khi có đại lý làm thủ tục hải quan.
9. Ô số 17: Đối với nguyên liệu dư chuyển sang hợp đồng gia công khác thì ghi đơn giá theo giá trên Invoice khi nhập khẩu nguyên liệu; Đối với sản phẩm gia công chuyển tiếp thì ghi đơn giá như đối với trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài; Đối với trường hợp chuyển máy móc, thiết bị sang hợp đồng gia công khác thì cột này không phải ghi.
10. Cách ghi số đăng ký tờ khai của Hải quan làm thủ tục giao hàng (tại phần B của tờ khai) như sau:
Số tờ khai/G/loại hình/đơn vị Hải quan làm thủ tục.
Ví dụ: Số tờ khai theo số thứ tự trên sổ hoặc trên máy là 29, loại hình là giao sản phẩm gia công chuyển tiếp, đơn vị Hải quan làm thủ tục là Hải quan Sóng Thần được ghi như sau:
29/G/SPGCCT/ST
11. Cách ghi số tờ khai của Hải quan làm thủ tục nhận hàng (tại phần C của tờ khai) như sau:
Số tờ khai/N/loại hình/đơn vị Hải quan làm thủ tục.
BẢNG TỔNG HỢP NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU
Tờ số:........
Mẫu: 01/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số: ........................................... ngày ............................ Thời hạn ...............................................
Phụ kiện hợp đồng gia công số: ............................. ngày ............................ Thời hạn ...............................................
Bên thuê: ................................................................ Địa chỉ ......................................................................................
Bên nhận: ............................................................... Địa chỉ .......................................................................................
Mặt hàng: ............................................................... Số lượng ....................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục: .....................................................................................................................................
Tên nguyên liệu |
ĐV tính |
Tờ khai số................. ngày.............. |
Tờ khai số................. ngày.............. |
Tờ khai số................. ngày.............. |
Tờ khai số................... ngày............... |
Tờ khai số................. ngày............. |
Tổng cộng
|
Ghi chú |
||
Lượng |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) |
Ngày....... tháng ........năm........ Người lập biểu |
|
BẢNG TỔNG HỢP SẢN PHẨM GIA CÔNG XUẤT KHẨU
Tờ số:
Mẫu: 02/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số: ........................................... ngày ............................ Thời hạn ....................................................
Phụ kiện hợp đồng gia công số: ............................. ngày ............................ Thời hạn ....................................................
Bên thuê: ................................................................ Địa chỉ ...........................................................................................
Bên nhận: ............................................................... Địa chỉ ...........................................................................................
Mặt hàng: ............................................................... Số lượng ........................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ..........................................................................................................................................
Mã hàng |
ĐV tính |
Tờ khai số................ ngày............ |
Tờ khai số................ ngày............. |
Tờ khai số................ ngày............. |
Tờ khai số................ ngày............. |
Tờ khai số............... ngày........... |
Tổng cộng |
Ghi chú |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) |
Ngày....... tháng ........năm........ Người lập biểu |
BẢNG TỔNG HỢP MÁY MÓC, THIẾT BỊ TẠM NHẬP
Tờ số:
Mẫu: 03/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số: ........................................... ngày ............................ Thời hạn ...............................................
Phụ kiện hợp đồng gia công số: ............................. ngày ............................ Thời hạn ...............................................
Bên thuê: ................................................................ Địa chỉ ......................................................................................
Bên nhận: ............................................................... Địa chỉ .......................................................................................
Mặt hàng: ............................................................... Số lượng ....................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục: .....................................................................................................................................
Tên máy móc, thiết bị tạm nhập |
ĐV tính |
Tờ khai số................ ngày............ |
Tờ khai số................. ngày.............. |
Tờ khai số............... ngày........... |
Tờ khai số.................. ngày............... |
Tờ khai số............... ngày........... |
Tổng cộng |
Ghi chú |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
Lượng |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) |
Ngày....... tháng ........năm........ Người lập biểu |
BẢNG TỔNG HỢP NGUYÊN LIỆU DO BÊN NHẬN GIA CÔNG CUNG ỨNG
(Gồm nguyên liệu mua tại Việt Nam và nguyên phụ liệu nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu để phục vụ gia công)
Mẫu: 04/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số/Bên thuê:............................................. Ngày:......................................... Thời hạn:..................................
Phụ kiện Hợp đồng gia công số:............................................. Ngày:......................................... Thời hạn:..................................
Bên nhận:................................................................................ Địa chỉ:.........................................................................................
Mặt hàng:............................................................................... .Số lượng:......................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục:.........................................................................................................................................................
STT |
Tên NPL |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Đơn giá |
Tổng trị giá |
Hình thức cung ứng |
Ghi chú |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
(7) |
(8) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Giám đốc doanh nghiệp (ký tên, đóng dấu) |
Ngày.......tháng..........năm..... Người lập biểu |
Ghi chú: Tại cột (7) ghi: Mua tại Việt Nam (nếu doanh nghiệp gia công mua nguyên liệu tại Việt Nam để phục vụ gia công); NSXXK (nếu doanh nghiệp tự mua nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ gia công). Trường hợp hình thức cung ứng là NSXXK thì phải ghi rõ số tờ khai.
BẢNG TỔNG HỢP NGUYÊN LIỆU ĐÃ SỬ DỤNG ĐỂ SẢN XUẤT THÀNH SẢN PHẨM XUẤT KHẨU
(Qui đổi từ lượng sản phẩm đã thực xuất khẩu)
Mẫu: 05/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69 /2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số/Bên thuê:.............................................Ngày:.........................................Thời hạn:..................................
Phụ kiện Hợp đồng gia công số:.............................................Ngày:.........................................Thời hạn:..................................
Bên nhận:................................................................................Địa chỉ:.......................................................................................
Mặt hàng:................................................................................Số lượng:....................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục:.....................................................................................................................................................
STT |
Tên NL |
ĐV tính |
Lượng nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu theo từng mã hàng |
||||||||||||
|
|
|
Mã hàng:................... Số lượng:......M(1)..... |
Mã hàng:................... Số lượng:................... |
Mã hàng:................... Số lượng:................... |
Mã hàng:................... Số lượng:................... |
Tổng lượng NL đã sử dụng |
||||||||
Định mức Đ (1) |
Tỷ lệ hao hụt H(1) |
Lượng sử dụng L(1) |
Định mức |
Tỷ lệ hao hụt |
Lượng sử dụng |
Định mức |
Tỷ lệ hao hụt |
Lượng sử dụng |
Định mức |
Tỷ lệ hao hụt |
Lượng sử dụng
|
|
|||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Giám đốc doanh nghiệp (ký tên, đóng dấu) |
Ngày.......tháng..........năm..... Người lập biểu |
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
1- Công thức tính tổng lượng sử dụng của từng loại nguyên liệu để sản xuất từng mã hàng:
L(i) = Mi(Đi+ĐiHi) = MiĐi (1+Hi)
Trong đó:
L(i) là lượng sử dụng của loại nguyên liệu nào đó để sản xuất ra mã hàng (i).
M(i) là tổng lượng sản phẩm của mã hàng (i) đã được thực xuất khẩu (Số liệu lấy ở Bảng 02/HQ-GC).
Đ(i) là định mức của mã hàng (i) tính cho 1 đơn vị sản phẩm.
H(i) là tỷ lệ hao hụt nguyên liệu khi sản xuất mã hàng (i) tính theo % (Nếu trong hợp đồng thỏa thuận tỷ lệ hao hụt theo từng mã hàng, thì mã hàng nào lấy tỷ lệ hao hụt theo mã hàng đó. Nếu trong hợp đồng chỉ thoả thuận 1 tỷ lệ hao hụt chung cho tất cả các mã hàng của hợp đồng thì tất cả các mã hàng đều lấy tỷ lệ hao hụt đó. Nếu trong hợp đồng không ghi tỷ lệ hao hụt thì đại lượng H(i) = 0).
Ví dụ:Tính lượng da sử dụng để sản xuất giày, số lượng sản phẩm của một mã hàng đã thực xuất khẩu là 5000 đôi, định mức sử dụng da của mã hàng này là 0,07FTD/đôi, tỷ lệ hao hụt của da đối với mã hàng này là 3%:
Ở ví dụ này ta có: Mi = 5000
Đi = 0,07
Hi = 3%
Lượng da đã sử dụng để sản xuất 5000 đôi giày xuất khẩu là:
L = 5000X0,07 (1+0,03)= 360,5FTD.
2- Công thức tính lượng sử dụng của từng loại nguyên liệu để sản xuất toàn bộ sản phẩm xuất khẩu:
L = L1+L2+L3+L4+......+Ln
Trong đó:
L là tổng lượng sử dụng của loại nguyên liệu nào đó để sản xuất ra toàn bộ sản phẩm đã xuất khẩu.
L(1) là lượng sử dụng của loại NL đó để sản xuất ra mã hàng thứ nhất (số liệu ghi ở cột 6).
L(2) là lượng sử dụng của loại NL đó để sản xuất ra mã hàng thứ hai (số liệu ghi ở cột 9).
L(3) là lượng sử dụng của loại NL đó để sản xuất ra mã hàng thứ ba (số liệu ghi ở cột 12).
L(4) là lượng sử dụng của loại NL đó để sản xuất ra mã hàng thứ bốn (số liệu ghi ở cột 15).
.................................................................................................................................
L(n) là lượng sử dụng của loại NL đó để sản xuất ra mã hàng thứ n (ghi ở cột thứ 3n+3).
BẢNG THANH KHOẢN HỢP ĐỒNG GIA CÔNG
Mẫu: 06/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số/Bên thuê:.............................................Ngày:.........................................Thời hạn:..................................
Phụ kiện Hợp đồng gia công số:.............................................Ngày:.........................................Thời hạn:..................................
Bên nhận:................................................................................Địa chỉ:.......................................................................................
Mặt hàng:................................................................................Số lượng:.....................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục:......................................................................................................................................................
STT |
Tên nguyên liệu |
Đơn vị tính |
Số lượng NK |
Tổng lượng cung ứng |
Tổng lượng XK |
Nguyên liệu dư |
Biện pháp xử lý nguyên liệu dư |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
(7) |
(8) |
|
|
|
|
|
|
|
Đề nghị của DN: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
ý kiến của Hải quan: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ngày.......tháng..........năm.....
Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) |
Người lập biểu: |
Công chức Hải quan đối chiếu: (Ghi ngày tháng hoàn thành việc đối chiếu; Ký, ghi rõ họ tên)
|
Xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản (Lãnh đạo Đội thanh khoản ký tên, đóng dấu)
|
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
1- Công thức tính lượng nguyên liệu dư:
Lượng nguyên liệu dư = Tổng lượng nhập khẩu - (Tổng lượng xuất khẩu - Tổng lượng cung ứng).
(cột 7) (cột 4) (cột 6) (cột5)
- Tổng lượng nhập khẩu: Lấy số liệu ở bảng 01/HQ-GC.
- Tổng lượng xuất khẩu: Lấy số liệu ở cột 16, Bảng 05/HQ-GC.
- Tổng lượng cung ứng: Lấy số liệu ở cột 4, Bảng 04/HQ-GC.
2- Xác nhận hoàn thành thủ tục thanh khoản:
Sau khi hoàn thành việc đối chiếu thanh khoản, nếu không phát hiện có gì sai sót và doanh nghiệp thực hiện xong việc xử lý nguyên liệu dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị mượn (nếu có) theo yêu cầu của Hải quan, thì đơn vị Hải quan theo dõi hợp đồng gia công xác nhận hợp đồng/phụ kiện hợp đồng đã hoàn thành thủ tục thanh khoản lên cả 2 bản thanh khoản, trả cho chủ hàng 01 bản.
PHIẾU LẤY MẪU NGUYÊN LIỆU GIA CÔNG
Mẫu: 07/HQ-GC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
- Tên nguyên liệu: ................................................Số lượng nhập: ..............
- Tờ khai số: ................................ngày ....... tháng........năm.......................
- Chi cục Hải quan đăng ký tờ khai: ..........................................................
- Hình thức kiểm tra: ...................................................................................
- Chi cục Hải quan kiểm tra: ........................................................................
- Người lấy mẫu: ........................................; Số lượng mẫu: ........................
- Hợp đồng gia công số: ............... ngày .............; Phụ kiện số...... ngày: ...
- Bên thuê gia công: .....................................................................................
- Bên nhận gia công: ....................................................................................
Đại diện chủ hàng (Ký, ghi rõ họ tên) |
Công chức Hải quan lấy mẫu (Ký, ghi rõ họ tên) |
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
1 - Phiếu lấy mẫu phải niêm phong hải quan cùng với mẫu nguyên liệu.
2- Đối với lô hàng được miễn kiểm tra hải quan tại tiêu thức "Hình thức kiểm tra" ghi "Miễn kiểm tra". Công chức Hải quan làm nhiệm vụ thông quan hàng hoá tiến hành lấy mẫu dưới sự chứng kiến của chủ hàng hoặc đại diện của chủ hàng; ghi rõ họ tên vào tiêu thức "Người lấy mẫu" và ký vào tiêu thức "Công chức Hải quan lấy mẫu". Chủ hàng hoặc đại diện chủ hàng ký vào tiêu thức "Đại diện chủ hàng".
3 - Đối với trường hợp lô hàng phải kiểm tra, kiểm hóa viên phải lấy mẫu khi kiểm hóa dưới sự chứng kiến của chủ hàng hoặc đại diện chủ hàng; lập phiếu lấy mẫu và niêm phong mẫu. Tại tiêu chí "Người lấy mẫu" ghi tên kiểm hóa viên lấy mẫu. Kiểm hóa viên lấy mẫu ký vào tiêu thức "Công chức Hải quan lấy mẫu "; Chủ hàng hoặc đại diện chủ hàng ký xác nhận kết quả kiểm hóa trên tờ khai ký và ghi rõ họ tên vào tiêu thức "Đại diện chủ hàng".
BẢNG THỐNG KÊ TỜ KHAI NHẬP KHẨU
Tờ số:............
Mẫu: 08/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69 /2004/QĐ-BTC
ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số:......................ngày.........................Thời hạn.............
Phụ kiện hợp đồng gia công số: .......ngày.........................Thời hạn.............
Bên thuê:...................................................Địa chỉ........................................
Bên nhận: .................................................Địa chỉ........................................
Mặt hàng: .................................................Số lượng .....................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ......................................................................
STT |
Số tờ khai |
Ngày tờ khai |
Cửa khẩu nhập |
Cán bộ HQ thống kê TK (ký, ghi rõ họ tên) |
Ghi chú |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
|
|
|
|
|
|
Cộng:.........................................................Tổng tờ khai:.............................
|
Ngày.......tháng.......năm........ Đơn vị Hải quan làm thủ tục (Ký tên, đóng dấu) |
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG:
- Mỗi hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công phải lập 01 bảng thống kê tờ khai nhập khẩu. Bảng này được lưu tại Hải quan để Hải quan thống kê số, ngày tờ khai nhập khẩu khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu từng lô hàng. Khi thanh khoản hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công, công chức Hải quan làm nhiệm vụ thanh khoản đối chiếu Bảng thống kê này với thống kê tờ khai nhập khẩu của doanh nghiệp trong hồ sơ thanh khoản.
- Việc thống kê vào Bảng thống kê do công chức Hải quan làm nhiệm vụ đăng ký tờ khai thực hiện tại thời điểm làm thủ tục đăng ký tờ khai.
- Bảng thống kê tờ khai phải rõ ràng, chính xác, đầy đủ, tuyệt đối không được thống kê sót tờ khai. Sau mỗi lần thống kê tờ khai, công chức Hải quan làm nhiệm vụ này phải ký và ghi rõ họ tên vào cột qui định trên Bảng.
- Đối với những hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công lớn, nếu thống kê trên 01 tờ không đủ thì Bảng thống kê phải lập thành nhiều tờ. Trong trường hợp này, trên mỗi tờ của Bảng thống kê phải ghi rõ số thứ tự tờ (Tờ số...); cuối mỗi tờ phải ghi rõ "tiếp sang tờ số....". Việc đánh số thứ tự tại cột (1) của Bảng thống kê phải liên tục từ đầu cho đến kết thúc hợp đồng/phụ kiện hợp đồng.
BẢNG THỐNG KÊ TỜ KHAI XUẤT KHẨU
Tờ số:...........
Mẫu: 09/HQ-GC, Khổ A4 (ban hành kèm theo Quyết định số: 69/2004/QĐ-BTC
ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số: ........................ngày..................Thời hạn...................
Phụ kiện hợp đồng gia công số: .........ngày...................Thời hạn ..................
Bên thuê:....................................................... Địa chỉ ....................................
Bên nhận: ......................................................Địa chỉ ....................................
Mặt hàng: ......................................................Số lượng .................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục: ........................................................................
STT |
Số tờ khai |
Ngày tờ khai |
Cửa khẩu nhập |
Cán bộ HQ thống kê TK (ký, ghi rõ họ tên) |
Ghi chú |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
|
|
|
|
|
|
Cộng:.........................................................Tổng tờ khai:.............................
|
Ngày.......tháng.......năm........ Đơn vị Hải quan làm thủ tục (Ký tên, đóng dấu) |
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG:
- Mỗi hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công phải lập 01 Bảng thống kê tờ khai xuất khẩu. Bảng này được lưu tại Hải quan để Hải quan thống kê số, ngày tờ khai xuất khẩu khi doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu từng lô hàng. Khi thanh khoản hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công, công chức Hải quan làm nhiệm vụ thanh khoản đối chiếu Bảng thống kê này với thống kê tờ khai xuất khẩu của doanh nghiệp trong hồ sơ thanh khoản.
- Việc thống kê vào Bảng thống kê do công chức Hải quan làm nhiệm vụ đăng ký tờ khai thực hiện tại thời điểm làm thủ tục đăng ký tờ khai.
- Bảng thống kê tờ khai phải rõ ràng, chính xác, đầy đủ, tuyệt đối không được thống kê sót tờ khai. Sau mỗi lần thống kê tờ khai, công chức Hải quan làm nhiệm vụ này phải ký và ghi rõ họ tên vào cột qui định trên Bảng.
- Đối với những hợp đồng/phụ kiện hợp đồng gia công lớn, nếu thống kê trên 01 tờ không đủ thì Bảng thống kê phải lập thành nhiều tờ. Trong trường hợp này, trên mỗi tờ của Bảng thống kê phải ghi rõ số thứ tự tờ (Tờ số...); cuối mỗi tờ phải ghi rõ "tiếp sang tờ số....". Việc đánh số thứ tự tại cột (1) của Bảng thống kê phải liên tục từ đầu cho đến kết thúc hợp đồng/phụ kiện hợp đồng.
BẢNG ĐỊNH MỨC VÀ TỶ LỆ HAO HỤT CỦA TỪNG MÃ HÀNG
Mẫu: 10/HQ-GC, Khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số/Bên thuê:.............................................Ngày:.........................................Thời hạn:........................................
Phụ kiện Hợp đồng gia công số:.............................................Ngày:.........................................Thời hạn:........................................
Bên nhận:................................................................................Địa chỉ:.............................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục:...........................................................................................................................................................
Mặt hàng:................................................................................Số lượng:..........................................................................................
Mã hàng:.................................................................................Số lượng...........................................................................................
STT |
Tên nguyên liệu |
Mã nguyên liệu |
Đơn vị tính |
Định mức |
Tỷ lệ hao hụt |
Nguồn nguyên liệu |
Ghi chú |
|
Định mức sử dụng |
Định mức tiêu hao |
|||||||
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
(7) |
(8) |
(9) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Giới thiệu các thông số của sản phẩm liên quan đến việc xác định định mức trên:
................................................................................................................................................................................................................
................................................................................................................................................................................................................
Ngày....tháng...năm..... Công chức Hải quan tiếp nhận định mức (ký, ghi rõ họ tên; đóng dấu tiếp nhận) |
Ngày.... tháng...... năm..... Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) |
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG:
1- Cột (3) chỉ áp dụng đối với những Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công bằng máy vi tính.
2- Tên nguyên liệu và mã nguyên liệu ghi tại cột (2), (3) phải phù hợp với tên nguyên liệu và mã nguyên liệu khai trên tờ khai hải quan
3- Cột (5) "Định mức sử dụng" được hiểu là lượng nguyên liệu cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
4- Cột (6) "Định mức tiêu hao" được hiểu là lượng sử dụng tính trên 01 đơn vị sản phẩm của những nguyên liệu tham gia vào quá trình gia công nhưng bị tiêu hao, không cấu thành trên sản phẩm (Ví dụ: chất xúc tác, dầu bôi khuôn ép đế giày...). Hợp đồng gia công nào không có nguyên liệu tiêu hao thì cột này không ghi.
5- Cột (7) "Tỷ lệ hao hụt" được hiểu: là lượng nguyên liệu hao hụt trong quá trình sản xuất tính theo %. Tỷ lệ hao hụt này phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu, trình độ công nhân, sự cố máy móc, thiết bị và các nguyên nhân khác.
6- Đối với những mã hàng có nhiều size thì khai định mức theo từng size hoặc khai định mức bình quân cho cả mã hàng đó trên cơ sở định mức từng size và số lượng sản phẩm từng size theo công thức sau:
ĐM S1 x LS1 + ĐMS2 x LS2+...+ĐMSn x LSn
ĐM =
LS1 + LS2 +....+ LSn
Trong đó: ĐM là định mức bình quân cho cả mã hàng.
ĐMS1, ĐMS2, ĐMSn là định mức của từng size S1, S2....Sn.
LS1, LS2,..., LSn là lượng sản phẩm của từng size S1, S2....Sn.
7- Cột (8) "Nguồn nguyên liệu" ghi như sau:
- Do nước ngoài cung cấp.
- Mua ở nước ngoài để cung ứng.
- Mua nội địa để cung ứng.
8- Giám đốc doanh nghiệp (ký tên, đóng dấu): trường hợp là hộ gia đình thì ký và ghi rõ họ tên, số chứng minh thư nhân dân.
BẢNG KÊ KHAI NGUYÊN LIỆU DO BÊN NHẬN GIA CÔNG CUNG ỨNG TƯƠNG ỨNG VỚI LƯỢNG SẢN PHẨM TRÊN TỜ KHAI XUẤT KHẨU
(Khai khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công)
(Mẫu 11/HQ-GC khổ A4 (Ban hành kèm theo Quyết định số 69 /2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 08 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Hợp đồng gia công số/Bên thuê................................... ngày................. thời hạn....................................................................
Phụ kiện hợp đồng gia công số.................................... ngày................. thời hạn...................................................................
Bên nhận gia công:.......................................................Địa chỉ..............................................................................................
Mặt hàng gia công.................................................................................................................................................................
Tờ khai xuất khẩu số....................................................ngày..................................................................................................
Đơn vị Hải quan làm thủ tục..................................................................................................................................................
|
STT |
Tên nguyên liệu |
Đ.V tính |
Lượng nguyên liệu cung ứng tương ứng với lượng sản phẩm trên tờ khai xuất khẩu |
Đơn giá |
Trị giá |
Hình thức cung ứng |
||||||||
|
|
|
|
Mã hàng.................... Số lượng.................... |
Mã hàng........................ Số lượng........................ |
Tổng lượng cung ứng cho 1 tờ khai XK sản phảm |
|||||||||
|
|
|
|
Định mức |
Tỷ lệ hao hụt |
Lượng cung ứng |
Định mức |
Tỷ lệ hao hụt |
Lượng cung ứng |
||||||
|
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
||
Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) |
Ngày..... tháng...... năm.......... Người lập biểu |
|
Ghi chú: - Bảng này chỉ sử dụng khi trong hợp đồng gia công có thoả thuận bên nhận gia công tự cung ứng nguyên liệu để gia công theo đúng quy định tại Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ.
- Tại cột (13) ghi: Mua tại Việt Nam (nếu doanh nghiệp nhận gia công mua nguyên liệu tại Việt Nam để cung ứng); NSXXK (nếu doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu của loại hình nhập sản xuất xuất khẩu để cung ứng); Trường hợp hình thức cung ứng là NSXXK thì phải ghi rõ số tờ khai.
THE MINISTRY OF FINANCE |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 69/2004/QD-BTC |
Hanoi, August 24,2004 |
DECISION
PROMULGATING THE REGULATION ON CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS PROCESSED UNDER CONTRACTS WITH FOREIGN TRADERS
THE MINISTER OF FINANCE
Pursuant to Customs Law No. 29/2001/QH10 passed on June 29, 2001 by the Xth National Assembly, at its 9th session;
Pursuant to the Government's Decree No. 77/2003/ND-CP of July 1, 2003 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Finance Ministry;
Pursuant to the Government's Decree No. 101/2001/ND-CP of December 31, 2001 detailing the implementation of a number of the Customs Law's articles on customs procedures, the customs inspection and supervision regime;
Pursuant to the Government's Decree No. 57/1998/ND-CP of July 31, 1998 detailing the implementation of the Commercial Law's provisions on activities of export, import, processing and goods purchase and sale agency for foreign countries, and Decree No. 44/2001/ND-CP of August 2, 2001 amending and supplementing Decree No. 57/1998/ND-CP;
At the proposal of the General Director of Customs,
DECIDES:
Article 1.- To promulgate together with this Decision:
a/ The Regulation on customs procedures for goods processed under contracts with foreign traders;
b/ The declaration forms of intermediary processed goods, coded HQ/2004-GCCT;
c/ Forms No. 01/HQ-GC, 02/HQ-GC, 03/HQ-GC, 04/HQ-GC, 05/HQ-GC, 06/HQ-GC, 07/HQ-GC, 08/HQ-GC, 09/HQ-GC, 10/HQ-GC and 11/HQ-GC.
Article 2.- This Decision takes effect 15 days after its publication in the Official Gazette. To annul the General Department of Customs' Circular No. 07/2000/TT-TCHQ of November 2, 2000 and the relevant guiding documents.
Article 3.- The General Director of Customs and the heads of the units under the Finance Ministry and the concerned organizations and individuals shall have to implement this Decision.
|
FOR THE MINISTER OF FINANCE |
REGULATION
ON CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS PROCESSED UNDER CONTRACTS WITH FOREIGN TRADERS
(Promulgated together with the Finance Minister's Decision No. 69/2004/QD-BTC of August 24, 2004)
Part 1
GENERAL PROVISIONS
1. This Regulation shall apply to carrying out of the customs procedures for goods processed under contracts with foreign traders by the following subjects:
- Vietnamese enterprises established and making business registration under the State Enterprises Law and the Enterprises Law;
- Foreign-invested enterprises established under the Law on Foreign Investment in Vietnam;
- Cooperatives established and making business registration under the Cooperatives Law;
- Individual business households making business registration under the Government's Decree No. 109/2004/ND-CP of April 2, 2004.
These subjects are hereinafter referred collectively to as enterprises.
2. Interpretation of terms:
In this Regulation, the following terms and phrases are construed as follows:
- Directors of enterprises: For Vietnamese enterprises, foreign-invested enterprises, they are directors (general directors) or lawful representatives at law of such enterprises; for cooperatives, they are cooperatives' managers; for individual business households, they are individuals or representatives of such households named in their business registration certificates.
- Processing raw materials: including raw materials, auxiliary materials and materials for processing.
- Processing scraps: including those scraps discarded from processing raw materials; rented or borrowed machinery and equipment in service of processing, which are damaged, can no longer be used and must be discarded as scraps.
3. Customs procedures for processing contracts (reception of contracts, registration of norms, carrying out of customs procedures for each export or import goods lot, liquidation of contracts) shall be carried out at a customs sub-department under the Customs Department of a province or centrally-run city where the production establishment currently performing the processing contract is located or where the enterprise is headquartered (the head office of the enterprise or the office of the enterprise's branch established according to law provisions). In cases where no customs organization exists in such locality, the enterprise may choose a customs unit most convenient for carrying out the customs procedures.
4. All export and import goods of processing contracts must go through customs procedures, be subject to the customs inspection and supervision, and liable to customs fee as prescribed by law.
Depending on specific conditions of each processing contract, enterprises may choose the mode of registering declarations one by one for each export or import goods lot or the mode of registering declarations simultaneously at a time for carrying out the customs procedures for importing raw materials, exporting products for both processing contracts and their annexes.
5. In cases where Vietnamese enterprises sign contracts for processing for foreign traders but do not directly perform the processing and hire other Vietnamese enterprise to process (sub-processing), the enterprises signing processing contracts with foreign traders shall carry out the procedures for export, import or liquidation of processing contracts with the customs offices and take responsibility before law for the performance of such processing contracts. Goods consigned among enterprises on the Vietnamese side shall not be subject to the customs procedures.
6. Processing contracts already concluded by the parties in writing (via telegraph, telex, fax, e-mail and other electronic communication modes, which shall also be considered writing form) with contents prescribed in Article 12 of the Government's Decree No. 57/1998/ND-CP of July 31, 1998 shall serve as basis for the customs offices to carry out procedures for export and import, and monitor the export and import related to the processing contracts.
All modifications, supplements and adjustments to clauses of processing contracts (including change or adjustment of norms) must be effected through the signing of contract annexes which must be submitted to the customs offices before or at the time when enterprises carry out procedures for exporting or importing the first goods lot under such contract annexes.
7. Surplus raw materials; discarded materials and defective products; rented or borrowed machinery and equipment shall, after the termination of processing contracts, be handled according to the agreements stated in such processing contracts in compliance with law provisions.
Handling modes: Re-export; purchase or sale by mode of on-spot export or import; donation; destruction; or transfer to other processing contracts. Customs procedures therefor shall comply with the provisions of Point 1.3, Section VIII, Part 2 of this Regulation.
8. Use and consumption norms (hereinafter referred collectively to as norms), wastage rates of raw materials shall be agreed upon by the parties in the processing contracts according to the provisions of Article 13 of the Government's Decree No.57/1998/ND-CP of July 31, 1998. If processing contracts do not prescribe the wastage rates of raw materials, such processing contracts shall be deemed to have the raw materials' wastage rate of 0%.
Norms and wastage rates of raw materials registered by enterprises with the customs offices (according to form 10/HQ-GC) must be the actual ones experienced by enterprises. If the norms and wastage rates of raw materials agreed upon in the processing contracts are higher than the actual ones, enterprises must register such actual norms and wastage rates.
The time of registration of norms and wastage rates of raw materials of goods items is before or coincides the time when procedures are carried out for exporting (for cases of processing for foreign traders) or importing (for cases of ordering the processing in foreign countries) the first goods lot of such goods items.
Norms and wastage rates of raw materials already registered by enterprises with customs offices at either of the above-said times shall serve as norms and wastage rate for processing contract liquidation.
9. Inspection of norms:
9.1. Inspection regime and objects:
9.1.1. Inspection of norms shall be conducted for all goods items in one of the following cases:
9.1.1.1. Enterprises perform processing contracts for the first time.
9.1.1.2. Enterprises are detected having committed norm-related violations:
- Enterprises have committed acts of norm fraudulence;
- Enterprises are detected having imported goods in excess of those stated in their customs declarations, for import goods; or having exported goods in deficit as compared to their customs declarations, for export goods.
9.1.1.3. Customs offices have grounds to doubt that the norms registered by enterprises with them are inaccurate and untruthful;
9.1.1.4. Enterprises fail to well observe the regime of management and use of invoices and vouchers (as notified by the local Tax Departments).
After 12 months, if enterprises do not relapse into violation (for the cases mentioned at Point 9.1.1.2) or are notified by the local Tax Departments that they have well observed the regime of management and use of invoices and vouchers (for the cases mentioned at Point 9.1.1.4), they may shift to apply the inspection regime prescribed at Point 9.1.2 below.
9.1.2. Probability inspection: For other cases, the customs office shall conduct the probability inspection of norms when necessary. If violations are detected, they shall shift to the regime of inspection of all goods items as prescribed at Point 9.1.1 above.
9.2. Inspection measures:
The General Department of Customs shall guide the norm inspection measures.
10. The liquidation of processing contracts or processing contract annexes must be completed within 90 days after the termination thereof (except for the cases prescribed at Point 10.4 below). More concretely as follows:
10.1. Within 45 days after the termination of processing contracts, processing enterprises shall have to submit complete dossiers for contract liquidation according to the provisions of Section VIII, Part 2 of this Regulation (including the plans on disposal of surplus raw materials, temporarily imported machinery and equipment, discarded materials and defective products) to the customs offices.
Processing contracts of a term of over 01 year should be split into small annexes with the implementation duration of no more than one year each. The time limit for submitting liquidation dossiers of processing contract annexes shall be the same as the time limit for submitting liquidation dossiers of processing contracts.
10.2. Within 15 days after enterprises submit complete liquidation dossiers, the customs sub-departments managing processing contracts must complete the inspection and comparison of liquidation dossiers.
10.3. Within 30 days after customs offices complete the inspection and comparison of liquidation dossiers, enterprises shall have to carry out the customs procedures for disposing surplus raw materials; temporarily imported machinery and equipment; discarded materials and defective products (if any) according to the provisions of Point 1.3, Section VIII, Part 2 of this Regulation.
10.4. In some special cases, the time limit prescribed at Points 10.1 and 10.3 shall be extended but the total extension duration must not exceed 30 days. Such extension shall be considered and decided by the directors of the provincial/municipal Customs Departments.
10.5. The customs sub-departments managing the processing contracts must organize the monitoring of the liquidation of processing contracts/processing contract annexes. If enterprises violate the time limit prescribed at Point 10.1 or Point 10.3 above, the customs sub-departments shall make written records on administrative violations in the State management over customs and issue sanctioning decisions. The sanctioning decisions must contain provisions requesting enterprises to complete the liquidation of processing contracts within the time limit prescribed for executing the sanctioning decisions. Past the time limit for executing decisions on sanctioning administrative violations, if enterprises still fail to complete the liquidation, they shall be handled as follows:
10.5.1. If raw materials, borrowed machinery and equipment, discarded materials and defective products are not on the list of goods banned from import or temporarily suspended from import, immediately after the time limit for executing administrative violation-sanctioning decisions expires, the customs sub-departments managing the processing contracts shall base themselves on import declarations kept at the customs offices (for cases of failure to submit liquidation dossiers) or results of liquidation comparison (for cases where enterprises have already submitted liquidation dossiers but violated the provisions of Point 10.3 above) to temporarily calculate import tax and issue tax notices to enterprises. Within 30 days after the tax notices are issued, if enterprises still fail to conduct the liquidation of processing contracts/contract annexes, the coercive measures regarding the customs procedures for importing (including cases of import for trading purposes) the subsequent goods lots of enterprises shall be applied.
10.5.2. If raw materials, borrowed machinery and equipment, discarded materials and defective products are on the list of goods banned from import or temporarily suspended from import, the directors of the provincial/municipal Customs Departments managing the processing contracts shall request in writing the enterprises to conduct liquidation and re-export their in-stock goods. Within 30 days after receiving such written requests, if enterprises still fail to do so, they shall be handled according to the provisions of Clause 4, Article 34 of the Government's Decree No. 138/2004/ND-CP of June 17, 2004 on sanctioning of administrative violations in the customs domains.
11. The customs procedures for import of machinery and equipment rented or borrowed in service of processing; import of sample goods for processing; import of processed products for re-processing; re-export of imported raw materials shall be carried out as follows:
11.1. The customs procedures for machinery and equipment borrowed in service of processing shall be carried out as for goods temporarily imported for re-export within the time limit prescribed in Article 33 of the Customs Law.
11.2. The customs procedures for rented machinery and equipment shall comply with the legal document guiding the implementation of the Regulation on renting of machinery and equipment of foreign countries, promulgated together with the Trade Minister's Decision No. 1447/1999/QD-BTM of December 10, 1999.
11.3. The customs procedures for machinery, equipment, supplies and accessories lent or supplied by the processees for performance of processing contracts but are not exempt from tax shall be carried out as for goods imported for trading.
11.4. The customs procedures for sample goods exported or imported for use as models for processing shall be carried out as for non-commercial goods (with the use of non-commercial declaration form HQ/2002/PMD promulgated together with Decision No. 1473/QD-TCHQ of May 24, 2002 of the General Director of Customs).
Sample goods for use as models for processing must satisfy the following conditions: Appearance of such goods can only be used as models for processing and have no commercial value; voucher sets of goods lots are vouchers for sample goods. For each imported sample goods item, only five units are permitted to be imported.
11.5. The customs procedures for cases of re-export of imported raw materials in the course of performance of processing contracts at requests of processees shall be carried out as for re-export of surplus raw materials after the termination of processing contracts.
11.6. The customs procedures for processed products re-imported for re-processing shall comply with the separate documents prescribing the customs procedures for returned export goods.
Part 2
CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS PROCESSED FOR FOREIGN TRADERS
I. PROCEDURES FOR RECEIVING PROCESSING CONTRACTS
1. Responsibilities of enterprises:
At least one day before filling in the procedures for importing the first goods lot of a processing contract, enterprises shall submit and produce customs dossiers for customs offices to carry out the procedures for receiving the contract.
The customs dossier comprises:
- The processing contract and enclosed contract annexes (if any): one original and one translation (if the contract is made in a foreign language);
- The business registration certificate or investment license for foreign-invested enterprises (if procedures are carried out for first-time reception): one photocopy;
- The certificate of registration of export and import business code: one photocopy;
- The Trade Ministry's permit, if the to be-processed goods are on the list of goods banned by the Vietnamese State from export or import and temporarily suspended from export or import; or permit of a specialized agency, if the to be-processed goods require such a permit according to the documents guiding the specialized export and import management: one photocopy to be submitted and the original to be produced;
The director of the enterprise or person authorized by him/her shall sign for certification, affix seal and be held responsible before law for the translations and photocopies mentioned above and hereinafter.
2. Tasks of customs officers when receiving contracts:
2.1. To check the completeness and validity of dossiers as prescribed.
2.2. To compare contents of processing contracts with the provisions of Article 12 of Decree No. 57/1998/ND-CP of July 31, 1998.
2.3. To inscribe date (day, month, year) of reception; give their signatures and full names; affix seals of customs sub-departments (according to form 02 in the Appendix to Decision No. 1200/2001/QD-TCHQ of November 23, 2001) on the contracts and other papers enclosed therewith; make entries to reception book and monitor performance of processing contracts.
The books for reception and monitoring the performance of processing contracts contain the following indexes: ordinal numbers; names and addresses of enterprises; full names, addresses and serial numbers of identity cards of enterprises' directors; serial numbers of processing contracts, date of signing contracts; processees (names and addresses); to be-processed goods items; contract terms; date of submission of liquidation dossiers and date of completion of liquidation.
2.4. To keep originals and translations of contracts and contract annexes (if any) enclosed therewith and photocopies of other papers for monitoring; and return the other papers to goods owners.
2.5. To load into computers data of contracts/contract annexes according to the criteria available in computers.
II. PROCEDURES FOR IMPORTING RAW MATERIALS
1. Customs dossiers when carrying out the procedures for importing each goods lot:
1.1. Papers which must be submitted:
- Declaration of import goods: two originals;
- Bill of lading: one copy of the original or surrendered version or the original of the bill of lading inscribed with word "copy";
- Commercial invoice: one original;
- Detailed list of goods (if packing materials are not homogenous): one original and one photocopy.
1.2. Papers which must be additionally submitted:
- Written registration for quarantine (for goods requiring quarantine): one original;
- The Trade Ministry's permit, if imported raw materials are on the list of goods banned from import, temporarily suspended from import or imported under the Trade Ministry's permit: one photocopy;
- The specialized management agency's permit, if imported raw materials are goods which, according to the separate regulations on processed goods, require specialized management agency's permit: one photocopy.
1.3. Papers which must be produced:
Permits mentioned at Point 1.2. above: one original for customs offices to issue cards for monitoring reconciliation (for import of the first raw materials lot of a contract) or one original enclosed with reconciliation-monitoring cards (for cases where such cards have already been issued by customs offices).
2. The customs procedures for importing lots of processing raw materials shall be carried out as for goods imported under purchase and sale contracts prescribed in Decision No. 56/2003/QD-BTC of April 16, 2003, but without the step of tax calculation inspection. Besides, the followings must be additionally performed:
2.1. For customs officers:
2.1.1. Upon registration of declarations: Customs officers performing this task must fully inscribe the serial numbers and date of declarations in the declarations list made according to form 08/HQ-GC. Such list shall be kept at customs offices for comparison with lists of enterprises when liquidation procedures are carried out.
2.1.2. Upon the inspection of actual state of goods: Goods inspectors must take samples of principal raw materials for keeping to the witness of goods owners (except for cases where goods samples, cannot be taken or kept, due to the goods' nature). Goods inspectors must inscribe fully and accurately the criteria in sampling cards according to form 07/HQ-GC and affix customs seals on kept samples together with their sampling cards; and give certification that samples of raw materials have been taken (clearly stating the categories of sampled raw materials) in the customs declarations; then hand over samples of raw materials to enterprises for preservation.
Such sampling shall also apply to goods lots exempt from the actual goods inspection.
2.2. For enterprises:
- To preserve raw materials' samples till the liquidation of processing contracts;
- To produce such raw materials' samples to customs offices upon the inspection of export processed products or in some cases where customs offices so request;
3. The customs procedures for import goods lots transferred from a border-gate to another must go through actual goods inspection at the import border-gates and the import goods lots exempt from inspection shall comply with the provisions of Decision No. 53/2003/QD-BTC of April 16, 2003 and Decision No. 145/2003/QD-BTC of September 12, 2003. Besides, the followings must be additionally performed:
3.1. For customs sub-departments managing processing contracts: The provisions of Point 2.1.1 above shall apply. Directors of customs sub-departments shall decide which raw materials need to be sampled (also applicable to goods lots exempt from actual goods inspection).
3.2. For customs sub-departments of import border-gates: They shall take samples of raw materials under decisions of customs sub-departments managing the processing contracts; make sampling cards, seal up and hand over samples to enterprises for preservation according to the provisions of Point 2.1.2 above.
3.3. For enterprises: The provisions of Point 2.2. above shall apply.
4. For customs sub-departments applying information technology to the management of processed goods:
- Upon registering declarations, they must load into computers figures of declarations according to the criteria available in computers or in comparison with the figures transmitted by enterprises;
- After obtaining the goods inspection results, they must load into computers the actual import figures.
5. The customs procedures for processing contracts or annexes thereof involving the application of the mode of single registration of declarations shall comply with the legal documents on single registration of declarations.
6. The customs procedures for raw materials imported by mode of on-spot import shall comply with the Finance Ministry's Decision No. 153/2002/QD-BTC of December 17, 2002.
7. The customs procedures for finished products supplied by the processees for being affixed on or packed together with processed products into complete goods items for export to foreign countries shall be carried out as for processing raw materials, if the following conditions are met:
- Names of finished products and purposes of supply thereof for affixture on or packing together with processed products into complete goods items for export to foreign countries must be clearly stated in processing contracts or supplementary annexes thereof;
- The list of use norms of raw materials for processed products must contain norms of such finished products.
III. CUSTOMS PROCEDURES FOR RAW MATERIALS SUPPLIED BY PROCESSORS THEMSELVES FOR PROCESSING CONTRACTS
1. For cases where supplied raw materials are purchased by enterprises in the Vietnamese market:
1.1. Raw materials supplied by processors must be agreed upon in processing contracts or contract annexes in terms of names, norms, wastage rates, volumes, unit prices, payment modes and deadlines.
1.2. When purchasing raw materials for supply, enterprises shall not have to carry out customs procedures but have to ask for permits of competent agencies if supplied raw materials are on the list of export goods requiring permits.
1.3. When carrying out procedures for exporting processed products, enterprises must clearly state the names, norms, actual wastage rates, consumed volumes of supplied raw materials corresponding to export products for calculation of export tax thereon (if any) and the customs offices shall make reconciliation into permits (if supplied raw materials are on the list of export goods requiring permits of competent agencies).
If at the time of product export, enterprises fail to make declaration strictly according to this Regulation, the supplied raw materials shall not be included in the liquidation of processing contracts. For cases where supplied raw materials are on the list of export goods requiring permits of competent agencies, if enterprises, when carrying out procedures for exporting their products, fail to make declaration or make declaration but cannot produce the permits, they shall, depending on the seriousness of their violations, be handled according to law provisions.
2. For cases where raw materials are directly purchased by enterprises from foreign countries for supply for processing contracts:
2.1. The supply conditions shall comply with Point 1.1. above.
2.2. The customs procedures:
- The procedures for importing raw materials shall be carried out as for import thereof for exports production.
- When carrying out the procedures for export of processed products, enterprises must clearly state the names; used volumes; norms and actual wastage rates; serial numbers and dates of import declarations of raw materials imported for exports production and already used for production of export processed goods lots.
- Liquidation of import declarations of raw materials which are imported for production of export goods; export declarations are processing export declarations; norms of raw materials are norms of processing contracts; export contracts are processing contracts.
3. When liquidating processing contracts or processing contract annexes, enterprises must enumerate all raw materials already supplied for such processing contracts/processing contract annexes into the lists made according to form 04/HQ-GC.
IV. PROCEDURES FOR EXPORTING PROCESSED PRODUCTS:
1. Customs dossiers:
1.1. Papers which must be submitted
- Export declaration: two originals;
- Detailed list of goods of export goods lot: two originals;
- Table of norms of each goods item included in export goods lot (for norms of goods items not yet registered with the customs offices): two originals;
- Declaration of raw materials supplied by enterprises themselves (if any) corresponding to the volume of processed products stated in the export declaration (form 11/HQ-GC): two originals.
1.2. Papers which must be additionally submitted:
- Permits of competent agencies if the processees supply raw materials on the list of export goods requiring permits: one photocopy.
1.3. Papers which must be produced:
Permits mentioned at Point 1.2 above: one original for comparison with the photocopy submitted upon the issuance of reconciliation-monitoring cards, or one original enclosed with reconciliation-monitoring cards (if such cards have been granted by customs offices).
2. The customs procedures for exporting processed products shall be carried out as for goods exported under purchase and sale contracts prescribed in Decision No. 56/2003/QD-BTC of April 16, 2003, but without the step of tax calculation inspection (except where products are processed from self-supplied raw materials purchased in the Vietnamese market, and export tax must be imposed on such raw materials). Besides, the followings must be additionally performed:
2.1. For customs officers:
- Upon the registration of export declarations, customs officers registering declarations must inspect the registration of norms for goods items stated in export declarations (for goods items without registered norms, enterprises shall be requested to submit tables of norms for registration); then inscribe serial numbers and dates of declarations in the export declarations list (according to form 09/HQ-GC) like when registering import declarations.
- For export goods lots decided to be subject to actual goods inspection, they shall, when conducting the inspection, have to compare the kept samples of principal raw materials with the raw materials constituting the products, and compare the table of norms with the actually exported products.
2.2. Obligations of enterprises:
- To produce the kept samples of raw materials and the tables of norms already registered with customs offices for comparison;
- For export goods lots exempt from actual goods inspection, or for cases where samples of raw materials cannot be taken or raw materials are transformed in production process (for example, woolen fiber must be bleached and dyed before weaving), where customs offices cannot make the comparison, enterprises shall take responsibility for the use of right imported raw materials of processing contracts.
3. For customs sub-departments applying information technology to the management of processed goods:
- Upon registering declarations, they must load into computers figures of declarations according to the criteria available in computers or check figures transmitted by enterprises;
- After obtaining the actual goods inspection results, they must load into computers the actual export figures.
4. The customs procedures for processing contracts or annexes thereof involving the application of the mode of single registration of declarations shall comply with the legal documents on single registration of declarations.
5. The customs procedures for lots of processed products exported by mode of border-gate transfer shall be carried out as for export goods transferred from one border-gate to another prescribed in Decision No. 53/2003/QD-BTC of April 16, 2003 and Decision No. 145/2003/QD-BTC of September 12, 2003.
For goods lots subject to the actual goods inspection at border-gates, enterprises shall produce the kept samples of raw materials and the tables of norms already registered with customs offices for comparison; border-gate customs sub-departments shall have to make the comparison of the kept samples of raw materials and the tables of norms according to the provisions of Point 2.1 above.
V. PROCEDURES FOR ON-SPOT EXPORT AND IMPORT OF PROCESSED PRODUCTS
1. The conditions for on-spot export and import shall comply with the provisions of Clause 11, Article 1 of the Government's Decree No. 44/2001/ND-CP of August 2, 2001 and Points 1.2 and 1.3, Part II of the Trade Ministry's Circular No. 20/2001/TT-BTM of August 17, 2001. Completely processed products imported on spot for direct consumption (not for use as production raw materials) shall strictly comply with the Regulation on goods labeling, promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 178/1999/QD-TTg of August 30, 1999.
2. Customs procedures:
2.1. For processed products imported on spot for use as production raw materials:
- The customs declarations and customs procedures shall comply with the provisions of Points 4 and 5, Section I and Section III of the Regulation on customs procedures for goods exported, imported on spot, promulgated together with the Finance Ministry's Decision No. 153/2002/QD-BTC of December 17, 2002.
- The customs dossiers for on-spot export shall be the same as those for carrying out procedures for exporting processed products to foreign countries. The customs dossiers for on-spot import shall be the same as those for carrying out procedures for importing goods from foreign countries (excluding bills of lading).
2.2. For completely processed products imported on spot for direct consumption, the customs procedures shall be carried out at customs sub-departments managing the processing contracts with products for on-spot export. More concretely as follows:
2.2.1. Enterprises processing for foreign traders shall:
- Carry out procedures for registering on-spot export declarations as for export of processed products to foreign countries (using declaration form HQ/2002-XK promulgated together with Decision No. 1257/2001/QD-TCHQ of December 4, 2001).
- Produce goods to customs offices for inspection.
2.2.2. Importing enterprises shall carry out the procedures for registering on-spot import declarations (using declaration form HQ/2002-NK promulgated together with Decision No. 1257/2001/QD-TCHQ of December 4, 2001) and observe the policies on goods import and tax policies toward import goods in strict compliance with law provisions.
2.2.3. Customs sub-departments managing processing contracts shall:
- Register on-spot export declarations for processing enterprises as for the export of processed products to foreign countries;
- Register on-spot import declarations for importing enterprises as for lots of goods imported from foreign countries (customs dossiers do not require bills of lading);
- Conduct the actual goods inspection as for processed goods exported to foreign countries; then inscribe the goods inspection results in both the export declarations and the import declarations;
- Conduct the tax calculation inspection;
- Give certification of completion of customs procedures in both the export declarations and the import declarations;
- Give certification of actual export in the export declarations (inscribing serial numbers, dates and signs of corresponding import declarations, places of registration and places of delivery);
- Return the import declarations (kept by goods owners) to on-spot importing enterprises; and return the export declarations (kept by goods owners) to processing enterprises. The remaining dossiers shall be kept by customs sub-departments according to regulations.
VI. PROCEDURES FOR DELIVERING AND RECEIVING INTERMEDIARY PROCESSED PRODUCTS
1. Tasks of enterprises in delivering and receiving goods:
- On the basis of written designations by processees, enterprises delivering intermediary processed products (deliverers) and enterprises receiving intermediary processed products (receivers) shall organize by themselves the delivery and reception according to the steps prescribed at Point 3 below.
- The directors of the deliverers and the receivers shall be held responsible before law for delivering and receiving the right products as stated in declarations of intermediary processed products (hereinafter referred to as intermediary declarations).
- The directors of the deliverers shall take responsibility for the production of intermediary processed products from imported raw materials of processing contracts.
- If processing contracts turning out intermediary processed products (delivery processing contracts) and processing contracts using intermediary processed products as processing raw materials (reception processing contracts) are held by the same processing enterprise, such enterprise shall perform the tasks of both the deliverer and the receiver.
2. Intermediary declarations shall be used as vouchers for liquidation of processing contracts if they meet the following requirements:
2.1. For delivery processing contracts:
- The criteria in declarations must be fully declared without being erased and/or crossed out and accompanied with certifications, signatures and seals of four parties: the deliverer, the receiver, the customs office managing the delivery processing contracts (the deliverer's customs office), and the customs office managing the reception processing contracts (the receiver's customs office).
- The time for producing declarations to the deliverer's customs office for its certification thereon must be within the valid duration of the delivery processing contracts and within 15 days after the receiver's customs office gives signature for certification of customs procedure completion in such declarations.
2.2. For reception processing contracts:
- The criteria in declarations must be fully declared without being erased and/or crossed out and accompanied with certifications, signatures and seals of three parties (excluding the deliverer's customs office).
- The time for producing declarations to the receiver's customs office for its certification thereon must be within the valid duration of the reception processing contracts and within 15 days after the deliverer makes the intermediary declarations.
3. The process of customs procedures:
Step 1:
- The deliverer shall fully declare the criteria for declarations by goods deliverers, clearly stating the date, giving signature and affixing seal on the prescribed box in the four declarations (form HQ/2004-GCCT printed by the General Department of Customs).
- It shall deliver products enclosed with four declarations to the receiver.
Step 2:
- After fully receiving products and the four customs declarations already filled, signed and sealed by the deliverer, the receiver shall fully fill the criteria for goods receiver, clearly stating the date, giving signature and affixing seal on the prescribed box in the four declarations.
- It shall bring the customs dossiers consisting of four declarations, written designation by the processee and samples of intermediary processed products to the receiver's customs office for registration of declarations.
Step 3:
The receiver's customs office shall:
- Receive customs dossiers and samples of intermediary processed products.
- Carry out the registration of declarations; inscribe the serial numbers and dates of declarations in the import declarations list (form 08/HQ-GC); then make sampling cards and seal up goods samples according to regulations.
- Certify the customs procedure completion, give signatures and seals in the four declarations.
- Keep one declaration and the processee's written designation for goods reception; return three other declarations to the receiver; hand over goods samples already sealed up by the customs to the receiver for preservation and production to customs offices when carrying out procedures for exporting processed products or other cases where the customs offices so request.
The receiver shall keep one declaration and transfer two others to the deliverer.
Step 4: The deliverer, after receiving two customs declarations transferred by the receiver which contain declared contents, signatures and seals of the receiver and the receiver's customs office, shall bring them and the written designation for goods delivery to the deliverer's customs office for registration of declarations.
Step 5: The deliverer's customs office shall:
- Receive customs dossiers (consisting of two customs declarations with full declarations, signatures and seals of the deliverer, the receiver and the receiver's customs office; and the processee's written designation for goods delivery).
- Register declarations; fill the export declarations list (form 09/HQ-GC) according to regulations; certify the completion of customs procedures; and give signatures and seals in both declarations.
- Return to the deliverer one declaration; and keep one declaration and the written designation for goods delivery.
At the above-said steps, if the delivery processing contracts and reception processing contracts are managed by the same customs sub-department, such customs sub-department shall perform the tasks of both the deliverer's customs office and the receiver's customs office.
The procedures for forwarding intermediary processed products shall also apply to cases where delivery processing contracts and reception processing contracts have different processees.
VII. CUSTOMS PROCEDURES FOR PROCESSED PRODUCTS USED FOR PAYMENT OF PROCESSING REMUNERATIONS
Customs procedures for receiving processed products as payment of processing remunerations shall be the same as those prescribed for on-spot export or import of processed products in Section V above. The purchase and sale contracts shall be replaced by written agreements between the processees and processors on payment of processing remunerations with processed products.
Enterprises must fully observe the import goods management policies and tax policies for processed products used for payment of processing remunerations as for goods imported from foreign countries; comply with the provisions of the Regulation on labeling domestically circulated goods and export as well as import goods, promulgated together with the Prime Minister's Decision No. 178/1999/QD-TTg of August 30, 1999. Such processed products shall be included in the liquidation of processing contracts.
VIII. PROCEDURES FOR LIQUIDATING PROCESSING CONTRACTS
1. Procedural process of liquidation:
1.1. Enterprises submit liquidation dossiers (Step 1):
Each liquidation dossier comprises two sets of tables and forms to be submitted, enclosed with originals of customs declarations (kept by goods owners) to be produced, including:
- The sum-up table of imported raw materials (form 01/HQ-GC), enclosed with import declarations (including on-spot import declarations; declarations of reception of intermediary processed products; declarations of reception of raw materials transferred from other processing contracts), or single import declarations if the mode of registration of single declarations is applied.
- The sum-up table of export processed products (form 02/HQ-GC), enclosed with export declarations of products (including on-spot export declarations; declarations of delivery of intermediary processed products; declarations of transfer of raw materials to other processing contracts in the course of performance of processing contracts), or single export declarations if the mode of registration of single declarations is applied.
- The sum-up table of temporarily imported machinery and equipment (form 03/HQ-GC), enclosed with temporary import declarations of borrowed machinery and equipment; declarations of reception of machinery and equipment from other processing contracts (if any).
- The sum-up table of raw materials supplied by the processor (if any) (form 04/HQ-GC), enclosed with declared lists of supplied raw materials upon the export of products and purchase invoices or import declarations (if they are supplied from imported sources).
- The sum-up table of raw materials used for the production of export products (form 05/HQ-GC).
- The written liquidation of processing contract (form 06/HQ-GC).
Directors of enterprises shall give their signatures and affix seals (heads of individual business households shall give their signatures and inscribe their full names, as well as serial numbers and places of issuance of their identity cards) in tables and forms prescribed above and take responsibility before law for liquidation dossiers submitted to the customs offices.
1.2. Customs offices inspecting liquidation dossiers (Step 2) shall:
- Check the completeness and validity of liquidation dossiers;
- Compare serial numbers and dates of declarations listed by goods owners in liquidation dossiers with those listed by customs offices in tables 08/HQ-GC and 09/HQ-GC.
- Check and compare figures in declarations with figures declared by enterprises in liquidation dossiers.
- Check and compare other figures in the dossiers (for computerized liquidation of processed products, comparison shall be made between liquidation forms printed from computers with those submitted by enterprises).
- Certify checking and comparison results in the written liquidations of processing contracts (form 06/HQ-GC) and return to enterprises the already produced declarations.
- If detecting frauds in liquidation dossiers, make written records on such violations for handling according to law provisions. If detecting signs of frauds related to norms or other signs of frauds, report such to the heads of the sub-departments for transferring them to the post-customs clearance inspection sections.
- The time for checking and comparison shall comply with the provisions of Point 10, Part I of this Regulation.
1.3. Handling of surplus raw materials, discarded materials, defective products, borrowed machinery and equipment (Step 3):
For processing contracts having surplus raw materials, discarded materials, defective products, borrowed machinery and equipment, the customs procedures shall be carried out according to one of the following modes:
1.3.1. The on-spot export/import mode, if such surplus raw materials, discarded materials, defective products, borrowed machinery and equipment are sold by the processees to Vietnamese enterprises after the processing contracts terminate.
1.3.1.1. The on-spot export/import conditions shall comply with the provisions of the Government's Decree No. 44/2001/ND-CP of August 2, 2001 and the Trade Ministry's guidance in Circular No. 20/2001/TT-BTM of August 17, 2001.
1.3.1.2. Customs procedures:
- Customs procedures shall comply with the provisions of Point 2.1, Section V above (in cases where the importing enterprises are concurrently the processors, only one copy of a customs declaration kept by goods owner and another copy kept by customs office are required).
For a processing contract split into many annexes for execution, box 43 of declaration form HQ/2002-TC shall be inscribed with the serial number and date of the annex having on-spot export goods.
- After completing the customs procedures, the customs sub-departments carrying out the on-spot export procedures shall photocopy declarations and keep such photocopies together with the dossiers of processing contracts according to current regulations; and return declarations (versions kept by goods owners) and the produced vouchers to enterprises.
- On-spot importing enterprises must pay taxes according to the provisions of the current tax laws as for goods imported from foreign countries.
1.3.2. Re-export to foreign countries: The customs procedures shall be carried out as for other re-export goods lots. Goods inspectors must compare re-exported raw materials with the kept raw material samples taken upon their import.
1.3.3. Transfer to other processing contracts as designated by processees:
- The procedures for transferring surplus raw materials, machinery and equipment to other processing contracts for further use shall comply with the provisions of Section VI above. The receiver's customs office shall compare the kept raw material samples taken upon their import with the transferred raw materials, and if they match, take new samples for contracts receiving raw materials (for raw materials requiring sampling, enterprises must not use them before the customs offices make the comparison of samples).
- If both processing contracts are performed by the same processing enterprise, such enterprise shall perform the tasks of both deliverer and receiver.
- If both processing contracts are managed by the same customs sub-department, such customs sub-department shall perform the tasks of both deliverer's customs office and the receiver's customs office.
- These procedures shall also apply to cases of transferring raw materials, borrowed machinery and equipment according to the processees' designations when delivery processing contracts are being performed, and to cases of different processees.
1.3.4. Donation:
1.3.4.1. The customs dossier shall comprise:
- Customs declaration form (non-commercial goods declaration form), clearly stating "goods are under processing contract No.... date.... processing enterprise...."
- The processee's written pledge of donation.
- The Trade Ministry's written consent if donated goods are on the list of goods banned from import, temporarily suspended from import or requiring the Trade Ministry's permits; the specialized agencies' permits if import goods require such permits.
1.3.4.2. The customs procedures and tax policy shall comply with regulations on donated goods. After completing procedures for a goods lot, the customs office shall duplicate the declaration and hand the duplicate to the processing enterprise (if the donee is not the processor), keep one photocopy of the declaration in the processing contract, and keep the declaration original (the version kept by customs) according to regulations, and return to the donee the declaration original (the version kept by goods owner).
1.3.5. Destruction of discarded materials and defective products if processees request the destruction thereof in Vietnam:
1.3.5.1. The destruction shall be conducted after the termination of processing contracts/annexes thereof or in the course of performance of processing contracts.
1.3.5.2. Before conducting the destruction, enterprises must ask for the Trade Ministry's permission if the discard materials and defective products to be destroyed are on the list of goods banned from import or goods imported with permits; and asks for permission of the environmental management agency if the destruction of discarded materials and defective products affects the environment. If the Trade Ministry or the environmental management agency does not permit the destruction thereof in Vietnam, enterprises must re-export them to the processees.
1.3.5.3. The customs procedures for supervising the destruction shall be as follows:
- Enterprises shall send to customs sub-departments managing processing contracts written notices of destruction time and place, enclosed with written agreements of processees and written approvals of the Trade Ministry (for cases where destruction requires the Trade Ministry's permission).
- The customs sub-departments managing processing contracts shall send two customs officers to supervise the destruction process.
- Enterprises shall organize by themselves the destruction and be answerable to the environmental management agency for the impact of the whole destruction process on the environment.
- Upon the completion of the destruction, the involved parties must make written records certifying the destruction in compliance with regulations. Such written records must be signed by directors and affixed with seals of enterprises having their materials or products destroyed; and contain full names and signatures of customs officers supervising the destruction and persons assigned by enterprises' directors to conduct the destruction.
1.4. Certification of completion of liquidation procedures (Step 4):
- After enterprises complete the above-prescribed step 3, the customs offices shall give certification of completion of liquidation procedures in both liquidation forms of processing contracts (form No. 06/HQ-GC). Certification must clearly state: surplus raw materials; borrowed machinery and equipment (if any) already transferred to which processing contracts/annexes thereof and under which declarations; or re-exported, domestically consumed or donated under which declarations; discarded materials and defective products already domestically consumed, donated or re-exported under which declarations or destroyed under which written records. Then, they shall affix stamps certifying the completion of liquidation procedures (stamp model No. 05 in the Appendix promulgated together with Decision No. 1200/2001/QD-TCHQ of November 23, 2001).
- They shall return one liquidation dossier set to enterprises and keep the other set.
2. Liquidation procedures when the method of certifying liquidation first and inspecting liquidation dossiers later is applied:
At customs sub-departments where the liquidation is currently conducted by the manual method, enterprises shall be classified. Enterprises falling into the subjects mentioned at Point 9.1.2, Part 1 of this Regulation and having gone through liquidation without any faults shall proceed with step 3 and step 4 right after completing step 1.
Within 30 days after enterprises submit complete liquidation dossiers as prescribed, liquidation sections of customs offices shall have to complete step 2 in liquidation dossiers kept at customs offices. If detecting violations, they shall make written records thereon and handle them according to law provisions.
3. Handling of cases where enterprises have been dissolved or ceased operation but still have unliquidated processing contracts:
3.1. For enterprises which have strictly complied with the regulations on procedures for dissolution but still have raw materials or machinery and equipment rented or borrowed for processing but not yet re-exported:
3.1.1. Customs sub-departments managing processing contracts shall regularly contact local tax departments and business registration agencies, use press channel and apply other measures to update information on dissolved enterprises.
3.1.2. They shall calculate taxes on surplus raw materials, rented and borrowed machinery and equipment (not on the list of goods banned from import) not yet re-exported for collection of tax arrears according to the provisions of the Finance Ministry's Circular No. 66/2002/TT-BTC of August 6, 2002 (if dissolved enterprises are State enterprises), the Government's Decree No. 24/2000/ND-CP of July 31, 2000 (if dissolved enterprises are foreign-invested enterprises), Article 112 of the Enterprise Law for other dissolved enterprises and Article 46 of the Cooperative Law for dissolution of cooperatives.
3.1.3. If enterprises undertaking to process banned goods fail to fully export them, they may request the liquidation boards or liquidation teams to do so. Where enterprises consume such goods without permission, they shall be handled according to the provisions of Point 3.2 below.
3.2. For enterprises dissolving themselves but failing to strictly comply with law provisions on the order and procedures for enterprise dissolution (without notices on enterprise dissolution, without dissolution decisions, etc.) and still having surplus raw materials and rented or borrowed machinery and equipment:
Depending on the nature and seriousness of their violations, persons committing violation acts shall be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability according to law provisions.
Customs sub-departments managing processing contracts shall transfer dossiers to customs units performing the task of anti-smuggling investigation under the provincial/municipal Customs Departments for verification, investigation and handling (or transfer to competent authorities or functional agencies for handling) of violators according to law provisions.
3.3. If the above-said enterprises still have unliquidated processing contracts though in fact they have fully re-exported processed products, the customs sub-departments managing the processing contracts shall base themselves on the dossiers they keep to make the liquidation by themselves and take responsibility for such liquidation's figures.
Part 3
CUSTOMS PROCEDURES FOR ORDERING GOODS PROCESSING OVERSEAS
I. PROCEDURES FOR RECEIVING PROCESSING CONTRACTS:
1. Responsibilities of enterprises:
Before filling in the procedures for exporting the first goods lot of a processing contract, enterprises shall have to submit and produce dossiers to customs offices for carrying out the procedures for receiving contracts.
Dossiers to be submitted and produced include:
- The processing contract and enclosed annexes (if any): two originals;
- The business registration certificate or investment license: one photocopy;
- The export/import business code registration certificate: one photocopy;
- The permit of the Trade Ministry or the competent State agency (if the goods exported for performance of processing contracts and imported processed products are on the list of goods banned from export or import; temporarily suspended from export or import; exported or imported with permits of the Trade Ministry or specialized management agencies): one photocopy to be submitted, the original to be produced.
- The specialized management ministry's written certification that the processing stage ordered overseas cannot be performed in Vietnam or has been performed in Vietnam but with quality not up to the requirements: one photocopy to be submitted, the original to be produced.
2. Tasks of customs officers receiving processing contracts shall comply with Section I, Part 2 of this Regulation.
II. PROCEDURES FOR EXPORTING RAW MATERIALS:
1. Customs dossiers shall be the same as dossiers of export lots of processed products, but permits of competent agencies (if exported raw materials are on the list of goods banned from export, temporarily suspended from export or exported with permit of the Trade Ministry or the specialized management agency) must be additionally produced for reconciliation by customs offices.
2. The customs procedures shall comply with the procedural process for export of processed products, prescribed at Point 2, Section IV, Part 2 of this Regulation, only with taking of samples of raw materials instead of comparison of samples in the goods inspection.
III. PROCEDURES FOR IMPORTING PROCESSED PRODUCTS:
1. Customs dossiers shall be the same as dossiers for mode of import for trading purpose, with customs declarations registered according to the mode of import for processing.
2. The customs procedures shall comply with the procedural process for goods imported under purchase and sale contracts, prescribed in Decision No. 56/2003/QD-BTC of April 16, 2003.
When making customs declarations, if processed products are made from raw materials purchased from overseas, enterprises must clearly state the categories and volumes of raw materials purchased overseas in import goods lots to serve as basis for import tax calculation.
Upon actual goods inspection, samples of raw materials taken upon their export must be compared with raw materials constituting the products.
3. Tax policy shall comply with the regulations on taxes on products processed overseas.
IV. PROCEDURES FOR LIQUIDATING PROCESSING CONTRACTS:
Step 1: Enterprises submit liquidation dossiers, comprising:
- The sum-up list of export raw materials (two originals) enclosed with export declarations;
- The sum-up list of imported products (two originals) enclosed with import declarations;
- The sum-up list of raw materials used for production of imported processed products: two originals;
- The sum-up list of raw materials purchased overseas for production of imported processed products: two originals;
- The written liquidation of the processing contract: two originals.
Step 2: Customs offices check and compare liquidation dossiers:
This step shall be conducted as for processing for foreign countries.
Step 3: Calculation of export tax on processed products sold overseas and handling of surplus raw materials, machinery and equipment temporarily exported in service of processing. The handling of surplus raw materials and temporarily exported machinery and equipment shall be conducted as follows:
1. Re-import into Vietnam:
- For re-import into Vietnam of raw materials, machinery and equipment previous exported to foreign countries in service of processing, the procedural steps shall be carried out as for re-imported goods.
- For raw materials, machinery and equipment purchased overseas, the procedures shall be carried out as for goods imported under purchase and sale contracts.
2. Sale in foreign countries: For raw materials, machinery and equipment exported from Vietnam to foreign countries in service of processing and sold overseas, export tax shall be collected.
Step 4: Certification of completion of liquidation procedures:
This step shall be carried out as for completion of procedures for liquidating contracts on processing for foreign traders.
|
FOR FINANCE MINISTER |